Vấn đề suy dinh dưỡng của bé sẽ có thể liên quan đến việc bé hay trằn trọc khóc đêm như em mô tả. Nhiều khả năng bé bị suy dinh dưỡng kèm theo còi xương, em tham khảo xem bé nhà em có những dấu hiệu còi xương sau đây không nhé:
- Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, giật mình, ra mồ hôi nhiều
- Rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn
- Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp chậm đóng, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.
- Chuỗi hạt sườn, xương ức nhô dạng ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O. Đây là những trường hợp còi xương nặng có di chứng
- Chậm mọc răng, trương lực cơ yếu, táo bón
- Chậm phát triển vận động được biểu hiện chậm biết bò, lẫy, đi, đứng…
- Trong còi xương cấp tính trẻ có thể bị co giật do hạ can xi máu.
Bé bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D làm ảnh hưởng đến hấp thu và chuyển hóa canxi, phốt pho là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương. Bé nhà em có được phơi nắng thường xuyên mỗi sáng không? Nếu không, em nên phơi nắng cho bé và bổ sung vitamin D3 và canxi, vì thiếu vitamin D và canxi khiến bé đêm ngủ không ngon, hay vặn vẹo, quấy khóc.
Trường hợp của bé có 2 vấn đề cần quan tâm là suy dinh dưỡng và xác định xem bé có còi xương không, em nên cho bé khám dinh dưỡng để phát hiện sớm những dấu hiệu này, đồng thời điều trị cả suy dinh dưỡng và còi xương (nếu có).
Tại Hà Nội em cho bé đến khám ở Viện dinh dưỡng hoặc BV Nhi Trung ương. Khi khám BS sẽ tư vấn cho em chế độ ăn uống, bổ sung thêm thuốc bổ và dưỡng chất cần thiết cho bé, giúp bé tăng cân.