Cách bài trí bàn thờ Phật hợp phong thủy

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Cách bài trí bàn thờ Phật hợp phong thủy

19/04/2015 01:50 AM
1,830



Với những người theo đạo Phật thì tín ngưỡng thờ cúng luôn được coi trọng. Cách bài trí tượng Phật cũng có những qui tắc phong thủy nhất định. Hãy tham khảo một góc phong thủy thờ cúng trong gia đình dưới đây để đem lại vận may và sự an lành cho gia đình bạn.



Nơi thờ cúng ảnh hưởng đến gia vận?



Người xưa có câu “ẩm thủy đương tư tuyền nguyên đầu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, dịch nghĩa “khi uống nước thì phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân của cha mẹ”.

Người ta sinh ra có được sinh mệnh, được sống đến ngày nay là nhờ vào tổ tiên. Tổ tiên giống như gốc cây đại thụ nuôi dưỡng để cành lá khỏe mạnh xanh tươi, tượng trưng cho con cháu phát triển. Vì vậy, nếu không có tổ tiên duy trì nòi giống truyền từ đời này sang đời khác thì cũng không có con cháu ngày nay. Tục thờ cúng tổ tiên chính là sự ghi nhớ công ơn và là cách để chăm chút cho cái gốc của mình, gốc có tốt thì cây mới phát triển ra hoa kết trái. Người ta thường nói, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu là như vậy.

Ngoài ra, trong lịch sử tín ngưỡng người Việt, thờ cúng thần linh đã có từ lâu đời, do cuộc sống dựa chủ yếu vào tự nhiên nên người xưa lập đàn kính tế quỷ thần, mong giảm bớt thiên tai đem đến phúc lộc. Dễ dàng nhận thấy ngoài các ngôi đền lớn nhỏ ở khắp các địa phương thì ngày nay trong nhiều gia đình vẫn có bát hương thờ thần Phật để tiêu tai nạp phúc, sự nghiệp thuận lợi, hưng vượng nhân đinh, là nơi gửi gắm niềm tin của cả gia đình.

Thần Phật được thờ trong nhà giống như người khách quý nên người ta thường đặt ban thờ thần Phật ở sảnh giữa nhà, áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên. Cho dù đặt riêng hay đặt chung với bàn thờ gia tiên thì cũng đều có những nguyên tắc cần tuân thủ: Gia tiên là chủ nhân, thần minh là khách quý, có thể chấp nhận có chủ nhân nhưng không có khách, không được có khách mà không có chủ. Nếu vừa có chủ vừa có khách cùng chung một bàn thờ là lý tưởng nhất.

Nhưng cũng không phải tùy tiện thích đặt thế nào thì đặt vì vậy, người xưa cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ cúng của gia đình cũng có thể biết gia chủ có tâm hay không. Cái tâm ở đây không được đo bằng mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu mà là ở vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ ra sao cho phù hợp, trang nghiêm và sạch sẽ.

Quan niệm phong thủy thì cho rằng bàn thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người đã khuất, người chết thì thành thần, thần lại là trung gian giữa trời với người. Từ đó có thể thấy, khí trường của ban thờ ảnh hưởng rất lớn đến người trong nhà. Ban thờ sắp đặt đúng cách không chỉ khiến người đã khuất an định mà ở lại coi sóc phù hộ gia đình, nên ban thờ cũng có những quy tắc nhất định.

Sắp đặt ban thờ theo quan niệm phong thủy

Ban thờ nên quay ra cửa chính, không nên ngược với hướng nhà có thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, nô bộc phản bội hoặc con cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị ảnh hưởng. Ban thờ thần Phật thì nên đặt ở hướng chính hoặc quay bên trái, bên phải. Ban thờ gia tiên tốt nhất nên đặt ở tầng một, gian chính giữa nhà, quay ra cửa lớn để khi vừa mở cửa vào đã nhìn thấy gia tiên, tiện bề chăm sóc.

Số lượng thần Phật phải là số dương, do thần Phật thuộc dương vì vậy phải dùng số lẻ, không nên thờ cùng lúc quá nhiều thần Phật, hoặc thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau có thể gây loạn linh khí khiến người trong nhà tinh thần bất an, dễ gặp tai họa. Nếu có đặt tượng thần Phật mà tượng ấy lại bị nứt thì nên nhanh chóng thay mới do tà khí có thể xâm nhập vào.

Ban thờ có thờ chung thần Phật và bài vị tổ tiên thì thần Phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, nếu đặt ngược lại sẽ gây âm thịnh dương suy không tốt cho phong thủy, trong nhà dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt. Thông thường người ta đặt nơi thờ cúng tổ tiên trước rồi mới đến thần Phật.

Tổ tiên được coi là chủ, thần Phật được coi là khách quý, nếu mời thần Phật trước rồi mới mời tổ tiên người xưa cho rằng như vậy khiến tổ tiên nhà mình không dám vào cửa. Bài vị tổ tiên cũng không được đặt cao hơn của thần Phật. Ban thờ phải có chỗ dựa lưng, tức kê sát vách tường để linh khí được hội tụ không bị tản mát

Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát hương thờ thần không nên có tay cầm. Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương.

Bóng đèn phía trước không nên xung với ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. Ban thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài.

Số lượng thờ thần Phật nhiều nhất là 3, không nên quá nhiều dễ gây bất an. Bát hương nên dùng hình tròn không có chân đế, chất liệu bằng sứ là tốt nhất. Bát hương thông thường không nên quá đầy tro, ngày 15 âm hàng tháng có thể rút bớt chân hương cho sạch sẽ.

Bát hương thờ thần Phật nên cao hơn bát hương thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người. Khi đốt hương chỉ nên đốt một que, nếu có điều cần khấn nguyện thì đốt ba que, không nên đốt nhiều hơn dễ khiến tà linh theo vào nhà. Vật phẩm thờ cúng cũng cần chú ý một số điểm sau: thờ Phật và Quan Âm chỉ được dùng đồ chay do nhà Phật không ăn đồ tanh; thờ thần chủ yếu dùng hoa quả và phải là số lẻ 1, 3, 5, nếu cúng tổ tiên thì số lượng là hai chữ số.

Những điều cấm kị khi sắp xếp ban thờ

Người xưa quan niệm có rất nhiều cấm kị tại vị trí đặt ban thờ: Không được dựa vào trụ nhà, không được có cửa sổ bên cạnh (do không thể tụ được khí). Ban thờ cũng không được áp lưng vào nhà bếp vì có thể khiến chủ nhân dễ bị kích động, tính tình thất thường, nóng nảy, có bệnh về cột sống.

Phía sau ban thờ đặc biệt không được có nhà vệ sinh, nhà tắm do có âm khí và xú khí nặng, theo phong thủy dễ khiến “chư thần thoái vị”, chủ nhà dễ bị trúng phong, gặp ác mộng, đau lưng. Sau bàn thờ cũng không được có thang máy, cầu thang, nếu không chủ nhân dễ bị tán tài, thương tật ở lưng.

Bàn thờ không được đối diện với lò, bếp, nhà vệ sinh, kể cả hướng lệch sang bên cũng không tốt. Nếu không còn vị trí nào khác để đặt ban thờ thì nên lấy bình phong che lại. Phòng thờ không nên đặt ở nền đất vốn trước đây là nhà bếp, nhà vệ sinh do chất đất không tốt. Trên ban thờ kị đặt các vật linh tinh, dao kéo, thuốc men, không được dùng tủ thờ làm nơi cất giữ đồ đạc hoặc bể cá, vô tuyến, loa đài.

Vật liệu làm bàn thờ nên sử dụng gỗ long não, đàn hương và nên điêu khắc thủ công là tốt nhất do các loại gỗ này tránh mối mọt, có thể sử dụng từ đời này sang đời khác.

Trên bàn thờ không nên đặt chậu cây cảnh mà chủ yếu dùng hoa tươi để thờ phụng, không nên dùng hoa nhựa. Chủ nhà thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh, nên thắp hương vào sáng và tối. Người xưa quan niệm rằng nếu khói hương bay thẳng lên là tốt, nếu cuốn thành vòng tròn hoặc tản mát là có “ngoại linh đang tranh cướp”. Nếu bát hương bàn thờ thần tự nhiên bốc cháy là may mắn, nếu bát hương thờ tổ tiên cháy là điềm báo hung.

Nếu ban thờ của nhà có thờ cả họ nội và họ ngoại thì họ nội đặt bên trái, họ ngoại đặt bên phải, nhưng phải dùng vạch sơn màu đỏ phân chia rõ ràng hoặc dùng tấm vách ngăn sơn đỏ để tránh tranh chấp nhau.

Ban thờ không nên treo trên không, không có chỗ dựa lưng hoặc trên đường đi. Sở dĩ có quan niệm này vì người xưa cho rằng ban thờ là nơi cần được hội tụ linh khí, khí trường bàn thờ sung mãn có thể khiến toàn gia đình được an lành hạnh phúc. Nếu ban thờ treo trên không, không có chỗ dựa lưng hoặc ở nơi đi lại dễ khiến người trong nhà bất an, gia vận trồi sụt khó đoán.

Ban thờ không được xung với đường đi: Ban thờ bị đường đi đâm thẳng vào dễ gây bất an tổn hại đến cung tài lộc, nhân đinh của gia đình, dễ gây tai nạn ngoài ý muốn hoặc bệnh tật tấn công.

Ban thờ ngược với hướng nhà dễ khiến người trong nhà bất hòa, dễ gặp bất trắc bệnh tật. Nếu đặt ở vị trí quay sang trái hoặc sang phải nhà thì chủ nhân dễ có tâm sự phiền muộn khó nói ra. Nếu ban thờ đối diện với nhà vệ sinh thì người trong nhà gặp nhiều bệnh tật đau đớn.

Nếu ban thờ đối diện với nhà bếp dễ khiến nguời trong nhà hay tranh cãi những việc nhỏ, tính tình nóng nảy. Nếu phía trên ban thờ có xà nhà có thể khiến chủ nhân dễ bị đau đầu, cuộc sống vất vả. Nếu đặt đối diện với cầu thang, chủ nhân dễ bị động dao kéo, tai nạn đổ máu. Nếu đặt dưới cầu thang thì người trong nhà khó có cơ hội phát triển. Nếu đặt trên nền đất lồi lõm không bằng phẳng có thể khiến chủ nhân gặp khó khăn trong mọi việc. Nếu phía trên, dưới, trái, phải ban thờ có cửa sổ thì chủ nhân dễ bị tán tài.

***

Ngày Tết là thời điểm quan trọng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết và cũng không được phép quên trang hoàng nơi thờ cúng. Công việc này thông thường bắt đầu từ ngày 23/12 âm lịch, thời điểm tiễn táo quân lên thiên đình bẩm báo công việc ở hạ giới trong năm theo phong tục Việt Nam...

Tập tục thú vị về tiễn – đón Táo quân

Người xưa cho rằng ngày Tết hết sức quan trọng do nó quyết định vận thế, sự nghiệp và tài lộc cho cả năm sau: Táo quân cai quản khói lửa ở hạ giới, lại thường ở trong bếp nên biết hết chuyện hay dở của gia đình trong cả năm, sau khi nghe thông báo xong Ngọc hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể là khen thưởng cũng có thể là quở phạt.

Vì vậy, trước khi Táo quân lên thiên đình người ta bày lễ cúng để Táo quân “nói tốt” cho nhà mình. Tục xưa thường để bàn thờ, bài vị của Táo công treo trên tường nhà bếp, thần vị làm bằng giấy vẽ hình táo quân và một bát hương, cúng vào buổi sáng và buổi tối, nhưng ngày nay không còn phong tục này nữa.

Đồ cúng táo quân thông thường là các loại kẹo bánh có vị ngọt, hi vọng thần ăn đồ ngọt sẽ không bẩm báo những chuyện nhỏ nhặt với Ngọc đế. Sau khi cúng tế xong đem đồ ngọt bôi quanh miệng bếp, tượng trưng miệng thần quân dẻo ngọt không bẩm chuyện xấu của nhà mình với Ngọc hoàng. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì cúng thêm một con gà trống để mong đứa trẻ phát triển khỏe mạnh.

Khi cúng tiễn thần bếp, người ta thường phải tắm rửa sạch sẽ, dùng muối, hoa, tinh dầu, lá bưởi hoặc các loại lá thơm làm nước tắm, sau khi tắm xong thay quần áo sạch sẽ rồi mới cúng.

Có tiễn thần thì cũng có đón thần, ngày nay khi nghe thấy từ “đón thần”, có lẽ nhiều người liên tưởng đến đón thần tài, nhưng thực ra đón thần ở đây lại là tập tục quan trọng hơn so với tiễn thần. Sau khi Táo quân được tiễn lên trời để bẩm báo với Ngọc hoàng, ngày 25/12 là ngày nghỉ, Ngọc hoàng sẽ dẫn quần thần xuống nhân gian thị sát vì vậy ngày này hết sức quan trọng.

Người xưa quan niệm do ngày đó Ngọc hoàng xuống hạ giới nên trong mọi người đều rất cẩn trọng về phẩm cách của mình: Không đánh cãi chửi nhau, không nói bậy, không đòi – vay nợ, không phơi quần áo… Tuy vậy đây chỉ là quan niệm ngày xưa, ngày nay hầu như không còn nghi thức này nữa.

Sau khi tiễn Táo quân xong mọi người mới bắt đầu được quét dọn, tục gọi là “quét tàn tinh” nhưng nếu năm đó nhà có tang ma thì không được quét, kiêng khói bụi bay vào mắt người chết. Việc quét dọn, kê lại đồ đạc lại toàn bộ nhà thường được thực hiện sau khi tiễn ông táo là do lúc này các thần đã về trời bẩm báo công việc, chỉ còn một số thần nhỏ ở lại “trực” để duy trì trật tự, nếu có xê dịch làm đảo lộn đồ đạc thì cũng không mạo phạm đến thần.

Sau quét dọn mới đến phần “lau rửa”, ngoài ý nghĩa làm vệ sinh môi trường xung quanh, lau chùi rửa sạch đồ đạc trong gia đình còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là sự thanh tịnh trong thâm tâm, phản tỉnh những sai lầm trong cả năm. Người xưa cho rằng nếu chỉ chăm chút bề ngoài mà không coi trọng sự thay đổi hướng thiện trong tâm hồn thì hiệu quả trừ bỏ những cái xấu của năm cũ có làm cũng như không.

Đặc biệt là những người trong năm ấy gặp nhiều sự cố phát sinh khiến công việc và cuộc sống không như ý muốn, tự cho rằng mình gặp đen đủi, muốn tìm cách để thay đổi tương lai, hi vọng năm mới tốt đẹp hơn sẽ nhân cơ hội này phản tỉnh cũng như tổng kết sai lầm trong cả năm, rút ra kinh nghiệm để năm mới thuận lợi hơn.

Cách trang hoàng ban thờ trong ngày Tết

Phần quan trọng nhất là ban thờ tổ tiên, do đây là nơi được coi là nơi linh thiêng, ngày thường không được tùy ý động chạm di chuyển mà chỉ lau chùi sạch sẽ, người xưa cho rằng nếu xê dịch sẽ làm kinh động đến chỗ của thần, thần không được an vị thì không muốn ở lại lâu, không chăm sóc cho nhà mình được. Ngày nay do thời gian có hạn hoặc một số kiêng kị không được lưu truyền trong dân gian nên không còn nhiều người biết cách dọn ban thờ theo như phong tục cổ nhân.

Trước khi dọn ban thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Đợi sau khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu công việc.

Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.

Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng, ngày nay đa phần mọi người đều rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”, vì vậy người ta dùng chiếc thìa nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên.

Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”, nếu lúc đầu đổ ra hết sau đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, tức “tiền ra thì nhiều mà tiền vào thì ít”.

Ngày nay có nhiều người đem tro bát hương đổ cũ ra sông, thay vào bát hương tro mới, nhưng người xưa thì dùng chiếc rổ mắt nhỏ để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương chứ không đổ đi. Việc lọc tro cũng phải bắt đầu từ bát hương thờ thần phật.

Sau khi lau rửa sạch sẽ, người ta sẽ đem bài vị thần Phật và tổ tiên đặt lại chỗ cũ và công đoạn này cũng rất phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, ý là dùng lửa để khai quang, làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.

Đốt tiếp bảy tờ tiền vàng làm sạch vị trí muốn đặt tượng/bài vị thần Phật và bát hương sau đó mới đặt các đồ vật vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong thì đốt 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian, que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc “niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt; que thứ hai cắm ở vị trí 2h, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”, tức mỗi tháng đều là tháng tốt; cây thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc “nhật nhật thị hảo nhật”, tức mỗi ngày đều là ngày tốt; cây thứ tư cắm ở vị trí 4h, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt; cứ tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12h. Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm như vậy.

Trên đây là tập tục của người xưa ghi chép lại trong các thư tịch cổ, những công việc tỉ mỉ khi chăm sóc bàn thờ gia tiên cũng là cách để tăng thêm phần không khí ngày Tết. Nhưng ngày nay, do cuộc sống bận rộn nên không hẳn tất cả những tập tục trên còn phù hợp. Xin nêu lại tập tục cổ nhân như một cách để bạn đọc tham khảo, thêm phần hiểu biết về phong tục tập quán của người xưa trong những ngày xuân đang tới với hi vọng mọi người sẽ gặp những may mắn mới, thành công mới.



CÁCH BÀI TRÍ TƯỢNG PHẬT THEO PHONG THỦY



 
Với những người theo đạo Phật thì tín ngưỡng thờ cúng luôn được coi trọng. Cách bài trí tượng Phật cũng có những qui tắc phong thủy nhất định. Hãy tham khảo một góc phong thủy thờ cúng trong gia đình dưới đây để đem lại vận may và sự an lành cho gia đình bạn.

1. Nam đeo Bồ-tát Quan Âm, nữ đeo hình tượng Phật
 
Rất nhiều người chọn những mặt ngọc hay mặt Phật mang trên người làm vật hộ thân. Theo như truyền thống của người Trung Quốc thì nam giới sẽ mang mặt Bồ-tát Quan Âm còn nữ giới mang mặt Phật .

Phong thủy thờ cúng đem lại vận may và an lành cho gia đình bạn
 
Nữ giới luôn mang trong mình nhiều sự phiền muộn, rắc rối. Sự khoan dung, đức độ và tĩnh mặc của Phật sẽ hóa giải những phiền muộn này. Bởi vậy khi nữ giới mang hình tượng Phật bên mình sẽ giúp cho tâm hồn thư thái, tĩnh tâm, nhẹ nhõm.

Mặt ngọc Phật được nhiều người đeo hộ thân
 
Bồ-tát Quan Âm từ hàng ngàn năm nay chính là hóa thân của từ bi, độ thế, là biểu tượng của Chân, Thiện, Mỹ. Bồ-tát Quan Âm tâm tính hiền từ, thế thái đoan trang. Khi nam giới mang hình tượng Bồ-tát Quan âm bên mình có thể kìm hãm sự nóng nảy, tránh xa những điều thị phi, hóa giải kiếp nạn, phù hộ bình an.
 
2. Vị trí và phương hướng đặt tượng Thần, Phật
 

Theo như tập tục hàng ngàn năm nay, khi bài trí tượng thờ cúng nên lưu ý những điều sau:
 
Tượng nên hướng thẳng ra cửa chính
 
Nếu bạn không tin thì hãy chú ý quan sát tượng Thần, Phật được bài trí trong đền chùa. Nhưng không phải bất cứ tượng nào cũng phải tuân theo quy tắc này. Chỉ với những tượng như Quan đế hay Thần tài địa chủ nên theo quy tắc trên, còn lại những tượng khác trong nhà cũng không nhất thiết phải vậy.

Tượng Thần Tài
 
Nên đặt tượng tại phòng khách tại cửa hàng và nơi ở
 
Tượng 2 bên nên tránh cửa và hành lang để tránh “xung khí”. Nếu vị trí xung khí sẽ khiến duyên vợ chồng mỏng manh, sự nghiệp trắc trở, sức khỏe suy yếu, lắm điều thị phi…
 
Bài vị tổ tiên không được cao hơn tượng Thần, Phật
 
Nếu bài vị tổ tiên đặt cao hơn tượng Thần, Phật sẽ khiến trong nhà “hạ phạm thượng”, “nô phụ chủ”, “thiên địa điên đảo”, “Nữ cường nam suy”.
 
Không nên thờ cùng một lúc 2 họ trở lên
 
Nhiều người có thói quen thờ cùng một lúc nhiều họ. Tốt nhất chỉ nên thờ họ của gia chủ. Nếu phạm phải điều này gia đình thường loạn, vận may giảm sút.
 
3. Cách bài trí tượng Bồ-tát Quan Âm
 
Tối kị đặt tượng Bồ-tát Quan Âm cùng các tượng thần khác
 
Rất nhiều gia đình, cửa hàng hay nhà hàng đặt tượng Bồ-tát Quan Âm cùng các tượng khác như Quan đế. Như vậy rất không tốt, bởi những lý do sau:
 
- Nếu trong nhà hàng, cửa hàng ăn uống thờ Bồ-tát Quan Âm sẽ không thích hợp bởi Quan Âm Bồ-tát vốn thanh tịnh, tinh khiết và ăn chay. Khi dâng đồ cúng Bồ-tát Quan Âm thường chỉ cần hoa tươi và hoa quả. Bởi vậy nếu đặt tượng Bồ-tát Quan Âm cùng các tượng Thần khác sẽ không tốt khi cúng đồ mặn.
 
- Thiên địa nên đặt hướng ra cửa chính còn Quan Âm Bồ-tát tốt nhất nên “tọa Tây hướng Đông”.
 
3 hướng không nên đặt tượng Bồ-tát Quan Âm
 
- Hướng nhà vệ sinh.
 
- Hướng cửa phòng ngủ.
 
- Hướng bàn ăn.
 
4. Cách bài trí tượng Phật

Thờ tượng Phật trong nhà để bảo hộ bình an cho gia đình
 
Thờ Phật tại gia bảo hộ bình an và cũng có những quy tắc nhất định:
 
- Tượng Phật đem về nhà không nên coi là đồ cổ hay vật báu mà cất giữ cẩn thận, như vậy sẽ ảnh hưởng tới mọi thành viên trong gia đình.
 
- Không nên đặt tượng trong phòng ngủ.
 
- Không nên mua quá nhiều tượng về nhà.
 
- Không được đặt tượng tại những nơi không sạch sẽ, ẩm thấp.
 
- Tượng nếu đặt trên xe phải quay mặt hướng về phía trước.
 
- Nên đặt tượng trên một chiếc đĩa lót giấy đỏ
 
- Tranh ảnh Phật không nên cuộn tròn lại
 
- Tượng cũ bị mờ mắt hoặc tay nên tô vẽ, lau chùi lại.



KIÊNG KỴ KHI BỐ TRÍ BÀN THỜ



Theo quan niệm phong thủy cũng như của dân gian, tuyệt đối không được cư trú trước mặt các vị thần linh hoặc phía sau miếu tự. Điều này có nghĩa là phòng ngủ không nên bố trí ngay phía sau bàn thờ, trang thờ Thần Phật, Tổ tiên. Theo phong thủy thì đặt giường ngủ ngay phía sau bàn thờ sẽ dễ gây nên những bất lợi cho quan hệ tình cảm vợ chồng.


Kiêng kỵ khi bố trí bàn thờ

Tương tự, dân gian không chỉ cấm kỵ việc đặt giường ngủ của vợ chồng sau bàn thờ, mà còn cho rằng những người trong độ tuổi từ 12 - 60 không nên ngủ ở ngay phía sau trang thờ, bàn thờ.

Điều này nhằm tránh nảy sinh những bất lợi đối với “đào hoa nhân duyên”, ngăn chặn sát khí, vốn là khí xấu làm cho tình cảm đôi lứa trở nên nhạt nhòa, bất hòa hoặc thất vọng về nhau.

Xét dưới góc độ khoa học, đặc điểm chung của con người là hay liên tưởng đến những gì diễn ra quanh mình.

Nếu phòng ngủ đặt ngay sát phía sau bàn thờ thì người ngủ ở đó sẽ thường xuyên phải ngửi mùi nhang khói, nghe những lời tụng niệm, đọc kinh, gõ mõ… từ đó liên tưởng đến thần thánh, tổ tiên và những người đã qua đời.

Cũng vì thế, trong tiềm thức, họ sẽ nảy sinh tư tưởng hướng về cõi tâm linh, nhạt dần với đời sống trần tục, với quan hệ tình cảm lứa đôi…

Với người chưa lập gia đình, ở độ tuổi từ 12 - 60, thường xuyên sống ở phía sau bàn thờ thần phật thì cách suy nghĩ, quan niệm của họ (về mặt tình cảm cũng như quan hệ giới tính) đều sẽ khác với người bình thường. Hầu hết họ đều không mấy hứng thú trong chuyện tình cảm mà có xu hướng thiên về cõi tâm linh, Thần Phật.

Theo đặc điểm sinh lý thì ở vào độ tuổi dưới 12, thường thì trẻ em chưa hình thành tình cảm với người khác giới cũng như chưa hề có ý niệm gì về quan hệ giới tính.

Còn những người ở độ tuổi trên 60 là những người đang đi về già, họ đã trải qua mọi giai đoạn phát triển về mặt tâm sinh lý. Đây là giai đoạn mà nhu cầu tình cảm giảm dần. Nếu họ có ở ngay phía sau bàn thờ thì những ảnh hưởng về mặt tâm linh có nhẹ hơn 1 chút.

Nhưng dù thế nào đi nữa, tư tưởng và tình cảm của những người thường xuyên sống và sinh hoạt ở phía sau bàn thờ vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng về tâm linh, tín ngưỡng. Do đó, tốt nhất là không nên chọn không gian sát phía sau bàn thờ để làm phòng ngủ.

Để hóa giải sát khí do phòng ngủ nằm ngay phía sau bàn thờ gây nên, cách tốt nhất là chọn 1 vị trí khác thích hợp hơn để làm phòng ngủ hoặc chọn 1 vị trí thích hợp trong nhà để làm nơi thờ tự, cúng bái.

Nếu không, bạn có thể sử dụng những biện pháp hóa giải khác như dùng ván gỗ hoặc bê tông ngăn phòng ngủ với bàn thờ, biến không gian ấy thành 1 lối đi tương đối thoải mái hoặc thành 1 cái kho để chứa đồ đạc.



CẨN TRỌNG KHI BÀI TRÍ TƯỢNG PHẬT TRONG NHÀ



Có những nguyên tắc bắt buộc phải tuân theo nếu bạn có ý định thờ cúng và bày tượng Phật. Thông thường, trong mỗi gia đình theo Phật giáo đều có bàn thờ Phật, tranh Phật hay bài trí tượng Phật để cầu xin bảo hộ bình an, phát tài.

Tượng Phật rất linh thiêng, vì vậy chúng ta nên chú ý đến những điều kiêng kỵ để tránh mang lại những điều không may đến cho gia đình.

Không nên
mua tượng Phật một cách ngẫu hứng, tùy tiện. Trong nhà chỉ nên thờ nhiều nhất là ba vị và phải sắp đặt chung một bàn, càng nhiều tượng Phật thì người sống trong nhà càng cảm thấy phân tâm, bất an. Trong khi thờ Tam thế Phật, phải sắp đặt chung một bàn. Nếu tượng lồng kính thì nên đặt ngay thẳng, không được cái cao, cái thấp, cũng không được cái to, cái bé; còn với tượng gỗ, tượng đồng, tượng sành, thì để ngang hàng đồng bậc, không nên để tầng trên, cấp dưới.

 


Sau khi
mua tượng Phật, tuyệt đối không được khóa trong két bạc hay cất trong tủ kín giống các đồ quý khác như vàng, bạc, đá quý... Hành động này bị coi là bất kính nhất đối với tượng Phật. Nếu để tượng trong két bạc còn làm cho nhà xảy ra rất nhiều chuyện không hay, nhất là trẻ em hay bị ốm.

Nếu tượng Phật trong nhà quá cũ, để lâu năm thì không được vứt hoặc ném vào một góc nào đó mà cần
mua tượng  Phật mới để thay và mang tượng Phật cũ lên chùa, miếu hoặc có thể đốt cùng tiền vàng (vào mùng 1, ngày rằm để tiễn tượng Phật quy vị).

Khi đặt tượng Phật lên bàn thờ, dưới tượng phải để một đĩa có giấy đỏ nhằm tỏ lòng thành kính và trang trọng đối với Phật.

Nếu tượng Phật không may bị vỡ, không nên dùng chổi quét và vứt tùy tiện mà phải dùng giấy vàng gói lại, vào ngày mùng một, ba, năm, bảy, chín đốt dưới nắng, tiễn tượng Phật quy vị. Nếu ngón tay tượng Phật bị gãy thì nên dùng giấy đỏ cuộn lên rồi lắp vào, nếu thân Phật có vỡ, nên dán lại bằng giấy đỏ.

Phòng ngủ là không gian riêng tư của gia đình. Vì vậy, không được bài trí tượng Phật hay vứt bùa phù hộ có hình tượng Phật lung tung trong căn phòng này, vì điều đó sẽ dẫn đến việc ngủ không ngon, hay mộng mị.

Bàn thờ Phật không được bày theo hứng mà phải đặt chính giữa nhà, bàn thờ ông bà, thì nên thờ một bên. Nếu nhà cao tầng thì thờ Phật ở tầng trên. Tại bàn thờ Phật thì không nên để tạp vật nào khác, ngoài bình bông, lư hương, chân đèn và đĩa quả. Những vật này, mỗi ngày cần được săn sóc lau quét sạch sẽ.

Ngoài ra, những tranh in hình Phật tuyệt đối không được cuộn lên, bởi làm như vậy sẽ gây đau đầu cho những người sống trong gia đình. Khi mắt, ngón tay của tượng Phật trong tranh bị hỏng thì phải sửa chữa hoặc vẽ lại, nếu không vẽ lại như cũ thì người sống trong nhà dễ bị mắc bệnh đối ứng chỗ hỏng của tượng Phật.




Cách chọn hướng đặt bàn thờ
Những điều kiêng kỵ khi đặt bàn thờ
Cách sắp xếp bàn thờ gia tiên
Cách trồng cây phật thủ loại cây quý cho phúc lộc
Cách bày trí bàn thờ thần tài
Phương pháp tọa thiền niệm Phật





(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Tôi sinh năm 1974, vợ sinh năm 1981. Nhà và bàn thờ quay hướng tây. Nhưng sau bàn thờ có cửa sổ. Hỏi như vậy có sao không. Nếu có cho xin cách hóa giải.
hơn 1 tháng trước - Thích (5) - Trả lời
Quả thật sau bàn thờ không nên là cửa sổ Bạn có thể chuyển vị trí ban thờ hoặc xây bịt kín lại cửa sổ
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý