Bệnh chagas

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Bệnh chagas

18/04/2015 03:22 PM
346

Bệnh rình rập nhân loại : Chagas và giun móc

Người nhiễm bệnh Chagas có thể chết vì bệnh tim, hoặc bị giãn nở thực quản hay đại tràng khiến bệnh nhân mất khả năng ăn uống. Trong khi đó, bệnh giun móc hiện vẫn đang hoành hành tại nhiều khu vực nông thôn nghèo khổ trên khắp thế giới. 

Bệnh Chagas, bệnh của người nghèo lây sang người giàu

Bệnh Chagas gây ra do loại ký sinh tr ùng Trypanosoma cruzi có trong loài rệp hút máu được tìm thấy nhiều ở Trung và Nam Mỹ. Khi cắn người, chúng bài tiết phân nơi vết cắn gây ngứa ngáy. Và khi nạn nhân gãi chỗ ngứa làm trầy xước da, ký sinh trùng từ phân rệp sẽ thâm nhập cơ thể.

52.Anh 1- bug.jpg
 Loài rệp mang ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas. (Ảnh ABC News).

"Bệnh Chagas là một bệnh nhiễm ký sinh trùng của người nghèo", chuyên gia nghiên cứu và điều trị các bệnh lây nhiễm tại Đại học Emory - tiến sĩ y khoa Carlos Franco-Paredes nói. Loại rệp này sống trong những khu nhà tồi tàn, chúng hút máu nạn nhân vào ban đêm.

Trưởng ngành Vi trùng học, Miễn dịch học và Y học nhiệt đới tại Đại học George Washington - giáo sư tiến sĩ Peter Hotez ghi nhận có từ 8 đến 9 triệu người ở Châu Mỹ La tinh bị nhiễm bệnh, và ông đánh giá khoảng 400 ngàn người Mỹ đang mang bệnh.

Những bệnh nhân được truyền máu có thể bị nhiễm bệnh, mặc dù việc xét nghiệm bệnh Chagas đã được thực hiện từ năm 2006. Một khả năng bị nhiễm bệnh khác là nếu bạn uống một số loại nước ép rau quả ở Nam Mỹ, vì cây mía dùng làm nguyên liệu chế biến thường là nơi ẩn náu của loài rệp truyền bệnh, Franco-Paredes cho biết.

Căn bệnh tấn công vào tim theo một tiến trình nhiều năm. Chỉ có 5% bệnh nhân phát triển các triệu chứng từ ngay giai đoạn đầu, như gan và lá lách bị phình to, trong khi 95% còn lại hầu như chẳng có dấu hiệu gì trong suốt 20 hay 30 năm.

Franco-Paredes cho biết người nhiễm bệnh Chagas có thể chết vì bệnh tim, hoặc bị giãn nở thực quản hay đại tràng khiến bệnh nhân mất khả năng ăn uống, và đó là những biến chứng không thể điều trị được nữa.

"Cách chữa trị duy nhất là cấy ghép tim", Hotez nói, nhưng một khi căn bệnh đến giai đoạn này thì nó đã trở thành mãn tính và không thể chữa khỏi được.

Phần lớn người mắc bệnh Chagas rất nghèo khổ, họ không đủ tiền để cấy ghép tim hay mang máy điều hòa nhịp tim. Franco-Paredes gọi tên căn bệnh này là "bất bình đẳng xã hội".

Bệnh giun móc

Bệnh giun móc hiện vẫn đang hoành hành tại nhiều khu vực nông thôn nghèo khổ trên khắp thế giới.

52.Anh 2-hookworm.jpg
Giun móc trưởng thành, nhỏ hơn giun đũa rất nhiều lần nhưng hút máu rất tham lam từ thành ruột non, gây ra chứng thiếu máu trầm trọng ở người bệnh. (Ảnh: Iowa University)

Ký sinh trùng giun móc sống trong đất cát và đất mùn. Đường lây chủ yếu là ấu trùng giun móc có thể xâm nhập cơ thể xuyên qua da khi nạn nhân đi chân trần. Chúng vào máu rồi đến phổi, khí quản, trước khi chuyển qua thực quản để vào tận ruột non và trở thành giun móc trưởng thành. Chúng hút máu ở thành ruột non và gây ra chứng thiếu máu trầm trọng ở người bệnh.

Rất khó để diệt trừ tận gốc bệnh giun móc. Tiến sĩ Hotez đã phát triển một loại vaccine chống giun móc nhưng vẫn chưa đem lại kết quả khả quan.

Đây là loại bệnh không thực sự xảy ra do nghèo túng nhưng nó khiến người nhiễm bệnh nhanh chóng trở thành người nghèo túng, Hotez nói.

Franco-Paredes cho biết các biện pháp can thiệp, bao gồm tiêm ngừa và khuyến khích mọi người mang giày dép đã giúp giảm bớt số ca lây nhiễm. Tuy nhiên vẫn không thể biết rõ căn bệnh này sẽ tồn tại đến bao giờ khi mà nguyên nhân sâu xa của nó vẫn liên quan đến sự nghèo khổ - người giàu thường không bị nhiễm giun móc.

Chagas - Nụ hôn tử thần
Hình ảnh rệp hôn
Một trăm năm trước, bác sĩ trẻ người Brazil tên là Carlos Chagas đã phát hiện ra căn bệnh chết người do một loài ký sinh trùng sống trong máu. Vi trùng xâm nhập vào người khi côn trùng, phổ biến nhất là rệp, đốt vào mặt nạn nhân khi đang ngủ. Do đó, ngoài cái tên Chagas, bệnh này còn được gọi là “rệp hôn”. Năm nay, lễ kỷ niệm 100 năm phát hiện bệnh Chagas sẽ được tổ chức tại một hội thảo khoa học ở Belém, thuộc vùng rừng Amazon của Brazil, đồng thời một vở nhạc kịch về bác sĩ Chagas sẽ được chiếu tại Rio de Janeiro vào tháng 7 tới.

Chagas là căn bệnh đã giết hại nhiều người dân Mỹ Latinh hơn bất cứ căn bệnh nào gây ra bởi ký sinh trùng. Tổng cộng đã có khoảng 18 triệu người mắc bệnh này, trong đó 1/3 liên quan đến tim và ruột.

Chữa bệnh Chagas rất khó vì các triệu chứng của bệnh phải hàng chục năm sau mới phát triển. Ký sinh trùng sống trong máu của con người rất lâu trước khi xâm nhập các cơ quan khác. Từ những năm 1970, người ta đã sản xuất ra hai loại thuốc nhưng chỉ diệt được ký sinh trùng khi người mắc bệnh ở giai đoạn đầu. Ngăn ngừa bệnh, do đó rất quan trọng. Một dự án cải thiện điều kiện sống và nhận thức về bệnh Chagas do Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada tài trợ đã góp phần giảm đáng kể trường hợp nhiễm bệnh ở San Francíco de Opalaca (Honduras) cũng như chữa trị cho 87% trường hợp trẻ em ở đây mắc bệnh. Với việc phun thuốc trừ sâu lên tường và mái nhà, nơi những con rệp mang “cái hôn tử thần” trú ẩn, số người nhiễm bệnh Chagas đã giảm đáng kể.

Nhưng không phải ở đâu cũng vậy. Tại Bolivia có đến 70% trẻ em ở nông thôn mắc bệnh Chagas. Dòng di cư người Bolivia về hướng Nam đã khiến số người mắc bệnh tại phía Bắc Argentina gia tăng. Bệnh Chagas cũng đã trở lại Mexico.

Nguy cơ mới cũng xuất hiện khi ông Tania Arausjo-Jorge thuộc một trung tâm nghiên cứu ở Rio de Janeiro cho biết, loài rệp sinh sống trong lều đắp bằng bùn đã kháng thuốc trừ sâu. Phân của côn trùng có thể chứa ký sinh trùng gây bệnh. Chagas đang hoành hành tại Amazon và lần đầu tiên, tấn công vào thành thị, như TP. Arequipa lớn thứ hai của Peru.

Hiện thị trường dược phẩm của Mỹ Latinh nhỏ hơn 1/10 quy mô thị trường của Mỹ và hầu hết người nhiễm Chagas đều là người nghèo, sống tại các vùng hẻo lánh. Do vậy rất cần các nỗ lực chung của các nhà tài trợ, chính phủ và các nhà nghiên cứu tư nhân.  


Bệnh Chagas và bệnh ngủ có gì khác biệt ?

Trong thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã đưa tin loài bọ xít hút máu người được phát hiện tại một số địa phương đã nghi ngờ truyền bệnh Chagas hay còn gọi là bệnh ngủ. Điều này không khẳng định được vì chưa có cơ sở khoa học để chứng minh và đã làm cho nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Vậy bệnh Chagas và bệnh ngủ là bệnh gì? Nó có đặc điểm gì khác biệt?

 Theo y văn, bệnh Chagas và bệnh ngủ là hai loại bệnh có các đặc điểm khác nhau, không thể nói rằng bệnh Chagas còn được gọi là bệnh ngủ. Ký sinh trùng gây bệnh là loại trùng roi của hai bệnh này khác nhau và vật trung gian truyền bệnh cũng khác nhau. Bệnh Chagas do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây nên qua trung gian truyền bệnh của các loại bọ xít, rệp. Trong khi đó bệnh ngủ do ký sinh trùng Trypanosoma gambiense hoặc Trypanosoma rhodesiense gây nên qua vật trung gian truyền bệnh là loại ruồi Glossina, còn được gọi là ruồi Tse-Tse. Bệnh Chags gây bệnh phổ biến ở các nước châu Mỹ, còn bệnh ngủ gây bệnh phổ biến ở các nước châu Phi.

Bệnh Chagas châu Mỹ (American Trypanosomiasis)

Đặc điểm của bệnh Chagas

Bệnh Chagas đã được nhà khoa học Chagas phát hiện và mô tả. Bệnh do loại ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, còn gọi là Schizotypanum cruzi gây nên và lưu hành phổ biến ở vùng Nam Mỹ, cận nhiệt đới như các nước Brasil, Argentina, Bolivia, Paraguay, Uraguay... Ước tính có khoảng 10 triệu người mắc bênh này và thường gặp ở những khu vực đói nghèo, điều kiện sinh hoạt thấp kém; nhà ở là loại nhà lá, vách đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng truyền bệnh dễ dàng trú ẩn và sinh sản.

Nguồn bệnh chính là người bệnh, ngoài ra còn có thể là các loại súc vật như chó, mèo, chuột, khỉ... Bệnh được lây truyền do loại bọ xít Triatoma hút máu và rệp đốt máu truyền bệnh. Ngoài ra bệnh cũng có thể gây nên do truyền máu, tai nạn nghề nghiệp trong phòng thí nghiệm, nhiễm qua sữa mẹ hoặc qua các mảnh ghép tạng, tế bào... có mang mầm bệnh. Tất cả mọi lứa tuổi đều là người cảm thụ và có thể bị mắc bệnh.

 

nguồn ảnh: http://www.msgpp.org/chagas.shtml

Chu kỳ phát triển của loại ký sinh trùng Trypanosoma cruzi phải trải qua 2 vật chủ. Trypanosoma ký sinh ở máu, các tế bào lưới nội mô của lách, hạch bạch huyết, cơ tim của người và động vật. Trùng roi tăng nhanh số lượng bằng hình thức sinh sản vô tính. Vật môi giới truyền bệnh là loài bọ xít hút máu Triatoma, có thể là rệp; chúng hút máu người và hút luôn cả mầm bệnh. Trypanosoma cruzi vào đến ruột của bọ xít, rệp, sẽ sinh sản nhanh thành dạng có roi dài và phần roi ngoài thân ngắn (promastigotes). Bọ xít, rệp không truyền thẳng mầm bệnh vào người và động vật khi hút máu. Mầm bệnh Trypanosoma cruzi ởphân, nước tiểu của bọ xít, rệp thải ra khi đang hút máu sẽ xâm nhập vào cơ thể người qua vết đốt hoặc vết trầy xước da do ngứa và gãi.

   

 Con bọ xít hút máu chị Sương đang được nghi là loài
bọ xít hút máu người (Ảnh: BS Nguyễn Võ Hinh).

Con bọ xít được phát hiện tại Sở Nông nghiệp & Phát triển
Nông thôn tỉnh TT-Huế (Ảnh: BS Nguyễn Võ Hinh)

 

Về hình thể, trong cơ thể người, ký sinh trùng Trypanosoma cruzi có hai dạng. Ở trong máu, ký sinh trùng có hình thể điển hình của trùng roi, roi dài và phần roi ngoài thân ngắn (promastigotes). Ở trong mô, Trypanosoma cruzi không có roi (amastigotes), có hình tròn hoặc hình trái xoan, kích thước khoảng 3-4 µm. Ở loài côn trùng trung gian truyền bệnh và trong môi trường nuôi cấy, Trypanosoma thường ở dạng có roi dài và phần roi ngoài thân ngắn (promastigotes).

Bệnh do Trypanosoma cruzi gây ra có các biểu hiện lâm sàng của thể cấp tính hoặc thể mạn tính. Trong thể cấp tính, sau thời gian ủ bệnh âm thầm từ 5-20 ngày, bệnh có phản ứng tại chỗ vết đốt, nơi ký sinh trùng xâm nhập như bị phù nề do viêm, hạch bạch huyết trong vùng gần chỗ vết đốt sưng lên; thường nếu bị đốt ở vùng mặt thì bị viêm mí mắt một bên. Các dấu hiệu này kéo dài khoảng một tháng. Sau đó, ký sinh trùng theo máu phát tán khắp cơ thể với biểu hiện sốt cao từ 38-40oC, sốt không đều, sốt kéo dài khoảng hai tuần. Ngoài ra có các dấu hiệu đi kèm như phù mặt, chi, điển hình là phù một bên mí mắt; viêm cơ tim cấp với triệu chứng nhịp tim nhanh, tiếng tim nhỏ, huyết áp hạ, tim to; gan, lách, hạch bạch huyết sưng to; đồng thời có những biểu hiện viêm não-màng não. Bệnh nhân có thể tử vong từ sau 2 đến 4 tuần do bị các biến chứng trầm trọng. Thể mạn tính kéo dài nếu người bệnh vượt qua được giai đoạn cấp tính. Trong giai đoạn này, các triệu chứng lâm sàng giảm dần nhưng không khỏi hẳn. Bệnh chuyển qua thể mạn tính, tiến triển âm thầm và kéo dài hàng chục năm. Bệnh có thể tái xuất hiện với những biến chứng, di chứng ở não, tim và hệ tiêu hóa. Di chứng ở tim thường gặp là biểu hiện hồi hộp, đau vùng trước tim, to tim toàn bộ. Di chứng ở ruột thường thấy là thực quản và đại tràng bị phì đại.

Chẩn đoán, điều trị và phòng, chống bệnh

Chẩn đoán xác định bệnh Chagas bằng cách xét nghiệm máu, mô làm tiêu bản nhuộm giemsa phát hiện ký sinh trùng Trypanosoma cruzi. Ngoài ra, còn có thể sử dụng kỹ thuật phản ứng huyết thanh miễn dịch chẩn đoán.

Trong điều trị, những thuốc có dẫn chất của asen không có hiệu quả để điều trị bệnh Chagas nhưng các thuốc thuộc nhóm 8-aminoquinoleine đã tỏ ra có hiệu lực để điều trị bệnh. Thuốc Nifurtimox (lampit)hoặc 2-nitroimidazole (radanil) có thể sử dụng để điều trị bệnh Chagas ở giai đoạn đầu.

Phòng, chống bệnh bằng cách phát hiện và điều trị bệnh nhân, chống bọ xít hút máu và rệp đốt bằng nhiều phương pháp; đồng thời cần cải tạo điều kiện sống, vệ sinh cảnh quan môi trường, phá hủy nơi cư trú và sinh sản của bọ xít, rệp.

Bệnh ngủ châu Phi (African Trypanosomiasis)

Đặc điểm của bệnh ngủ

Bệnh ngủ (sleeping sickness) do loại ký sinh trùng Trypanosoma gambiense gây bệnh phổ biến ở miền Trung và Tây châu Phi, loại ký sinh trùng Trypanosoma rhodesiense gây bệnh phổ biến ở miền Đông châu Phi.

Nguồn bệnh là người bệnh và một số loài động vật có vú nuôi ở trong nhà như chó, lợn, dê, cừu, trâu, bò, ngựa... Những động vật này thường chỉ là vật mang ký sinh trùng, chúng không bị mắc bệnh hoặc ít khi mắc bệnh. Bệnh do Trypanosoma gambiense lưu hành giới hạn ở một số vùng của châu Phi như Senegan, Angola, Tanzania, Congo. Vật trung gian truyền bệnh là ruồi hút máu Glossina, còn được gọi là ruồi Tse-Tse, gồm các loài Glossina palpalis, Glossina morsitans, Glossina tachinoides... Mọi lứa tuổi đều có thể là người cảm thụ, khi bị nhiễm ký sinh trùng đều có thể bị mắc bệnh. Bệnh do Trypanosoma gambiense gây ra là bệnh có ổ bệnh thiên nhiên.

Ký sinh trùng gây bệnh còn được gọi là trùng roi ký sinh ở máu, hạch bạch huyết, dịch tủy sống, tổ chức võng mạc, nội mô của gan, lách, não... Trypanosoma không xâm nhập vào tế bào nội mô mà chỉ ở khoảng gian bào não, hạch bạch huyết. Số lượng trùng roi tăng nhanh bằng hình thức sinh sản vô tính. Khi ruồi Glossina, còn gọi là ruồi Tse-Tse đốt người, nó hút máu và sẽ hút luôn cả trùng roi vào dạ dày; ở đây trùng roi tiếp tục sinh sản vô tính, sau đó tập trung lên tuyến nước bọt của ruồi. Sau khi ruồi hút máu khoảng 20 ngày, ruồi có khả năng truyền được bệnh. Khi ruồi đốt máu người lành, trùng roi theo nước bọt của ruồi xâm nhập vào máu người qua vết đốt và ký sinh để gây bệnh.

Về hình thể, tất cả các giai đoạn trùng roi ký sinh ở động vật có xương sống hoặc không có xương sống, ký sinh trùng đều có roi. Trùng roi có thân dài, thon hai đầu; chiều dài khoảng 14 - 33 µm, chiều ngang khoảng 1,5 - 3,5 µm. Từ thể gốc roi ở phía đuôi đi ra một màng sóng theo dọc thân đến đầu, tận cùng là roi tự do ở ngoài thân. Nhân ở giữa thân. Ở giai đoạn cấp tính của bệnh, trong thân trùng roi không thấy có hạt, chỉ thấy rõ hạt trong thân trùng roi ở những bệnh nhân mạn tính; sự có mặt và số lượng hạt liên quan đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với trùng roi.

Trypanosoma được cả con đực và con cái của loài ruồi Glossina (Tse-Tse) truyền vào người khi hút máu qua vết đốt. Trypanosoma sinh sản tại vết đốt, từ đó mầm bệnh phát tán theo đường máu và bạch huyết, cuối cùng chúng xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và dịch não tủy. Khi trùng roi Trypanosoma gambiense ký sinh ở người sẽ gây ra nhiều biểu hiện lâm sàng một cách trường diễn sau thời gian ủ bệnh trung bình từ 6 - 14 ngày. Có thể chia làm 3 giai đoạn tương ứng với các dấu hiệu bệnh lý:

-Trùng roi chỉ có ở máu hoặc chủ yếu ở máu, bệnh nhân có các biểu hiện như sốt không đều, không có mồ hôi, người cảm thấy khó chịu.

-Trùng roi chủ yếu ở các hạch bạch huyết, bệnh nhân có các biểu hiện như nổi hạch vùng cổ, vùng dưới xương đòn, vùng nách hay bẹn, hạch không đau, di động.

-Trùng roi xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng như nhức đầu, thẫn thờ, ủ rũ, rối loạn cảm giác, có cảm giác kiến bò, chuột rút, sợ ánh sáng, tăng cảm giác đau, bị rối loạn giấc ngủ; lúc đầu là đảo lộn nhịp độ ngủ và dần dần có các cơn buồn ngủ xuất hiện và phát triển. Người bệnh có thể lăn ra ngủ ngay cả khi đang ăn, đang đứng. Bệnh kéo dài khoảng vài năm và thường dẫn đến tử vong.

Chẩn đoán, điều trị và phòng, chống bệnh

Chẩn đoán xác định bằng cách lấy bệnh phẩm máu, dịch não tủy, hạch bạch huyết để xét nghiệm tìm trùng roi Trypanosoma gambiense. Lấy máu khi bệnh nhân đang sốt để làm tiêu bản nhuộm giemsa. Ngoài ra, có thể sử dụng kỹ thuật phản ứng huyết thanh miễn dịch để chẩn đoán.

Trong điều trị, có thể sử dụng các loại thuốc có dẫn chất của asen như tryparsamid, melarsen, suramin, pentamidine, furacine...

Phòng, chống bệnh bằng cách phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời cho người mắc bệnh. Cần chú ý phát hiện trùng roi ở một số động vật nuôi để phòng tránh. Chống ruồi đốt máu bằng cách mặc áo quần che kín bảo vệ cơ thể, nằm ngủ màn, dùng các loại hóa chất xua diệt côn trùng. Nếu vào vùng có bệnh lưu hành, có thể dùng thuốc pentamidin uống để phòng bệnh.

Loại ký sinh trùng gây bệnh Trypanosoma rhodesiense cũng giống như loại Trypanosoma gambiense, bệnh gây nên cũng tương tự nhưng diễn biến cấp tính hơn. Người bệnh thường bị sốt cao, phù nề, sút cân, suy nhược nhanh, viêm cơ tim. Một đặc điểm cơ bản là bệnh ngủ do Trypanosoma rhodesiense gây nên thường gặp ở miền Đông châu Phi, còn bệnh ngủ do Trypanosoma gambiense gây nên thường gặp ở miền Trung và Tây châu Phi. Phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng chống bệnh do Trypanosoma rhodesiense cũng tương tự như bệnh do Trypanosoma gambiense.

Việt Nam chưa phát hiện được các loại bệnh này

Vừa qua, trước các thông tin về loài bọ xít hút máu người nghi ngờ có khả năng truyền bệnh tại nước ta chưa có cơ sở khoa học để xác định. Ở Việt Nam, chưa bao giờ và chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào công bố về sự xuất hiện của bệnh Chagas như một số nước châu Mỹ và bệnh ngủ như một số nước châu Phi. Bộ Y tế đã chỉ đạo cho các viện nghiên cứu có liên quan tiến hành khảo sát, nghiên cứu để xác định vấn đề này. Cộng đồng người dân đừng quá hoang mang, lo lắng về các loại bệnh mà chưa được những nhà khoa học và y học khẳng định.

(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý