Rất nhiều bà mẹ băn khoăn về việc tập cho con bú bình như thế nào cho hiệu quả khi trẻ đã quen với việc bú sữa mẹ.
Tình trạng chung:
Lúc mới sinh, mọi người khuyên tôi cho con bú bình ngay từ đầu, nếu có sữa mẹ thì vắt ra bình, đừng cho bú trực tiếp, sau này con quen được mẹ ôm ấp sẽ khó khăn khi đi làm lại hoặc khi cần cai sữa. Tôi đã bỏ ngoài tai lời khuyên ấy vì không cho bú trực tiếp làm sao cảm nhận được tình mẫu tử tuyệt vời thế nào? Các bệnh viện thậm chí còn yêu cầu các bà mẹ ôm ấp và cho bé bú mẹ ngay sau khi mới sinh kia mà? Tôi hạnh phúc với cảm giác ôm con trong lòng, nghe hơi ấm của con lan sang mình và cảm nhận được điều ngược lại khi ngắm nhìn ánh mắt con trong veo. Có lẽ niềm hạnh phúc của hai mẹ con sẽ kéo dài mãi nếu tôi không phải đi làm lại sau bốn tháng nghỉ sinh.
Ngay từ đầu, tôi đã cho bé vừa bú mẹ vừa bú bình nhưng bé chỉ chịu bú mẹ. Nghĩ thời gian ở nhà còn dài nên tôi "du di" cho bé bú mẹ nhiều hơn. Tháng cuối, tôi giảm dần số lần cho con bú mẹ. Những ngày đầu, mỗi lần ngậm "ti" cao su, cu cậu cứ ọe lên ọe xuống tìm cách đẩy ra. Sau đó, khi đút bình sữa vào miệng bé (tôi vắt sữa ra bình) là cu cậu la muốn bể nhà, ai nấy đều xót ruột khi bé khóc. Còn tôi, stress liên tục vì bé không chịu bú bình. Cả tháng trời vẫn như thế. Do bú ít hơn nên bé không tăng cân.
Ngay từ đầu, tôi đã cho bé vừa bú mẹ vừa bú bình nhưng bé chỉ chịu bú mẹ. (Ảnh minh họa).
Đi tư vấn, bác sĩ bảo: cứ đút bằng... muỗng nếu mẹ đi làm mà bé không chịu bú bình! Trời ạ, đút 90ml sữa mà thằng bé "nhai" hết... 45 phút thì cả ngày làm sao uống đủ nhu cầu? Người giữ bé cũng đâu thể ngồi đút sữa cho bé liên tục. Tôi không biết phải làm sao để vừa đi làm vừa nuôi con cho ổn thỏa. Càng gần đến ngày đi làm, đầu óc tôi càng căng thẳng, thậm chí mất ăn mất ngủ vì chuyện cho con bú thế nào nếu giao cho người khác giữ. Tôi không muốn nghĩ đến tình huống xấu nhất là phải nghỉ việc để ở nhà chăm con, dù kinh tế gia đình không phải là rào cản khiến tôi lo ngại. Thấy nhiều người nuôi con dễ dàng, còn tôi sao khó quá!
Tập cho bé bú bình mới là bước đầu tiên. Sẽ còn nhiều khó khăn hơn thế trong "cuộc chiến nuôi con". Tôi không thể hiểu nổi tại sao thế hệ mẹ, dì của tôi nuôi một lèo bốn, năm đứa con mà chẳng hề hấn gì, chuyện ăn uống càng không phải là "vấn nạn" ghê gớm đến mức ám ảnh như chúng tôi bây giờ. Đến các trung tâm dinh dưỡng hoặc các bệnh viện nhi mới thấy trường hợp như tôi rất nhiều. Không chỉ là chuyện không bú bình, nhiều bé lười bú hoặc bú mà không tăng cân...
Cho con bú mẹ là cách nuôi con được khuyến khích nhiều nhất. Tôi phải làm sao đây?
Chuyên gia tư vấn:
Bác sỹ dinh dưỡng CK1. Vũ Thị Thành cho biết: "Khi trẻ đã quen bú sữa mẹ và bắt đầu chuyển sang bú bình ta phải tập cho bé làm quen dần với loại sữa mới và tập cho bé làm quen dần với cách bú mới không phải là bầu vú mẹ".
Do bé đã quen ngậm bầu vú mẹ nên khi chuyển sang bú bình phải tập dần từ ít đến nhiều và cần phối hợp với sữa mẹ nhưng liều lượng sữa, số bữa... phụ thuộc vào tháng tuổi của bé. Trung bình lượng sữa cần cho bé 50ml/kg/ngày (kể cả sữa mẹ và sữa công thức tức sữa hộp). Lượng sữa được chia làm 8 bữa, cho ăn cách nhau 3 giờ một lần. Trẻ 6 tháng cho ăn giảm bữa ban đêm và đến 9 tháng thì cắt hẳn bữa ăn đêm của trẻ. Trẻ dưới 6 tháng có thể cho 700ml đến 800ml một ngày. Trẻ trên 6 tháng có thể cho 600 - 700 ml một ngày.
Đối với trường hợp sức khỏe của mẹ bình thường, bé có thể vừa bú bình vừa bú mẹ đến khi bé được 24 tháng tuổi. Từ 7 tháng đến 24 tháng mỗi ngày cần 400ml - 500ml sữa công thức (nếu còn bú sữa mẹ) và 600ml - 700ml nếu không còn bú sữa mẹ. Trên 24 tháng không còn bú sữa mẹ mỗi ngày trẻ cần 600ml - 700 ml. Bé dưới 6 tháng chia làm 8 bữa mỗi ngày. Từ 6 tháng đến dưới 9 tháng giảm còn 6 bữa mỗi ngày và từ 9 tháng trở đi giảm còn 4 bữa mỗi ngày (sáng - trưa - chiều - tối).
Sau khi cho bé chuyển từ bú mẹ sang bú bình, nếu có thể thì nên tập cho bé uống sữa bằng cốc là tốt nhất vì sẽ đảm bảo vệ sinh dễ hơn bú bình.
Cách cho trẻ ăn bằng cốc như sau:
- Bế trẻ ngồi thẳng hoặc hơi nghiêng trong lòng mẹ.
- Cầm cốc nhỏ đưa vào môi trẻ. Nghiêng cốc để sữa vừa chạm tới môi trẻ. Cốc đặt nhẹ lên môi dưới của trẻ, cạnh cốc chạm vào phần ngoài môi trên của trẻ.
- Các mẹ chú ý là không rót sữa vào miệng trẻ. Chỉ đặt cốc vào môi trẻ và để trẻ tự uống sữa.
- Khi trẻ đã nhận đủ sữa, trẻ sẽ ngậm miệng lại không uống nữa. Nếu trẻ không uống hết lượng sữa đã tính, trẻ có thể uống nhiều hơn ở bữa sau hoặc mẹ có thể cho bé ăn nhiều lần hơn.
Kinh nghiệm:
Hầu hết các mẹ phải quay trở lại với công việc khi hết thời gian ở cữ. Bắt đầu từ thời điểm này, người mẹ có thể chọn cách vắt và bảo quản sữa mẹ; sau đó, người ở nhà sẽ cho sữa mẹ vào bình để bé bú. Với những bé trên 6 tháng tuổi thì có thể dùng sữa công thức để cho bé uống bổ sung.
Nếu bạn không luyện cho bé bú bình thì bé sẽ từ chối vì đã quen bú mẹ (núm vú cao su từ bình sữa không thể mềm như ti mẹ; người cho bé bú bình khiến bé không có cảm giác quen thuộc). Điều này có thể khắc phục được nếu mẹ có kế hoạch luyện bú bình cho con từ trước. Dưới đây là một số lời khuyên để bé đã quen bú mẹ chấp nhận bú bình:
Không luyện quá sớm
Không được tập cho bé bú bình trước 2 tháng tuổi, cho dù bạn có chọn cách vắt sữa mẹ và cho vào bình sữa của con. Nếu được làm quen với bình sữa quá sớm, bé có thể sẽ quen với bú bình mà từ chối ti mẹ, khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ kết thúc sớm.
Nên tập cho bé bú bình trước khi mẹ đi làm 2 tuần.
Tập bú bình cho bé khoảng 2 tuần trước khi mẹ đi làm
2 tuần “huấn luyện” bé bú bình là đủ để bé chấp nhận kỹ năng mới này. Tuy nhiên, nên vắt sữa mẹ bỏ vào bình sữa để bé vừa học bú bình, vừa không lãng phí nguồn sữa mẹ.
Nên nhờ người khác cho bé bú bình
Do đã quen “hơi” mẹ và được bú mẹ nên nhiều bé quyết không bú bình sữa mẹ đang cầm trên tay. Có bé thấy mẹ ở gần hay mẹ ở trong phòng thì cũng phản đối bú bình, khóc đòi ti mẹ. Do đó, nên để ông bà hoặc bố của bé cho bé tập bú bình (khi không có mẹ ở đó).
Kiên nhẫn
Bạn cần kiên nhẫn vì bé có thể “chống đối” quyết liệt vì ghét núm vú bình sữa. Nếu kiên trì và tập cho bé dần dần thì sẽ thành công. Hoặc có người chọn cách “đổ thìa” cho con vì bé không chịu ti bình.
Thay đổi vị trí cho bé bú
Một số bé chịu bú bình nếu được ở trong môi trường quen thuộc khi bú mẹ. Tức là trái ngược với gợi ý trên, một số bé chỉ chịu mút bình khi nằm trong vòng tay thân thuộc của mẹ. Có những bé chịu bú bình khi được bế thẳng lên một chút, nghiêng bình sữa khiến bé dễ hút.
Đừng để bé thật đói mới cho bú bình
Bé sẽ chịu ăn hơn khi cảm thấy thoải mái và không bị cơn đói “dày vò”.
Chọn núm vú bình tương tự ti mẹ
Nên chọn núm vú bình sữa càng giống đầu ti và quầng vú mẹ thì càng tốt. Sử dụng núm vú cao su có độ rộng, tránh núm vú quá ngắn hay hẹp khiến bé khó mút. Tốc độ chảy sữa của núm vú nên là 1-2 giọt/giây sẽ phù hợp với bé hơn cả. Để kiểm tra dòng chảy của sữa, bạn nên dốc ngược bình và chờ sữa nhỏ giọt. Dòng chảy quá nhanh khiến bé sợ, trong khi đó, dòng chảy chậm khiến bé bực bội vì phải chờ lâu.
Nếu bé không hài lòng với núm vú này, nên đổi sang loại khác. Làm ấm núm vú trong bát nước ấm trước khi cho bé bú hoặc làm mát núm vú nếu bé đang mọc răng.
Đưa núm vú vào miệng bé đúng cách
Thay vì “nhét” núm vú bình sữa vào miệng con, bạn chỉ nên chạm núm vú vào môi bé và đợi bé mở rộng miệng “đón” núm vú bình như cách bé bú mẹ, với miệng bé mở to chắc chắn là miệng bé ôm núm vú với độ rộng, không phải chỉ “nhay” mỗi đầu núm vú.
Tránh cho bé bú nằm
Lực hút sữa từ bình sữa khi bé bú nằm khiến sữa dễ bị xâm nhập vào vòi tai, gây nhiễm trùng tai (đặc biệt nếu dùng sữa công thức).
Chăm sóc trẻ sơ sinh mùa đông
Chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè
Chăm sóc trẻ mọc răng
Kế hoạch chăm sóc bé
Chăm sóc bé khi bị sốt như thế nào đúng nhất
(ST).