Làm gì khi chồng nghiện rượu. Những câu chuyện về hạnh phúc, khổ đau và chướng ngại cần vượt qua của người phụ nữ có chồng nghiện rượu.
Địa ngục trần gan
Trường hợp của chị Nguyễn Thị V. phường Long Biên là một điển hình. Chị V đã khóc rất nhiều khi bắt đầu chia sẻ "chuyện nhà mình" Anh Phúc, chồng chị là một người nghiện rượu rất nặng. 10 năm qua, chai rượu đã là vật bất ly thân của chồng. Sáng ngủ dậy là anh ta đưa tay vớ lấy chai rượu để trên đầu giường nhấp ngay một ngụm súc miệng. Chìm trong men rượu, anh ta cứ lè nhè tối ngày. Cả ngày anh ta không làm bất kể việc gì, đã thế còn luôn miệng quát nại đánh đuổi vợ con. Có nhiều bận 3 mẹ con vui vẻ ngồi ăn cơm tối thì anh ta đi từ đâu về loạng choạng bước vào nhà đập vỡ chai rượu đã uống hết rồi chửi bới om sòm khiến 2 đứa con sợ hãi. Anh ta lại thường hay ghen bóng ghen gió, nghĩ vợ mình chạy chợ sớm tối là để quan hệ lăng nhằng với ông này, ông kia. Thời gian gần đây, không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn, cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, rồi đứa con lớn phải bỏ học giữa chừng vì xấu hổ bố nghiện rượu.
Còn hai mẹ con chị Đào Thanh B. phường Đức Giang thì phải hứng chịu những cơn rượu say của chồng mang tính "cha truyền con nối". Bởi cả chị B. và cô con dâu của chị đều là nạn nhân của rượu. Chị B sụt sùi: "Có nhiều hôm, ông ấy chẳng biết đi đâu về say khướt rồi cứ thế chửi bới. Chửi bới mẹ con tôi chưa đủ, lão quay sang lôi cả tông ty họ hàng bên nhà mẹ đẻ tôi ra chửi. Chửi chán thì vác dao ra dọa giết tôi. Nhiều lần ông ấy đánh tôi tím tái cả mặt mày. Có lần tôi phải nằm viện điều trị cả tuần vì tôi không tránh được nhát dao sượt qua chân. Đã có nhiều lúc tôi muốn bỏ đi nhưng vì gia đình vì các con các cháu nên đành ngậm đắng nuốt cay. Còn cô con dâu chị B thì bị chồng hành hạ tàn nhẫn hơn. Cứ nhằm lúc rượu say là anh ta đòi quan hệ vào bất kể giờ giấc nào. Rồi có những hôm con dâu chị B bị trói chân tay nhốt trong phòng cả ngày, chồng cấm các con mang cơm cho mẹ, đứa nào không nghe lời thì anh ta dọa sẽ chém chết hết cả nhà. Bọn trẻ thương mẹ nhưng chúng cũng chỉ biết ngồi ngoài cửa mà khóc thôi!
Tải sản “đội nón ra đi” vì rượu
Đối với những gia đình có chồng nghiện rượu nặng thì gánh nặng gia đình lại đè nặng lên vai chị em phụ nữ. Chị M xã Liên Hà, huyện Đông Anh tâm sự: "Từ khi chồng nghiện rượu nặng thì thóc gạo, tiền bạc trong nhà cứ đội nón ra đi. Bao nhiêu tiền dành dụm cho các con ăn học cũng không cánh mà bay. Chị M lấy anh Quyết là người cùng xã. Nhà anh Quyết đông anh em, nhà cửa lại chật chội nên tổ chức đám cưới xong xuôi anh Quyết về ở rể bên nhà vợ. Bố mẹ chị M đã để cho hai vợ chồng mảnh đất hơn 80m2 đồng thời hỗ trợ tiền xây dựng căn nhà 1 tầng khép kín khang trang. Trước khi cưới chị M biết anh Quyết vẫn có sở thích uống rượu khi ngồi ăn cơm nhưng cũng chỉ là một vài chén nhỏ cho vui. Nhưng từ khi chị M sinh đứa con gái thứ ba anh Quyết bắt đầu đắm mình vào ma men và những cuộc nhậu nhẹt say xỉn tối ngày.
Anh Quyết là thợ xây dựng tự do. Buổi chiều đi làm về lại la cà quan bia ở đầu phố đến tối mịt. Anh Quyết trở về nhà cũng là lúc cơ thể đã mềm nhũn hoặc là "dơ toàn tập". Có bận anh đi công trình ở tỉnh lân cận 3-4 tháng mới về nhưng cũng chẳng đưa một đồng nào cho vợ. Nghiện rượu, lười biếng anh Quyết bị mất việc. Hết tiền, nhưng vẫn thèm rượu anh ta "tranh thủ lúc cả nhà đi vắng mang thóc gạo đi bán dần lấy tiền mua rượu rồi còn đem tiền bo cho một bóng hồng bên ngoài để "săn cho bằng được thằng con trai". Kết quả, sau gần 10 năm làm bạn với rượu, anh ta đã sinh bệnh vì rượu. Các bác sỹ thông báo anh Quyết bị mắc bệnh viêm gan do rượu phải nhập viện ngay để điều trị nếu không sẽ nguy đến tính mạng. Kinh tế gia đình chị M vốn đã khó khăn nay lại lao đao vì phải lo tiền thuốc thang để chạy chữa và điều trị bệnh cho chồng.
Loạn thần vì rượu
Trường hợp của chị Đỗ Thị T ở Thạch Thất còn bi đát hơn. Dù nhiều lần chị T hết khuyên nhủ tìm đủ mọi biện pháp cai rượu cho chồng nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể vì anh Nam, chồng chị đã không thể "nói lời chia tay" với ma men. Tháng trước, chị T có nghe mọi người mách về một cách điều trị bệnh nghiện rượu quyết liệt hơn là chị nên đưa chồng vào điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương. Mãi đền tận bây giờ chị T vẫn chưa thể quên được những cảm giác rùng rợn, nỗi sợ hãi mà anh Nam đã gây ra cho chị chỉ vì rượu. 15 năm ăn ở với nhau và đã có 2 đứa con một gái, một trai khôn lớn, nhưng tình cảm và hạnh phúc của cả gia đình chị lúc nào cũng trong trạng thái báo động đỏ vì rượu.
Một lần uống rượu với đám bạn nhậu, giữa trưa nắng gắt rồi lái xe máy đâm vào cột điên giữa đường, anh Nam ngã lăn xuống ruộng. Những người đi đường trông thấy kéo anh lên bên lề đường. Tỉnh lại sau cơn say anh bắt đầu thấy sợ. Và anh Nam đã quyết tâm tự mình cai rượu (mua thuốc cai rượu về uống). Nhưng 2 ngày trước khi đưa chồng đến bệnh viện, chị T bỗng dưng thấy chồng đột nhiên bỏ rượu hoàn toàn! Chưa kịp mừng thì chị T lại phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, buổi tối lúc ăn cơm thì chồng nôn thóc nôn tháo, mặt mày xanh xao và lả đi. Vừa đặt chồng nằm yên được một lúc thì bỗng nhiên như có ai dựng dậy, anh T chạy khắp nhà, bước hụt ở bậc thềm, rồi té ngã mấy lần. Chị T cùng cả gia đình chặn lại và đưa đến bệnh viện. Đến viện các bác sĩ cho biết anh Nam bị loạn thần, đó là triệu chứng đỉnh điểm của việc nghiện rượu. Sau gần 1 năm đưa chồng đi cai rượu đến giờ chị vẫn thấy hãi!
Theo thống kê, cứ 100 bệnh nhân đến khám tại phòng điều trị tâm thần và nghiện chất Viện Sức Khỏe và Tâm thần Bệnh Viện Bạch Mai thì có khoảng 10 trường hợp là nghiện rượu. Độ tuồi thường gặp là từ 28-45 và phần lớn các bệnh nhân đền đây khi tình trạng nghiện đã nặng và cơ thể đã bị ảnh hưởng nặng bởi rượu. Nghiện rượu nặng còn có thể dẫn đến tử vong.
Vậy nghiện rượu là như thế nào?
Hầu hết chúng ta chỉ có thể nhâm nhi chút rượu khi gặp gỡ bạn bè gọi là có chút “vui vẻ”. Nhưng đối với những người khác họ có thể uống cả lít rượu một cách bình thường. Không phải người nào uống được rượu bia đều là những người nghiện rượu. Những người uống nhiều rượu nhưng vẫn quan tâm đến gia đình, làm việc có trách nhiệm, hay đặt bản thân bị rơi vào tình trạng nguy hiểm khi say được coi là lạm dụng rượu. Dẫu sử dụng rượu bia có hại cho cơ thể nhưng những người lạm dụng chúng không bị rơi vào tình trạng bị phụ thuộc vào các chất cồn.
Nhưng trái lại, nghiện rượu lại là một chứng bệnh mãn tính. Những người nghiện rượu bị phụ thuộc vào những loại đồ uống này. Họ cảm thấy rằng cần phải uống, gần giống như mọi người khác thấy cần phải ăn vậy. Và một khi họ bắt đầu uống, họ không thể dừng lại. Cơ thể của những người nghiện rượu hình thành nên cơ chế chống chịu lại cồn, và họ càng ngày càng cần nhiều cồn hơn vào cơ thể để đem lại cảm giác khoan khoái dễ chịu. Một khi họ cố ngừng hoặc cắt giảm lượng uống, họ sẽ trải qua một loạt “triệu chứng cai nghiện”: như đổ mồ hôi, buồn nôn, run rẩy, lo âu, mê sảng.
Một người trở thành kẻ nghiện rượu như thế nào?
Có thể giải thích cho câu hỏi này bằng sự kết hợp những nhân tố di truyền học, yếu tố sinh lý, tâm lý và xã hội.
Gen là nhân tố quan trọng đối với việc phát triển chứng nghiện rượu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa con của người nghiện rượu có nguy cơ giống như bố mẹ chúng cao gấp 4 lần bình thường. Dẫu số liệu thống kê này bị ảnh hưởng một phần bởi yếu tố môi trường, các nhà khoa học vẫn tin rằng có sự liên quan của di truyền ở đây. Họ vẫn tiếp tục nghiên cứu để xác định chính xác các gen nào đã làm tăng nguy cơ một người trở nên nghiện rượu nhằm phát triển phương pháp điều trị hữu hiệu đối với chứng nghiện rượu.
Về mặt sinh lý, cồn trong rượu bia làm thay đổi cân bằng hóa chất bên trong bộ não của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến các chất bên trong trung khu tưởng thưởng của não bộ như dopamine chẳng hạn. Cơ thể sẽ cảm thấy “thèm” rượu để khôi phục lại trạng thái khoan khoái dễ chịu và tránh né những cảm xúc tiêu cực. Những người đã gặp phải stress nặng hoặc các vấn đề về tâm lý như trầm cảm có nguy cơ mắc chứng nghiện rượu cao hơn người bình thường.
Những nhân tố xã hội như bắt chước đám đông, yếu tố quảng cáo, môi trường sống….. cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nên chứng nghiện rượu của một người. Nhiều thanh niên nghĩ rằng họ cần uống rượu để chứng tỏ bản thân hay chỉ vì lý do đơn giản tất cả bạn bè của họ đều uống. Quảng cáo bia rượu hấp dẫn trên truyền hình cũng có thể lôi kéo nhiều người thưởng thức chúng như một trò tiêu khiển, để giải trí lúc nhàn rỗi, vui vẻ.
Và dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy một người có thể là một con ma men đích thực:
- Uống để quên đi những khó khăn trong cuộc sống
- Thường xuyên ngồi uống một mình
- Nói dối về thói quen uống bia rượu của bản thân
- Không cảm thấy thức ăn hấp dẫn
- Cảm thấy bực bội khó chịu khi không uống
- Quên mất một số sự việc nhất định
Chuyện gì xảy ra bên trong cơ thể khi chúng ta uống rượu
Khi bạn uống một cốc rượu, khoảng 20 % lượng cồn sẽ bị hấp thụ vào dạ dày, 80% còn lại bị hấp thụ bên trong ruột non. Rượu được hấp thu nhanh như thế nào phụ thuộc vào nồng độ của rượu trong thức uống (vodka sẽ được hấp thụ nhanh hơn so với bia, vì vodka có nồng độ cồn cao hơn) và tình trạng dạ dày của bạn. Khi vừa ăn một bữa no đồng nghĩa với dạ dày căng phồng sẽ làm chậm sự hấp thụ rượu. Sau khi rượu được hấp thụ, nó ngấm vào máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể của bạn. Khi cồn đã có mặt trên cơ thể, cơ thể đồng thời phải tích cực làm việc để loại bỏ nó. Phổi và thận loại bỏ khoảng 10% rượu thông qua nước tiểu và hơi thở. Gan chuyển hóa phần rượu còn lại thành axit acetic.
Sau khi uống một vài ly rượu, các ảnh hưởng vật lý của cồn lên cơ thể sẽ trở nên khá rõ ràng. Những ảnh hưởng này có liên quan đến nồng độ cồn trong máu (BAC). BAC tăng lên khi lượng cồn đưa vào cơ thể nhanh hơn lượng cồn bị đào thải.
Cồn và não bộ
Phần lớn nhiều người đã từng chứng kiến những biểu hiện bên ngoài khi say: đi loạng quạng, ăn nói không rõ ràng và mất trí nhớ tạm thời. Nhiều người uống rượu cho biết họ gặp vấn đề về khả năng cân bằng, mất tỉnh táo và sự phối hợp giữa các bộ phận của cơ thể. Họ phản ứng rất chậm với các kích thích, điều đó giải thích vì sao lái xe sau khi uống rượu bia rất nguy hiểm. Nguyên nhân của những biểu hiện vật lý này là do cồn đã làm ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương.
Rượu tác động đến cơ chế hóa học của não bộ khi thay đổi lượng các chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh đống vai trò như một người đưa tin truyền dẫn tín hiệu đi khắp cơ thể để kiểm soát quá trình suy nghĩ, hành vi và cảm xúc. Các chất này vừa đồng thời kích thích hoạt động và ức chế hoạt động của não bộ. Cồn làm gia tăng ảnh hưởng của chất ức chế truyền dẫn thần kinh GABA bên trong não. GABA gây ra sự chuyển động chậm chạp và nói năng kém lưu loát ở người nghiện rượu. Trong cùng lúc, rượu cũng làm ức chế chất kích thích truyền dẫn thần kinh glutamate. Ức chế chất kích thích này gây ra những suy giảm tương tự về mặt sinh lý. Ngoài tác dụng gia tăng GABA và giảm glutamate trong não, cồn cũng làm gia tăng lượng dopamienin ở phần trung khu tưởng thưởng của não bộ, phần não tạo ra cảm xúc hài lòng dễ chịu khi một người uống rượu.
Rượu làm ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau của não bộ như sau:
- Vỏ não: Khu vực này nơi quá trình suy nghĩ và ý thức xảy ra, cồn làm suy yếu trung tâm ức chế hành vi, làm người uống kém linh hoạt hơn và gây ra suy giảm quá trình xử lý thông tin từ mắt tai miệng và các giác quan khác. Nó cũng làm ức chế quá trình xử lý thông tin làm họ khó có thể suy nghĩ mạch lạc như trước khi uống.
- Tiểu não: Rượu tấn công vào khu vực điều chỉnh chuyển động và thăng bằng của cơ thể, gây ra hiện tượng mất thăng bằng và c���m giác choáng váng.
- Đồi và tuyến yên: Vùng dưới đồi và tuyến yên phối hợp để điều chỉnh các chức năng não tự động và sản xuất hormone tuyến yên. Rượu làm suy yếu trung tâm thần kinh ở vùng dưới đồi điều khiển sự hưng phấn và khả năng tình dục. Mặc dù sự ham muốn tình dục có thể tăng lên nhưng khả năng sinh hoạt tình dục lại giảm đi.
- Tủy sống: Khu vực này của não đóng vai trò duy trì hoạt động của cơ thể một cách tự động như thở, ý thức và nhiệt độ cơ thể. Khi tác động vào vùng tủy sống, rượu gây ra buồn ngủ. Nó cũng có thể làm chậm hơi thở và hạ thấp nhiệt độ cơ thể, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Trong ngắn hạn, cồn có thể gây ra hiện tượng mất trí nhớ ngắn hạn làm người ta quên đi những gì đã xảy ra trong một chuỗi thời gian nhất định. Các ảnh hưởng dài hạn lên não bộ thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Cồn rượu ảnh hưởng lâu dài đến não bộ như thế nào
Thường xuyên đưa một lượng cồn vào bên trong cơ thể có thể để lại những tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Não bộ có thể bị suy giảm kích thước và dẫn tới những thiếu hụt trong các sợi thần kinh, nơi vận chuyển thông tin giữa các tế bào não. Nhiều người nghiện rượu mắc phải một tình trạng gọi là hội chứng Wernicke-Korsakoff khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin nhóm B. Hội chứng này xảy ra vì rượu ngăn cản cơ thể hấp thụ các loại vitamin B. Những người mắc hội chứng này trở nên mất phương hướng, nhầm lẫn trong suy nghĩ và ý thức. Họ cũng thường xuyên gặp phải những vấn đề về trí nhớ và học tập.
Cơ thể phản ứng lại việc đưa rượu liên tục vào cơ thể bằng cách phụ thuộc luôn vào nó. Sự phụ thuộc này gây ra những thay đổi suy giảm lâu dài đối với các quá trình hóa học bên trong bộ não. Để thích ứng với sự hiện diện thường xuyên của rượu, não bộ sẽ thay đổi quá trình sản xuất các chất truyền dẫn thần kinh. Nhưng khi người đó ngừng uống hoặc giảm đột ngột lượng uống, trong vòng 24 cho tới 72 giờ đồng hồ não bộ sẽ rơi vào trạng thái cai nghiện rượu. Những triệu chứng cai nghiện bao gồm mất phương hướng, ảo giác, mê sảng buồn nôn, đổ mồ hôi và co giật.
Cồn ảnh hưởng đến những cơ quan khác trong cơ thể
Uống quá nhiều rượu làm tổn hại sức khỏe của chúng ta. Cồn rượu phá hủy gan, thận, tim, não bộ và hệ thần kinh trung ương. Dưới đây là những ảnh hưởng của rượu đến các bộ phận khác của cơ thể ngoài bộ não đã được đề cập ở phần trên:
- Gan: Gan là cơ quan dễ chịu tổn hại do tác dụng của rượu nhất bởi vì đây là nơi rượu và các chất độc khác được chuyển hóa. Uống rượu trong thời gian dài có thể dẫn tới viêm gan. Những biểu hiện của bệnh viêm gan bao gồm có buồn nôn, nôn, sốt, chán ăn, đau bụng và vàng da . Có tới 70% những người bị viêm gan do rượu bị xơ gan. Khi gan trở nên xơ hóa, các mô gan khỏe mạnh sẽ bị thay thể bởi các mô sẹo, làm gan không thể hoạt động được như chức năng vốn có.
- Dạ dày: rượu gây kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, gây ra hiện tượng nôn mửa, cảm giác buồn nôn và cuối cùng dẫn đến loét dạ dày.
- Tụy: Tuyến tụy tiết ra kích thích tố insulin và glucagon, quy định cách thức ăn được chia nhỏ và được sử dụng để cấp năng lượng của cơ thể. Uống rượu lâu dài có thể dẫn đến viêm tuyến tụy.
- Ung thư: Nghiên cứu chỉ ra rằng uống lâu dài làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thanh quản, cổ họng và thực quản.
Ảnh hưởng của rượu rõ rệt hơn ở người lớn trên 65 tuổi, bởi vì cơ thể của họ không còn khả năng chuyển hóa rượu tốt những người trẻ tuổi. Phụ nữ cũng gặp khó khăn trong quá trình chuyển hóa rượu hơn nam giới, bởi vì họ thường nhỏ hơn và trọng lượng nhẹ hơn. Ngoài ra, rượu có thể gây tử vong khi kết hợp với các loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc an thần và kháng histamin. Bên cạnh đó Rượu là đặc biệt nguy hiểm đối với thai nhi, có thể dẫn đến hội chứng hội chứng thai nhi nghiện rượu, nguyên nhân số một gây ra suy giảm trí tuệ ở trẻ. Khi em bé được tiếp xúc với rượu trong bụng mẹ ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, chúng sẽ gặp nhiều khó khăn sau này về khả năng học tập, trí nhớ và sự tập trung bởi vì rượu xâm nhập vào tử cung làm, làm suy yếu sự phát triển của một số cấu trúc trong não, hạch nền, tiểu não…Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên tránh uống rượu trong thời kỳ mang bầu.
Điều trị cai nghiện rượu
Theo thống kê riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 2 triệu người được trợ giúp để cai nghiện rượu. Nhũng liệu pháp chữa trị bao gồm:
- Thuốc giải độc: Điều này liên quan đến việc kiêng rượu hoàn toàn trong 4-7 ngày. Những người trải qua giai đoạn này thường dùng thuốc để ngăn chặn các triệu chứng cai nghiện rượu đã nói ở trên.
- Dược phẩm: Mọi người có thể có các loại thuốc như disulfiram hoặc naltrexone để ngăn ngừa tái phát một khi họ đã ngừng uống. Naltrexone làm giảm ham muốn uống rượu bằng cách ngăn chặn các vùng chức năng của não bộ cảm thấy dễ chịu khi dùng rượu. Disulfiram gây ra những phản ứng nghiêm trọng rượu đó bao gồm buồn nôn, nôn và đau đầu.
- Tư vấn: Cá nhân hoặc các buổi tư vấn nhóm có thể giúp người nghiện rượu xác định được tình huống đẩy họ vào cám dỗ sử dụng rượu và tìm cách né tránh những cám dỗ đó.
Hiệu quả của các chương trình khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các yếu tố xã hội và tâm lý liên quan và sự quyết tâm của bệnh nhân trong giai đoạn điều trị. Nhưng dù các phương pháp nói trên có hiệu quả thế nào đi nữa thì cách tốt nhất vẫn nằm ở bản thân chúng ta. Uống nhiều rượu không hề có lợi gì cho sức khỏe. Vui có chừng dừng đúng lúc bạn nhé.
Vai trò của người chồng trong gia đình
Đối xử với em chồng thế nào cho khéo
Quan hệ vợ chồng mới cưới
Cải thiện quan hệ mẹ chồng nàng dâu
Làm gì khi chồng có bồ
(St)