Hoa hồng có nhiều công dụng trị bệnh, cách sử dụng cũng rất đa dạng, không chỉ dùng bằng cách ngâm rượu mà còn xông và dùng bột khô...
Hoa hồng dùng trị bệnh trong Đông y là chỉ cây cỡ nhỏ thuộc họ hoa hồng, còn gọi là hoa hường, có mùi thơm, cánh hoa có màu hồng, trắng, vàng hay đỏ. Hoa hồng chủ yếu dùng để chiết xuất hoặc cất làm nước hoa, ngoài ra hoa hồng còn có tác dụng phòng và chữa bệnh rất phong phú.
Hoa hồng có vị ngọt, mùi thơm mát, tính bình. Từ thời cổ đại, người ta thường sử dụng nước chiết xuất từ hoa hồng để điều trị rối loạn dây thần kinh, xông hương cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, điều trị bệnh tim, thận...
- Chữa ho cho trẻ nhỏ: Dùng cánh hoa hồng trắng chưng với đường phèn, cho trẻ uống từng tí một.
- Trị lở loét miệng: Giã hoa hồng trộn với mật ong rồi đem rơ lên chỗ miệng lở loét.
- Chữa viêm phế quản, viêm họng: Lấy khoảng một muỗng bột cánh hoa hồng phơi khô cho vào ly nước nóng để dùng, có khả năng chống cảm lạnh, viêm họng.
- Chữa cảm cúm, sốt, viêm lợi: Bột của cánh hoa hồng phơi khô trộn với mật ong là một phương thuốc hiệu nghiệm để chống lại bệnh viêm miệng, viêm lợi. Đau đầu, ốm yếu và suy nhược cơ thể có thể điều trị bằng xông hương và tinh dầu của hoa hồng.
- Tiểu tiện, lỵ ra máu: Lấy 10 bông hoa hồng đỏ đem nấu với một ít đậu đen và một ít đường để lấy nước dùng. Uống 3 lần/ngày, dùng liền trong 3 ngày.
- Dùng trong bệnh thần kinh: Tắm bằng nước hoa hồng là một liệu pháp hay chống lại các bệnh ở thần kinh, làm sạch da, làm dịu những lo lắng và mang lại sự thư thái, sảng khoái.
Cánh hoa hồng tươi còn hạn chế mưng mủ vết thương và vết bỏng; làm dịu những vết ngứa do dị ứng gây ra.
Không chỉ đẹp mà hoa hồng còn có những tác dụng hết sức tuyệt vời với sức khỏe con người đấy. Cùng khám phá thử xem nhé!
Chống các bệnh ngoài da
Tác dụng tuyệt vời của cánh hoa hồng với da chính là lí do khiến cho rất nhiều các sản phẩm mà teengirls sử dụng để chăm sóc da được chiết xuất từ hoa hồng đấy.
Các nhà nghiên cứu cho biết, vi khuẩn sẽ chết trong vòng 5 phút sau khi tiếp xúc với cánh hoa hồng tươi. Ngoài ra, cánh hoa hồng tươi còn hạn chế mưng mủ vết thương và vết bỏng. Chúng cũng có thể làm dịu những vết ngứa do dị ứng gây ra. Hoa hồng còn được dùng làm thuốc chữa trị mụn nhọt, làm tan máu tụ và làm tiêu sưng.
Cách sử dụng cực kì đơn giản nhé bạn chỉ cần dùng cánh hoa hồng giã và đắp lên da là được. Các sản phẩm chăm sóc da có chứa chiết xuất hoa hồng giúp nuôi dưỡng, tăng độ đàn hồi của da, làm mờ các vết thâm.
Chữa ho
Khi còn bé mỗi khi chúng mình bị ho thường được mẹ hấp cánh hoa hồng cùng đường phèn để uống. Đây thậm chí còn là một món “khoái khẩu” của nhiều bạn vì mùi thơm rất dễ chịu của nó.
Để chữa ho bằng hoa hồng teens lưu ý là phải chọn cánh hoa hồng bạch nhé. Các bạn sử dụng 4 g cánh hoa hồng bạch, trộn với đường phèn 4 g, cho vào chén, hấp trên nồi cơm. Sau đó chưng ra nước và uống dần.
Chứng “rau mùi” ở miệng
Đây là nỗi “phiền muộn” của rất nhiều bạn vì hơi thở khiến cho các bạn ấy không tự tin khi nói chuyện trước đám đông.
Để khắc phục tình trạng này các bạn có thể dùng cánh hoa hồng để làm thuốc cho mình. Teens lấy khoảng 5g hoa hồng. Sau đó có thể hãm với nước sôi (như hãm chè) để nguội rồi dùng nước này để ngậm, súc miệng. Hoặc các bạn có thể nhai trực tiếp cánh hoa hồng.
Tăng cường sức khỏe
Trong cánh hoa hồng có chứa rất nhiều các loại chất như vtamin C, carotene, các loại vitamin nhóm B, vitamin K, canxi, kali…
Các chất này rất tốt cho các cơ quan trong cơ thể như tim, hệ tiêu hóa, miễn dịch…
Cánh hoa hồng có chứa canxi tác động đến quá trình trao đổi chất và tiêu hóa thức ăn. Tinh dầu hoa hồng rất tốt cho bộ máy tiêu hóa nhờ khả năng hàn gắn các lớp màng, khử khuẩn và bù đắp lượng men thiếu hụt trong dạ dày và ruột.
Kali thành phần vô cùng quan trọng đối với hoạt động của tim, cải thiện tình hình hoạt động của tuyến nội tiết. Tinh dầu hoa hồng làm dịu cơ tim vì thế những người bị hẹp van tim thường được kê đơn xông bột hoa hồng.
Trà cánh hoa hồng vừa là bài thuốc chữa cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi và các chứng loạn thần kinh chức năng, đồng thời cũng là một thứ đồ uống giàu vitamin.
Điều hòa “cô nàng nguyệt san”
Ngoài những tác dụng tuyệt vời kể trên, teengirls còn có thể sử dụng hoa hồng để làm “vũ khí” chống lại “cô nàng nguyệt san” đỏng đảnh đấy.
Để khắc phục tình trạng nguyệt san không đều: bạn có thể dùng 5g hoa hồng cùng 3g hoa quế, 50ml rượu, chưng cách thủy hoặc hấp với cơm. Sau đó để nguội uống.
Nếu “cô nàng nguyệt san” thường xuyên thất thường, lúc đến sớm lúc đến muộn thì hãy dùng 6 -7g cánh hoa hồng và hãm uống.
Với chứng rong kinh, băng huyết teengirls có thể ngâm 20 cánh hoa hồng trong 1l nước khoảng 30 phút. Sau khi nước ngả màu đỏ thì thêm khoảng 50g đường. Mỗi lần uống 200ml.
Thư giãn cơ thể
Khi các bạn cảm thấy căng thẳng hay mệt mỏi có thể rắc cánh hoa hồng vào bát nước nóng, đặt ở trong phòng. Cách này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cẳng thẳng, ngoài ra cũng tốt với những bạn bị lạnh đỉnh đầu hoặc cảm cúm.
Nếu có thời gian để ngâm mình trong bồn nước nóng thư giãn cơ thể thì teens hãy đổ nước nóng và nửa cốc đựng cánh hoa hồng, che kín lại. Đổ vào bồn trước khi tắm.
Hoa hồng rất tốt cho hệ thần kinh, giúp cơ thể thư giãn. Các bạn cũng có thể dùng cánh hoa hồng để ngâm chân buổi tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, các bạn còn có thể đốt, xông bằng tinh dầu hoa hồng. Vì tinh dầu hoa hồng kích thích và điều hòa hệ kháng thể cũng như hệ thần kinh của con người, làm tăng hoạt động của các tuyến nội tiết.
Vị thuốc hay từ hoa hồng
Hoa hồng có tên khoa học là Rosa chinesis Jacq, loài hoa quen thuộc với mọi người.
Hàng năm người ta thường hái những đoá hoa mới nở. Khi hái hoa về, bỏ đài, cuống, phơi trong bóng râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.
Có nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ và trắng (hồng bạch) để làm thuốc. Hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc.
Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, còn có tác dụng nhuận tràng.
Những bài thuốc dân gian
Bài 1: Chữa ho, khái huyết do phế hư: Hoa hồng trắng 15g, đường phèn lượng đủ dùng, sắc hoặc hấp uống hàng ngày, uống còn nóng. Uống liền 1 tuần.
Nếu trẻ em ho do lạnh có thể lấy cánh hoa hồng trắng còn tươi 15g, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa mật ong hoặc đường phèn. Cho tất cả vào chén nhỏ hoặc bát nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Bài 2: Chữa mụn nhọt sưng tấy (chưa vỡ mủ): Hoa hồng trắng 20g rửa sạch, giã nát đắp lên mụn sẽ tiêu.
Bài 3: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:Hoa hồng 9 - 15g, sắc uống hằng ngày hoặc hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà.
Bài 4: Chữa táo bón do nhiệt: Hoa hồng trắng còn tươi hoặc khô 20 - 40g, hãm với 100ml nước sôi trong 15 - 20 phút, có thể thêm 1/2 thìa mật ong hoặc đường, uống 2 -3 lần trước bữa ăn. Uống liền 10 ngày, có thể nhắc lại liệu trình mới.
Bài 5: Chữa lở miệng do nóng: Ngâm bột hoa hồng đỏ 5g với 25ml rượu trắng trong 24 giờ. Đun nhỏ lửa cho rượu bay hơi, đến khi còn sền sệt thì cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều rồi để nguội. Dùng tăm bông sạch thấm thuốc bôi vào chỗ đau, ngày 2 – 4 lần. Dùng liền 5 ngày.
Bài 6: Làm đẹp da mặt: Lấy 20g hoa hồng đỏ, rửa sạch cho vào chậu nước ấm để khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó rửa mặt mỗi ngày giúp làn da căng mịn, sạch bụi bẩn. Cũng có thể lấy nước hoa hồng để tắm. Làm kiên trì, da sẽ mịn màng, tươi mát.
Chú ý: Những người tỳ vị hư yếu hoặc có thai không được dùng.
Tham khảo thêm công dụng làm thuốc của hoa
Cả Đông và Tây y (cổ truyền và hiện đại) đều coi trọng việc dùng hoa để chữa bệnh. Một số nước như Azerbaidzan, Tadzhikistan... còn xây dựng các bệnh viện hoa. Trong đó, bệnh nhân được điều trị bằng cách vừa thả hồn trong tiếng nhạc vừa tận hưởng hương thơm và sắc màu quyến rũ của các loài hoa.
Tác dụng chữa bệnh của hoa do nhiều yếu tố tạo thành, chẳng hạn như màu sắc, hương thơm, các hoạt chất trong phấn hoa, cánh hoa...
Một nghiên cứu ở Mỹ được thực hiện trên hàng nghìn người cho thấy, hương hoa có ảnh hưởng to lớn đối với tâm lý và sức khỏe con người. Theo một thống kê ở Pháp, những công nhân tiếp xúc nhiều năm với mùi hương tự nhiên trong các nhà máy sản xuất nước hoa hầu như không bị bệnh về hô hấp. Ở Nhật, một số nhà tư bản đã cho phun hương hoa hồng và hoa tử lan trong công xưởng để kích thích sự hăng hái của công nhân, nâng cao năng suất lao động.
Tại sao hương hoa lại có tác dụng huyền diệu như vậy? Đó là do các chất cồn, xeton và este trong tinh dầu thơm của hoa có tác dụng sát trùng, điều hòa chức năng trung khu thần kinh và hạn chế tác hại của vi sinh vật gây bệnh.
Màu sắc của hoa cũng được các thầy thuốc sử dụng trong điều trị. Hoa màu tím khiến phụ nữ có thai trở nên điềm tĩnh; hoa màu hồng làm bệnh nhân ăn ngon miệng hơn, hoa màu đỏ sẫm có thể làm tăng huyết áp...
Một trong các bộ phận của hoa có tác dụng chữa bệnh là phấn hoa. Thần thoại Hy Lạp có kể: "Thần tiên trên trời không dùng thức ăn bình thường, chỉ ăn phấn hoa". Hơn 2000 năm trước, sách Thần nông bản thảo đã khuyên dùng phấn hoa bồ hoàng làm thuốc bồi bổ cơ thể. Khoa học hiện đại chứng minh, phấn hoa được cấu thành từ gần 100 hợp chất thiên nhiên, rất giàu protein, gluxit, lipid, vitamin, khoáng chất, các loại men và hoóc môn. Do đó, nó có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh rất cao. Phấn hoa có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như suy nhược thần kinh hoặc cơ thể, viêm gan, ruột hoặc dạ dày, tiểu đường, bệnh lý mạch máu não, di chứng rối loạn tuần hoàn não, viêm tuyến tiền liệt, hội chứng tiền mãn kinh.
Theo y học cổ truyền phương Đông, các loại hoa có tính vị khác nhau, đi vào những kinh lạc khác nhau trong cơ thể, tạo nên các công dụng chữa bệnh đặc thù như:
- Sơ phong, tán nhiệt (chữa các bệnh vùng đầu, mặt): các hoa cúc, kim ngân, tân di, mật mông, chi tử, cát căn.
- Hóa đàm, chỉ khái (chữa các bệnh đường hô hấp): hoa khoản đông, dương kim, đỗ quyên...
- Thanh nhiệt, lý khí (trị bệnh đường tiêu hóa): hoa tuyền phúc, kim ngân, phù dung, biển đậu, thạch lựu, hoè...
- Hành huyết, chỉ đới (chuyên chữa bệnh phụ khoa): hoa nguyệt lý, linh lăng, hồng, kê quan, biển đậu...
- Lương huyết, giải độc (trị các bệnh da liễu): hoa đào, hạnh, sen, đinh hương, dương kim, kim ngân.
- Giải uất, trấn tĩnh (dùng cho các bệnh thần kinh): hoa dương kim, hoàng nguyên, thiên lý, sen...
Khi dùng hoa chữa bệnh, cần lưu ý:
- Những loại hoa có tính vị đắng lạnh (như chi tử, hòe, nhài) không nên dùng cho những người tỳ vị hư nhược (biểu hiện là sợ lạnh, kém ăn, đau bụng, đại tiện lỏng nát).
- Hoa có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, phá huyết, ứ khứ (như đào, hồng, nguyệt lý, linh lăng, phượng tiên) không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh, huyết ra nhiều.
- Các hoa độc (như nguyên hoa, dương kim, thạch lựu, náo dương) chỉ được dùng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ.
- Những người có cơ địa dị ứng cần rất thận trọng khi dùng phấn hoa.
Công dụng của hoa nhài
Tác dụng của hoa hồi
Tác dụng của hoa oải hương
Tác dụng của hoa atiso
Tác dụng của hoa hibiscus
(st)