Những bệnh thường gặp ở cá La Hán. Nguyên nhân gây bệnh ở cá La Hán. Cách điều trị và phòng bệnh cho cá La Hán.
Bệnh thoát vị tức sa hậu môn
Cá La Hán bị bệnh thoát vị (hình Osun, www.thegioicacanh.com).
Cá lành bệnh sau một tuần chữa trị.
Triệu chứng: hậu môn lòi ra ngoài mỗi khi cá thải phân.
Nguyên nhân: thức ăn thiếu chất khoáng, vitamin và nước dơ. Cá cũng có thể mắc bệnh này sau khi bị bệnh đường ruột kéo dài.
Chữa trị:
- Thay nước và làm vệ sinh hồ thường xuyên.
- Cho muối hột với tỷ lệ 1 muỗng trà/3.5 lít nước.
- Lấy ít là bàng khô ngâm trong chậu cho ra nước đen rồi đem hòa vào hồ cho màu hơi hanh vàng là được. Phần nước lá bàng còn dư để dành dùng dần sau mỗi lần thay nước.
- Cho cá ăn vừa phải, không nên quá no. Ngưng cho cá ăn những loại thức ăn khó tiêu hóa như thức ăn viên. Thức ăn tươi sống như cá trâm hay cá lia thia nhỏ có lẽ là những loại thức ăn thích hợp nhất trong giai đoạn này.
Bệnh này nếu để lâu có thể trở thành mãn tính. Phải kiên trì chữa trị từ 7-10 ngày thì bệnh mới có dấu hiệu thuyên giảm.
Ghi chú: Melafix và Pimafix là hai loại thuốc ngoại đặc chế từ thảo dược được dùng để chữa trị bệnh thoát vị và các bệnh khác ở cá. Hai chức năng chính của chúng là sát trùng và giúp vết thương mau lành. Từ lâu, lá bàng được biết là cũng có công dụng tương tự. Nếu không có lá bàng thì chúng ta có thể sử dụng lá chuối khô, lá cây giá tị, lá và vỏ cây bò cạp nước... Chiết xuất từ những loại lá này có chứa nhiều tannin và acid humic giúp nó có công dụng như mô tả ở trên.
Theo quảng cáo, Melafix có thành phần chủ yếu là tinh dầu Melaleuca alternifolia, một giống tràm vốn không trồng ở Việt Nam nhưng có nguồn tin trên mạng cho rằng Melafix sử dụng tinh dầu tràm Việt Nam Melaleuca cajuputi. Không rõ thực hư thế nào nhưng công dụng sát trùng và làm lành vết thương của tinh dầu tràm từ lâu chúng ta đã biết.
Bệnh đường ruột do nhiễm khuẩn
Cá bị bệnh đường ruột phân màu trắng như bông, hậu môn bị sưng.
Triệu chứng: cá bỏ ăn, nhút nhát, xuống màu, xình bụng hay hậu môn, phân màu trắng như bông hay kéo dài thành sợi, trên người có nổi những mảng sậm màu hay ửng đỏ giống như bị nấm.
Nguyên nhân: cá bị nhiễm khuẩn. Có vô số loại vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường ruột ở cá. Một số luôn tồn tại trong ruột và phân cá; khi cá bị suy giảm hệ miễn dịch vì nhiều nguyên nhân (căng thẳng do vận chuyển, đổi hồ...) thì chúng chuyển sang tấn công và làm cá bị bệnh. Hoặc cá có thể nhiễm khuẩn qua nguồn thức ăn hay môi trường bị ô nhiễm.
Chữa trị: dùng Metronidazole với tỷ lệ 500 mg/40 lít. Hòa thuốc vào nước ấm để thuốc tan hoàn toàn trước khi bỏ vào hồ. Cẩn thận không cho quá liều vì có thể làm cá chết. Việc tăng nhiệt độ thường không có tác dụng gì đối với bệnh này.
Phòng bệnh: thay nước thường xuyên và cách ly kịp thời cá có dấu hiệu bệnh tật. Hạn chế cho cá ăn những thức ăn có nguy cơ nhiễm bệnh cao như cá chép, ròng ròng và trùn chỉ. Bằng không, bạn phải rửa thật sạch hoặc nuôi cách ly cá mồi một thời gian trước khi cho cá ăn.
Bệnh đường ruột do giun ký sinh
Triệu chứng: phân màu trắng kéo dài, cá chán ăn, đôi khi xuất huyết hậu môn.
Nguyên nhân: cá bị nhiễm giun ký sinh. Có hai loại giun là giun dẹp (cestodes) và giun tròn (nematodes).
Chữa trị:
Giun dẹp: Praziquantel hay Niclosamide
Giun tròn: Levamisole hay Fenbendazole
Trộn 1 mg thuốc vào thức ăn và cho cá ăn. Tẩy giun 6 tháng/1 lần.
Bệnh lủng đầu
Nguyên nhân: bệnh lủng đầu gây ra bởi khuẩn đơn bào hình que Hexamita (Hexamatiasis). Bệnh này rất phổ biến ở cá hoang dã và cả cá nuôi. Một số loài cá cichlid hay bị mắc bệnh này như cá đĩa, cá ông tiên, tai tượng châu Phi và nay là cá La Hán. Đây là loại bệnh rất dễ lây nhiễm và khó chữa trị.
Triệu chứng: những lỗ mủ nhỏ màu trắng, nâu hay vàng xuất hiện ở vùng xung quanh đầu cá. Khuẩn đơn bào Hexamita cũng thường xuất hiện bên trong ruột cá và gây bệnh đường ruột. Cá bỏ ăn, gầy ốm, sậm màu, phân dạng sợi màu trắng, vây teo, lờ đờ và treo đầu lên mặt nước. Lỗ trên đầu là vết thương hở mà các vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài có thể thừa cơ tấn công, bệnh lủng đầu thường kéo theo bệnh lồi mắt.
Cá bị mắc bệnh lủng đầu và bệnh lao thường bị vi khuẩn tấn công gây bệnh lồi mắt. Đây là dạng bệnh cơ hội khi sức đề kháng của cá bị giảm sút.
Chữa trị: thay 75% nước, làm vệ sinh máng lọc và nền đáy. Nghiền nát metronidazole trong nước ấm 90 độ C để thuốc tan hoàn toàn. Hoà thuốc vào hồ với tỷ lệ 500 mg/40 lít nước. Chữa trị liên tục từ 10-15 ngày và dài hơn nếu thấy cần thiết. Quan sát phân của cá để biết mức độ hồi phục. Có thể dùng kết hợp với blue methylene để đề phòng những bệnh nhiễm khuẩn thứ phát.
Trên thực tế, thuốc không thẩm thấu qua mang nên để gia tăng hiệu quả chữa bệnh, bạn có thể cho cá ăn thức ăn có tẩm thuốc, bằng không hãy dùng xi-lanh bơm dung dịch thuốc trực tiếp vào họng cá. Khuẩn đơn bào Hexamita phát triển mạnh ở nhiệt độ thấp vì vậy bạn nên tăng nhiệt độ lên 31-32 độ C để hạn chế sự phát triển của chúng đồng thời gia tăng hoạt tính của thuốc.
Phòng bệnh: thay nước thường xuyên và cách ly kịp thời cá có dấu hiệu bệnh tật. Hạn chế cho cá ăn những thức ăn có nguy cơ nhiễm bệnh cao như cá chép, ròng ròng và trùn chỉ. Bằng không, bạn phải rửa thật sạch hoặc nuôi cách ly cá mồi một thời gian trước khi cho cá ăn. Mùa lạnh, bạn nên sưởi cho cá vào ban đêm.
Bệnh mụn (lymphocyte)
Bệnh này khá phổ biến và thường xuất hiện trên các vây, nhất là vây bơi.
Nguyên nhân: phức tạp, có thể do nước, môi trường, sự căng thẳng, cọ quẹt hay bị cá khác cắn... từ đó virus thâm nhập tạo ra mụn (lympho).
Phòng bệnh: thay nước và làm vệ sinh hồ thường xuyên.
Chữa trị: dùng kim khều vỡ mụn và sát muối vào vết thương. Cho muối hay chất sát trùng như blue methylene vào hồ để phòng tránh viêm nhiễm cơ hội.
Bệnh lao cá (fish tuberculosis)
Bệnh lật nghiêng, bệnh vẹo xương, bệnh Mycobacteriosis
Vi khẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) vốn chỉ gây bệnh cho người và thú. Loại vi khuẩn gây bệnh cho cá Mycobacterium marinum không phải là vi khuẩn lao nhưng lại có quan hệ họ hàng gần (cùng chi) nên bệnh do chúng gây ra mới được gọi nôm na là bệnh lao cá. Loại vi khuẩn này có phân bố cực rộng, chúng hiện diện trong cả môi trường nước ngọt lẫn nước mặn!
Tất cả các loài cá đều có thể bị lây nhiễm bệnh này. Một số loài dễ nhiễm bệnh hơn những loài khác, chẳng hạn cá tetra, cá đĩa và những loài cá thở không khí thuộc phân bộ Labyrinth (như cá rô, betta, cá sặc).
Hình: Cá Quả ( www.thegioicacanh.com )
Triệu chứng: bệnh lao cá thường diễn tiến âm thầm và mãn tính. Cá có thể ủ bệnh hàng năm trời trước khi phát bệnh. Một số dấu hiệu thông thường để nhận biết bệnh như sau: đờ đẫn, bỏ ăn, bong vây và vảy, sưng mắt, gầy yếu, da viêm và lở loét, phù, cơ thể sưng phù và nổi mụn dẫn đến biến dạng.
Bệnh thường gây ra tật vẹo cột sống. Thông thường, việc chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng bên ngoài và kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn bên trong tế bào bằng phép nhuộn màu (acid-fast test).
Mycobacterium là vi khuẩn gram dương, hình que; chúng bất động và phản ứng với chất nhuộn màu. Chúng trú ngụ thành các ổ màu kem hay vàng trên bề mặt chủ thể. Nguyên nhân gây bệnh có lẽ là từ nguồn thức ăn có chứa mầm bệnh.
Cá nước ngọt nhiệt đới có tỷ lệ nhiễm bệnh này rất cao. Nước là môi trường lan truyền bệnh. Vi khuẩn Mycobacterium marinum được phát hiện ở hồ bơi, bãi biển, trong các dòng chảy tự nhiên, hồ cá cảnh và cả nước máy. Những bệnh ngoài da ở người gây ra bởi vi khuẩn này thường là vì tắm trong nguồn nước có mầm bệnh. Phương thức nhiễm bệnh này phổ biến hơn là nhiễm bệnh từ hồ cá cảnh. Bệnh thường lây nhiễm thông qua các vết thương, vết xước ngoài da và diễn tiến âm thầm trong vòng 2-3 tuần trước khi bộc phát ra bên ngoài.
Chữa trị: sử dụng kết hợp Isoniazid + Kanamycin (tỷ lệ 1/4 muỗng trà trên 100 lít nước) + Vitamin B-6 (tỷ lệ 1 giọt trên 20 lít nước) trong vòng 30 ngày là công thức điều trị hiệu quả nhất được biết đến nay. Cá bị bệnh nên được nhốt trong hồ riêng. Sau khi thay nước, cần bỏ thêm thuốc theo đúng tỷ lệ nêu trên.
Có thể cho thêm chút muối hay blue methylene vào hồ để đề phòng những mầm bệnh cơ hội thừa cơ cá yếu tấn công. Không nhất thiết phải cho nhiều muối, muối chỉ có tác dụng phòng bệnh cơ hội mà không có tác dụng trị bệnh vì vi khuẩn lao cá sống được trong cả môi trường nước ngọt lẫn nước mặn! Cũng tránh tăng nhiệt độ vì đây là bệnh nhiễm khuẩn, nhiệt độ cao càng kích thích vi khuẩn phát triển mạnh.
Phòng bệnh: nuôi quá nhiều cá, nước dơ và thức ăn mang mầm bệnh là những nguyên nhân chính gây nên bệnh này. Với các hồ cá cảnh có trải sỏi dưới nền đáy cần phải được làm vệ sinh một cách thích hợp (như sử dụng ống siphon), thường xuyên thay nước và làm vệ sinh máng lọc. Cần hết sức hạn chế cho cá ăn các nguồn thức ăn chứa nhiều mầm bệnh như cá chép và cá ròng ròng (cá lóc con).
Hình: Baby-lovely ( www.cacanh.com.vn )
Cá vẫn ăn uống bình thường nhưng dường như bị mắc thêm bệnh đường ruột (có sợi phân màu trắng nối với hậu môn). Hình: Naiveman ( www.thegioicacanh.com)
(St)