Tuổi dậy thì có những thay đổi về sinh lý rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý. Ngược lại, có những dấu hiệu về bệnh lý lại bị bỏ qua do ngỡ đó chỉ là sự thay đổi bình thường. Nhận biết đâu là sinh lý, đâu là bệnh lý sẽ giúp cha mẹ và bản thân trẻ ở lứa tuổi này đỡ hoang mang và phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe để kịp thời can thiệp
Dậy thì sớm
Các bé gái thường xuất hiện kinh nguyệt lần đầu lúc 11 – 12 tuổi. Với quan niệm trẻ ngày nay có xu hướng dậy thì sớm, nhiều bố mẹ thường cho rằng việc trẻ xuất hiện kinh nguyệt trước chín tuổi cũng là bình thường. Thật ra, theo bác sĩ (BS) CKI sản khoa Nguyễn Thụy Hương Thủy (BV Đa khoa Bưu Điện 2) thì trường hợp này lại là dấu hiệu của bệnh lý.
Một số trường hợp dậy thì sớm do nguyên nhân thực thể là dạng hiếm gặp, thường do các biến đổi thực thể tại não như là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong như u não, não úng thủy, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận… Trẻ dậy thì sớm có nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng… cao hơn trẻ dậy thì đúng với lứa tuổi.
Những dấu hiệu bên ngoài giúp cha mẹ nhận biết các bé gái bắt đầu dậy thì là sự phát triển vú, lông mu, sự tăng trưởng cơ thể… Nếu những dấu hiệu này xuất hiện trước lúc tám tuổi cũng là những báo hiệu cho hiện tượng dậy thì sớm.
|
Cần tham vấn ý kiến bác sĩ khi trẻ có những dấu hiệu phát triển bất thường |
Dậy thì muộn
So với dậy thì sớm, hiện tượng dậy thì muộn cũng nguy hiểm không kém do có liên quan đến một bất thường trong cơ thể. Không ít bố mẹ cảm thấy an tâm khi con đã ở tuổi 14-15 nhưng vẫn còn là trẻ con. Trẻ dậy thì muộn có thể thuộc một trong ba nhóm sau: do tập thể thao quá mức hoặc chậm phát triển về thể tạng; có những vấn đề thuộc về bệnh lý như thiểu năng tuyến yên, bất thường về nhiễm sắc thể, rối loạn nội tiết tố; có vấn đề về buồng trứng, có các bệnh mạn tính về máu, ung thư…
“Nếu thấy trẻ 13 tuổi mà chưa có những dấu hiệu của dậy thì như chưa có kinh nguyệt, ngực chưa phát triển, cha mẹ phải nghĩ ngay đến chứng dậy thì muộn và nên đưa trẻ đến BS chuyên khoa để thăm khám. Nếu xác định trẻ chỉ dậy thì chậm đơn thuần, mới có thể yên tâm”, BS Thủy khuyên.
Dấu hiệu bình thường và bất thường của chu kỳ kinh
Đau tức bụng dưới, căng ngực, mỏi lưng… là những dấu hiệu thường xuất hiện trong những ngày chu kỳ do sự thay đổi của các hormone sinh dục. Một số người có thể bị ra nhiều máu trong chu kỳ và máu bị vón cục. Đây không phải là những dấu hiệu bất thường. Các cục máu đông thường ra ngoài theo máu, chất lưu và màng nhầy bên trong dạ con trước khi chúng bị tan ra.
Nhiều bé gái ở tuổi dậy thì có chu kỳ kinh nguyệt không đều vì phát triển rất nhanh về thể chất, nhưng sự phát triển và điều hòa về thần kinh và thể dịch ở các em lại không theo kịp. Trục trặc này sẽ xảy ra trong một hai năm đầu. Khi cơ thể trưởng thành, kinh nguyệt của các em sẽ ổn định.
Hiện tượng trẻ gái vị thành niên không xuất hiện kinh nguyệt từ bốn-sáu tháng sau khi đã có kinh khiến nhiều bậc cha mẹ hốt hoảng, nhưng nguyên nhân có thể chỉ liên quan đến những căng thẳng về tâm lý, thể lực hoặc những rối loạn tiêu hóa…
Trường hợp này thường được gọi là vô kinh thứ phát. Tuy nhiên, nếu đã có sự điều chỉnh mà kinh nguyệt vẫn không xuất hiện thì lại là dấu hiệu không bình thường, có thể liên quan đến một khối u ở buồng trứng hoặc teo tuyến yên, cường giáp, bệnh tuyến thượng thận.
BS Thủy khuyến cáo cha mẹ nên lưu ý các dấu hiệu sau đây để cho con đi khám BS chuyên khoa kịp thời: Trẻ bị những cơn đau bụng dữ dội và kéo dài trong suốt chu kỳ kinh. Máu ra quá nhiều trong chu kỳ, máu bị vón cục nhiều, kích thước lớn. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm đường sinh dục, làm hẹp hoặc tắc vòi trứng, gây ra tình trạng thai ngoài tử cung hoặc vô sinh khi trưởng thành. Rong kinh cũng có thể gây rối loạn phóng noãn dẫn đến vô sinh.
Những cơn đau đầu xuất hiện khi bước vào tuổi vị thành niên
Đau đầu tuổi vị thành niên
Nhiều trẻ chưa bao giờ bị nhức đầu bỗng liên tục xuất hiện những cơn đau đầu khi bước vào tuổi vị thành niên. BS Phạm Anh Tuấn (BV Nguyễn Tri Phương) phân tích hiện tượng này như sau: Tần suất xuất hiện của những cơn đau đầu có thể nhiều hơn khi trẻ bước sang tuổi 15.
Nguyên nhân gây ra chứng đau đầu hiện còn đang tranh cãi. Những cơn đau đầu của lứa tuổi này thường do sự thay đổi đột ngột những hoạt động của các neuron thần kinh trong não, hoặc sự thay đổi áp suất trong các mạch máu có nhiệm vụ cung cấp máu lên não.
Một số trẻ gái tuổi dậy thì cũng cảm thấy đau đầu trong thời gian hành kinh, hoặc có cảm giác choáng váng khi đứng dậy… Những dấu hiệu này chỉ là sự phát triển bình thường của sinh lý lứa tuổi.
Tuy nhiên, không loại trừ việc đau đầu là dấu hiệu của những thương tổn nghiêm trọng trong não như u não, áp lực trong não tăng cao, viêm màng não, viêm não… bởi đó là những căn bệnh có thể gặp ở tuổi dậy thì.
Do vậy, cha mẹ cần sớm đưa con đến BS khi trẻ có các cơn đau kéo dài liên tục và có xu hướng tăng dần; khi trẻ thường xuyên có cảm giác choáng váng lúc đứng dậy hay đi lại; thường xuyên bị đau đầu hoặc nôn mửa khi thức dậy vào buổi sáng.
Bệnh hay gặp ở bé gái tuổi dậy thìPhụ nữ mỗi lứa tuổi, cơ thể và sức khỏe lại có sự thay đổi rõ rệt. Sự thay đổi này luôn có hai mặt tốt và xấu. Em gái ở lứa tuổi dậy thì cơ thể đang dần hoàn thiện và bắt đầu phải thích ứng cũng như đối mặt với những nguy cơ mắc bệnh phụ nữ nhiều hơn.
|
Người lớn cần quan tâm chăm sóc trẻ gái tuổi dậy thì. |
Trên 10 tuổi, các em gái chính thức bước vào một giai đoạn quan trọng, đó là tuổi dậy thì. Với hầu hết các em gái, giai đoạn này không dễ dàng. Ngoài sự thay đổi về tâm lý (vui - buồn vô cớ, lo âu, dễ xúc động…), các em còn phải đối mặt với những thay đổi về sinh lý khi có kinh nguyệt. Thống kinh, rong kinh - rong huyết... là những bệnh hay gặp ở em gái khi bước vào tuổi dậy thì với các biểu hiện: xanh lướt, mệt mỏi, trí nhớ sút kém...
Thống kinh
Là triệu chứng đau quặn thắt ở vùng bụng dưới (kèm thêm đau lưng, nhức đầu, tiêu chảy) khi hành kinh. Có khoảng 60-70% em gái trong 3 năm đầu dậy thì bị triệu chứng này. Nguyên nhân gây thống kinh là do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu (trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát); do thiếu vi chất hoặc do các bệnh lý khác (gọi là thống kinh thứ phát).
Thống kinh không nguy hiểm, nhưng nó khiến các em thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin. Những trường hợp bị thống kinh nặng, nhiều cô bé phải nghỉ học, thậm chí phải dùng các thuốc hormon nữ progesteron, estrogen, thuốc kháng viêm không steroid… làm cho sự phát triển của niêm mạc tử cung kém đi, ức chế sự tổng hợp prostaglandin dẫn đến làm giảm đau; thuốc hướng cơ làm giảm co thắt để giảm đau. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ mất đi khi hệ nội tiết hoạt động ổn định hơn.
Rong kinh, rong huyết
Rong kinh là hành kinh kéo dài hơn 1 tuần. Rong huyết là hiện tượng ra huyết ở bộ phận sinh dục không phải do kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần. Khi kinh nguyệt kéo dài, máu kinh không đông, lượng máu ra nhiều vào giữa đợt có kinh, rong kinh kéo dài hơn 15 ngày, gọi chung là rong kinh-rong huyết. Sở dĩ có tình trạng này là do khi mới vào tuổi dậy thì, hoạt động của hệ nội tiết chưa ổn định, như estrogen tăng cao nhưng lại không có hiện tượng phóng noãn; progesteron không được tiết ra cân đối với estrogen. Tất cả khiến cho nội mạc tử cung dày lên mãi nhưng mạch máu không tăng trưởng kịp, không đủ máu nuôi dưỡng, bị hoại tử, bong ra từng mảng nhỏ, gây chảy máu dài.
Những trường hợp bị rong kinh-rong huyết nhẹ (máu không ra nhiều và không có hiện tượng thiếu máu) thì không cần điều trị, vì sau một vài chu kỳ, khi nội tiết hoạt động ổn định, hiện tượng này sẽ hết. Trường hợp rong kinh-rong huyết ở mức độ trung bình (máu ra không nhiều, nhưng thiếu máu) thì phải dùng thuốc có chứa estrogen và progesterone giúp cho chu kỳ kinh nguyệt ổn định.
Trường hợp rong kinh-rong huyết ở mức độ khá nặng (máu ra nhiều, thiếu máu) thì vẫn dùng thuốc có chứa estrogen và progesteron, nhưng dùng liều gấp đôi. Nếu rong kinh rong huyết nặng (máu ra nhiều gây mất máu cấp tính) phải tới bệnh viện để theo dõi và tiêm estrogen hay uống estradiol để làm ngừng sự chảy máu cấp. Tất cả các trường hợp phải dùng thuốc nội tiết nói trên phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Thiếu máu nhược sắc
Khoảng 20%-25% thiếu nữ bị thiếu máu nhược sắc, hay còn gọi là “chứng xanh lướt thiếu nữ”. Đó là biểu hiện của chứng thiếu máu do thiếu sắt. Ở tuổi vị thành niên, nhu cầu sắt ở thiếu nữ vào khoảng 2,4ml/ngày (gấp đôi bé trai).
Tuy nhiên, do chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất, cộng với sự mất máu khi có kinh nguyệt, khiến các cô bé bị mất chất sắt. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới thiếu máu. Những em gái có vấn đề bất thường về kinh nguyệt như đã nêu trên thì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt càng nặng hơn nữa. Chứng thiếu máu nhược sắc còn do các bệnh đường ruột, do bị nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc (80% - 100% lứa tuổi học sinh bị nhiễm giun).
Để phòng tránh chứng thiếu máu nhược sắc, các em gái cần tẩy giun theo định kỳ; điều trị tốt chứng thống kinh, rong kinh - rong huyết (nếu có). Đặc biệt, các em cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng như ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất sắt và vitamin C (vì vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn) trong bữa ăn, nhất là ở giai đoạn có kinh nguyệt. Nên bổ sung thêm thuốc chứa chất sắt phối hợp với acid folic (rất cần cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này).
Bệnh "vùng kín" ở tuổi dậy thì
Khu vực âm đạo, âm hộ thường xuyên bị vi trùng xâm nhập từ bên ngoài da, đường tiêu hóa (gần hậu môn) và quan hệ tình dục. Vì thế, các vùng này rất dễ bị viêm nhiễm nếu bạn không biết cách giữ gìn vệ sinh.
Nhiều người nhầm lẫn rằng ở tuổi dậy thì, khi chưa có quan hệ tình dục thì không thể có sự xâm nhập của vi trùng. Vì thế, họ rất an toàn trước nguy cơ viêm nhiễm. Thật ra, ở lứa tuổi này cũng rất dễ bị viêm nhiễm âm đạo nếu không biết vệ sinh đúng cách. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh có khác so với những người đã lập gia đình. Hơn nữa, viêm âm đạo ở lứa tuổi này r���t khó điều trị và dễ tái phát, vì không thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo. Các bé gái mặc quần áo chật, đổ mồ hôi nhiều rất dễ bị nhiễm nấm âm hộ, âm đạo vì môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Những bé gái bị nhiễm giun, đặc biệt là giun kim đường tiêu hóa, nếu không được điều trị rất dễ bị viêm nhiễm âm đạo do giun. Trường hợp bị viêm nang lông, mụn mủ ngoài da vùng âm hộ cũng dễ làm viêm nhiễm âm đạo do Staphylococcus, Strepptococcus...
Cách phòng ngừa hiệu quả nhất - Mặc quần áo thoáng mát - Luôn giữ khô ráo vùng kín: dùng khăn giấy lau khô sau khi đi vệ sinh, tắm rửa - Uống thuốc tẩy giun nếu có nhiễm giun đường tiêu hóa - Khi có mụn mủ, viêm nang lông vùng kín, cần đi khám và điều trị, không tự ý nặn cho mụn mủ vỡ ra - Thay băng vệ sinh thường xuyên, không để ẩm ướt vì máu là môi trường thuận lợi cho vi trung phát triển. - Dùng băng vệ sinh hàng ngày để vùng kín luôn sạch sẽ |
Tăng chiều cao ở tuổi dậy thì
Tăng chiều cao ở tuổi dậy thì
Tăng chiều cao sau tuổi dậy thì
Bí quyết trò chuyện với con tuổi dậy thì
Bộ phận sinh dục nam và sự dậy thì ở nam giới
(st)