Phân biệt màu sắc là một trong những cách dạy bé nhận biết về thế giới xung quanh. Bởi vì, ngoài màu sắc, bé còn có khả năng nhận diện và gọi tên chính xác đồ vật, hình khối…
Độ tuổi bé phân biệt được màu
Bé của bạn có thể nhận diện được các màu khác nhau quanh mốc 18 tháng tuổi, trùng với thời điểm bé bắt đầu phân biệt được hình dạng, kích thước, chất liệu.
Sau đó, phải mất một khoảng thời gian nữa, bé mới có thể gọi tên được màu sắc. Phần lớn các bé gọi được ít nhất một màu ở độ tuổi lên 3.
Trước tuổi nói thành thạo, bé rất thích được luyện tập để ghi nhớ nhiều màu mới. Và bé có thể khiến bạn ngạc nhiên bởi khả năng nhận biết sắc màu ngay cả khi bé chưa thể gọi tên màu bằng ngôn ngữ. Mỗi khi có dịp ra ngoài, bạn hãy chỉ tay vào đồ vật và gọi tên màu chính xác; chẳng hạn, bạn nói: “Mẹ nhìn thấy bông hoa màu đỏ kìa” nhưng đợi một chút để bé chỉ tay trước. Nếu bé không chỉ được thì mẹ mới chỉ tay thay con. Nếu bé mặc một chiếc áo màu xanh, bạn hãy hỏi con xem liệu bé có nhìn thấy thứ gì xung quanh có màu sắc tương tự thế không.
Các bé tuổi chập chững vô cùng yêu thích sách ảnh và những đồ chơi nhiều màu sắc, hình dạng. Bạn có thể bắt đầu dạy bé nhận diện đồ vật bằng cách hỏi: “Con chỉ cho mẹ hình vuông màu đỏ xem nào?” và để bé chỉ tay vào đồ tương ứng. Khi bé bắt đầu học tên màu, bạn chỉ tay vào đồ vật và hỏi: “Hình tam giác này màu gì hả con?”. Nếu bé nói sai, đừng vội sửa cho bé (cũng đừng vờ như bé nói đúng), thay vào đó, bạn có thể gọi tên đúng màu sắc với giọng điệu khuyến khích.
Một số mẹo giúp bé
Những gợi ý sau giúp bé mẫu giáo sớm phân biệt được sắc màu, qua tổng hợp từ Justmommies:
Chơi với đất sét màu
Để cho bé trộn lẫn hai loại đất sét khác màu vào với nhau và để bé gọi tên màu đã được trộn.
Thám tử tìm đồ vật
Cùng bé chơi trò “Con là thám tử”, khi đó, bé sẽ đi quanh nhà và tìm những đồ vật có màu sắc khác nhau.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tạo một “quyển sách thám tử”. Cắt những hình khác nhau từ một cuốn tạp chí (hoặc một quyển sách màu); sau đó, dán hình vào một quyển vở trắng. Nhiệm vụ của bé là đếm những màu khác nhau có trong vở.
|
Những sợi ruybăng nhiều màu sắc
Sưu tập những sợi ruybăng có màu sắc khác nhau từ bữa tiệc (các gói quà sinh nhật). Tiếp đến, thử để cho bé phân loại từng dải ruybăng theo màu riêng biệt.
Tìm màu phù hợp
Cắt bìa cứng nhiều màu thành những tấm thiệp. Dải những tấm thiệp lên mặt bàn (sàn nhà) và yêu cầu bé nhặt một tấm thiệp có một màu phù hợp.
Trò chơi câu cá
Sáng tạo hình con cá từ nhiều tấm bìa cứng, với nhiều màu khác nhau. Xếp những con cá nổi trên một chậu nước và đề nghị bé dùng tay vớt con cá có màu sắc theo yêu cầu.
Chơi trốn tìm
Giấu những món đồ chơi có màu khác nhau ở nhiều nơi trong nhà. Nhiệm vụ của bé là đi tìm và gọi tên màu sắc của món đồ chơi đó.
Truy tìm kho báu
Chôn những đồ vật có màu khác nhau dưới cát. Sau đó, dạy bé cách đào cát để tìm đồ vật.
Cho bé tô màu theo tranh
Tô màu là cách thực hành lý tưởng giúp bé hứng thú khi biết cách phân biệt màu sắc. Có thể dùng những quyển sách dành cho bé tập tô màu hoặc đưa cho bé vài chiếc bút chì màu cùng một tờ giấy trắng.
Các em bé thường rất hứng thú với kẹo, vậy tại sao bạn không giúp bé phân biệt màu sắc thông qua những viên kẹo đủ màu này nhỉ.
Những chiếc kẹo đủ màu
Các em bé thường rất hứng thú với kẹo, vậy tại sao bạn không giúp bé phân biệt màu sắc thông qua những viên kẹo đủ màu này nhỉ. Khi bé ăn kẹo, bạn hãy hỏi: Con thích ăn kẹo màu gì? Bé bảo: Con ăn kẹo màu xanh. Bạn hãy lấy cho bé một chiếc kẹo màu xanh. Sau đó, bạn hãy bảo bé nhặt những chiếc kẹo cùng màu xanh ấy vào với nhau. Tiếp tục với những chiếc kẹo màu khác.
Đèn xanh, đèn đỏ
Khi đưa bé đi dạo hay cùng bé ra ngoài bằng ô tô, xe máy, nếu gặp đèn đỏ, bạn hãy bảo bé: Đèn đỏ rồi, dừng lại thôi. Khi đèn xanh bật lên, bạn lại bảo bé: Đèn xanh rồi, mẹ con mình đi tiếp nhé.
Bé mặc quần áo màu gì?
Quần áo cũng là vật dụng gắn liền với bé và có thể giúp bé phân biệt màu sắc rất hiệu quả. Trước khi cho bé đi chơi bạn hãy bảo bé: Hôm nay, mẹ cho con đi chơi công viên nhé, con mặc váy màu gì nhỉ, màu trắng hay màu hồng? Bé sẽ hào hứng: Con mặc váy màu trắng. Mẹ lại hỏi tiếp: Thế con buộc tóc bằng dây màu hồng hay màu đỏ? Bé thích chí lắm: Con buộc dây màu hồng! Bạn lại nói tiếp: Con mang dây màu hồng ra đây mẹ buộc tóc cho! Vậy là bạn vừa tạo cho bé sự thoải mái khi lựa chọn đồ, vừa có thể dạy cho bé học về màu sắc một cách dễ dàng.
Những đôi giầy khác màu
Bạn có thể mua cho bé những đôi giầy và dép với nhiều màu sắc khác nhau như: trắng, đỏ, xanh, vàng, hồng,... Buổi sáng, khi đưa bé đi học, bạn bảo: Hôm nay, con đi dép màu trắng nhé. Hoặc khi về đến nhà, bạn lại nhắc bé: Con đi dép đỏ trong nhà nhé,… Hãy nhớ lặp lại “đề nghị” này với bé thường xuyên để bé phân biệt được màu sắc qua những đôi giầy, đôi dép.
Quần áo cũng là vật dụng gắn liền với bé và có thể giúp bé nhận biết màu sắc
Sắc độ khác nhau của màu xanh
Nên sử dụng các ví dụ gần gũi để giúp bé phân biệt những màu có cùng tên gọi nhưng khác nhau về sắc độ như màu xanh. Ví dụ mẹ bảo con: Con có nhìn thấy cái lá này không? Nó có màu xanh đấy, đó gọi là màu xanh lá cây con nhé. Sau đó, bạn chỉ lên bầu trời và bảo: Con có nhìn thấy bầu trời kia không? Nó cũng có màu xanh đấy, nhưng đó gọi là màu xanh da trời con ạ. Sau đó, bạn lại bảo bé: Thế bây giờ con nói cho mẹ nghe xem màu xanh của cái lá kia gọi là màu xanh gì nhỉ?...
Trò chơi với những quả bóng
Bạn hãy đặt những quả bóng xanh, đỏ, tím, vàng,… vào một chiếc giỏ nhỏ để ở góc nhà, cách bạn và bé khoảng 2 mét. Sau đó bạn đọc: Màu đỏ, và yêu cầu bé chạy lại giỏ lấy một quả bóng màu đỏ. Nếu bé lấy đúng màu, bạn cầm sẵn một bức hình con vật bé yêu thích dán luôn vào quả bóng và tặng cho bé quả bóng đó. Nếu bé lấy không đúng, bạn hãy ân cần chỉ dạy cho bé và chơi tiếp. Trò chơi này khá hiệu quả.
Giúp bé phân biệt màu sắc qua những trò chơi
Bé 3 tuổi có thể phân biệt và thuộc được tên 4 màu sắc nếu được bố mẹ dạy đúng cách. Những gợi ý dưới đây để giúp con phát triển tốt khả năng nhận thức về màu nhé.
|
“Bình thường hóa” màu sắc
Bạn có thể tạo cho bé những nhận thức ban đầu về màu sắc trong các cuộc đối thoại hằng ngày, chẳng hạn: “Hôm nay con thích mặc áo màu gì?”, “Con tìm cho mẹ cái ôtô trắng nhé”…
Khi đọc truyện cho bé nghe, bạn có thể bảo bé tìm con chim màu đỏ hay con sư tử màu vàng… trong tranh vẽ. Bạn cũng hỏi bé xem con gà có màu gì?...
Phối hợp màu sắc
Mẹ chuẩn bị một ít đất nặn hoặc bột bánh và chia vào vài bát nhỏ, sau đó đổ thêm mấy giọt màu thực phẩm khác nhau vào mỗi bát và trộn đều các màu với đất nặn/bột bánh. Sau khi chuẩn bị xong, bạn hãy cùng bé yêu khám phá sự thay đổi của các màu sắc.
Bạn cũng có thể chuẩn bị một số lọ thủy tinh đựng nước sạch và nhỏ vào mỗi lọ một ít màu thực phẩm khác nhau. Đợi lúc trời nắng, bạn và bé cùng mang những chiếc lọ này đặt lên bệ cửa sổ và ngắm sự biến đổi của màu sắc dưới ánh nắng.
Trò chơi sắp xếp
Mặc dù chưa có khái niệm về màu sắc hay kích cỡ nhưng bé có thể sắp xếp đồ vật theo ý riêng của mình. Vì vậy, bạn có thể bắt đầu dạy bé cách phân loại mọi vật theo đặc tính màu sắc.
Mẹ chuẩn bị một số hình khối nhiều màu và hướng dẫn bé cách sắp xếp chúng theo từng nhóm (màu đỏ xếp riêng, màu xanh xếp riêng…). Bạn cũng có thể đề nghị bé giúp mẹ tìm và sắp xếp những chiếc tất có màu giống nhau. Bạn sẽ rất vui khi thấy bé dần dần nhận thức được các màu cơ bản thông qua quá trình này.
Cầu vồng tự tạo
Bạn tìm mua những chiếc rèm trang trí làm bằng nhựa trong nhiều màu sắc, hình dáng và treo ở cửa phòng bé hoặc cửa sổ nơi có ánh nắng. Ánh sáng chiếu vào các ô nhựa này sẽ tạo nên những chiếc “cầu vồng” rực rỡ trên tường. Điều này sẽ làm cho bé vô cùng thích thú. Bạn cũng có thể chỉ cho con những màu sắc tạo nên “cầu vồng”.
Dạy con từ thuở lên 3
Nuôi con khỏe dạy con ngoan
Dạy con tiêu tiền
Dạy bé tập ngồi cho vững
Dạy bé tập đếm từ đơn giản đến phức tạp
Làm sao dạy con biết vâng lời
Hãy dạy con từ 'thủa trong thai'
(st)