Ngọt mát và dễ chế biến, canh dọc mùng nấu sườn có thể dung ăn với cơm hoặc với bún cũng rất ngon.Hãy cung vào bếp chế biến món canh này đãi cả nhà nhé!
Cách 1:
Nguyên liệu:
- 400 gr sườn thăn
- 3 đọt bạc hà (dọc mùng)
- 2 trái cà chua, hành tươi
- 1 nhánh con nghệ, giã nhỏ, lọc lấy nước
- Dầu ăn, hạt nêm
Cách làm:
1. Sườn thăn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, cho vào nồi nước lạnh đun sôi, chắt bỏ nước đỏ.
2. Cho tiếp nước lạnh vào ngập sườn, đun sôi, vặn nhỏ lửa, ninh chín. Hành tươi bỏ gốc, rửa sạch, phần lá xắt ngắn, chẻ dọc phần củ.
3. Đọt bạc hà tước bỏ vỏ ngoài, xắt lát mỏng, ngâm trong chậu nước pha muối. Rửa lại đọt bạc hà, vắt khô và ướp với 1/2 nước nghệ.
4. Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn, cho cà chua, nước nghệ vào xào tạo màu, trút sang nồi sườn, nêm hạt nêm, đun sôi, cho đọt bạc hà vào, sôi đều rắc hành tươi, tắt bếp.
Cách 2:
Món canh sườn dọc mùng là một trong những món yêu thích nhất của mình. Đặc biệt là trong ngày hè, vị chua từ sấu hòa quện với vị ngọt từ sườn hầm thật khó mà không xì xụp xuýt xoa. Kèm thêm nữa là những miếng dọc mùng ăn sần sật giòn giòn. Cả bát canh dậy lên mùi ngọt của sườn, mùi chua của sấu và mùi thơm đặc biệt của mùi tàu.
Để nấu món này thì cần dành một chút thời gian cho việc ninh sườn, tuy nhiên trong lúc ninh thì có thể tranh thủ làm nhiều việc khác, lát sau ra là có ngay 1 nồi xương hầm vô cùng chất rùi. Còn lại những công đoạn khác thì đơn giản vô cùng
Bạn nào sẵn có sấu “đông đá” thì hãy thử làm nhé, vị chua của sấu mới là thích hợp nhất cho món canh này.
Nguyên liệu:
- 300 – 400g sườn (có thể mua loại sườn cục, dẻ sườn cũng được, ninh càng ra nước ngọt mà rẻ hơn sườn “thịt”)
- 1 bó dọc mùng (khoảng 3 cây)
- 3 quả sấu to
- 1 củ hành khô
- Mắm hoặc gia vị
- Hành lá, mùi tàu
Cách làm:
- Sườn rửa sạch, cho vào nồi, thêm chút mắm hoặc gia vị, xào qua với hành khô thái nhỏ khoảng 5 phút cho sườn ngấm gia vị.
- Cho thêm chút nước vừa ngập sườn, cho sấu vào, đun nhỏ lửa cho đến khi sườn thật mềm. Thỉnh thoảng để ý thêm nước kẻo nước cạn hết sẽ bị cháy, thêm cũng chỉ xâm xấp để nước xương được cô đặc và miếng sườn không bị nhạt vị đi.
- Dọc mùng tước vỏ, cắt khúc dài khoảng ngón tay, có thể cắt lát chéo tùy thích. Sau khi cắt thì xóc với 1 ít muối, để 1 lát dọc mùng sẽ mềm ra, rửa sạch rồi vắt cho ráo nước.
- Hành và mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.
- Sau khi sườn mềm thì cho thêm nước đủ dùng, nêm gia vị vừa miệng, đun sôi lên thì cho dọc mùng vào. Canh vừa sôi thì cho hành lá, mùi tàu vào, bắc ra ngay để tránh dọc mùng và rau gia vị bị chín quá.
Cách 3:
Ngày bé, tôi được bà nấu canh dọc mùng với sườn lợn cho ăn mà cứ ngỡ là canh khoai nước nên không dám ăn vì sợ ngứa cổ. Nhưng rồi ăn vào mới tôi mới biết và cảm nhận được vị ngon ngọt, chua mát của thứ canh này.
Dọc mùng (hay còn gọi là đọt bạc hà) là một loại rau có hình dáng giống với khoai nước. Nhưng bẹ dọc mùng to, trắng hơn, thân và lá dài hơn khoai nước. Nếu không sành dọc mùng thì rất dễ nhầm hai loại này với nhau.
Dọc mùng có thể dùng để nấu canh chua với lạc, xào thịt lợn, nấu bung ăn với bún... Trong đó món canh dọc mùng nấu sườn là món ăn bổ dưỡng, mát và được nhiều người hay làm để cả gia đình thưởng thức trong những ngày nắng nóng. Bát canh dọc mùng nấu sườn sẽ xua tan cảm giác háo nước ngày hè và bổ sung chất dinh dưỡng cho bữa ăn.
Canh dọc mùng nấu sườn chế biến đơn giản. Nguyên liệu gồm có: Dọc mùng, sườn lợn, cà chua, vài quả sấu, mùi tàu, hành khô, hành lá, bột nghệ. Nấu canh dọc mùng quan trọng là khâu tước vỏ dọc mùng và ninh sườn. Nếu vỏ dọc mùng không được tước sạch khi nấu ăn sẽ rát và ngứa cổ.
Sườn thăn chọn loai ít thịt thì nước canh mới ngọt. Sườn rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Cho dầu ăn và hành khô vào phi thơm, rồi cho gia vị vào đảo với sườn cho săn lại và ngấm gia vị. Cho tiếp nước lạnh vào ngập sườn, cho vài quả sấu vào đun sôi, vặn nhỏ lửa và ninh chín. Không nên cho nhiều nước quá, vì như thế sẽ làm cho canh không đậm đặc và nhạt.
Hành tươi bỏ rễ, rửa sạch, phần lá xắt ngắn, chẻ dọc phần củ. Dọc mùng tước sạch vỏ ngoài, thái vát, xắt lát mỏng rồi ngâm trong chậu nước pha muối để dọc mùng sạch và bớt ngứa. Sau đó rửa lại dọc mùng, vắt khô và ướp với nước nghệ đã được chắt lọc lấy nước trong.
Bước tiếp theo là cho cà chua, nước nghệ vào xào để tạo màu cho canh hấp dẫn. Sau đó trút sang nồi sườn, nêm hạt nêm, gia vị rồi đun sôi. Tiếp đó cho dọc mùng vào đun cho nước sôi đều rồi rắc hành tươi, mùi tàu lên. Thế là đã xong món canh dọc mùng nấu sườn vừa chua, vừa ngọt đậm đà, vừa bùi, vừa béo. Thật là hấp dẫn!
Ngày xưa, những khi nhỡ bữa, bà tôi thường ra vườn cắt vài cây dọc mùng, giã lạc nấu canh chua, thêm vài quả sấu hoặc quả chua me với vài cọng rau rút là có bát canh chua dọc mùng nấu lạc thơm mát cho bữa cơm.
Ngày nay, khi cuộc sống đã cải thiện nhiều, người ta có thể thay đổi khẩu vị và cho thêm nhiều thứ để bát canh ngon ngọt và đậm đà hơn. Những người sống ở Hà Nội khi về thăm quê cũng không quên đem theo bó dọc mùng, thắt bên khung xe máy mang lên để dự trữ và nấu canh sườn lợn dọc mùng thay đổi khẩu vị cho bữa ăn.
Cách 4:
Ánh nắng oi ả đã bắt đầu xuất hiện trên mỗi khu phố, mỗi con đường khiến ai cũng có cảm giác mệt mỏi. Trưa hè, bỗng nhớ món canh sườn nấu dọc mùng - thứ canh mát dịu bà thường nấu vào những ngày hè oi bức.
Sườn nấu dọc mùng món canh giải nhiệt rất tốt vào những ngày hè nóng nực, tạo cảm giác ngon miệng khi thưởng thức. Chẳng phải món ăn cao sang, cầu kì nhưng với bàn tay tỉ mỉ đầy ắp tình yêu thương bà đã nấu bát canh sườn dọc mùng thơm mát tạo cảm giác ngon miệng cho mỗi người trong gia đình.
Cảm giác chán ăn vào những ngày hè dường như chỉ có món canh sườn nấu dọc mùng của bà lấn át. Vị giòn thơm của dọc mùng khi ăn, cộng với vị ngọt trong xương sườn, thanh mát trong sấu, me hoà quện với nhau làm nên bát canh tuyệt vời. Chắc hẳn vì thế món canh ấy luôn nằm trong danh sách thực đơn của cháu mỗi khi mùa hè xuất hiện.
Tình yêu thương con cháu của bà thể hiện ở sự tỉ mỉ trong cách chế biến từng món ăn.Tốn khá nhiều thời gian để thực hiện món canh sừơn nấu dọc mùng, có những lần bà mất gần cả buổi sáng chỉ để nấu món canh đặc biệt này cho cả gia đình. Có lẽ niềm vui của bà nằm trong tiếng cười con trẻ hàng ngày.
Là món canh không cần nhiều nguyên liệu trong chế biến nhưng laị đòi hỏi sự khéo léo. Những cây dọc mùng trong vườn được bà lựa loại dài, mập không quá già để tạo vị thơm khi khi ăn. Vỏ dọc mùng được làm sạch sẽ, ngày ấy bà không cho cháu động vào loại rau này bởi nó rất ngứa, nếu không làm kĩ sẽ rất nguy hiểm khi ăn. Tăng thêm độ chua mát cho món canh bà chọn quả sấu già để làm tănh mùi vị trong canh. Những nhánh sườn đỏ rọi được bà ninh kĩ trong bếp củi, có lẽ công việc cháu giúp bà được nhiều nhất là trông bếp. Bất kì khi nào nấu món canh này hành, mùi tàu hai loại rau đóng vai trò hết sức quan trọng tạo ra mùi vị trong bảt canh sườn nấu dọc mùng.
Không khó để cháu học nấu món canh sườn nấu dọc mùng từ bà, hẳn bà sẽ vui hơn nếu biết cháu cẩn thận thế nào khi tước vỏ của dọc mùng, xào xương sườn và linh thật kĩ. Cho những quả sấu già cạo vỏ cùng cà chua và những gia vị khác cho đến khi sôi nước thả dọc mùng vào nâú chín. Thêm hành, mùi taù món canh cháu thực hiện cũng thành công. Cô cháu gái bé bỏng ngày nào cũng thường nấu món canh sườn dọc mùng thay bà vào những ngày hè cho gia đình.
Những quả cà pháo muối chua ngày ấy luôn được bà chọn khi ăn cùng món canh dọc mùng này. Vị chua rôn rốt, giòn giòn của cà kết hợp với vị mát ngọt, thanh thanh trong canh luôn tạo ra sự thú vị hơn trong bữa ăn.
Yêu thích món canh sườn nấu dọc mùng phải chăng vì nó ngon hay bởi nó có cả tình yêu của bà, mùi vị đặc biệt ấy còn thấm những giọt mồ hôi mà bà chế biến trong ngày hè oi bức.
Buổi trưa đi học về trong ánh nắng gắt gỏng mùa hè, cảm giác mệt mỏi bỗng làm cháu thấy nhớ bà, nhớ món canh dọc mùng mát dịu mà bà đã nấu.
(st)