Thức ăn cho người bị bệnh huyết áp cao

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Thức ăn cho người bị bệnh huyết áp cao

18/04/2015 11:51 PM
289


Huyết áp cao là một trong những bệnh phổ biến nhất. Một số người khi mới chớm bệnh có thể bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt hoặc chảy máu cam. Tuy nhiên, những dấu hiệu và triệu chứng thông thường không xuất hiện cho đến khi huyết áp đã tăng cao, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

Thực phẩm tốt cho người cao huyết áp

Huyết áp bình thường là 120/80, chỉ số 120 là huyết áp tâm thu và 80 là huyết áp của tâm trương. Chỉ số của tâm thu cao hơn 140mm Hg và chỉ số tâm trương từ 90mm Hg trở lên được cho là cao.

Huyết áp cao có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân như: di truyền, do gen, do chế độ ăn uống có nhiều muối, không hoạt động, béo phì, sử dụng chất cồn quá mức, chế độ ăn thiếu kali.
 

Những lưu ý trong chế độ ăn

Lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng đúng đắn có thể giúp bạn kiểm soát chứng cao huyết áp. Hãy áp dụng một số bí quyết sau:

- Chế độ ăn chay sẽ giúp giảm mức huyết áp đồng thời hạn chế nguy cơ mắc phải chứng cao huyết áp cũng như những căn bệnh về tim mạch khác. Các chuyên gia công nhận rằng chế độ ăn chay điển hình có chứa nhiều kali, hợp chất tinh bột, các chất béo đơn không no, chất xơ, canxi, magiê, viatmin C và A. Đây đều là những chất có ảnh hưởng tốt tới huyết áp.

- Ăn nhiều rau tươi hoặc đông lạnh thay vì chọn những loại rau, củ đóng hộp. Nếu buộc phải dùng đồ hộp, bạn nên rửa chúng dưới vòi nước trong vòng 2-3 phút trước khi chế biến. Đây là cách nhằm loại bỏ bớt lượng muối trong thực phẩm đóng hộp (đôi khi lên tới 40%).

- Một chế độ ăn giàu chất xơ cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị nhiều loại bệnh về tim mạch, trong đó có chứng cao huyết áp.

- Đọc kỹ những thông tin trên bao bì của thực phẩm để tìm hiểu về hàm lượng muối trong những loại thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn. Hãy chọn những sản phẩm ít muối hoặc có ít muối.

- Khi đi ăn bên ngoài, bạn cũng có thể yêu cầu người bán đừng cho muối vào khẩu phần của mình.

- Hãy giảm cân vì điều này sẽ giúp huyết áp hạ thấp xuống. Để giảm bớt lượng calo từ chất béo, bạn nên chọn những sản phẩm không béo hoặc ít béo.

- Xây dựng một chế độ ăn với những thực phẩm giàu kali (bao gồm các loại rau xanh và trái cây) và những a-xít béo thiết yếu. Lượng kali cung cấp cho cơ thể mỗi ngày phải được khoảng 7g. Ngoài ra, cần hạn chế các chất béo bão hòa, đường và muối trong chế độ ăn uống. Thông thường, chế độ ăn với những thực phẩm thô, nhiều rau xanh và những thành viên của gia đình các loại rau củ có họ hành, tỏi luôn được khuyến khích đối với những người đang bị cao huyết áp.

- Cung cấp đủ canxi cho cơ thể bằng cách tăng cường những sản phẩm từ sữa ít béo trong chế độ ăn với khoảng 3 lần mỗi ngày.

Ngoài ra, một số loại rau xanh và gia vị thường gặp dưới đây có những ảnh hưởng tích cực trong việc kiểm soát mức huyết áp.

Cần tây

Y học phương Đông đã sử dụng cần tây để điều trị chứng cao huyết áp. Các kết quả thí nghiệm cũng đã chứng minh công dụng hạ huyết áp của loại rau này. Ăn vài nhánh cần tây mỗi ngày cũng có lợi cho việc hạ huyết áp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý cần tây chứa natri và những hợp chất khác có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khi ăn quá nhiều.

Tỏi

Tỏi là một loại thuốc kỳ diệu dành cho trái tim. Loại gia vị nặng mùi này mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống tim mạch, bao gồm cả huyết áp. Theo một nghiên cứu trước đây, những người bị cao huyết áp nếu ăn một nhánh tỏi mỗi ngày trong vòng 12 tuần, huyết áp tâm trương và mức cholesterol đã giảm đáng kể. Ăn một ít tỏi mỗi ngày (khoảng 1 nhánh) sẽ giúp kiểm soát huyết áp ổn định.

Hành

Hành cũng là một loại gia vị có ích đối với chứng cao huyết áp. Dùng 2-3 muỗng canh tinh dầu hành mỗi ngày sẽ giúp hạ huyết áp tâm thu xuống trung bình khoảng 25% và huyết áp tâm trương xuống 15% ở những bệnh nhân bị huyết áp cao. Điều này cũng không gây ngạc nhiên lớn bởi vì hành cũng là một loại gia vị có họ hàng với tỏi.

Cà chua

Trong quả cà chua có nhiều axít gamma-amino butyric (GABA). Đây là một hợp chất có thể giúp giảm huyết áp.

Bông cải xanh

Glucoraphanin, còn được biết đến với tên gọi là sulforaphane glucosinolate (SGS), một hợp chất tự nhiên có trong bông cải xanh, có khả năng hạn chế nguy cơ của chứng huyết áp cao, bệnh về tim mạch cũng như các cơn đột quỵ.

Cà rốt

Cà rốt giàu kali, chất có khả năng ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp. Loại củ này còn có khá nhiều beta-carotene, dưỡng chất đã được chứng minh là có thể làm giảm nguy cơ của bệnh tim, vốn là nguyên nhân dẫn đến huyết áp tăng cao. Nước ép cà rốt còn giúp duy trì mức huyết áp bình thường và ổn định bằng cách điều chỉnh chức năng của tim và thận. Liều lượng tiêu chuẩn là 240 ml cho hỗn hợp gồm nước ép từ cần tây, cà rốt và một lượng nước tương đương. Uống loại nước này mỗi ngày 1 lần.
 

Nghệ tây

Nghệ tây có chứa một chất hóa học có tên là crocetin, có công dụng hạ huyết áp. Bạn có thể dùng nghệ tây trong quá trình nấu nướng, chế biến món ăn hoặc dùng làm trà. Ngoài ra, cũng có thể cho nghệ tây vào loại trà vẫn uống. Điều bất tiện duy nhất là loại gia vị này khá đắt tiền.

Gia vị

Trong một số loại gia vị như thì là, tiêu đen và húng quế có những thành phần được đánh giá là có ích cho những người đang bị cao huyết áp. Do đó, bạn hãy chú ý sử dụng thêm nhiều loại gia vị này trong quá trình nấu nướng, chế biến món ăn mỗi ngày.

NHỮNG MÓN ĂN TỐT CHO NGƯỜI CAO HUYẾT ÁP

Rau muống chứa nhiều canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và huyết áp trong giới hạn bình thường. Nó là thứ rau đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.

Khi bị cao huyết áp, ngoài thuốc ra, việc lựa chọn và duy trì một chế độ ăn khôn ngoan và thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề tuân thủ những nguyên tắc chung như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích..., người bệnh nhiều khi tỏ ra lúng túng khi chọn dùng các đồ ăn thức uống cụ thể trong sinh hoạt thường nhật. Trên cơ sở kết hợp kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của dinh dưỡng học cổ truyền và hiện đại, các chuyên gia đã đưa ra một số thực phẩm thích hợp và có lợi cho việc phòng chống cao huyết áp:

Cần tây
: Có tên khoa học là Apium graveolens L. Dùng thứ càng tươi càng tốt, rửa thật sạch, giã nát rồi ép lấy nước (nếu có máy ép thì càng tốt), chế thêm một chút mật ong, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 40 ml. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và hạ huyết áp. Cần tránh nhầm lẫn với loại cần ta thường dùng làm rau ăn hàng ngày, có tên khoa học là Oenanthe stolinefera Wall.

Cải cúc: Chứa nhiều acid amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và hạ huyết áp. Nên dùng làm rau ăn hằng ngày hoặc ép lấy nước cốt uống, mỗi ngày chừng 50 ml, chia 2 lần sáng, chiều. Cải cúc đặc biệt thích hợp với những người bị cao huyết áp có kèm theo đau và nặng đầu.

Măng lau: Có công dụng hoạt huyết, thông tràng vị, làm thoải mái lồng ngực và chống phiền khát. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, măng lau có khả năng tiêu trừ mệt mỏi, tăng cường thể lực, làm giãn mạch, cường tim, lợi niệu, hạ áp và phòng chống ung thư. Nó là thức ăn rất thích hợp cho người bị cao huyết áp và xơ vữa động mạch.

Cà chua: Có công dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát máu và hạ áp. Nó là thực phẩm rất giàu vitamin C và P. Nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1- 2 quả cà chua sống, bạn sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.

(đặc biệt cà tím): Là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn, hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.

Cà rốt: Có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp. Nên dùng dạng tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50 ml. Đây là thứ nước giải khát đặc biệt tốt cho những người bị cao huyết áp có kèm theo tình trạng đau đầu, chóng mặt.

Hành tây: Trong thành phần không chứa chất béo, có khả năng làm giảm sức cản ngoại vi, đối kháng với tác dụng làm tăng huyết áp của Catecholamine, duy trì sự ổn định của quá trình bài tiết muối Natri trong cơ thể nên làm giảm huyết áp. Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều Rutin, rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch, dự phòng tai biến xuất huyết não.

Nấm hương và nấm rơm: Có khả năng phòng chống xơ vữa động mạch và hạ huyết áp, rất thích hợp cho những người bị cao huyết áp vào mùa hè, thu.

Mộc nhĩ: Mộc nhĩ đen hay mộc nhĩ trắng đều là những thực phẩm rất có lợi cho người bị cao huyết áp. Hằng ngày có thể dùng mộc nhĩ trắng 10 g hoặc mộc nhĩ đen 6 g nấu nhừ, chế thêm 10 g đường phèn ăn trong ngày. Khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt thì đây là loại thức ăn lý tưởng.

Tỏi: Có công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Hằng ngày nếu kiên trì ăn đều đặn 2 tép tỏi sống hoặc đã ngâm dấm, hay uống 5 ml dấm ngâm tỏi thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường.

Lạc: Có công dụng hạ mỡ máu và giáng áp. Kinh nghiệm dân gian Trung Quốc, có thể dùng lạc ngâm với dấm ăn, sau chừng 5 ngày thì dùng được, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 10 hạt.

Hải tảo, hải đới và tảo đỏ: Đều là những thực phẩm ở biển, có công dụng phòng chống vữa xơ động mạch và hạ huyết áp. Có thể dùng phối hợp cả ba thứ hoặc thay thế nhau.

Đậu Hà Lan và đậu xanh: Là hai loại thực phẩm rất có lợi cho người cao huyết áp. Hằng ngày nên dùng giá đậu Hà Lan 1 nắm rửa sạch rồi ép lấy nước uống, hoặc dùng làm rau ăn thường xuyên. Dân gian thường dùng đậu xanh hầm với hải đới ăn; hoặc đậu xanh và vừng đen sao thơm, tán bột, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50 g để phòng chống cao huyết áp.

Sữa đậu nành: Là đồ uống lý tưởng cho người bị cao huyết áp, có công dụng phòng chống vữa xơ động mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và giáng áp. Mỗi ngày nên dùng 1.000 ml sữa đậu nành pha với 100 g đường trắng, chia uống vài lần trong ngày.

Táo: Là loại táo to nhập từ Trung Quốc và các nước châu Âu, chứa nhiều kali, một chất có thể kết hợp với lượng natri dư thừa để đào thải ra bên ngoài, giúp cho cơ thể duy trì huyết áp ở mức bình thường. Mỗi ngày nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần chừng 50 ml.

: Là thứ quả có công dụng thanh nhiệt, trấn tĩnh và giáng áp, rất có lợi cho những người bị cao huyết áp có kèm theo các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, hay hồi hộp trống ngực. Mỗi ngày nên ăn đều đặn 1- 2 quả hoặc ép lấy nước cốt uống.

Chuối tiêu: Có công dụng thanh nhiệt, lợi niệu, thông tiện và giáng áp. Mỗi ngày nên ăn 1-2 quả, hoặc dùng vỏ quả chuối tiêu tươi 30-60 g sắc uống thay trà.

Dưa hấu: Rất thích hợp cho người bị cao huyết áp vào mùa hè vì có tác dụng thanh nhiệt và lợi niệu khá tốt, từ đó giúp cho huyết áp được ổn định. Người ta còn dùng vỏ dưa hấu 12 g và thảo quyết minh 12 g sắc uống thay trà hàng ngày, hoặc ăn hạt dưa hấu mỗi ngày từ 9-15 g để làm hạ huyết áp.

Dưa chuột: Chứa nhiều muối kali, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, lợi niệu và giáng áp, rất thích hợp cho người bị cao huyết áp về mùa hè. Nên dùng dưới dạng ăn sống hoặc chế thành dưa góp nhưng chú ý không cho quá nhiều muối.

Nho: Rất tốt cho người bị cao huyết áp, kể cả nho tươi hoặc nho khô, vì trong thành phần có chứa nhiều muối kali.

Mã thầy: Mỗi ngày dùng 60-120 g rửa sạch, ép lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày; hoặc dùng 120 g sắc cùng với hải đới 60 g và hải tảo 60 g, uống thay trà trong ngày.

Ngoài ra, người bị cao huyết áp còn nên trọng dụng một số thực phẩm khác như ngô (đặc biệt là trà râu ngô), vừng, hạt sen, ngó sen, củ cải, đậu tương, cải xanh, bắp cải, dầu thực vật, trà tâm sen, trà hoa hòe, trà thảo quyết minh, trà cúc hoa, trà bạch cúc, trà kỷ tử, mật ong... Không hoặc hạn chế dùng một số thực phẩm như lòng đỏ trứng, não động vật, gan dê, thịt chim sẻ, thịt dê, thịt chó, thận lợn, mỡ động vật, rượu trắng, dưa hoặc cà muối mặn, thuốc lá, cà phê, trà đặc, hạt tiêu, ớt, gừng.

Món ăn dễ làm dành cho người bệnh cao huyết áp





Cao huyết áp là do xảy ra rối loạn chức năng vỏ đại não, làm cho sự điều tiết của trung khu co giãn mạch máu vỏ đại não bị tổn thương, từ đó dẫn đến phát sinh sự co rút các mạch máu khắp cơ thể, áp lực xung quanh tăng cao, dẫn đến huyết áp tăng cao.

Người bệnh cao huyết áp có triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, căng đầu, ù tai, tim đập nhanh, mất ngủ… Người bị bệnh thời kỳ cuối, các bộ phận như tim, thận, não… bị tổn thương, có thể dẫn đến bệnh tim mạch, sung huyết não, xơ cứng động mạch não, liệt nửa người, suy chức năng thận…

Người bệnh cao huyết áp, mập, béo, trước hết phải biết điều tiết để giảm cân nặng, mà các thành phần dinh dưỡng phải đảm bảo tối đa để duy trì cung cấp của người bệnh.

Đậu phộng ngâm giấm

- Thành phần: đậu phộng 50 g - giấm lượng vừa.

- Cách làm: đậu phộng ngâm giấm một đêm, sáng hôm sau là dùng được.

- Tác dụng: giảm huyết áp.

Trà củ hành tây

- Thành phần: hành tây 1 củ.

- Cách làm: hành tây xắt nhỏ, cho vào ấm, thêm 1 lít nước nấu, sau khi sôi hạ lửa nhỏ, nấu đến khi còn một nửa lượng nước thì có thể dùng.

- Cách dùng: mỗi ngày dùng 200 ml, hiệu quả tốt nhất là dùng giữa hai bữa ăn, liên tục dùng 10 ngày là một liệu trình.

- Tác dụng: giảm huyết áp, mềm hóa mạch máu.

Đối với bệnh tiểu đường, béo mập cũng có hiệu quả.

Chè long nhãn - đương quy - hà thủ ô

- Thành phần: long nhãn nhục 30 g - đương quy 20 g - thủ ô 20 g - đường phèn lượng vừa.

- Cách làm: tất cả vật liệu trên sau khi rửa sạch thêm nước lượng vừa để nấu, dùng lửa nhỏ nấu trong 30 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, thêm đường phèn thì có thể dùng.

- Cách dùng: mỗi ngày 2 lần, sáng và tối.

- Tác dụng: bổ ích khí huyết, kiện tỳ vị.

Trà hạt rau cần

- Thành phần: hạt rau cần 30 g.

- Cách làm: hạt rau cần thêm nước nấu.

- Cách dùng: uống như trà giải khát.

- Tác dụng: giảm áp.

Trà sắn dây - câu đằng

- Thành phần: sắn dây 15 - 18 g - câu đằng 6 - 9 g.

- Cách làm: sắn dây và câu đằng cùng cho vào nồi, thêm nước lượng vừa để nấu.

- Cách dùng: mỗi ngày dùng 1 liều, chia làm 2 lần.

- Tác dụng: giảm áp.

Nước nấu vỏ đậu phộng

- Thành phần: vỏ đậu phộng 120 g.

- Cách làm: vỏ đậu phộng rửa sạch phơi khô, sau đó thêm nước, dùng lửa nhỏ để nấu, cho đến khi nước ngả màu đậm thì có thể dùng.

- Cách dùng: mỗi ngày 1 liều, chia làm 2 lần.

- Tác dụng: thích hợp cho người bệnh cao huyết áp và mỡ trong máu cao.

Cật heo xào đỗ trọng

- Thành phần: cật heo 250 g - đỗ trọng 12 g - ngũ vị tử 6 g - bột đậu nành lượng vừa - đường trắng, mỡ và dầu lượng vừa - gừng, hành lượng vừa.

- Cách làm: cật heo rửa sạch cắt làm đôi, xắt hạt lựu. Đỗ trọng và ngũ vị hương thêm nước nấu thành 50 ml nước cốt. Một nửa số nước cốt thêm rượu, bột đậu nành, muối trộn vào cật heo, trộn lẫn đường trắng để sử dụng sau - sau khi đặt chảo nóng trên bếp thêm vào mỡ và dầu, đến khi chín 80% cho hoa tiêu và cật heo vào, rồi thêm hành, gừng và phần nước cốt còn lại cùng trộn xào.

- Tác dụng: bổ can thận, giảm huyết áp, dùng thường xuyên có thể giảm chứng thận suy đau lưng do huyết áp gây nên, giảm bớt đi đứng không vững, ù tai do tuổi già.

Chè song nhĩ

- Thành phần: ngân nhĩ, mộc nhĩ mỗi thứ 12 g, đường phèn lượng vừa.

- Cách làm: ngân nhĩ, mộc nhĩ sau khi dùng nước ấm ngâm rửa sạch, cho trong chén thêm nước lượng vừa và đường phèn, cho vào giữa chảo chưng cách thủy 2 giờ thì lấy ra.

- Cách dùng: ăn ngân nhĩ, mộc nhĩ như món chè. Mỗi ngày 2 lần.

- Tác dụng: thích hợp dùng cho người bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch.

Chè cà chua

- Thành phần: cà chua 250 g - gạo rang, đường trắng 150 g - nước cốt bông hồng lượng vừa.

- Cách làm: đầu tiên dùng dao rạch trên thân cà chua, cho vào nước sôi luộc sơ, xé bỏ vỏ, xắt hạt lựu. Gạo rang ngâm nước ấm. Cho đường trắng, cà chua xắt hạt lựu, gạo vào nồi nước đã sôi nấu chín, thêm nước cốt bông hồng rồi bắc ra.

- Tác dụng: thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can. Thích hợp dùng cho người bệnh cao huyết áp và mỡ trong máu cao.

Gà cuộn tóc tiên

- Thành phần: tóc tiên 15 g - thịt ức gà 200 g - cần tây, cà rốt mỗi thứ một ít - gừng 2 lát - hành 2 cọng - dầu hào 2 muỗng canh - nước tương 1 muỗng nhỏ - đường nửa muỗng nhỏ - bột năng 1 muỗng nhỏ - dầu mè, bột tiêu mỗi thứ một ít - nước 3 muỗng canh.

- Cách làm:

• Tóc tiên sau khi rửa sạch, dùng muối, gừng, đầu hành, hấp ra nước để ráo.

• Thịt ức gà sau khi rửa sạch, thêm muối, bột tiêu, lòng trắng trứng, bột năng, một ít dầu mè ngâm trong 15 phút.

• Tất cả thịt ức gà, cần tây, cà rốt xắt thành sợi to, tóc tiên kéo dài ra khoảng 5 cm. Lấy một miếng thịt ức gà, một miếng cần tây và một miếng cà rốt cuộn lại, đặt lên đĩa, chưng cách thủy trong 5 phút, lấy ra.

• Đặt chảo dầu lên bếp, cho hỗn hợp gia vị vào xào, sau đó rải lên gà cuộn tóc tiên, thì có thể dùng.

Rắn xào ngũ sắc

- Thành phần: thịt rắn 400 g - cần tây 150 g - ớt xanh 2 trái - ớt đỏ 1 trái - măng 50 g - bún gạo một ít - vỏ quýt một góc, tỏi nhuyễn nửa muỗng nhỏ - gừng một ít, muối một ít, đường một ít - nước tương 1/2 muỗng nhỏ - dầu mè, bột tiêu mỗi thứ lượng vừa, bột sôđa lượng vừa.

- Cách làm:

• Thịt rắn xắt thành lát dài, dùng bột sôđa trộn nước và ngâm trong 2 giờ, dùng nước rửa sạch bột sôđa rồi lau khô thịt rắn, ướp gia vị trong 20 phút, cho vào chảo dầu chiên, lấy ra.

• Vỏ quýt sau khi rửa sạch xắt sợi, ớt xanh, đỏ xắt thành cọng - cần tây sau khi bỏ rễ xắt thành cọng - măng xắt thành khúc.

• Đặt chảo dầu nóng, cho bún gạo vào chiên cho đến khi phồng giòn. Để bún lên đĩa.

• Đặt chảo nóng, phi thơm gừng, tỏi, cho măng, vỏ quýt, cần tây, ớt xanh - đỏ vào, đưa thịt rắn trở lại xào, nêm gia vị vừa ăn, bày ra đĩa.

- Tác dụng: khu phong trừ thấp, kiện tỳ dưỡng vị, thích hợp dùng cho chứng đau đầu, chóng mặt do cao huyết áp.

Cháo măng tre

- Thành phần: Măng chín 100 g - thịt heo xay nhuyễn 50 g - gạo 100 g - muối, hành, gừng lượng vừa - dầu mè 25 g.

- Cách làm: xắt măng thành sợi nhỏ. Cho dầu mè vào chảo, để dầu nóng cho thịt xay vào xào, sau đó thêm măng sợi, hành, gừng, muối, xào cho thấm gia vị, để riêng sử dụng sau. Gạo rửa sạch cho vào nồi, nấu trên lửa nhỏ thành cháo. Sau khi cháo chín, đưa tất cả vật liệu trên vào cháo, đun thêm một lát thì có thể dùng.

- Tác dụng: tiêu sưng, giảm áp.

Thịt bò xào thơm (dứa)

- Thành phần: thịt bò lát 250 g - thơm (dứa) 50 g - ớt xanh 1 trái, măng 1/2 củ - gừng sợi lượng vừa - tỏi nhuyễn 1 muỗng canh - đường 1/2 muỗng nhỏ - bột năng nửa muỗng canh - nước tương 2 muỗng canh - xốt cà chua 2 muỗng canh - dầu đậu phộng một ít - muối lượng vừa - dầu mè một ít - nước lượng vừa.

- Cách làm:

• Thơm gọt vỏ rửa sạch, xắt thành cọng to.

• Bò lát rửa sạch để ráo, xắt thành sợi to, ướp gia vị khoảng 10 phút, cho vào chảo mỡ chiên sơ.

• Măng sau khi rửa sạch, xắt thành sợi, cùng ớt xanh xào sơ.

• Đặt chảo mỡ nóng, phi thơm gừng lát, tỏi nhuyễn; cho măng, bò lát, thơm và ớt xanh vào. Sau khi xào chín, thêm bột năng làm nước xốt bày ra dĩa.

- Tác dụng: tiêu thực ích khí, giáng áp lợi tiểu, thích hợp dùng cho bệnh cao huyết áp.

Thịt gà xào cần tây

- Thành phần: cần tây 300 g - thịt gà 300 g - cà rốt lượng vừa - gừng lát một ít - tỏi một ít - rượu 1 muỗng nhỏ - muối một ít.

- Cách làm:

* Thịt gà xắt thành cọng - ướp gia vị 15 phút, cho vào chảo mỡ chiên nhanh lấy ra.

* Cần tây xắt cọng, xào sơ, nêm chút muối lấy ra.

* Đặt chảo nóng lên bếp, cho dầu ăn vào phi, cho gừng lát, tỏi, cà rốt và gà lát, cần tây vào xào, sau đó cho nước xốt nấu sệt vào trộn đều thì có thể bày lên đĩa.

- Tác dụng: chứa sinh tố phong phú, thích hợp dùng cho người bệnh cao huyết áp.?

Bài thuốc dân gian chữa bệnh cao huyết áp

Nếu bị cao huyết áp, bạn có thể lấy 1 quả chanh và 10 củ mã thầy ăn sống (chanh ăn cả vỏ). Nhiều loại quả khác cũng giúp làm giảm huyết áp như chuối, dâu, sơn trà, táo…

Bài 1: Chuối tiêu 3 quả, đường phèn 100 g, gạo nếp 100 g, nước sạch 1 lít. Gạo nếp đun cùng nước sạch, chuối tiêu thái miếng nhỏ cũng cho vào nồi cùng đường phèn hầm thành cháo, ăn trong ngày. Chủ trị bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh trĩ ra máu, đái tháo đường.

Bài 2: Mã thầy 100 g, gạo nếp 100 g, đường trắng 100 g, nước hoa quế 10 g, nước sạch 1lít. Mã thầy gọt bỏ vỏ rửa sạch, thái mỏng hình quân cờ, cho vào nấu cháo cùng gạo nếp, sau thêm đường trắng và nước hoa quế vào là được. Ăn hết trong ngày. Chủ trị cao huyết áp, ho có đờm, vàng da, vàng mắt, táo bón, chướng bụng.

Bài 3: Mỗi ngày ăn 5 quả chuối tiêu trở lên cho đến khi có tác dụng hạ áp chắc chắn.

Bài 4: Lấy vỏ lụa hạt lạc tươi 12 g, sắc lấy nước 2 lần, trộn đều, chia làm 3 phần (mỗi phần bằng một cốc trà), mỗi lần uống một cốc, ngày uống 3 lần, nên uống thường xuyên, giúp chữa cao huyết áp và bệnh đau mạch vành tim.

Bài 5: Dùng nhân sen (tức mầm phôi hạt sen) 2-3 g, hãm với nước sôi lấy nước uống thay trà trong ngày, giúp giảm huyết áp.

Bài 6: Sơn trà tươi 30 g, táo 30 g, rau cần tươi 3 cây, đường phèn 10 g. Thái nhỏ sơn trà, táo, rau cần, đun cách thủy 30 phút thì bỏ đường phèn vào là được. Ăn cả nước lẫn cái, ngày ăn một thang.
Dùng chữa cao huyết áp và mỡ cao trong máu.

Bài 7: Đài hoa hướng dương 1 cái, táo đỏ 20 quả. Đổ 3 bát nước sắc lấy 1 bát, uống nước ăn cái. Ngày một thang, chia 2 lần, giúp giảm huyết áp.

Bài 8: Củ ấu 30 g, rau cần cạn 30 g. Sắc uống ngày 3 lần vào trước bữa ăn, giúp chữa cao huyết áp.

Bài 9: Nhụy sen, quả dâu, hạt cây rau răm, cỏ sen cạn mỗi thứ 12 g, sơn dược 15 g, ngưu đắng 15 g, mai rùa 30 g (sắc trước). Sắc uống ngày một thang, chia 2 lần. Dùng cho người bị cao huyết áp do âm hư dương thịnh gây nên.

Bài 10: Quả sơn trà tươi 1 kg, đào nhân 100 g, mật ong 25 g. Lấy dao tách quả sơn trà cho vào nồi đất hoặc vại sành cùng đào nhân, đổ ngập nước lạnh ngâm khoảng 1 giờ. Sau đó đun vừa lửa đến sôi, hạ lửa nhỏ riu riu để lâu chừng 30 phút đến 1 giờ, khi nước cô đặc còn khoảng 1 bát, rót ra bỏ cặn. Đổ nước thuốc vào 2 bình sứ, cho thêm mật ong, đậy nắp đun cách thủy 1 tiếng rồi tắt lửa, để nguội, đổ vào lọ nắp chặt. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh, uống ngay sau khi ăn cơm với nước uống.

Công dụng: Hoạt huyết, bổ dạ dày, giúp tiêu hóa tốt, làm giảm huyết áp, mỡ máu, khai thông huyết mạch, bổ dưỡng cơ tim; dùng lâu rất có lợi cho người bệnh huyết quản.


Ăn kiêng cho người cao huyết áp
Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp
Trị chứng Cao huyết áp
Món ăn cho người huyết áp cao
Thực phẩm cho người huyết áp cao
Cao huyết áp khi mang thai

(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý