Phong tục cưới hỏi của người Khmer

seminoon seminoon @seminoon

Phong tục cưới hỏi của người Khmer

19/04/2015 01:32 AM
633

Lễ cưới của người Khmer Nam Bộ là một sự kiện quan trọng của mỗi đời người. Theo quan niệm của người Khmer đó là ngày gối đôi, dân gian thường gọi là ngày “Pi-pea”.



 Ngày nay cộng đồng người Khmer ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long còn giữ được phong tục lễ cưới giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Nghi thức lễ cưới diễn ra như sau:

Ngày vào lễ cưới gọi là “Thngay-chôl-rông-ka”

Lễ nhập gia: Sau lần đầu đem trầu cau, bánh trái mỗi thứ đủ đôi, trao một số tiền cho bên đàng gái, tặng đồ kỷ niệm cho cô dâu xin cầu hôn và quyết định ngày cưới. Buổi sáng ngày bắt đầu lễ cưới, gia đình đàng trai đưa chú rể đến nhà cô dâu làm lễ nhập gia gọi là “Pithi-đong-he-kôn-prốs-tâu-kanh-khang-srây”, dưới sự hướng dẫn của ông Achar, hai ông Maha Tếp và Maha Montrey. Bên cạnh chú rể còn có họ hàng thân tộc và một số thanh niên nam nữ trong phum sóc mang các mâm lễ vật (đầu heo, vịt luộc, rượu nếp, bánh mứt, trái cây, trầu cau…), đặc sắc nhất là mâm đựng buồng hoa cau non “Phka-sla” còn đang ốp bẹ được phủ lụa hồng (bắt buộc phải có). Cùng đàng trai đến còn có dàn nhạc dây “Vong-phlêng-ka” tăng thêm phần không khí vui tươi trong ngày cưới.

Nghi thức mở rào: Hôm đó, nhà đàng gái phải rào kín cổng, (nếu nhà không có cổng rào, thì sử dụng cổng rạp cưới dựng phía trước) tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái trưởng thành. Đến cổng nhà, chú rể muốn bước vào thì ông Maha phải bày mâm lễ vật dâng đàng gái và múa đủ ba điệu để nói lời cầu xin “Pithi-bơk-rôbong”. Khi cổng rào mở, mẹ cô dâu ra đón và một cháu bên đàng gái bưng nước trà mời chú rể uống thì bên đàng trai mới được vào nhà làm lễ tiếp.

Nghi lễ cúng ông bà tổ tiên: Tiến hành dưới sự hướng dẫn của ông Maha là “Pithi-sene-chas-tum”. Chú rể ngồi bên tay trái ông Maha, cô dâu ngồi đối diện với các vị sư làm lễ. Sau khi tụng kinh chúc phúc, bên đàng trai dâng bánh trái cho ông bà và cha mẹ cô dâu. Lễ nghi này có ý nghĩa tượng trưng sự đền ơn công sinh thành nuôi dưỡng cô dâu.

Nghi thức dâng lễ vật: “Pithi-chun-com-nóth” là nghi thức bắt buộc trong lễ cưới của người Khmer. Sau khi làm lễ nhập gia, đúng vào giờ tốt, ông Maha cùng gia đình chú rể bày các lễ vật mang đến trình gia đình cô dâu xem có đầy đủ không? Khi họ hàng nhà đàng gái thuận thảo thì tiến hành các bước lễ chính tiếp theo để kết thúc lễ cưới như:

Lễ cắt hoa cau: Gọi là “Pithi-kách-khanh-sla” gia đình hai bên dẫn dắt cô dâu và chú rể ngồi làm lễ sánh duyên cho đôi vợ chồng mới cưới, dưới sự chủ trì của ông Maha. Trước khi cắt buồng hoa cau non đang ốp bẹ, ông Maha múa điệu “Rom-bơk-bai-srây” có ý nghĩa là họ hàng đôi bên đã chính thức cho phép hai người kết duyên thành vợ thành chồng. Ông Maha cắt lấy hoa cau trắng rắc lên tân lang, tân nương và rắc từ chỗ ngồi cho đến đường đi vào buồng tân hôn để chúc phúc đôi uyên ương gọi là “Pithi-bak-phka-sla”.

Lễ cột tay: gọi là “Pithi-chon-đay”, họ hàng hai bên chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống trăm năm bằng cách lấy sợi chỉ hồng cột tay chú rể trước rồi đến cô dâu. Họ đàng trai cột tay phải cô dâu và chú rể, họ đàng gái cột tay trái chú rể và cô dâu, dưới sự chủ trì của ông Maha. Sau lễ cột tay, đôi vợ chồng dắt nhau vào buồng tân hôn, người chồng nắm vạt áo “Sbai” của người vợ theo sau. Nghi lễ này bắt nguồn từ truyền thuyết “Pres-Thôn Neang-Neath” được dân gian kể rằng: Hoàng tử Pres-Thôn cưới nàng công chúa Thera-Wath-Tây con gái của Long Vương. Do trên đường về thuỷ cung, hoàng tử là người trần gian không thể nào đi được dưới nước. Nhờ trí thông minh của công chúa Rắn nghĩ ra cách cho chồng nắm lấy vạt áo của nàng theo đường rẽ nước về long cung.

Xong thủ tục ấy, cô dâu và chú rể thay y phục ra ngoài đón khách đến dự tiệc cưới. Tối đến, có nơi còn tổ chức lễ chung giường cho đôi vợ chồng mới. Thường nhà gái chọn hai người đàn bà đứng tuổi có gia đình hoà thuận và khá giả để trải chiếu mới lên giường. Dọn một ít bánh trái, nước ngọt, trầu cau, nhang đèn cúng tổ tiên rồi cho hai vợ chồng cùng ăn như đút cho nhau chuối, chia nước dừa cho nhau để tình yêu đậm đà hơn. Ăn xong, hai người vào buồng tân hôn, cô dâu đi trước và chú rể theo vào sau.


Bản sắc văn hóa Việt vốn thống nhất trong đa dạng với những sắc thái văn hóa các vùng miền. Là một trong 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam tươi đẹp, từ lâu người Khmer đã sáng tạo lên một bản sắc văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng. Một trong những phong tục, đó là lễ cưới (Pi-pea,)


alt


Cô dâu và chú rể người Khmer


Theo quan niệm của ngươi Khmer thì lễ cưới phải được tổ chức vào những tháng đủ (30 ngày) thì mới được may mắn và hạnh phúc. Lễ cưới của đôi trẻ người Khmer thường được chọn theo dương lịch và diễn ra với ba nghi lễ: Lễ Sđây Đol Đâng (Lễ nói), Lễ Lơng ma ha (Lễ hỏi), Lễ Pithi A-pe-pì-pe (Lễ cưới).

Lễ Sđây Đol Đâng (Lễ nói) là lễ đầu tiên trong hệ thống các nghi lễ cưới của người Khmer. Trong lễ này, đàng trai chọn Nék Chău Ma Ha (người làm mai) đi cùng đến nhà gái làm lễ nói. Lễ vật gồm: Bánh, trái cây, trầu cau …, mỗi thứ đều là số chẵn.  Bà mối  trong lễ Sđây Đol Đâng phải là người có uy tín, ăn nói hoạt bát, hiểu biết nhiều. Đây là người đã lập gia đình, vợ chồng sống hạnh phúc, đầm ấm, cháu con đầy đủ. Bà mối đến nhà gái dạm hỏi và tìm hiểu ngày tháng năm sinh của cô gái.


alt


Lễ vật cưới: Bánh, trái cây, trầu cau …, mỗi thứ đều là số chẵn


Lễ tiếp theo là lễ Lơng ma ha (Lễ hỏi), hai nhà thông báo cho thân nhân và lối xóm biết hai đàng đã chính thức là xui gia. Lễ vật nhà trai đem sang nhà gái gồm: 4 nải chuối, 4 chai rượu, 4 gói trà, 4 gói trầu, 2 đùi heo, 2 con gà, 2 con vịt và một số tiền. Trong lễ này, ngày tháng tổ chức đám cưới cũng được hai họ thống nhất. Thông thường, để làm tốt công việc này bà mối phải đến nhà gái 3 lần. Có những gia đình nhà gái yêu cầu sau khi bà mối đến thì phải có 3 ông mối đến nói chuyện với cha cô gái. Sau khi định rõ ngày lành tháng tốt, ông – bà mối cùng đàng trai đem lễ vật đến cúng tổ tiên nhà gái.

Sau khi định rõ ngày lành tháng tốt, ông – bà mối cùng đàng trai đem lễ vật đến cúng tổ tiên nhà gái. Lễ vật đặt trên các đĩa bạc hoặc trong các thạp gỗ sơn son thếp vàng. Vị a-cha đọc kinh cầu nguyện cho đôi trai gái thành vợ thành chồng cũng như đọc kinh phù hộ cho họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Rồi sau đó chọn người ăn nói vui vẻ đến dự lễ ăn hỏi hầu mang đến niềm vui cho hai họ, nhất là cho cô dâu chú rể. Sau lễ hỏi, chú rể tương lai được phép đến nhà cô dâu để hầu hạ cha mẹ vợ sắp cưới của mình.


alt


Nhà gái ra nhận lễ


 Lễ  quan trọng nhất trong hệ thống lễ cưới của người Khmer là lễ  Pithi A – pe –pì – pe (lễ cưới).  Lễ này được diễn ra tại nhà gái, dưới sự điều khiển của Acha Pô Lia (thầy cúng). Những nghi lễ chính: tiễn đưa chàng rể về nhà gái; dâng cơm cho sư; cắt tóc; lạy ông bà; rắc bông cau; nhập phòng, nghi lễ được thực hiện theo các điệu nhạc múa cổ truyền.

Lễ cưới thường được tổ chức trong 3 ngày khá phức tạp và tốn kém. Trước ngày cưới, nhà trai dựng cạnh nhà cô dâu một dãy nhà tạm bằng tre lá. Nhà có ba gian: một gian làm bếp, một gian để đãi tiệc và một gian để các chùm hoa cau. Ngày thứ nhất là ngày làm bánh (thường phải có bánh tét, bánh ít và đặc biệt không thể thiếu bánh gừng (Num kha-nhây) và bày tiệc.

Ngày thứ hai chú rể và nhiều người khác đến ngồi trong gian nhà đặt hoa cau. Buổi trưa là lễ cắt tóc. Trong lễ có một ca sĩ vừa hát vừa múa theo điệu nhạc, đi vòng quanh cô dâu chú rể, thỉnh thoảng giơ kéo cắt một vài sợi tóc của hai người. Tục này nhằm cắt bỏ những điều xấu khỏi cuộc đời của đôi trai gái. Buổi chiều, cha mẹ cô dâu buộc chỉ vào cổ tay cô dâu chú rể, rồi buộc cả cho người thân và bạn bè. Lễ buộc chỉ xong, mọi người cùng nhau vui vẻ dự tiệc.


alt


Đôi trẻ làm lễ cúng tổ tiên


Sang ngày thứ ba, cô dâu mặc quần áo theo truyền thống, váy bằng lụa, thắt lưng bằng bạc hoặc mạ vàng, khăn quàng thêu kim tuyến quấn lấy thân và vắt sang vai trái. Chú rể có thể mặc quần tây áo sơ-mi. Cô dâu chú rể lạy trước bàn đặt hoa cau rồi ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu bông. Vị a-cha thắp nhang đèn, đọc kinh và lời khấn bằng tiếng Pa-li cầu xin ơn trên ban phước lành cho đôi tân hôn. Sau đó, ông cầm thanh gươm đi với những người mang hoa cau làm lễ Mặt trời. Chú rể cầm quạt che mặt bước lên nhà trong lúc ba tiếng cồng được đánh ngân vang. Em trai hoặc em gái của cô dâu đón chú rể, gởi chăn mền và đưa cho chú rể một miếng trầu. Sau đó chú rể lì xì cho cậu em trai hoặc em gái cô dâu một số tiền nhỏ.


alt
Sợi chỉ hồng cột tây đôi trẻ như lời chúc phúc


Khi vào nhà, chú rể ngồi xuống chiếu, mặt quay về hướng Đông. Trước mặt chú rể đã bày sẵn 3 dĩa hoa cau, xung quanh là các mâm bánh tét, bánh ít, bánh gừng một cái đầu heo luộc và một con gà luộc. Sau khi chú rể kính cẩn lạy mọi người trán chạm xuống chiếu, vị a-cha trao cho chú chùm hoa cau thứ nhất dành tặng cha vợ, chùm thứ hai cho mẹ vợ và chùm thứ ba cho em vợ để tỏ lòng biết ơn những người đã có công nuôi dưỡng, chăm sóc giúp đỡ vợ mình trong thời gian qua.

Lễ xong, mọi người chúc mừng đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc, đàn hát ca múa vui vẻ. Sau đó mới thắp đèn cầy xung quanh cô dâu chú rể. Đèn cầy được chẻ làm hai nhánh, người này cầm xong trao cho người bên trái mình. Cứ thế cho đến khi đủ 19 vòng thì tắt đèn cầy. Vị a-cha lấy hoa cau ném cho mọi người xung quanh. Và mọi người cùng ném hoa cau vào nhau để chúc mừng hạnh phúc.

Đến chiều tối, theo tiếng cồng, chú rể bám vào chiếc khăn của cô dâu (tôn xa-bay), cả hai bước vào phòng. Hai vợ chồng ngồi đối mặt nhau mà cô dâu có hai phụ dâu ngồi hai bên. Chú rể múc một muỗng cơm đút cho cô dâu. Cô dâu đáp lễ. Cũng làm ba lần như thế là tục ăn chuối. Sau đó, một người phụ dâu dùng tay cụng đầu cô dâu vào đầu chú rể, và dặn dò những điều cần thiết theo phong tục tập quán cổ truyền.

Đó là quy trình nghi lễ trong đám cưới cổ truyền của người Khmer. Tuy nhiên, hiên nay lễ cưới của người Khmer đã đơn giản hóa đi nhiều, thậm chí có gia đình còn pha thêm một ít nghi lễ cưới xin của người Hoa và người Việt vào, ở thành thị đã được đơn giản hơn và chỉ tập trung trong chỉ một ngày. Tuy nhiên lễ cưới hỏi của người Khmer Nam bộ ở nông thôn vẫn còn được lưu giữ nghiêm ngặt theo luật tục cổ truyền.


Mang đậm sắc thái, phong tục tập quán đặc trưng nghi lễ cưới hỏi của người Khmer bao gồm chục lễ, bắt đầu là lễ Lễ Si sla dâk (như lễ dạm ngõ của người Kinh), lễ Si sla kân seng (như lễ ăn hỏi), lễ Si sla banh cheabpeak (tức lễ xin cưới), lễ nhập gia (lễ định ngày cưới). Lễ quan trọng và gần như là cuối cùng để quyết định chính thức cho hôn nhân của người Khmer Nam Bộ là lễ cưới.

Ngày lành tháng tốt được chọn để tiến hành lễ cưới và dù như thế nào cũng không bao giờ chọn ngày vào mùa mưa.

Vào buổi sáng bắt đầu lễ cưới, nhà trai đưa chàng rể sang nhà gái làm lễ nhập gia với sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ và bà con thân tộc. Ngoài vịt luộc, đầu heo, rượu, bánh mứt, trái cây, trầu cau thì lễ vật không thể thiếu là buồng hoa cau non phủ lụa hồng. Đoàn nghi lễ còn có sự hoà đồng của dàn nhạc dây. Bên nhà gái rào kín cổng tượng trưng cho sự trinh trắng của nàng dâu. Khi đến muốn vào nhà ông mai mối, chủ lễ cưới bày mâm lễ dâng nhà gái và nói lời cầu xin, múa động tác phá rào cho đến khi được nhà gái mở cổng.

Lễ cúng ông bà tổ tiên gia đình nhà gái tượng trưng cho công ơn sinh thành của cha mẹ nàng dâu được tiến hành đầu tiên, sau đó là lễ dâng lễ vật. Đây là nghi thức bắt buộc phải có. Ban đêm của ngày lễ cưới, lễ cắt hoa cau được tiến hành. Ông mai mối, chủ lễ cắt hoa cau rắc lên nàng dâu chàng rể rồi rắc từ chỗ ngồi đến buồng tân hôn chúc phúc cho họ. Sau đó hai bên thân tộc làm lễ nhận thông gia chính thức cho đôi trai gái nên vợ nên chồng. Lễ cưới còn phải trải qua một nghi thức không kém phần quan trọng nữa đó là nghi lễ buộc chỉ cổ tay (lễ chăng dây). Đây là lễ chúc phúc của hai họ cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc đồng thời là nghi thức kết thúc lễ cưới. Sau đó, họ hàng, bạn bè sẽ tặng vật mừng cưới hoặc tiền cho cô dâu chú rể.

Cả hai quỳ lạy cha, mẹ vợ; dâng sính lễ và bước vào phòng tân hôn

Cả hai quỳ lạy cha, mẹ vợ; dâng sính lễ và bước vào phòng tân hôn. Ảnh: Nguyễn Huân

Sau lễ buộc chỉ cổ tay, cô dâu chú rể dắt nhau vào buồng tân hôn với nghi thức của lễ Phsâm đâm nêk (lễ nhập phòng) - cô dâu trước, chú rể nắm vạt áo theo sau. Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thuyết “Pres -Thôn Neang - Neath” cổ lưu truyền về hoàng tử Pres - Thôn trần gian cưới công chúa Thera-Wath-Tây, con gái của Long vương. Công chúa đã thông minh đi trước, rẽ nước đưa hoàng tử trên cạn theo sau, ra mắt Long vương

Lễ cưới của người Khmer Nam Bộ ngày nay chẳng khác xưa là mấy với những giá trị tinh thần mang đậm sắc thái văn hóa của cư dân vùng miệt vườn sông nước. Thông qua những nghi thức truyền thống, những triết lý sâu xa về tình yêu chung thủy, sắt son, về sự gắn kết gia đình, dòng tộc... được truyền tải, gửi gắm cho các thế hệ con cháu.













LỄ CẮT HOA CAU TRONG LỄ CƯỚI CỦA NGƯỜI KHMER

     Từ ngàn xưa đến nay,hôn nhân luôn được xem là việc trọng đại nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tùy vào đặc điểm dân cư từng vùng và từng dân tộc mà có những chi tiết khác nhau trong một lễ cưới. Theo quan niệm xưa, người Khmer Nam bộ xem lễ cưới là nghi thức gắn liền với gia tộc, với phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Trong tiếng Khmer, lễ cưới được gọi là “Pi pea” hay ngày gối đôi - ngày mà mọi thứ từ lễ vật đến người chúc phúc đều phải luôn là cặp đôi.

     Theo truyền thống, ngày vào lễ cưới gọi là “Thngay chôirông ka” gồm các nghi lễ: Lễ nhập gia, Nghi thức mở rào, Nghi lễ cúng ông bà tổ tiên, Nghi thức dâng lễ vật, sau đó là lễ cắt hoa cau và lễ cột chỉ tay. Mỗi nghi thức có những yêu cầu và hình thức tiến hành khác nhau dưới sự dẫn dắt của hai vị Achar và Maha. Trong đó, lễ cắt hoa cau được xem là một lễ rất quan trọng, là nghi thức chính cho phép đôi trai gái thành vợ thành chồng.

     Lễ cắt hoa cau được người Khmer gọi là “Pithi kach khanh sla”, được tổ chức vào buổi sáng tại nhà của cô dâu. Ông Achar thắp nhang đèn đọc kinh cầu ơn trên ban phước lành cho đôi tân hôn. Trước khi cắt buồng cau, ông Maha múa điệu “Rom bơk bai sây” có nghĩa là họ hàng thân tộc hai bên đã chính thức cho phép hai người kết hôn. Ông Maha dùng cái dao nhỏ ở trên mâm, cắt lấy hoa cau trắng đặt trên ba đĩa gần các lễ vật. Sau khi chú rễ kính cẩn lạy mọi người, cúi đầu cho trán chạm gối trên chiếu bông, ông Achar đưa chùm hoa cau thứ nhất cho chú rễ tặng cô dâu, chùm thứ hai tặng mẹ vợ, chùm thứ ba cho em vợ, để tỏ lòng biết ơn đối với công nuôi dưỡng sinh thành của mẹ vợ và công khó của người em đã giúp đỡ vợ mình. Kế tiếp là nghi thức chuyển nến quanh đôi tân hôn; ông Achar chuyển cho người ngồi bên trái, người ngồi tiếp chuyền cho đủ 19 vòng thì tắt nến. Sau đó ông Achar lấy hoa cau rắc lên người tân lang và tân nương, từ chỗ cô dâu và chú rễ đang ngồi cho đến lối đi vào buồng tân hôn để chúc phúc cho đôi uyên ương, gọi là “ Pithi bak phka sla”.

     Cộng đồng người Khmer cư ngụ ở ĐBSCL có những nghi thức, tập tục riêng trong lễ thành hôn. Ngày nay, đời sống hiện đại cũng ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa xã hội địa phương, tuy nhiên ngày cưới của người Khmer Nam bộ vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của họ và nghi thức cắt hoa cau cũng là minh chứng cho tình yêu, sự thủy chung của đôi lứa cũng như câu:

Hoa cau đã gửi cho nàng,

Nguyện xin trọn kiếp đá vàng thủy chung.



Phong tục thờ cũng của người Việt Nam
Lễ vật cưới hỏi cần chuẩn bị những gì
Phong tục tập quán ba miền Bắc Trung Nam
Phong tục cưới dân tộc Mường
Phong tục rước dâu miền Nam
Nét đẹp trong lễ cưới Việt Nam


(st)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý