Phong tục cưới hỏi của người Thái

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Phong tục cưới hỏi của người Thái

19/04/2015 01:32 AM
6,246

Từ xa xưa, ở dân tộc Thái, con trai con gái đến tuổi thành niên được chủ động tìm chọn bạn đời của mình. Dù sự chủ động này chỉ là tương đối nhưng tục lệ cho phép tình yêu chính đáng được công khai, khác những nơi lễ giáo phong kiến còn quá nặng nề



Ngày ngày cô gái Thái nếu không đi làm nương làm ruộng thì ở nhà dệt vải. Khung cửu thường đặt bên cửa sổ nhà sàn, gần bếp lửa. Rồi những "hồi kịch trữ tình" thường diễn ra ở đây, có trình tự và rất có vǎn hoá. Thử tài, thử đức, hiểu tính, hiểu tình nhau cũng chỗ này.

Mỗi buổi tối, các chàng trai thường rủ nhau đi chơi quanh bản mang những chiếc khèn bè, đến diễn tấu dưới cửa sổ nhà sàn các cô gái. Có những chiếc đàn môi thủ thỉ suốt đêm, quên giấc ngủ. 

Qua thời kỳ tìm hiểu, chàng trai nào chọn được bạn tình của mình rồi thì về nhà thưa với bố mẹ mình để lo chuyện hôn nhân. Theo tục lệ cũ, nghi thức gồm nhiều bước. Thoạt tiên nhà trai cử người đến thǎm nhà gái để ướm lời xem có thuận chiều không. Nếu nhà gái tỏ ý thuận thì nhà trai nhờ bà mối đem trầu cau đến chính thức ngỏ lời. Nếu nhà gái nhận trầu cau thì nhà trai nhờ ông Mo (người phụ trách mọi nghi lễ trong bản mường) mang lễ vật sang ǎn hỏi. Lễ vật ǎn hỏi gồm hai con gà trống tơ, một con trắng, một con đỏ, nǎm chai rượu. Việc gả chồng cho con gái, ý kiến của con gái được bố mẹ coi trọng đặc biệt, khác với cái nếp "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" ở người Kinh xưa.

Nhận lễ ǎn hỏi rồi, nhà gái hẹn ngày lành, tháng tốt cho chàng trai đến ở rể. Đến lần đầu, anh chàng chỉ được phép mang theo một con dao để làm việc. Lúc này chưa được làm chàng rể chính thức, anh ta chỉ được phép nằm ở gian đầu nhà sàn dành cho khách nam giới. Sau ba tháng "thử thách", nếu được bố mẹ vợ tương lai ưng ý anh ta mới được đem chǎn đệm của nhà mình đến, và vẫn nằm gian đầu nhà. Từ đấy, anh phải đảm đương mọi việc trong gia đình nhà vợ. Cứ thế trong ba nǎm trời. Hết hạn đó xem chừng "đạt yêu cầu", nhà gái mới cho chính thức làm lễ thành hôn.

Trước khi làm lễ, nhà trai phải đem trầu, rượu, vòng tay, hoa tai, trâm cài đầu và một đôi độn tóc giả để cô dâu làm lễ búi tóc lên giữa đỉnh đầu. Búi tóc giữa đỉnh đầu là dấu hiệu người đàn bà đã có chồng. Khi bị ép duyên, cô gái phản kháng bằng cách cắt trụi tóc mình giữa lúc làm lễ "tẳng cẩu" (búi tó lên giữa đỉnh đầu).
Sau nghi lễ quan trọng này, nhà gái dành cho đôi vợ chồng mới một phòng hoặc một gian riêng ở nhà sàn, có chǎn màn, gối, đệm mới nguyên. Người chồng tiếp tục ở nhà vợ, cùng nhau làm ǎn, sinh con đẻ cái. Từ một nǎm đến tám nǎm - có khi mười nǎm - sau lễ thành hôn ở nhà vợ người chồng mới được phép đưa vợ về nhà bố mẹ mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng. Bố mẹ vợ cho đôi vợ chồng đủ các thứ cần dùng trong một gia đình như nồi đồ xôi, chǎn đệm, gia súc, các hạt giống...
Về nhà chồng, nàng dâu chuẩn bị: một tấm áo khoác thật đẹp biếu mẹ chồng, một bộ quần áo thật đẹp biếu bố chồng những tấm khǎn piêu (khǎn đội đầu) biếu cô bác bên nhà chồng những chiếc khǎn mặt bằng vải Thái để biếu những người dự tiệc Các quà biếu đó vừa để bày tỏ tình cảm của nàng dâu mới đối với nhà chồng, vừa tự giới thiệu nếp đảm đang, tài khéo léo của nàng. Người con gái về nhà chồng nếu chǎm chỉ và nết na thì sống tự do thoải mái hơn người con trai rể nhà vợ. Có lẽ đó cũng là một tàn dư của chế độ mẫu hệ chǎng?


Việc hôn nhân của dân tộc Thái chủ yếu theo chế độ một vợ một chồng. Thời trước, khi kết hôn, nhà trai phải đem đến nhà trưởng bản mấy chục đồng bạc, và cũng phải đem tiền đến cho cha mẹ cô gái, đồng thời cũng phải mang cả tiền đến biếu "người chị cả" trong bản nữa. Sau khi làm lễ cưới, người con trai phải đến nhà gái ở rể ba năm. Trong ba năm ấy chàng rể phải gánh vác mọi việc trong nhà. Tục ngữ của người Thái có câu: "Được một chàng rể, là được một người làm". Nếu đi ở rể chưa hết thời hạn, mà người con trai muốn trở lại nhà mình, bên nhà trai phải nộp cho cha mẹ cô dâu mấy chục gánh thóc (mỗi gánh chừng 40 kg) và trên 100 chiếc chiếu.

Không những khi cưới vợ phải mất tiền mà ngay khi ly hôn cũng mất tiền. Nếu bên nam đòi ly hôn, thì bên nữ được tiền bồi thường, nếu như bên nữ đòi ly hôn thì ngược lại. Nếu chưa bồi thường đủ, bên nữ còn chưa được đi lấy chồng mới, phải chờ đến khi nào chàng rể bồi thường đủ số tiền quy định, mới được đi bước nữa. Nếu cô gái đi lấy chồng lần thứ hai thì nói chung tiền cưới cũng đã nhẹ đi rất nhiều, với lý do mà người Thái vẫn thường nói: "Bát nước đổ, không bốc đầy lại được".

Thời trước, con cái nhà thường dân không được phép "đeo đuổi" con gái các nhà Thổ Ty tầng lớp trên, và không được phép kết hôn với những cô gái ấy. Ngược lại, con cái nhà thổ ty có thể tuỳ tiện "theo đuổi" con gái nhà dân thường và cũng có thể kết hôn với họ. Song vợ cả của những chàng trai ấy bao giờ cũng phải là những cô gái của tầng lớp trên, tuyệt đối không được là con gái nhà dân thường. Những cô gái nhà thường dân một khi đã thất thân với con trai nhà tầng lớp trên thì suốt đời không lấy được chồng nữa. Bởi vì trong dân chúng đã có câu: "ở nơi hổ đã ngủ qua, thì ta làm sao lại tới chỗ đó mà ngủ được".

Việc ly hôn của người Thái cũng rất tự do, và tỷ lệ ly hôn khá cao. Hai bên nam nữ, sau khi đính hôn, nếu không tiến hành hôn lễ đúng định kỳ, thì được coi như đã ly hôn, và được phép tuỳ ý đi tìm đối tượng mới. Chồng đi khỏi nhà ba năm không về, quan hệ vợ chồng coi như được huỷ bỏ. Khi người vợ hoặc người chồng qua đời, người vợ hoặc người chồng còn sống cũng phải làm "thủ tục" ly hôn. Cách thức cắt đứt quan hệ ấy rất đơn giản: Khi đem mai táng, người ta lấy một sợi dây thừng, buộc vào thân người chết, hoặc buộc vào quan tài, rồi một người già lấy dao cắt đứt sợi thừng ấy đi, là thủ tục ly hôn coi như đã làm xong. Hoặc người sống đưa ma ra đến cửa nhà sàn cũng là xong.

Thủ tục ly hôn của người Thái rất giản đơn. Hai bên nam nữ chỉ cần trao cho nhau một đôi nến là xong. Hoặc có thể lấy một mảnh vải trắng, cho hai bên cầm kéo ra, rồi một trong hai bên cắt đứt ở phần giữa, mỗi bên giữ một nửa, thế là coi như hai kẻ hai nơi. Bên phía nữ muốn ly hôn, chỉ cần trao cho bên nam một cặp nến, miệng nói "xin lỗi, xin lỗi", rồi sau đó mang tư trang tài sản của mình ra đi.

Trong gia đình người Thái, phụ nữ chiếm quyền thừa kế tài sản; nhà cửa, ruộng đất, gia súc đều do người con gái nhỏ, hoặc người vợ có chồng ở rể kế thừa, đương nhiên họ có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng cha mẹ vợ. Người phụ nữ dân tộc Thái còn có quyền quản lý tài sản. Lương thực trong nhà đều do phụ nữ quản, muốn đem bán trâu bò, gia súc, cần phải được sự đồng ý của người phụ nữ chủ gia đình. Số tiền sau khi đem bán trâu bò mang về phải trao cả cho người phụ nữ đó. Trước kia tên con cái trong gia đình người Thái thì chữ cuối cùng nhất thiết phải giống với một chữ trong tên của người mẹ, gọi là "liên danh".

Nhưng do chế độ một vợ một chồng không ngừng được củng cố, nên địa vị của người đàn ông trong gia đình cũng được nâng cao. Tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng đã bắt đầu thẩm thấu vào quan hệ nội bộ gia đình. Thí dụ như, trong gia đình người Thái, cha mẹ thường dạy con gái là "gối đầu của người vợ bao giờ cũng phải thấp hơn gối đầu của chồng mấy phân, khi ngủ không được đặt đầu mình ngang bằng với đầu chồng..."


Thú vị tục cưới hỏi của người Thái đen


Các thủ tục trong lễ cưới đã được tiết giảm đi nhiều nhưng tựu trung vẫn giữ được những nét cơ bản truyền thống rất ấn tượng.

Nếu bạn được dự các thủ tục cưới hỏi của người Thái đen bạn sẽ thấy vô cùng thú vị. Lần đầu tiên là lễ "Chóm mia" (chạm ngõ). Lần thứ hai là lễ "Khắt cằm kin khươi" (ăn hỏi). Lần thứ ba là lễ "Tỏn mia" (đón vợ).

Áo Coóng và lễ vật tặng cô dâu gồm dây xà tích, trâm cài …bằng bạc, khuyên tai vàng

Nếu thuận cả thì hai bên sẽ làm đám cưới ba ngày liền, cùng nhau uống rượu xòe, "khắp" tưng bừng.

Chú trâu bị ngả thịt từ lúc 2 giờ sáng

Đặc biệt, trong suốt lễ cưới của người Thái đen (ở bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, thành phố Điện Biên), chỉ đàn bà mới được làm lễ, các ông đều làm bếp hoặc giúp các việc phụ.

Gánh lễ vật sang nhà gái

Ngày cưới, nhà trai dậy sớm mổ bò mổ trâu, chuẩn bị các lễ vật đem sang nhà gái gồm: lợn hơi, gạo nếp, rượu, gà, 4 kẹp “pa hắp” cá suối sấy khô bỏ trong giỏ nan đan hình mắt cáo, 4 ống “bẳng nhứa” (ống thịt) chọn thịt nạc ướp cùng muối, nhồi vào ống tre để khao “lúng ta” (cậu bên ngoại), gói “xí hó, khát pú” (4 gói trầu rừng) ăn cùng với rễ cây “co hát”, lá trầu lấy ở rừng về gọi là “co tói”.

Loại trầu này không ăn với vôi, bà con kiêng ăn vôi, sợ con cháu nóng bỏng. Các lễ vật còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của nhà trai và các thành phần “lúng ta” của nhà gái.

Lễ trải chăn đệm

Chăn nệm nhà trai mang sang làm quà tặng đôi vợ chồng trẻ

Đến giờ tốt, bốn bà đã được chọn là những phụ nữ đảm đang, khỏe mạnh và hạnh phúc trong cuộc sống, tiến hành thủ tục trải chăn đệm cho cô dâu chú rể, nơi gian buồng cô dâu, theo thứ tự: trải chiếu cô dâu trước đến chiếu chú rể trải lên trên; đệm cô dâu đến đệm chú rể; ga đệm cô dâu đến ga đệm chú rể; hai gối cô dâu chú rể đặt sát vào nhau...

Bốn bà vừa làm thủ tục trải đệm, vừa có lời cầu may hạnh phúc cho cô dâu chú rể:“Trải đệm cho dầy. Trải chăn cho rộng. Trải đệm rộng lấy con gái con trai nhé!”. Cuối cùng bốn bà mắc màn cưới rồi buông xuống trùm kín cả chăn đệm.

Lễ Tằng cẩu (Búi tóc ngược)

Sáng hôm làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.

Mâm lễ đặt phía gian phòng cô dâu gồm: Đồ sính lễ búi tóc bố mẹ chồng đưa sang (Hai búi tóc độn, một cái châm cài tóc bằng bạc, tám sải vải trắng tự dệt, tám sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tằm, tiền nhiều ít tùy khả năng); Tặng phẩm bố mẹ vợ mừng lễ búi tóc cho con gái (Bốn sải vải trắng tự dệt, bốn sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tầm, tiền nhiều hay ít tuỳ khả năng, một cái lược, một bát nước lã... để chải tóc cô dâu).

Mâm lễ búi tóc chuẩn bị xong, cô gái sắp thành cô dâu, mặc váy áo, bà mẹ cô gái dắt tay cô gái đến ngồi bệt xuống chiếu trước mâm lễ búi tóc.

Bà mẹ thả duỗi tóc con gái xuống cho bên nhà trai tiến hành thủ tục búi tóc ngược. Người được chọn để Tằng cẩu đứng ở phía sau lưng cô dâu, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại.

...trao nhau nhẫn cưới

Trong lúc búi tóc cho cô gái, đại diện hai nhà cùng uống rượu và hát đối đáp "khắp toóc". Nội dung của các bài hát nói lên hoàn cảnh của mỗi nhà và những lời dặn dò đôi trai gái.

Bị đẩy vào giường với những đứa trẻ để cầu phúc

Trong lễ Tằng cẩu, người được chọn búi tóc cho cô dâu hát những lời dặn dò và chúc mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể: "Mái tóc dài, chải cho mượt. Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”. Từ nay về sau, người đã có chồng. Nước không đổi dòng. Lòng không đổi hướng, con ơi".

Lễ đội mũ và tạ ơn đấng sinh thành

Sau lễ Tằng cẩu, cô gái phải luôn búi tóc vừa để làm đẹp vừa như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng.

Xong lễ, bà mối thay mặt nhà trai có lời cảm ơn nhà gái đã có sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện cho nhà trai tiến hành làm lễ cho hai con đạt kết quả tốt đẹp, thành vợ, thành chồng; Nói xong họ đẩy đôi vợ chồng mới vào trong màn cưới, một lúc sau mới được ra khỏi màn và đi tiếp khách bình thường.

Sau buổi cưới, cô dâu được rước về nhà chồng

Sau vài ngày, nhà trai sẽ tổ chức một buổi cơm thân mật mời nhà gái và chính thức rước con dâu về nhà. Trong buổi lễ này, cô dâu sẽ tặng gia đình nhà trai mỗi người một món quà gồm một chiếc khăn piêu, một chiếc túi Thái… do chính tay cô dâu làm từ trước đó.


Phong tục cưới xin của người Thái trắng



Cũng như các dân tộc khác, phong tục cưới xin của người Thái trắng ở Điện Biên là một trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời mỗi người. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, mang lại cho cuộc sống sau hôn nhân của họ rất nhiều đổi thay. Cùng với sự phát triển của xã hội, các nghi thức cưới cổ truyền cũng có nhiều thay đổi song vẫn chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống.

Phong tục cưới xin của người Thái trắng Điện Biên có sự khác biệt tại các điểm dân cư khác nhau nhưng cơ bản bao gồm các nghi lễ như: lễ dạm hỏi, ăn hỏi và lễ cưới chính thức.

Lễ dạm hỏi được tiến hành sau khi trai gái tìm hiểu nhau được gọi là "pay giam căn" (đi thăm hỏi nhau). Mục đích của lễ dạm hỏi là hai gia đình làm quen và cũng là tỏ ý đồng thuận cho đôi trai gái được lấy nhau và cuối cùng là họ thống nhất chọn ngày ăn hỏi. Khi đi dạm hỏi nhà trai chỉ mang theo chút quà cáp và một thủ tục không thể thiếu đối với chàng trai khi đi dạm hỏi đó là xin danh sách họ hàng nhà gái để tới xin phép đồng ý cho chàng trai cưới cô gái.  Chàng trai lần lượt đến từng gia đình họ hàng của cô gái, quỳ lạy và xin phép được cưới hỏi cô gái.

Lễ ăn hỏi trong tiếng Thái trắng là “kin lẩu khửn khơi”. Lễ ăn hỏi là hình thức tổ chức buổi họp mặt hai bên gia đình trai gái để bàn bạc, qua đó nhà gái sẽ đưa ra những yêu cầu để tiến hành trong đám cưới như thách cưới, ở rể và các yêu cầu khác. Sau lễ ăn hỏi cùng với quan hệ thông gia, cha mẹ và con cái đôi bên anh em ruột thịt, họ hàng cũng được chuyển đổi cách xưng hô mới theo quan hệ gia đình. Lễ vật trong lễ ăn hỏi là: 2 con gà (1 trống, 1 mái); 2 chai rượu; một ít  gạo nếp, gạo tẻ.

Sau khi lễ ăn hỏi diễn ra suôn sẻ lễ cưới chính thức được tiến hành. Lễ cưới của người Thái trắng gọi là “pú xưa”  được tổ chức ở cả nhà trai và nhà gái vào hai thời điểm khác nhau:

Lễ cưới bên nhà gái được tổ chức linh đình và trịnh trọng bao gồm nhiều nghi lễ như: nghi lễ cúng tổ tiên, tạ ơn nhà ngoại, trải chăn đệm.

Nghi thức đầu tiên đó là nghi thức cúng gia tiên, báo với tổ tiên là con (cháu) đã lập gia đình và mời các cụ về hưởng lễ của nhà trai và nhận rể. Lễ này được làm ở gian thờ ("hoóng"), lễ vật gồm  có lợn, gà, cá sấy, trầu cau, rượu… Sau khi cúng gia chủ gọi cô dâu chú rể đến lạy, lạy 3 lạy và kể từ lúc này họ đã thành vợ chồng, thành con thành cháu trước sự chứng giám của tổ tiên.

Sau lễ cúng gia tiên, chú rể tiến hành lễ lạy pú gia, aỉ ý, họ hàng nội ngoại của cô dâu. Lễ này nhằm tạ ơn ông bà, cha mẹ... đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu nên người và cũng là  mong ông bà, cha mẹ nhận mình là người trong gia đình.

Trong khi khách khứa ăn uống vui vẻ thì gia đình tiến hành nghi lễ trải chăn đệm. Nếu lễ trải chăn đệm của người Thái đen nhất thiết phải có 4  chăn, 4 đệm, 4 gối trở lên thì ở người Thái trắng chỉ cần 2 cái chăn, 2 đệm, 2 gối. Bà con ở đây còn có một mẹo nhỏ mà họ tin rằng làm như vậy đôi vợ chồng trẻ sẽ hạnh phúc hơn đó là khi trải chăn đệm xong, họ lấy hai chiếc áo (một của cô dâu, một của chú rể) úp lên nhau, áo của cô dâu úp lên áo của chú rể. Họ cũng lấy tay phải của hai chiếc áo buộc vào với nhau, rồi đặt dưới đệm, ba ngày sau lấy hai chiếc áo này ra cho cô dâu và chú rể mặc trong cả ngày hôm đó.

Lễ cưới bên nhà trai được tổ chức sau khi chàng rể kết thúc thời ở rể của mình, lễ cưới bên nhà trai bắt đầu bằng nghi lễ đón dâu. Sau khi xin phép nhà  gái và nghe bà mối hát dặn dò, chú rể được phép đón cô dâu về nhà mình. Cô dâu khi về nhà chồng không mang theo khung cửi, khăn piêu như người Thái đen mà  được mẹ đeo cho một "coóng khẩu" trong đó có đầy xôi và có một cái đùi gà, đội 1 chiếc nón lên đầu và đưa cho một cái ghế mây. Những thứ này cô gái phải mang theo mình trong suốt hành trình từ nhà mẹ đẻ sang nhà chồng, xôi để ăn khi đói, ghế mây để ngồi khi nghỉ dọc đường.

Cô dâu về tới nhà chồng được mẹ chồng đón và nghi lễ cúng gia tiên được bắt đầu và tiệc cưới được tổ chức.

Lễ lại mặt được tiến hành sau khi lễ cưới chính thức bên nhà gái được  ba ngày, khi về lại nhà vợ chồng trẻ mang theo chút quà cáp thể hiện sự quan tâm và biết ơn nhà đình nhà ngoại.

Như vậy có thể nói phong tục cưới xin của người Thái ở Điện Biên thực sự trở thành sinh hoạtvăn hoá truyền thống, qua đó phản ánh một phần tinh thần lạc quan, yêu đời, quan niệm về hạnh phúc, đạo làm người của bà con. Đây còn là dịp các thành viên trong  gia đình được gặp gỡ giao lưu với nhau, đặc biệt là dịp diễn ra các hoạt động văn hoá thu hút sự tham gia của đồng bào ở những vòng xoè, múa hát cùng tiếng trống, tiếng sáo... hát đối đáp giao duyên, những bài hát tiễn con đi làm dâu.



Phong tục cưới hỏi dân tộc Thái đen Điện Biên


Việc hôn nhân của các cặp nam - nữ thanh niên khi trưởng thành, đã trở thành quy luật và nguyên tắc chung chủa toàn xã hội nói chung, dân tộc Thái Điện Biên nói riêng. Nam nữ thanh niên kết hôn là bước ngoặt của cả cuộc đời ... họ sẵn sàng đến chung sống với bạn đời trăm năm của mình để xây dựng tổ ấm gia đình? Do vậy giữa hai gia đình nhà trai - gái sẽ có những quy ước với nhau rất chặt chẽ thể hiện các nguyên tắc nghi lễ, nghi thức; nhất là về tư tưởng luôn thường đạo lý... khi tổ chức lễ thành hôn cho đôi lứa thanh niên cặp vợ chồng, đã trở thành thuần phong mỹ tục dân tộc Thái cho đến ngày nay.

Song trong quá trình phát triển, các nghi lễ cưới hỏi dân tộc Thái nay đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu một số nội dung nghi lễ cưới hỏi theo trào lưu văn hoá mới của xã hội. Tuy nhiên tiếp thu nội dung có tính chọn lọc và được Thái hoá, phù hợp với các yếu tố kinh tế, xã hội, nhưng không làm mất đi bản sắc văn hoá Thái, qua các bước cưới hỏi.
A. PHONG TỤC ĂN HỎI:
Lấy vợ, lấy chồng"bạn đời trăm năm" đối với dân tộc Thái là việc rất hệ trọng, có ý nghĩa lớn đối với lứa đôi; hơn nữa thắt chặt mỗi quan hệ giữa hai gia đình, hai họ nhà trai và nhà gái... Do vậy họ rất thận trọng trong việc kén rẻ, kén dâu, nên có câu:
          "Lấy vợ xem tông, tậu trâu xem giống"
Song: Gái yêu chỉ để trong tâm
          Trai yêu quyết lấy bằng được!
Nhà trai chủ động sang đặt vấn đề về đôi trai gái giữa hai gia đình:
I. Sang thăm dò (Phay chám)
Bố mẹ chàng trai nhờ mấy bà khéo ăn nói trong họ sang nhà gái chơi thăm (đi không) nói chuyện vui đùa băng quơ về đôi trai gái đó: Thăm dò tìm hiểu về gia phong dòng họ, tốt, xấu, quan hệ xã hội... gia đình nhà gái ra sao? thăm dò nói chuyện xong thì xin phép về. Các bà báo cáo cuộc tiếp xúc bên nhà gái và có những lời nhận xét tốt xấu... Bố mẹ nhà gái cững ưng thuận và nhà trai thấy được...
II. Sang ướm hỏi (pay mai)
Nhà trai xét thấy nhà gái là gia đình hoà thuận, có nề nếp, con cái ngoan, chăm chỉ học hành... Do vậy đợt hai đi ướm hỏi, bố mẹ con trai nhờ ông (bà) mối đi theo để thây mặt nhà trai thưa chuyện về luật tục xe duyên cho đôi trai gái... Nhà trai mang sang một đôi gà (Trống + mái), hai chai rượu để làm bữa cơm tiếp bố mẹ nhà gái. Sau khi vào mâm hai bên nhà trai, nhà gái chúc nhau vài chén rượu thì chuyển sang nói chuyện về luật tục... đạo lý bản mường (xoay quanh về duyên số của đôi trai gái)... ví dụ:
Nhà trai:...
Muốn được đến ở cậy nhờ bóng mát nơi cha mẹ
Xin hầu đóm hầu lửa
Xin lấy giống mài hoa
Day mài tốt
Giống vải đẹp sợi nhỏ "phứm xáo"
Muốn được hạt giống về trồng
Muốn được con gái của cha mẹ về dựng nhà dựng cửa!
Nhà gái:...
Nói chơi một tý đỡ buồn thôi chú!
Có gì xin hãy nói thật
Mỗi lần đến thăm
Một lần đến ứôm hỏi
Nếu muốn lấy thật sự thì sao lại đến nữa
Hai bên phải hỏi con mình cho kỹ đã
Muốn ăn phải kiên tâm
Muốn được phải kiên trì...
Thông qua nói chuyện rất tế nhị, rất văn hoá hai gia đình đã hiểu ý nhau, nhất trí đồng tình.

III. Sang ăn hỏi đứt giá trầu cau
- Nhà trai mang sang một đôi gà (trống + mái), hai chai rượu, hai gói vỏ chay, hai gói trầu cau, ngoài ra rượu, thịt thêm đủ tiếp nhà gái.
1. Mâm lễ trầu cau: được bày giữa sàn nhà, ông, bà, bố, mẹ bên nhà gái vào ngồi phái đầu mâm, bên nhà trai ngồi phía cuối mâm; ông (bà) mối thay mặt nhà trai thưa chuyện về luật tục xe duyên trai, gái khi trưởng thành phải xây dựng gia đình... và bên nhà gái có lời đáp lại... (bà đối đáp xe duyên), ví dụ:
- Nhà trai:
Như chỗ cha mẹ đây
Là nơi quen cũ, chốn gửi lòng
Nơi phát tán rộng, "Lúng ta" cũ
Là anh em thân hữu từ xưa
Mới mở cửa rộng, cậy cửa đón
Bắc cầu cho qua, bắc thang cho lên
Lên đến nhà, đến cửa
Xin mang gói trầu đến gửi
Gói câu đếm dạm
Xin được làm lễ đứt giá trầu cau với "Lúng ta"
- Nhà gái:
Nhà trai thưa với bố mẹ
Cha mẹ chàng nhờ ông mối bà mai đến tạn nhà "Lúng ta"
Đưa lời hay tiếng tốt
Có gói trầu đến hỏi
Gói cau đến dạm
Xin làm lễ đứt giá trầu cau với "Lúng ta"
Kể từ ngày, giờ này hai bên đã chính thức đặt vấn đề dứt điểm, không được thay lòng đổi dạ, con trai, con gái như đã có vợ, có chồng... Hai gia đình thống nhất ngày tốt, giờ đẹp để nhà trai sang nhà gái tổ chức cho hai con xong, nhà trai mở gói trầu cau ra mời nhà gái và mọi người trong mâm chai một miếng trầu cau và tạm kết thúc.
2. Nhà trai tiếp rượu:
Thực phẩm nhà trai mang sang và chủ động mổ, chế biến món ăn... bày mâm xong nhà trai mời nhà gái vào mâm! Vị trí ngồi như mâm lễ trầu cau, nhà gái ngồi phía đầu mâm, nhà trai ngồi phái dưới, phía yêu cầu người ta gả con gái cho mình, nhà trai phải tiếp và hầu rượu nhà gái. Đại diện nhà trai tuyên bố lý do... và mời nhà gái cùng nâng chén rượu chúc sức khoẻ nhau... sau đó nói chuyện về luật tục... giống như ở mâm lễ trầu cau... ví dụ:
- Nhà trai:
Lên đến nhà đến cửa
Lẽ ra:
Phải có mâm cỗ đẹp, bàn cỗ to đặt xuống mời "lúng ta"
Có đĩa đầu gà, cá gỏi tiếp đón bố mẹ bên này
Nhưng chúng tôi là nhà trai còn nhiều khó khăn
Chỉ có một chút gọi là theo lệ tục không thể bỏ qua
Xin"Lúng ta"
Chua đừng chê, ngọt đừng trách nhé…
- Nhà gái:
Cha mẹ, họ hàng của rể quý lên đến cửa đến nhà
Có mâm cỗ to, bàn cỗ đẹp
Rót rượu mời "Lúng ta"
Chúng tôi bên họ nhà gái xin vui mừng đón nhận.... xin chúc
cho bố mẹ, họ hàng của chàng rể mạnh khoẻ, sống lâu, làm ăn
phát đạt...
B. CÁC BƯỚC LỄ THÀNH HÔN:
Nhà trai mang sang nhà gái đủ xính lễ, vật cưới thì tiến hành các bước theo phong tục:
I. Lễ chải chăn đệm:
Đến giờ tốt bốn bà đã được chọn, tiến hành thủ tục chải chăn đệm cho cô dâu chú rể, nơi gian buồng cô dâu theo thứ tự: chải chiếu cô dâu trước đến chiếu chú rể chải lên trên; đệm cô dâu đến đệm chú rể; ga đệm cô dâu đến ga đệm chú rể; hai gối cô dâu chú rể đặt sát vào nhau, tiếp theo chân cô dâu chải xuống, chân chú rể phủ lên trên.
Bốn bà làm thủ tục chải đệm, cùng đó vừa có lời cầu may hạnh phúc cho cô dâu chú rể:
Chải đệm cho dầy
Chải chăn cho rộng
Chải đệm rộng lấy con gái con trai nhé!
Cuối cùng bốn bà mắc màn cưới rồi buông xuống chùm kín cả chăn đệm.
II. Lễ búi tóc ngược (Thái đen)
Cử một bà trong bốn bà chải chăn đệm cho cô dâu chú rể tiếp tục làm lễ búi tóc cho cô dâu; Mâm lễ đặt phía gian phòng cô dâu gồm:
- Đồ xích lễ búi tóc bố mẹ chồng đưa sang:
Hai búi tóc độn, Một cái châm cài tóc bằng bạc, tám sải vải trắng tự dệt, tám sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tằm, tiền nhiều ít tuỳ khả năng.
- Tặng phẩm bố mẹ vợ mừng lễ búi tóc cho con gái:
Bốn sải vải trắng tự dệt, bốn sải vải thổ cẩm, một sải thắt lưng tơ tầm, tiền nhiều hay ít tuỳ khả năng, một cái lược, một bát nước lã... để chải tóc cô dâu
Mâm lễ búi tóc chuẩn bị xong, cô gái sắp thành cô dâu, mặc váy áo đẹp và mặc áo dài mới choàng ra ngoài; song bà mẹ cô gái dắt tay cô gái đến ngồi bệt xuống chiếu trước mâm lễ búi tóc, có câu:
Ngồi xổm, ngồi bệt xuống giữa nhà
Búi tóc to đến duối giữa "quản"
Búi tóc mượt đến duối giữa nhà...
Bà mẹ thả duối tóc con gái xuống cho bên nhà trai tiến hành thủ tục búi tóc ngược (tẳng cẩu), bà được chọn đến chải tóc duối xong, lại nằm tóc chải ngược lên, lấy hai búi tóc độn trong mầm lễ độn thêm, sau đó búi tóc lên trên đỉnh đầu cô dâu cưới chồng; tiếp theo lấy trâm bạc trong mâm lễ cài lên búi tóc, lấy vòng cổ, vòng tay đeo cho cô dâu (nếu có).
Xong lễ búi tóc, bà mối thay mặt nhà trai có lời cảm ơn nhà gái đã có sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện cho nhà trai tiến hành làm lễ cho hai con đạt kết quả tốt đẹp, thành vợ, thành chồng; Nói xong họ đẩy đôi vợ chồng mới vào trong màn cưới, một lúc sau mới được ra khỏi màn và đi tiếp khách bình thường.
III. Xướng lễ báo ma nhà:
Là phong tục không thể thiếu của dân tộc Thái, báo với tổ tiên...... Ví dụ:
Không nói không biết việc
Không xưng không biết tên
Không biết tên với bà "Liếng"
Không biết việc với con cái
Nàng "A" là chủ áo này
Bây giờ họ nhà trai đã tìm kiếm được
Có rượu, lợn, trầu cau đến báo ma nhà tổ tiên........
Đưa hai vợ chồng trẻ đến lậy, ra mắt tổ tiên, mà nhà!
Chàng "B" con người ta giờ thành con rể tổ tiên nhà gái, hãy phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ có con trai con gái với nhau, làm ăn phát đạt, vạn sự như  ý…
(hai vợ chồng trẻ lậy xuống một lậy)
IV. Rượu mừng lễ thành hôn:
Mo xướng lễ ma nhà xong! nhà trai cũng bày cỗ xong và mời khách hai họ nhà trai và nhà gái........ cùng vào mâm, chủ hôn tuyên bố lý do; Hai gia đình nhà trai, nhà gái cùng nâng chén rượu chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.... sau đó ăn mừng xong là kết thúc!
* Nhận xét chung: Hiện nay dân tộc Thái Điện Biên đa số thực hiện theo phong tục cưới hỏi như trên; Tiến hành các bước nhanh gọn, nhưng rất nghiêm túc và đầy đủ thủ tục, lời đối đáp, khuyên bảo hài hoà tế nhị, có bài bản đặm đà bản sắc dân tộc như: Các bước ăn hỏi, nhất là tổ chức lễ thành hôn: Lễ chải chăn đệm cho cô dâu chú rể; lễ búi tóc ngược (Thái đen) cho cô dâu... rất có ý nghĩa và đấy cũng là nội dung chính của cuộc hôn lễ mà thời gian tiến hành diễn ra nhanh gọn, ít nhân lực và ít tốn kém... cần được bảo tồn và phát huy.
Những nội dung không phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội sẽ tự loại bỏ như: ở rể, vòng cổ, vòng tay, dây sợi tích, cúc bướm... hoặc ăn uống kéo dài hai ngày đêm tốn kém, hại sức khoẻ, mất thời gian... nay không còn nữa, cũng là bước tiến bộ của dân tộc Thái.
Dân tộc Thái dễ tiếp thu và bắt chước cái mới; Bắt chước cách tổ chức hôn lễ ở thị xã, thành phố, song nó cũng không phải mô hình chuẩn mực... nên đã phá vỡ những nét đẹp truyền thống của dân tộc; hiện nay khâu tuyên truyền về việc cưới, việc tang mới dừng lại ở: phải thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí... nhưng thực tế chưa có mô hình hay hướng dẫn, áp dụng, cần phải được nghiên cứu để tuyên truyền./.


Phong tục cưới xin của người Thái ở Nghệ An


Thiếu nữ dân tộc Thái Nghệ An

Khi trai, gái Thái đến tuổi đan chài, dệt vải (Nhinh hụ hến phai, chai hụ xán hé), họ yêu nhau đến độ “Không gặp được nhau, miếng cơm bằng con bọ chét nuốt không trôi, miếng xôi bằng hạt gội nuốt không xuống. Gặp được nhau, cây mía sải ba gang nuốt ngang, cây giang chín lóng nuốt ngược” thì cô gái trao cho chàng trai một chiếc áo hay một chiếc khăn tay cô vẫn thường dùng để làm tin.

Chàng trai về thưa chuyện với cha mẹ xin được sang nhà cô gái trình vật làm tin nhằm hợp thức hóa tình yêu của họ. Nếu cha, mẹ cô gái không đồng ý thì chàng trai buộc phải trả vật làm tin để giải phóng cho cô gái đi lấy chồng khác. Còn nếu cha mẹ đồng ý thì trong lần trình diện đầu tiên này, nhà trai phải chuẩn bị lễ vật gồm 4 chai rượu trắng, 20 lá trầu, quả cau và một ít hoa quả. Lễ vật phải mang số chẵn- thể hiện lòng mong muốn cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng.

Vào ngày đẹp, nhà trai mang lễ vật sang thưa với nhà gái. Được sự đồng ý, hai gia đình cùng tìm một ông (bà) mối để làm người liên lạc. Những tháng sau đó, cứ vào ngày trăng tròn (16 âm lịch), gia đình nhà trai đều đặn sang thăm họ nhà gái thể hiện sự quan tâm tới cô con dâu tương lai cũng như gia đình thông gia. Lễ vật cho những lần đi thăm này chỉ gồm 2- 4 ống cơm lam, 2 chai rượu trắng kèm theo cau trầu. Lần đi thăm cuối cùng, ông mối sẽ hỏi thầy bói (mó nghên) chọn ngày đẹp để tổ chức lễ ăn hỏi (tèng đoóng). Lễ vật gồm 2 chum rượu cần, một con lợn giá, 30kg gạo nếp, 10 lít rượu trắng, 10 đôi bánh sừng trâu và cau trầu. Dịp này, hai gia đình thông gia cùng trao đổi, bàn bạc về khoản tiền thách cưới (hùa cả) mà gia đình nhà trai phải trả cho cha mẹ cô gái thể hiện lòng biết ơn đã sinh thành, dưỡng dục cô nên người. Ngày cưới cũng được ấn định.

Đám cưới của đồng bào Thái trước kia được tổ chức linh đình trong 3-4 ngày, nhưng hiện nay đã rút ngắn chỉ trong 1 đến 2 ngày. Đồ sính lễ (nộp tài) tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình nhà trai khá giả hay nghèo mà “nộp” nhiều hay ít, nhà gái không ép buộc. Tuy nhiên, không thể thiếu các lễ vật như lợn sống, một đôi gà, rượu cần, rượu trắng, gạo nếp, bánh sừng trâu, cau trầu và tiền hùa cả. Còn phía cô dâu cũng phải chuẩn bị trước những tấm đệm trải giường, gối, váy áo thêu cho bản thân và để biếu mẹ chồng, chị chồng.

Đồng bào Thái đón dâu khi trời còn tờ mờ sáng, sao cho khi cô dâu về đến nhà chồng, con chó trong nhà vẫn chưa nhìn thấy được mặt chủ như vậy mới gặp may mắn, hạnh phúc. Vào lúc đó, mẹ chồng (có thể có cả chị chồng) đứng đón cô dâu ở chân cầu thang để làm thủ tục rửa chân, tặng vòng bạc cầu may cho cô dâu, sau đó đưa cô lên buồng làm lễ ăn cơm, uống rượu chung với chồng (ki khầu, lâu huồm) và để trao tặng nhau vòng bạc. Hai người thề hẹn sẽ thuỷ chung đến trọn đời. Cô dâu được búi tóc (tăng cẩu) và trình tổ tiên. Từ nay, cô là gái đã có chồng.

Sau bữa cơm đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ, bữa tiệc cưới mới bắt đầu. Khách khứa hai họ, bạn bè vừa ăn uống vừa hát múa điệu lăm, khắp, xuối rất vui nhộn. Họ cùng chúc tụng cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc trọn đời bên nhau.

Trong phong tục của người Thái ở vùng Tây Nam Nghệ An, khi đôi trai gái quen nhau, họ không được phép lang thang ngoài đường, mà chàng trai phải đến nhà cô gái.

“Khi mùa Xuân về, hạ đến, nhất là trong những đêm trăng thanh, gió mát, đến các Bản làng người Thái, bạn sẽ được nghe những câu ví, câu lăm gọi bạn tình của các chàng trai: "… Ơ Noọng ơi, nong tằm mẹ anh chăn đã chín/Chỉ ước có em về ươm tơ, kéo chỉ". 

Sau những câu tỏ tình như vậy, các chàng trai tìm đến chơi nhà các cô gái. Và nếu phải lòng nhau, họ sẽ tìm ông mối đến nhà gái thưa chuyện, để cho họ nên đôi thành vợ, thành chồng.

Trong phong tục của người Thái ở vùng Tây Nam Nghệ An, khi đôi trai gái quen nhau, họ không được phép lang thang ngoài đường, mà chàng trai phải đến nhà cô gái. Nếu được phép của cha mẹ, họ được ngồi trong nhà trò chuyện. Và, tất nhiên cô gái hoặc đang dệt vải hay đang luồn tay thêu, may vá. Sau những đêm tỏ tình, nếu đã phải lòng nhau, chàng trai về nhà bảo cho cha mẹ biết, để tìm ông mối đứng ra thưa chuyện với nhà gái. Nếu được nhà gái cho phép, thì lễ ăn hỏi được tiến hành sau đó không lâu. Lễ vật cho cuộc đi chơi lần đầu tiên, thường nhà trai phải chuẩn bị trầu cau, rượu, bánh kẹo… tất cả các lễ vật đều phải con số chẵn như: 8-10 miếng trầu cau, hai chai rượu, hai cặp bánh.

Đón dâu về nhà.

Đón dâu về nhà.

Và, tất nhiên cả cha mẹ của chàng trai phải có mặt. Nếu mọi việc suôn sẻ, nhà gái đồng ý, cuộc đi chơi lần thứ hai sẽ được chuẩn bị công phu, thịnh soạn hơn. Lễ vật ăn hỏi bao gồm: một chum rượu cần, hai chai rượu trắng, 6 cặp bánh gói theo kiểu hình chóp, một đôi áo hoặc vải. Tất cả lễ vật được cho vào hai chiếc giỏ mây, quai giỏ được làm bằng vải Thổ cẩm rất đẹp, số người tham gia lễ hỏi cũng phải lựa chọn kỹ, số người phải chẵn và tất nhiên không thể thiếu cả vợ chồng ông, bà mối. Khi đến nhà gái, ông mối phải đứng ra thưa chuyện, thông báo lễ vật nhà trai mang đến cho họ nhà gái biết. 


Sau khi kiểm lại lễ vật, nhà gái trao đổi với nhau, nếu thuận ý, nhà gái sẽ đứng ra tuyên bố từ nay chúng ta là thông gia. Không chỉ riêng hai nhà mà cả hai họ nội ngoại của hai bên đều là thông gia. Sau đó ông mối xin phép nhà gái cho nhà trai được chọn, xin ngày cưới. Ngược lại vì một lí do nào đó chưa tổ chức được lễ cưới, thì trong thời gian chờ cưới, hàng tháng nhà trai phải đến thăm nhà gái một lần. Và theo lễ tục thì trong những ngày này chính cô dâu là người vất vả nhất, vì phải chuẩn bị gối, chăn, đệm… đủ cho cha mẹ, anh em và cả ông bà mối. Khi tổ chức lễ cưới, nhà trai phải đến tại nhà gái trước ít nhất một ngày, để làm thủ tục nạp tài. 


Lễ vật nạp tài bao gồm các khoản đó được thoả thuận từ trước, thường là: Hai chum rượu cần, một con lợn đen khoảng 30-40 kg, hai cái áo hoặc vải đủ may đôi áo đó, ba chiếc vũng bạc, để trao cho cô dâu hai vũng, cũn một vũng để trả công ơn nuôi dưỡng của mẹ cô dâu. Nhà trai mang lợn đến phải tự tay làm thịt, đêm đó nhà trai được nghỉ lại nơi họ nhà gái, đêm ấy cả hai họ ngồi uống rượu và hát đối đáp nhau bằng các làn điệu nhuôn, xuôi, lăm, khắp… rất ấm cúng. Tục người Thái tổ chức đưa dâu vào ban đêm, cô dâu phải về đến nhà chồng trước lúc trời sáng, họ giải thích rằng như vậy để không nhìn thấy nước mắt của mẹ, con khi phải cất bước theo chồng. 


Khi cô dâu về đến cầu thang, được bố trí cho rửa chân trước khi bước lên sàn nhà. Khi đôi trẻ vào buồng cưới xong, nhà trai mở tiệc mừng dâu. Tất cả anh em, bà con thân thích nội ngoại sẽ mừng cho con, cháu dâu mới và không ngớt lới chúc cho đôi trẻ hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc, răng long cũng không được rời nhau. Khi con gái đó có chồng rồi thì phải bài túc, không bao giờ được thả tóc nữa. Đây là điều phân biệt giữa các cô gái đã có chồng với các cô chưa có chồng! Luật tục đồng bào Thái quy định vợ chồng không được bỏ nhau. 


Khi chẳng may ai đó bị chết, thì chồng hoặc vợ, nếu đi bước nữa phải coi con riêng của vợ, hay chồng như con đẻ của mình, không được phân biệt đối xử tệ bạc. Phong tục người Thái rất tôn trọng cha mẹ vợ và cha mẹ mối, hàng năm khi tết đến, vợ chồng phải có lễ đi tết ông bà mối. Khi có chuyện gỡ mắc mớ trong vợ chồng, hay hai gia đình, ông bà mối đứng ra làm trung tâm giải quyết ổn thoả.


Độc đáo tục cưới hai lần của người Thái

Bao đời nay, người Thái ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) tồn tại một tục cưới độc đáo, đó là tục cưới hai lần. Lần đầu cưới, chú rể phải ở lại nhà cô dâu để kiếm tiền làm đám cưới lần hai to hơn, sau đó mới được đón cô dâu về nhà.

Tục lệ cưới lần thứ hai của người Thái mới là quan trọng nhất trong cuộc đời họ và chú rể cô dâu được mặc trang phục tùy thích.

Ở các huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa như: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, phong tục độc đáo này vẫn còn lưu giữ ở người Thái, thế nhưng thể hiện rõ nhất là mảnh đất Quan Hóa. Nơi này người dân tộc Thái chiếm hầu hết dân số với nhiều phong tục độc đáo, thú vị trong đó có tục cưới hai lần.

Theo người dân, tục cưới hai lần trở thành một phong tục tập quán của người Thái tại đây. Cứ đời này sang đời khác, họ đều làm theo những phong tục, lâu dần trở thành bản sắc văn hóa mà không ai có thể phá vỡ.

Theo một số già làng, ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn, các cụ cưới lần đầu xong sau đó cả chục năm mới làm đám cưới lại. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì việc cưới hai lần vẫn phải được thực hiện. Tục lệ này nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đó là khi lễ cưới lần thứ hai diễn ra là khi người đàn ông chứng tỏ được vai trò, khả năng lao động của mình có thể nuôi được vợ con. Người đàn ông chứng tỏ được rằng họ có thể làm trụ cột trong gia đình, khi đó nhà gái mới yên tâm để giao con gái mình cho người đàn ông đó”.

Tục cưới lần đầu của người Thái chỉ là làm cho có lệ rồi hai người đưa nhau về ở tại nhà gái, cho đến khi nào chú rể kiếm được nhiều tiền có thể mua đồ kỷ vật cho cô dâu và những sính lễ mà nhà gái thách cưới thì mới được đón cô dâu về. Trong lễ cưới lần đầu, cô dâu và chú rể phải mặc trang phục truyền thống, đồ lễ mà bên nhà trai mang sang chỉ là vài chai rượu, thuốc lá và trầu cau. Sau đó, gia đình nhà trai nói chuyện với bố mẹ bên nhà gái về việc nhận con gái họ làm con dâu. Kết thúc tiệc cưới đầu tiên là chú rể và cô dâu cùng một số họ hàng hai bên ngồi quây quần uống rượu cần, hút thuốc nói chuyện.

Lễ cưới lần thứ hai có thể cách vài tháng, một năm hay có những trường hợp cả chục năm, khi họ có con cái khôn lớn mới có thể cưới lần thứ hai, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Lần này, chú rể phải sắm cho cô dâu một bộ váy áo, vòng cổ, vòng tay, một số đồ trang sức khác. Ngoài ra còn phải sắm đầy đủ những lễ vật mà nhà gái đòi hỏi như trâu, bò hay lợn gà, rượu… Còn nhà gái thì chuẩn bị một con lợn để đón tiếp họ hàng nhà trai. Sau khi chuẩn bị đầy đủ, chu tất thì bắt đầu thống nhất ngày, giờ cưới. Trong lễ cưới lần này, cô dâu và chú rể được tùy chọn trang phục, không nhất thiết phải mặc trang phục truyền thống. Tất nhiên, đám cưới ở đây không chỉ độc đáo ở chuyện cưới hai lần mà còn vô số những nghi lễ khác rất lạ, nhưng cực kỳ độc đáo và nó lý giải vì sao đám cưới lần thứ hai đối với họ là một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa hơn bất cứ sự kiện nào trong đời.

Trong đám cưới, người ta còn hát đối đáp giao duyên, làm lễ trừ tà, cúng ma nhà, mời trầu, hay qua cầu không phải rải tiền lẻ như tục của người Kinh… Đặc biệt, quan trọng nhất là tục rửa chân cho cô dâu khi bước vào nhà chồng. Người Thái thường cư trú trên các nhà sàn vì thế khi cô dâu chuẩn bị về nhà chồng thì đã có sẵn một chậu nước đặt ngay ở chân cầu thang. Người làm nhiệm vụ rửa chân cho cô dâu là mẹ chồng.

Theo quan niệm của người Thái, việc mẹ chồng rửa chân cho cô dâu là muốn cô dâu gột sạch những bụi trần trước đây, cô dâu bước vào ngôi nhà mới với sự thánh thiện, từ nay trở về sau sống một cuộc sống mới bên nhà chồng, chăm lo làm ăn, hướng đến một gia đình hạnh phúc.


Tục cưới hỏi của người Thái - Sơn La

Những gì được coi là văn hoá truyền thống, nó đều có sự biến đổi theo thời gian và không gian. Qua sự biến đổi ấy nó đã tự gạn đục khơi trong để có giá trị văn hoá đích thực phù hợp với thời đại mà con người đang sống, làm ra nó, hưởng thụ nó và tôn vinh để nó trường tồn, bất diệt. Tục cưới hỏi của một số tộc người cũng vậy, không có một hương ước hay quy ước hay một văn bản nào quy định hay thay đổi một cách nhanh chóng được tục lệ cưới hỏi của họ vì nó đã in sâu thành nền nếp bao đời. Chỉ qua một quá trình đi lên của xã hội, những tục lệ không còn phù hợp đời sống văn hoá tinh thần mới. Tục cưới hỏi, lấy vợ của người Thái - Sơn La là một minh chứng.

           Tuy niên mỗi dòng họ, mỗi vùng miền có đôi chỗ hoặc tên gọi khác nhau. Xưa kia con trai, con gái trưởng thành, nếu con trai muốn lấy vợ thì họ phải chăm lao động, đặc biệt là đan lát, sau là học thổi khèn bè, thổi sao nói được tình yêu với cô gái… Người con gái muốn có chồng, ngoài nết na phải học được thêu thùa khăn Piêu, dệt vải khuýt và luyện cái tai tinh tường để “nghe tình yêu qua khèn bè”; đâu là tiếng khèn bạn tình, đâu là tiếng khèn họ đang trèo cầu thang lên nhà, đâu là tiếng khèn gọi mình ra ngồi đầu sàn nói chuyện cùng họ đêm ttrăng; đâu là tiếng khèn tình không lành mạnh… Khi đôi nam nữ đã nhờ phần lớn là tiếng khèn, ánh mắt nói thay lời yêu thương, khi muốn lấy cô gái làm vợ, người con trai nhờ mẹ đẻ và một vài bà trong họ đến nhà cô gái làm một vài thủ tục gọi là Lòng Luông.

          Lòng Luông: là mấy bà chưa mang lễ vật, chỉ đến nhà cô gái xin cho con trai mình được đi về (mà ngày nay gọi là xin đi lại) để tìm hiểu. Sau một thời gian, họ nhà trai tổ chức một đòn có lễ vật: gà, lợn, rượu, gạo… đến nhà cô gái, đoàn này do một ông mối (làm) dẫn đầu và giao tiếp gọi là pay đu, có dòng họ gộp hai giai đoạn này làm một gọi là Lòng luông đu châu.

          Pay đu: Nội dung mời bên ngoại (họ của mẹ cô gái) về xin ý kiến, xin cho đôi nam nữ có điều kiện tìm hiểu. Sau một thời gian từ 3-4 tháng, gia đình và họ nhà gái chỉ nhận lời cho gần gũi, chứ chưa nhận lời cho lấy nhau.  Tiếp đó là thủ tục mới gọi là To pác.

          To Pác: cũng là một đoàn nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm cỗ mời hai họ (thực chất là 4 họ). Sau đó họ nhà gái công khai hỏi đôi nam nữ về nguyện vọng xây dựng gia đình. Giai đoạn trên họ nhà gái bàn bạc đi đến nhất trí cho lấy hay không, nên gọi là To Pác (đo và đánh dấu). Sau To Pác là Khưới quản. Có vùng gọi giai đoạn này là: Ôm sáo (chứng minh cho cô gái tìm hiểu về mình).

          Khưới quản: Người con trai đến ở nhà cô gái, được cùng ăn, làm vệc nhưng ngủ một chỗ riêng gần sàn quản, gọi là khưới quản. Giai đoạn này khoảng 1 năm cô gái vẫn có quyền tiếp bạn trai khác. Tuyệt đối người khưới quản không được lén lút ngủ với cô gái, nếu có (nhất là chửa) sẽ bị phạt rất nặng. Sau một năm, nhà trai làm thủ tục gọi là Xông Phắc phá.

          Xông Phắc Phá (đem bao dao cho chú rể): nhà trai làm một bao dao mới (có cả dao) đem theo lễ vật: lợn, gà, cá nướng, thịt chua, gạo, rượu làm cỗ mời nhà gái ăn, từ 10 giờ sáng đến tận tối (gọi là công ơn). Trong bữa cơm công ơn này có Khoóng Phác nói (gửi nhỏ), Khoóng Phác luống (gửi lớn). Đây là một hình thức gửi rể cho nhà gái, họ có lời chúc, lời khuyên đôi trai gái sắp thành vợ chồng, lời khuyện răn là những câu ca dao, tục ngữ, gọi chung là lời nói có vần (dài từ 20-30 câu) chẳng hạn như:

          Chớ nghe lời con gà mà bỏ vườn.

Chớ nghe lời xúi dục mà bỏ anh em.

          Chớ nghe lời ham muốn dại mà mất cuả.

 Bằng lòng nhau thành thơm, không ưa thành thối.

 Không nên người ăn người ngửi mùi.

Trai khôn nhà không bằng người đi xa….

          Cứ thế người ta dạy cô dâu, chú rể bằng văn vần và kết hợp cho một số tiền nhỏ làm vốn, đạt vào một cái đĩa, gọi là Phan khẩu xó (Bàn cơm xin). Ở đây là xin phúc, xin lời răn dạy, xin nhận họ hàng. Ở nghi lễ này đôi nam nữ được chấp nhận là vợ chồng. Họ được dọn nhà mình, (biểu hiện bằng sự mừng vui được đón cô dâu về nhà chồng), một đoàn trai tráng khiêng gánh chăn, đệm và các vật phẩm họ nhà gái tặng như dụng cụ nhà bếp bát, chậu, nồi xoong về đến nhà chồng người ta làm lễ tổ tiên cho co dâu nhập gia. Nhà trai lại tổ chức một bữa cỗ đông vui chào hai họ và bè bạn. Sau đó là tục mời uống rượu cần, nhà trai có một đoàn từ 5-6 người biết cách sắp xếp ngôi thứ hai họ, giỏi mời chào cầm tay vào chum rượu uống theo đôi một hoặc 4 đến 5 đôi, lời hát răn dạy lại cất lên:

          …Có chồng phải ủ rượu ngọt đắng

          Nặng nhọc giúp nhau làm.

ốm đau giúp nhau thuốc

Được ăn không quên đũa

Được ở không quên ơn cha mẹ…

          Cổ xưa phần này dược coi trọng phần trả ơn cha mẹ, công ơn người làm mối, và cha mẹ cô gái chia tài sản cho đôi vợ chồng, tiếp theo là lời hát chào, mừng hai họ và đôi vợ chồng mới. Tiếp nữa là hình hành vòng xoè giao kết hai họ và nam thanh nữ tú của hai họ. Cuộc xoè mú kéo dài đến tận đêm khuya, vừa xoè múa vừa ống rượu cần.

          Ngày nay do thực tế đời sống người con trai không thể ở rể như trước bởi họ là cán bộ công nhân viên chức, làm nghĩa vụ quân sự… hoặc do phong trào giãn hộ tách bản để làm kinh tế theo hộ gia đình, nên việc ở rể tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, có khi chỉ là một, hai tháng, một hai tuần và việc cưới xin chỉ thực hiện 1 lần, sau khi đôi nam nữ tìm hiểu đi đến hôn nhân, đoàn nhà trai có một doàn gồm đủ thành phần đủ cả họ bố, mẹ đến xin và hẹn ngày làm đăng ký kết hôn và làm lễ Tằng cẩu thực hiện ngay tại ủy ban Nhân dân xã, đôi vợ chồng trẻ được nghe một đoạn về luật hôn nhân, gia đình… Chú rể chỉ đến nhà vợ ở một tháng hay một tuần người ta tổ chức lễ cưới đón cô dâu về nhà chồng, nghi lễ cũng ngắn gọn hơn, những hình thức vẫn là nhà trai đem đến vật phẩm tặng nhà gái. Việc cúng lễ tổ tiên chấp nhận cô dâu mới ngắn gọn, việc ăn uống tuy đông đúc nhưng không xa hoa lãng phí mà mang một nét ẩm thực độc đáo, một tục lễ uống rượu cần và rượu chai hết sức văn hoá, tuy có say nhưng người ta chỉ hát xèo, múa, thể hiện sự mừng vui, thắt chặt tình làng xóm, họ tộc, không say làm điều sai quấy. Đặc trưng nhất là tục uống rượu cần, chỉ có họ nhà trai đi mời chào họ nhà gái, họ nhà gái ít từ chối và uống theo một tục lệ nhất định nhằm tăng cuộc vui, sau đó là xèo múa vòng, người ta tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn, xoá bỏ đi mọi va chạm của cuộc sống, nắm tay nhau vào vòng xoè vui bất tận.

          Qua việc biến cải về tục cưới xin của người Thái ta thấy: việc cưới hỏi không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất và làm cho trai gái thành vợ thành chồng gắn bó sinh sống, nối dõi tông đường, mà nó còn nhằm vào một mục dích cao cả nữa là giúp cho đôi vợ chồng ấy có đủ cơ sở vững chắc đủ bản lĩnh và thói quen, kinh nghiệm sản xuất, văn hoá ứng xử chọn vẹn đạo lý làm người, mà sống suốt đời hạnh phúc góp phần xây dựng cho họ tộc và cộng đồng những giá trị tập quán văn hoá. Đồng thời cũng thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm của cha, mẹ họ tộc trước hôn nhân của thế hệ trẻ, mà không hề mất đi tính tự do trường tồn cho đế tận ngày nay, những cải biến chỉ là để phù hợp với thời đại chứ không mang tính thị trường, thương mại, lai căng làm giảm giá trị nhân văn của họ. Cưới hỏi của người Thái được xem như một lễ hội rõ rệt. Lễ hội của tình yêu, hạnh phúc./.



Đặt giường cưới theo phong thủy
Các nghi lễ cưới truyền thống
Phong tục cưới hỏi của dân tộc Khomer Nam Bộ
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc
Đặc trưng của văn hóa Việt Nam
Tục thách cưới hay dở ra sao?


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Lễ ăn hỏi của cn trai người kinh lấy con gái Thái ở Quan Sơn Thanh Hóa cần nhũng thủ tục gì?
hơn 1 tháng trước - Thích (4) - Trả lời
Tùy vào bạn làm theo phong tục của người Kinh hay người Thái
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý