Cùng với các dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu là một trong ba dân tộc nói ngôn ngữ Hoa ở nước ta. Theo số liệu thống kê, dân tộc Sán Dìu có trên 126.000 nhân khẩu, đứng hàng thứ 17 trong các dân tộc thiểu số ở nước ta. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu vài nét về nghi lễ cưới xin truyền thống của dân tộc Sán Dìu.
Thủ tục trước lễ cưới
Theo phong tục, trước khi tiến hành lễ cưới, hai bên gia đình phải tiến hành nhiều công việc khác nhau. Đầu tiên là nhà trai cử ông mối (moi nhin) xin lá số (lôổng nén sang) của cô gái về so tuổi chàng trai, xem có hợp nhau không. Sau đó ông mối và bạn bè đưa chàng trai mang trầu, rượu... đến nhà gái để nhà gái xem mặt chàng rể tương lai, sau đó mới tiến hành bước thứ ba là lễ ăn hỏi (hỵ mưn ngén cạ). Khi hai nhà đã nhất trí với nhau về lễ vật thách cưới, nhà trai nhờ ông mối và một bé trai (tạm lóng man) khoảng 13-14 tuổi mang tiền, hoa tai, trầu rượu... đến nhà gái và đặt lên bàn thờ, thắp hương để báo về việc nhà trai sắm sửa lễ sang bạc (hỵ cộ nghén).
Khoảng hai tháng sau lễ sang bạc, nhà trai chọn ngày tốt để tổ chức lễ gánh gà (tam cay bạo nhít). Đoàn gánh gà gồm có ông mối, quan lang trưởng, hai người gánh gà, một người gánh cau, quan lang út đeo túi cho ông mối. Lễ vật là số gà, cau quả nhà gái thách cưới và hai con gà, ba đấu gạo nếp, rượu, trầu cau... quan lang trưởng đưa nhà gái đặt lên bàn thờ. Trong buổi lễ này, hai bên quyết định chi tiết mọi vấn đề liên quan đến lễ cưới.
Lễ cưới
Lễ cưới (sênh ca chíu) diễn ra trong 5 ngày với rất nhiều nghi thức khác nhau.
Ngày thứ nhất
Vào giờ "xuất giá", cô dâu bước qua ngưỡng cửa, anh trai ruột hoặc anh trai họ cõng cô dâu trên lưng đi ba bước ra khỏi giọt gianh mái nhà thì đặt xuống, cùng lúc đó quan lang trưởng xòe ô che đầu cô dâu qua giọt gianh rồi cụp lại với ý thu linh hồn cô dâu mang về.
Theo phong tục thì đoàn đưa dâu thường không có chú rể, chỉ có đại diện nhà gái và nhà trai. Sang đến nhà trai, nếu trời chưa tối phải đợi tối hẳn mới được vào, vì đồng bào quan niệm vào nhà chồng lúc mặt trời lặn sẽ tránh được rủi ro trong cuộc sống. Cô dâu vào nhà, được dẫn thẳng đến buồng cưới, chú rể nhanh tay cướp chiếc khăn trên đầu luồn qua háng rồi cất đi với ý từ đây vợ phải nghe chồng. Chiều tối hôm đó, nhà trai mời đoàn đưa dâu ăn tiệc cưới, sau đó thanh niên nam nữ bạn bè chú rể, cô dâu hát sọng ca đến sáng hôm sau.
Ngày thứ hai, ba
Cô dâu về nhà chồng làm quen các công việc trong nhà, những người thân trong gia đình mới.
Ngày thứ tư
Ngày cô dâu nhận họ hàng. Mẹ chồng sẽ tặng cô một chiếc vòng bạc để sau làm vốn hoặc có cái đánh gió cho con.
Ngày thứ năm
Khi trời chưa sáng hẳn cô dâu dậy đun nước, pha trà vào bộ ấm chén mới để mời ông bà, cha mẹ, anh chồng... và bưng chậu nước kèm theo chiếc khăn mới để người thân bên chồng rửa mặt. Người được nhận nước rửa mặt, sau khi rửa xong thả vào chậu một ít tiền để chúc phúc.
Buổi sáng hôm đó, nhà trai đồng thời tổ chức cho cô dâu lễ lại mặt tại nhà gái. Đoàn đi lễ lại mặt gồm mẹ chồng, cô dì, chị gái chồng cùng cô dâu mang gà sống thiến, chân giò, bánh chưng đến nhà gái. Nhà gái sắp lễ cúng gia tiên, mời họ hàng thân thiết đến ăn cơm. Cô dâu được bố mẹ đẻ dặn dò thêm một số tục lệ khi mới về nhà chồng, hai bên thông gia rút kinh nghiệm trong việc tổ chức cưới xin, đồng thời nhà gái giao trách nhiệm cho nhà trai dạy bảo thêm con gái mình.
Cưới hỏi truyền thống của người Sán Dìu
Người Sán Dìu thường tổ chức lễ cưới vào tháng 10 âm lịch hàng năm với tục cưới hỏi mang đặc trưng sắc thái văn hoá cộng đồng sâu sắc.
|
Chuẩn bị cho lễ cưới của người Sán Dìu |
Khi chọn được cô gái ưng ý, chàng trai về xin phép gia đình đến nhờ ông mối mang lễ sang nhà gái xin lá số (lôổng nén sang). Việc xin lá số của người Sán Dìu độc đáo ở chỗ nếu nhà gái có hai người con gái đến tuổi lấy chồng thì ông mối sẽ xin lá số của cả hai người về so, ai hợp thì hỏi người đó: nếu cả hai cùng hợp thì nhà trai sẽ tìm hiểu tính nết, cách ăn ở của cô gái để chọn một người.
Khi so tuổi cô gái và chàng trai thấy hợp nhau, nhà trai đưa lễ nhỏ (nải chuối, trầu cau, chè, thuốc) nhờ ông mối sang báo và chính thức hỏi ý kiến nhà gái và cô gái về cuộc hôn nhân. Được sự đồng ý của nhà gái, nhà trai chuẩn bị rượu, từ 4 đến 6 con gà và gạo nếp để tiến hành lễ ăn hỏi (bạo nhít). Đại diện nhà trai có ông mối và hai thanh niên (là anh em họ hàng hoặc bạn của chú rể) mang lễ sang nhà gái. Trong lễ ăn hỏi, nhà trai thông báo ngày cưới và giờ đón dâu, nhà gái thông báo đồ thách cưới. Đồng bào Sán Dìu cho rằng đồ thách cưới thể hiện giá trị của cô gái, do đó đồ thách cưới thường khá cao. Trong lễ cưới truyền thống của người Sán Dìu xưa, đồ thách cưới thường gồm: 60kg lợn móc, 40-60 lít rượu, gạo, chăn màn, hòm, 4 bộ quần áo cho cô dâu, một đôi hoa tai bằng vàng nặng 2 đồng cân và một số tiền mặt tương ứng với một con trâu. Sau lễ ăn hỏi, hai bên gia đình đã chính thức coi nhau là thông gia.
Lễ cưới (sênh ca chíu) của người Sán Dìu thường diễn ra trong vòng 3 ngày. Khi hai nhà bắt đầu dựng rạp (thường vào buổi chiều) cũng là lúc đoàn nhà trai mang đồ thách cưới sang nhà gái. Theo phong tục, đoàn mang lễ sẽ ngủ lại nhà gái một đêm và đây cũng là đoàn đón dâu vào chiều hôm sau. Tất cả đồ lễ đều được dán giấy đỏ, đồng bào cho rằng màu đỏ là màu của hạnh phúc, niềm vui và sự đủ đầy.
Khi nhà trai mang lễ đến, nhà gái đặt một cành tre uốn cong có dán giấy đỏ trước cửa nhà. Nhà trai muốn vào nhà phải hát đối với nhà gái, đối được nhà gái mới cho vào. Cuộc hát vừa để thử tài ứng đối của nhà trai, vừa tạo bầu không khí vui tươi cho đám cưới.
Ngày hôm sau, nhà trai xin đón dâu. Cô dâu (thzin nhoóng) đầu trùm khăn che kín mặt, mặc áo váy nâu, vấn khăn. Ra khỏi nhà gái, gặp trẻ con chăng dây nhà trai phải hát hoặc cho tiền mới được qua. Khi đoàn đưa dâu về đến nhà trai, chú rể (thzin nhoóng cổông) đưa cô dâu đến lễ tổ tiên trước bàn thờ. Sau đó, cô dâu được đưa vào buồng cưới. Dưới chiếu trải giường cưới, bố mẹ chồng cũng để tiền cho đôi vợ chồng mới. Cô dâu được giữ số tiền này, để trong ngày làm dâu đầu tiên, trước khi làm bất cứ việc gì, như rửa bát, nấu cơm, gánh nước… thì phải bỏ tiền xuống chậu rửa, hồ, ao, suối... Theo quan niệm của đồng bào thì đây là một nghi lễ trình báo với thần làng, thổ công, thổ địa của nhà trai và xin được nhập vào cộng đồng mới.
Ngày thứ ba của đám cưới, nhà trai tổ chức ăn mừng lớn. Trong đám cưới có bà con họ hàng bạn bè gần xa và thôn bản đến dự. Sau đó, nhà trai chuẩn bị bánh chưng, chân giò lợn và cử chị gái chú rể hoặc nhờ bác ruột chú rể đưa cô dâu về nhà bố mẹ đẻ. Lễ này đồng bào gọi là chọn tháp cóc chéc (lễ lại mặt). Sau lễ lại mặt, cô dâu chú rể mới được động phòng.
Nét đẹp văn hoá của người Sán Dìu Quảng Ninh
Người Sán Dìu ở Quảng Ninh có kho tàng văn nghệ dân gian độc đáo. Tuy nhiên, do những biến cố của lịch sử đến nay, các phong tục, tập quán, nghi lễ gần như bị mai một hoặc thất truyền. Hiện duy chỉ có tiếng nói là còn được duy trì và lối hát soọng cô luôn được những người cao niên nơi đây gìn giữ và bảo tồn như chính cuộc sống của họ.
Người Sán Dìu di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam khoảng trên 300 năm nay. Nơi đầu tiên họ đặt chân đến là Quảng Ninh. Từ đó, dần dần họ di chuyển vào các tỉnh trung du, miền núi, những khu vực bán sơn địa như Bắc Giang, Vĩnh phúc, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang... Người Sán Dìu ở Quảng Ninh sống tập trung ở một số địa phương như: Vân Đồn, Cẩm Phả và sống xen kẽ với các dân tộc khác ở các huyện: Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà… Đến nay, số dân người Sán Dìu trên địa bàn tỉnh có khoảng 18.000 người, chiếm gần 1,53% dân số toàn tỉnh.
|
Hát soọng cô trong đám cưới được phục dựng lại từ năm 2008. |
Soọng cô phát âm theo tiếng Hán nghĩa là xướng ca, tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát. Soọng cô được lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Sán Dìu ở Quảng Ninh. Soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, gần giống như các làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng và sình ca của người Cao Lan. Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể “thất ngôn tứ tuyệt”, ghi chép bằng chữ Hán và lưu truyền trong dân gian. Từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác, người Sán Dìu đã hát soọng cô. Họ say mê hát bởi soọng cô bắt nguồn từ cuộc sống bình dị, chất phác, nói lên tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động.
Ngày hội đầu xuân, ngày tết, ngày cưới là dịp trai gái Sán Dìu tổ chức soọng cô. Trai làng này đến hát với gái làng kia và ngược lại, mỗi tốp dăm bảy người, có khi tới mươi người. Gia đình nào được trai gái tổ chức hát tại nhà mình thì coi đây là một vinh hạnh nên tiếp đón niềm nở và hào phóng. Ngày mấy bữa ăn thịnh soạn, đêm đến lại thêm bữa “cơm tạo” (sệch cộ cang), chủ nhân mới yên lòng. Thông thường, trai gái hát thâu đêm đến sáng, ngày nghỉ, đêm lại hát, càng hát càng say, có khi kéo dài hàng tuần. Trong khi trai gái trao đi đổi lại những tiếng hát tâm tình thì mọi người kéo nhau tới dự cũng mê say chẳng kém người trong hội. Đối với người già, đây còn là dịp sống lại những kỷ niệm đẹp của buổi thiếu thời. Với tuổi trẻ là chia sẻ niềm vui với những người trong cuộc…
Đến ngày chia tay, họ lưu luyến chẳng nỡ rời nhau, có khi ra tới cổng làng, chủ nhà lại ra mời về hát tiếp. Ngoài ngày hội, ngày tết, nhiều khi trai gái cũng tổ chức hát soọng cô vào các buổi chợ phiên, trai gái tụm năm, tụm ba hát với nhau, trước là để làm quen sau thổ lộ tình yêu. Ngoài hát đối đáp của nam nữ, người Sán Dìu còn có hát đám cưới (sênh ca chíu cô). Mỗi khi có đám cưới, nhà trai nhất thiết phải lựa chọn cho được một người đại diện gọi là “quan lang đầu” (tạm long thoi). Quan lang phải là người có tài ăn nói, hiểu biết rộng, ứng khẩu nhanh và phải thuộc một số bài hát đám cưới. Trong lễ cưới sẽ diễn ra những cuộc đối xướng hết sức sôi nổi nhưng lịch thiệp giữa đại diện nhà trai và đại diện nhà gái. Lời ca đám cưới rất văn hoa, bóng bẩy, ví von tế nhị để mời chào mọi người tới dự; giới thiệu của hồi môn, chúc mừng cô dâu, chú rể. Lời hát đám cưới cũng rất dồi dào và mỗi vùng, địa phương lại có màu sắc riêng.
Ngoài ra, trong phong tục của người Sán Dìu còn có hát khấn thần linh (sọng cong hay sọng chịu) lối hát khấn này do các thầy cúng (say hu) diễn xướng sọng cong, sọng chịu mang màu sắc huyền bí. Hay hát Kẹo thạn - lối hát khóc trong đám ma. Kẹo thạn là lời chia ly với người thân, là lời than tiếc thương của người sống với kẻ xấu số...
Hiện tại soọng cô của người Sán Dìu đã phần nào bị mai một, lối hát chỉ còn lại trong những câu chuyện của người già. Còn nam nữ thanh niên dường như không còn biết hát soọng cô. Trong những đêm hội, đám cưới, hát soọng cô được thay thế dần bằng những bài hát mới. Vì vậy, năm 2008, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã triển khai nghiên cứu Đề tài “Sưu tầm, nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân gian cổ truyền của người Sán Dìu ở tỉnh Quảng Ninh”, trong đó có phục dựng lại tục hát soọng cô. Tuy nhiên, đề tài chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng mà chưa có phần phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Thiết nghĩ, để soọng cô thực sự sống lại, đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng ngành văn hoá, thể thao và du lịch cần có chương trình, kế hoạch sưu tầm, bảo tồn phát huy vốn văn hoá cổ. Mỗi xã, mỗi vùng cần đầu tư, xây dựng nhà văn hoá dân tộc, tập hợp đội ngũ nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ dân gian, nhằm bồi dưỡng khuyến khích họ sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ trẻ kế tục, phát triển vốn văn nghệ dân gian quý giá của từng dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh.
Theo kết quả điều tra dân số năm 2009, người Sán Dìu ở Quảng Ninh có gần 21.000 người, cư trú ở 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện. Trong đó, nhiều nhất là Vân Đồn (hơn 6.000), kế đến là Cẩm Phả (hơn 5.600), Hoành Bồ (khoảng 4.000), Tiên Yên (gần 2.000)...
Trong những lần đi điền dã, lấy tư liệu viết bài, đặc biệt là dịp Sở VH,TT&DL triển khai đề tài khoa học bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân gian của người Sán Dìu (tháng 11-2008), tái hiện tục hát Soọng cô trong đám cưới của người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), tiếp xúc, tìm hiểu từ những người cao tuổi trong thôn, xã; các nhà nghiên cứu về dân tộc học của Trung ương mà tôi có dịp hiểu hơn về hôn nhân truyền thống của người Sán Dìu trước đây.
Xã Bình Dân là nơi người Sán Dìu cư trú từ lâu đời và tập trung nhất của huyện Vân Đồn. Toàn xã có khoảng 1.300 nhân khẩu thì có tới trên 90% là người Sán Dìu. Những người già trong làng kể rằng, hôn nhân của người Sán Dìu, theo phong tục truyền thống xưa thì việc cưới hỏi chủ yếu do nhà trai chủ động. Nhà có con trai lớn, đến tuổi dựng vợ thì nhờ anh em, bạn bè xem có cô gái nào như ý thì giới thiệu cho. Theo nghi thức truyền thống, việc cưới xin của người Sán Dìu phải tiến hành đủ các bước: Lễ dạm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt.
Trong lễ dạm hỏi (người Kinh gọi là lễ dạm ngõ), chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối mang lễ vật sang nhà gái để ngỏ lời. Lễ vật gồm chục quả cau, vài lá trầu, một chai rượu và ít bánh kẹo. Sau lời ngỏ của ông mối, nhà gái sẽ trao lá số của con gái mình gồm ngày sinh, tháng đẻ, tên cho người mối mang về.
|
|
Tái hiện tục hát đố trong đám cưới (ảnh lớn) và lễ khai hoa tửu (ảnh nhỏ) trong hôn nhân xưa của người Sán Dìu ở xã Bình Dân, Vân Đồn, tháng 12-2008. |
Lựa ngày tốt, ông mối mang lá số của cô gái nhờ thầy cúng xem với tuổi chàng trai có hợp nhau không. Thông thường, hai gia đình tôn trọng ý kiến của thầy cúng. Nếu hợp, ông mối sẽ báo lại cho nhà gái việc xem lá số đã thành công. Ông mối cũng thông báo cho nhà trai biết để chuẩn bị lễ ăn hỏi.
Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ so tuổi khoảng 1-3 tháng. Thông thường, lễ vật thách cưới gồm: Tiền mặt, thịt lợn, rượu, quần áo cô dâu, chăn, màn, vòng tay, gà. Số tiền và lễ vật sẽ do ông mối bàn bạc với đại diện nhà gái.
Trước lễ cưới khoảng 1 tháng là lễ dứt lời. Ông mối đưa sang nhà gái một nửa số tiền dẫn cưới, nửa còn lại sẽ đưa vào lễ cưới chính thức. Nhà trai nhờ thầy cúng chọn ngày tốt để đón dâu, xin cưới. Người Sán Dìu kiêng các ngày mồng 4, 8, 12, 20, 25 vì đây là những ngày trực xung với ông bà nội, ngoại. Trường hợp bắt buộc phải tổ chức vào ngày đó thì ông bà không đến dự để tránh hạn. Sau khi thông báo ngày cưới cho nhà gái xong, nhà trai mới được đi mời và chuẩn bị mọi công việc cho đám cưới.
Người Sán Dìu thường tổ chức lễ cưới vào tháng 10 âm lịch hàng năm. Khi hai nhà dựng rạp cũng là lúc nhà trai đem nốt số lễ vật đã ghi trong hôn thư sang nhà gái. Trong đoàn đi đón dâu, ông trưởng đoàn đại diện họ nhà trai (gọi là quan lang trưởng) phải là người giỏi ăn nói, đối đáp. Các lễ vật đều được dán giấy đỏ, tượng trưng cho màu của hạnh phúc.
Khi đoàn nhà trai tới cổng nhà gái, nhà gái cử người khiêng bàn ra, đặt trên đó đèn, ấm chén, trầu cau cùng cành tre dán giấy đỏ chắn ở cổng hát đố nhà trai. Đại diện nhà gái hát soọng cô, nhà trai phải đối lại mới được vào nhà, nếu không đối được sẽ phải nộp phạt một ít tiền và trầu cau. Sau cuộc hát đối đáp gay cấn mà vui vẻ, nhà gái sẽ dọn bàn ghế để nhà trai vào nhà. Vào nhà, ông trưởng đoàn sẽ làm lễ trình báo với tổ tiên nhà gái và xin phép nhà gái cử người ra nhận lễ vật. Nhà gái nhận rồi mời mọi người dự cơm tối.
Sau bữa cơm tối là lễ Khai hoa tửu là một trong những lễ không thể thiếu trong đám cưới của người Sán Dìu. Lễ vật do nhà trai chuẩn bị trước, gồm 2 quả trứng luộc, hai sợi chỉ đỏ xuyên qua quả trứng và mỗi bên buộc 2 đồng xu. Trứng đặt vào đĩa, có lót giấy đỏ, bên cạnh hũ rượu mở sẵn. Sau khi cúng tổ tiên, đại diện nhà gái ra câu đối để đại diện nhà trai đối lại. Sau cùng, hai quả trứng được bóc vỏ, lấy lòng đỏ hoà vào rượu để mọi người cùng uống, người cao tuổi uống trước, người trẻ uống sau. Mọi người cùng hát soọng cô chúc mừng cô dâu chú rể hạnh phúc. Mọi người ở lại bên nhà gái để hôm sau đưa cô dâu về nhà chồng.
Ngày hôm sau, đến giờ xuất phát, cô dâu bước ra khỏi ngưỡng cửa được anh trai ruột cõng ra khỏi giọt tranh 3 bước thì đặt xuống. Cô dâu được phủ miếng vải đỏ lên đầu, đi từng bước nặng nề, tỏ vẻ quyến luyến cha mẹ. Trên đường về, nếu có suối thì chú rể phải cõng cô dâu. Qua mỗi con suối hay rãnh nước, cô dâu phải thả xuống mấy đồng tiền lẻ để cầu may mắn. Đến gần nhà chồng, trời mà chưa tối, đoàn phải dừng lại cổng làng, chờ xẩm tối, nhà trai đem trầu nước ra mời vào nhà. Nhà trai tổ chức cỗ ăn mừng cô dâu mới. Cô dâu làm thủ tục nhận mặt họ hàng. Suốt đêm, trai gái đua nhau hát mừng cô dâu, chú rể hạnh phúc cho tới sáng…
Ngày nay, lễ cưới xin của người Sán Dìu đã giản tiện hơn. Một số yếu tố như hát đố, lễ khai hoa tửu, tục cõng cô dâu… đã không còn. Cái sự đổi thay “được”, “mất” đó diễn ra không chỉ với riêng người Sán Dìu mà còn với cả nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.
Tục cưới hỏi của người sán dìu ở vi sơn đông sơn yên thế, bắc giang
NÉT ĐẸP TỤC CƯỚI HỎI CỦA NGƯỜI SÁN DÌU Ở VI SƠN
Vi Sơn là một trong 15 thôn, bản của xã miền núi Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, phía Nam giáp Sông Thương, phía Bắc giáp đèo Chum, đèo Khế, phía Tây giáp xã Đồng Hưu, phía Đông giáp thôn Minh Sơn (Hữu Lũng-Lạng Sơn).
Từ thành phố Bắc Giang theo đường Quốc lộ (1A mới) khoảng gần 18km đến ngã tư thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, rẽ trái theo đường tỉnh lộ 265 khoảng gần 10km đến ngã ba Mia rẽ trái về trung tâm xã Đông Sơn, đi tiếp về phía Đông qua các thôn Bến Trăm, Đồi Hồng chừng 3km là đến thôn Vi Sơn. Đây là một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử-văn hoá của xã Đông Sơn. Trải qua hàng trăm năm nhân dân các dân tộc nơi đây sống hoà thuận, đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, người Sán Dìu ở Vi Sơn đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bại nhiều cuộc càn quét của Pháp và Mỹ để bảo vệ xóm làng. Ông Đặng Văn Vương, Trưởng thôn Vi Sơn cho biết: hiện nay thôn Vi Sơn có 214 hộ, với khoảng gần 1000 nhân khẩu, trong đó có 50 hộ dân tộc Sán Dìu (chiếm trên 25% số hộ trong thôn). Người Sán Dìu là một trong những cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Hán Tạng di dân từ Trung Quốc sang. Với nhiều lý do khác nhau, người Sán Dìu di cư vào Vi Sơn chủ yếu từ Đông Triều, Lục Ngạn, Lục Nam, Thái Nguyên, Hữu Lũng. Người Sán Dìu ở Vi Sơn có số lượng đông nhất với nhiều phong tục, tập quán đặc trưng của dân tộc mình qua việc cưới xin, ma chay…
Theo quan niệm của người Sán Dìu, việc cưới (hôn nhân) là một việc quan trọng của đời người cho nên việc tổ chức cưới không chỉ là việc của cô dâu, chú rể mà là việc chung của cả gia đình và cộng đồng làng bản. Hôn nhân của người Sán Dìu cũng thực hiện theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhưng “phụ hệ”, “phụ quyền”. Vì vậy, việc hôn nhân là do nhà trai quyết định, nhà gái không có quyền lực chọn. Sau khi cưới cô dâu, chú rể chuyển về nhà trai ở. Theo phong tục truyền thống, hôn nhân của người Sán Dìu diễn ra theo 4 bước:
Bước 1: Xin lá số (Loỏng nén sang): Đây là bước khởi đầu, thăm hỏi để xác định việc hôn nhân. Để chuẩn bị bước này nhà trai tìm ông mối (moi nhin) giỏi và mát tay để giúp đỡ, việc hôn nhân do ông mối đảm nhận. Muốn xin lá số thành công, nhà trai phải nhờ anh em, họ hàng hoặc người quen biết ở gần nhà cô gái tìm hiểu về gia đình và cô gái, sau đó sẽ hỏi ý kiến xem thích ai làm ông mối. Việc xem lá số là cả một quá trình phức tạp để đi đến việc chấp thuận cuối cùng là cô dâu và chú rể có lấy được nhau không. Phép xem tuổi căn cứ vào ngày, tháng và năm sinh của cả hai người nam nữ, trong đó ngày, tháng, năm sinh đều được quy về mệnh thuộc ngũ hành: kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ, để xem sự tương sinh, tương khắc và thuyết âm dương của hai lá số có hợp nhau không…Đồng bào Sán Dìu ở Vi Sơn quan niệm hôn nhân có một mục đích quan trọng là để duy trì nòi giống, bởi vậy việc xem cô gái có khả năng sinh con khoẻ mạnh hay không là việc quan trọng khi chọn vợ.
Bước 2: Báo yên (Hạ thênh): Đây là nghi lễ nhằm báo cho nhà gái biết việc xem lá số cho đôi nam nữ đã thành công mọi quẻ đều thuận, đôi trai gái hợp nhau có thể tiến hành hôn lễ. Nghi lễ này do ông mối tự đi sang nhà gái nói chuyện và thông báo, khi đó ông mối mới chính thức hỏi nhà gái và cô gái có chấp nhận để nhà trai và chàng trai đến hỏi và tiến hành cuộc hôn nhân. Lễ vật mang sang chủ yếu là lễ ngọt gồm: nải chuối, trầu cau, chè, thuốc…
Bước 3: Ăn hỏi (Bạo nhít): Sau cuộc thương lượng giữa ông mối và gia đình nhà gái thành công, ông mối về nói với nhà trai chuẩn bị rượu, gạo nếp, gà sống đề làm lễ ăn hỏi. Ông mối và thanh niên bạn chú rể sẽ đại diện nhà trai mang lễ sang nhà gái. Trong lễ ăn hỏi nhà trai sẽ thưa chuyện, định ngày làm đám cưới và thời gian đón dâu mà họ đã nhờ thầy cúng xem rất cẩn thận. Cách xem tháng cưới lại phụ thuộc vào tháng sinh của cô dâu. Đồ thách cưới gồm: tiền bạc, rượu, gạo nếp, chăn màn…Đối với người Sán Dìu ở Vi Sơn, sau khi ăn hỏi xong, hai bên chính thức coi nhau là thông gia. Thời gian từ khi làm lễ ăn hỏi đến khi tổ chức hôn lễ trong hai gia đình chẳng may có người qua đời thì việc tổ chức đám cưới phải hoãn lại chờ chịu tang ít nhất là 100 ngày thì mới tiến hành hôn lễ. Khi trong họ có người mất thì cô dâu, chú rể dù chưa chính thức làm đám cưới vẫn phải sang chịu tang.
Bước 4: (Sênh ca chíu): Lễ cưới thường diễn ra trong 3 ngày, khi nhà trai và nhà gái bắt đầu dựng rạp vào buổi chiều ngày thứ nhất cũng là lúc nhà trai tiến hành mang đồ thách cưới sang nhà gái, đoàn nhà trai gồm ông mối, họ hàng nhà trai và 5 thanh niên chưa vợ bạn chú rể bưng lễ, sau nhiều nghi lễ đám cưới được bắt đầu.Trong tiệc cưới hai họ tổ chức ăn uống linh đình và hát “sinh ca chíu cô” giao lưu cho tới khi nhà trai đón dâu về và hôn lễ kết thúc.
Ảnh cô dâu, chú rể trong ngày cưới
Vi Sơn được hình thành từ lâu đời với các thiết chế văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo và các luật tục chặt chẽ. Người dân nơi đây sống chan hoà, thân thiện và sôi nổi, mến khách, thể hiện sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất này, tạo nên nét đặc sắc riêng của bản làng miền núi. Đây sẽ là địa chỉ giầu tiềm năng du lịch của huyện Yên Thế và tỉnh Băc Giang.
Tục cưới hỏi của người Sán Dìu ở Vi Sơn, Bắc Giang
Theo quan niệm của người Sán Dìu, thôn Vi Sơn, xã miền núi Đông Sơn (huyện Yên Thế-Bắc Giang), cưới xin là một việc quan trọng của đời người cho nên việc tổ chức đám cưới là việc chung của cả gia đình và cộng đồng làng bản. Hôn nhân của người Sán Dìu được thực hiện theo 4 bước: Xin lá số, báo yên, ăn hỏi và xin đám cưới.
Xin lá số là bước khởi đầu, thăm hỏi để xác định việc hôn nhân. Để chuẩn bị bước này, nhà trai tìm ông mối (moi nhin) giỏi và mát tay để giúp đỡ, việc hôn nhân do ông mối đảm nhận. Muốn xin lá số thành công, nhà trai phải nhờ anh em, họ hàng hoặc người quen biết ở gần nhà cô gái tìm hiểu về gia đình và cô gái, sau đó sẽ hỏi ý kiến xem thích ai làm ông mối. Việc xem lá số (xem tuổi) được căn cứ dựa trên ngày, tháng năm sinh của cả hai người nam nữ, để xem hai lá số có hợp nhau không. Đồng bào Sán Dìu ở Vi Sơn quan niệm, mục đích quan trọng nhất của hôn nhân là để duy trì nòi giống, bởi vậy việc xem cô gái có khả năng sinh con khoẻ mạnh hay không là việc quan trọng khi chọn vợ.
Tiếp đến là bước báo yên (Hạ thênh): nhằm báo cho nhà gái biết việc xem lá số cho đôi nam nữ đã thành công, mọi quẻ đều thuận, đôi trai gái hợp nhau, có thể tiến hành hôn lễ. Nghi lễ này do ông mối tự đi sang nhà gái nói chuyện và thông báo. Lúc này, ông mối mới chính thức hỏi nhà gái và cô gái có chấp nhận để nhà trai và chàng trai đến hỏi và tiến hành cuộc hôn nhân hay không. Lễ vật mang sang chủ yếu là lễ ngọt gồm: nải chuối, trầu cau, chè, thuốc...
Sau cuộc thương lượng giữa ông mối và gia đình nhà gái thành công, ông mối về nói với nhà trai chuẩn bị rượu, gạo nếp, gà sống đề làm lễ ăn hỏi. Ông mối và thanh niên bạn chú rể sẽ đại diện nhà trai mang lễ sang nhà gái. Trong lễ ăn hỏi nhà trai sẽ thưa chuyện, định ngày làm đám cưới và thời gian đón dâu mà họ đã nhờ thầy cúng xem rất cẩn thận. Cách xem tháng cưới lại phụ thuộc vào tháng sinh của cô dâu. Đồ thách cưới gồm: tiền bạc, rượu, gạo nếp, chăn màn...
Đối với người Sán Dìu ở Vi Sơn, sau khi ăn hỏi xong, hai bên chính thức coi nhau là thông gia. Trong thời gian từ khi làm lễ ăn hỏi đến khi tổ chức hôn lễ, trong hai gia đình chẳng may có người qua đời thì việc tổ chức đám cưới phải hoãn lại chờ chịu tang ít nhất 100 ngày thì mới tiến hành hôn lễ. Khi trong họ có người mất thì cô dâu, chú rể dù chưa chính thức làm đám cưới vẫn phải sang chịu tang.
Lễ cưới thường diễn ra trong 3 ngày, khi nhà trai và nhà gái bắt đầu dựng rạp vào buổi chiều ngày thứ nhất cũng là lúc nhà trai tiến hành mang đồ thách cưới sang nhà gái. Đoàn nhà trai gồm ông mối, họ hàng nhà trai và 5 thanh niên chưa vợ, bạn chú rể bưng lễ. Sau nhiều nghi lễ, đám cưới được bắt đầu. Trong tiệc cưới, 2 họ tổ chức ăn uống linh đình và hát “sinh ca chíu cô” giao lưu cho tới khi nhà trai đón dâu về và hôn lễ kết thúc.
Nét đẹp tục cưới của người Sán Dìu ở bản Hạ - Lục Ngạn - Bắc Giang
Bản Hạ là một trong 24 thôn, bản miền núi của xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Là một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử - văn hóa của xã Kiên Thành, từ thời Lý khoảng cuối thế kỷ XI, nơi đây đã có cư dân sinh sống. Hàng trăm năm nay nhân dân nơi đây sống hòa thuận, đoàn kết với những lệ tục do chính họ đặt ra và luôn xây dựng và duy trì nó. Trong kháng chiến chống Pháp, đơn vị du kích người Sán Dìu xã Kiên Thành (trong đó có người Bản Hạ) là một trong những đơn vị khá mạnh, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đánh bật nhiều cuộc càn quét của Pháp và sự quấy rối, nổi loạn của Sằn Váy Thìn, bảo vệ làng bản được an toàn. Bản Hạ nằm tại trung tâm xã Kiên Thành, phía Đông giáp với thôn Minh Sơn, xã Kiên Thành, phía Tây giáp với thôn Trại Giáp, phía Nam giáp với thôn Trung Phú, phía Bắc giáp thôn Gai và chợ Tân Thành.
Hiện nay Bản Hạ là một đơn vị lớn của xã Kiên Thành với số dân là 570 người, 120 hộ cư trú, trong đó 98 hộ dân tộc Sán Dìu, trên 90% là người Sán Dìu sinh sống. Người Sán Dìu là một trong những cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Hán Tạng, người Sán Dìu ở thôn Bản Hạ là bộ phận di dân từ Trung Quốc, do nhiều lý do khác nhau, người Sán Dìu di cư vào Kiên Thành, Lục Ngạn chủ yếu theo đường Quảng Ninh sang. Người Sán Dìu ở thôn Bản Hạ có số lượng ít nhưng vẫn giữ được nhiều truyền thống, phong tục, tập quán đặc trưng của dân tộc mình qua việc cưới xin, ma chay...
Theo quan niện của người Sán Dìu việc cưới (hôn nhân) là một việc quan trọng của đời người, việc cưới và tổ chức cưới không chỉ là việc của cô dâu, chú rể mà là việc chung của cả gia đình và cộng đồng làng bản. Hôn nhân của người Sán Dìu theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng, người Sán Dìu sống theo chế độ "phụ hệ", "phụ quyền", việc hôn nhân là do nhà trai quyết định, nhà gái không có quyền lựa chọn, sau khi cưới cô dâu chú rễ chuyển về nhà trai ở. Theo phong tục truyền thống, hôn nhân của người Sán Dìu diễn ra theo 4 bước:
- Bước 1: Xin lá số - lổông nén sang: Là bước khởi đầu, thăm hỏi để xác định việc hôn nhân, để chuẩn bị bước này nhà trai tìm ông mối (moi nhin) giỏi và mát tay để giúp đỡ, việc hôn nhân do ông mối đảm nhận. Để xin lá số thành công nhà trai phải nhờ anh em, họ hàng hoặc người quen biết ở gần nhà cô gái tìm hiểu về gia đình và cô gái, sau đó sẽ hỏi ý kiến xem thích ai làm ông mối. Việc xem lá số là cả một quá trình phức tạp để đi đến việc chấp thuận cuối cùng là cô dâu và chú rể có lấy được nhau không. Phép xem tuổi căn cứ vào ngày tháng và năm sinh của cả hai người nam nữ, trong đó ngày, tháng, năm sinh đều được quy về mệnh thuộc ngũ hành: kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ, để xem sự tương sinh, tương khắc và thuyết âm dương của hai lá số có hợp nhau không...đồng bào Sán Dìu ở thôn Bản Hạ quan niệm hôn nhâu có một mục đích quan trọng là để duy trì nòi giống, bởi vậy việc xem cô gái có khả năng sinh con khoẻ mạnh hay không là việc quan trọng khi chọn vợ.
- Bước 2: Báo yên - hạ thênh: Đây là nghi lễ nhằm báo cho nhà gái biết việc xem lá số cho đôi nam nữ đã thành công mọi quẻ đều thuận, đôi trai gái hợp nhau có thể tiến hành hôn lễ. Nghi lễ này do ông mối tự đi sang nhà gái nói chuyện và thông báo, khi đó ông mối mới chính thức hỏi nhà gái và cô gái có chấp thuận để nhà trai và chàng trai đến hỏi và tiến hành cuộc hôn nhân. Lễ vật mang sang chủ yếu là lễ ngọt gồm: nải chuối, trầu cau, chè, thuốc...
- Bước 3: Ăn hỏi - bạo nhít: Sau cuộc thương lượng giữa ông mối và gia đình nhà gái, cô gái thành công ông mối về nói với nhà trai chuẩn bị. Nhà trai chuẩn bị rượu, gạo nếp, gà sống để làm lễ ăn hỏi, đại diện nhà trai, ông mối và thanh niên bạn chú rể sẽ mang lễ sang nhà gái. Trong lễ ăn hỏi nhà trai sẽ thưa chuyện và định ngày làm đám cưới và thời gian đón dâu. Ngày cưới và thời gian đón dâu được nhà trai nhờ thày cúng xem rất cẩn thận, cách xem tháng cưới lại phụ thuộc vào tháng sinh của cô dâu.
Đồ thách cưới gồm: tiền bạc, rượu, gạo nếp, chăm màn...Đối với người Sán Dìu ở Bản Hạ sau khi ăn hỏi song hai bên chính thức coi nhau là thông gia. Thời gian từ khi làm lễ ăn hỏi đến khi tổ chức hôn lễ trong hai gia đình chẳng may có người quá cố thì việc tổ chức đám cưới phải bị hoãn lại chờ chịu tang ít nhất là 100 ngày thì mới tiến hành hôn lễ. Khi có người mất dù họ nhà trai hay họ nhà gái thì cô dâu, chú rể dù chưa chính thức làm đám cưới vẫn phải sang chịu tang.
- Bước 4: Lễ cưới - Sênh ca chíu: Trước đây, lễ cưới thường diễn ra trong 3 ngày, khi nhà trai và nhà gái bắt đầu dựng rạp vào buổi chiều ngày thứ nhất cũng là lúc nhà trai tiến hành mang đồ thách cưới sang nhà gái, đoàn nhà trai gồm ông mối, họ hàng nhà trai và 5 thanh niên bạn của chú rể bưng lễ, sau nhiều nghi lễ đám cưới được bắt đầu. Trong tiệc cưới hai họ tổ chức ăn uống và hát "sinh ca chíu cô" giao lưu cho tới khi nhà trai đón dâu về và hôn lễ kết thúc.
Bản Hạ được hình thành từ lâu đời với các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và các luật tục chặt chẽ, người dân nơi đây sống chan hòa, thân thiện và sôi nổi, mến khách, thể hiện sự đoàn kết đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất này, tạo nên nét đặc sắc riêng của bản làng miền núi, là địa chỉ giàu tiềm năng du lịch của huyện Lục Ngạn và của tỉnh Bắc Giang.
Phong tục cưới hỏi của người Chăm
Phong tục cưới hỏi của người Thái
Phong tục cưới hỏi của người Campuchia
Phong tục cưới hỏi của người Mường
Phong tục cưới hỏi của người Ê Đê
Phong tục cưới hỏi của người Giẻ Triêng
Phong tục cưới hỏi của người Bình Định
(st)