Khi thân nhiệt của bé yêu cao hơn 37oC, môi khô, quấy khóc… là bé đã bị sốt. Có một vài nguyên nhân gây sốt như: Nhiễm trùng, cảm nắng, mặc quá nhiều quần áo gây nóng, tiêm chủng, mọc răng…Bạn thường thấy rất bối rối mỗi khi bé bị sốt, bạn đã làm mọi cách để hạ sốt mà hình như càng ngày bé càng nóng hơn? Đừng quá lo lắng và mất bình tĩnh khi trẻ có triệu chứng sốt.
Sốt là gì?
Sốt là hiện tượng xảy ra khi “bộ chỉnh nhiệt” trong cơ thể làm tăng thân nhiệt lên cao hơn mức bình thường. Bộ chỉnh nhiệt này nằm trong vùng não có tên là hypothalamus, chuyên điều khiển thân nhiệt và những cảm giác như đói, khát… Hypothalamus biết rõ cơ thể cần ở nhiệt độ bao nhiêu (thường là khoảng 37 độ C) và sẽ gửi “lời nhắn” tới cơ thể duy trì nhiệt độ này.
Thân nhiệt của đa số mọi người thường không ổn định và dao ��ộng nhẹ trong một ngày: Hơi thấp vào buổi sáng và hơi cao vào chiều tối. Nhiệt độ cơ thể sẽ thay đổi khi trẻ chạy, nhảy, đùa nghịch hoặc và tập thể dục.
Trong những trường hợp đặc biệt, vùng não hypothalamus sẽ điều chỉnh lại và yêu cầu cơ thể tăng nhiệt độ lên cao. Mục địch là để phản ứng với sự nhiễm trùng, một căn bệnh hoặc lý do nào đó. Vậy, vì sao hypothalamus lại ra lệnh cho cơ thể thay đổi nhiệt độ? Các nhà khoa học tin rằng việc thay đổi này là cách cơ thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng và biến cơ thể thành nơi không mấy dễ chịu với chúng.
Cái gì gây sốt?
Nên nhớ rằng bản thân sốt không phải là một căn bệnh - nó chỉ là một triệu chứng của sự cố tiềm ẩn nào đó. Có một vài nguyên nhân gây sốt như sau:
- Nhiễm trùng: Phần lớn sốt là do nhiễm trùng hoặc một căn bệnh nào đó gây ra. Sốt có nhiệm vụ giúp cho cơ thể chiến đấu với sự nhiễm trùng bằng cách kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên.
- Mặc quá nhiều quần áo: Trẻ nhỏ, đặc biệt là sơ sinh, rất dễ bị sốt nếu được ủ quá kín hoặc ở trong một môi trường nóng. Nguyên nhân là do các bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt.
- Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng.
- Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ. Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 37,8 độ C thì đó không phải là do mọc răng.
Phải làm gì nếu cơn sốt là dấu hiệu của một bệnh gì đó nghiêm trọng?
Trước đây, các bác sĩ thường khuyên trị sốt chỉ dựa trên cơ sở thân nhiệt. Song hiện nay, người ta khuyến cáo cần kết hợp trị sốt và kiểm tra toàn bộ thể trạng của trẻ.
Những trẻ có thân nhiệt thấp hơn 38,9 độ C thường không cần dùng thuốc, trừ phi các em thấy khó chịu. Tuy nhiên, điều này có ngoại lệ, đó là nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ được đo ở hậu môn là 38 độ C hoặc cao hơn, phải gọi ngay bác sĩ hoặc đưa trẻ đi cấp cứu. Đối với bé sơ sinh, sốt nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng nghiêm trọng. Còn với trẻ lớn hơn, hãy xem xét hành vi và mức độ hoạt động của bé. Bằng cách này, bạn có thể quyết định liệu bé chỉ sốt nhẹ hay thực sự cần tới bác sĩ.
Tình trạng sốt có thể không nghiêm trọng nếu trẻ:
- Vẫn thích chơi
- Đang ăn uống tốt
- Tỉnh táo và mỉm cười đáp lại
- Sắc da bình thường
- Trông tươi tỉnh hơn khi thân nhiệt hạ
Nếu vì sốt mà trẻ không muốn ăn thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Tình trạng này rất phổ biến đối với trường hợp sốt do nhiễm trùng.
Làm sao để biết bé sốt thế nào?
Một cái hôn lên chán bé hoặc đặt tay nhẹ lên da cũng đủ để biết được bé có sốt hay không. Tuy nhiên, phương pháp kiểm tra thân nhiệt bằng xúc giác này phụ thuộc nhiêu vào cảm giác chủ quan và không thể cho biết chính xác nhiệt độ của bé.
Hãy sử dụng cặp nhiệt độ đáng tin cậy, bạn sẽ biết trẻ bị sốt hay không nếu thân nhiệt ở một trong các mức dưới đây:
- Từ 38 độ C trở lên khi đo ở hậu môn
- Từ 37,5 độ C trở lên nếu đo ở miệng
- Từ 37,2 độ C nếu đo ở nách.
Tuy nhiên, sốt cao bao nhiêu độ cũng không thể cho biết vì sao bé ốm. Cảm lạnh hoặc nhiễm virus có thể là nguyên nhân (thường từ 38,9 đến 40 độ C), song đôi khi nó không thực sự nghiêm trọng. Ngược lại, có khi bé không sốt, hoặc thậm chí còn bị hạ thân nhiệt bất thường (đặc biệt là ở trẻ nhỏ), lại tiềm ẩn một sự nhiễm trùng nghiêm trọng.
Do cơn sốt có thể tăng hoặc giảm, nên trẻ đều trải qua cảm giác gai lạnh. Nguyên nhân là do cơ thể cố gắng sinh thêm nhiệt khi sốt cao. Sau đó, bé có thể vã mồ hơi khi cơ thể hạ sốt.
Đôi khi, trẻ bị sốt có thể thở gấp hơn bình thường và nhịp tim nhanh hơn. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bé có dấu hiệu khó thở, thở nhanh hơn nhiều so với bình thường hoặc tiếp tục thở gấp sau khi hạ sốt.
Với mức sốt vừa 38-38,5oC thì cơ thể trẻ có thể chịu đựng được nhưng với mức sốt cao từ 39-40oC trở lên trong thời gian dài có thể làm trẻ bị co giật, gây thiếu ôxy não. Trẻ bị sốt cao co giật thường gặp ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Khi bé bị sốt trên 39oC thường xuất hiện cơn co giật và cơn co giật này mất đi khi hạ thân nhiệt xuống dưới 39oC. Do vậy các bà mẹ cần nhanh chóng hạ sốt khi trẻ bị sốt cao. Cần cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt, lau mát hạ sốt, cho bé bú hoặc uống nhiều nước và đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Lau mát hạ sốt cho bé khi:
- Bé bị sốt cao trên 40oC.
- Bé bị sốt cao kèm co giật hoặc có dấu hiệu sắp sửa co giật.
Chuẩn bị dụng cụ:
- 5 khăn nhỏ để lau mát.
- Thau nước ấm.
- Nhiệt kế.
Thực hiện:
- Đặt bé nằm ngửa trên giường.
- Cởi bỏ quần áo trẻ.
- Lấy nhiệt độ bé.
- Rửa tay.
- Chuẩn bị nước lau mát:
Cho ít nước lạnh vào trong thau.
+ Cho nước nóng vào, bằng ½ lượng nước lạnh.
+ Kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, cảm giác ấm giống như nước tắm em bé.
- Lau mát
+ Nhúng 5 khăn vào thau nước và vắt hơi ráo.
+ Đặt 2 khăn ở hõm nách, 2 khăn ở bẹn và 1 khăn lau khắp người.
+ Không đắp lên trán vì ít có tác dụng hạ sốt. Không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi.
+ Thay khăn mỗi 2-3 phút.
+ Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm.
+ Lấy nhiệt độ bé mỗi 15 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5oC.
+ Lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.
Những điều không nên làm:
- Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo cho trẻ khi trẻ đang sốt.
- Không nên nặn chanh vào miệng và mắt trẻ.
- Không nên dùng nước đá lạnh để lau máu hạ sốt cho trẻ.
- Không giật tóc, vỗ vào người trẻ khi trẻ đang bị co giật, càng khiến trẻ bị kích thích, co giật nhiều hơn.
Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát…mà trẻ vẫn không hạ sốt, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Những lời khuyên và hướng dẫn của các chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng “ứng phó” kịp thời trong thời điểm này.
Biểu hiện
-
Thân nhiệt bé trở nên nóng hơn rất nhiều.
-
Trẻ quấy khóc, hay dễ nổi cáu.
-
Mệt mỏi.
-
Thở gấp.
-
Ngủ lơ mơ.
Khi bé có những biểu hiện như trên, các bậc cha mẹ cần nhanh chóng đo nhiệt độ cho trẻ. Khi cặp nhiệt độ thì nhiệt độ thân nhiệt cao hơn 37 độ C.
Khi bé bị sốt nhẹ – dưới 38oC
-
Hãy thay quần áo thoáng mát cho bé hoặc nới lỏng. Bạn cũng cần lưu ý theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ, đừng quên cho bé uống nhiều nước để tránh mất nước.
Khi bé sốt vừa – dưới 39oC:
-
Hãy cởi bớt quần áo, cho bé mặc đồ mỏng và rộng để dễ thoát nhiệt.
-
Cho bé nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng.
-
Cho bé uống nhiều nước.
-
Cho bé dùng thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất Paracetamol. Hiện nay, có nhiều thuốc hạ sốt được đặc chế dạng siro để bé dễ uống và hấp thu. Các loại này cũng có xilanh bơm thuốc chuyên dụng tính theo cân nặng của trẻ. Với các chai dạng hỗn dịch thế này, cha mẹ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng trực tiếp, và để ngoài tầm với của bé.
-
Lau mát cho trẻ bằng nước ấm.
Khi trẻ bị sốt cao hay sốt rất cao – trên 39oC:
Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế.
Khi bị sốt, nước và muối bị mất thông qua việc toát mồ hôi của bé. Năng lượng và các Vitamin tan trong nước cũng bị hao hụt. Bạn hãy bù lại cho bé bằng cách cho uống nhiều nước, các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng, hay uống các loại thuốc bổ đa sinh tố, trong đó cần nhất là Vitamin C và Vitamin nhóm B.
Trong thời gian sốt, bé thường bỏ ăn. Bạn nên cố gắng cho trẻ bú và ăn nhiều lần trong ngày để tránh mất nước và sụt cân.
Chăm sóc trẻ
Quan tâm tới không khí trong phòng. Đối với trẻ nhỏ khi bị ốm, sốt bạn cần để cho bé nghỉ ngơi trong những căn phòng thoáng mát, nhiệt độ thấp vừa phải, để giảm sức nóng đối với thân nhiệt của trẻ.
Nên cho trẻ uống những loại nước mát như nước lọc, cam, chanh để nhanh chóng cải thiện tình hình.Hạn chế và tốt nhất không nên cho trẻ sử dụng những loại đồ uống có chứa caphêin hay gas khiến cho cơ thể càng dễ bị khử nước.
Cho trẻ uống si rô, đặc biệt là loại si rô có chứa thành phần paracetamol. Tuy nhiên, việc sử dụng loại si rô nào còn phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Nhưng nên nhớ rằng, đối với những trẻ dưới 3 tháng tuổi được khuyên không nên dùng bất cứ loại si rô nào. Vì thế, bạn không nên tự ý cho trẻ sử dụng si rô mà chưa hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa.
Nên thường xuyên cặp nhiệt độ cho trẻ để kiểm soát mức thân nhiệt của bé. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu tình trạng sốt của trẻ kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm và nhiệt độ ngày một tăng lên.
Cần chắc chắn bạn hiểu rõ về cách sử dụng loại nhiệt độ bạn dùng. Nếu bạn sử dụng loại nhiệt độ đo ở trong miệng của trẻ, hãy đặt nhiệt kế phía dưới lưỡi và bỏ nhiệt độ ra trong vòng 2 phút. Không nên để trẻ cắn vào nhiệt độ.
Những loại thuốc như Acetaminophen và Ibuprofen là những loại thuốc giúp nhanh chóng giảm đau và hạ sốt. Tuy nhiên, ở những trẻ nhỏ, việc sử dụng loại thuốc Ibuprofen sẽ gây nên cho trẻ những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Liều lượng thuốc cho trẻ dùng phụ thuộc phần lớn vào trọng lượng và độ tuổi của trẻ.
Nên cho trẻ ăn loãng. Đây cũng là một nguyên tắc quan trọng khi bé bị sốt. Sốt cao liên tục sẽ làm cơ thể trẻ mất nước. Vì vậy, hãy cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu như cháo, súp. Trong nhiều trường hợp có thể pha oresol theo tỷ lệ cho trẻ uống để phòng nguy cơ mất nước do sốt kéo dài.
Bố mẹ không nên…
-
Tự ý sử dụng si rô mà chưa hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa.
-
Đắp cho trẻ quá nhiều chăn, và nếu trẻ còn nhỏ thì không nên quấn nhiều tã, mặc cho trẻ nhiều quần áo trước khi tiến hành đo nhiệt độ.
-
Để trẻ một mình khi đo nhiệt độ.
-
Dùng thuốc hạ sốt ngay khi nhiệt độ của bé dưới 38oC
-
Phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cho bé
-
Ủ ấm bé, sẽ càng làm tăng nhiệt độ
-
Lau người cho bé bằng nước đá lạnh, cồn, dấm
-
Vắt chanh, đổ thuốc vào miệng bé khi đang co giật, sẽ rất dễ gây ngạt thở
-
Tự truyền dịch cho bé mà không có chỉ định của bác sỹ
Nên gọi cho bác sĩ trong trường hợp nếu:
-
Trẻ thay đổi thái độ.
-
Trẻ có biểu hiện đau đầu dữ dội.
-
Da khô, môi khô kéo dài.
-
Đau họng kéo dài.
-
Đau tai.
-
Sốt kéo dài trong vài ngày.
-
Đau bụng.
-
Không có cảm giác đói.
-
Thở khò khè
-
Làn da trở nên tím tái.
-
Nếu trẻ bị sốt co giật, phải ngay lập tức dùng khăn mềm kẹp giữa hai hàm răng để trẻ khỏi cắn phải lưỡi.
Thức ăn cho trẻ khi bị sốt
Khi bé bị sốt, các bà mẹ thường cho bé kiêng khem rất nhiều, điều này có thực sự tốt cho trẻ?
Khi bị sốt, trẻ sẽ cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, hãy để trẻ nghỉ ngơi. Bị sốt cũng sẽ làm giảm các hoạt động tiêu hoá của dạ dày, vì thế hãy cố gắng tránh cho bé ăn những đồ ăn khó tiêu hoá, không có lý do nào để giảm bữa ăn thường ngày khi bé không từ chối ăn.
Cụ thể, chế độ ăn của trẻ bị sốt (không phải sốt thương hàn) như sau:
Trẻ nhỏ hơn 6 tháng:
- Bú mẹ nhiều lần, cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn. Mẹ phải uống thêm sữa và nước để đủ sữa cho trẻ vì trẻ sốt bị mất nước nên rất cần nước.
- Nếu trẻ bú bình: lượng sữa trong một ngày là 150ml cho mỗi cân nặng cơ thể, chia làm 8-10 lần. Cho trẻ uống nước “đã khát” mới cho bú bình vì nếu không bù đủ số nước bị mất do sốt thì trẻ sẽ bỏ bú sữa. Có thể làm mát sữa cho trẻ “háu bú”.
Trẻ từ 6 đến 24 tháng:
- Bú sữa đang dùng: là sữa mẹ hoặc sữa bình trẻ đang dùng và pha như bình thường.
- Bột hoặc cháo có đủ chất dinh dưỡng như bình thường nhưng xay loãng, cho trẻ ăn nhiều cữ trong ngày (4-5 cữ) nhưng mỗi lần ăn ít một (1/3-1/2 chén).
- Chất đạm tốt nhất là sữa, thịt gà, thịt heo.
- Cho trẻ uống thêm nước trái cây mát sau khi bú và sau khi ăn bột hoặc cháo.
Trẻ từ 24 đến 60 tháng:
- Ăn cơm như bình thường, nhiều lần, ít một.
- Bữa ăn nên có thêm canh chua hoặc những loại canh mà trẻ dễ ăn như canh khoai mỡ, canh rau ngót, canh nấu thịt, cua mồng tơi....giúp trẻ ngon miệng, dễ ăn.
- Ăn thêm một cữ tối nếu trẻ thèm ăn và thức khuya do sốt.
- Cho trẻ ăn những món mà trẻ thích.
- Ăn thêm những món phụ nhưng bổ dưỡng như bánh Flan, yaourt…
- Uống thêm nước, sữa, yaourt, nước trái cây mát.
Lưu ý:
- “Làm mát” thức uống của trẻ bằng cách cho thức uống vào tủ lạnh hoặc ướp đá bên ngoài, không được cho đá vào thức uống của trẻ vì tránh nhiễm trùng do đá gây ra.
- Khi sốt, trẻ rất khát nên nước mát và thức ăn lỏng, mềm dễ hấp dẫn trẻ, giúp trẻ ăn nhiều hơn và dễ hấp thu hơn.
- Khi sốt trẻ cần nhiều nước và vitamin nên trẻ cần uống thêm nước trái cây.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều mà chỉ khuyến khích trẻ ăn khi bị bệnh vì trẻ sẽ ói và sợ ăn. Sau khi hết bệnh sẽ “sợ ăn” luôn.
Khi trẻ sốt: dùng thuốc hạ sốt sao cho đúng, an toàn?
Khi trẻ bị bệnh, thường hay kèm theo sốt. Nhiều phụ huynh rất lo lắng, có người thấy con sốt cao, quá lo nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Nhưng do trẻ sốt quá cao, lại không cho uống hạ sốt nên trên đường đến bệnh viện trẻ bị co giật. Cũng có phụ huynh, thấy trẻ hơi ấm đầu là lo cho uống hạ sốt ngay... Sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào cho đúng và an toàn cho trẻ? DS. Nguyễn Thị Bích Nga, BV nhi đồng 1 cho biết.
Nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt) ở trẻ em không cố định mà có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Khoảng thân nhiệt bình thường của trẻ từ 36,5 - 37,50C. Trẻ được xác định là sốt khi thân nhiệt trên 37,50C, sốt cao khi nhiệt độ trên 38,50C.
Nên biết rằng sốt là một hiện tượng có lợi vì khi sốt thì nhiệt độ cơ thể tăng, sức đề kháng của cơ thể cũng tăng giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Do đó chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao từ 38,50C trở lên. Tuy nhiên, một số trường hợp cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt sớm hơn như co giật ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi hay trẻ có tiền căn động kinh, có anh (em) trước đây đã bị sốt cao co giật. Sốt khiến trẻ khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn.
Có thể vừa cho trẻ uống vừa nhét thuốc hạ sốt được không?
Sau khi uống hạ sốt, thuốc sẽ có tác dụng sau 15 - 30 phút. Do đó, phụ huynh hãy chờ đợi, không nên lo lắng mà cho trẻ uống thêm thuốc hoặc vừa uống vừa nhét thuốc hạ sốt cùng một lúc sẽ gây quá liều. Trong lúc đợi thuốc có tác dụng, phụ huynh có thể lau mát cho trẻ. Nếu sau khoảng thời gian đó và đã lau mát rồi nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Thuốc được đưa vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, qua ngã trực tràng (nhét hậu môn)... nhưng thông dụng nhất vẫn là đường uống. Khi trẻ không uống được, nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy thì có thể dùng thuốc nhét hậu môn. Dạng thuốc nhét hậu môn sẽ không dùng được khi trẻ bị tiêu chảy, bị viêm hoặc vết thương vùng hậu môn và dạng thuốc này cũng có thể gây ngứa hậu môn khi dùng.
Để tránh ngộ độc do quá liều, phụ huynh nên nhớ rằng liều hạ sốt của paracetamol được tính theo cân nặng của trẻ với mức dao động từ 10 đến 15 mg cho mỗi kg cân nặng cho 1 lần uống. Khoảng cách giữa 2 lần từ 4 đến 6 giờ nếu trẻ bị sốt. Một ngày không được cho trẻ uống quá 5 lần paracetamol.
Thuốc hạ sốt nào an toàn nhất cho trẻ?
Hiện có 3 loại thuốc hạ sốt phổ biến, đó là paracetamol (acetaminophen), ibuprofen và aspirin.
Paracetamol, thường là thuốc được lựa chọn hàng đầu đối với sốt ở trẻ. Paracetamol tương đối an toàn, không có nguy cơ gây chảy máu và tác dụng không mong muốn về dạ dày - ruột. Liều thường dùng 10 - 15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt cao.
Ibuprofen, mặc dù tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol, tuy nhiên sử dụng ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi của bác sĩ vì thuốc có nhiều tác dụng phụ. Một số trường hợp trẻ không được sử dụng ibuprofen, ví dụ như loét dạ dày - tá tràng; dị ứng với ibuprofen hay aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác; trẻ bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận; nên uống thuốc ngay trước khi ăn, hoặc sau ăn, có thể uống với sữa.
Aspirin, đã được khuyến cáo không sử dụng hạ sốt cho trẻ vì những tác dụng bất lợi, đặc biệt khi trẻ đang mắc các bệnh do virus, cúm hoặc thủy đậu sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Reyes. Đây là bệnh cảnh nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Có nên tắm khi trẻ bị sốt
Khi bé bị sốt, dù với bất kỳ lý do gì đi nữa như sốt sau tiêm phòng, sốt do viêm họng, mọc răng, sốt do virus cũng khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Một trong những câu hỏi được đặt ra là có nên tắm cho trẻ khi bị sốt?
Nên cho bé ăn gì khi bị sốt?
Theo quan niệm dân gian, không bao giờ được tắm cho trẻ khi trẻ đang bị sốt. Điều này hoàn toàn không có cơ sở. Khi bé bị sốt, bạn vẫn có thể tắm cho bé, điều này thậm chí còn giúp bé hạ sốt một cách nhanh chóng.
Tắm thế nào cho đúng?
Điều quan trọng là bạn tắm cho bé đúng kỹ thuật.
Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu. Nhiệt độ của nước tắm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và trong quá trình tắm bạn cũng phải đảm bảo được điều này. Nếu lạnh quá bé sẽ bị sốc nhiệt. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ. Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng.
Lúc này bạn sẽ nhận thấy trẻ bị đổ mồ hôi nhiều và đó chính là hiệu quả của việc tắm khi sốt. Nhiệt độ cơ thể trẻ lúc này sẽ thấp hơn khoảng 2 độ. Lặp lại tắm cho trẻ 1 ngày/ lần và thực hiện tắm cho trẻ tốt nhất vào buổi chiều cho đến khi cơn sốt ở trẻ chấm dứt.
Một số mẹo nhỏ hạ sốt cho bé hiệu quả:
Dùng cây cỏ nhọ nồi:
Cỏ nhọ nồi ngâm rửa sạch, sau đó ngâm lại bằng nước muối đun sôi để nguội rồi vớt ra cho vào cối sạch giã nát. Lọc lấy nước cho bé uống, mỗi lần uống khoảng 50ml. Đối với bé dưới 1 tuổi, mẹ có thể đun sôi lên để nguội rồi mới cho bé uống cho yên tâm hơn. Bã nhọ nồi có thể cho vào khăn xô để lau người cho bé, lau nhiều nhất ở vùng trán, nách, bẹn và gan bàn chân.
Lau người cho bé:
Đưa bé vào nơi kín gió, cởi bỏ bớt quần áo và dùng khăn ấm lau người cho bé, nhất là các bộ phận nách, hạch, bẹn… Không nên đặt bé nằm ở nơi quá nóng. Cho bé ăn đồ ăn lỏng hơn ngày thường để dễ tiêu và uống các loại nước như orezol, nước chanh, nước cam. Không chườm cho bé bằng nước lạnh, nước đá, cũng không được xoa dầu gió cho bé.
Nếu các cách trên vẫn không thể hạ sốt cho trẻ thì bạn nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo sự tư vấn của bác sĩ, tránh tình trạng để bé sốt quá cao dẫn đến co giật, ảnh hưởng đến não của bé.
Có nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn
Khi trẻ bị sốt, đặc biệt là những trẻ chưa biết uống thuốc, trẻ sợ thuốc thì các bậc phụ huynh thường mua thuốc đặt hậu môn. Tuy nhiên, bạn không nên làm dụng loại thuốc này.
Khi nào nên hạ sốt cho trẻ
Khi bị bệnh, trẻ thường kèm theo sốt. Nhiều phụ huynh quá lo lắng nên không hạ sốt cho con mà đưa ngay đến bệnh viện có thể khiến trẻ bị co giật ngay trên đường đi. Ngược lại, có những phụ huynh thấy trẻ hơi ấm đầu đã cho dùng hạ sốt... Vậy khi nào nên cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt?
Theo các bác sĩ, thân nhiệt ở trẻ em không cố định mà có thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Khoảng thân nhiệt bình thường của trẻ từ 36,5 - 37,5độC. Khi thân nhiệt trên 37,5độ C là trẻ có biểu hiện sốt và sốt cao khi nhiệt độ trên 38,5độ C.
Sốt là một hiện tượng có lợi vì khi sốt thì nhiệt độ cơ thể tăng, sức đề kháng của cơ thể cũng tăng giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh. Do đó chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao từ 38,5độC trở lên.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, một số trường hợp cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt sớm hơn như co giật ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi hay trẻ có tiền căn động kinh, có anh (em) trước đây đã bị sốt cao co giật.
Có nên dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn?
Bác sĩ Nguyễn Thi Thu Hà cho biết, thuốc hạ sốt sẽ có tác dụng sau 15 - 30 phút sau khi uống. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng mà cho trẻ uống thêm thuốc hoặc vừa uống thuốc vừa đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ. Việc làm này sẽ gây quá liều, ảnh hưởng đến sức khỏe và không an toàn cho trẻ.
Do vậy, trong lúc đợi thuốc có tác dụng, phụ huynh có thể lau mát cho trẻ. Nếu sau khoảng thời gian đó và đã lau mát rồi nhưng trẻ vẫn còn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Thuốc hạ sốt đặt hậu môn chỉ nên dùng khi trẻ em không uống được thuốc. Khi trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy thì có thể dùng thuốc nhét hậu môn.
Khi trẻ bị sốt, cũng không nên lạm dụng thuốc đặt hậu môn mà nên cho uống thuốc, bởi lạm dụng thuốc đặt hậu môn có thể gây viêm trực tràng. Dùng thuốc đặt hậu môn có nguy cơ gây kích thích tại chỗ, tùy thuộc vào thời gian dùng, thời điểm đặt thuốc và liều dùng, do đó thời gian dùng càng ngắn càng tốt, nên thay thế sớm bằng thuốc uống.
Không dùng thuốc hạ sốt đặc hậu môn khi trẻ bị dị ứng paracetamol, có bệnh nặng ở gan, bị viêm hậu môn, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.
Để tránh ngộ độc do quá liều, phụ huynh nên nhớ rằng liều hạ sốt của paracetamol được tính theo cân nặng của trẻ với mức dao động từ 10 đến 15 mg cho mỗi kg cân nặng cho 1 lần uống. Khoảng cách giữa 2 lần từ 4 đến 6 giờ nếu trẻ bị sốt. Một ngày không được cho trẻ uống quá 5 lần paracetamol.
Nguyên nhân gây nôn ở trẻ em
Khi trẻ sơ sinh bị trớ nhiều các mẹ nên chú ý
Làm gì khi trẻ bị sặc sữa
Khi nào cho bé ăn hoa quả
Trẻ ăn gì cho thông minh
Chữa bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em
(st)