Kế hoạch kinh doanh bánh kem

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kế hoạch kinh doanh bánh kem

19/04/2015 02:39 AM
1,721

Những năm gần đây, sự xuất hiện hàng loạt “bakery” sang trọng – “cửa hiệu bánh mì”, chuyên bán các loại bánh làm từ bột mì, như bánh mì, sandwich, bánh kem, bánh xốp nhân ngọt hoặc mặn... được sản xuất và tiêu thụ trong ngày



Đầu tiên là sự bùng nổ của các Bakery Kinh Đô đã kéo theo “làn sóng” tự làm mới mình của các cửa hàng bánh mì đã có từ trước như Đức Phát, Hỷ Lâm Môn, Maxim’s. Thêm vào đó là những cửa hàng bánh do nước ngoài đầu tư như Bon (Pháp), B. Bang (Hàn Quốc) và mới nhất là Love Bread (hay bánh mì tình yêu của Singapore). Tưởng chừng thất bại của Bon có thể làm chùn bước phát triển của những đại gia trong làng bánh. Nhưng những dự án mở bakery vẫn tiếp tục.

Thêm cửa hàng, doanh thu vẫn liên tục... phát triển!

Tại các cửa hàng bakery, lượng khách đông nhất tập trung vào khoảng 6 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Nhu cầu về bữa ăn nhanh của người dân ở một thành phố công nghiệp ngày càng trở nên phổ biến với phần đông khách hàng là học sinh, bởi giá rẻ, dễ lựa chọn, mua nhanh. Đa phần các bakery của các doanh nghiệp Việt Nam có giá bánh từ 1.000 đồng - 5.000 đồng/cái. Bánh tươi trong các cửa hàng do nước ngoài đầu tư có giá cao hơn (trung bình trên 5.000 đồng/sản phẩm) vì mạng lưới phân phối hẹp, lượng khách ít, chi phí cao.

Giá rẻ và chủng loại bánh phong phú nhất là Bakery Đức Phát với hơn 200 loại bánh, chủ lực là bánh mì lạt, bánh mì sandwich, bánh mì kẹp thịt, giá trung bình chỉ từ 2.000 đồng - 2.500 đồng/cái. Bakery Kinh Đô nổi tiếng vì giỏi tiếp thị, giá bánh trung bình từ 3.000 đồng - 3.500 đồng/cái. Bakery B. Bang và Love Bread lại hấp dẫn khách vì bột bánh dẻo, mềm, ít chất béo; nhân các loại bánh đa dạng, nhiều hương vị lạ, đặc biệt nước xốt ăn kèm không gây ngán.

Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đức Phát, khẳng định bánh tươi Đức Phát đang dẫn đầu thị trường về số lượng bán ra, bình quân một ngày nhà máy bánh Đức Phát cho ra lò gần 20 tấn bánh. Đức Phát hiện phát triển được 18 cửa hàng, dự định mở thêm ba cửa hàng mới trong năm 2005. Kinh Đô có 25 cửa hàng, trong đó 20 cửa hàng ở Tp.HCM, năm 2005 dự định sẽ phát triển thêm cửa hàng ở các tỉnh lân cận. Dù có thêm cửa hàng, doanh thu chung của toàn hệ thống vẫn tăng đều 20%/năm. Hiện doanh thu bình quân ở mỗi cửa hàng Kinh Đô từ 500 triệu - 800 triệu đồng/tháng, dự kiến năm 2005, doanh thu của toàn bộ Bakery Kinh Đô đạt 200 tỉ đồng!

Doanh thu khiêm tốn hơn là bakery của các doanh nhân nước ngoài, do nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Vì vậy, kênh phân phối hiệu quả là mở quầy bánh trong các trung tâm thương mại, siêu thị hoặc cao ốc văn phòng. Chẳng hạn, B. Bang vào Diamond Plaza; Love Bread đã mở ba cửa hàng trên đường phố nhưng doanh thu cao nhất vẫn là trong An Đông Plaza, dự định sẽ mở tiếp ở Maximark 3 Tháng 2, SaigonTourist Plaza.

Nhu cầu: Sạch hơn + khỏe hơn

Bánh tươi là một trong những loại thực phẩm chế biến ăn ngay. Vì thế, vệ sinh an toàn thực phẩm nơi bày bán và của từng sản phẩm phải là mối quan tâm hàng đầu. Mỗi bakery đều cố gắng tạo hình ảnh sạch sẽ để người mua yên tâm: bánh đựng trong lồng kính hoặc nhựa (nếu là bánh nướng nhân mặn thì luôn có lò hâm bên dưới); nhân viên mặc đồng phục gọn gàng và luôn sử dụng dụng cụ gắp bánh; mỗi một cái bánh khi đưa đến quầy tính tiền đều được bao gói. Một số bakery còn dùng cửa kính, máy lạnh để bánh được an toàn hơn trong suốt quá trình bày bán như Love Bread và trong tương lai, Bakery Kinh Đô cũng sẽ làm như thế.

Bản thân các doanh nghiệp lớn như Kinh Đô và Đức Phát đang từng bước xây dựng tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn cao nhất có giá trị quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm), với sự chuẩn bị nhà xưởng và tổ chức các lớp học cho công nhân khá bài bản. Cho đến nay, trong ngành bánh tươi, chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào có trong tay giấy chứng nhận đạt HACCP, vì để đạt được tiêu chuẩn này, doanh nghiệp phải xây dựng lại nơi sản xuất và kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu đặt mua nguyên liệu, tốn rất nhiều tiền mà chỉ có những doanh nghiệp lớn (có khả năng xuất khẩu) mới có thể làm được.

Bên cạnh đó, nhu cầu của khách hàng ngày nay không chỉ cần ăn ngon mà còn phải có sức khỏe, tức giảm chất ngọt, chất béo hoặc lựa chọn nguyên liệu không có cholesterol. Bánh kem sữa tươi đang được chuộng hơn bánh kem bơ vì lẽ đó. Điều cuối cùng còn lại là do cạnh tranh về giá, không ít cửa hàng bánh tươi đã sử dụng chất phụ gia làm nở phồng bánh: chiếc bánh trông to, nhưng rỗng ruột, bột khô và dai; nhân bánh... đôi khi chỉ là lớp mỏng trên bề mặt để bắt mắt người tiêu dùng!



Ý tưởng kinh doanh: làm bánh kem nghệ thuật

1. Ý TƯỞNG:

Tôi chợt nảy ra ý tưởng này khi xem được những tấm hình làm bánh kem dưới đây:




Những mẫu bánh trên đây chưa phản ánh đầy đủ những điều tôi muốn nói, tuy nhiên chúng cũng cho bạn hiểu chút gì đó về ý tưởng “bánh nghệ thuật” mà tôi định đề cập đến.

Tại sao lại là “bánh nghệ thuật” mà không phải “bánh kem nghệ thuật” hay “bánh gì gì đó nghệ thuật”? Đơn giản bởi vì tôi không muốn giới hạn ý tưởng của mình trong một phạm vi nào cả.

Như bạn đã biết, làm bánh kem được dùng trong các buổi tiệc trang trọng như: Cưới hỏi, sinh nhật, kỉ niệm … Hiện nay trên thị trường bánh kem thường được làm theo một khuôn mẫu định sẵn, tuy cũng đẹp nhưng chưa mang tính nghệ thuật, cá tính, phong cách … Khi xã hội ngày càng phát triển thì xu hướng “cá nhân hóa” ngày càng được coi trọng. Tại sao chúng ta không tạo ra những chiếc bánh nghệ thuật mang đậm dấu ấn riêng?

Bây giờ khách hàng đã chán với cảnh vào cửa hàng bánh kem lựa chọn những cái bánh kem làm sẵn. Họ muốn đặt làm bánh kem theo ý riêng của họ bạn có đáp ứng được hay không?

Bạn thử tưởng tượng vào buổi tối Valentine bạn cùng nàng ngồi thưởng thức cái bánh hình nàng thích hay gợi nhớ đến kỉ niệm nơi gặp gỡ đầu tiên của hai đứa. Bánh cũng có thể làm phong cảnh được chứ! Đó là chiếc bánh chỉ dành riêng cho bạn và nàng mà không ở đâu có cả.

Bánh có thể lấy nguyên liệu từ bánh bông lan, kem hay chỉ đơn thuần là trái cây hoặc bất kì thứ gì bạn muốn như chocolate, bông hồng … Nó được làm dưới mọi hình dạng, kích cỡ, trọng lượng …

Bạn hãy để ý vào các buổi tiệc cưới cô dâu, chú rể thường muốn để trên sân khấu một cái bánh kem thật đẹp để làm phông chụp các bức hình lồng vào album cưới. Dịch vụ “bánh nghệ thuật” cũng sẽ làm các bánh kem mô hình (giả) đó và cho mướn.

Quá trình từ khi nắm bắt được ý tưởng của khách hàng cho đến hoàn tất chiếc bánh rất công phu: Đầu tiên bạn sẽ hỏi khách hàng muốn một cái bánh như thế nào, sau đó bằng kĩ thuật đồ họa bạn mô phỏng chiếc bánh đó trên máy tính cho khách hàng xem, cuối cùng là khâu hoàn tất nó bằng nguyên liệu thật.

Loại hình kinh doanh này đạt hiệu quả cao khi áp dụng kĩ thuật thương mại điện tử (không cần mướn mặt bằng). Bạn sẽ lập một trang web, đưa tất cả các mẫu mã sản phẩm bạn design lên (có thuyết minh đính kèm). Khách hàng nào có nhu cầu phải đặt trước một khoảng thời gian qui định nào đó mới có hàng. Cố gắng chỉ làm khi có đơn đặt hàng để đảm bảo chiếc bánh giao đến tay khách hàng luôn luôn tươi mới.

Đã qua rồi cái thời mở mặt bằng trưng bày những mẫu mã làm bánh kem cũ rích. Bán bánh không cần phải bỏ ra hàng chục triệu đồng mướn mặt bằng chi cho tốn kém. Nếu bạn có thể biến những chiếc bánh thành tác phẩm nghệ thuật tôi dám cam đoan bạn không hết việc để làm vì nhu cầu của các khách hàng trẻ rất lớn, nhất là vào các dịp Giáng sinh, Valentine … Điểm độc đáo của ý tưởng này là hướng đi kinh doanh khó có ai bắt chước được, nó tạo ra lợi thế cạnh tranh nếu bạn là người giỏi. Bởi khi bạn là người giỏi thì khách hàng chỉ có thể tìm đến bạn mà thôi!

2. HOÀN CẢNH KHÁCH QUAN:

Bằng vốn tri thức, kinh nghiệm sống khi quan sát hoàn cảnh khách quan bao năm tôi tin ý tưởng sẽ thành công bởi những lí do chính sau:

+ Nhu cầu thưởng thức các loại bánh ngon là nhu cầu thường trực của mỗi người, nay chúng ta làm cho công việc của mình trở thành nghệ thuật thì càng kích thích nhu cầu ấy tăng cao.

+ Xu hướng “cá nhân hóa” ngày càng bộc lộ rõ nét hơn thông qua hoạt động mua sắm. Điều đó thể hiện trong tất cả mọi lĩnh vực không ngoại trừ ngành ăn – uống. Chính vì thế ý tưởng sẽ được nhiều người ủng hộ.

+ Đối tượng khách hàng chính của ý tưởng là thanh niên nam nữ, thiếu niên nhi đồng. Đây là đối tượng khách hàng chiếm tỉ lệ đông, luôn ủng hộ trào lưu mới đáp ứng nhu cầu của họ như: Tạo ra niềm hứng khởi, phong cách độc đáo …

+ Kinh doanh bằng tài năng của mình. Hiện nay bất cứ ngành kinh doanh nào khi mở ra cũng bị người khác bắt chước, cạnh tranh, riêng loại hình kinh doanh bằng tài năng của mình luôn có một phong cách riêng không ai “ăn cắp” được công nghệ nếu không cho họ biết. Chính vì lẽ đó nếu ai có năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực mình kinh doanh sẽ quyết định sự thành công của họ.

+ Xã hội ngày càng tiến bộ vì có internet, rồi sẽ có ngày chúng ta không phải chạy ra đường mua cái bánh hay mướn mặt bằng để kinh doanh để phải cong lưng đóng tiền thuế, phí mỗi tháng nữa. Tiền thuê mặt bằng quá cao khiến cho không ít người phải “ngã ngựa” khi khởi nghiệp. Một điều phi lí nữa là tiền đó lại bắt khách hàng phải trả khi mua sản phẩm, chỉ có người cho mướn mặt bằng là ngồi rung đùi hưởng lợi dù họ chẳng biết gì về kinh doanh. Họ ngồi không ăn trên xương máu người khác khiến cho tất cả chúng ta đều phẫn nộ. Tại sao chúng ta lại để cho điều ấy xảy ra khi mình là người có tài năng hơn họ? Xã hội ngày càng mở ra nhiều con đường cho những ai có tài tiến gần hơn đến bục vinh quang loại dần những kẻ sâu mọt, trục lợi. Vậy mới công bằng!

3. ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ:

Sau đây là những điều kiện tối thiểu cần và đủ để bạn có thể thực hiện thành công ý tưởng này:

+ Bạn phải là người nắm được các kĩ thuật làm bánh nghệ thuật, nắm được nhu cầu, tâm lí khách hàng …

+ Bạn phải có số vốn khoảng 10 triệu VND (trong trường hợp nào đó ít hơn vẫn có thể làm được). Số vốn này bạn sẽ dùng để mua dụng cụ, nguyên liệu làm bánh; lập trang web; quảng cáo; giao dịch …

+ Bạn phải kiên nhẫn đủ để theo đuổi ý tưởng.

+ Bạn phải am hiểu về internet, thiết kế web, logo, slogan, banner và có khiếu chọn hình ảnh, viết bài đăng trên web.

+ Bạn phải là người có khiếu giao tiếp, khéo tay, óc thẩm mĩ, sáng tạo …

+ Bạn phải am hiểu cơ bản về các thủ tục pháp lí trong lĩnh vực kinh doanh ngành ăn uống.

+ Bạn phải là người cầu tiến, chu toàn, quản lí chặt chẽ tiền bạc …

4. KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI:

Kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng có khó khăn và thuận lợi, nếu như bạn cảm thấy mình không thể vượt qua những khó khăn liệt kê dưới đây thì tốt nhất không nên chọn thực hiện ý tưởng này. Sau đây là một số khó khăn và thuận lợi điển hình khi bạn quyết định theo đuổi ý tưởng này:

Khó khăn:

+ Về việc lập web: Nhiều người cứ cho rằng lập web không có gì khó, thật ra để có một trang web thú vị lôi cuốn khách hàng là điều không hề dễ dàng. Ngoài cách trình bày, chọn lọc hình ảnh, nội dung … thì khó khăn nhất chính là viết bài. Người quản lí web phải viết bài sao cho thật hay, ý nghĩa, phù hợp tâm lí người đọc, đúng đắn, thiết thực … Bạn phải biết rằng đối tượng khách hàng của bạn là ai để khi viết bài bạn phải nêu bật lí do tại sao họ nên chọn dịch vụ của bạn. Vấn đề này tưởng đơn giản nhưng lại rất khó đối với những ai không có khiếu văn chương.

+ Về việc thu lợi nhuận: Thời gian để hoàn thành một web lôi kéo được nhiều khách hàng ghé thăm ít nhất cũng phải mất từ 6 tháng – một năm. Trong thời gian này bạn phải viết, biên tập hàng ngàn bài viết đưa lên web. Đây quả là một công việc vô cùng đồ sộ, nếu bạn muốn thời gian sinh lợi nhanh hơn thì bạn phải cố gắng rất nhiều.

Thời buổi bây giờ kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào cũng bị cạnh tranh rất khốc liệt, do đó chắc chắn thời gian đầu mô hình này sẽ không sinh ra lợi nhuận đủ để bạn sinh sống đòi hỏi bạn phải kiếm thêm thu nhập từ nguồn khác. Sau khi web đem lại cho bạn một thu nhập ổn định thì bạn mới nên nghỉ việc khác để toàn tâm toàn ý tập trung cho sự nghiệp này.

+ Về việc nhập hàng: Mua hàng nào, ra sao là những câu hỏi vô cùng khó. Nếu quản lí đầu vào không tốt thì lợi nhuận thu vào sẽ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đặt lên hàng đầu. Không mua hàng trôi nổi mà mua hàng ở những cơ sở có uy tín, có sự kiểm định rõ ràng. Về cơ bản ta sẽ không mua hàng để sẵn mà chỉ mua hàng khi có khách đặt hàng.

+ Về việc thiết kế bánh: Vì mẫu mã bánh chưa có trên thị trường đòi hỏi bạn phải tự sáng tạo ra, nếu bạn nào không có năng khiếu này chắc chắn sẽ thất bại.

+ Về việc quản lí tiền bạc: Tiền bạc phải quản lí chặt, một đồng cũng không được thất thoát. Khi mua dụng cụ, thiết bị … phải tính đến hiệu suất sử dụng, độ bền, an toàn … Sau một thời gian sử dụng phải thanh lí để dụng cụ, thiết bị … luôn mới.

+ Về việc tuyển dụng, quản lí nhân sự: Đừng coi thường tính chuyên nghiệp ngay từ đầu. Nhân viên phải có những đức tính giống người chủ, phải có đạo đức nghề nghiệp, mặc đồng phục và nhã nhặn với khách … Đối với những bạn đã từng đứng ở cương vị quản lí có những hiểu biết nhất định về nghiệp vụ nhân sự thì không nói làm gì, nhưng đối với những bạn mới ra đời khi đứng ở cương vị quản lí sẽ rất lúng túng. Cái gì cũng phải học, rèn luyện từ từ, nếu có quyết tâm thì bạn sẽ làm tốt thôi.

Thuận lợi:

+ Đây là một ý tưởng kinh doanh cần số vốn rất ít. Lấy tài năng để kinh doanh do đó rủi ro gần như không có (nếu bạn là người giỏi).

+ Chiến lược kinh doanh trên mạng không mướn mặt bằng kinh doanh do đó hạn chế thấp nhất rủi ro, chi phí mà phạm vi hoạt động lại rộng lớn.

+ Mô hình kinh doanh không chỉ bán bánh thật mà còn bán bánh mô hình, cho thuê bánh mô hình do đó sẽ có nhiều nguồn thu.

+ Có thể mở lớp dạy kĩ năng làm bánh, bán sách dạy làm bánh, quảng cáo cho các doanh nghiệp …

+ Ý tưởng này phù hợp xu thế xã hội, nhu cầu nhiều nên được xã hội ủng hộ, từ đó công cuộc kinh doanh của bạn gặp nhiều thuận lợi hơn.
+ Giải quyết việc làm cho những người cao tuổi nhàn rỗi, tàn tật vì có thể nhận những đối tượng này làm nhân viên.



Tham khảo thêm một kế hoạch bán hàng thành công


Bạn có biết một kế hoạch bán hàng thành công nên bao gồm những yếu tố nào không? Những câu hỏi xung quanh việc "Ai, ở đâu, tại sao, khi nào và như thế nào?" có từng xuất hiện mỗi khi bạn nghĩ đến các biện pháp tăng doanh số bán hàng của công ty bạn không? Sau đây là một vài điều bạn cần lưu ý trước khi chuẩn bị một kế hoạch bán hàng.


Xác định kế hoạch bán hàng

Kế hoạch bán hàng nên ngắn gọn, đơn giản và có trọng điểm. Về cơ bản, kế hoạch bán hàng cần khôn khéo và thể hiện tính chiến lược nhằm thu hút các khách hàng mới. Thông thường, tỷ lệ phối hợp lý tưởng nhất sẽ là 75% doanh số bán hàng từ những khách hàng mới và 25% doanh số bán hàng từ những khách hàng hiện tại.

Một kế hoạch bán hàng bao gồm bốn bộ phận cơ bản:

- Các chiến lược thu hút khách hàng mới.

- Các phương pháp thu hút khách hàng mới.

- Các chiến lược tăng trưởng kinh doanh đối với những khách hàng hiện tại.

- Các phương pháp tăng trưởng kinh doanh đối với những khách hàng hiện tại.

Trước khi triển khai chương trình bán hàng, bạn cần nắm vững một số khái niệm sau:

- Doanh số bán hàng chỉ tiêu (Sales quota): Đây là nhân tố rất quan trọng của kế hoạch bán hàng, có vai trò "giữ nhịp" cho hoạt động của bạn trong cả năm, đồng thời đưa ra các mục tiêu phụ hàng quý, hàng tháng, hàng tuần và thậm chí hàng ngày để bạn thực hiện.

- Phạm vi, khu vực bán hàng (Sales territory): Đó là các thông tin liên quan đến khu vực địa lý, danh sách các thị trường cụ thể trong nước hay quốc tế, nơi bạn cung cấp sản phẩm/dịch vụ hay giải pháp kinh doanh.

- Chiến lược (Strategy): Là những kế hoạch và đường hướng cần thiết giúp bạn hoàn thành mục tiêu đề ra.

- Phương pháp hay chiến thuật (Tactic): Đây là những công việc cụ thể, những bước đi cần thiết của bạn khi thực thi kế hoạch bán hàng.


Các chiến lược và phương pháp thu hút khách hàng mới

1. Vượt chỉ tiêu hạn mức đề ra mỗi tuần:

- Gửi không dưới 50 thư chào hàng giới thiệu sản phẩm/dịch vụ tới các khách hàng mới.

- Gọi không dưới 50 cuộc điện thoại để giới thiệu về sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng mới.

- Gặp gỡ trực tiếp với không dưới 20 khách hàng mới.

- Tạo ra không dưới 10 đề xuất bán hàng.

- Tiến hành không dưới 5 buổi giới thiệu sản phẩm/dịch vụ.

Chú ý: Số lượng thư chào hàng, cuộc điện thoại… có thể thay đổi, điều quan trọng là bạn cần tính toán chính xác rằng bạn cần thiết lập quan hệ với bao nhiêu khách hàng để có thể đạt được chỉ tiêu về doanh số của bạn.

2. Gia tăng sự nhận thức của khách hàng về sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn:

- Gia nhập và tham dự vào không dưới 3 hiệp hội nhà nghề hay các tổ chức mà những khách hàng hiện tại và tiềm năng của bạn thường tham gia.

- Tích cực tham dự các hội chợ thương mại và hội thảo có sự góp mặt của khách hàng.

- Mua danh sách địa chỉ của các hiệp hội, tổ chức và gửi thiệp mừng hay thư chào hàng giới thiệu theo những địa chỉ này.

- Nói chung cần tham gia tối đa vào các sự kiện xã hội, xuất hiện trên báo chí… để thu hút sự chú ý và quan tâm của mọi người.

3. Gia tăng sự nhận thức của cộng đồng về sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn:

- Tham sự vào tất cả các sự kiện do phòng thương mại và công nghiệp địa phương tổ chức.

- Chủ động tiếp xúc với ít nhất 12 tổ chức khác nhau trong địa phương có mối quan tâm tới sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn.

- Dành thời gian và một phần ngân sách nhất định của bạn cho ít nhất 3 tổ chức phi lợi nhuận.

- Gia nhập vào không dưới 3 liên hiệp khác nhau, chẳng hạn như Le Tip hay Business Networking International.

4. Thu thập lời giới thiệu từ các khách hàng mới:

- Trong vòng 30 ngày sau khi cung cấp sản phẩm/dịch vụ hay giải pháp kinh doanh, bạn nên đề nghị mỗi khách hàng mới cho bạn biết ít nhất 3 cái tên và số điện thoại của những người mà họ biết rằng có thể sẽ sử dụng sản phẩm/dịch vụ và giải pháp kinh doanh của bạn.


Các chiến lược và phương pháp đối với những khách hàng hiện tại

1. Tạo ra một chương trình liên lạc thường xuyên:

- Liên hệ với từng khách hàng hiện tại ít nhất 1 lần/tháng, đưa ra những để nghị mới mà họ không thể nhận được từ bất kỳ ai khác.

- Xây dựng các bản tin hàng tháng thật hấp dẫn.

- Xây dựng các nhóm sử dụng (user-group) trong cơ sở dữ liệu khách hàng hiện tại của bạn.

- Tổ chức các buổi tranh luận trực tuyến hay ngoại tuyến cho các khách hàng hiện tại.

- Mời ít nhất 3 khách hàng hiện tại của bạn đi ăn trưa và mời một khách hàng mới cùng tham gia.

2. Điều tra, thăm dò trong số các khách hàng hiện tại:

- Xin phép đến thăm không dưới 3 nhà khách hàng để tìm hiểu, thăm dò ý kiến về sản phẩm/dịch vụ mà họ đang sử dụng.

- Đề nghị mỗi một khách hàng hiện tại giới thiệu về bạn tới những người quen biết của họ.

- Gặp gỡ, với tư cách cá nhân, các nhà quản lý cấp cao của công ty nơi khách hàng hiện tại của bạn đang làm việc.


Bây giờ đã đến lúc bắt tay vào thực hiện chương trình

Phần cuối cùng của kế hoạch bán hàng phải là các chi tiết về giới hạn thời gian hoàn thành từng chiến thuật mà bạn đã đề ra trên đây. Tốt nhất là bạn nên sắp xếp lịch trình thời gian theo tuần để việc thực hiện và kiểm tra được dễ dàng hơn.

Nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc, dù bạn đã xây dựng xong cho mình kế hoạch bán hàng. Hãy đảm bảo kế hoạch của bạn luôn được thực thi đúng lịch trình, đồng thời thường xuyên xem xét và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với thực tế. Làm được như vậy, bạn mới có thể hoàn thành tốt kế hoạch bán hàng đã đề ra, hay đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội hoàn thành mục tiêu doanh số bán hàng của mình.




Mở quán cafe cần những gì -
Ý tưởng kinh doanh với số vốn nhỏ
Những kĩ năng cần có của nhân viên bán hàng
Ý tưởng kinh doanh độc đáo của sinh viên
Kĩ năng cho nhân viên bán hàng
Lên kế hoạch cho năm mới thật hoàn hảo


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
tôi muốn mở một cửa hàng kinh doanh bánh sinh nhật,các loại bánh ăn nhanh cho học sinh vì nhà tôi gần trường học.Hiện tại tôi chưa biết làm một loại bánh nào.Vậy tôi phải bắt đầu từ đâu và vốn đầu tư ban đầu là bao nhiêu.Xin hãy giúp tôi
hơn 1 tháng trước - Thích (8) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý