Mọi sự vật trên thế giới đều chỉ là tương đối, trong dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe cần phải nắm vững “độ” và “lượng” của phương pháp dưỡng sinh thì mới có thể đem lại hiệu quả dưỡng sinh tốt nhất, giúp bạn mạnh khỏe sống lâu.
No và đói
Ăn no quá có hại cho sức khỏe, nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường chỉ vì ăn một bữa nhiều thịt bò quá mà chết. Quan thượng thư bộ lại đời Thanh là Mã Tề thọ 88 tuổi, cả bốn đời dòng họ ông đều có nhiều người trường thọ, trong đó có 15 người sống trên 100 tuổi. Cả gia tộc dòng họ Mã đều giữ thói quen ăn uống điều độ “sáng ăn đơn giản, trưa ăn nhiều và no, tối ăn ít”. Bí quyết của dòng họ này là: “Chỉ ăn ngót dạ, không ăn no quá, không uống rượu”. Song cũng có người vì muốn giảm béo, ăn quá ít, như vậy cũng không được. Trong cách ngôn dân gian về dưỡng sinh có nói: “Chỉ ăn ngót dạ độ tám phần, sẽ được sống lâu muôn tuổi mà không hề mắc bệnh tật gì”. Ăn uống điều độ sẽ giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và nội tạng, nâng cao được sức miến dịch cơ thể, giảm bớt bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
Động và tĩnh
Kinh nghiệm cuộc sống đã mách bảo chúng ta rằng: “Có động, có tĩnh sẽ vô bệnh tật”.
Các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh một người không hoạt động trong ba ngày liền thì sức mạnh cơ bắp đã giảm đi 1/5. Theo một báo cáo của tỉnh Triết Giang thì những người vận động, sức miễn dịch của cơ thể được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bệnh tật chỉ là 1,9%, còn những người ít hoạt động tỷ lệ bệnh tật lên tới 11,1%. Nhưng vận động cũng cần phải có khối lượng nhất định, nếu quá sức sẽ làm cho một số bộ phận “bị mài mòn” và làm rối loạn một số chức năng sinh lý, dẫn đến bệnh tật và giảm tuổi thọ.
Ngủ nhiều và ngủ ít
Các nhà dưỡng sinh thời cổ đại cho rằng “ngủ ít vốn là căn bệnh của người già”. Vì thế họ đã nêu lên “luận thuyết dưỡng sinh ngủ” vì cho rằng ngủ sẽ giúp con người sống lâu nhưng không có nghĩa là càng ngủ nhiều càng tốt. Hội nghiên cứu tim mạch Mỹ đã phát hiện ra rằng: những người một đêm ngủ mười tiếng có tỷ lệ tử vong cao hơn những người ngủ bảy tiếng một đêm là 2 lần, tử vong vì cảm gió cao hơn 3,5 lần. Trong dân gian có câu: “Ngủ sớm dậy sớm, bệnh tật sẽ chào thua”, “Ngủ muộn, dậy muộn sẽ chóng chết”.
Phóng túng và không phóng túng
Sở dĩ các vua chúa thời phong kiến thường hay chết sớm vì họ ăn chơi trác táng. Hoàng Đế Càn Long vì “tránh xa khuê phòng”, “không ham mê sắc đẹp, nên đã thọ 88 tuổi”. Danh y đời Đường Tôn Tư Mạc đã nói: “Phóng túng tình dục tất sẽ đoản mệnh. Tinh thần suy sụp tất sẽ dẫn tới cái chết”. Trong sách dưỡng sinh đời Minh cũng đề cập đến: “âm dương hòa hợp, tình dục đúng mức tất sẽ sống lâu”. Qua điều tra 1600 người, nhà khoa học Mỹ đã phát hiện: Những người lớn tuổi nếu giữ được lối sống lành mạnh sẽ có lợi cho sức khỏe và trí nhớ. Nếu sống buông thả trí tuệ sẽ nhanh chóng thoái hóa.
Rõ ràng phóng túng quá và kiêng kỵ nhiều quá cũng đều có hại cho sức khỏe, vì thế sinh hoạt đúng độ là cách lựa chọn tốt nhất.
Vui và buồn
Khi những người trẻ tuổi bị thất tình hoặc mất công việc làm ăn, người trung niên bị mất đi người thân, người già khi về hưu mất đi chỗ dựa tinh thần đều dễ dẫn đến tổn thương tâm lý và buồn bã, tất cả đều rất bất lợi cho sức khỏe. Nếu có thể tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ rất có ích cho sự khỏa lấp nỗi trống trải, tăng thêm niềm vui trong cuộc sống. Nhưng có người lại suốt ngày tắm mình trong vui thú, làm cho tinh thần mất thăng bằng, thậm chí dẫn đến đột tử ngay trên bàn chơi mạt chược, như vậy lại càng đáng buồn hơn. Trong “cách ngôn sức khỏe” có nói: “Vui chơi có mức độ, nếu đi quá đà sẽ làm cho sức cùng lực kiệt, biến vui thành buồn”.