Với cách quảng bá du lịch chưa tạo sự gắn kết như hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch cho hay việc thu hút khách du lịch vẫn do DN tự làm là chính chứ chưa thể mong chờ vào các chiến dịch quảng bá của cơ quan quản lý.
Một chuyên gia trong ngành du lịch khẳng định dù Việt Nam (VN) có nhiều tiềm năng nhưng công tác xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch nhiều năm qua rất kém, thậm chí còn thua xa... Campuchia.
Chưa tạo được nét đặc sắc
Hằng năm có nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn được tổ chức như ITB Berlin ở Đức, WTM ở Anh, Top Resa ở Pháp, Trade Show ở Mỹ, JATA ở Nhật Bản...
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên Online, trước năm 2009, việc tổ chức thiết kế gian hàng ở các cuộc xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch ở nước ngoài đều do Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) đảm nhận.
Tuy nhiên, phần lớn các DN sau khi tham gia hội chợ đều không hài lòng do khả năng thiết kế và tổ chức của cơ quan này thiếu chuyên nghiệp.
|
Trong khi các nước tham gia hội chợ quốc tế có một khu vực riêng với thiết kế không gian, hình ảnh bắt mắt giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của nước mình thì các gian hàng doanh nghiệp VN lại nghèo nàn về thông tin.
Do thiếu sự liên kết, đặc biệt là sự gắn kết DN từ phía nhà nước nên quảng bá du lịch ở thời điểm này vẫn "mạnh ai nấy làm".
Năm 2009, ông Nguyễn Văn Tuấn về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Từ đây, ông Tuấn có sáng kiến không để Vụ Thị trường thiết kế gian hàng nữa mà thay vào đó tiến hành đấu thầu cho DN tham gia rộng rãi.
Theo đó, DN nào có phương án thiết kế tối ưu, đẹp và chi phí rẻ nhất sẽ được giao thiết kế gian hàng ở các hội chợ du lịch quốc tế có ngành du lịch của VN tham gia.
Với sự thay đổi này, Tổng cục Du lịch kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho không chỉ những DN du lịch lớn mà ngay cả DN nhỏ cũng có cơ hội tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, từ đó xúc tiến tìm kiếm khách hàng.
Tuy vậy, việc cho đấu thầu này lại không đem lại kết quả như mong đợi. Một số hội chợ du lịch quốc tế để cho DN đấu thầu thiết kế gian hàng lại thiếu tính chuyên nghiệp và không đem đến hiệu quả cho doanh nghiệp. Do đó, năm 2011, Tổng cục Du lịch giành lại quyền thiết kế, xây dựng gian hàng tại các hội chợ du lịch quốc tế.
Nhưng tại hội chợ WTM 2012 tại London (Anh), Vietnam Airlines (VNA) được Tổng cục Du lịch tin tưởng cho đảm nhận việc thiết kế gian hàng. Thời điểm này, VNA đang mở đường bay thẳng từ VN đến Anh.
Là hãng hàng không quốc gia có nhiều đối tác ở nước ngoài nên tại hội chợ WTM 2012, VNA đã thuê hẳn một công ty quảng cáo của Anh thiết kế, xây dựng gian hàng chung rất chuyên nghiệp và được DN du lịch đánh giá cao.
Tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 mới đây ở Đức, VNA lại được giao trọng trách tổ chức việc thiết kế gian hàng chung VN ở hội chợ.
Quảng bá du lịch VN thua xa Campuchia
Từng tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế, ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó giám đốc Ban Tiếp thị truyền thông, Công ty du lịch Vietravel thừa nhận vai trò rất quan trọng của các hội chợ, bởi ở đây DN sẽ có cơ hội tìm hiểu, gặp gỡ đối tác cũng như được cung cấp rất nhiều thông tin chính xác về thị trường.
“Kinh tế đang khó khăn trong khi chi phí tham gia gian hàng, ăn ở, đi lại ở hội chợ như ITB (Đức) cực kỳ đắt đỏ. Công ty tốn khoảng 40.000 - 50.000 USD cho bốn nhân viên sang Đức trong vòng hai tuần để tìm kiếm khách hàng. Biết đắt như thế nhưng không thể bỏ hội chợ này được”, ông Mẫn nói.
|
Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cũng thừa nhận không thể bỏ qua những hội chợ quốc tế như ITB (Đức), WTM (Anh), Top Resa (Pháp) bởi ở đây luôn tập hợp đông đảo DN cũng như đối tác trong ngành du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, hiệu quả của các cuộc xúc tiến, quảng bá của đoàn VN ở các hội chợ quốc tế còn thấp so với kỳ vọng và kinh phí bỏ ra.
Lý do, trình độ và hiểu biết của những người đi xúc tiến chưa cao, bài bản. Chưa kể đoàn đi xúc tiến thường rất ít các chuyên viên có nghề mà chủ yếu là các quan chức.
"Đừng nghĩ đến đó dựng lên vài gian hàng là xong. Người xúc tiến du lịch phải tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm kêu gọi thu hút khác, với rất nhiều tài liệu, hình ảnh đi kèm. Ở đây không phải là chưng cái gì mà phải tìm hiểu xem khách cần gì để đáp ứng nhu cầu của họ", ông Hòa nói.
Ông Hòa phân tích thêm: "Tham gia xúc tiến ở hội chợ nào thì phải nghiên cứu khách ở thị trường đó. Ví dụ, ITB và WTM cũng là hội chợ quốc tế nhưng khách mình nhắm đến là khách châu Âu nên các tour liên quan đến tâm linh sẽ không hiệu quả. Nhưng nếu là hội chợ ở khu vực Trung Đông thì vấn đề tâm linh thể hiện trong tour lại thu hút hơn".
Ngoài ra, việc xúc tiến muốn thành công đòi hỏi phải có đối tác ở nước sở tại. Đối tác này vừa bán tour cho DN VN nhưng lại vừa giúp đoàn VN quảng bá ngay ở hội chợ.
Một chuyên gia trong ngành du lịch cho hay ở một hội chợ du lịch quốc tế, trước hết các DN phải hợp lực thu hút du khách quốc tế đến VN đã (thay vì đến Thái Lan, Trung Quốc...) rồi mới đến việc lôi kéo họ đến với DN của mình. Cần phải hợp lực cạnh tranh quốc tế trước khi cạnh tranh lẫn nhau.
"Nhưng có vẻ như các DN chưa ai tin ai và tất cả đều cùng... chưa tin cơ quan quản lý. Tình trạng đơn lẻ, manh mún vẫn tiếp diễn trong lĩnh vực quảng bá du lịch", vị này nói.
Chuyên gia này khẳng định dù VN có nhiều tiềm năng nhưng công tác xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch bao năm qua rất kém, thậm chí còn thua xa Campuchia.
Ở khía cạnh này, ông Tôn Thất Hòa thừa nhận việc thu hút khách quốc tế của VN chưa bằng Campuchia nếu so với những địa danh như Siem Reap, Angkor...
Ở đây một phần những địa danh như Siem Reap, Angkor nổi như cồn mà ít địa danh nào của VN phân bì được. Nhưng góp nên thành công chính là việc ngành du lịch Campuchia khi thấy mình chưa đủ sức đã giao việc quảng bá, khai thác những địa danh này cho các công ty du lịch của Ý, Pháp, Thụy Sỹ.
"Tất nhiên, giao việc cho công ty nước ngoài thì du lịch Campuchia phải chia sẻ lợi nhuận. Nhưng rõ ràng việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh được làm bài bản hơn. Cho nên khách du lịch đến Siem Reap, Angkor đông nghìn nghịt quanh năm suốt tháng", ông Hòa nói.
Chiến lược Internet hóa quảng bá du lịch thông minh
Chi 1 triệu USD và thu về 150 triệu USD- Đó là chiến dịch quảng cáo du lịch được mệnh danh là thông minh nhất của Queensland, Australia mang tên " Công việc tốt nhất thế giới".
Chi phí cho chiến dịch quảng cáo du lịch này chỉ khoảng trên 1 triệu USD, tuy nhiên hiệu quả quảng cáo toàn cầu của nó lại lên tới 150 triệu USD...".
7 triệu lượt người quan tâm, 34.000 video dài 1 phút từ 200 quốc gia, 200.000 blog và khoảng 43.000 bài viết là kết quả thu được từ ý tưởng quảng bá du lịch tìm ứng viên vào vị trí "Công việc tốt nhất thế giới" đầy sáng tạo của Queensland, Australia.
Trước nay, truyền thông trong quảng bá du lịch chưa được chú trọng nhiều. Tuy nhiên thành công vang dội của chiến dịch mang tên "Công việc tốt nhất thế giới"của Queensland, Australia có lẽ là bài học đáng giá cho nhiều quốc gia để thay đổi tư duy sáng tạo. Trong thời gian vừa qua, thế giới dõi theo cuộc thi Công việc tốt nhất thế giới của ngành du lịch Queensland, Australia. Người thắng cuộc đã được quyết định, Ben Southall – một công dân Anh, 34 tuổi – giành được công việc trong mơ này.
Bắt đầu từ ngày 1/7 tới anh sẽ làm công việc của mình. Đó là bơi lội, khám phá và thư giãn tại hòn đảo Hamilton, đương nhiên không quên việc viết blog kể về việc khám phá đảo. Mức lương anh được hưởng sau 6 tháng sống như ông hoàng là 110.000 USD.
Bỏ 1 triệu, thu được 150 triệu
Chiến dịch "Công việc tốt nhất thế giới" của ngành du lịch Queensland được thực hiện bởi CumminsNitro, một công ty quảng cáo ở Melbourne, Australia. Chiến dịch này vừa giành được vị trí cao nhất trong giải One Show lần thứ 34 ở New York – một trong những giải thưởng danh giá nhất của ngành công nghiệp quảng cáo toàn cầu.
Sự đột phá trong chiến dịch này là đã khai thác triệt để Internet và các phương tiện truyền thông, nhằm thu hút hơn 34.000 bài viết cho công việc chăm sóc dải san hô ngầm khổng lồ ở quần đảo Hamilton và hưởng lương 110.000 USD. Các quan chức trong ngành du lịch cho biết chi phí cho chiến dịch này chỉ khoảng trên 1 triệu USD, tuy nhiên hiệu quả quảng cáo toàn cầu của nó lại lên tới 150 triệu USD.
Matt Farrugia giám đốc điều hành CumminsNitro cho hay trang web của chiến dịch này được khởi động trong bối cảnh nạn thất nghiệp lan tràn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 2 ngày đầu phát động, trang web này đã thu hút được lượng người truy cập vượt xa cả mục tiêu ban đầu của nhà tổ chức và trong vòng 2 tháng đã có khoảng 7 triệu người truy cập. Cuộc thi này cũng đã nhận được 34.000 video dài 1 phút tham gia tranh tài đến từ 200 quốc gia.
Matt Farrugia thừa nhận: "Cuộc thi này đã tạo ra được sự quan tâm chưa từng có. Mọi người đều muốn biết câu chuyện của những người khác bởi đó là những câu chuyện hay, hấp dẫn và giàu hình ảnh". Chiến dịch này đã thu hút được 200.000 blog và khoảng 43.000 bài viết mới – một con số đáng kinh ngạc.
Không thể phủ nhận được tác động tích cực của truyền thông trong quảng bá du lịch, nhất trong bối cảnh phát triển không ngừng của những trang blog, hay các mạng xã hội. Và còn gì thú vị hơn, khi không phải chính quyền địa phương tự PR cho hình ảnh của mình mà chính các blogger viết bài quảng bá du lịch cho địa phương đó thông qua trang blog cá nhân của họ.
Chiến lược Internet hóa quảng bá du lịch thông minh
Schuman là nhân vật khá nổi tiếng trong giới blogger, người chuyên post ảnh thời trang "chộp" được từ khắp các con phố trên thế giới. Trang blog của anh thu hút được hơn 36 triệu bạn đọc mỗi năm. Tạp chí Time xếp hạng Scott Schuman trong danh sách 100 người có ảnh hưởng tới thiết kế, còn trên tạp chí the Observer anh nằm trong số 20 blogger quyền lực nhất thế giới.
Geoff Buckley giám đốc phụ trách ngành du lịch Australia cho hay chương trình này sẽ mở rộng việc tiếp thị hình ảnh Australia tới môi trường công nghệ Internet ngày càng phát triển lớn mạnh.
"Chúng tôi nhận thấy ngày càng hiện xuất hiện các thủ lĩnh mới nhiều quyền lực, như các blogger, chính họ là người tạo ra sự chuyển dịch thông tin nhanh nhạy và có nền tảng người hâm mộ hùng hậu ở nhiều quốc gia".
"Những nhân vật có ảnh hướng này giúp chúng tôi tiếp cận với những sở thích khác kiểu du lịch truyền thống, đồng thời đem tới cho chúng tôi lượng khán giả đông đảo hơn. Điều này quả thực rất có giá trị trong giai đoạn khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm du lịch". Không chỉ mời blogger Scott Schuman, ngành du lịch Australia còn mời cả những blog nổi tiếng khác trên thế giới như Julia Knole of Lesmads.de – một blogger về phong cách sống, thời trang, thiết kế, nhiếp ảnh nổi tiếng của Đức, trang blog của anh có hơn 210.000 lượt truy cập mỗi tháng; hay Yibo Fan – một trong những blogger phượt hàng đầu Trung Quốc.
Ông Buckley cũng nói rằng trước đó ngành du lịch Australia cũng đã sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Bebo, MySpace và Facebook trong chiến dịch quảng bá du lịch trực tuyến. Kết quả là hơn 200.000 người trở thành "fan" trung thành của trang Facebook ngành du lịch Australia, và mỗi ngày có khoảng 1.000 người mới tham gia.
Buckley còn chia sẻ trang web này giúp những du khách đã từng tham quan Australia chia sẻ kinh nghiệm du lịch ở đây. "Tạo điều kiện để có những đối thoại cởi mở giữa những du khách về lý do tại sao Australia là một nơi thú vị để tới du lịch, có thể là một công cụ hiệu quả tới không ngờ, và chắc chắn nó sẽ góp phần lôi kéo du khách đến đất nước chúng tôi nhiều hơn trong tương lai".
Khó có nước nào được ưu thế về du lịch như Việt Nam: đường bờ biển, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên kỳ vĩ… Nhưng du lịch Việt Nam vẫn lạc hậu, thể hiện ngay từ khâu quảng bá.
Việt Nam có 3.200 km bờ biển với những vịnh biển và bãi biển được ví như thiên đàng nơi hạ giới. Một số vịnh, đường bờ biển của Việt Nam như ở Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang được xếp vào những vịnh, bãi biển đẹp nhất thế giới.
Đất nước chúng ta có những hang động bí ẩn và kỳ thú, những ngôi chùa nhuốm màu huyền thoại. Những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam như rừng quốc gia Cát Bà, Cù Lao Chàm… được cả thế giới nâng niu và muốn khám phá. Đó chưa kể đến những phong tục tập quán đặc trưng mà ngành du lịch có thể tận dụng khai thác lợi thế.
Rất nhiều chuyên gia du lịch đã so sánh tiềm năng du lịch của Việt Nam với các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia và đều công nhận Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt tiềm năng hơn. Tuy nhiên, chỉ xét riêng các chiến dịch quảng bá của du lịch Việt Nam, chưa tính đến cách đầu tư và khai thác dịch vụ, thì thấy khách du lịch mất cảm tình với cách ứng xử thông tin quảng bá của ngành du lịch Việt Nam.
Hãy nhìn vào các pa nô (paneau), áp phích (affiche), tờ rơi của ngành du lịch. Mọi thứ đều rất lem nhem và thiếu đồng bộ. Những tấm paneau, affiche như những banzon khẩu hiệu cấp… làng: chất liệu nhăn nhúm, rách nát, chất lượng in ấn nhòe nhoẹt giống tranh cổ động… Suốt dọc đường từ Bắc vào Nam, đi đâu du khách cũng phải bắt gặp những hình ảnh như vậy chào đón mình.
Hình ảnh những ấn phẩm quảng cáo như tranh cổ động.
Đầu những năm 2.000, ngành du lịch Việt Nam đưa ra một chiến dịch quảng bá với tên gọi: Vietnam - destination for the new millennium (Việt Nam – điểm đến của thiên niên kỷ mới). Poster là một cô gái Quảng Bình tóc ngắn đội nón trắng có nụ cười rạng rỡ. (Báo chí có đề cập hình ảnh này là hình ảnh ngành du lịch sử dụng… miễn phí).
Cái tên chiến dịch quảng bá khá hay. Nó nói được ý nghĩa: Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh như nhiều người vẫn từng nghĩ. Tuy nhiên, chữ nghĩa trong slogan quá dài, khó nhớ; những hình ảnh vẫn chưa thể hiện sự chuyên nghiệp nên ngành du lịch Việt Nam lại nghĩ cách khác cho chiến dịch quảng bá.
Điểm đến của thiên niên kỷ mới rồi bỏ ngỏ ...
Tiếp đến là chương trình quảng bá… vô thưởng vô phạt: welcome to Vietnam. Lại là hình vẽ một cô gái mặc áo dài, tà áo bay phấp phới ra đằng sau. Ngành du lịch Việt Nam bị kéo về mức lạc hậu chưa từng có. Dọc đường đi qua các làng, xã, huyện của Việt Nam, bạn sẽ được chứng kiến các câu slogan tương tự: welcome to Mù Cang Chải, welcome to Hòa Bình…
Không thể vô duyên hơn với chiến dịch quảng bá du lịch: welcome to Vietnam.
Rồi đến chương trình Vietnam – the hidden charm, nghe có vẻ chuyên nghiệp hơn. Nhưng cả cái chương trình đó cũng không hơn gì những chương trình trước. Du lịch Việt Nam vẫn đứng sau những nước kém lợi thế hơn ở Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Malaysia.
Vấn đề ở các chiến dịch quảng bá của họ đi kèm với những dịch vụ cụ thể. Ví dụ chương trình vé máy bay rẻ của Malaysia được khách du lịch trên toàn thế giới biết đến. Đây mới là những thông tin hữu ích nhất mà khách du lịch cần. Họ cần thông tin về xin visa nhập cảnh, giá vé máy bay, giá tour, giá phòng… chứ không phải những thứ “the hidden charm” khám phá mỏi mắt không thấy…
Gần đây, các phương tiện truyền thông đã chú ý hơn tới những thông tin du lịch liên quan đến văn hóa như: văn hóa ẩm thực, cách sinh hoạt vùng miền của bà con các vùng khác nhau, những phong tục lạ… của Việt Nam. Khách du lịch thế giới rất thích thú với những thông tin dạng như thế này (thông tin về những món ăn ngon của Việt Nam trên kênh CNN). Họ có thể tìm hiểu: ăn ngon, ăn rẻ ở đâu, nghỉ ngơi thế nào là tốt nhất, hòa nhập trong cuộc sống cộng đồng của người Việt Nam như thế nào…
Một trong 40 món ăn của Việt Nam được CNN giới thiệu.
Có cả chỉ dẫn quán nào ngon, địa chỉ như thế nào, cách thưởng thức, ...
Đây là những điều khách du lịch cần chứ không phải thứ khám phá mãi không ra.
Trước khi nghĩ đến những chiến dịch quảng bá cho du lịch Việt Nam, chúng ta cần bắt đầu từ những thứ chúng ta có mà khách du lịch muốn tìm hiểu và khám phá. Một quán ăn ven đường ngon, rẻ, đảm bảo vệ sinh cũng là những chỉ dẫn tốt cho khách du lịch. Đó không phải là vẻ đẹp tiềm ẩn nào hết, đó là xuất phát từ thực tế mà ra.
Bí quyết thành công của phụ nữ
Cách tạo dựng mối quan hệ hiệu quả
Nghề kinh doanh lợi nhuận cao
Làm việc ở công ty nhỏ được và mất!
Kế hoạch kinh doanh du lịch -
Câu hỏi phỏng vấn nhân viên bán hàng
(st)