Sau khi sinh có được ăn chuối tiêu không?

seminoon seminoon @seminoon

Sau khi sinh có được ăn chuối tiêu không?

19/04/2015 02:46 AM
15,931

Trong chuối tiêu có chứa hàm lượng lớn chất xenlulozơ và sắt, có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, bổ máu. Do vậy sản phụ ăn nhiều chuối tiêu rất tốt cho sức khỏe, và có thể tránh được hiện tượng táo bón và thiếu máu sau sinh.

 

HOA QUẢ NÀO TỐT CHO SẢN PHỤ

 

Chuối tiêu

Trong chuối tiêu có chứa hàm lượng lớn chất xenlulozơ và sắt, có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá, bổ máu. Sản phụ thường nằm nhiều, dễ dẫn đến hiện tượng táo bón. Sau sinh do mất máu nên rất cần bổ sung máu, sắt lại là một trong những chất chính tạo máu nuôi cơ thể.

Kết quả hình ảnh cho chuối tiêu

Do vậy sản phụ ăn nhiều chuối tiêu có thể tránh được hiện tượng táo bón và thiếu máu sau sinh. Lượng sắt nạp vào cơ thể người mẹ nhiều, lượng sắt trong sữa cũng tăng theo, còn có tác dụng phòng tránh hiện tượng thiếu máu ở trẻ sơ sinh.

Quýt

 Kết quả hình ảnh cho bà bầu ăn quýt

Trong quýt có hàm lượng Vitamin C và Can-xi tương đối lớn. Vitamin C giúp tăng cường tính co giãn, đàn hồi của thành mạch máu, ngăn ngừa hiện tượng chảy máu. Sau khi sinh, lớp màng bên trong cổ tử cung sản phụ xuất hiện vết thương tương đối lớn, chảy nhiều máu. Nếu ăn một lượng quýt thích hợp, có thể ngăn ngừa tình trạng tiếp tục chảy máu.

Can-xi là thành phần quan trọng trong việc hình thành cấu trúc xương và răng ở trẻ sơ sinh. Nếu người mẹ ăn một lượng quýt thích hợp có thể thông qua sữa của mình cung cấp chất can-xi cho trẻ, như vậy không chỉ thúc đẩy quá trình tăng trưởng hệ thống xương và răng của trẻ, mà còn có thể ngăn ngừa bệnh còi xương cho bé.

Ngoài ra, hạt quýt, sơ quýt còn có tác dụng thông sữa. Khi tuyến sữa của người mẹ bị tắc, dẫn tới việc sữa bị ít đi, thậm chí gây ra bệnh viêm tuyến sữa cấp tính, ảnh hưởng đến việc nuôi trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ. Ăn quýt có thể tránh được các hiện tượng trên.

Sơn trà

Trong sơn trà có nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng dinh dưỡng nhất định với sản phụ. Sơn trà còn chứa lượng lớn axit citric, và maslinic có tác dụng giải khát, hoạt huyết. Sản phụ sau khi sinh thường bị kiệt sức, không muốn ăn, miệng khô. Nếu ăn một lượng sơn trà thích hợp có thể kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ và việc nuôi trẻ. Ngoài ra, sơn trà còn có tác dụng hoạt huyết, có thể đào thải máu đọng bên trong cổ tử cung, giúp giảm đau.

Táo đỏ (Táo tàu)

Táo đỏ có hàm lượng vitamin C cao, và lượng lớn chất glucozơ và protein. Trung y quan niệm táo đỏ là loại thuốc tốt nhất trong các loại quả, có tác dụng giải độc, bổ tì hoạt vị, điều hoà huyết mạch… đặc biệt thích hợp cho sản phụ để bổ sung khí huyết, chữa hiện tượng tì vị suy nhược sau sinh. Táo đỏ có hương vị thơm ngọt, nhiều cách ăn, có thể ăn sống hoặc ninh cháo ăn nóng.

Kết quả hình ảnh cho táo đỏ

Long nhãn

Long nhãn là một loại quả giàu chất dinh dưỡng. Theo Trung y, long nhãn vị ngọt, tính bình, không độc, là loại quả tốt cho việc bổ huyết dưỡng tì. Sản phụ cơ thể suy nhược sau sinh, ăn một lượng long nhãn tươi hoặc long nhãn khô thích hợp, vừa có thể bổ khí cho tì vị, vừa có thể bổ máu.
 

CÔNG DỤNG TUYỆT VỜI CỦA QUẢ CHUỐI TIÊU
 

Rẻ, dễ mua, không chỉ cung cấp một lượng vitamin phong phú cho cơ thể mà chuối tiêu còn có thể giúp da bạn thêm mịn màng, mắt sáng hơn và nhiều ích lợi khác nữa.

Trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều công dụng của chuối tiêu và coi loại quả này như một vị thuốc mới.

Giảm lượng cholesterol trong máu

Lượng cholesterol trong máu tăng cao sẽ gây ra bệnh về tim mạch. Trong thân cây chuối có một chất không chế được cholesterol trong máu. Những người có lượng cholesterol trong máu cao nên dùng 50g thân chuối rửa sạch, thái lát mỏng rồi hòa với nước sôi, uống liên tục trong vòng 10 – 20 ngày sẽ có  hiệu quả trong việc chữa trị.

Kết quả hình ảnh cho chuối tiêu

 Điều trị loét đường tiêu hóa

Những bệnh nhân mắc bệnh loét đường tiêu hóa hay phải uống thuốc Phenylbutazone, để lâu sẽ gây chảy máu dạ dày. Trong chuối tiêu có chứa một chất có tác dụng kích thích sản sinh các tế bào niêm mạc dạ dày để bảo vệ thành dạ dày nên hạn chế được khả năng chảy máu dạ dày.

Có lợi cho người bị cao huyết áp

Cơ thể người bị cao huyết áp và người mắc bệnh tim mạch thường thừa natri mà thiếu kali. Trong chuối tiêu có nhiều kali nên ăn 3 – 5 quả mỗi ngày sẽ duy trì sự cân bằng natri – kali và độ cân bằng pH cho cơ thể, giúp hạn chế sự tổn hại đến mạch máu do thừa natri.

Nói “không” với chứng trầm cảm

Trong chuối tiêu có một chất hóa học giúp não sản sinh chất 6-HT có tác dụng gây cảm giác hưng phấn, vui vẻ ở con người. Người mắc chứng trầm cảm có thể ăn nhiều chuối tiêu để dần dần loại bỏ cảm giác chán nản, thất vọng và trở nên yêu đời, lạc quan hơn.

Hết ngứa da

Các thí nghiệm thực tế đã chứng minh vỏ của quả chuối tiêu có một hợp chất khống chế được vi khuẩn và nấm gây ngứa da. Vì vậy, khi bị ngứa da do vi khuẩn hoặc nấm, bạn có thể lấy vỏ chuối tươi sát trực tiếp lên da hoặc hấp cách thủy. Dùng liên tục trong vài ngày sẽ có hiệu quả rất rõ rệt.

Cắt cơn ho

Người bị ho liên tục không ngừng cơn nên chưng 1-2 quả chuối tiêu với đường viên, mỗi ngày ăn 1 – 2 lần sẽ làm giảm cơn ho.

Điều trị bệnh trĩ và đi ngoài ra máu

Mỗi ngày ăn 2 quả chuối tiêu trước bữa cơm hoặc ăn chuối cả vỏ có tác dụng nhuận tràng thông tiện, hạn chế chứng tiện bí và đi ngoài ra máu.

Giảm béo

Chuối có hàm lượng tinh bột cao nên dễ làm no bụng. Khi tinh bột được hấp thu vào cơ thể và chuyển hóa thành đường cần một khoảng thời gian nhất định, vì thế năng lượng không bị tích trữ trong cơ thể quá nhiều. Chính vì lí do này, chuối tiêu đã được các nhà dinh dưỡng xếp vào nhóm thực phẩm giảm béo có lợi cho cơ thể.

Làm đẹp với mặt nạ chuối tiêu

Nghiền nửa quả chuối, trộn đều với sữa tươi làm mặt nạ đắp mặt trong 15 – 20 phút rồi rửa sạch bằng nước lạnh. Mặt nạ chuối tiêu sẽ hút sạch bụi bẩn bám trên da mặt, giúp gưong mặt bạn mịn màng, sáng bóng và ít tàn nhang.

Bên cạnh những ích lợi trên, các chuyên gia y tế còn lưu ý: Chuối tiêu có tính hàn nên những người bị đau dạ dày, bị đau bụng do tiêu chảy không nên ăn nhiều. Trong chuối có chứa nhiều magiê, tốt cho tim mạch nhưng ăn nhiều có thể gây ra buồn ngủ. Vì vậy các lái xe không nên ăn chuối khi đói bụng.
 

CHĂM SÓC BÀ MẸ SAU KHI SINH
 

Cách chăm sóc phụ nữ sau khi sinh

6 giờ đầu sau đẻ thời gian dễ có biến chứng chảy máu nên sản phụ cần được cán bộ y tế chăm sóc, theo dõi. Thời gian này, sản phụ nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng, uống nước hoa quả để bổ sung vitamin, chất khoáng.

Thời gian cần thiết để cơ quan sinh sản hồi phục về cấu trúc và chức năng là 45 ngày. Sau đẻ 4-6 tháng, sức khỏe người mẹ mới coi là ổn định để có thể làm việc như trước. Muốn được như vậy, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vệ sinh sau đẻ, nghỉ ngơi, vận động và ăn uống. Khi đã hết nguy cơ chảy máu, sản phụ có thể vận động nhẹ nhàng giúp cho sự lưu thông sản dịch được dễ dàng, tránh ứ đọng, gây nhiễm khuẩn cơ quan sinh sản, tránh biến chứng viêm tắc tĩnh mạch sâu.

Nhu cầu về ăn uống: Tổng số calo cần bảo đảm khi cho con bú là 2.300-2.500 calo cho các bà mẹ sinh một con; 2.600-3.000 calo nếu sinh đôi. Vẫn nên tiếp tục ăn uống có chất lượng như khi đang có thai, đa dạng và cân đối. Chế độ ăn cân đối để phục hồi sức khỏe và giúp cho quá trình tạo sữa được tốt. Ăn bao nhiêu là đủ phụ thuộc vào sự ngon miệng, do đó nên ăn theo khẩu vị. Những loại thực phẩm sau đây có giá trị dinh dưỡng: thịt, hạt (đậu đỗ), các loại rau xanh, hoa quả (hoặc nước vắt chứ không phải nước hoa quả đóng chai), cơm, bánh mỳ, sữa, trứng, pho mai.

Kết quả hình ảnh cho mẹ sau sinh

Chế độ ăn cũng cần đảm bảo đủ vi chất như sắt, kẽm, magiê, vitamin D, vitamin E và folic acid. Kẽm có trong thịt, trứng và ngũ cốc. Magiê có trong ngũ cốc, đậu đỗ, quả hạch. Vitamin E có trong mầm lúa mỳ, quả hạch, ngũ cốc và nhiều loại dầu. Thịt, trứng, bánh mỳ, ngũ cốc và mầm lúa mạch đều chứa nhiều chất sắt. Nhu cầu canxi khi cho con bú là 1,250mg (tương đương với khoảng một lít sữa tách bơ hay sữa đậu nành).

Cung cấp đủ lượng dịch: gồm nước và các loại dịch khác (nước vắt hoa quả, cháo loãng, sữa không kem…). Lượng dịch tổng thể từ 2-2,5 lít/ngày. Nếu các bà mẹ thấy nước tiểu của mình sẫm màu, cần tăng thêm lượng dịch uống.

Vận động: Tránh vận động nhiều, ít nhất là 6 tuần lễ sau đẻ. Trước khi vận động, nên làm cho hai bầu vú hết sữa vì vận động mạnh hai cánh tay có thể làm dòng sữa tiết ra. Tránh vận động thể thao nặng trong 2 tháng đầu sau đẻ vì dễ có nguy cơ gây chấn thương cho khớp. Bơi có lợi vì khớp, vú và sàn chậu được nước nâng đỡ.

Vệ sinh: Sau 3 ngày kể từ khi đẻ, sản dịch chỉ còn màu hồng, sau 10 ngày chỉ còn dịch vàng. Chỉ cần rửa ngoài bằng nước và xà phòng, không rửa sâu vào âm đạo. Ngày rửa 2 lần là đủ, kể cả khi có vết khâu tầng sinh môn. Tắm ở nơi ấm áp, kín gió không chống chỉ định sau đẻ.

Nên kiêng những gì?

- Không có căn cứ khoa học nào để kiêng tôm, cua, cá – những thứ có nhiều vi chất (kẽm, iod, canxi…), chỉ tránh khi gây dị ứng hay rối loạn tiêu hóa cho người ăn.

- Tránh hay hạn chế cà phê: vì nhiều quá làm cho trẻ quấy nhiễu.

- Rượu và đồ uống có độ cồn: nếu dùng đồ uống có độ cồn thì nên cho bú trước đã, sau khi uống rượu cũng cần phải đợi 1-2 giờ mới cho bú lại.

- Tránh hút thuốc lá: chất nicotin và các sản phẩm giáng hóa của nó có thể đi vào sữa và có thể làm cho trẻ tăng nhịp tim, quấy khóc, nôn và tiêu chảy, còn ảnh hưởng đến sự thèm ăn và ngon miệng của mẹ. Hút thuốc lá chủ động hay bị động (ngửi khói thuốc lá) có thể tăng nguy cơ trẻ bị hội chứng đột tử và tăng nhiễm khuẩn đường hô hấp và tai, dù trẻ được nuôi dưỡng bằng cách nào. Thuốc lá còn có thể ảnh hưởng đến sự xuống sữa (phản xạ tiết sữa) và có thể giảm lượng sữa.

- Tránh một số gia vị gây kích thích và tiết qua sữa: hành, tỏi, ớt, hồ tiêu.

- Kiêng quan hệ tình dục trong vòng 45 ngày sau đẻ. Sau thời gian đó, có thể sinh hoạt khi cả hai vợ chồng đều cảm thấy cần thiết.

Những dấu hiệu cần thông báo ngay cho bác sĩ?

Có nhiều vấn đề cần thông báo cho thầy thuốc, kể từ nhẹ đến nghiêm trọng:

- Đau vùng tầng sinh môn: có thể kéo dài 1-2 tháng.

- Bí đái hay không kìm giữ được nước tiểu: thường được chữa trị bằng châm cứu.

- Đau vùng thắt lưng, đau các cơ bụng kéo dài: gây hạn chế vận động.

- Rối nhiễu xúc cảm và tâm trí sau đẻ: thể hiện bằng trạng thái buồn tủi sau đẻ. Hay gặp ở phụ nữ sinh con đầu lòng, thường hồi phục sau 3 tuần. Trầm cảm sau đẻ kéo dài hơn.

- Sốt kéo dài sau đẻ: có thể do nhiễm khuẩn tầng sinh môn và nhất là viêm tử cung, có thể tiến triển thành viêm phần phụ và viêm tiểu khung.

- Nhiễm khuẩn sinh dục sau đẻ: sốt kéo dài sau đẻ, do nhiễm khuẩn tầng sinh môn và nhất là viêm tử cung, có thể tiến triển thành viêm phần phụ và viêm tiểu khung.

Kết quả hình ảnh cho mẹ sau sinh

- Sản giật sau đẻ: có thể xảy ra vài giờ sau đẻ nhưng cũng có khi muộn, nhiều ngày sau đẻ. Những dấu hiệu cần cảnh giác cũng vẫn là mỏi mệt, nhức đầu, phù hai chi dưới kéo dài, huyết áp cao trên 140/90, đái ít dưới 500ml/24 giờ, protein trong nước tiểu vẫn cao trên 0,5/l, vì thế sau đẻ vẫn cần theo dõi chặt chẽ. Cũng có khi sản giật sau đẻ xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước. Biến chứng đáng lo ngại nhất là xuất huyết não, tổn thương thận gây bệnh thận mạn tính.

- Sưng nề chi dưới, đau, da lạnh, tím tái. Thường do huyết khối tĩnh mạch sâu ở cẳng chân: vận động sớm là biện pháp phòng ngừa tốt nhất.

- Khó thở, đau ngực, tím tái: cần khẩn cấp đưa đến bệnh viện.

 

(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý