Khi bạn đã chọn được bể cá, loài cá muốn nuôi, cây thủy sinh và các thiết bị khác, bạn cần phải sắp xếp chúng để có được một bể cá cảnh đẹp. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn tạo nên một bể cá cảnh đẹp.
TỰ THIẾT KẾ MỘT BỂ CÁ CẢNH NƯỚC NGỌT
Tuy nhiên đừng quá vội vàng trong việc thiết kế bể cá cảnh. Đây không phải là một công việc nặng nề mà nó chỉ cần ở bạn sự kiên trì và năng động. Nếu bạn là người chưa có kinh nghiệm trong vấn đề này, bạn nên tìm sự giúp đỡ từ những người thành thạo hoặc những người đã gắn bó lâu năm với thú chơi cá cảnh.
Đầu tiên là vị trí đặt bể. Bể cá cảnh đặt ở vị trí thích hợp sẽ làm tăng hiệu quả thẩm mỹ, giao tiếp và thư giãn, thuận tiện trong chăm sóc, quản lý. Nên đặt bể ở gần hệ thống ống nước và dễ dàng kết nối với nguồn điện. Cần tránh các khu vực lối đi ồn ào hoặc gần các nguồn nhiệt, ánh sáng mạnh.
Cần súc rửa bể mới mua trước khi thả cá nuôi. Tuy nhiên bạn đừng bao giờ dùng xà phòng hoặc thuốc tẩy để rửa bể. Thay vào đó bạn có thể sử dụng nước muối ấm để rửa. Sau khi chùi rửa xong, nên dán một tấm giấy nền phía sau bể cá để tạo phông cho một bức tranh chờ được vẽ vào. Một tấm giấy nền tốt giúp tạo nên một nền tảng cơ sở để sáng tạo trong thiết kế bể.
Tiếp theo là tạo nền đáy cho bể. Sỏi là nền đáy tốt nhất cho bể cá của bạn. Bạn cũng có thể dùng cát để làm nền nhưng sỏi vẫn tốt hơn vì các hạt cát thường nằm sát nhau và bịt kín dòng nước đi qua máy lọc. Với vật liệu làm nền nào cũng vậy, cần rửa sạch trước khi cho chúng vào trong bể. Nên cho sỏi vào nước sôi diệt những vi khuẩn có hại, ký sinh trùng và tảo. Bạn có thể sử dụng sỏi ở những bể cá đang nuôi khác vì trên chúng đã có những tập đoàn vi khuẩn nitrat hóa có lợi. Một nền sỏi tốt sẽ giúp các cây thủy sinh trong bể dễ bám chặt vào và cấu trúc đá trang trí cũng trở nên vững chắc. Nền sỏi lý tưởng dầy từ 2,5 – 7,5 cm tùy vào việc bạn có sử dụng bộ lọc ngầm dưới nền sỏi hay không. Nền sỏi ở phía sau nên cao gấp hai lần ở phía trước để mọi thứ trong bể cá của bạn đều hướng gần đến mặt trước của bể. Trước khi cho đá và lũa (bằng gỗ) trang trí vào bạn cần tiên lượng vị trí đặt các viên đá sao cho chắc chắn để không bị ngã làm tổn thương những sinh vật sống trong bể. Những viên đá nặng nên đặt ở đáy bể và trên một mẩu xốp.
Đá và lũa trang trí tạo nên một khung cảnh tốt cho cá và tạo những nét giống môi trường tự nhiên. Nên nhớ rằng không phải tất cả các loại đá đều tốt cho bể cá nước ngọt. Những viên đá có các đường vân kim loại thường không thích hợp bởi chúng tác động đến tính chất hóa học của nước và gây nguy hiểm đến sức khỏe của các loài cá trong bể. Trước khi cho đá vào bể nên ngâm chúng 1 tuần trong 1 xô nước để loại bỏ những acid có hại và lọc bỏ các chất dơ bẩn trong đá. Bạn có thể thiết kế thêm các hang, hốc để bể cá cảnh trở nên thu hút hơn và tạo nơi ẩn nấp cho các loài cá nhút nhát. Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng việc này quá và tránh trang trí nhiều trên đá và lũa.
Trồng cây thủy sinh là cách trang trí bể cá của bạn tuyệt vời nhất. Không những vậy chúng còn làm ổn định chất lượng nước, chu trình nitơ theo hướng có lợi và duy trì hệ sinh thái trong bể. Tuy nhiên, nếu cảm thấy khó khăn trong chăm sóc và duy trì, bạn cũng có thể dùng cây thủy sinh bằng nhựa. Thuận lợi của việc dùng cây thủy sinh bằng nhựa là trông cũng khá giống với cây thủy sinh thật, không bị chết, không phát triển quá mức trong bể, không bị cá hoặc ốc ăn và tồn tại mãi mãi. Nhưng cây thủy sinh thật sự vẫn tốt hơn. Bạn nhớ cung cấp 1 lượng phân bón ban đầu cho những cây thủy sinh. Làm theo chỉ dẫn trên bao phân bón của nhà sản xuất. Các cây thủy sinh lớn nhanh và cao nên trồng ở phía sau bể, những cây lớn chậm nên trồng mặt trước bể. Trồng cây thủy sinh chắc chắn và bám chắc vào nền sỏi đáy. Những cây thủy sinh có thể che khuất ống sưởi hoặc bộ lọc rất tốt…
10 BƯỚC THỰC HIỆN MỘT BỂ THỦY SINH
1.Chọn bể.
Phác thảo sơ qua ý tưởng thiết kế bể thuỷ sinh, rồi chọn bể thích hợp.
Nên tìm hiểu kỹ vị trí đạt bể thuỷ sinh nặng hơn bể cá thông thường do phân, nền, cát, sỏi và các phụ kiện như đèn, quạt…. Một cái hồ 80x40x40cm sẽ nặng khoảng 200-250kg…..do đó nền nhà cũng như chân đế của hồ phải thật chắc chắn.
2.Trải lớp nền.
Trải một lớp phân bón, cát sỏi làm nền dưới đáy hồ. Nền là nơi chứa dưỡng chất cung cấp cho cây, cũng là nơi để trồng cây nên cần có cấu tạo sao cho cây có thể bám rễ và không gây đục nước. Ngoài ra, nền cũng là chỗ ở của vi sinh.
3. Cho nước vào bể.
Dùng túi nylon ngăn vòi nước để không làm đục nước, dòng chảy sẽ không làm hư lớp sỏi nền và làm xí phân lên.
4. Sắp xếp các viên đá.
Các viên đá cũng góp phần tăng vẻ mỹ quan cho bể thuỷ sinh đồng thời giữ cho cây thuỷ sinh bám chặt vào đáy bể. Hãy sắp xếp các viên đá theo ý tưởng của bạn sao cho nó tôn lên được giá trị của bể.
5. Gắn các cây xanh vào bể.
Chọn những loại cây mà bạn thích trong số những cây thuỷ sinh có bán trên thị trường. Tuỳ vào từng vào đặc điểm của từng loại cây mà ta bài trí ở các vị trí khác nhau trong bể. Ví dụ cây rong Mái chèo và rau Mác là các loại cây rất lý tưởng để trồng để che phía sau và các cạnh của bể. Còn các cây rậm rạp dùng để trồng đầy ở các góc ( trước các cây cao hơn) như rau Dừa, Đình lịch, rau Cần trôi. Lại có những cây nên trồng ở mặt tiền trông rất thú vị nếu chúng được đặt trước mảnh đá, phải là cây thấp hơn và sinh trưởng chậm hơn, ta có thể chọn cỏ Năng và Thạch xương bồ.Khi trồng cây, vật không thể thiếu là một cái kẹp dùng trong y tế ( loại lớn, dài trên 30cm) dùng để kẹp phần rễ cây và trồng xuống sỏi. Trong môi trường nước, lớp sỏi trở nên nhẹ và rời rạc, không thể dùng tay được.
6. Đặt bộ lọc.
Những bộ lọc bể cá thông thường không thể sử dụng trong bể thuỷ sinh vì chúng thường được thiết kế phần gòn lọc trên mặt bể, nhưng bể thuỷ sinh phải để đèn ở đó. Các bộ lọc có thể dùng cho bể thuỷ sinh là:
Lọc ngoài: thiết bị lọc hoàn chỉnh nằm rời, hường để dưới phần chân bể, chỉ có 2 ống nước vào ra là nằm trong bể.
Lọc tràn: làm bằng kính, được thiết kế cố định tại một góc bể, lọc nước bề mặt nên xử lý váng vi sinh rất tốt, tuy nhiên nó chiếm một phần lớn thể tích trong bể nên thích hợp cho bể cỡ lớn ( trên 200l).
Lọc thác: công suất nhỏ và yếu, thích hợp cho bể nhỏ ( khoảng 60l hoặc nhỏ hơn).
7. Gắn đèn huỳnh quang.
Vì được sử dụng để thay thế cho ánh sáng mặt trời trong thiên nhiên nên loại đèn được sử dụng phổ biến là đèn huỳnh quang day-light, với công suất tương đối từ 0.5 – 1wat/lít nước. Các loại đèn màu xanh, hồng....cho bể cá cảnh thông thường không thể sử dụng cho bể thuỷ sinh. Chỗ đặt bể càng khuất càng tốt vì như thế, chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn ánh sáng cho cây trong bể. Chiều dài của bể không dài hơn chiều dài thực của bòng đèn huỳnh quang thông dụng quá 10cm để có thể bố trí ánh sáng hợp lý hơn, ví dụ như bể dài 35 – 40cm là phù hợp với bóng đèn dài 30cm. Bể cũng cần có chiều rộng ( bề ngang) không quá hẹp để dễ bố trí cây theo hướng xa – gần, cao xa phía trong và thấp dần ở phía trước….
8. Nhiệt độ.
Nhiệt độ thích hợp cho bể thuỷ sinh thường là dưới 290c là phù hợp. Khi nhiệt độ nước lên cao trên mức này, có thể bỏ nước đá vào bao nilon hoặc dùng gel làm lạnh trong quạt hơi nước ( loại quạt tản nhiệt cho máy tính)…
Ngoài nhiệt độ ra, chúng ta cũng nên chú ý để nồng độ CO2 cần thiết cho cây quang hợp vì lượng CO2 do cá tạo ra mặt thoáng của nước nhận từ không khí là không đủ, nhất là những bể trồng nhiều cây.
9. Thả cá vào bể thuỷ sinh.
Không nên thả cá vào bể ngay mà nên trồng cây trước khoảng 7-10 ngày sau, khi hệ vi sinh trong bể ổn định sẽ an toàn hơn cho cá và cây. Khi mua cá nên hỏi người bán về loại cá nào không cắn nhau, không ăn cây thuỷ sinh.
10. Mỗi tuần thay ¼ nước bể
Việc thay nước thường xuyên sẽ đảm bảo môi trường nước trong bể luôn sạch sẽ. Điều này rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của các loại cây thuỷ sinh và cá sống trong bể.
QUY TẮC BỐ CỤC HỒ THỦY SINH
Hồ thuỷ sinh kiểu Amano (Amanos Nature Aquarium), thường bị hiểu sai đi. Phong cách này không nhằm tái tạo 1 quần thể tự nhiên của 1 vùng sông hồ cụ thể nào. Mục đích chính là đưa vào hồ 1 cảnh quan. Cảnh quan đó đã được nhìn thấy ở đâu đó trong thiên nhiên, trên cạn.
Ngay như tôi khi mới bắt đầu cũng cố bắt chước 1 vài hồ Amano. Rồi tôi sớm nhận ra rằng mình không thể sao chép cái gì thuộc về vốn sống. Tuy vậy khởi đầu bằng sao chép 1 bố cục mà bạn thực sự thích cũng là 1 cách thực hành rất hay. Bạn sẽ sử dụng chính xác ngay loại cây rong, đặt hòn đá đúng vị trí và tạo ra những khoảng trống khiến cho hồ bạn trở nên có chiều sâu hơn. Theo thời gian, phong cách riêng sẽ dần định hình, tới lúc đó bạn thậm chí còn đòi hỏi cao hơn hồ mà bạn đã cố sao chép.
Tới lúc này thì bạn sẽ bắt tay vào làm 1 hồ mới bằng cách nghĩ tới những phong cảnh mà bạn đã bắt gặp và làm bạn thực sự ấn tượng. Đó có thể là tập hợp những hòn đá trên dốc núi hay 1 không gian bát ngát của 1 cánh rừng. Mọi người đều có sở thích riêng, vì vậy họ sẽ chọn ra những phong cảnh khác nhau và tạo nên phong cách riêng biệt.
Trong 1 hồ thuỷ sinh phong cách thiên nhiên, cây và cá là thành phần trung tâm. Trong khi cung cấp cho cây những điều kiện tối ưu để phát triển, bạn cũng đồng thời làm vậy với bầy cá trong hồ. Khi cây cối nhận được mọi thứ để phát triển tốt, chúng sẽ tự động cung cấp những điều kiện tốt nhất cho bầy cá. Cây cối sử dụng dinh dưỡng dư thừa trong nước giúp tránh tăng độ Nitrate và chúng sẽ tạo ra oxygen, thứ không thể thiếu đôí với cuộc sống của bầy cá.
Nhấn mạnh: bài viết ngắn này giúp bạn tạo ra những bố cục lung linh mà bạn từng nhìn thấy trong các tạp chí hay các website trên internet và bạn không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ làm được.
Nào ta cùng bắt đầu:
1. Trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là chìa khóa của bố cục thuỷ sinh.Hãy hình dung trong đầu bạn những cây cỏ và phụ kiện sẵn có. Cố gắng kết hợp chúng bằng nhiều cách. Nếu bạn không làm được như vậy, tốt hơn là bắt đầu bằng việc sao chép 1 hồ mà bạn thích. Dần dần bạn sẽ nhận ra rằng làm theo trí tưởng tượng của mình còn dễ hơn.
Bạn đã hình dung ra chưa? ta tiếp tục nhé...
2. Chọn hậu cảnh
Có nhiều cách để chọn hậu cảnh. Có thể dùng xốp, gỗ, sơn màu, hoặc tự mình dính bằng cành lá. Dù bằng cách nào thì bạn cũng sẽ phải làm hậu cảnh cho hồ khi không đặt nó ở giữa phòng. Sẽ rất mất tự nhiên khi nhìn rõ nào dây, nào ống chằng chịt phía sau hồ.Khi sơn hay dùng keo dính: hãy dùng màu đen hoặc xanh lơ. Như vậy hồ của bạn sẽ có sự tương phản tuyệt vời và khiến ta dễ dàng tập trung vào bố cục hồ. Bạn sẽ chẳng muốn nguời ta chú ý vào hậu cảnh chỉ bởi vì nó đỏ chói lên?
3. Chọn nền
Có vẻ như không tự nhiên khi bạn chọn sỏi nền màu hồng, xanh hay lơ. Hãy dùng màu nâu, xám hay đen. Có nhiều loại nền khác nhau làm cho cây cối phát triển tốt hoặc tồi. Hãy tham khảo trên nét trước khi dùng.4. Chọn hình dáng bố cục
Có 1 vài kiểu bố cục sau:Kiểu lòng chảo ( cao hai bên và thấp ở giữa)
Kiểu dáng lồi (ngược lại với kiểu trên, thấp hai bên và cao dần vào giữa)
Để tạo độ lồi không nhất thiết chỉ bằng cây cối như bạn thấy ở trên.
Kiểu tam giác (cao từ một phía và đổ thấp dần xuống phía kia)
Bạn nên tránh bố cục hình chữ nhật (chỗ nào cũng cao). Nó chiếm lĩnh nhiều không gian và khoảng trống. Nhưng nó lại vô cùng quan trọng để tạo ra cảm giác về độ sâu.
5. Chọn phụ kiện
Trong một thời gian dài, người chơi thường kiếm tìm những cành lũa hay khối đá thật đẹp, sau đó họ đặt chúng vô hồ và... thấy không hài lòng.Nhất là khi tạo bố cục với đá, điều quan trọng là sử dụng một loại đá với nhiều hòn kích cỡ khác nhau chứ không phải chỉ lấy một khối thật đẹp. Một khối đá đơn lẻ trong hồ cho cảm giác rất nhân tạo, nhưng khi bạn dùng hai hay nhiều khối, nó sẽ giống như bạn thường thấy ngoài thiên nhiên.
Bây giờ thì hãy sắp xếp đá hay lũa theo kiểu tam giác (nếu có ít nhất 3 hòn). Hòn to nhất (nếu có) thường là điểm nhấn, nên cần sắp đặt nó 1 cách thật cẩn thận (xem tỉ lệ vàng và điểm nhấn ở phần tiếp theo)
Không bao giờ dùng các loại đá hay lũa khác nhau. Bạn có thể lượm ngay cả những hòn đá mà bạn cho là xấu nhất, nhưng chúng phải cùng chủng loại. Sắp xếp chúng theo nhóm, tôi tin rằng như vậy nhìn sẽ rất ổn.
6. Tạo điểm nhấn
Để thiết kế 1 bố cục hồ hoàn chỉnh, bạn cần tạo 1 hoặc nhiều nhất là 2 điểm nhấn. Đó thường là một vật gì thu hút tầm nhìn của bạn. Một hòn đá, một cành lũa hay một khóm cây đẹp. Từ đó ra đời tỉ lệ vàng.Bạn thường đặt những khóm cây đẹp nhất vào ngay giữa hồ, nhưng rồi trông lại chẳng ổn tí nào, phải không? Đó là bời vì khi bạn sắp xếp theo bố cục cân xứng, tầm nhìn của bạn luôn lướt từ trái sang phải rồi ra sau, từ trước ra sau…nó sẽ không tạo được cảm giác thoải mái khi bạn ngồi hàng giờ để ngắm hồ.
Từ xa xưa, các nhà triết học và toán học đã tìm ra một tỉ lệ tốt nhất cho mắt bạn là 1:1,618...
Để lý giải, khi bạn uống cà phê, bạn hoà trộn 1 phần sữa và 5 phần cà phê (chỉ là một ví dụ), tỉ lệ sẽ là 1:5
Vậy khi tạo điểm nhấn, bạn chia hồ thành 2 phần, 1 phần với tỉ lệ 1,618, phần kia là 1.
Làm thế nào để chia ra? Đơn giản thôi, chỉ cần chia chiều dài hồ cho 2.618. Lấy kết quả đó rồi đo từ 1 cạnh hồ lại, đánh dấu. Phần còn lại sẽ là 1,618 (ví dụ hồ dài 70 cm chia cho 2.618 => 26.73 cm). Vị trí này gọi là tiêu điểm đặc biệt, điểm nhấn hay tuỳ bạn gọi...
Không nên tạo 2 điểm nhấn trong 1 hồ nhỏ dưới 200L.
Tỉ lệ hồ thủy sinh
7. Tiền, trung và hậu cảnh
Để tạo chiều sâu cho hồ, điều quan trọng nhất là sử dụng các loại cây thấp. Không nhất thiết phải dùng các loại cây cao bởi vì bạn có thể dùng các hòn đá hay lũa cao để tạo nên cảnh đồi núi.Nếu bạn không có đá, hay lũa để làm, thì cần dùng các loại cây cao để tạo ra 1 hậu cảnh tốt.
Ông Amano thường dùng Riccia hay Trân Châu Nhật. Trong khi Trân Châu thực sự là 1 trở ngại, đôi khi ngay cả với những người có kinh nghiệm thì ricca lại khá dễ chịu, đó là một loại thuỷ sinh trôi nổi không cần chăm sóc nhiều.
Họ Ngưu Mao Chiên (eleocharis) cũng là 1 loại cây thường được chọn cho tiền cảnh. Chú ý: Trân Châu và Ngưu Mao Chiên không nên trồng nguyên mảng ngay khi mua từ tiệm về. Tách chúng ra thành từng cụm thật nhỏ, trồng riêng rẽ. Như vậy chúng sẽ phát triển mạnh và nhảy con rất nhanh, tránh bị thối gốc. Sau khi trồng Ngưu Mao Chiên, nên xén ngắn chúng xuống còn 1.5 cm. Cho tới khi chồi non xuất hiện, lá già sẽ rữa đi và bị tảo xâm thực.
8. Các bước trồng cây
Trồng gần điểm nhấn trước tiên. Sau đó là cây thấp, cây trung và cuối cùng tới cây cao.Cố gắng trồng thật dày.
Nhất là với các loại cây thân đốt thường được dùng để tạo bố cục. Những loài có lá nhỏ như Trân Châu cao, Trân Châu lá tròn, bách diệp hay họ rotala rất dễ để cắt tỉa thành hình dáng mong muốn. Nếu vậy thì bạn phải trồng thật dày ngay từ đầu. Kẹp 2 - 3 ngọn, dùng nhíp cắm xuống nền cách nhau 2 - 3 cm. Càng trồng dày ngay từ đầu, bố cục hồ càng mau hoàn chỉnh. Thời gian tiếp theo, cắt phần ngọn cắm lại ngay cạnh gốc cũ, phần nằm dưới nền sẽ mau chóng nảy ra những ngọn mới.
9. Màu sắc của lá cây
Cần khôn khéo phối các loại lá cây có kích thước và màu sắc khác nhau. Điều này cũng giúp tạo thêm độ sâu và nét tự nhiên cho hồ. Nếu hồ nhỏ dưới 200L hãy sử dụng các loại cây lá nhỏ để làm cho hồ có vẻ lớn hơn so với thực tế.Đặc biệt với các loại cây lá đỏ sẽ cho hồ thêm sự tương phản. Những hãy lưu ý nếu bạn trồng một cây đỏ đơn lẻ thì nó sẽ đóng vai trò điểm nhấn. Trong khi bạn đã chọn một khối đá làm điểm nhấn rồi, bạn sẽ làm cho hồ trở nên rối bố cục và mắt của bạn sẽ không ngừng lướt từ chỗ này qua chỗ kia.
10. Cá cho hồ thủy sinh
Không nên thả cá ngay khi hồ mới làm xong. Có rất nhiều bài viết về cá trên internet.Hãy chọn những loài cá nhỏ bơi theo đàn thì hơn là những loài cá to. Một đàn neon hay tam giác đông đúc sẽ làm cho hồ bạn lớn hơn nhiều (nhất là khi chụp hình gửi dự thi chẳng hạn)
Chọn loài cá không làm ảnh hưởng tới bố cục hồ. Nhiều loài có xu hướng đào hang sẽ không tốt cho một thảm cây tiền cảnh như bạn có thể tưởng tượng.
Cũng cần nhớ rằng có loại cá lúc mua thì bé xíu nhưng sau đó lớn vù vù gần bằng nửa cái hồ luôn. Để tốt cho cả cá lẫn bố cục, hãy đọc tài liệu trước khi mua hoặc hỏi trên internet. Tiệm cá họ chỉ muốn bán được hàng. Khi họ nói loài cá này sẽ bé thì có khi nó lại dễ dàng lớn bằng con cá mập nhỏ
11. Bảo dưỡng
Tạo ra 1 bố cục là 1 chuyện, còn duy trì và làm tăng vẻ đẹp của hồ lại hoàn toàn khác. Chỉ có cắt tỉa và thay nước đều đặn cũng như điều chỉnh lượng dinh dưỡng/ánh sáng/CO2 phù hợp mới giúp bạn đạt mục đích. Đôi khi cây mọc lên, bạn còn phải thay đổi cả một nhóm cây chỉ bởi vì nó không như lúc đầu bạn tưởng tượng. Thật ra thì cũng không khó lắm vì bạn có sẵn nhiều thông tin trên internet. Hãy tự tin và thử sức mình bạn nhé!MỘT SỐ LƯU Ý KHI SETUP BỂ THỦY SINH
Khi phong trào chơi cá cảnh phát triển mạnh mẽ thì nhu cầu tự mình setup một bể thuỷ sinh cũng đa dạng và phong phú. Mỗi một bể thuỷ sinh đó đều gắn với phong cách, đặc tính của người chơi, tạo nên những nét riêng biệt.Để có thể setup bể thuỷ sinh đó là cả một nghệ thuật, không hề đơn giản. Trong bài viết này, Aquagreen nêu ra một số lưu ý khi tự làm bể thuỷ sinh cho mới người mới bước vào thú chơi cá cảnh.
1. Không dùng hồ quá nhỏ hay quá lớn vì hồ thủy sinh cũng là một hệ sinh thái. Nếu hồ nhỏ cũng như ao nhỏ thì cơ hội nước bị thối càng cao và nếu hồ lớn thì phải đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm trong việc làm nền, trồng cây, kích cỡ của hồ thích hợp cho người mới chơi thủy sinh theo tôi thì 80-120 cm là tốt.
2. Chiều cao của hồ đừng có quá cao vì nếu hồ cao quá thì ánh sáng chiếu xuống nước không được sâu và rất bất tiện cho việc làm vệ sinh hồ. Bình thường nếu dùng đèn huỳnh quang (neon) thì hồ không nên cao quá 60 cm, và nếu cần hồ có chiều cao hơn 60 cm thì nên dùng đèn METAL HALIDE.
3. Hồ không cần có nắp vì sẽ làm cho chủ nuôi rất vất vả khi phải làm vệ sinh hồ và cắt tỉa cây, vì cây nếu được cắt tỉa thường xuyên thì cây sẽ đẹp hơn. Cây thủy sinh nói chung thích hợp với nhiệt độ nước lạnh từ 20-28 độ C vì thế chúng ta phải làm cho nước giảm nhiệt, có thể gắn thêm quạt để thổi xuống mặt nước.
4. Tránh việc dùng lọc tràn vì điều này cũng quan trọng. Đa số hồ bán trên thị trường là hồ nuôi cá bên trong hồ hay có hộp lọc kiểu cho nước tràn vào, đây là nguyên do làm cho CO2 phát tán vào không khí nhiều hơn thay vì tan trong nước trước khi cây hấo thụ. Còn một vấn đề nữa là lọc tràn sẽ làm dòng chảy của nước trong hồ tập trung vào một chỗ.
5. Không dùng sỏi có kích cỡ quá lớn hay quá nhỏ hoặc cát xây dựng và sỏi có vỏ ốc, san hô làm nền. Sỏi có kích cỡ quá lớn sẽ làm cho cây thủy sinh có bộ rễ nhỏ không bám vào nền được. Còn sỏi nhỏ hay cát xây dựng, qua một thời gian sẽ bị trọng lượng của nước trong hồ đè ép cứng làm cho O2 mà rễ cây nhả ra không thể lưu chuyển được và sẽ xảy ra tình trạng dưới đáy nền bị đen thối. Còn sỏi có vỏ ốc và san hô sẽ làm cho nước cứng không thích hợp cho việc trồng cây thủy sinh. Nói đúng ra việc làm nền này rất quan trọng và phải chuẩn bị, có kế hoạch thật tốt ví dụ chỗ nào mình làm nền cao thì nên trồng những loại cây có bộ rễ khỏe. Bình thường nền hồ phải có độ dầy khoảng 6-8 cm.
6. Không thả cá vào ngay sau khi set up hồ xong bởi trong thời gian này hệ sinh thái trong hồ chưa đi vào ổn định, trong hồ xảy ra quá nhiều chất độc hại đối với cá và cá sẽ không chịu đựng được. Sau khi set up hồ xong thì 2-3 ngày sau mới thay nước khoảng 50 % và sau đó có thể thả cá hay tép ăn rêu vào vì đa số những loại cá ăn rêu sẽ có sức chịu đựng với môi trường của hồ mới set up tốt hơn. Sau thời gian set up hồ ít nhất 2 tuần mình mới có thể thả cá vào đươc.
PHONG THỦY CHO BỂ CÁ CẢNH
Hiện nay, ngày càng có nhiều người chọn bể cá để làm đẹp cho ngôi nhà. Bên cạnh ý nghĩa làm đẹp thì sử dụng bể cá còn là biện pháp kích tài trong phong thuỷ ảnh hưởng trực tiếp đến tài lộc của gia chủ. Vì thế việc sử dụng bể cá phải hết sức thận trọng.
Xét về ngũ hành, bể cá mang hành thuỷ tượng trương cho tài lộc, nguồn nước nuôi dưỡng vạn vật. Mộc tức là cây thuỷ sinh trong bể. Kim là kết cấu của bể như khung, giá đỡ… Thổ là đá, sỏi dưới nền bể. Hỏa là màu đỏ, da cam, vàng của những chú cá.
Vị trí đặt bể cá
Thông thường bể cá thuộc hành thuỷ nên đặt nhánh Thanh long phía bên trái của phòng khách, kể từ trong nhà nhìn ra phía trước.
Ngoài ra còn đặt ở cung Đông Nam để may mắn về tài lộc, Đông về sức khoẻ, gia đạo, hoặc cung Bắc mang lại may mắn về sự nghiệp.
Khi đặt bể cá tránh đặt trong bếp hoặc đối diện với bếp nấu sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn trong gia đình. Trong ngôi nhà nên đặt bể cá gần lối đi, phòng khách, những nơi trang trọng.
Khi chọn vị trí đặt bể cá cảnh cần đặc biệt chú ý đến những điều kiêng kỵ sau:
- Không nên đặt bể cá dưới các đồ điện tử vì hơi nước từ hồ sẽ khiến đồ điện tử nhanh hỏng hơn.
- Kỵ đặt bể cá gần nhà vệ sinh hoặc góc quá tối và ẩm thấp sẽ dễ sinh tà khí, gây bệnh cho người sống trong nhà.
- Kỵ đặt bể cá trong phòng ngủ dẫn đến hiện tượng “âm thịnh dương suy”. Khi ngủ, nhịp sinh học giảm đến mức thấp nhất để mọi cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi. Nhưng do thiết bị tạo bọt của bể cá thường không ngừng vận hành, khiến nước trong bể luôn luân chuyển, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bạn, khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi.
- Kỵ đặt bể cá phía dưới bàn thờ. Bởi khói hương và bụi rơi và bể cá sẽ gây cá chết. Việc cá chết thường xuyên cũng là một điều rất không hay.
- Kỵ đặt bể cá dưới các tượng thần, đặc biệt là thần Tài hay bộ tam đa Phúc – Lộc – Thọ. Theo quan niệm phong thủy, cách bố trí đó mang ý nghĩa “chính thần hạ thủy”, sẽ gây ra cảnh tán gia bại sản.
- Kỵ đặt bể cá gần bếp lò, âm dương tương khắc sẽ khiến cho các mối quan hệ trong gia đình căng thẳng.
Chọn các loài cá hợp phong thuỷ
Theo phong thuỷ, nuôi cá vàng mang lại nhiều may mắn, nên đặt trong phòng khách và hướng tốt. Không nên nuôi cá vàng trong phòng ngủ và bếp sẽ gây ra những mất mát về mặt vật chất cho gia đình bạn.
Vị trí đặt cá vàng tốt nhất là hướng Đông, Đông Nam, Bắc. Tuy nhiên, còn tuỳ thuộc vào hướng cửa chính hoặc 4 hướng tốt tính theo quái số của bạn.
Bạn không nên đặt bể cá vào bên phải cửa chính vì điều này sẽ mang lại những bất lợi trong cuộc sống hôn nhân của bạn.
Màu sắc của cá có tác dụng ít nhiều đến phong thuỷ.
- Cá màu vàng kim hoặc trắng: ngũ hành thuộc kim (kim sinh thuỷ) có tác động tốt cho thúc đẩy tài vận.
- Cá màu đen, xanh lam, xám (thuộc thuỷ) có khả năng thúc đẩy tài vận khá mạnh.
- Cá màu vàng (thổ) thúc đẩy tài vận yếu.
- Cá màu xanh dương hoặc lá cây (mộc) áp chế thuỷ, thúc đẩy tài vận yếu.
- Cá màu đỏ (hỏa) khắc kim phá tài.
Những loại cá cần nuôi
1. Cá chép (crap): Cá đại diện cho sự giàu sang, phú quý bởi ngay trong tiếng Hán thì cá đã mang ý nghĩa của sự sung túc.
Theo truyền thuyết, cá chép còn tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm khi nó thường bơi ngược dòng nước, và những chú cá đã vượt được “vũ môn” thì sẽ hoá thành rồng.
Một món đồ trang trí Phong Thuỷ thường gặp đó là đôi cá chép đang bơi lội trên đỉnh vàng, đây được xem là món đồ mang lại may mắn và có thể được sử dụng để đặt trong văn phòng hoặc tại nhà bạn.
Cá chép Nhật
2. Cá chép Nhật (Koi): giống cá này có màu sắc rất đẹp và đa dạng với những màu đen, đỏ, trắng…cũng được coi là biểu tượng của sự giàu có và thành công.
Loại cá này không nuôi trong bể kính mà thường được nuôi trong những ao nhỏ kết hợp với tiểu cảnh để tạo ra khung cảnh sơn thuỷ hữu tình không những có tác dụng thư giãn cho gia chủ mà còn mang lại nhiều may mắn. Theo tiếng Hán, cá này đại diện cho sự sung túc và giàu sang.
Theo truyền thuyết, cá chép còn tượng trưng cho sức mạnh, lòng dũng cảm. Dân gian thường ví việc khổ luyện học hành để cuối cùng có kết quả tốt đẹp giống như việc “cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Vì thế, bày tranh hoặc vật phẩm phong thủy cá chép tại bàn học sẽ tốt cho việc học tập.
3. Cá rồng (Arowana): là một loài cá rất được ưa chuộng hiện nay. Nếu như bạn đang tìm kiếm sự may mắn, hạnh phúc và phú quý thì đây chính là loài cá bạn nên nuôi.
Tốt nhất là bạn nên nuôi một chú cá rồng trong bể kính cỡ lớn hoặc nếu không có điều kiện thì một chú cá bằng vật phẩm phong thủy mạ vàng hay một bức tranh cá rồng cũng không phải là sự lựa chọn tồi.
Cá La Hán
4. Cá La Hán: là một giống cá khác được người Trung Quốc ưa thích, loại cá này mang trên mình rất nhiều màu sắc với màu hồng điểm xuyết các đốm màu xanh, đen tựa như các ký tự chữ Hán và điểm đặc biệt là nó có bướu lớn ở trên đầu tựa như các vị La Hán.
Trên đây là một số loài cá tiêu biểu mang lại điềm tốt, và may mắn. Có một số loài cá thường đi thành đôi vậy nên nếu chúng hiện diện trong cuộc sống của bạn nó sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho hôn nhân của bạn.
Môi trường sống của cá với nước, cây thuỷ sinh, gỗ, đá…cũng sẽ mang đến hơi thở của tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia chủ.
Chơi cá không đơn giản chỉ là sở thích, là niềm đam mê đem lại sự thư giãn, thoải mái mà còn ẩn chất trong đó nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Nhiều người còn tin rằng nuôi cá cảnh trong nhà sẽ đem lại nhiều điều may mắn và sự an lành, thịnh vượng cho gia chủ nếu thuận theo phong thủy.
Số lượng cá khi nuôi
- Nuôi cá vàng nên nuôi 8 con vàng, 1 con màu đen, không những bảo vệ được tài lộc mà còn chống lại sự mất mát của tài lộc.
- Vì theo quan niệm của người phương Đông, số 8 tượng trưng cho sự mạnh mẽ. Ngoài ra, thả cá theo nguyên tắc này, bạn còn đạt được sự hài hoà âm dương (màu đen là âm, màu vàng là dương).
- Cá có màu đen tượng trưng cho sự an lành. Cá vàng tượng trưng cho sự may mắn. Một chậu cá đặt ở bên trái cửa ra vào (khi từ trong phòng bạn nhìn trực diện với cửa ra vào) sẽ mang lại tài lộc.
- Số lượng cá thường là bội số của 9.
- Số lượng cá khác nhau biểu thị ý nghĩa khác nhau.
VD:
1 con: Nhất bạch thủy có thể vượng tài;
2 con: Nhị hắc thổ khắc thủy không lợi cho tài vận;
3 con: Tam bích mộc tiết thủy không lợi cho tài vận;
4 con: Tứ lục mộc tang tiết thủy; nhưng tứ lục là sao văn khúc được coi là cát có thể nuôi.
5 con: Ngũ hoàng thổ không lợi cho tài vận.
6 con: Lục bạch kim sinh thủy có lợi cho tài vận.
7 con: Thất xích kim sinh thủy tuy là hung tinh nhưng tương sinh được cho là cát.
8 con: Bát bạch thổ khắc thủy tuy nhiên bát trạch là hữu phụ tài tinh là sao cát.
9 con: cửu tử hỏa, cửu tử là hữu bật phúc tinh cũng là sao cát có thể vượng tài.
Từ 10 con trở lên: Tính như số lượng trên bỏ đi hàng chục
(VD: 20 tính như 2 con; 10 tính như 1 con; 15 tính như 5 con).
Nếu nuôi cá có tác dụng hưng vượng thì nên nuôi; ngược lại nuôi cá thấy gia vận suy thì nhanh chóng thôi nuôi.
Hình dạng bể cá
- Hình tròn (ngũ hành tượng trung cho kim, kim sinh thủy) rất tốt nên chọn.
- Hình chữ nhật (ngũ hành tượng trưng cho mộc) tương sinh nên chọn.
- Bể cá hình lục giác (ngũ hành tượng trưng cho thủy) nên …
- Bể cá hình vuông (ngũ hành tượng trưng cho thổ) thổ khắc thủy không nên…
- Bể cá hình các góc nhọn (tam giác, ngũ giác, …ngũ hành tượng trưng cho hỏa) không nên.
Kích thước bể cá
- Không nên to quá so với phòng khách sẽ không tụ khí mà “nhân khí” bị hút mất, độ ẩm trong phòng tăng cao ảnh hưởng sức khỏe…
- Bể cá cao quá phạm “lâm đầu thuỷ” - bể đứng cao ngang đầu; bể đặt trên bàn khách cao ngang đầu người ngồi… là cách cục không tốt có hại cho gia chủ.Trang trí bể cá cảnh đẹp
Phong thủy đặt bể cá
Chăm cá cảnh theo mùa
Nuôi cá cảnh theo phong thủy
Nuôi cá cảnh theo phong thủy
Kỹ thuật nuôi cá cảnh nước ngọt
(st)