Trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, việc bỏ ra một khoản tiền kha khá để mua về những “bộ cánh” đẹp và xịn là điều khiến không ít chị em phải đắn đo, cân nhắc. Với lợi thế “rẻ - đẹp - độc”, hàng thùng đang trở nên hấp dẫn, được phái đẹp săn đón, bất chấp những mặt trái tiêu cực của nó...
Hàng “thùng”, đồ “thùng” hay hàng “si đa”, đồ “si đa” v.v.. là những tên gọi quen thuộc để chỉ các mặt hàng quần áo cũ xuất hiện trên thị trường mấy chục năm trở lại đây. Thường đó là những thùng hàng quần áo cũ do tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (gọi tắt là tổ chức SIDA) viện trợ cho Việt Nam. Tuy nhiên, vì một vài lí do nào đó, các thùng hàng này không được phát trực tiếp cho người nghèo mà lại trở thành mặt hàng kinh doanh. So với nhiều năm trước, thị trường hàng “thùng” ở Việt Nam hiện đã trở nên phong phú và đa dạng hơn khi xuất hiện thêm nhiều loại sản phẩm “thùng” khác như thắt lưng, giày dép, mũ nón, túi xách… (chứ không chỉ dừng lại ở mặt hàng quần áo nữa). Mặc dù là hàng cũ đã qua sử dụng nhưng hàng “thùng” lại chiếm được cảm tình của khá đông người tiêu dùng, nhất là nữ giới. Theo nhiều người mua, ưu điểm nổi trội của mặt hàng này chính là giá cả phải chăng, kiểu dáng ưa nhìn, dễ mặc. Trong đó, điểm hấp dẫn nhất có lẽ bởi hàng thùng luôn là hàng độc nhất vô nhị, mỗi kiểu dáng chỉ có đúng một cái duy nhất nên không sợ “đụng hàng” với bất kỳ ai. Chính vì thế, những người đã từng mua và sử dụng qua đều rất dễ bị “nghiện” loại quần áo hàng “thùng” này.
Linh, một cô bạn tôi, đặc biệt có sở thích đi săn hàng “thùng”. Là cô sinh viên cá tính mạnh, lại có “gu” thời trang rất phong cách nên Linh thường chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhưng vẫn phải độc đáo. Chính vì thế, các cửa hàng bán quần áo “thùng” đã trở thành những địa chỉ thời trang quen thuộc của cô. Bám càng theo Linh trong một buổi đi săn mặt hàng này, tôi mới biết các quầy bán hàng “thùng” ở TP Hạ Long như thế nào… Linh bảo: “Không giống những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Lạt, Hạ Long mình không có những chợ riêng bán loại này đâu. Ở đây chỉ có một vài shop hàng thùng, còn lại đều được đổ đống bán dọc đường thôi”.
Khi chúng tôi vừa đến cửa hàng bán đồ lưu niệm kiêm luôn bán hàng “thùng” trên đường Nguyễn Văn Cừ thì lượng khách đang chọn quần áo cũ ở đây đã chật ních cả cửa hàng. Chị chủ quán đon đả: “Mua hàng đi em. Hôm nay nhiều hàng đẹp lắm. Áo phao, áo len, áo dạ, áo măng tô, đồ trẻ em… đủ cả đấy”. Và, giá cả ở đây cũng tuỳ vào độ mới, cũ hoặc kiểu dáng mà chia ra làm nhiều loại. Một chiếc áo dạ thường có giá từ 250.000 - 300.000 đồng, áo phao từ 100.000 - 150.000 đồng, áo len từ 20.000 - 50.000 đồng còn quần áo trẻ em thì chỉ 20.000 đồng/chiếc. Hầu hết những quần áo này đều được nhập về từ các nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thấy tôi lật tới lật lui mấy cái áo len, một chị tên Trang mách nhỏ: “Mua cái hàng này ấy à, áo len thì em phải chọn loại len lì, lông không xù thì sau khi mình giặt sẽ trông như mới. Còn đối với quần thì phải chú ý đến cạp quần. Cái nào phần cạp không sờn, không rách hoặc dây chun không bị gião… thì mua được đấy. Mấy hôm trước chị mua được hai cái áo len với một cái áo dạ đẹp lắm nên thích mê. Bây giờ hễ cứ lúc nào rảnh là lại “đánh võng” ra đây xem có tìm được cái nào đẹp không”.
Theo như kinh nghiệm của những người sành hàng “thùng” như Linh hay chị Trang, nếu muốn “săn” hàng “thùng” thì nên đi vào những ngày cuối tuần, vì đấy là thời điểm hàng mới được nhập về. Hầu như những ngày này, các cửa hàng bán hàng “thùng” cũng tấp nập người ra vào. Không những quần áo người lớn mà ngay cả quần áo trẻ con cũng trở thành mặt hàng “hót” tại đây. Chen chúc nhau giữa đống quần áo trẻ em là các mẹ, các chị đã lập gia đình và có con nhỏ. Với tâm lý trẻ chóng lớn, nhanh phải thay quần áo trong khi hàng quần áo trẻ con lại khá đắt đỏ, các bà mẹ đã chọn việc mua hàng “thùng” để tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ trong việc mua sắm. Chị Thanh (ở phường Hồng Hải) cho biết: “Quần áo trẻ con bây giờ còn đắt hơn quần áo người lớn ấy chứ. Một cái quần bò của chúng cũng đã hơn hai, ba trăm nghìn, mà cũng chỉ mặc được một năm là cùng. Vậy nên mua đồ mới cũng phí tiền; hàng “thùng” mà chọn những cái còn mới, đẹp rồi về giặt sạch đi thì mặc “vô tư”…
Vẫn biết hàng “thùng” có những ưu điểm như thế, nhưng người tiêu dùng cũng cần thận trọng. Theo như các chuyên gia về da liễu cho biết, vì là loại quần áo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn và vệ sinh nên hàng “thùng” luôn chứa các nguy cơ lây nhiễm các bệnh về da liễu, phụ khoa hoặc một số bệnh do các loại vi rút nấm thường kí sinh trên quần áo lâu ngày gây nên. Đặc biệt là đối với làn da non nớt, nhạy cảm của trẻ em thì nguy cơ lây nhiễm lại càng cao. Chính vì thế, sau khi mua loại quần áo này, người mua nên xử lý thật kỹ qua nước nóng rồi mới giặt sạch để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”...
Cần biết khi lựa chọn quần áo “hàng thùng”
Với ưu điểm giá rẻ, không sợ đụng hàng, quần áo hàng thùng hiện được khá nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, để chọn được quần áo ưng ý, các chị em không chỉ phải bỏ thời gian, công sức đi mua mà cần có thêm một số kinh nghiệm để tránh trường hợp mua phải “của rẻ là của ôi”.
Khám phá những địa chỉ chuyên về "hàng thùng" ở Hà Nội như Đông tác (Khương Thượng), Kim Liên hay Phùng Hưng… mới biết có rất nhiều chị em dành thời gian đi “săn” hàng độc ở đây. “Hàng thùng” thường được đóng theo từng kiện, phân loại ra như kiện áo thun, kiện áo sơ mi, váy, áo len, áo khoác, áo dạ… Một kiện thường có 600-700 chiếc với quần áo người lớn và khoảng 1.000 chiếc với quần áo trẻ em.
Theo chị Trang, người chuyên buôn quần áo hàng thùng cho biết, quần áo ở cửa hàng chị được nhập khẩu trực tiếp từ Cambodia chuyên bán hàng của Singapore, Nhật, Hồng Kông, Hàn Quốc và một số nước ở Châu Âu. Tuy nhiên, chị Trang cho biết người mua thường “chuộng” hàng có xuất xứ từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hơn vì quần áo từ các nước này có kích cỡ, kiểu dáng phù hợp dân “mình” còn với những hàng nhập từ các nước phương Tây thường có size quá lớn, quá dài hoặc quá rộng, do vậy khó chọn ra được những chiếc vừa vặn với khổ người Việt Nam.
Điều cần lưu ý thứ hai đó là cần biết giá cả để tránh bị mua “hớ”. Cách đây 4-5 năm, giá của quần áo hàng thùng rất “bèo”, chỉ 5.000 - 7.000 đồng có thể mua được một chiếc quần, áo. Nhưng 1-2 năm trở lại đây, nhiều người đi lần đầu không khỏi ngỡ ngàng với những mức giá mà người bán hàng đưa ra. Có những chiếc áo dạ hay áo phao mùa đông, tuy là hàng secondhand nhưng người bán có thể lên giá tới vài trăm nghìn, thậm chí cả tiền triệu.Hàng thùng – với đặc tính của hàng đã qua sử dụng nên để chọn được những chiếc quần áo ưng ý cần lưu ý một số điểm sau: thứ nhất, cần thật tinh khi lựa chọn màu sắc và chất liệu vải. Với những quần áo sáng màu đặc biệt, cần lưu ý xem có những vết ố màu hay không. Ở quần áo cũ, việc có những vết ố là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên bạn chỉ nên mua khi biết chắc những vết đó có thể giặt sạch, tránh trường hợp mua về nhưng không thể sử dụng. Về chất liệu vải, với đồ thun hay len, là những chất liệu rất dễ bị dão do đã qua sử dụng, cần đặc biệt lưu ý khi chọn. Chị Trần Hải Minh (Hà Đông) chia sẻ kinh nghiệm: ” Khi lựa chọn quần áo cũ, cần đặc biệt xem kĩ những chỗ dễ sần vải do sử dụng lâu ngày như dưới cánh tay, gấu tay, cổ áo không bị bạc. Quần thì chú ý cạp quần không bị sờn, rách, rão chun…”.
Nhiều chị em chọn lựa quần áo hàng thùng không chỉ cho bản thân mà còn cho chồng con, người thân... Quần áo trẻ em được bày bán khá nhiều tại các khu chợ hàng thùng. Với giá một chiếc quần, áo trẻ em từ 4;5 tháng tuổi tới 12-13 tuổi dao động từ 20.000-30.000, áo khoác dày hơn có giá 80.000-100.000 đồng được coi là khá rẻ. Chị Mai Hương (34 tuổi-Bạch Mai) cho biết, chị thường xuyên ra đây để chọn cho con trai quần áo: “ Trẻ con lớn nhanh, quần áo chỉ mặc được một năm lại chật do vậy, mua đồ cũ sẽ tiết kiệm được khá nhiều”.Một phần do giá cả thời nay đã lên cao so với cách đây vài năm, nhưng một phần do người bán ra giá quá “thách”. Theo khảo sát tại một số cửa hàng bán quần áo secondhand tại khu Đông Tác – Khương Thượng, giá một chiếc áo len thu đông hay quần kaki chỉ dao động ở mức 50.000-70.000 đồng, tuy nhiên, những người bán hàng ở đây sẵn sàng ra giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần sau đó để người mua tự mặc cả. Do vậy, để tránh bị mua phải giá quá cao, người mua nên đi theo nhóm, khảo sát trước giá cả để biết được mặt bằng giá chung.
Với nhiều người, mua hàng thùng như một thú vui lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, nếu có quyết định mua thì cần lựa chọn thật kĩ càng, có thể kết hợp ra sao tránh trường hợp nhiều người do thấy giá quá rẻ, mua tràn lan, không lựa chọn kĩ và cuối cùng, tuy giá rẻ nhưng mua về lại không dùng được.
Nghe dân sành mặc tiết lộ bí quyết "săn" hàng thùng độc
Khác với các mặt hàng trong shop thời trang được treo đèn điện sáng lung linh, đối với hàng thùng, dù giá lên đến tiền triệu thì người bán hàng vẫn “chung thủy” với phong cách đổ đống để người mua tha hồ lựa chọn.
Hàng thùng có phải là hàng “chất”?
Chớm đông, vào thời điểm cuối ngày, khu vực chợ hàng thùng Đông Tác và Hoàng Tích Trí càng ấp nập. “Xịn mà rẻ” đó là câu nói cửa miệng của các quý cô khi nhận xét về loại hàng chất đống này.
Những người đam mê hàng thùng thừa nhận: “Đã dùng hàng thùng rồi, không hứng thú với mấy hàng khác nữa”. Chị Lã Thị Mai (Tân Mai, Hà Nội) - “tín đồ” của hàng thùng - người đã từng lang thang “săn” hàng hiệu ở những chốn này từ hồi còn là học sinh tới tận bây giờ, khi đã có 2 con lớn, niềm đam mê ấy vẫn chưa một chút nguôi ngoai, nói: “Mua được hàng thùng, không chỉ cần đủ độ đam mê lục lọi, tìm kiếm mà phải tinh mắt xem chất vải, kiểu dáng, nhãn mác để rồi đánh giá chất hàng”.
Chia sẻ "bí quyết" chọn hàng dạ, theo chị Mai: “Khi sờ lên áo, sợi vải đanh, khi đưa ngón tay vê vê, chất liệu không bị xù mà cảm giác vẫn mịn. Đối với hàng kaki phải kiên trì chọn mẫu mã, chất liệu phải dày dặn nhưng không thô ráp. Đối với các loại áo khác, người mua phải cẩn thận xem từ bề mặt không sờn cho tới chất không giãn, không cứng theo kiểu nilon, cổ áo không bị bạc phếch. Quần thì chú ý phần cạp không sờn, rách, gião chun...".
Riêng đối với giày dép và túi, dân “sành điệu” lại có một “mánh” riêng khi chọn đồ. Bạn Thu Anh “tiết lộ” những kinh nghiệm bỏ túi của mình: “Đừng chăm chăm vào màu sắc của giày thế nào (vì phần lớn, hàng thùng đều đã được “mông má”, tân trang lại bằng cách đánh bóng sơn) mà quan trọng hơn hết là kiểm tra xem giày còn nguyên bản, có bị sửa lại, đóng lại gót không, đặc biệt là lớp lót giày bên trong đã bị tung ra hay chưa, có sờn quá hay không?”.
Cầm một chiếc túi xách trong tay, Thu Anh lật đi lật lại, giảng giải cho chúng tôi – những người lần đầu tiên đi chợ hàng thùng - để tránh gặp phải trường hợp hàng giả: “Sau khi đã kiểm tra phần trong của túi thì chuyển sang bề ngoài. Lúc đó mới nên để ý xem màu gì, có sờn da, sờn vải, sứt chỉ, hỏng khóa hay không”.
Nhìn chung, hầu hết những người đi chọn hàng thùng đều tích lũy cho mình những kinh nghiệm riêng nhưng phần lớn họ đều là những người có gu thẩm mỹ và am hiểu về thời trang.
“Tớ mua hàng nhiều, nhìn quen mắt nên thông thường không cần phải thử, phần lớn là tìm hàng của Hàn Quốc, Nhật, thỉnh thoảng có cái “made in Italy” hay Pháp, mua được cũng sướng âm ỉ”, Thu Anh cho biết.
Với gu ăn mặc đơn giản và đa phần lựa đồ văn phòng nên Khánh Vy (Thanh Xuân, HN) thường chọn đồ ở chợ Hàng Da, bởi theo Vy, chợ Đông Tác hầu như không có hàng đẹp, hàng thùng ở Phùng Hưng đa phần là diêm dúa, lại thách giá “trên trời” nên người mua rất dễ bị “hớ”.
“Theo tớ, để "chơi" được với đồ này phải lọ mọ và biết một chút may vá để có thể tự sửa sang lại quần áo đã mua như cắt ngắn chiều dài váy, chiết eo áo, sửa cạp quần, thay khuy... hoặc biết cách móc xích, phối hợp hàng thùng với những hàng mình đã có để tạo nên sự phối hợp hoàn hảo, sẽ hữu dụng hơn rất nhiều”, Vy nói.
Ngoài ra, để tránh bị trả giá “hớ”, Vy nhắc nhở: “Người bán hét giá 170 ngàn đồng, mình chỉ nên ngã giá 40 ngàn đồng, cao nhất cũng chỉ trả số lẻ 70 ngàn đồng thôi nhé. Nếu không được thì “giả vờ” quay đi, chủ quán sẽ tự khắc gọi lại”. Thêm nữa, “dù chiếc áo có đẹp mê hồn, dù mình có thích phát điên lên nhưng bề ngoài đừng bao giờ khen đẹp, phải chê “quyết liệt”, khi ấy, giá trị chiếc áo mới được hạ xuống và người mua nghiễm nhiên được giá rẻ”.
Giữa một đống quần áo cao ngút với những chất vải nhàu nhĩ, chị Minh (khu tập thể Kim Liên, Hà Nội) vui mừng khi chọn được chiếc áo khoác còn nguyên tem mác. Giơ chiếc áo ra trước mặt, chị khoe: “Cái này là hàng hiệu chính gốc đấy vì nó có nhãn mác, logo đính kèm khắp nơi như cổ áo, thân áo, tay áo, hoặc gấu áo...”. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết: Kinh nghiệm của chị là thường đi vào buổi chiều, lúc ấy trả giá thoải mái và người bán hàng cũng xởi lởi hơn. Nếu là người chuyên đi săn hàng thùng thì nên để ý thời gian người bán mở kiện, khi mới lấy hàng mới về. Theo chị Minh: “Cái cảm giác háo hức lúc mở kiện đầu, không ai có thể tả được. Nhiều hàng đẹp mà có lang thang cả tháng trời ngoài hàng hiệu cũng không kiếm được”.
Giới “nghiện” hàng thùng thường phân hàng ra làm hai loại: Hàng “cao cấp” được gọi là hàng đếm chiếc còn hàng “bình dân” chính là hàng mua cân. Các chủ tiệm thường cho biết: Nhiều người có thừa tiền để vào những shop thời trang đắt tiền nhưng họ lại chọn chợ hàng thùng bởi ở đây họ có thể tự chọn cho mình những món hàng độc, thỏa trí sáng tạo kết hợp các mẫu quần áo, hàng phụ kiện.
Mặc dù có hẳn một cửa hàng thời trang trên phố Nguyễn Quý Đức, Hà Nội nhưng chị Liên vẫn chọn cho mình quần áo hàng thùng. Theo chị Liên “người nào biết ăn mặc mới biết chọn hàng thùng”.
Với ki ốt chừng 10 m2, chất đầy hàng, chỉ còn một lối đi nhỏ cho khách thử, chị Ngà luôn miệng giới thiệu quần áo nhà chị toàn là hàng đếm chiếc, “trông hơi cũ như vậy thôi nhưng chọn lâu thì nhiều hàng độc lắm”.
Tuy vậy, gọi là “hàng độc” nhưng giá cả của những mặt hàng này thường chỉ dừng ở con số dưới 200.000 đồng/sản phẩm. Váy dạ giá 65.000 – 80.000 đồng/chiếc, đồ len chỉ khoảng 30.000 – 40.000 đồng, áo choàng rơi vào khoảng 150.000 – 200.000 đồng, còn áo măng tô gió xê dịch trên dưới 100.000 đồng.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của những mặt hàng này, các chủ tiệm đều ậm ừ cho qua chuyện, thậm chí nhiều người nóng nảy, tỏ ra cáu gắt, quát mắng xối xả. Bạn Hoài Anh (sinh viên trường Đại học Bách Khoa) có mặt tại chợ Đông Tác lúc đó “bán tín bán nghi”: “Nếu là hàng tốt, nhập về từ Hàn Quốc, Đài Loan thì họ (người bán hàng – pv) phải đon đả giới thiệu, chứ sao phải giấu giếm, úp úp mở mở như thế?”.
Nhiều “thượng đế” đam mê hàng thùng, bỏ nhiều thời gian và công sức săn tìm thứ hàng mà họ coi là “độc nhất vô nhị” này thường tự an ủi: Đó là những đồ hàng hiệu ở các quốc gia tiên tiến khi lỗi mốt được đẩy về Việt Nam. Hoặc hàng “Made in Viet Nam”, may riêng cho các ca sĩ, diễn viên nhưng mặc một lần thì họ thải ra và được gom về quầy hàng thùng.
Tuy nhiên, thực chất nguồn gốc của những đống hàng thùng ấy bắt nguồn từ đâu thì những người bán đôi khi cũng không hề hay biết. Song theo chia sẻ của những “tín đồ” trung thành với hàng thùng thì “tất cả các hàng thùng này đều lấy từ Campuchia về, vì ở đó là bãi hàng của thế giới. Chính bản thân mình cũng đã từng đi Campuchia để nhập hàng thùng về với dự tính phục vụ các chị em mê hàng thùng đối với mặt hàng túi xách”, trong diễn đàn chỉ dành riêng cho những người mê hàng thùng, chị Hà - thành viên của webtretho “bật mí”.”
Bài, ảnh: Phương Hạ - Ngọc Anh
Quần áo hàng hiệu 5.000 đồng, bật mí cách chọn
“Chuyên môn hóa” tìm kiếm
Ở Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), chợ hàng thùng có quy mô khá khiêm tốn, chỉ khoảng 6 hàng. Sau nhiều đợt khách, tất cả quần áo, váy,… đều được trộn lẫn vào nhau nên những người mua sau phải rất nhọc công tìm kiếm.
Chị Nguyễn Thanh Nga ở Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Đến các chợ lớn như chợ Hàng Da cũ hay Đông Tác, quần áo được phân loại khá gọn gàng, thậm chí còn được treo trên manocanh nên việc chọn lựa khá dễ dàng. Còn ở đây, muốn mua được đồ tốt, khách hàng chẳng còn cách nào khác là bới tung mọi thứ”.
Vì vậy, theo chị Nga, một đức tính không thể thiếu được của các tín đồ hàng thùng đó là kiên trì. Chỉ với 6 sạp hàng nhỏ nhỏ mà mỗi lần tới đây, chị phải mất gần một buổi chiều để chọn đồ. Có những hàng chị đảo qua, đảo lại tới lần thứ 5 mới kiếm được món đồ ưng ý.
Chị Nga cho biết: “Giữa cả núi quần áo, mắt mình đôi khi bị hoa. Thử nước hoa là một ví dụ, sau khi ngửi nhiều loại, mình phải ngửi café cho dã mùi. Ngắm quần áo cũng như vậy. Mình ở một hàng lâu quá, mắt sẽ bị loạn. Vì vậy, kinh nghiệm của tôi chính là cho mắt nghỉ ngơi một lúc rồi bắt đầu tìm kiếm lại. Hơi mất công một chút nhưng hiệu quả cao bất ngờ”.
Cũng có cùng ý kiến với chị Nga, chị Thảo Dương ở Nghĩa Dũng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, không giống như mua đồ mới, khi sắm quần áo hàng thùng, khách hàng phải xác định tốn thời gian: “Ai có tư tưởng mua tranh thủ thì chỉ gặp hàng giẻ lau thôi”.
Chị Dương kể dù là dân mua đồ hàng thùng chuyên nghiệp nhưng nếu muốn kiếm được đồ độc, chị cũng phải “ăn dầm, nằm dề”, lục lọi, “soi” từng đường kim, mũi chỉ tới kiểu dáng. Nhưng đáng kể nhất vẫn phải kể tới đó là chất vải vì kiểu dáng dù đẹp mà chất vải bèo nhèo thì khách đừng có mơ lên dáng đẹp.
Thêm một bí quyết nữa cho việc sắm hàng độc giá bèo đó chính là… kinh nghiệm. Chị Dương cho biết, có nhiều mẹo có thể chia sẻ được nhưng kinh nghiệm là thứ quan trọng nhất mà người mua phải mua nhiều để tự trải nghiệm.
Ở Thành Công, người bán hầu hết đều lớn tuổi nên đánh giá chất lượng sản phẩm không tốt. Vì thế, tôi thường xuyên mua được hàng độc giá cực hời. Bạn cứ mua thường xuyên đi. "Học phí" cũng không đánh là bao, chỉ 5.000 đồng một chiếc thôi mà”.Chị Nguyệt Hà ở Tây Hồ giải thích thêm: “Khách hàng phải đi nhiều mới quen. Chất vải cũng phải sành mới biết được "xịn" hay không.
Thời gian mua cũng là một bí quyết. Chị Hà cho biết ở Thành Công, hàng chỉ được mở vào buổi chiều nên khách không có sự lựa chọn. Nhưng ở hầu hết các chợ khác, hàng bán cả ngày nên khách nên đi vào buổi chiều, thời điểm trả giá thoải mái và người bán hàng cũng xởi lởi hơn.
Lập “bè” mở kiện
Muốn mua được hàng độc giá bèo, khách hàng phải tỉ mỉ và kiên nhẫn. Nhưng đó chỉ là bước 2. Còn bước 1, bí quyết “độc” hơn lại là lập “bè” mở kiện.
Chị Nguyệt Hà, người "nhẵn mặt" tại các chợ đồ cũ từ to đến nhỏ ở Hà Nội cho biết “mở kiện” là cách tốt nhất để chọn được hàng tốt. Tại Thành Công, việc mở kiện khá đơn giản. Khách hàng ký gửi số điện thoại, khi nào có hàng mới, người bán gọi điện thông báo.
Điều khiến chị Hà mê mở kiện ở Thành Công đó chính là giá tiền “trước sau như một”. Ở nhiều nơi khác, muốn mở kiện, khách phả trả giá cao hơn. Nhưng ở đây, dù mua trước hay mua sau thì giá vẫn chỉ từ 5.000 đồng trở lên.
Chị Lan, chủ một sạp hàng ở Thành Công tiết lộ khách mở kiện hầu hết là người quen, những người mua đi bán lại hoặc là các cô gái khá sành điệu. Những cô gái này không thường xuyên tới chọn đồ, họ chỉ chọn thời điểm mở kiện để “xông đất”.
Sau khi “kinh qua” nhiều chợ đồ cũ như chợ Hàng Da, Kim Liên, Đông Tác,… chị Hà kết luận, hàng thùng Thành Công vẫn có giá mềm nhất và việc mua bán cũng thuận tiện và dễ chịu nhất. Ở chợ hàng thùng Đông Tác (Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội), việc mở kiện không hề đơn giản.
Muốn được mở kiện, chị Hà phải lập nhóm có từ khoảng 7 người trở lên mua hàng cùng một lúc. Giá mở kiện cũng bị đẩy cao hơn.
Theo chị Hà đây cũng là điều hợp lý vì chợ Đông Tác được xem như chợ hàng thùng đầu mối ở Hà Nội. Người mở kiện hầu hết đều là thương lái ở các chợ lớn khác.
“Giá mở kiện cao hơn đáng kể so với giá đại trà nhưng vẫn rất nhiều người muốn mở kiện vì họ có thể chọn được các mặt hàng chất lượng nhất. Tuy nhiên, đừng liều lĩnh thử mở kiện. Chọn hàng thùng rất khó. Nếu bạn không sành, không tinh mắt thì cho dù bạn là người đầu tiên được mua hàng, bạn vẫn có thể bỏ qua hàng độc, mua về đống giẻ lau với giá đắt”, chị Dương - một tín đồ săn hàng thùng khuyến cáo.
(st)