Kết thúc bốn năm học đại học, sinh viên sẽ bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão của tuổi trẻ. Bạn đã bao giờ tự hỏi sau khi ra trường mình sẽ làm gì, sống như thế nào và thực hiện những ước mơ ra sao? Bạn đã chuẩn bị những hành trang gì cho mình để vào đời?
LÀM GÌ SAU KHI RA TRƯỜNG
Hầu hết sinh viên khi ra trường đều mong muốn tìm cho mình được một việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học. Thế nhưng, không ít bạn trẻ khi ra trường đã tự tìm hướng đi mới cho mình ở lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ
Năm 2002, chàng trai gốc Phú Yên Trần Quang Minh tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa tiếng Anh. Ra trường với tấm bằng loại khá, không tìm được việc, anh xin vào làm việc ở Hội Liên Hiệp Thanh niên thành phố Đà Nẵng, phụ trách công tác Đoàn. Vốn năng nổ, Minh vừa làm công tác thanh niên, vừa tham gia sinh hoạt ở Hội doanh nghiệp Trẻ thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là chủ của 3 cửa hàng dịch vụ internet lúc bấy giờ.
Với ý chí vươn lên, cộng với kinh nghiệm học hỏi từ các anh chị ở Hội, sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định tham gia Công ty Cổ phần Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng, cương vị Giám đốc điều hành, nhưng được một năm Minh xin rút và thành lập Công ty Cổ phần tổ chức sự kiện và Du lịch GaLa Việt.
Là một ngành nghề khá mới ở miền Trung về lĩnh vực tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động quảng bá thương hiệu GaLa Việt do Minh làm Giám đốc đã lăn mình vào mọi việc, từ tổ chức thiết kế, sản xuất đến thi công đến các công trình quảng cáo.
Từ một doanh nghiệp chập chững với bước đi ban đầu, Công ty GaLa Việt giờ đã là một thương hiệu trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện ở khu vực miền Trung. Điều đáng nói, là nhân viên của Minh hầu hết là sinh viên vừa ra trường, chưa tìm kiếm được việc làm.
Anh Trần Quang Minh cho biết: “Ba mẹ, anh chị em trong gia đình tôi đều làm quân sự, công an, chỉ có tôi theo nghề kinh doanh nên mới đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã đi học thêm Luật, kinh tế, học các kỹ năng quản lý phục vụ công việc của mình. Từ khi mở Công ty đến nay, tôi tập trung nhận những thanh niên, sinh viên nghèo ra trường chưa có việc vào Công ty. Sau một thời gian làm việc ở đây, nhiều em đã tự mở được công ty riêng… Sắp tới tôi có ý định thành lập thêm công ty Gara Việt ở Đắk Lắk”.
Đến nay, số lượng nhân viên làm việc ở Công ty GaLa Việt đã lên đến 60 người, chủ yếu là các bạn sinh viên ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thái Bình, với mức lương 1,5-3 triệu đồng/tháng. “Luôn tạo cơ hội việc làm cho các bạn trẻ”, đó là quan niệm sống của Trần Quang Minh. Chính vì điều này, Trần Quang Minh thành lập thêm Công ty mới tại thành phố Huế mang tên Công ty TNHH tổ chức sự kiện và Quảng cáo Vinagrop, nhằm mở rộng địa bàn và quy mô hoạt động.
Cũng như Trần Quang Minh, Nguyễn Văn Thạnh, sau khi tốt nghiệp không trở về quê nhà Bình Định mà đã quyết định lập nghiệp tại thành phố Đà Nẵng. Tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, năm 2008, ra trường, Nguyễn Văn Thạnh không đi theo con đường mình đã chọn để thành kỹ sư của công trường, mà tiếp tục công việc kinh doanh, quản lý quán cơm sinh viên và một hiệu ảnh bên góc trường Đại học.
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học, Thạnh đã vay mượn tiền của người thân, bạn bè thuê mặt bằng mở quán ngay tại trường, vừa đi học, vừa quản lý quán cơm. Chưa hết, anh còn đầu tư hàng chục triệu đồng để mở tiệm ảnh trong trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Hiệu ảnh nhỏ, kiêm cả kỹ thuật vi tính luôn nhộn nhịp khách vào ra. Hàng ngày, anh thuê sinh viên tới làm, chụp ảnh thẻ, scan ảnh, xử lý ảnh và đánh máy các bản luận văn, in ấn… Ấy vậy, cũng đã tạo công ăn việc làm cho gần 20 bạn sinh viên, bình quân thu nhập từ 800.000 đến 1 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, quán cơm Việt và hiệu ảnh Nhật Minh nằm cạnh trường Đại học Bách Khoa do Thạnh quản lý, đã quen thuộc với mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên.
Anh Nguyễn Văn Thạnh tâm sự: “Khi vào Đại học thì ai cũng ước mơ mình được bay cao, bay xa, nhưng nhưng thực sự khi bước ra đời có nhiều yếu tố buộc con người ta phải thích nghi với cuộc sống. Xuất phát từ cuộc sống sinh viên, ăn uống tạm bợ và mất vệ sinh, tôi đã lập quán cơm. Mở quán trước hết tạo cuộc sống cho mình, sau đó có thể giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho các bạn sinh viên vừa học vừa làm”.
Với Trần Quang Minh hay Nguyễn Văn Thạnh, ý chí vươn lên và tự lập sau khi ra trường là điều đáng suy ngẫm. Vì một lý do nào đó không được làm việc trong công sở hay theo đuổi ngành nghề đã theo học, nhưng những đóng góp của họ thật đáng trân trọng. Với họ, đứng vững được trên đôi chân mình, đó cũng là một cách cống hiến cho xã hội./.
“Được làm việc trong môi trường thân thiện, thoải mái giữa sếp và nhân viên, giữa nhân viên và nhân viên, giữa bạn và tổ chức. Ở đó, bạn sẽ có tiếng nói và thể hiện cái tôi của mình để bộc lộ được hết tài năng?”. – Đây là “thiên đường” bạn trẻ nào cũng mơ ước, nhưng đừng ảo tưởng, không dễ ai cũng may mắn được làm việc ở môi trường như vậy trong thực tế!
Sự thành công hay thất bại trong công việc phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng sống và năng lực chuyên môn của bạn. Vì vậy, hãy sẵn sàng để được đánh giá, không lo sợ thất nghiệp hoặc nghèo khó. Bởi sự e sợ không giúp bạn tránh khỏi thất bại, mà chỉ có nhận biết và đối mặt với nó là phương cách duy nhất.
Sau khi rời ghế nhà trường, bạn sẽ học các bài học mới từ trường đời, học trường này ai cũng là thầy, ai cũng là trò nên sẽ học được nhiều điều, biết được nhiều thứ mà trường đại học không dạy. Ở đó không có thầy chấm điểm, không phải thi học kỳ nên bạn sẽ phải học cho đến hết cuộc đời mà không bao giờ tốt nghiệp!
Bạn sẽ học được rằng: Không phải sau này khi ra trường kiếm được tiền bạn sẽ mua thứ gì, thứ gì... thỏa thích. Mà trường đời sẽ dạy cho bạn phải đắn đo “muốn mua thứ ấy, mình phải kiếm được bao nhiêu tiền”. Và dù có là một sinh viên xuất sắc chăng nữa, thì bạn cũng chỉ là một chàng trai bình thường, chỉ là giọt nước giữa biển khơi cuộc đời.
Tuy vậy, “Hạnh phúc là nghệ thuật làm một bó hoa từ những bông hoa nằm trong tầm tay” - (Mark Twain). Không có gì ngăn cản chúng ta tận hưởng cuộc sống. Không có lý do gì để mọi người không được hạnh phúc, ngoại trừ chính chúng ta tự làm khó mình, vì không bao giờ hài lòng với những gì mình có, vì luôn muốn có nhiều hơn hoặc khác với thứ mình đang có…
Vì thế, sau khi ra trường bước vào đời, nếu thay đổi được hoàn cảnh cho tốt hơn – hãy cố gắng thay đổi. Còn nếu biết chắc rằng không thay đổi được hay khi đã làm hết sức để thay đổi mà không được thì đừng để chúng ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần bạn.
Bởi những người không làm gì thì mới không bị khuyết điểm. Còn những người làm tất có đúng có sai, có ý tưởng mới, hăng hái làm việc, say sưa làm việc, thì mắc khuyết điểm là sự hẳn nhiên. Nếu may mắn, có bản lĩnh tốt bạn sẽ sớm học được nhiều điều từ trường đời, từ thực tế cuộc sống hằng ngày, mà ai cũng phải học.
LỜI KHUYÊN CHO SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG
Bạn vừa ra trường và đang bối rối về công việc ư? Đừng lo, mọi việc sẽ tốt thôi!!
Tuổi trẻ chính là quãng thời gian khiến chúng ta cảm thấy bối rối và lúng túng trước mọi việc nhiều nhất. Có lẽ trạng thái tâm lý này xuất hiện là do khát vọng được học hỏi, trải nghiệm của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn bất kỳ lúc nào. Thế giới trở nên nhỏ hơn trong khi chân trời lại trải dài trước mắt.
Tuy nhiên, dù với lý do nào đi nữa thì ngày càng có nhiều sinh viên mới tốt nghiệp tin rằng họ không nên hay không cần biết chính xác nên làm gì với nghề nghiệp của mình sau khi rời khỏi giảng đường đại học. Thực tế này đang khiến bạn lo lắng phải không? Bạn muốn tìm một hướng đi khác, muốn lao vào xã hội để làm việc. Những người bạn của bạn có người quyết định đi du lịch , có người học tiếp lên cao, có người tình nguyện về phục vụ tại các địa phương vùng sâu vùng xa, dù quyết định của các bạn có thế nào đi nữa thì tôi chắc rằng không ai có thể nói quyết định này là khôn ngoan và sáng suốt hơn các quyết định khác.
Thế giới mới đang mở cửa đón mừng, bạn ham hở bước vào, nhưng trước lúc đó xin hãy dừng lại một chốt để biết được một sự thực là: Hầu hết mọi người đều không biết chính xác mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp đại học. Cha mẹ, người thân và bản thân tôi nữa cũng không thể biết được điều này!!
Vì thế, việc bạn cảm thấy lúng túng không hề là vấn đề nghiêm trọng. Bạn có thể sẽ vấp phải những thất bại khi đảm nhận công việcđầu tiên sau khi ra trường.
Sau khi ra trường, tôi làm việc cho hãng Shell với chức danh là cử nhân Tài chính. Tôi chọn công việc này vì đây là công việc duy nhất mà tôi phỏng vấn và trúng tuyển. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nó giống như một địa ngục vậy. Và tôi bắt đầu nhảy cóc. Tôi đã chuyển 4 công việc khác nhau trong 6 năm liền tuy nhiên tôi thực sự không hối tiếc về điều này. Vào năm 28 tuổi, tôi đã chuyển đến làm việc cho một công ty mà tôi thực sự yêu thích- cuối cùng tôi cũng hiểu được tôi là ai và điều gì khiến tôi có được một sự nghiệp thành công và mãn nguyện.
Vài năm đầu sau khi tốt nghiệp chỉ là khởi đầu của một quá trình khám phá lâu dài. Bạn có thể phải làm những công việc tẻ nhạt, hoàn toàn không phù hợp với tích cách. Nhưng hãy nhớ rằng, không ai làm mãi một nghề!!. Khi cuộc sống của bạn có nhiều thứ để lo lắng hơn như gia đình, con cái- bạn sẽ ít phạm sai lầm trong nghề nghiệp hơn. Bạn sẽ học được nhiều từ những vấp ngã ban đầu.
Sự nghiệp của mỗi người là một quá trình dài trong đó công việc đầu tiên chỉ là viên gạch khởi đầu. từng công việc, bạn sẽ học được các kỹ năng mới cũng như nâng cao các kỹ năng cũ. Các kỹ năng này không chỉ đơn giản là các kiến thức như: quản lý cơsở dữ liệu, dược phẩm. Chúng có thể cách thức quản lý dự án, xây dựng quan hệ với khách hàng, phát triển kinh doanh- Bạn có thểáp dụng chúng vào bất kỳ lãnh vực nào. Quá trình này cũng giúp bạn nhận ra được phong cách làm việc của bản thân - Bạn thích làm việc theo nhóm hay độc lập? Bạn có sở trường về tài chính không?... Chuyến hành trình này sẽ xây dựng cho cho bạn các kỹ năng và kinh nghiệm ngày càng vững vàng hơn. Từng bước, từng bước bạn sẽ nhận ra con đường sự nghiệp của mình
Đi du lịch một năm để trải nghiệm cuộc đời và thử thách bản thân, theo đuổi con đường học vấn để phát triển.
LỜI KHUYÊN CỦA 10 TỈ PHÚ DÀNH CHO SINH VIÊN MỚI RA TRƯỜNG
Đây đều là những nhà lãnh đạo kinh doanh có tầm nhìn chiến lược đã xây dựng nên những đế chế khổng lồ từ hai bàn tay trắng và đang nằm trong top những người giàu có nhất hành tinh. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho sinh viên mới ra trường của các nhà tỉ phú này.
1. Huyền thoại Steve Jobs - Cựu CEO Apple: Hãy sống như không có ngày mai
Khi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó một câu nói rằng: "Nên sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ thấy đúng". Điều đó gây ấn tượng mạnh với tôi và trong 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không? ". Nếu câu trả lời là: “Không” kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết mình cần thay đổi. (Trích diễn văn của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2005)
2. Bill Gates - Nhà sáng lập Microsoft: Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại
Mẹ tôi, người đã rất tự hào khi tôi được nhập học ở đây – không ngừng khuyên tôi rằng hãy làm nhiều điều tốt cho người khác. Một vài ngày trước lễ cưới của tôi, bà đã tiếp đón cô dâu và tại đó bà đã đọc to một lá thư về hôn nhân mà bà đã viết cho Melinda. Mẹ tôi bị bệnh ung thư rất nặng nhưng bà đã có cơ hội để truyền đạt thông điệp của mình và lúc kết thúc bức thư bà nói: “Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại.” (Trích bài phát biểu của Bill Gates tại lễ tốt nghiệp Đại học Harvard, 2007)
3. Oprah Winfrey - Bà trùm truyền thông Mỹ: Chúng ta đều cần thay đổi theo thời gian
Rất nhiều người yêu thích sự thay đổi, đặc biệt là vẻ bề ngoài vì nó có thể mang lại kết quả ấn tượng. Nhưng tôi thay đổi với mong muốn chuyển hóa con người từ bên trong hơn là vẻ bề ngoài. Tôi muốn thay đổi cách mọi người cảm nhận về chính bản thân họ. Tình cờ, chúng ta có thể gặp một người đàn ông đi bộ trên phố với một bộ râu rất dài và có vẻ như con người anh ta được giấu đằng sau bộ râu đó. Và sau khi giúp anh ta cạo bỏ lớp râu ria xồm xoàm và anh ta thực sự có thể nhìn thấy mình, anh ấy nói, "Tôi cảm thấy sống lại." Thay đổi vẻ bề ngoài đã giúp anh ta nhìn lại chính mình. Đó là lí do tất cả chúng ta đều cần thay đổi theo thời gian trong cuộc đời mình. Đổi với các bạn, những sinh viên tốt nghiệp, tôi chắc chắn rằng nếu bạn có thể thấy khả năng thay đổi cuộc sống của bạn, nhìn thấy bạn của tương lai thay vì hiện tại bé nhỏ, bạn sẽ có được thành công lớn. (Trích bài phát biểu của bà Oprah Winfrey tại lễ tốt nghiệp Đại học Duke, 2009)
4. Michael Dell - Nhà sáng lập hãng máy tính Dell: Đừng bao giờ tỏ ra mình thành người thông minh nhất
Cố gắng đừng bao giờ tỏ ra là người thông minh nhất trong phòng. Và cho dù bạn là người thông minh nhất đi chăng nữa thì tôi cũng khuyên bạn nên tìm kiếm người thông minh hơn, hoặc chuyển sang một phòng khác. Trong giới chuyên môn, việc này được gọi là xây dựng mạng lưới làm việc. Trong các tổ chức, đó là xây dựng đội ngũ. Và trong cuộc sống, nó chính là tạo dựng các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Chúng ta đều là những món quà dành cho nhau, và trong suốt quá trình phấn đấu trở thành một nhà lãnh đạo, tôi đã hiểu ra một điều quan trọng rằng những kinh nghiệm quý báu nhất đều xuất phát từ các mối quan hệ của tôi. ( Trích bài phát biểu của ông Michael Dell tại lễ tốt nghiệp Đại học Texas, 2003)
5. Michael Bloomberg - Thị trưởng thành phố New York: Đừng giậm chân tại chỗ quá lâu
Tôi bắt đầu công việc đầu tiên khi ra trường trên phổ Wall và tôi đã làm việc ở đó trong suốt 15 năm. Đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời với nhiều điều thú vị và vô số lời khen ngợi từ ông chủ của tôi. Mọi người đều yêu mến tôi nhưng rồi một ngày họ đã đuổi tôi ra đường. Tôi vẫn học cách lạc quan bởi hạnh phúc chỉ đến với ai biết bước tiếp và cố gắng. Chính xác là ngày hôm sau, sau khi tôi mất việc, tôi đã bắt đầu làm việc với một công ty mới. (Trích bài phát biểu của ông Michael Bloomberg tại lễ tốt nghiệp Đại học Tufts, 2007)
6. JK Rowling - Tác giả Harry Porter: Thất bại là mẹ thành công
Tại sao tôi muốn chia sẻ với các bạn về những lợi ích của thất bại? Đơn giản là vì thất bại có nghĩa là lược đi những cái không cần thiết. Tôi tự nhủ với mình rằng tôi là chính tôi hơn là bất cứ ai khác và tập trung tất cả năng lượng chỉ để làm những công việc quan trọng. Nếu thành đạt ở bất kì một lĩnh vực nào khác, có lẽ tôi đã không thể tìm thấy sự quyết tâm để thành công trong lĩnh vực mà tôi tin rằng thực sự thuộc về mình. Tôi đã được tự do theo đuổi ước mơ vì nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã không còn nữa. Tôi vẫn có được một cuộc sống hạnh phúc với một cô con gái đáng yêu, một chiếc máy đánh chữ cũ và một kho ý tưởng viết truyện. Và như vậy, những thất bại cay đắng đã trở thành nền tảng vững chắc giúp tôi xây dựng lại cuộc sống của mình. ( Trích bài phát biểu của bà JK Rowling tại lễ tốt nghiệp Đại học Harvard, 2008). Xin lưu ý với độc giả là hiện nay bà không còn là một tỷ phú
7. Jeff Bezos - CEO Amazon.com: Năng khiếu là bẩm sinh, lựa chọn mới phức tạp
Tôi mạo muội dự đoán rằng khi bạn trở thành cụ già 80 tuổi, trong những phút giây tự vấn lặng lẽ, hồi tưởng về cuộc đời đã qua, bạn sẽ nhìn lại một loạt những lựa chọn của mình. Rốt cuộc, con người mà bạn trở thành chính là những gì bạn đã lựa chọn. Bạn hãy tự tạo nên câu chuyện kỳ thú cho cuộc đời mình.( Trích bài phát biểu của ông Jeff Bezos tại lễ khai giảng Đại học Princeton, 2010)
8. Mark Zuckerberg - CEO Facebook: Làm những gì mình yêu thích
Khi bạn về nhà ăn tối và bạn có món rau kinh khủng nhất thì bạn vẫn có thể ăn được nếu muốn. Kể cả khi bạn chơi một trò chơi, cho dù nó rất khó thì bạn cũng có thể thành công nếu yêu thích nó. Thực tế là nếu làm những gì mà bạn mong muốn, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn và có nhiều động cơ thực hiện hơn. (Trích bài phát biểu của ông Mark Zuckerberg tại trường Belle Haven ở thành phố Menlo Park, CA, 2011)
9. Steve Ballmer - CEO Microsoft: Hãy kiên trì thực hiện đến cùng
Niềm đam mê là khả năng truyền hứng thú với một điều gì đó còn sự nỗ lực và kiên trì lại là khả năng để tiếp tục thực hiện điều đó. Nếu nhìn qua các công ty mà tôi khởi nghiệp kinh doanh thì bạn sẽ thấy là hầu hết đều thất bại. Ngay cả với các công ty đã gặt hái nhiều thành công như Microsoft, Apple, Google hay Facebook thì bạn cũng cần phải biết rằng tất cả các công ty này đều đã trải qua những thời kì sóng gió. Có thể bạn có được những thành công nhất định, nhưng chẳng may sự nghiệp của bạn lại tan thành may khói. Bạn áp dụng một công thức cho ý tưởng mới, bạn coi đây là một sự cách tân nhưng nó lại không hoạt động. Và đó là lúc chứng tỏ tính ngoan cường, không ngừng lạc quan và kiên trì của bạn, những tính cách sẽ quyết định sự thành công của bạn trong tương lai. ( Trích phát biểu của ông Steve Ballmer tại Đại học Nam California, 2011)
10. Larry Page - Đồng sáng lập Google: Hãy nắm lấy những ước mơ
Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ cảm thấy dễ đạt được hơn khi có những ước mơ đầy tham vọng. Có thể nghe điều này hơi điên rồ nhưng vì không ai khác đủ điên rồ để làm điều đó nên bạn chẳng cần phải cạnh tranh. Có quá ít người dám làm những việc điên rồ như thế này, thậm chí tôi có thể đếm được trên đầu ngón tay trong khi những người khác đều thích làm việc tập thể và dính với nhau như keo. Những người giỏi nhất sẽ dám đương đầu với những thách thức lớn nhất. Đây chính là trường hợp của Google. (Trích phát biểu của ông Larry Page tại Đại học Michigan, 2009)
Kế hoạch cuộc đời lập thế nào để luôn thành công
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc lần đầu cực hữu ích
Cách tạo CV ấn tượng để nhà tuyển dụng chọn bạn
Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên nhân sự
Chuẩn bị gì khi đi xin việc
Làm việc ở công ty nhỏ được và mất!
(st)