Chị em luôn có tâm lý thích những gì đẹp mà lại rẻ, khi đi làm tóc cũng vậy. Tuy nhiên có những hiểm họa khó lường từ việc ép tóc với những loại thuốc rẻ như ung thư, thậm chí tử vpng
Hiểm hoạ khó lường từ ép tóc thẳng
Cả thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ các kiểu thời trang tóc của giới trẻ, trong đó đáng chú ý là việc nam thanh nữ tú tại nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam đã đổ xô đi ép tóc cho thẳng và suôn ra. Ít ai biết rằng, sau những lần làm đẹp như vậy, ngoài việc huỷ hoại tóc còn gây ra không ít loại bệnh tật cho cơ thể.Đẹp thì có đẹp...
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, nhiều công ty của các nước trong khu vực đã sản xuất ra những chiếc lược, hay những bộ đồ nghề để làm tóc từ quăn, thành thẳng và ngược lại, giá các thiết bị ngoại nhập này rẻ cũng vài chục USD và đắt thì hàng trăm USD và chúng đã trở thành những thiết bị không thể thiếu trong các gia đình có sự hiện diện của phụ nữ.
Thiết bị trên có tên gọi là TR. Chị Hoàng Anh, một thợ tóc nổi tiếng tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội cho biết, mọi người ở thành phố, đặc biệt là các cô gái trẻ đang đổ xô đi tìm kiếm sản phẩm trên. Hằng ngày, chị thường dùng thiết bị TR để làm tóc cho khách hàng thẳng ra hay quăn lại một cách dễ dàng và giá thành cũng rất rẻ. Quá trình làm tóc quăn lại hay thẳng ra chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ và chi phí là vài trăm ngàn đồng.
Ngoài ra, chị có thể làm thẳng tóc bằng một số bí quyết. Khi đó, tóc được ép thẳng sẽ suôn trong nhiều năm, quá trình thao tác mất khoảng hơn 2 giờ đồng hồ và chi phí sẽ là hàng triệu đồng. Sau khi sử dụng thiết bị TR thì các nhà làm tóc thường dùng các loại kẹp khác nhau hỗ trợ. Khi tóc thẳng thì chúng được nhuộm hoá chất và thổi khô bằng máy. Nếu làm thẳng bằng phương pháp mà các chuyên gia gọi là phương pháp Cosgrove thì tóc có thể duỗi thẳng trong vòng nhiều năm và trong bất kỳ thời tiết nào. Để làm được như vậy, khách muốn có bộ tóc đẹp phải chịu khó ngồi trên ghế salon tới 4 giờ đồng hồ, và số tiền mặt phải trả lên tới hàng trăm USD.
Thận trọng trước những nguy hại
Linh Nga, trưởng phòng marketing tại một công ty liên doanh, người thường dùng những thiết bị TR để làm thẳng tóc cho biết: “Sau khi ép tóc một thời gian, mỗi khi nằm xuống tóc của tôi đã bị đóng cục và rụng xuống rất nhiều”. Linh Nga không chỉ là người duy nhất trong số những người bị hỏng tóc sau khi ép mà trong một cuộc phỏng vấn trên mạng ABC.go.com gần đây cho thấy, một nhóm 20/20 đều trả lời rằng, có những tổn thất lớn về tóc sau khi họ ép tóc.
Thanh Tâm, người làm trong một công ty truyền thông cũng đã thừa nhận, sau khi tân trang lại tóc bằng ép thẳng đã thấy những tín hiệu xấu từ tóc của cô. Sau một thời gian làm tóc thì tóc của cô cứ gãy vụn ra và không có cách nào khác để làm chúng đẹp lại. Bất đắc dĩ cô đành phải cắt ngắn chúng đi. Tina Cassaday, chuyên gia người Mỹ, chuyên dạy thiết kế tóc cho một số cửa hàng thời trang tóc nổi tiếng ở Việt Nam, người từng thiết kế các kiểu tóc cho nhiều người đẹp nổi tiếng thế giới ở Hollywood (Mỹ) và chị cũng rất thông thạo trong việc dùng các thiết bị để phân tích tóc nhằm biết được những thiệt hại từ thiết bị TR.
Chị cùng các chuyên gia khác cho rằng, khi làm thẳng tóc hay sửa sang bằng thiết bị TR đã làm phai đi lớp màu tự nhiên của tóc do những hoá chất gây ra, kể cả khi áp dụng phương pháp bí truyền. Thực tế, đại đa số các chủ làm đầu khi ép tóc đều dùng thiết bị TR mà không được cảnh báo từ những nguy hại của chúng.
Một số khác thì lại hiểu lầm rằng, thiết bị này sẽ làm cho tóc khoẻ ra. Thực tế, nhiều công ty sản xuất thiết bị tân trang tóc luôn phớt lờ những lời cảnh báo từ những phản ứng phụ của thiết bị, ngoài ra không ngại tung ra các chiêu quảng cáo “sử dụng thiết bị của công ty không chỉ làm tóc thẳng đẹp mà còn phục hồi được những chiếc tóc đã bị hỏng”.
Nhiều chuyên gia thiết kế tóc kinh nghiệm và tâm huyết thì đã từ chối sử dụng thiết bị TR cho người thân. Họ cảnh báo mọi người rằng, các nhà sản xuất cần phải nói rõ cho người tiêu dùng những tác hại của TR để họ biết rõ hơn những sản phẩm mà họ đang dùng. Nhiều người khác thì muốn có các chuyên gia tư vấn trước khi sử dụng TR và yêu cầu cần có cơ quan kiểm nghiệm vào cuộc.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia về tóc có trách nhiệm cho rằng, cần phải cảnh báo công khai cho khách hàng sử dụng thiết bị trên và các nhà thiết kế tóc cũng phải tiến hành các cuộc thử nghiệm để đưa ra những tác hại của chúng cho chính xác hơn. Những tác hại đã rõ ràng, chính vì vậy mà trước khi đi ép tóc bạn hãy nghĩ kỹ, nếu không thì bạn hãy để lại mái tóc tự nhiên của mình như vốn có thì tốt hơn.
Nguy cơ ung thư vì làm đẹp tóc
Chăm sóc tóc không hợp lý, thay đổi kiểu tóc liên tục sử dụng hóa chất cho mái tóc với tần suất cao sẽ mang đến những hiểm họa khôn lường. Sử dụng thuốc làm đẹp mái tóc không rõ nguồn gốc có thể gây ung thư với phụ nữ, còn những người đang mang thai có nguy cơ gây sảy thai, sinh con quái thai. Nhu cầu làm đẹp thì gia tăng, nhưng việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm cho mái tóc vẫn bỏ ngỏ, người đi làm đẹp vẫn tù mù theo kiểu may thì đẹp, không may thì... nhập viện!
Ảnh minh họa
1001 sự cố khi làm đẹp mái tóc
Chị Nguyễn Thu Hằng (Hoàn Kiếm- Hà Nội) vốn là người thích thay đổi kiểu tóc. Hôm ấy, chị đến hiệu P.A, một trung tâm tóc có tiếng để làm tóc xoăn. Thợ làm tóc tư vấn cho chị làm xoăn máy, đảm bảo đẹp và vào nếp dễ chăm sóc. Họ cũng "bảo hành" chắc như đinh là máy móc thuộc dòng hiện đại trục hơi nước an toàn và đẹp.
Chị Hằng được chủ hiệu vào thuốc ủ tóc và cuốn trục. Ngồi vào máy chị cũng yên tâm vì máy làm nóng bằng hơi nước vốn là loại hiện đại hiện nay. Nhưng vừa cắm trục dây dẫn nước vào được giây lát, nước sôi thì chị thấy bỏng rát hết một bên tai. Thì ra, máy không được kiểm tra kỹ, một cái gioăng cao su bị lỏng, gặp nước nóng mềm ra và tụt khỏi trục tóc, chị Hằng bị dòng nước nóng đến 500oC chảy "chín tai". Cửa hàng cũng không ngờ xảy ra tình huống ấy, họ tuyệt nhiên chẳng có thuốc chữa bỏng để sơ cứu cho khách, chị lấy khăn ướt đắp lên rồi được bạn đưa vào bệnh viện điều trị. Cho đến bây giờ, bên tai phải của chị Hằng vẫn còn dấu tích bị bỏng còn chị muốn làm tóc xoăn chỉ dám cuốn tay và tránh xa các loại máy hiện đại hay cổ điển.
Cái cảm giác sợ khi uốn tóc ngồi vào máy bị điện giật tung người thì chính người viết bài cũng đã từng trải qua. Những miếng lót bằng cao su, bằng gạc cứng cũng không làm giảm độ nóng từ chiếc máy uốn tóc hai râu (loại máy cổ nhất của làng làm tóc), sợ quá, tôi cũng đã phải bỏ cả cửa hàng mà… chạy.
Sau khi đã "hoàn hồn", tôi tìm đến một hiệu tóc ở Nguyên Hồng (Đống Đa- Hà Nội) để "giải quyết hậu quả". Ở đây, họ cũng lại vào trục máy, nhưng sử dụng máy giàn kéo xa trục ra ngoài chân tóc nên cũng không bị nóng nhiều. Nghe chuyện tôi bị điện giật, bà chủ tên Anh bảo: "Loại máy này cũng đã được thiết kế đến độ an toàn nếu bị chập điện thì chỉ có cảm giác giật mình, hơi tê người thôi". Nghe nói, có nhiều người chứ không phải riêng tôi, bị điện giật trong khi tóc thì cuốn chặt vào dây điện… Lúc đó, ai chẳng sợ... chết?
Cho đến nay, các hiệu làm tóc sử dụng rất nhiều loại máy uốn mà chẳng có cơ quan nào quản lý về chất lượng và độ an toàn. Cửa hàng nào cũng đảm bảo máy hiện đại, an toàn chỉ đến khi gặp sự cố mới tá hỏa và tất nhiên rủi ro thì khách hàng gánh chịu.
Chủ hiệu làm tóc Đức Hair Jimmy (Thanh Xuân- Hà Nội) nói: "Ở hiệu mình làm tóc xoăn cho khách theo cách thức riêng, tuy có mất nhiều thời gian nhưng an toàn và tóc không bị khô vì đã được dưỡng cẩn thận". Theo Đức kể, hôm ở hiệu của cậu bạn ở Triều Khúc (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng sử dụng loại máy hai râu vào trục cho khách. Ai ngờ, không kiểm tra kỹ, máy chập điện khiến da đầu của khách bị bỏng, còn tóc thì cháy khét lẹt. Chủ cửa hàng sợ xanh mắt mèo, cũng may nhân viên rút dây điện ra kịp.
Ảnh minh họa
Nguy cơ sinh con quái thai vì thuốc làm tóc
Ép, nhuộm, uốn tóc xoăn đều phải sử dụng một lượng lớn thuốc hóa chất. Thuốc tốt thì đắt tiền, thuốc không rõ nguồn gốc thì rẻ tiền. Tại Phùng Khoang (Hà Nội) nơi nhiều sinh viên thuê trọ, các cửa hàng tóc cũng bình dân thường treo biển ép tóc 100-150 ngàn đồng, nhuộm 200 - 250 ngàn đồng/đầu. Đây được coi là mức rẻ chưa từng có trong những cửa hàng lớn. Bởi với nhuộm tóc bằng thuốc của các hãng có tên tuổi của Hàn Quốc, Italia, Anh... giá cho một lần "chạy qua hóa chất" cũng từ 700 ngàn đồng trở lên.
Chủ hiệu tóc Đức cho biết, loại thuốc rẻ để ép, nhuộm tóc hiện nay rất phổ biến, đó là những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cứ ra các cửa hàng mỹ phẩm tại Bạch Mai, Cầu Giấy, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm... mua bao nhiêu cũng có. Đây là những loại thuốc nhuộm tóc, duỗi tóc siêu rẻ, thậm chí không nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng.
Thuốc nhộm tóc cũng có hơn 50 mầu bắt mắt giá chỉ 40 ngàn đồng/chai to làm được những… 12 cái đầu. Nếu chỉ lấy giá 200 ngàn đồng/đầu nhuộm thì cửa hàng cũng đã lãi to rồi. Một điều dễ nhận thấy, ở những cửa hàng như vậy, khi nhuộm, ép tóc chủ cửa hàng thường pha thuốc ở nơi khuất, khách không nhìn thấy hóa chất sẽ đưa lên tóc mình là loại gì, hãng gì.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang, Trung tâm hóa công nghiệp Việt Nam cho biết: Các chất nhuộm màu khi thấm sâu vào chân tóc mang theo hoạt chất paraphenylendiamine có khả năng gây ung thư. Chưa kể loại thuốc nhuộm như Begen có chứa hóa chất Benzenne có thể gây ngộ độc chì, có khi thấm qua da nếu nhuộm quá nhiều lần trong một tháng. Vì lý do đó, với những người thợ làm tóc tiếp xúc với những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không am hiểu tính chất lý hóa học của thuốc sẽ rất nguy hiểm cho bản thân. Những người này khi bị nhiễm hóa chất sẽ có nguy cơ sảy thai khi mang bầu, hoặc sinh con quái thai.
Bác sỹ Hoàng Thành Sơn (Viện Da liễu quốc gia) cho biết: Thuốc nhuộm, ép tóc không đảm bảo sẽ dễ gây kích ứng cho da đầu. Thông thường các vùng da tiếp xúc với chất nhuộm bị viêm đỏ, phù nề, có mụn nước, chảy nước và ngứa. Nặng hơn thì các vùng da lân cận và mặt cũng có biểu hiện tương tự, cả vùng mặt sưng to và đỏ rực. Nhiều người chỉ tiếp xúc với một lượng rất nhỏ thuốc nhuộm cũng bị phản ứng mạnh. Điều trị viêm da do tiếp xúc với thuốc nhuộm cần phải do bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định và thường phải hàng tuần lễ mới có thể khỏi được. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp để lại di chứng viêm da mạn tính.
Những điều tối kỵ
Cũng theo bác sỹ Sơn, những trường hợp chuẩn bị mang thai, đang mang thai, những người mới ốm dậy, bệnh nhân bị bệnh gan, thận thì không nên nhuộm, ép tóc để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khoảng cách giữa 2 lần nhuộm tóc không nên quá gần nhau, ít nhất là 6 tháng và khi nhuộm, ép tóc phải sử dụng loại thuốc có nhãn mác của các thương hiệu có uy tín bởi những sản phẩm này đã được nhà sản xuất kiểm tra, tránh việc sử dụng thuốc làm tóc trôi nổi trên thị trường.(St)