Cách chăm sóc cây cảnh trong nhà chuẩn nhất

seminoon seminoon @seminoon

Cách chăm sóc cây cảnh trong nhà chuẩn nhất

19/04/2015 04:38 AM
2,320

Cách chăm sóc cây cảnh trong nhà  chuẩn nhất cho cây cảnh của bạn phát triển tốt. Hãy cùng tham khảo các hướng dẫn sau nhé!



LƯU Ý KHI TRỒNG  VÀ CHĂM SÓC CÂY XANH TRONG NHÀ
 

Khi bày trí cây trong phòng thì cũng phải đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho cây. Trong phòng khách thì nên đảm bảo đặt cây ở vị trí có khoảng 2 – 3 giờ có ánh sáng tự nhiên trong phòng.

Để cây cảnh luôn xanh tốt, người ta còn dùng thêm đèn ánh sáng ban ngày (day - light), ánh sáng phát ra từ loại đèn này giống như ánh sáng mặt trời nên cây có thể quang hợp được như môi trường bên ngoài.
 
Tưới nước

 
Cây cảnh bày trí trong nhà thì lượng nước tưới không nên quá nhiều, khi nào thấy đất trồng khô thì tưới nước là được. Ngoài ra, có thể dùng bình phun nước để phun cho cây, mùa hè có thể phun ngày hai lần, mùa đông thì ngày một lần để tăng cường độ ẩm, làm sạch lá, có lợi cho quá trình quang hợp của cây, làm cây xanh tốt.

Những loại cây trồng trong nhà cần chú ý hơn đến việc mua những chậu cây phù hợp. Có thể dùng những loại chậu cảnh có đĩa đệm bên dưới để dễ dàng di chuyển và thoát nước tốt.
 
Bón phân
 


Bón phân cho cây là công việc vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của cây. Nếu bạn bón nhiều phân quá thì cây sẽ phát triển nhanh làm mất dáng thế, gọi là phá thế. Nhưng nếu bón ít quá, cây sẽ thiếu dưỡng chất làm chết cành... Vì vậy, cách tốt nhất là khoảng nửa tháng bón phân cho cây một lần, tỉ lệ bón 5% phân tổng hợp cho cây. Ngoài ra, dùng nước vo gạo để tưới cây cũng có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của cây.
 
Phòng bệnh cho cây 


Cây cảnh bày trí trong nhà không được dùng thuốc trừ sâu, có thể dùng thuốc diệt muỗi để trừ sâu. Đối với cây mắc bệnh phấn trắng thì có thể dùng khăn và cồn lau sạch, nếu mức độ bệnh nghiêm trọng thì cần phải để cây ra ngoài rồi trị bệnh cho cây.
 
Biện pháp hồi phục khi cây bị khô héo


Khi phát hiện cây có hiện tượng vàng úa, khô héo, rụng lá… thì phải kịp thời có những biện pháp chăm sóc giúp cây hồi phục lại sức sống. Không nên cho ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu xạ vào cây để tránh làm cho sức nóng của ánh nắng gây ảnh hưởng bất lợi đến cây cối hoặc có thể làm cho cây chết do bị mất nước. Nơi chăm sóc cây phải là nơi mát mẻ, không khí trong lành và nên tránh gió mạnh. 
 
Trong thời gian đầu nuôi dưỡng cây thì không nên tác động vào đất trồng bởi vì lúc này các tổ chức và chức năng của cây ở trạng thái tĩnh, nếu động thổ thì sẽ làm cho hệ rễ cây bị tổn thương. Vào thời gian này chỉ nên cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ, đồng thời có thể hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây, mỗi tuần một lần, sau mỗi tháng thì sẽ tăng dần lượng, sau khoảng 2 -3 tháng thì sẽ tăng nồng độ.

Đợi đến khi cây có sức sống trở lại thì thay đổi đất trồng, tốt nhất là dùng đất mục và đất phù sa để trồng, nên bón lót phân bắc trước khi trồng cây

 

BI QUYẾT HAY KHI CHĂM SÓC CÂY TRONG NHÀ
 

Trồng cây xanh ngoài tác dụng làm đẹp cho ngôi nhà mà về phương diện phong thuỷ, các gia chủ còn có mong muốn cầu tài cầu lộc, mang lại may mắn cho gia đình thông qua ý nghĩa, biểu tượng của các loại cây. Vì vậy, chẳng có người nào lại muốn cây cảnh trồng trong nhà của mình bị chết, nhưng đôi khi rất nhiều người lại không ngờ rằng chính sự chăm sóc của họ lại vô tình giết chết chúng...

Khi trồng cây cảnh trong nhà, gia chủ cần phải biết cách tự tạo môi trường thời tiết tự nhiên cho cây trồng, bởi vậy, dành một khoảng thời gian nhất định ban đầu để thử nghiệm loại cây mà mình dự định trồng là rất cần thiết, đó là cơ sở tìm ra phương pháp điều chỉnh môi trường tác động nhằm giúp cây trồng thích nghi với điều kiện sống đó.

Phần đông nhiều người không thực sự biết cách chăm sóc cho cây trồng dẫn đến những sai lầm phổ biến như sau:

1. Tưới nhiều nước

Tưới nước là việc làm cần thiết để cây trồng luôn khoẻ mạnh và phát triển tốt, tưởng chừng đây là việc đơn giản và dễ thực hiện nhưng nhiều người vẫn mắc sai lầm khi quá chăm chú tưới nước nhiều lần trong một ngày. Cây trồng hấp thụ không khí qua rễ cây, nếu như đất trồng lúc nào cũng ẩm ướt thì việc hấp thụ không khí sẽ diễn ra khó khăn, hơn nữa tưới nhiều nước sẽ làm rễ cây nhanh mục, khiến cho cây trồng chóng chết.

Chính vì lẽ đó mà đừng có tưới nước cho cây trồng một cách thụ động. Hãy kiểm tra liệu đất trồng ở bên dưới (chỗ thấp hơn 2,54cm so với bề mặt bên trên) liệu có khô hay không, nếu khô thì cần tưới nước. Khi tưới thì hãy tưới thật kỹ, tưới cho đến khi nhìn thấy nước thoát ra từ lỗ thoát nước ở bên dưới chậu cảnh. Đây là cách kiểm tra hữu ích không chỉ đối với đối với những người ít khi dành thời gian tưới nước cho cây trồng, mà còn hữu ích cho cả những người lúc nào cũng chỉ chăm chăm tưới nước cho cây.

Không để cho cây trồng ngâm trong nước. Nếu như muốn tăng độ ẩm cho cây trồng bằng cách đặt chúng lên một cái khay nước có chứa đá cuội thì phải đảm bảo mực nước thấp hơn so với lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu cảnh.

 


2. Độ ẩm không thích hợp

Rất nhiều cây trồng trong nhà luôn ở tình trạng thiếu độ ẩm cần thiết, đặc biệt là vào mùa đông. Dấu hiệu nhận biết được thông qua màu sắc trên đỉnh của lá cây. Nếu trên đỉnh lá có màu hơi nâu có nghĩa là cây trồng đang thiếu nước, chúng sẽ trở nên khô héo, và rụng lá.

Thiếu độ ẩm cũng là nguyên nhân làm chết cây trồng, để chắc chắn rằng cây trồng có độ ẩm cần thiết, đầu tiên gia chủ cần phải tìm hiểu xem lượng nước tưới thích hợp cho cây trồng của mình là ở mức nào. Nếu như cây trồng có xu hướng khô đi, thì có thể tăng cường độ ẩm cho cây bằng cách đặt một khay nước có chứa đá cuội ngay ở phía dưới chậu cảnh (chú ý là chỉ đổ đầy nước cho đến mực dưới lỗ thoát nước của chậu cảnh).

3. Thiếu, thừa ánh sáng

Nếu như cây cảnh không hấp thụ được lượng ánh sáng cần thiết thì trông chúng sẽ nhợt nhạt hơn so với những cây được hấp thụ ánh sáng mặt trời. Dấu hiệu nhận biết là những chiếc lá mới mọc có kích thước nhỏ hơn so với bình thường. Xác định xem lượng ánh sáng mà cây cảnh trồng trong nhà cần phải có cũng giống như việc ước lượng xem lượng nước mà cây trồng cần là bao nhiêu. Đơn giản là người chăm sóc nên dành thời gian ban đầu để tìm hiểu xem cây trồng của mình sẽ phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng như thế nào.

Tuy nhiên, đối với hầu hết các cây cảnh trồng trong nhà đều không nên đặt chúng ở chỗ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như gần cửa sổ chẳng hạn. Tia nắng mặt trời sẽ làm cháy lá cây. Chỉ có những cây ưa ánh sáng như cây hoa anh thảo, cây dành dành, cây phong lữ là có thể đặt ở vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Các cây không cần tiếp xúc nhiều với ánh sáng như cây ráy thơm thì tốt nhất là nên được đặt tại nơi mà không có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.


4. Không chú ý việc loại bỏ sâu bọ

Sâu bọ có khả năng sản sinh rất nhanh và không có cách nào để ta có thể kiểm soát được số lượng của chúng, gây hại nhiều cho cây trồng chính vì vậy cần phải đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu trên cây trồng của mình để ứng phó kịp thời. Loại bọ bét, rệp vừng, loài rệp bột và loài vảy bắc có thể sinh sôi nảy nở trên cây trồng trong vòng vài ngày, trong trường hợp xấu nếu những loại sâu bọ này bám trên cây trồng dai dẳng thì cây sẽ chóng chết. Gia chủ nên để ý tới những lá cây bị bạc mầu hay uốn quăn lại, và hãy kiểm tra khi thấy cây trồng trở nên mềm và ủ rũ ngay cả khi đã được tưới nước.

Những loại sâu bọ phổ biến thường “tá túc” trên cây trồng như:

Bọ bét: Chú ý ở những vị trí nối các nhánh, đặc biết chú ý đối với những cây có tán lá sum sê. Các con bọ bét có kích cỡ nhỏ, chúng gây hại bằng cách hút các tinh tuý của cây trồng. Lá cây nếu bị bọ bét gây hại thì sẽ có các chấm vàng vàng ở bề mặt của lá. Khi sự phá hoại của bọ bét trở nên ngày một tệ hại hơn, lá cây sẽ đổi hoàn toàn sang màu vàng, dần dần lá cây trở nên giòn và dễ vỡ, kết quả là cây sẽ chóng chết.

Để phòng trừ và diệt bọ bét, bạn cần phải phun thuốc trừ sâu cho cây trồng theo hướng dẫn chỉ định sẵn của nhà sản xuất.

Rệp bột: Trông như những đốm có mầu trắng bông, chúng thường bám vào điểm nối của các cuống lá, cũng có thể nhìn thấy chúng ở dọc thân cây. Chúng sinh sản, phát triển và dần dần hút hết các tinh chất có trong cây trồng, khi cây trồng bị rệp bột phá hoại, chúng trông như bị khô dần đi ngay cả khi được tưới nước. Rất khó để diệt trừ loại rệp này. Nếu như cây trồng của bạn có rệp bột bám vào, hãy cắt nhánh cây có rệp rồi bỏ đi. Bạn cũng có thể dùng miếng dẻ lau có nhúng cồn rồi chấm vào những chố rệp bột bám vào. Nếu như cây trồng nhiễm rệp bột nặng thì tốt nhất là bạn nên bỏ chúng đi. Nếu giữ lại cũng không ích gì vì rệp bột sẽ tự sinh sôi phát triển rất nhanh.

Vảy bắc: là loại sâu bọ cỡ nhỏ, chúng bám vào thân, cọng và cuống lá của cây trồng, bên ngoài của chúng được bao phủ bởi một lớp vỏ cứng có hình bầu dục. Giống như rệp bột, chúng hút dần tinh chất của cây trồng, khiến cho cây trồng trở nên yếu ớt không thể duy trì khả năng tồn tại được. Cũng giống như loài rệp bột, rất khó để loại bỏ và diệt trừ loại vảy bắc. Thuốc trừ sâu thì không thể thấm qua lớp vỏ cứng bao phủ bên ngoài bảo vệ chúng. Đôi lúc, bạn có thể dùng móng tay để cậy, loại bỏ chúng ra khỏi cây trồng. Đối với những con vảy bắc còn non, chúng phải trườn bò mà không có lớp vỏ ngoài bao phủ để tìm chỗ bám, lúc này bạn có thể dùng thuốc trừ sâu để phun, diệt trừ chúng.

Rệp vừng: trông giống như những nốt nhỏ mầu xanh, trắng, vàng hoặc đen bao phủ trên toàn bộ bề mặt của cây trồng. Rệp vừng sinh sôi và nảy nở rất nhanh, chúng có thể bám đầy trên cây của bạn chỉ trong một vài ngày. Rệp vừng là loài sâu bọ có thân mềm, vì vậy ta có thể diệt chúng một cách dễ dàng bằng cách tạt nước mạnh vào cây hay là phun thuốc trừ sâu liên tục. Tuy nhiên loại sâu bọ này bám rất dai dẳng, bạn cần phải kiên trì để tiêu diệt chúng.

Sau khi trồng cây cảnh ổn định trong chậu, trong quá trình phát triển

của cây, cần phải tưới nước và bón phân thường xuyên.Tưới nước là khâu quan trọng trong việc trồng cây cảnh nhằm cung cấp nước cho cây bị thiếu hụt do phạm vi trồng hay sống của cây hạn hẹp. Việc tưới nước cho cây cần phải chú ý đến nguồn nước tưới như thế nào, lượng nước tưới 1 lần bao nhiêu, số lần tưới và phương pháp tưới cho thích hợp.

Tuỳ thuộc vào từng loại giống cây cảnh, yêu cầu trong giai đoạn sinh trưởng trong năm và điều chỉnh nơi ở của cây cảnh như thế nào mà xác định cho thích hợp. Vì tưới nước cũng là biện pháp hữu hiệu trong việc điều chỉnh sự sinh trưởng của cây trong nghề trồng cây cảnh nên cần phải xem xét tưới cho phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Các chú ý khi tưới nước cho cây như sau:

• Kích thước của chậu, bồn trồng: Chậu hay bồn trồng càng nhỏ thì cần phải tưới nhiều lần.

• Yêu cầu của cây: Các loại cây mọng nước kiểu sa mạc, sương rồng… không yêu cầu tưới nước cho cây như các cây khác. Các cây thuỷ sinh yêu cầu tưới nhiều và đất ẩm.

• Yêu cầu đạt ra hạn chế sinh trưởng của người trồng: Nếu muốn hạn chế sinh trưởng cảu cây, lá chỉ tưới nước đủ để duy trì sự sống cho cây cảnh.

• Nguồn nước tưới phải không có các chất độc, sạch mầm bệnh. Nước bẩn, mặn không được dùng để tưới. Nước lấy ở sâu dưới đất như nước giếng khoang từ sâu cần phải để ngoài trời 1-2 ngày mới tưới cho cây.

Nói chung kỹ thuật tưới nước cho cây cảnh thường tiến hành như sau:

Sau khi đã chọn nguồn nước thích hợp và tính toán các yêu cầu đặt ra thì xác định lượng nước tưới thích hợp. Lượng nước tưới 1 lần phải tối thiểu đủ để làm ẩm trong chậu đạt độ ẩm 60 sức giữ ẩm của đất để tránh sự co, dãn của đất khi tưới làm đứt rễ hoặc tổn thương rễ.

• Nên tưới 1 ngày 2 lần vào thời gian sáng 7-8h hoặc chiều từ 16-17h hàng ngày.

• Tưới phun bằng dụng cụ tạo hạt nước nhỏ và tưới nên cả bộ dán của cây sau đó mới tưới vào đất tưới đều đưa đi đưa lại không tưới vào 1 chỗ nhất định sau cho đất không đóng váng, nước tưới được ngấm ngay vào đất.

Nếu không có mặt ở nhà thường xuyên, người trồng có thể dùng phương pháp tưới thấm bằng việc lợi dụng sức hút nước của đất trong chậu để cho cây có nước bằng cách tăng dùng một chậu đựng nước và đặt chậu cảnh vào trong chậu đó. Khi đó, đất trong chậu trồng cây sẽ hút dần nước trong chậu đựng nước đó lên. Chú ý là mức nước ở trong chậu đựng nước chỉ bằng hoặc cao hơn 1 chút so với đáy trong của chậu trồng cây, nếu cao hơn đất trong chậu trồng cây sẽ hút nhiều và làm đất bị úng gây ngạt cho rễ cây.

Bón phân cho cây cảnh

Việc bón phân cho cây cảnh thường chỉ tiến hành bón cho những cây cảnh được trồng quá lâu với thời gian dài trong chậu hoặc bốn cảnh hoặc là tiến hành bón theo yêu cầu điều chỉnh sinh trưởng của người trồng trên luống đất của vườn nhà.

Có 2 phương pháp bón phân cho cây cảnh; Bón vào đất và bón thông qua tưới nước vào bộ lá cho cây. Phương pháp bón phân cùng với nước tưới được áp dụng nhiều đối với cây trồng trong chậu hay trong phạm vi hẹp.

Với mục đích cung cấp dinh dưỡng khoáng cho cây sinh trưởng và phát triển trong quá trình trồng trong bồn, chậu hoặc trên luống đất nên các loại phân để bón thường dùng là các loại phân dễ tiêu, nhanh phân giải và cây mau chóng sử dụng được. Việc bón như vậy được gọi là bón thúc khác với việc bón cơ bản là sử dụng các loại phân chậm phân giải, khó tiểu bón trước khi trồng hoặc khi thay đất và chậu cho cây.

Ngoài các yếu tố đa lượng người trồng cây còn phải chú ý bón các loại phân vi lượng cho cây. Thông thường các phân bón đa lượng được bón trực tiếp vào đất còn phân vi lượng bón cho cây thong qua việc tan vào nước phun hoặc tưới cho cây.

Liều lượng một lần bón cho cây trước hết phụ thuộc vào nhu cầu của cây, giai đoạn sinh trưởng, màu vụ bón, loại phân bón, khả năng hấp thụ phân bón của đất cũng như khối lượng đất hay kích thước của chậu hay bồn trồng. Tuỳ thuộc vào các yếu tố trên mà xác định lượng phân cho 1 lần bón thích hợp song lượng phân bón không nên vượt quá ngưỡng bón sau cho mỗi lần thêm 1kg đất trong chậu như sau:

Đối với đạm 1 kg đất không nên bón quá 10g đạm. Đối với phân lân là 2,5g lân nguyên chất và kali là 0,5g kali nguyên chất cho một lần bón. Tuỳ theo loại phân thương phẩm dùng để bón, hàm lượng nguyên chất và khối lượng đất trong chậu mà ta tính được giới hạn bón cho chậu hoặc bồn cảnh của mình.

Các cây cảnh thường được bón phân đạm, lân, kali theo tỷ lệ N:P:K=1:3:1 và kết hợp với phân vi lượng. Hiện nay phân vi lượng đã có 1 số cơ sở chế biến tạo thành túi nhỏ cho các cây trồng nông nghiệp nói chung, chúng ta có thể sử dụng loại chế phẩm này cho cây cảnh.

Việc bón phân còn phải chú ý cả đến thời kỳ và thời gian bón cho cây cảnh nhất là các cây cảnh có hoa, quả. Đối với các cây cảnh có hoa, quả việc bón chú ý không nên bón vào thời kỳ cây đang ra hoa kết quả mà nên bón trước thời kỳ này hoặc sau đó từ 15-20 ngày. Thông thường thì người ta bón cho cây còn non, ít tuổi nhiều lần trong năm, còn các cây lớn tuổi cao thì bón ít lần hơn.

Thời kỳ bón thích hợp cho cây cảnh là vào đầu mùa mưa hoặc gần cuối mùa mưa, hoặc vào vụ xuân và vụ thu hàng năm cho cây.

Đối với các loại phân dễ tiêu cần bón trực tiếp vào đất thì trong cách thức bón người trồng phải xới đất\
 

CÁCH CHĂM SÓC CÂY BONSAI TRONG NHÀ
 

1. Cây bonsai của bạn phải được đặt ở nơi có ánh sáng tốt. Nếu không có đủ tia UV (tia tử ngoại), cây sẽ chết. Ban ngày, cây cần được giữ ấm ở nhiệt độ tối thiểu là 60 độ F. Ở điều kiện nhiệt độ như vậy cây mới có thể tái tạo được năng lượng và phát triển bình thường. Bạn nên thường xuyên phun sương cho lá cây. Tuy nhiên, đừng bao giờ nghĩ tới chuyện đặt cây bonsai của bạn vào một cái đĩa đệm hoặc một cái chậu đầy nước, bởi điều này có thể làm thối rễ. Và tất nhiên vào buổi tối, bạn có thể hạ nhiệt độ cho cây bonsai, cũng như có thể đặt cây ngoài môi trường tự nhiên.

2. Bạn nên thay chậu cho cây khoảng hai năm một lần, và tốt nhất là thay vào mùa xuân. Khi sang chậu, bạn cần phải tỉa bớt rễ. Tùy thuộc vào kích cỡ của rễ, tỉa bớt từ 1/3 đến 2/3 tính từ đầu rễ. Có thể bạn sẽ muốn thay chậu cũ bằng một chiếc chậu mới tương tự như vậy để duy trì hiệu ứng cũ. Và phải nhớ làm hệ thống lỗ thoát nước cho cây. Nếu ướt quá rễ cây sẽ bị thối. Chậu trồng cây bonsai nông hơn những chậu trồng cây trong nhà thông thường khác. Bởi vậy, nếu bạn muốn bón phân cho cây, bạn cần phải pha loãng phân sao cho phù hợp, nếu không thứ chất lỏng đó sẽ làm phỏng rễ cây. Cây bonsai cần được bón phân khoảng 3 tuần một lần – nhưng không nên bón phân cho cây vào mùa đông.

3. Cây bonsai của bạn cần được cắt tỉa và uốn thường xuyên để giữ được dáng cây theo ý muốn. Bạn nên làm việc này vào mùa xuân – trước khi mùa cây cối bắt đầu phát triển, và sau đó làm thường xuyên trong suốt mùa xuân. Bạn cần biết loại cây mà bạn đang có trước khi cắt tỉa nó – chẳng hạn nếu bạn có một cây đa, bạn nên cắt tỉa lại toàn bộ lá cây.

4. Vì cây bonsai của bạn được đặt trong một cái chậu nông nên nó có thể rất nhạy cảm với sâu bọ và bệnh nông nghiệp. Việc tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho cây cũng tạo điều kiện cho các loại sâu hại như rệp vừng, sâu bướm, kiến và nhện đỏ phát triển. Bạn luôn phải chú ý tới các dấu hiệu bất thường của cây để phát hiện sâu, bệnh kịp thời. Khi có những dấu hiệu bất thường, nên dùng thuốc trừ sâu để xử lý. Bệnh thường gặp nhất ở các cây bonsai là bệnh nấm. Nếu bạn trông thấy một lớp bột trắng phủ đầy trên chồi và lá cây thì có nghĩa là cây của bạn đã bị bệnh nấm Mindiu. Bạn cần tham khảo những người có chuyên môn để chữa trị cho cây vì loại nấm này có tốc độ sinh trưởng rất nhanh.

5. Khi quan sát bonsai bạn để ý nhiều đến lá của cây. Nếu bạn thấy một đám gỉ màu cam hay màu nâu xuất hiện trên lá cây thì điều đó có lẽ là bạn đã bón quá nhiều kali. Nếu cây bonsai của bạn không có đủ chất sắt, lá cây sẽ chuyển sang màu vàng trong khi gân lá vẫn giữ nguyên màu xanh. Loại bệnh này thường xuất hiện ở những loại đất có chứa đá phấn hoặc đá vôi – loại đất sẽ “giam chặt” sắt. Trong trường hợp này, bạn hãy thay chậu cho cây và thay phân compost (phân trộn).

6. Bạn nên rửa sạch bonsai thường xuyên bằng một bàn chải nhỏ. Đừng để sót bất cứ một phần nào của cây trên đất sau khi bạn cắt tỉa xong – nó sẽ bị phân hủy và làm phát sinh các loại bệnh về nấm và rêu. Một số người nghĩ rằng rêu là vật trang trí cho cây và không muốn cạo sạch rêu. Trong trường hợp này thì tối thiểu nên giữ cho rêu không mọc trên thân và cành cây – dùng một cái bay đặc biệt, hoặc một cái bàn chải đánh răng bằng ni lông cứng để cạo sạch rêu trên những vùng đó. Dùng nhíp để nhổ sạch cỏ - nhớ rằng bất cứ một loại cỏ nào cũng có thể hút mất chất dinh dưỡng của cây.

Việc trồng và chăm sóc cây bonsai là một nghệ thuật. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ lưỡng và chi tiết hơn, hãy tìm đọc sách vở, tài liệu và tham khảo ý kiến của những người chơi có kinh nghiệm. Hi vọng những lời khuyên ở trên giúp bạn phần nào hình dung về công việc phải làm sau khi mua một cây bonsai về nhà trồng và thưởng ngoạn. Chúc bạn thành công.

 

(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý