Kinh nghiệm học và thi lái xe ô tô

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm học và thi lái xe ô tô

19/04/2015 04:49 AM
783

Kinh nghiệm học và thi lái xe ô tô cực hữu ích cho bạn để có thể vượt qua dễ dàng. Cùng tìm hiểu những thông tin về hình thức thi cũng như cách để vượt qua kì thi lái xe dễ dàng nhé




Để có được tấm bằng lái xe ô tô thật không hề đơn giản chút nào. Các bạn sẽ phải trải qua hai kỳ thi.

Thi chứng chỉ nghề: Hình thức thi này do các trường dạy lái xe tự tổ chức thi và chấm. Xe thi của trường, giám khảo là giáo viên của trường. Có hai môn thi là lý thuyết và thực hành lái xe trong sa hình.

Kinh nghiệm học và thi lái xe (phần 1), Ô tô - Xe máy, Kinh nghiem lai xe, kinh nghiem, tu van lai xe, o to, xe may, kinh nghiem học thi lai xe, hoc thi lai xe, lai xe

- Thi sát hạch cấp bằng: Hình thức thi này do Sở Giao thông công chính tổ chức thi và chấm. Xe thi là của trung tâm sát hạch, có gắn chíp. Giám khảo là người của Sở. Có ba môn thi là lý thuyết, thực hành lái xe trong sa hình và lái xe trên đường trường.

Môn thi được coi là khó nhất và có nhiều người trượt nhất là thực hành lái xe trong sa hình. Trước đây, khi thi môn này giám khảo ngồi bên cạnh chấm điểm nên có thể không thấy hết lỗi hoặc châm chước cho hoặc có khi còn nhắc giúp cho nên làm thế nào, nhưng giờ thi xe có gắn chíp, người thi ngồi một mình trên xe, mọi lỗi đều được chip ghi nhận vào báo ngay về trung tâm nên người học phải tự dựa vào sức mình.

THI LÝ THUYẾT

Thi lý thuyết tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, sử dụng máy tính. Có tất cả 300 câu hỏi và đáp án. Do vậy ai thuộc cả 300 câu này thì coi như chắc ăn.

- Khi vào thi, sau khi người thi điền vào hạng (B1, B2, C, ...), khoá học và số báo danh, máy tính sẽ lần lượt hiện 30 câu hỏi (rút trong bộ đề 300 câu). Mỗi câu hỏi sẽ có 2, 3 hoặc 4 phương án trả lời. Nếu thấy phương án nào đúng thì bạn dùng bàn phím nhập con số tương ứng với phương án đó, tức là đánh 1, hoặc 2, hoặc 3, hoặc 4. Sau đó dùng phím mũi tên xuống để chuyển sang câu tiếp theo. Cứ thế cho đến hết 30 câu trong khoảng thời gian thi là 25 phút.

- Trong quá trình hoặc sau khi trả lời xong cả 30 câu, bạn lại có thể chuyển trở lại kiểm tra những câu đã trả lời.

- Trong 30 câu thường có 15 câu lý thuyết chung, 9 câu hỏi về ý nghĩa các loại biển báo và 6 câu về giải sa hình.

- Trong các câu hỏi về biển báo, thường người ta cho ba biển và hỏi ý nghĩa của một trong các biển đó. Chỗ này có thể có "bẫy". Ví dụ câu hỏi có dạng "Biển nào báo hiệu giao nhau với đường không ưu tiên?", bên dưới có ba hình vẽ và chú thích từ Hình 1 đến Hình 3. Sau đó là các phương án trả lời: 1. Hình 1. 2. Hình 2. 3. Hình 3. Nếu bạn thấy biển ở hình 2 là đúng thì chọn phương án trả lời là số 2. Nhưng rất có thể các phương án trả lời lại sắp xếp thế này: 1. Hình 1. 2. Hình 3. 3. Hình 2. Như vậy, cũng hình 2 là đúng nhưng phương án trả lời lại là số ... 3! Không đọc kỹ các câu trả lời mà ấn luôn số 2 là mất điểm đó.

Để trả lời các câu hỏi về sa hình, bạn nhớ các nguyên tắc về ưu tiên sau:

* Xe nào đã vào ngã tư thì xe đó có quyền ưu tiên đi trước cao nhất.

* Tiếp đó đến các xe ưu tiên. Trong các xe ưu tiên thì xe cứu hoả có ưu tiên cao hơn xe quân sự, xe công an, xe cứu thương.

* Tiếp đó nếu cùng là xe ưu tiên hoặc cùng là xe không ưu tiên thì xét đến đường ưu tiên, tức là xe nào nằm trên đường ưu tiên thì có quyền đi trước.

* Xe nào không vướng xe khác ở bên phải có quyền đi trước, nhưng trong vòng xuyến thì phải nhường đường cho xe đến từ bên trái.

* Thứ tự ưu tiên tiếp theo: Xe rẽ phải, xe đi thẳng, xe rẽ trái.



THI LÁI XE TRONG SA HÌNH (Có 10 bài thi chính):

1. Xuất phát; 2. Dừng xe nhường đường cho người đi bộ; 3. Dừng xe, khởi hành trên dốc lên (thường gọi là đề-pa lên dốc); 4. Đi xe qua hàng đinh; 5. Đi xe qua đường vuông góc (chữ Z); 6. Đi xe qua đường vòng quanh co (chữ S); 7. Ghép xe vào nơi đỗ (lùi chuồng); 8. Dừng xe nơi giao nhau với đường sắt; 9. Tăng tốc, tăng số; 10. Kết thúc. Ngoài ra còn có những bài thi phụ là Dừng xe nguy hiểm và Cho xe qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông.

          Bí quyết lớn nhất của thi lái xe trong sa hình là đi chậm, thật chậm. Đi chậm sẽ giúp ta đánh lái được chính xác, không vội vàng (khi qua chữ Z, chữ S, vào chuồng), có thời gian căn chỉnh bánh phải đi vào hàng đinh, dừng đúng chỗ và nhẹ nhàng tại điểm dừng xe nhường đường cho người đi bộ, trên dốc và trước đường sắt.

        Các xe tập lái và thi thường để ga-răng-ti cao nên vào số 1, không đặt vào chân ga thì xe đi cũng đã khá nhanh. Vì vậy muốn xe đi chậm thì phải đỡ được côn, tức là chân trái ấn côn vào sâu gần hết (không ấn hết côn) và giữ nguyên ở mức đó cho đến khi xe đi chậm như mình mong muốn. Nếu đỡ côn rồi mà xe có chỗ vẫn còn nhanh thì rà phanh, tức là đạp phanh khoảng một nửa cho xe đi chậm hơn. Đỡ được côn và rà được phanh sẽ giúp bạn điều khiển chiếc xe được theo ý mình.

Bài 1. Xuất phát

Yêu cầu của bài này là khi xuất phát phải bật đèn xi-nhan trái (với ý nghĩa là xe chuẩn bị đi ra làn đường bên ngoài, hoà vào dòng xe trên đường). Có chỗ yêu cầu phải tắt xi-nhan đúng lúc, để xi-nhan bật lâu quá trừ 5 điểm. Có chỗ yêu cầu trước khi xuất phát về đưa số về 0, khi cho lệnh xuất phát mới vào số 1 để đi.

Trước lúc xuất phát, khi mới lên xe, bạn cần kiểm tra lại ghế ngồi xem có phù hợp với người không, nếu cần thiết thì chỉnh xa vành tay lái hoặc gần lại để đạp hết được côn, phanh, ga. Kiểm tra hai gương sao cho nhìn thấy được điểm bánh xe sau tiếp xúc với mặt đường.

Khi có lệnh xuất phát, bạn vào số 1, nhả côn từ từ để xe đi. Khi đèn xanh trong xe tắt hoặc khi qua vạch xuất phát rồi thì tắt xi-nhan. Khi xe đã đi, bạn có thể nhả hết côn ra cho xe tự bò, không cần đặt chân vào bàn đạp ga. Nhưng theo tôi, bạn không nên nhả hết mà cứ đỡ côn ở mức một nửa để xe đi chậm, chuẩn bị vào bài 2.

Bài 2. Dừng xe nhường đường cho người đi bộ

Yêu cầu của bài này là dừng xe đúng chỗ trước vạch trắng và đường vằn dành cho người đi bộ. Đỗ già quá (chạm vào vạch trắng) hoặc non quá (quá xa vạch trắng) đều bị trừ 5 điểm. Các sân thi thường "giúp" học viên bằng cách đánh dấu sẵn bằng vạch đỏ trên vỉa ba-toa hoặc ngay trên mặt đường. Vạch đỏ trên vỉa ba-toa để chỉ khi vai người lái xe đến ngang vạch đó thì phải dừng. Còn với vạch đỏ trên mặt đường thì phải nhìn qua gương thấy bánh xe sau cách vạch đỏ chừng hơn gang tay là dừng. Hoặc người lái cũng có thể lấy cột biển báo hiệu người đi bộ trồng bên phải đường để làm cột mốc dừng cho mình.

Sau khi xuất phát, bạn để xe đi chậm. Càng vào đến bài thi càng chậm, để khi bạn thấy đúng vị trí thì chỉ cần ấn nhẹ phanh là xe đã dừng ngay và dừng nhẹ nhàng (không giật nẩy lên).

Dừng xe xong, bạn lại nhả côn cho xe đi tiếp luôn. Dừng lâu quá 30 giây sẽ bị trừ điểm.

3. Dừng xe, khởi hành trên dốc lên

Yêu cầu của bài này là xe không vượt quá vạch quy định (vượt sẽ bị loại ngay!), không bị tuột dốc quá 50 cm, phải vượt khỏi dốc trong khoảng thời gian 30 giây, không được tăng ga quá lớn (số vòng quay động cơ không quá 3 hoặc 4 nghìn vòng/phút). Chính vì nếu vượt quá vạch quy định là bị loại ngay nên nhiều người đành phải đỗ non khi chưa đến đúng vị trí, chấp nhận mất 5 điểm cho chắc ăn.

Sau khi qua bài 2, bạn nhả hết côn, phanh cho xe tự bò lên dốc. Về bản chất, bài này giống bài 2 ở chỗ dừng xe rồi lại đi tiếp. Nhưng vì xe đang ở trên dốc nên bạn không thể đỡ côn cho xe đi chậm lại vì nếu đỡ côn thì xe sẽ bị trôi ngược về chân dốc. Vì thế, chỉ có thể nhắm đúng vị trí cần đỗ (qua vạch đỏ trên ta-luy hoặc mặt đường) để đạp côn, phanh đúng lúc.

Nếu như ở bài 2, sau khi dừng xe, để đi tiếp bạn chỉ việc bỏ chân phanh ra rồi mới từ từ nhả côn. Nhưng ở bài 3 thì không thể làm như vậy vì xe đang trên dốc, bỏ phanh chân ra thì xe sẽ trôi. Do vậy cách xử lý ở bài 3 khác bài 2. Có hai cách:

- Cách 1: Là cách dạy chính thống trong trường. Sau khi xe đã dừng trên dốc, bạn kéo phanh tay với mục đích là thay phanh chân giữ xe tại điểm dừng. Khi đó, bạn có thể bỏ chân phanh ra và đặt vào chân ga mớm lên. Đồng thời chân trái nhả côn từ từ, đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên (báo hiệu các lá côn đã bắt vào nhau) thì nhả nhẹ phanh tay, nghe ngóng nếu thấy xe không trượt thì thả nốt phanh tay, xe sẽ tự bò lên.

- Cách 2: Là cách các lái già thường làm trong thực tế, không dùng đến phanh tay. Sau khi xe dừng, bạn nhả côn từ từ, đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên thì nhả nhẹ phanh chân, nghe ngóng. Nếu cảm thấy xe trôi thì đạp phanh vào, làm lại. Nếu thấy xe không trượt thì thả cho hết phanh chân, xe sẽ tự bò lên. Nếu nhả hết phanh chân mà xe vẫn đứng yên thì tiếp vào chân ga một chút, đồng thời hơi nhả côn ra thêm. Khi xe đã đi thì giữ nguyên vị trí chân côn và ga cho đến khi xe qua khỏi đỉnh dốc. Nhiều người mới học lại thấy cách làm này dễ hơn cách 1, vì không cần dùng đến phanh tay mà chỉ tập trung vào hai chân điều chỉnh côn, phanh (thực tế khi hạ phanh tay, những người chưa quen có thể bị choạng tay lái hoặc ấn mạnh vào bàn đạp ga làm rú ga).

4. Đi xe qua hàng đinh

Yêu cầu của bài này là hai bánh xe bên phải phải đi lọt qua một đoạn đường có bề rộng khoảng 30-35 cm. Nếu chạm vào mép bên nào cũng là bị trừ 5 điểm.

Khi rẽ vào đường đi hàng đinh, bạn nên đánh lái muộn một chút để xe áp sát vỉa ba-toa bên phải xe. Đi thật chậm và nhìn gương phải để quan sát bánh xe phía sau. Các sân thi thường kẻ sẵn vạch đánh dấu màu đỏ để giúp học viên căn đường. Vạch này bằng với mép ngoài của hàng đinh. Vì vậy, nếu bánh xe cách vạch đỏ khoảng 10-15 cm thì nhiều khả năng xe sẽ đi qua hàng đinh mà không chạm mép hai bên.

Ngoài việc nhìn gương phải, bạn cũng phải căn và bám vào một điểm mốc ở phía trước, thường là một vạch đánh dấu trên vỉa ba-toa trước mặt. Vì có khi lúc đầu xe đi đúng khoảng cách với vạch đỏ, nhưng sau đó do giữ lái không tốt nên xe bị chệch ra hoặc chệch vào.

5. Đi xe qua đường vuông góc (chữ Z)

Yêu cầu của bài này là khi cho xe đi không bị chạm vạch ở gần vỉa hè hai bên đường, nếu chạm vạch trừ 5 điểm.

Sau khi đi qua hàng đinh, bạn thấy người ngang với vỉa ba-toa vuông góc bên trái thì đánh hết lái sang trái. Đi từ từ và trả lái, đến khi người ngang với vỉa ba-toa vuông góc bên phải thì lại đánh hết lái sang phải. Qua khỏi điểm vuông góc thứ hai, nhớ trả lái cho xe thẳng.

Để có thể đánh hết lái và trả lái cho nhanh, trong quá trình học bạn nên tập cho thuần thục động tác xoay vô-lăng. Phương pháp hiện nay là khi rẽ bên phải thì tay trái sẽ là tay chính, không rời khỏi vô-lăng trong suốt lúc xoay, còn tay phải chỉ dùng để kéo vành lái phía bên phải nhằm hỗ trợ khi tay trái di chuyển xuống điểm dưới của vô-lăng (lúc đó lực xoay của tay trái không được mạnh). Đối với rẽ trái thì quá trình ngược lại, tay phải là tay xoay chính, tay trái hỗ trợ. Khi trả lái cũng tương tự.

6. Đi xe qua đường vòng quanh co (chữ S)

       Yêu cầu của bài này giống bài 5. Khác với bài 5, do chữ S là đường cong liên tục nên bạn phải điều chỉnh tay lái theo đường cong. Các lái xe có câu "Tiến bám lưng, lùi bám bụng", có nghĩa là khi xe vào đường cua (ôm cua) nên căn theo phía đường cong dài hơn. Như vậy, khi vào đường chữ S, bạn cho xe bám sát về bên phải, đánh lái sang trái cho xe đi nửa vòng cua đầu tiên, sau đó lại bám sang lề đường bên trái, trả lái và đánh lái sang phải cho xe qua nốt nửa vòng cua còn lại.

7. Ghép xe vào nơi đỗ (lùi chuồng)

     Yêu cầu của bài này là trong vòng 2 phút bạn phải cho xe lùi được vào nơi đỗ (chuồng), không chạm vạch và tiến ra khỏi chuồng. Không được để xe chèn lên vỉa ba-toa, nếu không sẽ bị loại. Khi bắt đầu rẽ vào khu vực chuồng, bám sát lề đường bên trái. Đi chậm. Khi người đi ngang qua cửa chuồng thì đánh hết lái về bên phải. Khi thấy xe ở khoảng 45 độ so với đường ngang cửa chuồng thì dừng xe, trả lái cho bánh xe thẳng. Vào số lùi.

     Nhiều người sợ bài này vì không biết trong khi lùi lúc nào nên đánh lái sang trái để xe vào đúng cửa chuồng. Do vậy, bạn phải chỉnh gương sao cho nhìn được chỗ bánh sau bên trái xe tiếp xúc với mặt đất. Lùi thẳng xe cho đến khi thấy chỗ bánh sau này cắt ngang đường vạch trắng bên trong chuồng kéo dài ra thì đánh hết lái sang trái, nhiều khả năng xe sẽ vào đúng cửa chuồng.

Còn nếu không, ngay từ khi xe bắt đầu lùi, bạn đã đánh lái sang trái một chút. Khi xe lùi một đoạn, vào gần cửa chuồng hơn thì nhìn qua gương, bạn có thể hình dung vị trí tương đối của xe so với cửa chuồng, từ đó quyết định lùi thẳng tiếp, đánh thêm lái sang trái hoặc sang phải.

Khi xe đã vào đến cửa chuồng và thân xe song song với hai bên chuồng, trả lái sang phải cho bánh xe thẳng. Nếu chưa quen, trước khi trả lái, bạn dừng hẳn xe lại rồi mới xoay tay lái (gọi là đánh lái chết). Lùi từ từ thẳng vào chuồng cho đến khi nghe hiệu lệnh "Đã kiểm tra" thì dừng lại. Về số 1 và tiến ra khỏi chuồng.

Lưu ý khi tiến ra, người phải ra khỏi cửa chuồng hoặc hơn một chút nữa bạn hãy đánh lái rẽ sang phải để tránh trường hợp bánh sau chưa ra khỏi cửa chuồng mà đã rẽ sẽ bị chèn vạch, trừ điểm.

Nếu lỡ lùi chưa chính xác, đuôi xe cách xa cửa chuồng, có thể chèn lên vạch hoặc vỉa ba-toa, bạn cứ bình tĩnh về lại số 1, tiến lên phía trước, đánh lái sao cho xe ở vào vị trí thẳng trước cửa chuồng, sau đó vào số lùi để làm lại việc lùi vào chuồng. Thà bị trừ điểm do chèn vạch hoặc thực hiện bài thi lâu quá 2 phút còn hơn là bị loại do chèn lên vỉa ba-toa!

8. Dừng xe nơi giao nhau với đường sắt: Yêu cầu và thực hành của bài này giống bài 2.

9. Tăng tốc, tăng số

      Yêu cầu của bài này là phải lên được số 2 và đạt tốc độ trên 20 km/h trước biển báo 20 màu xanh (biển báo tốc độ tối thiểu phải đạt 20 km/h), sau đó lại phải về số 1 và giảm tốc độ xuống dưới 20 km/h trước biển báo 20 màu trắng (biển báo tốc độ tối đa không quá 20 km/h).

      Sau khi qua nơi giao nhau với đường sắt, bạn rẽ sang đường chuẩn bị tăng tốc. Chỉnh lái cho xe thẳng, giữ chắc tay lái, nhả hết côn, phanh. Nhấn ga để xe tăng tốc. Qua biển "Tăng số, tăng tốc", bạn đạp côn, vào số 2. Xong nhả côn ra, lại nhấn ga tiếp. Qua biển 20 màu xanh, đạp cả côn và phanh cho xe đi chậm lại, thậm chí dừng hẳn, về số 1. Nhả phanh, rồi nhả côn từ từ để xe đi qua biển 20 màu trắng.

        Chú ý là bạn không thể cắt côn để xe trôi từ từ qua biển 20 màu trắng, vì yêu cầu ở đây là bạn phải đi qua biển này khi xe có gài số. Vì thế nếu bạn cắt côn làm bánh răng số không quay thì sẽ bị trừ 5 điểm.

10. Kết thúc

      Yêu cầu của bài này là đi thẳng qua vạch kết thúc, trước đó phải bật đèn xi-nhan phải (với ý nghĩa là xe tấp vào lề đường bên phải, chuẩn bị dừng hoặc đỗ xe).

      Sau khi vòng qua ngã tư lần cuối cùng, bạn chỉnh xe cho thẳng và để xe đi từ từ về vạch xuất phát. Bật xi-nhan bên phải. Chú ý sau khi đã bật xi-nhan thì giữ thẳng tay lái, không đánh lái sang trái sẽ làm tắt đèn xi-nhan, mất điểm. Để cho chắc ăn, bạn có thể dùng ngón giữa tay trái giữ cần xi-nhan để không cho cần này bật xuống, hoặc hơi đánh lái sang phải một chút.

Ngoài 10 bài thi trên, còn có 2 bài thi phụ. Gọi là phụ, nhưng bạn cũng có thể mất điểm ở những bài này không khác bài chính.11. Dừng xe nguy hiểmKhi xe đi qua một số vị trí trên tuyến đường thi, loa trong xe có thể vang lên "Dừng xe nguy hiểm! Dừng xe nguy hiểm!". Khi nghe hiệu lệnh này, bạn nhanh chóng dừng hẳn xe, ấn vào nút đèn cảnh báo (nút có vẽ hình tam giác). Khi nào loa hết hiệu lệnh trên thì ấn nút lần nữa để tắt đèn và đi tiếp.Trên sân thi có thể có nhiều vị trí dừng xe nguy hiểm, nhưng mỗi lần thi xe chỉ gặp một lần phải dừng theo kiểu này. Có nghĩa là đã dừng ở chỗ này thì không phải dừng ở chỗ kia nữa.12. Cho xe qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thôngTrong toàn bộ bài thi, có 4 lần bạn phải đi qua ngã tư ở giữa sân thi, hai lần đi thẳng, một lần rẽ trái và một lần rẽ phải. Cũng giống như ở ngoài đường, tại ngã tư này có đèn tín hiệu và bạn chỉ được cho xe qua ngã tư khi có đèn xanh. Nếu bạn cho xe qua ngã tư khi đang đèn đỏ sẽ bị trừ 10 điểm. Nếu khi xe vừa đến ngã tư mà có đèn xanh thì bạn có thể qua luôn, còn nếu đèn đỏ thì phải dừng lại trước vạch trắng, nếu vượt quá vạch bị trừ 5 điểm. Khi qua ngã tư có rẽ trái và rẽ phải thì cần bật xi-nhan tương ứng, nếu quên trừ 5 điểm.Có sân thi ngoài vạch trắng còn có vạch vàng ở phía dưới và yêu cầu xe đỗ phải đúng vị trí giữa vạch trắng và vạch vàng, nếu không cũng trừ điểm. Yêu cầu này tương đối khó, vì thế ở những sân này học viên thường "trốn" bằng cách đỗ dưới vạch vàng, tức là xa ngã tư hơn, nhưng như vậy khi có đèn xanh thì phải nhanh chóng khởi hành đi tiếp, nếu không rất có thể đèn đã chuyển sang đỏ khi bạn gần vào đến ngã tư - trừ điểm.

THI LÁI XE TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG

Những người đã thi đạt lái xe trong sa hình (điểm từ 80 trở lên) được đưa ra một con đường ở gần sân thi để thi lái xe trên đường trường. Mục đích của bài thi này là kiểm tra tác phong, tư thế và kỹ năng cơ bản khi lái xe. Khác với lái xe trong sa hình phải thật chậm, lái xe ở đây phải càng giống thật càng tốt.Trên xe đã ngồi sẵn một hoặc hai giám khảo. Khi mở cửa bước vào ghế lái, bạn nên có thái độ lịch sự, nhã nhặn với các giám khảo, tốt nhất là nên "Chào các thầy!" một câu. Đóng cửa xe vừa phải (không dập mạnh quá), chỉnh ghế, chỉnh gương, lắc thử cần số xem đã về số 0 chưa, thắt dây an toàn (có nơi thi họ đã thắt sẵn ra phía sau rồi, thí sinh khỏi phải thắt).Sau khi giám khảo cho phép khởi hành, lần lượt nổ máy, vào số 1, hạ phanh tay (thao tác hạ phanh tay rất dễ quên). Giám khảo sẽ đưa ra các yêu cầu để ta làm theo. Thường là sau khi khởi hành phải lên được số 3 trong vòng 15 mét. Tức là khởi hành ở số 1 xong, xe chạy là bạn rướn ga, lên số 2, sau đó lên tiếp số 3 luôn. Nếu xe chạy một đoạn nữa mà giám khảo không nói gì thì tự động lên tiếp số 4. Nếu giám khảo không yêu cầu lên tiếp số 5 nữa thì thôi.Sau đó giám khảo sẽ yêu cầu giảm số. Để giảm số thì xe cũng phải giảm tốc độ đã (giống khi đi xe máy), do vậy bạn phải rà phanh từ từ cho xe đi chậm lại, nhưng không phải dừng hẳn. Lần lượt giảm qua số 3 về số 2. Sau khi giảm số thì cứ để xe đi chậm, đừng đạp ga nhiều làm ỳ máy.Ngoài việc lên số, về số như trên, giám khảo có thể yêu cầu bạn lái xe tránh vật cản, quay đầu xe, tấp xe vào sát lề đường để kiểm tra tay lái của bạn. Cả quãng đường kiểm tra như vậy chỉ vào khoảng 1 đến 1,5 km, hết khoảng 3 đến 5 phút.Khi giám khảo cho kết thúc bài thi, bạn rà phanh, đỡ côn cho xe đi từ từ, sau đó cắt côn, đạp phanh nhẹ cho xe dừng hẳn. Đưa cần số về lại số 0 và nhớ kéo phanh tay lên. Cám ơn các giám khảo, thế là xong!Nói nhỏ câu này: người ta bảo hầu như chưa có ai bị trượt ở bài thi lái xe trên đường trường này cả. Vì vậy nếu bạn đã thi đạt lái xe trong sa hình thì 99% là bạn đã cầm tấm bằng lái xe rồi.



Những thông tin cần biết trước khi thi lái xe




Quy trình sát hạch cấp giấy phép lái xe





Kinh nghiệm học Anh văn hiệu quả cho bạ
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc lần đầu cực hữu ích
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc ngân hàng
Kinh nghiệm phỏng vấn đi du lịch Mỹ
Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc tiếng anh
Kinh nghiệm phỏng vấn nhân viên bán hàng


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý