Kinh nghiệm học chữ Hán cực hay

seminoon seminoon @seminoon

Kinh nghiệm học chữ Hán cực hay

19/04/2015 04:52 AM
842

Kinh nghiệm học chữ Hán cực hay cho bạn. Đối với chữ Hán khi học một bài nào, cần đọc trước ở nhà phần từ mới và hội thoại của bài ấy. Ban đầu xem phiên âm rồi đọc dần dần xem mặt chữ là nhớ ngay cách đọc có thể kết hợp học nghĩa của từ mới.




Đọc

Khi học một bài nào, cần đọc trước ở nhà phần từ mới và hội thoại của bài ấy. Ban đầu xem phiên âm rồi đọc dần dần xem mặt chữ là nhớ ngay cách đọc có thể kết hợp học nghĩa của từ mới.

Viết                

Học tiếng trung khó nhất là nhớ từ vựng. Khi học viết cần xem trước bộ thủ và cách viết chữ cuối mỗi bài, sau đó học viết từ vựng, mỗi bài viết 5 lần cho quen tay (tốt nhất là nhìn thuộc nét chữ rồi viết không nên vừa nhìn vừa viết từng nét một, chữ sẽ không đẹp). Trong quá trình viết vừa nhẩm lại cách đọc và nghĩa của từ đang viết, hơn nữa nên đưa từ đó vào một câu có nghĩa sẽ nhớ lâu hơn. Khi lên lớp cần có một quyển vở nháp để nghe giáo viên nhắc đến từ nào, câu nào thì tiện tay viết ra, như thế vừa củng cố từ vựng vừa viết nhanh những câu thông thường.

Nói

Đọc trôi chảy, tập nói lại hội thoại mà không cần dùng sách, có thể linh động thay các từ khác nhau vào cùng một cấu trúc hay vận dụng hội thoại vào thực tế của mình để nói. Tận dụng mọi lúc để có thể nói cùng bạn bè và giáo viên.

Nghe

Ở lớp chú ý nghe giáo viên đọc, nhẩm theo cho nhớ mặt chữ. Nếu có điều kiện có thể nghe thêm đĩa ở nhà hoặc nghe đài phát thanh Trung Quốc vào buổi tối.

Trong lớp học chú ý lắng nghe phát âm của từng bạn để tạo phản xạ nghe nhanh nhạy.

Sau khi học 5 bài thì tự ôn các phần từ vựng, hội thoại, ngữ pháp của từng bài, tốt nhất mỗi ngày dành 30 phút cố định học tiếng Trung để tạo ra thói quen cho mình.


Không "giun dế" như chữ viết của mấy nước anh em như Lào, Cambodia, Thái Lan..., chữ Hán có mức độ "run" hơn nhiều, vì...nhiều chữ quá!
Các bộ thủ trong chữ Hán cũng có thể được coi như những chữ cái tượng hình, tuy nhiên khi ghép chúng lại với nhau thì hàng chục ngàn từ đã ra đời (Khoảng 60000 từ-theo từ điển Trung-Việt của NXB KHXH năm 1992), một con số khủng so với các thứ tiếng trên thế giới.
Học viết chữ Hán, cả một kỳ công!
Sau khi đã học quy tắc viết, bắt đầu học ghép nét.
Mới học, đôi lúc tay viết mà miệng cũng méo xệch để gò cho các nét nằm gọn trong một ô vuông, gò cho các nét viết được cân đối, lại còn không được thừa thiếu một nét chấm nét phẩy nào nữa. Một ngày viết đúng và nhớ được khoảng 5 chữ đã thấy...mình phục mình quá rồi!
Khi đã thuộc và viết được vài chữ, tự nhiên, cảm tình đối với việc học chữ Hán đã có phần tăng lên, rồi khi viết được nhiều chữ hơn, biết được nhiều từ hơn, nhìn xung quanh, chỗ nào cũng thấy bóng dáng của những đồ vật bằng tiếng Hán.
Có cách này vừa nhớ được chữ viết, vừa nhớ được từ mới, đó là dùng các miếng giấy note, loại nhỏ thôi, dán lên những đồ vật mình đã được học và viết lên giấy từ mới đó, cách này trông nhà cửa hơi lộn xộng một chút, nhưng nếu dán một cách có thẩm mỹ thì trông cũng hay hay, mà lại một công mấy việc: nhớ từ, nhớ chữ!
Ngoài tập viết những từ trong bài học ra, mọi người nên chuẩn bị một chiếc bảng hoặc xấp giấy nháp, nhìn thấy chữ mới nào, không cần biết chữ đó đọc là gì, có ý nghĩa gì, cố gắng ghi nhớ xem nó gồm có những bộ thủ nào, rồi tập viết lại lên bảng, lên giấy. Mỗi chữ mới, nếu đã tra được phiên âm, thì miệng đọc tay viết từ 5-7 lần. nếu là từ mới trong giáo trình thì cũng làm như vậy.
Chữ Hán cũng kỳ, có những chữ phức tạp thì nhìn một lần là nhớ cách viết, nhưng cũng có những chữ độ khó chỉ ở mức thường thường, vậy mà mãi không nhớ được, với những chữ như thế, tốt nhất là nên nhớ theo từ hoặc cụm từ.
Thông thường, học chữ Hán trong giáo trình đều là chữ giản thể, tuy nhiên khi vào công việc, có khi lại gặp chữ phồn thể, lại đau đầu!
Theo kinh nghiệm của mình, có một vài cách ghi nhớ chữ phồn thể như sau:
1. So sánh giữa hai thể loại chữ, những chữ có cùng âm đọc và có một phần của chữ giống nhau, thì trong chữ
phồn thể cũng như vậy.
Ví dụ:
Giản thể: 几 =〉 phồn thể: 幾
机 => 機
叽 => 嘰
讥 => 譏
玑 => 璣
Vì thế khi bạn đã biết một chữ ở dạng phồn thể thì sẽ dễ dàng đoán được những chữ có bộ tương tự.

2. Có những chữ giản thể là một phần tách ra từ chữ phồn thể.
Ví dụ: 制 =〉製
布 =〉佈
条 =〉條
虽 =>雖

3. Khi gặp văn bản hoặc tài liệu bằng chữ phồn thể, trước hết hãy đọc cả câu, đoán xem đó là chữ gì rồi tra từ điển.

Thật ra chữ phồn thể không nhiều, nếu có cơ hội tiếp xúc liên tục thì sẽ học được nhanh thôi, nhưng cho dù là chữ phồn thể hay giản thể thì cứ chăm tra từ điển và tập viết thì sẽ nhớ được mặt chữ. Trong từ điển, chữ phồn thể thường đặt trong ngoặc đơn ngay bên cạnh, có những chữ lại có đến vài cách viết chữ phồn thể khác nhau nữa  :(((((((((((. Với loại chữ này thi chỉ có cách ghi nhớ thui.

Bây giờ dùng vi tính nhiều, hầu như mọi công việc đều gõ bằng máy tính nên sẽ chóng quên cách viết, mặc dù nhìn thì vẫn đọc được chữ đó.
Lúc nào rảnh rỗi thì vớ lấy cái bút, rồi viết những chữ mà mình vẫn nhớ, hoặc chép lại một đoạn văn, một đoạn báo hoặc chỉ là mấy dòng chữ trên một chiếc nhãn nào đó cho đỡ quên, đỡ phí cái công mỏi tay tập viết từ những ngày đầu mới học.


Phương pháp học tiếng Hán



Ngoại ngữ luôn là người bạn đồng hành đối với một người có tri thức. Nó giúp cho bạn rất nhiều trong công việc cũng như trong cuộc sống. Trước sự hội nhập và phát triển chung của thế giới, thì ngoại ngữ càng đóng vai trò thiết yếu đối với mỗi người, đặc biệt là những học sinh, sinh viên đang trao dồi tri thức trên ghế nhà trường để chuẩn bị bước vào môi trường sống mới. Chính vì nhận ra sự quan trọng đó, cho nên có rất nhiều bạn đã không ngừng nỗ lực học các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa,…

Mỗi ngoại ngữ có những cách thức, phương pháp học khác nhau. Sau đây là một trong những cách thức, phương pháp để học tốt tiếng Hán hiện đại-tiếng phổ thông Trung Quốc mà tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân, xin chia sẻ cùng các bạn.

Đối với những bạn lần đầu tiên học tiếng Trung Quốc thì vấn đề gì cũng rất khó khăn. Dĩ nhiên mới bắt đầu luôn là như thế, bởi vậy người ta mới có câu “vạn sự khởi đầu nan”. Nếu chịu khó một chút thì mọi chuyện không khó như lúc đầu bạn nghĩ đâu.

1. Trước hết bạn phải nắm vững cách phát âm, cách đọc các thanh mẫu và vận mẫu. Đây là tiền đề rất quan trọng cho những giai đoạn học tiếp theo. Vì sau này khi gặp các từ mới khác bạn sẽ tự nhìn phiên âm mà đọc chuẩn những chữ đó. Khi đọc các thanh mẫu, vận mẫu, cần phải chú ý phân biệt sự khác nhau của : “j” và “q”; “z” và “zh”; “c” và “ch”; “s” và “sh”. Bên cạnh bạn nên chú ý những chữ có hơn một cách đọc ví dụ như “为”,“说”, “好”, “大”,…

2. Cần thiết cho yêu cầu đọc đúng và chuẩn là phải biết được sự biến hóa của các thanh điệu trong tiếng Hán như thế nào khi chúng đi vào trong câu, trong lời nói. Tiếng Hán có bốn thanh điệu được ghi theo thứ tự từ 1 đến 4 như sau : “ —, ˊ,ˇ, ˋ”.

Khi 2 thanh ba đi liền nhau thì thanh ba đầu biến thành thanh hai, còn thanh ba sau đọc ở thanh nửa hai nửa ba (đọc tương tự như dấu quyền trong tiếng Việt). Khi 3 thanh ba đi liền nhau thì hai thanh ba đầu biến thành thanh hai, còn thanh ba cuối đọc nửa thanh hai nửa thanh ba (đọc tương tự như dấu quyền trong tiếng Việt). Trường hợp 4 thanh ba đi liền nhau thì thanh ba của chữ thứ nhất và chữ thứ ba biến thành thanh hai, thanh ba của chữ thứ hai và thứ tư đọc nửa thanh hai và nửa thanh ba (đọc tương tự như dấu quyền trong tiếng Việt).

3. Để viết chữ được nhanh thì bạn phải học quy tắc viết bút thuận của chúng. Khi học kỹ các quy tắc này, bạn không phải lo cách viết nếu gặp những từ mới chưa được học. Sau đây là các qui tắc viết bút thuận trong tiếng Hán:

Ngang trước sổ sau:

十 ,干 ,丰,。。。

Phẩy trước mác sau:

八 ,分 ,及 ,。。。

Trên trước dưới sau:

三 ,示 ,室 ,。。。

Trái trước phải sau:

好 ,你 ,很 ,。。。

Ngoài trước trong sau:

月 ,同 ,伺 ,。。。

Vào trước đóng sau:

回 ,国 ,洄 ,。。。

Giữa trước hai bên sau:

永 ,水 ,小 ,。。。

Ngoài ra còn có các qui tắc bổ sung. Các bạn có thể tham khảo các sách: “Tân giáo trình hán ngữ, tập 1, Trương Văn Giới-Lê Khắc Kiều Lục, NXB ĐHQG TPHCM” hay cuốn “301 câu đàm thoại tiếng Hoa, NXB Trẻ” hoặc các loại sách cơ bản khác. Từ những kiến thức căn bản trên, bạn sẽ dễ dàng đọc đúng các phiên âm và viết tốt các chữ Hán.

4. Để đọc và nói trôi trải, bạn phải thường xuyên đọc những bài đã học cho quen mặt chữ và cũng đừng quên xem mở rông thêm các từ mới, bài mới. Tiếp theo nên học thuộc lòng những câu thông dụng đơn giản từ các sách, tài liệu mà bạn đang học, chẳng hạn như một số câu:

(1) 你 好 马?( Bạn có khỏe không?)

(2) 我 身 体 很 好。(Tôi rất khỏe)

(3) 你 叫 什 么 名 字?(Tên bạn là gì?)

(4) 我 叫 李 平。(Tên tôi là Lý Bình)

Sau đó tập nói những câu dài hơn như: 无 论 我 说 什 么,她 都 不 听 (Bất luận tôi nói điều gì cô ấy cũng không tin), hay: 为 什 么 连 你 的 最 好 朋 友 说 的 话,你 也 不 信?(Tại sao ngay cả lời người bạn thân nhất của anh nói mà anh cũng không tin?)

Để tiến bộ nhanh hơn những người khác, bạn phải tập thay thế những câu đơn giản trên thành những câu có nội dung mới. Từ câu 你 好 马? Bạn thay thế chủ ngữ 你 thành những chủ ngữ khác thì được câu mới ngay và câu trả lời cũng thay chủ ngữ cho phù hợp. Đó chính là cái bạn học cho mình.

(5) 你 哥 哥 (身 体) 好 马?(Anh của bạn có khỏe không?)

我 哥 哥 身 体 很 好。(Anh của tôi rất khỏe.)

(6) 你 爸 爸,妈 妈 (身 体) 好 马?(Ba mẹ bạn có khỏe không?)

我 爸 爸,妈 妈 (身 体) 很 好。(Ba mẹ tôi rất khỏe.)

Hay từ câu 你 叫 什 么 名 字? Bạn có thể thay thế 叫 và 名 字 để có những câu mới tương tự.

(7) 你 作 什 么 工 作?

Trả lời: 我 当 老 师。

hay: 我 当 大 夫。...

5. So với ngữ pháp tiếng Anh thì ngữ pháp tiếng Trung Quốc có dễ hơn một chút và có một phần nào đó giống với ngữ pháp tiếng Việt của chúng ta. Để nói được nhiều câu chuẩn và hay thì bạn phải học ngữ pháp. Đó là điều bắt buộc đối với người học ngoại ngữ, vì thế bạn phải học kĩ những mẫu câu và các công thức của chúng.

Ví dụ như: Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ

我 是 学生

(Tôi là học sinh)

你 去 哪里?

(Bạn đi đâu?)


Hễ học xong bài nào thì bạn phải học chắc từ vựng và các điểm ngữ pháp của bài đó. Khi học được khoảng 3 đến 5 bài thì phải ôn lại một vài lần cho nhớ lâu hơn. Vì nhược điểm khi học tiếng Trung Quốc là các chữ nhiều nét làm cho bạn khó nhớ, cho nên bạn phải thường xuyên viết đi viết lại các chữ càng nhiều càng tốt.

6. Một điều rất quan trọng giúp bạn học tiến bộ hơn những người khác là nên học âm Hán Việt khi học từ vựng. Có thể có nhiều cách nhưng xin giới thiệu hai cách học từ vựng theo âm Hán Việt để tự mỗi người học có thể mở rộng vốn từ vựng một cách đúng đắn.

Cách thứ nhất là A (chính) + B (phụ). (A: chọn chữ làm gốc, còn B: chữ dùng để thay thế). Ví dụ như chọn chữ gốc là chữ 对 có âm hán việt là Đối và các chữ thay thế là chữ 答 có âm hán việt là Đáp, chữ 待 có âm hán việt là Đãi, chữ 方 có âm hán việt là Phương, chữ 立 có âm hán việt là Lập, chữ 面 có âm hán việt là Diện, chữ 手 có âm hán việt là Thủ,…Bạn có thể ghép thành các từ Hán Việt: 对 答 Đối đáp, 对 待 Đối đãi, 对 方 Đối phương, 对 立 Đối lập, 对 面 Đối diện, 对 手 Đối thủ,…Bạn nên mua một hoặc một vài quyển từ điển Hán Việt hoặc Việt Hán để bổ trợ thêm.

Cách thứ hai là A (phụ) + B (chính). (A: chữ dùng để thay thế, còn B: chọn chữ làm gốc). Ví dụ tương tự nhưng khác chữ thay thế mà thôi, chẳng hạn như các chữ: 凶 手 Hung thủ, 对 手 Đối thủ, 高 手 Cao thủ, 下 手 Hạ thủ, 助 手 Trợ thủ,…Xem qua những chữ đó, chắc các bạn dễ dàng nhận ra chữ gốc là chữ ( 手)Thủ và các chữ thay thế là 凶 Hung, 对 Đối, 高 Cao, 下 Hạ, 助 Trợ…

Tùy theo khả năng, cách thức mỗi người nên có nhiều cách khác nhau. Bài viết này không phải là cách học tối ưu, nhưng hy vọng khi xem qua các bạn sẽ học tiến bộ hơn thật nhiều. Đó cũng là mục đích cuối cùng của tôi. Chúc các bạn thành công với môn ngoại ngữ tiếng phổ thông Trung Quốc này.


MỘT PHƯƠNG PHÁP HỌC, NHỚ CHỮ HÁN ĐỘC ĐÁO


Có lẽ, khi đi học chữ Hán, mấy người không nhắc cho nhau câu:

Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
(Chiết tự chữ đức 德)

Đó là một trong những mẹo nhớ chữ Hán của người xưa thường được gọi là chiết tự.

Chiết tự nảy sinh trên cơ sở nhận thức về hình thể của chữ Hán, cách ghép các bộ, cách bố trí các bộ, các phần của chữ. Trên phương diện nào đó, chiết tự chính là sự vận dụng phân tích chữ Hán một cách linh hoạt sáng tạo. Hơn thế nữa, nó không chỉ dừng lại ở hình thức phân tích chữ Hán thuần túy mà còn chuyển sang địa hạt văn chương và các trò chơi thử tài trí tuệ đầy thú vị và hấp dẫn.


Như chúng ta đã biết, ở chữ Hán luôn có sự kết hợp nổi bật của ba mặt: hình - âm - nghĩa. Và chiết tự trong những chữ Hán đã phát huy đặc điểm cấu trúc ba mặt này để tạo nên nét riêng độc đáo so với chiết tự ở những hệ thống văn tự khác. Chiết tự trong chữ Hán không chỉ chiết về mặt hình thể chữ mà còn liên hệ với cả phương diện âm và nghĩa. Về mặt hình thể, chiết tự dựa trên nguyên tắc phân chữ Hán ra các bộ phận cấu thành của chữ. Về mặt âm, chiết tự sử dụng các tri thức mang tính ngữ âm học như nói lái và phiên thiết. Về mặt nghĩa, chiết tự dựa vào bản chất biểu ý của chữ Hán. Một chữ Hán bất kỳ cũng gồm nhiều nét hay các phần tạo nên. Với chữ độc thể là các nét. Với chữ hợp thể là các bộ phận hợp thành phức tạp hơn về cấu trúc.

Chính nhờ nét riêng độc đáo này, chiết tự trong chữ Hán trở nên đa dạng về hình thức và kiểu loại, phong phú về nghệ thuật ngôn từ. Để dễ nhớ, chiết tự thường được thể hiện dưới dạng thơ hoặc văn vần qua hàng loạt các bài thơ, câu đố chiết tự, rất cuốn hút đối với người học chữ. Những câu chiết tự kiểu như:

Cô kia đội nón chờ ai
Hay cô yên phận đứng hoài thế cô.
(Chữ an 安)

đã trở nên quen thuộc với biết bao thế hệ học chữ Hán (đặc biệt là với trẻ nhỏ). Người ta còn dùng câu đố chiết tự để thử tài chữ nghĩa, thử tài suy đoán của nhau. Nhờ đó, chiết tự có điều kiện đi sâu vào trong đời sống Hán học, dần dần trở thành thói quen khi học chữ.


Chiết tự xảy ra với cả ba mặt hình - âm - nghĩa của chữ Hán, nhưng chủ yếu là ở hai mặt hình và nghĩa. Chẳng hạn:

- Đấm một đấm, hai tay ôm quàng
Thuyền chèo trên núi, thiếp hỏi chàng chữ chi ?

- Lại đây anh nói nhỏ em nì
Ấy là chữ mật một khi rõ ràng.

Đấm một đấm hai tay ôm quàng là dáng dấp của bộ miên thuyền chèo là dáng dấp của chữ tất 必, thuyền chèo trên núi, trên chữ sơn 山 có chữ tất 必. Ghép lại chúng ta được chữ mật 密 (bí mật, rậm rạp) (Chiết tự dựa vào hình thể).


Hay như:

Hai người đứng giữa cội cây,
Tao chẳng thấy mày, mày chẳng thấy tao.

Đó là hình chữ lai 來. Chữ lai 來 có hình hai chữ nhân 人 ở hai bên, chữ mộc 木 ở giữa. Thực ra hai chữ nhân 人 này vốn là tượng hình hai cái gai. Lai 來 là tên một loại lúa có gai, sau được dùng với nghĩa là đến. (Chiết tự về mặt hình thể).


Ba xe kéo lê lên đàng, âm vang như sấm.

Đó là chữ oanh 轟. Chữ oanh được viết với ba chữ xa 車 và có nghĩa là "tiếng động của nhiều xe cùng chạy". (Chiết tự về mặt ý nghĩa).


Tây quốc hữu nhân danh viết Phật,
Đông môn vô thảo bất thành "lan".

Câu trên có thể dịch là: "Nước phương Tây có người tên là Phật". Phật Thích Ca là người Tây Trúc (ấn Độ) so với nước ta thì ở phương Tây, chữ Phật được viết với chữ nhân 亻đứng cạnh chữ tây 西 trên chữ quốc 國. Chữ này không thấy có trong các từ điển, tự điển của Trung Quốc (như Khang Hy tự điển, Từ nguyên, Từ hải...) nhưng có mặt trong một số câu đối tại các chùa Việt Nam.

Câu dưới có nghĩa: "Cửa phía Đông không có cỏ không thành lan”. Chữ lan 蘭 (hoa lan) được viết: thảo đầu 艸 (cỏ), ở dưới là chữ lan 闌 (lan can) gồm chữ môn 門 (cánh cửa), bên trong có chữ đông 東 (phương Đông). Trong cách viết chính quy phải thay đông 東 bằng giản 柬 (Chiết tự về mặt ý nghĩa).


Chiết tự về mặt âm đọc trong chữ Hán tiêu biểu nhất là lối phiên thiết phục vụ cho việc chú âm trong các sách học, các tự điển. Nó cũng xuất hiện rải rác trong các câu đố chữ Hán. Ví dụ như:

Con gái mà đứng éo le,
Chồng con chưa có kè kè mang thai.

Đây là câu đố chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始 vốn là một chữ hình thanh, có chữ thai 台 chỉ âm, chữ nữ 女 (con gái) nói nghĩa.

Những trường hợp này xuất hiện rất ít và thường thì không chỉ thuần nhất chiết tự về âm đọc mà còn kèm theo cả phần hình thể hoặc ý nghĩa.


Qua những ví dụ chúng tôi vừa dẫn ra trên đây, có thể thấy các câu đố chiết tự này có ý nghĩa không nhỏ đối với việc học nhớ chữ Hán. Dựa vào việc phân tích và mô tả cụ thể, sinh động hình thể chữ Hán, các câu đố chữ Hán đã giúp cho người giải đố có khả năng tái hiện lại những chữ đã học không mấy khó khăn. Đồng thời, nó cũng giống như một bài kiểm tra định kỳ cho người mới học mà việc thuộc lòng đề bài và lời giaỉ là rất dễ dàng (do tính ấn tượng của nó). Chẳng hạn những câu như:

Anh kia tay ngón xuyên tâm.
(Chữ tất 必)

Mặt trời đã xế về chùa.
(Chữ thời 時)

Việc vận dụng các liên tưởng hình ảnh vào hình thể, âm đọc hay ý nghĩa của chữ đã làm cho chiết tự nói chung và chiết tự trong câu đố chữ Hán nói riêng có tính sáng tạo cao. Nhờ đó mà các bộ phận cấu thành chữ Hán trở nên sống động, có hồn.

Trong số 70 câu đố chữ Hán trong kho tàng câu đố Việt Nam mà chúng tôi sưu tập được, có đặc điểm chiết tự khá thú vị. Chẳng hạn:

Dưới đây là một số ví dụ:

- Có tú mà chẳng có tài,
Cầm ngang ngọn giáo, đâm ngoài đít dê. (Chữ hy 羲)

- Chữ lập đập chữ viết, chữ viết đập chữ thập. (Chữ chương 章)

- Đất thì là đất bùn ao,
Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay.
Con ai mà đứng ở đây,
Đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào. (Chữ hiếu 孝)

- Một vại mà kê hai chân,
Con dao cái cuốc để gần một bên. (Chữ tắc 則)

- Nhị hình, nhất thể, tứ chi, bát đầu,
Tứ bát, nhất bát phi toàn ngưỡng lưu. (Chữ tỉnh 井)

- Đóng cọc liễn leo, tả trên nhục dưới, giải bơi chèo. (Chữ tùy 隨)

- Đêm tàn nguyệt xế về Tây,
*** sủa canh chầy, trống lại điểm tư. (Chữ nhiên 然)

- Con dê ăn cỏ đầu non,
Bị lửa cháy hết không còn chút đuôi. (Chữ mỹ 美)

- Thương em, anh muốn nên duyên,
Sợ e em có chữ thiên trồi đầu (Chữ phu 夫)

- Khen cho thằng nhỏ có tài,
Đầu đội cái mão đứng hoài trăm năm. (Chữ dũng 勇)

- Thiếp là con gái còn son,
Nếp hằng giữ vẹn ngặt con dựa kề. (Chữ hảo 好)

- Ruộng kia ai cất lên cao,
Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời. (Chữ tư 思)

- Đất cứng mà cắm sào sâu,
Con lay chẳng nổi, cha bâu đầu vào. (Chữ giáo 教)

- Em là con gái đồng trinh
Chờ người tuổi Tuất gá mình vô em. (Chữ uy 威)

- Ông thổ vác cây tre, đè bà nhật. (Chữ giả 者)

- Đất sao khéo ở trong cung,
Ruộng thời hai mẫu, bờ chung ba bờ. (Chữ cương 疆)

- Muốn cho nhị mộc thành lâm
Trồng cây chi tử tiếng tăm lâu ngày. (Chữ tự 字)

- Hột thóc, hột thóc, phẩy đuôi trê,
Thập trên nhất dưới bẻ què lê. (Chữ pháp 法)
Như vậy, từ những ưu điểm đã phân tích ở trên của chiết tự, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa: chiết tự là một phương pháp học, nhớ chữ Hán độc đáo của người Việt. Đồng thời qua những câu đố chiết tự này có thể tạo sự hứng thú cho việc học, nhớ chữ Hán.


Kinh nghiệm học tốt tiếng Nhật
Kinh nghiệm học tốt tiếng pháp
Kinh nghiệm học tốt tiếng anh
Kinh nghiệm học tốt tiếng Hàn
Kinh nghiệm học tốt tiếng Trung
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh



(st)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý