Kinh nghiệm học của thủ khoa khối B

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Kinh nghiệm học của thủ khoa khối B

19/04/2015 04:52 AM
1,182

Kinh nghiệm học của thủ khoa khối B cực lý thú cho bạn. Cùng tham khảo ngay để "vượt hũ môn" trong kì thi sắp tới nhé



Thủ khoa Lê Thị Minh Vượng - Đại học Y Hà Nội

Cách duy nhất để tìm ra phương pháp là học hành thật sự chăm chỉ. Khi tiếp xúc với sách vở nhiều, người học sẽ tự rút ra được phương pháp thích hợp cho mình.

Thủ khoa Lê Thị Minh Vượng là một tấm gương tiêu biểu cho phương pháp học tập không cần cao siêu, không dùng bí quyết, thủ thuật, mà ngược lại, rất bài bản và khoa học để giành được kết quả cao. Những phương pháp ôn luyện bài bản và khoa học giúp Lê Thị Minh Vượng trở thành cô thủ khoa nông dân của ĐH Y Hà Nội năm 2010.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở Ứng Hòa – Hà Nội, không học trường chuyên, cũng chưa bao giờ có điều kiện đến các lò luyện thi, nhưng Lê Thị Minh Vượng đã trở thành thủ khoa khối B, ĐH Y Hà Nội, với 29 điểm. Đồng thời, em cũng đạt 29 điểm khối A trường ĐH Ngoại thương năm 2010.

Điều đặc biệt ở cô bé thủ khoa này nằm ở phương pháp học tập hết sức khoa học và bài bản. Vì thế những kinh nghiệm ôn luyện và phương pháp học của em có thể áp dụng cho phần đông các bạn học sinh chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT và đại học sắp tới.

Thông minh không bằng phương pháp

Khi được hỏi làm sao để có một phương pháp học và ôn luyện bài khoa học nhất, Minh Vượng nói: “Một phương pháp cụ thể không thể đúng cho tất cả mọi người. Vì thế, mỗi người cần phải tìm cách tự rút ra phương pháp phù hợp với điều kiện, thói quen của mình.”

Em cho rằng, cách duy nhất để tìm ra phương pháp là học hành thật sự chăm chỉ. Khi tiếp xúc với sách vở nhiều, người học sẽ tự rút ra được phương pháp thích hợp cho mình. Chăm chỉ để rút ra phương pháp, phương pháp sẽ tạo ra thói quen, thói quen đúng sẽ tạo ra hiệu quả học tập tốt.

Nói về phương pháp ôn luyện của mình, Vượng khiêm tốn: “Với em sách giáo khoa là tài liệu tối quan trọng. Bởi vì đề thi đại học chủ yếu xoay quanh chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên vẫn phải nhờ tới sự giúp đỡ của sách tham khảo để tổng hợp kiến thức, nâng dần mức độ khó của bài tập. Ngoài ra, với mỗi môn cần có một phương pháp học ôn riêng, phù hợp với đặc điểm của nó.”
Thủ khoa nông dân 'bật mí' kinh nghiệm ôn thi khối B

khoi_b.jpg

Lê Thị Minh Vượng: “Sách giáo khoa là tài liệu tối quan trọng.”


Môn toán là môn tự luận nên cần rèn khả năng lập luận nhiều nhất. Cấu trúc đề thi thường cố định, nên chỉ cần ôn luyện kĩ và bám sát cấu trúc đề thi là có thể đạt điểm cao. “Bảo bối” của Vượng là bộ sách của tác giả Lê Hồng Đức. Em nói: bộ sách này bao gồm các sách về Hàm số, lượng giác…kiến thức đã được tóm tắt, tổng hợp từ dễ đến khó, nên rất phù hợp với người ôn luyện.

Môn hóa mặc dù không có nhiều công thức, nhưng có nhiều dạng bài. Với môn hóa, điều cần thiết nhất là chăm chỉ làm bài tập để rèn kỹ năng. Trước khi đi thi, Vượng đã rèn cho mình khả năng giải bài tập môn hóa với tốc độ cao nhất có thể bằng cách bấm thời gian. Điều này sẽ tạo thói quen làm việc nhanh nhạy, chủ động về mặt thời gian trong phòng thi.

Để thi tốt Sinh, điều khó khăn nhất với Vượng là học thuộc lý thuyết. Nhưng đọc nhiều để hiểu bản chất vấn đề sẽ giúp cho việc học thuộc này trở nên dễ dàng hơn, Vượng chia sẻ. Với môn hóa và sinh, Vượng sử dụng sách của nhiều tác giả khác nhau, miễn sao sách đó đưa ra cách giải bài tập nhanh.

Ngoài ra, Vượng chia sẻ rằng, để ghi nhớ được lượng công thức khổng lồ, em thường tìm cách tự mình chứng minh công thức, cách này giúp em hiểu sâu bản chất vấn đề và nhớ lâu hơn. Nhớ sâu công thức sẽ giúp người học có thể vận dụng và biến đổi linh hoạt khi làm bài mà không bị nhầm lẫn.

Học giỏi nhưng cần bản lĩnh và nhanh

Các cụ xưa có câu: “học tài thi phận”. Để tránh gặp phải điều này, theo Vượng, điều quan trọng là phải rèn rũa bản lĩnh trước kì thi. Bản lĩnh ở đây bao gồm sức khỏe, tâm lý ổn định.

Để đảm bảo sức khỏe, sự minh mẫn, ngày nào cô thủ khoa nông dân này cũng dành ra ít nhất 30 phút buổi trưa để ngủ. Em nói: 30 phút này sẽ giúp em tỉnh táo và minh mẫn trong cả buổi chiều, buổi tối để tiếp tục học.

Ôn luyện chăm chỉ, bài bản chưa đủ nếu như không có sức khỏe tốt để sẵn sàng “chiến đấu”. Vượng nói: vào ngày thi, tâm lý hồi hộp khiến em không muốn ăn, nhưng không những không bỏ bữa mà cô bé còn cố gắng ăn nhiều hơn bình thường. Thời gian làm bài thi khá dài, thế nên cần phải có đủ năng lượng dự trữ trong cơ thể, Vượng nói. Số năng lượng này sẽ giúp em duy trì được tốc độ làm bài nhanh, ổn định và sự minh mẫn, sáng suốt.

Mỗi khi gặp bài khó chưa giải được ngay, hay học xong bài, Vượng giải trí bằng cách đọc sách và làm việc nhà giúp bố mẹ. Theo em, trước kì thi, thí sinh không nên tạo áp lực quá lớn với mình, vì đôi khi áp lực lớn sẽ làm giảm năng suất học tập.

Để đạt được tốc độ làm bài nhanh tối đa có thể, Vượng mách nước rằng cách rèn luyện đơn giản là khi làm các bộ đề, em thường tính toán và phân bố thời gian sao cho hợp lý với hệ số điểm của từng bài.

Đối với các môn trắc nghiệm, làm được 10 câu, Vượng lại xem lại thời gian, nếu làm chậm tiến độ sẽ tăng lên, nếu làm đúng hoặc nhanh, thì duy trì tốc độ hiện tại. Cách này rèn cho Vượng sự chủ động về mặt thời gian trong khi làm bài.

Những phương pháp bài bản và những bí quyết làm bài hết sức thông minh mà Vượng chia sẻ, tin chắc rằng bất kỳ thí sinh nào, không riêng gì thí sinh thi khối B đều có thể áp dụng và đạt được kết quả cao.



'Bật mí' kinh nghiệm ôn thi khối B Lê Thùy Dương và Món Thị Hồng Uyên


Không cần ép mình học quá nhiều mà vẫn đạt điểm cao trong kỳ thi ĐH 2007, hai thủ khoa khối B Lê Thùy Dương (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) và Món Thị Hồng Uyên (ĐH Y khoa - ĐH Thái Nguyên) chia sẻ kinh nghiệm học thi của mình.

Năm 2007, được 27 điểm, Lê Thùy Dương trở thành thủ khoa khối B ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Dương cho biết, mỗi ngày, cô dành 7 tiếng để ôn các môn thi ĐH và tốt nghiệp THPT. Sau khi học xong các môn phụ, mới phân bổ đều thời gian cho các môn thi đại học.

Nhà gần đồng nên cô nữ sinh quê Bắc Giang này hay ra đồng ngắm cây cối để “thư giãn đầu óc”. Món ăn của Dương trong suốt thời gian ôn thi là lạc, rau, trứng, cá, sữa và dầu gấc để bổ mắt.

Theo Dương, ở môn Sinh học, cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và một số tài liệu liên quan đến cách làm bài thi trắc nghiệm để quen cách thức làm bài. Riêng môn Hóa học, cần dựa vào tính chất cơ bản để thuộc các phản ứng đặc trưng rồi từ đó nhớ thành chuỗi phản ứng liên quan.

Cô thủ khoa cho rằng, yếu tố quyết định trong thi cử là phải thực sự đam mê ngành mình theo đuổi bởi như thế mới có quyết tâm cao. “Bạn bè em thường bảo thi nông nghiệp sau này về chỉ để trồng lúa nhưng em vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và quyết tâm theo đến cùng lĩnh vực mà mình theo đuổi”, cô chia sẻ.

Do sáng học ở trường, chiều lại học thêm nên cô thủ khoa khối B ĐH Y khoa (ĐH Thái Nguyên) Món Thị Uyên Hồng thường phải tự học vào buổi tối. Suốt thời gian ôn thi, Hồng học rất thoải mái, khi nào cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi là xem phim và nghe nhạc chứ không cố ép mình.

Cô thủ khoa có dáng người nhỏ nhắn này cho biết, với các môn tính toán như Hóa và Toán học, cần tập trung vào cách tư duy và gộp các bài giống nhau thành một dạng là phương pháp hiệu quả nhất.

Để làm được các dạng bài nâng cao, Hồng luôn học thuộc lòng lý thuyết và nắm chắc các dạng bài cơ bản. Còn đối với các phản ứng hóa học khó nhớ, cô thường ghi riêng vào một cuốn sổ, lúc quên lại mở ra xem.

“Sau khi học xong một dạng, 30 ngày sau em lại quay vòng, ôn lại các dạng đã học. Em gần như không bỏ sót bất cứ một chương trình ôn luyện nào trên tivi vì qua đó em có thể ‘chốt’ lại kiến thức một cách tổng quát nhất”, Hồng nhớ lại.

Hồng không quá tập trung vào ăn uống, bởi theo cô, chỉ cần không bỏ bữa là đảm bảo sức khỏe. Năm 2007, Uyên thi được 28 điểm


Khối B: nắm vững lý thuyết, học kỹ, học chắc Phạm Đỗ Linh Ấn


TTO - Bạn Phạm Đỗ Linh Ấn (thủ khoa ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - khối B năm 2011) tâm sự: Để đạt điểm cao tại kỳ thi đại học, cao đẳng không còn cách nào khác là phải học kỹ, học chắc. Nên xem chất lượng hơn số lượng, làm đến đâu chắc đến đó.

Thủ khoa Phạm Đỗ Linh Ấn - Ảnh: CTV

Ở môn toán, chắc chắn câu bất đẳng thức sẽ không dễ “ăn” chút nào, nhưng thay vì lấy một điểm bất đẳng thức thì ta có thể dễ dàng lấy một điểm của những câu khác.

Với môn sinh thì các bạn nên nắm vững và nắm một lượng kiến thức vừa đủ để thi, nếu các bạn ôm quá nhiều kiến thức sẽ tự mang stress đến cho mình. Mình cũng có học thêm và kinh nghiệm rút ra được là tích cực mượn đề của các bạn ở các trung tâm ôn thi khác và cùng làm, cùng sửa.

Bước chính là rút kinh nghiệm. Bình thường nếu mình làm một đề trong vòng một giờ thì thời gian sửa của mình sẽ từ hai đến ba giờ.

Riêng môn hóa thì cần nắm vững lý thuyết và không ngừng luyện thêm phần bài tập. Mình thấy các bạn thi khối B thường bị “sốc” vì phần bài toán của đề, dẫn đến tốn thời gian và không làm kịp các câu sau. Và bên cạnh đó thì việc sưu tầm và làm các dạng đề thi cũng cần thiết.

Trên mạng, các trung tâm học thêm, thầy cô, bạn bè… là những nơi ta có thể tìm và xin được tài liệu tham khảo cũng như đề thi thử. Và ngay cả cách giải các bài khó đôi khi mình cũng có thể tìm thấy trên các diễn đàn, chỉ cần chịu khó tra Google chút là ra.

Một số trung tâm có tổ chức các kỳ thi thử đại học, ta có thể đăng ký và dự kỳ thi đó để quen với áp lực khi thi. Còn cách thi thì các bạn chỉ “đơn giản” là tập trung hết mình nhưng không được để bản thân áp lực.

Quá trình ôn thi quyết định điểm cao nhất ta có thể đạt được là bao nhiêu. Còn điểm đạt được trong phòng thi là kết quả của tinh thần và phong độ. Do đó, mình nghĩ không nên ôn một cách quá dồn dập ngay trước kỳ thi, cần có một thời gian thư giãn để lấy được phong độ tốt nhất.

Bước vào phòng thi, bạn nên làm mọi cách để cảm thấy thoải mái. Bút, thước, tẩy, compa, máy tính… cần kiểm tra tất cả trước khi đi ngủ. Điều quan trọng là bạn nhớ ăn sáng trước khi đi thi, đặc biệt là đối với những môn trường kỳ như toán. Bút chì đánh trắc nghiệm thì mình nghĩ 3B là tốt nhất. Đừng nghĩ đề ra quá phức tạp, hãy làm quen với cách ra đề của các thầy cô từ các đề thi thử. Theo mình thì bí quyết đơn giản nhất là hãy cứ nhìn mọi việc một cách không quá phức tạp, và hãy tự tin.

Bí quyết ôn thi khối B của Thủ khoa Đại học Y Thái Bình



Trong kỳ thi tuyển sinh Đại học , Cao đẳng năm 2011, Vũ Thị Thanh Huyền trở thành Thủ khoa khối B Trường Đại học Y Thái Bình với 28,5 điểm và đạt 27 điểm khối A Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thanh Huyền đã có những chia sẻ về bí quyết ôn thi hiệu quả với báo Giáo dục Việt Nam.

Theo Thanh Huyền: "Đối với môn toán thi theo hình thức tự luận, chú trọng đến phương pháp trình bày sao cho ngắn gọn, đủ ý, chính xác là quan trọng nhất.

Khi vẽ đồ thị nếu vẽ bằng bút chì thì phải nhớ tô lại bằng bút mực nếu không hình minh họa có thể bị xem là không có.

Bài tập hình không gian nên vẽ hình trước một cách rõ ràng.

Môn hóa cần linh hoạt trong cách áp dụng các quy tắc tính toán. Trước mỗi đề toán nên cân nhắc và suy tính kỹ bởi đề thi luôn có những điểm đánh đố thí sinh. Nếu không đọc kỹ đề bài rất dễ bị mắc sai lầm và rơi vào vòng luẩn quẩn. Cấu trúc một đề thi bao giờ cũng có những câu dễ, khó xen lẫn nhau. Cần phân loại những câu đối với mình là quen thuộc, thấy được phương pháp giải thì làm trước.

Với môn Sinh học, đề thi thường nặng hơn về phần lý thuyết nên phải học thật chi tiết, nắm vững mọi vấn đề và vận dụng kiến thức thật tốt. Bên cạnh đó cần thuần thục các dạng bài cơ bản sau đó làm đến bài tổng hợp. Đây là dạng bài nhằm phân loại thí sinh, đòi hỏi khả năng suy luận và kiến thức cao hơn, sâu hơn.

Trong cả ba môn học, Thanh Huyền đề cao phương pháp tự học, tự đào sâu kiến thức. Nếu gặp khó khăn trong học tập, cô bé trao đổi cùng bạn bè, hỏi thầy cô để hiểu bài giảng ngay trên lớp.

"Điều quan trọng là phải nắm chắc lý thuyết, dạng bài tập cơ bản và lỗi thường gặp để rút kinh nghiệm trong những bài tập tiếp theo...", Thanh Huyền nhấn mạnh.

Thanh Huyền luôn chọn và phân bố thời gian học thi hợp lý nhằm giúp quá trình tự học đạt hiệu qủa cao. Tránh căng thẳng trong việc học dẫn đến tình trạng học trước quên sau là cách tiết kiệm thời gian tốt nhất.

Cô bé không có thói quen học khuya nhưng thường tái hiện lại kiến thức trước khi đi ngủ để nhớ lâu và hiểu kỹ bài học hơn.

Đối với Thanh Huyền, mỗi môn học đều có sức hấp dẫn riêng, bổ trợ lẫn nhau. Thanh Huyền đặc biệt thích học môn Văn. Đã có thời gian Thủ khoa khối B học giỏi Văn hơn Toán. Thanh Huyền thường đọc và xem những tác phẩm văn học kinh điển như: Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Sông Đông êm đềm, Nhà thờ Đức Bà Paris...

Vũ Thị Thanh Huyền trở thành Thủ khoa khối B Trường Đại học Y Thái Bình với 28,5 điểm và đạt 27 điểm khối A Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Lựa chọn trường: “Bắt cá hay tay”

Quãng  thời gian học THPT ở trường THPT chuyên Thái Bình đã đánh dấu bước trưởng thành của Thanh Huyền. Đây là một môi trường học tập tốt, thầy cô tận tâm, bạn bè yêu thương nhau giúp Huyền nhận được bài học lớn về sự nỗ lực.

Khi trọn trường thi Thanh Huyền đã lúng túng và thực hiện cách: “Bắt cá hai tay” vào cả hai ngôi trường “có tiếng”. Kết quả thật bất ngờ, Huyền đỗ cao ở hai trường Đại học nhưng lúc này em lại cảm thấy “không hoàn hảo”. Huyền cho rằng mình “tước mất đi cơ hội của những bạn thí sinh khác” đồng thời đã rất vất vả khi phải đưa ra sự lựa chọn.

Thanh Huyền quyết định theo học ngành Kiểm toán, Đại học Kinh tế Quốc dân bởi bạn muốn thay đổi môi trường sống và cảm thấy mình yêu thích, phù hợp hơn với ngành này. Thanh Huyền tự thấy mình người may mắn vì mình có thể tự lựa chọn ngành nghề theo nguyện vọng mà không bị ép buộc bởi gia đình.

Từ đó, Huyền nhận ra rằng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là công việc vô cùng quan trọng. Thực sự có nhiều sinh viên mặc dù thi vào các ngành được coi là “Hot” nhất nhưng vẫn chán nản. Bước vào năm thứ nhất Đại học, Thanh Huyền đã có được niềm vui trong học tập và mỗi ngày Huyền say mê với niềm vui đó.

Thanh Huyền luôn quan niệm: Con đường phía trước thật nhiều thử thách, vì thế cần chuẩn bị tâm thế nỗ lực nhiều hơn nữa để luôn hạnh phúc với chính mình.



Bật mí kinh nghiệm học các môn của thủ khoa


Đằng sau ánh hào quang của danh hiệu thủ khoa là biết bao mồ hôi khổ luyện. Cùng tham khảo xem các bạn có phương pháp học nào mà hay thế nhé.

Một cuộc gặp gỡ khá thú vị, một bàn tròn mini mà ở đó Lê Vũ Lâm (thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM, khối A), La Lễ Phúc (thủ khoa ĐH Y dược TP.HCM, khối B), Phan Thanh Hà (điểm cao nhất khối D1, ĐH Sư phạm TP.HCM) và Lê Thư Phương Quỳnh (điểm cao nhất khối C, ĐH KHXH&NV TP.HCM) cùng trò chuyện về cách học và đường đi đến ngôi vị quán quân các trường ĐH của mình...

Tẩy chay học vẹt!

“Muốn học giỏi phải có “chiêu” học tập riêng của mỗi người ” - Lê Vũ Lâm khẳng định. Với những môn khoa học tự nhiên, bí quyết để học tốt của Lâm và Phúc là: “Phải làm nhiều bài tập và tự giải theo cách của mình để tìm ra các dạng bài... Không đầu hàng trước các bài khó. Giải chưa được thì tìm bạn tranh cãi, nếu vẫn bí mới hỏi thầy cô. Như vậy nhớ rất lâu...”.

Hệ thống các kiến thức đã học là việc cần thiết vì các bài học thường liên quan với nhau. Bất kỳ môn nào nếu lý thuyết được hiểu đến nơi đến chốn sẽ giải quyết bài tập nhanh.

“Cây văn” Phương Quỳnh từ khi vào cấp III đã “cự tuyệt” với văn mẫu. Quỳnh tìm sách của các giảng viên ĐH, đọc và tìm những suy nghĩ của chính mình, luyện cách diễn đạt ý. Với môn sử, địa, Quỳnh đọc qua một lượt để hiểu, ghi lại những ý chính; sau đó tìm thêm sách đọc, so sánh, bổ sung số liệu.

Còn theo Hà, để học tiếng Anh giỏi phải nắm vững ngữ pháp, giải bài tập nhiều. Cách học từ vựng dễ nhớ nhất là nên học theo ngữ cảnh, học từng từ dù dễ thuộc nhưng lại rất mau quên. Tất cả đều kịch liệt phản đối chuyện học vẹt và cho rằng đó chỉ là cách đối phó với những bài kiểm tra. Muốn thi ĐH cần phải có kiến thức thật sự của mình, phải chịu khó và quyết tâm.


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Khắc phục môn học còn yếu

Bạn nghĩ thủ khoa đâu dễ gì bị bí, nhất là với những môn trong khối thi của mình? Thế mà có đấy. Với Hà: “Môn văn hơi yếu nên thường phải bắt đầu bằng những đoạn viết ngắn. Khi thấy ổn thì viết tiếp những đoạn dài hơn”.

Phúc lại luyện môn sinh học theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, học từng chi tiết nhỏ, nhớ những ý chính rồi học đi học lại nhiều lần cả bài cũ lẫn bài mới... và “thế là nhớ bài thôi”. “Mình hơi ớn khi đụng những sơ đồ, lược đồ của môn địa. Vì vậy, cách duy nhất là mở tập hình vẽ bản đồ, nhìn thật kỹ để ghi vào bộ nhớ những hình ảnh đó” - Quỳnh kể. Vào năm lớp 12, biết mình còn yếu các môn xã hội, Lâm chỉ “học bình thường” các môn yêu thích và đầu tư thời gian cho các môn xã hội. Để tăng thêm vốn Anh ngữ, Lâm mua các phần mềm Anh văn, sách song ngữ về tự học...

Không thích việc “thầy đọc trò chép”

Dù Hà và Phúc “chạy sô” ở các trung tâm luyện thi, Lâm ôn cấp tốc trong một tháng và Quỳnh tự ôn, nhưng mỗi người đều tự tìm cho mình một phương pháp học riêng. Bạn bè trong lớp ưu ái tặng Lâm và Nhân (thủ khoa ĐH Sư phạm, bạn học cùng nhóm) danh hiệu “kình địch”, nhưng cả hai lại thích “học nhóm để cùng thi xem ai làm bài nhanh hơn, ai có cách giải hay hơn...”.

Chẳng ai trong số họ học và luyện thi theo bộ đề: “Bộ đề có vẻ không còn hợp thời khi mà mỗi trường không tự ra đề riêng mà thi theo đề chung của bộ”. Thay vào đó, ngoài sách giáo khoa, mỗi người tự tìm cho mình những cuốn sách tham khảo phù hợp của những tác giả mình yêu thích. Quan niệm “thầy đọc trò chép” ở phổ thông bị các bạn đánh bật. Hà và Lâm khẳng định chắc nịch: “Tự ghi chép trong quá trình nghe giảng rất có hiệu quả!”. Quỳnh cho rằng: “Nếu nghe giảng rồi tự ghi lại ý chính, mình đã học bài được hai lần. Còn những ý nảy ra lúc đó, mình ghi chú bằng bút chì bên cạnh”.

Phúc nói: “Ba môn toán, hóa, sinh mình học không bao giờ biết chán”. Vậy nhưng kết quả cuối năm học của chàng trai này ở các môn học khác chưa bao giờ làm phiền lòng thầy cô. Phúc cười: “Mình học tập trung có mức độ!”.

Chọn ngành học... kỹ như chọn người yêu!

Hà, Quỳnh và Phúc đều ít nhiều chịu ảnh hưởng từ gia đình, thầy cô khi chọn ngành học, trường thi. Trong khi đó cậu thủ khoa ĐH Bách khoa chỉ quyết định sẽ thi vào khoa công nghệ thông tin sau khi... trăn trở: “Mình thích học theo lối tư duy, mà công nghệ thông tin rất cần khả năng tư duy nên mình chọn”.

Phúc cho rằng “phải tự định hướng nghề nghiệp tương lai trước, ít nhất là khi bước vào cấp III, như vậy mới xác định được lối đi cho đời mình chứ”. Và không ai trong số họ phủ nhận một thực tế “định hướng nghề nghiệp là cần thiết, nhưng hiện nay vấn đề này hầu như không hề thấy ở cấp học phổ thông...”.




Kinh nghiệm học tốt môn sinh học
Kinh nghiệm học tốt tiếng pháp
Kinh nghiệm học giỏi môn Toán
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Kinh nghiệm học giỏi môn hóa
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh
Kinh nghiệm học tốt môn Vật lý


(st)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
Anh,chi oi có phải thủ khoa là nguoi rất thông minh ko ạ ,họ chỉ cần nghe thầy cô giảng là biết liền đúng ko,hay là những điều mà họ biết đó là kết quả cuả mot quá trình khổ luyện mà ra chứ ko có sự thông minh nhiều lắm j.Tai sao mấy a,c thủ khoa lại đam mê vs các môn học đó vậy ,niềm đam mê đó có ở đau ạ
hơn 1 tháng trước - Thích - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý