Kinh nghiệm thi đại học khối C cực quan trọng bởi từ trước đến nay học ban C thường bị cho là học vẹt. Nhưng khối C bây giờ không đơn thuần là môn học thuộc nữa học ban C không chỉ bằng đầu óc mà bằng cả các giác quan, tâm hồn.
Một vài năm trở lại đây, số lượng thí sinh dự thi khối C giảm liên tục khiến nhiều trường đại học, cao đẳng rơi vào tình trạng thiếu hụt sinh viên. Một nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này là do nhiều bạn học sinh e ngại tương lai dành cho khối C và không chịu được cách học nhàm chán chỉ đơn giản là học thuộc những môn Văn, Sử, Địa.
Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy. Để học được tốt các môn khối C thì ngoài học thuộc ra bạn vẫn cần phải tư duy, logic. Để học tốt khối C và tạo niềm đam mê cho bản thân bạn cần phải làm những gì?
1. Sự đam mê, yêu thích
Dù học khối A, B, C hay D thì yếu tố đầu tiên để bạn có thể chú tâm học và đạt hiệu quả cao chính là sự đam mê, yêu thích. Bạn không thể tiếp thu kiến thức tốt khi cảm thấy không thích hoặc gượng ép. Và đương nhiên càng không muốn tìm tòi, hiểu sâu hơn về chúng.
Với những môn như Toán, Lý, Hóa bạn cần có tư duy logic cao thì các môn xã hội ngoài điều đó còn cần phải có niềm đam mê rất lớn bởi học khối C không chỉ bằng đầu óc mà bằng cả các giác quan, tâm hồn.
Yêu thích sẽ khiến bạn thấy hứng thú hơn khi học, kiến thức từ đó cũng dễ dàng được tiếp nhận một cách tự nhiên, không gò bó.
2. Sự chăm chỉ, cần cù
Các khối khác cần chăm chỉ 5, 6 thì khối C cần chăm chỉ 10. Đây được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp bạn thành công, đạt được mục tiêu đề ra.
Khối C đòi hỏi phải kiến thức phải được lặp đi lặp lại thường xuyên và liên tục. Có như vậy những mốc thời gian trong lịch sử, những câu văn, bài thơ mới khó có thể quên.
Để làm bài tốt và nhớ kiến thức, cách tốt nhất là bạn phải làm bài tập và ôn luyện bài mỗi ngày. Viết sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn, hiểu vấn đề hơn và trình bày khoa học hơn.
3. Cần có sự tư duy, logic
Nhiều bạn cho rằng học khối C đơn giản chỉ là học thuộc và dễ hơn các khối khác bởi không phải suy nghĩ quá nhiều thì sai rồi nhé.
Để học tốt được Lịch sử bạn cũng cần phải hiểu vấn đề, biết cách sâu chuỗi các sự kiện, biết đánh giá, phân tích thì mới nhớ lâu được.
Đối với môn Văn, nếu chỉ học thuộc những gì thầy cô dạy trên lớp hay chép trong văn mẫu thì khó mà đạt được điểm cao vì bạn khó mà học thuộc lòng được tất cả số đó. Cần phải có sự tư duy, logic lựa chọn ra các chi tiết, cách phân tích hay trong từng bài để kết hợp. Khi gặp đề văn khó cũng cần vận dụng các kiến thức đã học để phân tích.
Khác với Lịch sử, Địa lý sao có thể học thuộc được các số liệu, kiến thức lại rất nhiều nên rất dễ nhầm lẫn. Cần phải biết vận dụng thực tế và lấy các số liệu từ thực tế để đưa vào bài. Địa lý cũng có những công thức toán học như trong toán học, bạn cần phải tư duy, suy nghĩ để làm được.
4. Cần có phương pháp, kĩ năng
Để học tốt các môn học bạn cần phải có phương pháp, kĩ năng riêng cho từng môn. Biết lập kế hoạch cụ thể và tự tìm ra cách thức phù hợp để đạt hiệu quả cao.
5. Khối C cũng cần đi học thêm
Giống như các khối khác, khối C cũng cần phải có người hướng dẫn, định hướng giúp bạn trong cách làm bài và cách học.
Không đơn giản chỉ là học thuộc. Giáo viên sẽ giúp bạn biết được chính xác câu trả lời cho từng dạng bài và với những bài tổng hợp yêu cầu kiến thức sâu, rộng thì kiến thức của giáo viên chính là kho tàng giúp bạn nắm được điều đó.
Để có thể học tốt khối C thì những kĩ năng trên là cần thiết và khối C không đơn giản chỉ là học thuộc!
Có nên thi thử trước khi thi Đại học
Khi học khối C, học sinh nào cũng muốn nhớ và viết được càng nhiều càng tốt. Tôi đã từng thi rớt, rồi sau đó trúng tuyển vào ĐH khối C, nên hiểu được rất rõ tâm lý khi học ôn, rồi khi vào phòng thi... và đã tìm ra được biện pháp hữu hiệu để khắc phục .
Lần thứ nhất, tôi thất bại vì đã chủ quan, tự tin quá mức vào cách học ôn của mình. Khi bị trượt rồi, tôi mới thấm thía, rút ra được kinh nghiệm rằng: thi khối C, bên cạnh vốn kiến thức, còn cần thiết phải có một đức tính kiên trì...
Cảm giác mỏi mệt, bồn chồn khi vào phòng thi
Tôi đã thất bại vì tôi đã không luyện được cho mình tính kiên trì. Ngồi trong phòng thi chưa quá nửa thời gian tôi đã thấy mỏi mệt, người bồn chồn. Và kể từ lúc ấy, tôi cũng không thể tập trung mà nhớ được những gì mình đã đọc để mà vận dụng viết ra giấy.
Thú thực là, trong suốt thời gian ôn thi, tôi chỉ học theo hình thức đọc mà thôi. Tôi rất ngại cầm bút. Tôi chủ quan nghĩ rằng, khi cần viết sẽ viết được.
Nhưng rồi thực tế đã không như tôi nghĩ. Tâm lý phòng thi quá căng thẳng khiến tôi bị ngộp. Nhìn quanh thấy các bạn đang viết rất say mê và nhanh, tôi càng hoảng hơn... ...
Nên vừa học vừa tự thi thử
Rồi tôi đã nhận ra rằng, bên cạnh việc chăm đọc sách để tích lũy kiến thức, thì việc tập luyện thử sức ngồi viết tương ứng với khoảng thời gian khi thi là cực kỳ quan trọng. Nghĩ là làm. Hàng ngày, bên cạnh việc học ôn bằng việc tự đọc, tôi ngồi vào bàn tập viết, tập giải đề thi với thời gian như khi thi thật.
Và tôi đã thành công. Phản xạ với đề thi của tôi đã được nâng lên một bước. Khi tôi không ngại viết nữa thì tự nhiên tôi viết được rất nhiều, tư duy càng mạch lạc. Càng viết càng ham và cảm thấy chỉ sợ không đủ thời gian chứ không lo không có gì để viết.
Mặt khác, với cách tập luyện ngồi lỳ viết ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, tôi đã chữa được cái tật bồn chồn và không còn cảm thấy mỏi người nữa. Và tôi còn có thể ngồi viết lâu hơn cả thời gian thi mà vẫn thấy tỉnh táo, minh mẫn.
Kết quả là tôi đã vượt qua Kỳ thi ĐH để trở thành sinh viên với số điểm khá cao. Giờ đây, tôi đã chuẩn bị lấy được tấm bằng cử nhân.
Tôi xin mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm tự học ôn khối C của mình cho các bạn thí sinh đang rất cố gắng luyện thi. Vấn đề không phải là đi ôn thi hay tự ôn ở nhà mà quan trọng là phương pháp ôn thi đúng đắn.
Bí kíp học các môn khối C
Đây chính là chiêu thức giúp cho Nguyễn Thúy Ngân dành vị trí thủ khoa ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2007. Ngân cho biết: Có nhiều bạn sẵn sàng bỏ buổi học chính để đi học thêm vì giờ học thêm bị đổi. Nhưng thực ra những kiến thức của thầy cô giáo trên lớp mới có hệ thống. Lượng kiến thức có vẻ như mỏng manh nhưng là "mưa dầm thấm lâu", còn việc học thêm bằng cách dồn kiến thức vào một lúc chỉ càng làm cho chúng ta thêm căng thẳng.
Theo Ngân thì các bạn học sinh nên nắm vững những kiến thức đơn giản nhất, kiếm trọn điểm ở những phần kiến thức cơ bản. "Khi bạn làm hết những bài cơ bản mà có số điểm tương đối, bạn sẽ thoải mái để ghi điểm sáng tạo ở những bài khó hơn".
Như vậy, vấn đề nằm ở chỗ, mỗi bạn phải tự xác định được đâu là phần kiến thức cơ bản và dễ ăn điểm nhất và nắm thật chắc phần kiến thức đó. Kinh nghiệm cho thấy qua các kỳ thi ĐH gần đây đối với môn Văn thì phần kiến thức về một tác gia lớn xuất hiện trong đề thi với tần suất khá lớn. Đồng thời đây là phần dễ ăn điểm nhất cho các thí sinh. Việc nắm vững các kiến thức cơ bản như vậy có lẽ là không quá khó. Vì vậy đừng để mất đi những phần điểm quý giá đó dù chỉ là ¼ điểm các bạn nhé.
Phân chia kiến thức Lịch sử theo giai đoạn
Phân chia kiến thức theo từng giai đoạn là cách mà hầu hết các bạn học sinh khá giỏi môn Lịch sử thường hay sử dụng.
Mai Hương - thủ khoa khối C năm 2007 của trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn — ĐH Quốc Gia Hà Nội chia sẻ: “Với môn Sử, mình thường phân chia theo từng giai đoạn, ví dụ: Giai đoạn cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu những năm 1920, giai đoạn nửa sau những năm 1920 đến đầu những năm 1930, giai đoạn 1930-1945”. Cứ như thế kiến thức được xếp thành hệ thống rành mạch, rõ ràng nhưng vẫn có tính liên kết giữa các thời kỳ.
Mỗi giai đoạn Hương học kỹ: nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, rồi xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Theo Hương để làm bài thi thật tốt thì các bạn nên xác định các dạng đề khác nhau từ một sự kiện và trả lời theo các ý nhỏ. Như vậy khi vào phòng thi sẽ không bị “choáng” trước những câu hỏi hóc búa.
Kỹ năng học và làm bài thi Địa lí
Những lời khuyên mà cô Lữ Thanh Trước (giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM) đưa ra chắc sẽ giúp ích cho các bạn vào thời điểm cận kề mùa thi này.
Theo cô Lữ Thanh Trước: “Học Địa lí theo kiểu học vẹt, học tủ là thất bại. Vì cách học này sẽ làm các em rất dễ quên bài, dễ bị "tủ đè”, tâm lý luôn hoang mang, lo sợ. Từ đó dẫn đến việc không đủ tự tin và bình tĩnh để có thể hoàn thành bài thi một cách tốt nhất”.
Để tiếp thu kiến thức Địa lí một cách có hệ thống và nhớ được lâu, trươc hết các bạn cần đọc bài 1-2 lần để hiểu được cấu trúc của bài và ghi nhận được dàn bài. Để kiểm tra xem mình hiểu bài được bao nhiêu phần trăm, cô Trước khuyên chúng ta nên thử diễn đạt lại các kiến thức mình vừa học theo hệ thống trên giấy nháp, không cần ghi lại nguyên văn theo sách giáo khoa (ngoại trừ những ý bắt buộc). Với mỗi bài, nếu bạn có thể viết lại trôi chảy, đầy đủ trong ba lần thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm với lượng kiến thức mà mình đã học.
Trong bài thi Địa lí, nội dung vẽ và nhận xét biểu đồ gần như năm nào cũng có. Nắm chắc các kỹ năng vẽ và nhận xét biểu đồ bạn có thể nắm chắc trong tay từ 1,5 — 2,5 điểm (tùy thuộc vào thang điểm bài thi).
Để hoàn thành bài biểu đồ các bạn cần lưu ý: Đọc kỹ để xác định phải vẽ biểu đồ nào đúng với yêu cầu đề bài. Các bạn nhớ nhất thiết phải có tên biểu đồ, có thể ghi lên đầu hoặc dưới biểu đồ. Rất nhiều bạn vì hồi hộp mà bỏ qua điều này và mất điểm ở phần này Khi ghi các ký hiệu trên biểu đồ cần có sự lựa chọn cẩn thận tránh làm rối mắt, xấu biểu đồ. Phần ghi chú cho biểu đồ cần ghi theo thứ tự đúng như đề bài đã ghi.
Phần nhận xét, các bạn nên xuống dòng sau mỗi ý. Phần giải thích nên được trình bày riêng, chú ý không nên gắn liền với phần nhận xét tránh dài dòng và lặp lại.
Chia sẻ kinh nghiệm của các sĩ tử đạt điểm cao khối C
Kinh nghiệm của thủ khoa học viện báo chí tuyên truyền
Chia sẻ về phương pháp học và làm bài thi các môn khối C, Nguyễn Thế Hưng thủ khoa khối C kỳ tuyển sinh năm 2012 của Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, không nên nghĩ khối C cần ít tư duy hơn các khối khác; việc nắm vững cách ôn tập, học đúng cách sẽ giúp các thí sinh dễ dàng vượt qua các môn học này
Bạn Nguyễn Thế Hưng cho rằng, nếu vừa trải qua kì thi tốt nghiệp, thời gian ôn thi không còn nhiều, ôn thi như thế nào là một điều rất quan trọng. Cần nhận thức được điều này để việc ôn thi hiểu quả nhất.
Nguyên tắc đầu tiên của việc ôn thi, nhất là khối C, đó là cần ôn toàn diện với một lịch học hợp lí, phân bố lịch học là điều quan trọng đối với khối C. Đừng quá lao vào những môn mình thích và bỏ bê các môn còn lại (tất nhiên việc đặt kế hoạch cần đi kèm với thực hiện kế hoạch). Các bạn không nên có suy nghĩ môn học nào sẽ gỡ điểm cho môn học nào, kiểu học thụ động không thể đem đến một kết quả khả quan.
Với môn Văn, theo Hưng, nên học Văn từ việc nắm vững bố cục, kết cấu, nội dung và nghệ thuật chính của tác phẩm. Hãy viết điều đó vào tờ giấy đề cương, nắm thật vững chúng trước khi làm bất cứ điều gì khác. Nhiều bạn chỉ chăm đọc những bài phân tích ở sách này sách kia nhưng đến bố cục cũng không biết, điều này sẽ làm cho việc phân tích từng đoạn (điểm trọng tâm của dạng đề thi ĐH) gặp khó khăn. Ngoài ra, đối với mảng đề thi Nghị luận xã hội, các bạn cần có ý thức tìm và sưu tập dẫn chứng từ các phương tiện truyền thông. Hiện tượng dùng trùng lặp dẫn chứng sẽ khiến người chấm nhàm chán. Dẫn chứng luôn phong phú trên internet. Các bạn hãy sưu tập, chọn lọc và học thuộc thường xuyên để có thể vận dụng vào bài thi một cách linh hoạt.
Môn Sử thường bị các bạn ngại học nhất, tuy nhiên ít ai nghĩ rằng môn Sử là môn có thể đạt được điểm cao nhất. Vì vậy đừng ngại học Sử, đừng coi nó là một môn học thuộc. Nên học Sử qua “3 bước vàng” mà cô giáo hồi cấp III đã dạy tôi: 1. Đọc nội dung trong sách giáo khoa. 2. Tự tóm tắt bài học ra giấy nháp. 3. Đọc lại sách và sửa lại. Khi các bạn làm tốt hai bước đầu, hãy ôn liên tục ở bước thứ 3. Ôn tập dựa vào những từ khóa và khắc ghi nó trong đầu dựa vào những dấu hiệu đặc biệt. Có một cách hiệu quả là liên kết sự kiện. Ví dụ, khi học về sự kiện ngày 12/3/1945 là ngày Hội nghị Ban thường vụ mở rộng của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chúng ta có thể “gợi nhớ” đến một ngày tương tự là 12/3/1947, hội nghị Truman ở phần Lịch Sử thế giới chẳng hạn. Việc liên hệ các sự kiện sẽ giúp chúng ta ôn bài hiệu quả, giúp việc nhớ không bị lẫn lộn.
Thủ khoa khối C kỳ tuyển sinh năm 2012 của Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Thế Hưng - Ảnh: NN
Môn Địa là môn thiên hướng tự nhiên nhất (cần đến tính toán). Hãy ôn tập theo dạng bài. Viết thành từng dạng cụ thể theo từng chương. Ví dụ như phần “Tự nhiên” có những câu nào thuộc dạng giải thích, dạng chứng minh, dạng trình bày, dạng nêu điều kiện…, phần “Dân cư”, phần “Vùng” cũng làm tương tự như thế. Để làm được điều này, cần có một sự linh hoạt trong việc hiểu nội dung từng chương, tìm mối liên hệ giữa các bài. Việc ôn tập theo hệ thống là nên, ví dụ khi học phần dân số, cũng cần nhớ tới số liệu từng vùng. Để nhớ số liệu, hãy gán cho một điều đặc biệt gì đó đối với bạn cho dễ nhớ (ngày sinh người bạn chẳng hạn). Các bạn nên luyện vẽ biểu đồ nhiều lần, vẽ sao cho đúng và đẹp.
Phương pháp làm bài thi
Môn Văn: Việc lập dàn ý là điều mà nhiều bạn bỏ quên khi làm bài Văn. Hãy tập thói quen làm dàn ý trước khi thi bởi một trong những nguyên tắc quan trọng của một bài văn đạt điểm cao đó là viết văn có luận điểm. Một khi không lập dàn ý, bài văn không thể đạt kết quả cao do người viết tùy hứng, không có luận điểm. Một lưu ý đối với các bạn, đừng để mất điểm ở những lỗi không đáng có: không có phần giới thiệu tác giả, tác phẩm (phần này được 0,5 điểm trong câu 5 điểm nhưng nhiều bạn bỏ qua); trình bày không đúng cách (thụt vào đầu dòng không đều nhau hoặc viết quá liền cũng như quá xa lề, trích dẫn chứng không cân xứng ở giữa trang giấy)… Về nội dung làm bài, tôi chỉ xin lưu ý các bạn ở phần Nghị luận xã hội, cần viết Văn trên tư cách là một công dân nhỏ tuổi quan tâm đến các vấn đề xã hội, đừng cố gượng giọng như một nhà chính trị, bài của bạn chắc chắn sẽ gây mất thiện cảm với người chấm. Nhớ rằng giọng điệu của mình khi viết Văn là rất quan trọng.
Môn Sử: Các bạn nên trình bày bài Sử như một bài Văn (có mở, thân và kết). Trình bày một cách khoa học, tách ý như trong sách giáo khoa. Chỉ như vậy người chấm mới có cảm tình, những bài có ý nhưng rối rắm, xuống dòng không đúng chỗ sẽ bị mất điểm. Khi làm bài thi môn Sử, cần làm một cách khách quan, không đưa ý kiến cá nhân vào, bởi đó là việc của các nhà sử học.
Môn Địa: Đối với môn Địa, việc làm như Văn và Sử sẽ phản tác dụng. Hãy gạch từng ý rõ ràng và rành mạch, ý nhỏ hơn nên thụt vào một khoảng nhất định. Trình bày một cách rõ ràng sẽ gây thiện cảm với người chấm. Đối với kiếu bài vẽ biểu đồ, nên nắm vững các dạng biểu đồ qua từ khóa để nhận dạng cho đúng. Ví dụ như có “tỉ lệ” thì các bạn cần nghĩ ngay đến biểu đồ tròn, miền hoặc cột chồng, sau đó cần xem số lượng nằm trong dữ liệu để chọn cho đúng. Biểu đồ chiếm tới 3 điểm, ranh giới giữa đỗ và trượt nằm ở đây, do đó, lời khuyên của tôi là bạn nên bấm máy 3 lần trước khi điền vào bài thi. Tránh việc nhầm lẫn đáng tiếc về số liệu trong khi còn thừa thời gian hoang phí để rồi khi thi xong mới nuối tiếc “biết thế mình tính lại”…
Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với các bạn đó là tâm lí một số bạn thi khối C lo là “liệu giọng Văn của mình có hợp với người chấm hay không?”. Các bạn hãy yên tâm về vấn đề này, việc chấm bài thi ĐH là một việc quan trọng, có nhiều giáo viên sẽ cùng chấm bài của các bạn, nó hoàn toàn khách quan. Điều quan trọng giữ tâm lí thật thoải mái khi làm bài, làm xong một môn nào đó hãy bình tĩnh làm những môn tiếp theo bởi đơn giản kết quả thi ĐH là kết quả của ba môn chứ không phải một hay hai môn. Với tư cách một người bạn đã trải qua những ngày tháng khó khăn của kì thi và đã vượt qua nó, tôi chúc các bạn vượt vũ môn thành công vào cánh cổng trường ĐH mà các bạn mong muốn.
Thủ khoa trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn
Cùng đạt 25 điểm, Bùi Thị Minh Ngọc và Lê Thị Duyên là đồng thủ khoa khối C trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2008-2009 của Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Điểm thi 3 môn Văn, Sử, Địa của Minh Ngọc là 9 - 7 - 9, còn của Lê Thị Duyên là 8 - 8 - 9. Mỗi người đều có những "bí quyết" riêng, nhưng điểm chung là cả 2 đều có phương pháp học và ôn thi hết sức khoa học.
Nếu Minh Ngọc đặc biệt chú trọng vào phương pháp ghi chép, lập đề cuơng... thì Lê Thị Duyên coi việc thực hành và học nhóm là hết sức cần thiết. Cả hai cũng có sự bình tĩnh và "tính toán" vô cùng cẩn thận trong quá trình xử lý đề thi và làm bài thi.
Với phương pháp học tập của mình, cả Bùi Thị Minh Ngọc và Lê Thị Duyên đều đang là những SV xuất sắc của ĐH KHXH &NV.
Bùi Thị Minh Ngọc: Không chỉ "học thuộc lòng"...
Minh Ngọc hiện đang là SV lớp chất lượng cao, K53, khoa Văn học. |
Khối lượng kiến thức cần nhớ khi thi khối C rất lớn, tuy nhiên, theo Ngọc, học khối C không có nghĩa là học thuộc lòng tất cả những gì có trong sách vở. Quan trọng hơn là phải có sự sáng tạo trong cách làm bài thi, và phương pháp ghi chép, học tập phải rất khoa học.
Vì vậy, Ngọc thường dùng một quyển sổ dày, khổ lớn để ghi chép phần bài giảng của thầy cô. Trên mỗi trang, lại chia thành hai phần: Phía bên phải ghi chép các kiến thức thầy, cô phân tích trong bài học; phía bên trái ghi các ý thầy cô mở rộng và những ý hay, những kết luận mà mình tự rút ra.
Bên cạnh đó, các đề mục phải ghi to, tô đậm hoặc dùng màu mực khác, tên đề mục phải đặt hợp lý, bao quát được ý chính của vấn đề. Những phần quan trọng được thầy cô giáo nhấn mạnh thì phải đánh dấu để khi ôn tập sẽ chú tâm hơn.
Ngoài ra, mình có 1 cuốn sổ tay nhỏ để ghi các số liệu, các mốc thời gian, các lời nhận xét, đánh giá hay của các nhà phê bình văn học... Những lúc rỗi rãi lại mở ra xem.
Đối với môn Văn, Ngọc thường dành thời gian để đọc kỹ tác phẩm, tìm ra những chi tiết quan trọng, gây ấn tượng. Ngọc cũng tìm đọc thêm sách tham khảo của các thầy cô có uy tín như Hà Minh Đức, Chu Văn Sơn…, sau đó tìm ra ý cốt lõi, tổng hợp các kiến thức theo ý hiểu của mình. Theo Ngọc, quan trọng nhất khi học Văn là phải phát hiện ra những điều mới lạ và thể hiện bằng màu sắc ngôn ngữ của mình. Có như thế, bài văn mới hấp dẫn, không bị khuôn mẫu, sáo mòn.
Môn Sử là môn có nhiều sự kiện phải nhớ, nên Ngọc dành nhiều thời gian hơn. Mình thường học môn Sử vào lúc đầu óc tỉnh táo nhất và yên tĩnh nhất trong ngày, học xong bài nào xem lại ngay bài đó, rồi tô đậm những mốc thời gian cần nhớ.
Với môn Địa, do kiến thức trong SGK còn hạn chế nên Ngọc tìm kiếm thêm trên mạng Internet, từ các thầy cô giáo, thậm chí là trong các chương trình thời sự. Với mỗi bài học, mình cũng lập bảng, tự điền các ý chính vào rồi nhờ thầy cô bổ sung thêm.
Ngoài ra, theo Ngọc, nên lập đề cương chi tiết để dễ học và không bỏ sót ý. Chẳng hạn như: với môn Văn thì lập dàn ý theo từng tác phẩm và từng tác giả, với môn Sử thì lập đề cương theo từng chương, từng giai đoạn lịch sử. Còn môn Địa lý thì học theo từng vấn đề lớn, từng vùng kinh tế cụ thể.
Tuy nhiên, thi cử mới là phần quyết định kết quả. Điều quan trọng nhất trong khi làm bài thi là luôn giữ được sự bình tĩnh. Trước hết phải đọc toàn bộ đề, xem câu nào có thể làm được thì làm trước, câu nào khó để làm sau. Đồng thời, cần phân bố thời gian cho hợp lý tùy vào số điểm và mức độ khó dễ của mỗi câu. Một điều vô cùng quan trọng là bài thi phải trình bày thật rõ ràng, sạch sẽ.
Lê Thị Duyên: "Văn ôn, võ luyện"
Với Duyên, "văn ôn, võ luyện" là bí quyết quan trọng nhất. |
Với Duyên, “văn ôn, võ luyện” là một trong những bí quyết quan trọng nhất để học tốt khối C.
Mỗi ngày, Duyên thường dành thời gian để làm từ 1 đến 2 đề bài tập trong các SGK và sách tham khảo, sau đó mỗi tuần lại chọn ra 2 đề thi mà mình làm tốt nhất để nhờ cô giáo sửa. Từ những đánh giá của cô giáo mà Duyên có thể rút kinh nghiệm cho những bài tập sau.
Với môn Văn, Duyên chú trọng vào các ý chính và dẫn chứng của mỗi tác phẩm, sau đó phân tích theo ngôn ngữ của mình. Đối với môn Sử thì để tâm suy nghĩ, tìm hiểu về nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, kết nối các sự kiện ấy với nhau. Còn với môn Địa lý thì lưu ý đến: vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội, nguyên nhân, kết quả và hướng giải quyết. Để có thể ghi nhớ bài học dễ hơn, Duyên thường học lý thuyết song song với việc quan sát trực tiếp trên bản đồ diễn biến các sự kiện và Át lát Địa lý.
Duyên cũng thường viết các mốc thời gian, sự kiện... cần nhớ lên các mảnh giấy nhỏ rồi dán lên tường, bàn ghế, sách vở... để mỗi lần đi qua là một lần đọc và nhớ.
Các môn khối C thường phải học thuộc nhiều nên rất dễ chán nản và mất tập trung. Vì thế, Duyên thường học xen kẽ cả 3 môn: Văn, Sử, Địa. Trước khi chuyển từ môn này sang môn khác, Duyên thường dành khoảng 5-10 phút nghe nhạc hoặc xem ti vi để thư giãn tinh thần.
Tổ chức học nhóm là một phương pháp giúp Duyên nhớ nhanh hơn và giảm “stress” hơn. Trước mỗi lần gặp nhau, các thành viên thường chuẩn bị trước những câu hỏi mà mình còn băn khoăn, chưa có cách giải quyết hợp lý để mọi người cùng thảo luận, tháo gỡ. Nếu câu hỏi nào quá khó thì sẽ nhờ đến sự trợ giúp của các thầy, cô giáo.
Tuy nhiên, để làm bài thi tốt thì bên cạnh việc chuẩn bị kiến thức, cần phải giữ tâm lý thật ổn định. Trước khi thi một tháng thì kiến thức phải nằm hết trong đầu mình rồi, không nên để “nước đến chân mới nhảy”, rất dễ bị căng thẳng về tâm lý, dẫn đến việc nhiều bạn bị ngất trong phòng thi, ảnh hưởng không tốt đến kết quả làm bài. Vì vậy, trước kỳ thi, Duyên đã dành ra cả một tuần để nghỉ ngơi, giải trí.
Khi làm bài thi, cần đọc kỹ đề bài, gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng để không bị lạc đề. Theo Duyên, nên dành ra 7-10 phút để gạch đầu dòng các ý quan trọng sẽ trình bày trong mỗi câu.
Thông thường, một bài thi khối C thường viết tới 3 tờ/1 môn. Vì thế, để người chấm dễ đọc và không bỏ sót ý, không nên viết các đoạn văn quá dài, mà nên chia thành các đoạn nhỏ từ 5-7 câu/1 đoạn. Mỗi đoạn thể hiện một ý khác nhau, ý chính của đoạn phải được nêu bật từ câu đầu. Bài làm phải được trình bày một cách mạch lạc, logic.
Kinh nghiệm ôn thi từ thủ khoa khối C Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Những thông tin và kinh nghiệm thực tiễn từ cô bạn thủ khoa của khối luôn bị học sinh xem là "dễ nhai khó nuốt" ấy lại rất hữu dụng đấy nhé!
Thủ khoa khối C Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2010 là bạn Phạm Thị Hồng Nhung, cựu học sinh lớp chuyên Sử - Địa, trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Với phương pháp học đơn giản nhưng hiệu quả, Nhung đã vượt qua kì thi đại học một cách xuất sắc với điểm số rất cao 26,5 điểm. Kì thi đại học năm 2011 sắp tới, các sĩ tử thi khối C hãy cùng lắng nghe kinh nghiệm ôn thi từ bạn Hồng Nhung nhé.
Chào Nhung, sau gần một năm kể từ ngày biết mình trở thành thủ khoa Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bạn có còn nhớ cảm xúc của mình khi biết mình trở thành thủ khoa không?
Đó là một cảm xúc hết sức tuyệt vời. Lúc thi đại học xong, mình biết là mình có khả năng thi đỗ nhưng không thể ngờ là mình lại trở thành thủ khoa. Thực sự là bất ngờ, sau đó là hạnh phúc, có chút hãnh diện, tự hào vô cùng (cười lớn).
Trở thành thủ khoa khối C, được nhiều người ngưỡng mộ, khen ngợi quả là một niềm hạnh phúc. Bí quyết nào giúp bạn đạt được điều đó?
Bất cứ ai khi lựa chọn khối ngành học cho mình để bước vào kì thi đại học, dù là khối nào chăng nữa cũng đều xác định cho mình những khó khăn nhất định cần phải vượt qua, bởi không có môn nào là dễ cả.
Nếu như khối A với các môn Toán, Lý, Hóa là những môn đòi hỏi tính tư duy, logic cao, thường xuyên phải tính toán, đụng chạm tới những công thức phức tạp thì đặc thù của khối C là những môn đòi hỏi sự lí luận, trừu tượng…
Theo mình thì không có bí quyết nào cụ thể cả, chỉ là mỗi người cần phải có một phương pháp học hợp lý, phù hợp với bản thân. Phương pháp của mình hết sức đơn giản: ghi chép bài cẩn thận trên lớp, về nhà tự ôn luyện, đi học thêm để trau dồi thêm kiến thức không được dạy trên lớp và quan trọng nhất là phải chăm chỉ.
Nhiều người nói khối C gồm các môn Văn, Sử, Địa là những môn phải học thuộc lòng rất nhiều. Bạn có khó khăn gì lúc học không?
Nếu môn Văn đòi hỏi các bạn những kiến thức văn chương và những dòng viết mạch lạc, xúc cảm thì môn Sử lại buộc các bạn phải nhớ được những con số, dữ kiện khá khô khan, khó học, khó nhớ lâu, còn môn Địa bên cạnh những kiến thức học thuộc còn đòi hỏi các bạn cũng phải có những tư duy, tính toán.
Hồng Nhung trong chuyến đi tình nguyện được trường tổ chức.
Với một lượng kiến thức không hề nhỏ của cả 3 môn khối C, để thu nạp được, cách duy nhất của người học là phải đầu tư thời gian ôn luyện vì không bao giờ có thành công nào chỉ trong ngày một ngày hai cả. Nhưng nếu chỉ chú tâm vào học thuộc lòng một cách mù quáng cũng không thể giúp cho bạn có một kết quả như ý được.
Với những gì được học và trải qua, bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện từng môn học cho các sĩ tử sắp bước vào kì thi đại học sắp tới?
Môn văn bên cạnh việc học thuộc những kiến thức văn học cơ bản, việc cần là bạn phải thường xuyên luyện viết, tự tìm những chủ đề, đề bài hay cùng với việc tham khảo những bài viết mẫu, điều đó sẽ giúp cho dòng văn của bạn luôn mạch lạc. Làm văn cũng cần phải tư duy, biết phân tích đúng đề bài, lập dàn ý đầy đủ để nội dung bài viết được đảm bảo nhất.
Môn Sử thường là môn khó “nhai” nhất đối với các sĩ tử trong quá trình ôn thi bởi một khối lượng kiến thức quá lớn, bao gồm cả ngày tháng, số liệu của sự kiện, khiến cho chúng ta khó học thuộc, học rồi lại khó nhớ lâu, không chỉ thế nó còn đòi hỏi phải biết xâu chuỗi các sự kiện để rút ra được những bài học, ý nghĩa… Chính vì thế ngay từ đầu, khi bỏ thời gian học các bạn phải biết hệ thống hóa kiến thức, việc viết ra giấy sẽ giúp các bạn dễ học thuộc và nhớ lâu hơn. Bên cạnh đó cũng phải thường xuyên ôn lại để tránh quên kiến thức đã học. Một việc không thể thiếu để giúp các bạn không quá khó khăn khi đi thi là phải thường xuyên tiếp xúc với các dạng đề, biết cách phân tích đề sao cho đúng hướng khi làm bài.
Môn địa thường được đánh giá là dễ hơn so với hai môn trên, bởi lượng kiến thức của nó ít hơn và không quá khó hiểu, vì vậy đó thường là môn gỡ điểm trong kì thi đại học. Tuy nhiên, các bạn cũng đừng quá chủ quan với môn học này. Trong quá trình học, kinh nghiệm của cô giáo cũng như của bản thân cho thấy cách học hiệu quả nhất của môn này chính là phải biết sơ đồ hóa kiến thức, qua đó thấy được mối liên hệ, tác động ảnh hưởng lẫn nhau của các yếu tố…Đây cũng là môn đòi hỏi thực hành rất nhiều với các dạng bài tập tính toán, biểu đồ, và gần đây là cả vẽ lược đồ. Chính vì vậy, cũng giống hai môn kia, bạn nên luyện đề thường xuyên để nâng cao kĩ năng làm bài.
Vậy còn tâm lý lúc làm bài thi phải thế nào? Khi gặp câu khó thì phải ứng xử ra sao?
Với tính chất của kì thi đại học, chắc chắn nhiều bạn sẽ không tránh khỏi tâm lý hoang mang, hồi hộp dẫn đến mất bình tĩnh và kết quả đạt được không cao. Chính vì thế điều quan trọng là các bạn phải giữ cho mình một tinh thần thật thoải mái để có tâm lý ổn định nhất khi bước vào phòng thi.
Khi làm bài nên tính toán, bố trí thời gian hợp lý cho các câu để tránh không làm hết bài. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau, tập trung vào những câu có điểm số cao, đặc biệt chú ý là phải đảm bảo làm hết các câu, tuyệt đối không bao giờ được bỏ trống.
Và cùng các "đồng bọn" trong lớp.
Khi làm bài có thể bạn sẽ gặp phải những câu chưa thuộc, hoặc ngoài lề (thường là những câu hỏi phân loại), các bạn không nên hoang mang mà nên tập trung suy nghĩ hướng trả lời, phân tích thật kĩ câu hỏi (vì nhiều khi nó cũng là câu hỏi bẫy), sau đó làm theo suy nghĩ của mình, không nên bỏ sót những ý nhỏ vì những cái không ngờ tới đó rất có thể sẽ cứu điểm cho bạn.
Với những khó khăn và đòi hỏi của các môn học này như mình đã đề cập khiến cho lượng thí sinh dự thi khối C hiện nay rất ít so với các khối khác (một phần cũng vì cơ hội chọn trường và việc làm thấp hơn). Nhưng với những kinh nghiệm chia sẻ trên đây, hy vọng các bạn sẽ tìm được niềm đam mê với những môn học này cũng như cách học hiệu quả để đạt được thành tích tốt nhất.
Kì thi đại học sắp tới, hy vọng các sĩ tử sẽ chuẩn bị cho mình những hành trang thật tốt để bước vào kì thi, và nên nhớ bên cạnh việc học cũng nên giữ cho mình một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo có được sức khỏe và tinh thần tốt nhất để chiến đấu. Chúc các bạn thành công!
Kinh nghiệm học giỏi môn Toán
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Kinh nghiệm học giỏi môn hóa
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh
Kinh nghiệm học tốt môn Vật lý
Kinh nghiệm học tốt môn sinh học
(st)