Ngoại ngữ không nên phân biệt câu dễ khó, Văn cần phải “vừa say, vừa tỉnh”, Toán cần chủ động “dễ làm trước, khó làm sau”. Đó là những kinh nghiệm mà các giáo viên, giảng viên chia sẻ cùng sĩ tử trong chương trình “Bí quyết thi đại học” vừa được phát trên VTV6
Ngoại ngữ: Không nên phân biệt câu dễ khó
Theo cô giáo Vũ Mỹ Lan, Trưởng bộ môn Tiếng Anh - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM thì do đặc tính riêng đối với môn thi Tiếng Anh nên thí sinh không nên phân biệt câu dễ làm trước, khó làm sau mà nên làm trình tự từ đầu đến cuối. Việc thí sinh phân biệt câu khó dễ hay dẫn đến việc bỏ sót, khoanh sai đáp án từ câu này sang câu nọ...
Kinh nghiệm làm bài sẽ giúp thí sinh đạt kết quả cao.
Cô Lan cho rằng, môn Tiếng Anh thi theo hình trắc nghiệm nên đề không thể quá khó mà chủ yếu kiểm tra các kiến thức cơ bản. Chính vì thế nếu thí sinh quản lý quỹ thời gian tốt thì kết quả làm bài sẽ hiệu quả. Thí sinh không nên làm bài quá nhanh để quay lại làm lại lần hai bởi đối với môn thi này nếu thí sinh càng sửa nhiều thì càng không chính xác. Thí sinh chỉ cần tính toán làm sao để dư khoảng 10-15 phút để kiểm tra lại bài thi của mình như xem đã khoanh đáp án đúng quy định hay chưa, đã ghi đầy đủ thông tin trên giấy trả lời trắc nghiệm hay chưa… Để tránh việc mất thời gian trong việc tô lại đáp án, thí sinh nên sử dụng bút chì mềm.
Về phân bố thời gian để làm bài cô Lan khuyên thí sinh chỉ dành 1-2 phút để làm các câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp. Đối với phần đọc hiểu thì cần đọc lướt nhanh sau đó xem đề bài hỏi những gì. Do đặc tích là đọc hiểu chứ không phải đọc dịch nên thí sinh tránh việc đọc toàn bài để dịch và sau đó trả lời. Cách làm này rất mất thời gian và không hiệu quả.
Thí sinh cũng không nên đặt câu hỏi trước sau đó mới quay lại bài đọc vì sẽ dẫn đến việc lẫn lộn giữa các nội dung.
Môn Văn: Cần “vừa say, vừa tỉnh”
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Quang Hưng, trưởng bộ môn Việt Nam học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì đối với môn Văn thí sinh phải xác định làm hết và không bỏ sót câu nào. Việc thí sinh không đạt được kết quả cao ở môn thi này là do chưa chủ động bố trí thời gian làm bài. Khi nhận được đề thi thí sinh cần đọc để hiểu những yêu cầu từng câu và sau đó bố trí thời gian tương đối cho từng câu hỏi đó.
Cũng theo thầy Hưng thì rất nhiều thí sinh thường hay có tâm lý “sa đà” vào những câu trúng tủ. Những câu trúng tủ thí sinh viết rất dài nên dẫn đến mất quỹ thời gian làm bài. Chính vì thế khi làm bài thi môn Văn, thí sinh phải vừa say, vừa tỉnh là như vậy.
Về kinh nghiệm làm bài, thầy Hưng chia sẻ, ở câu 1 chiếm 2 điểm thì thí sinh chỉ cần viết 1 trang giấy là đủ. Đối với câu nghị luận thì nên có chính kiến riêng và chỉ cần viết từ 2-3 trang là phù hợp.
Đối với câu 5 điểm (câu 3), thí sinh cần bố trí một thời gian làm bài tương xứng vì đây là câu phải viết dài và nhiều điểm. Thường thí bố trí khoảng một nữa tổng thời gian làm bài là phù hợp. Đối với câu này, thí sinh nên dành thời gian vạch dàn ý trên giấy nháp sau đó bám vào và phát triển để thành một bài luận hoàn chỉnh.
Môn Toán: Dễ làm trước, khó làm sau
Chia sẻ về cách làm bài môn Toán, Th.S Toán học Phan Văn Danh - khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng thí sinh nên tuân thủ nguyên tắc dễ làm trước, khó làm sau.
Khi nhận đề thi thí sinh cần đọc kỹ đề. Tốt nhất là nên đọc 3 lần: lần 1 đọc lướt toàn bộ câu hỏi, lần 2 đọc gạch chân các ý quan trọng trong đề, lần 3 đọc để làm bài.
Cũng theo thầy Danh thì khi thi môn Toán, thí sinh cần xác định không cần đạt điểm 10 mà chỉ cần đạt điểm cao nhất có thể. Đối với môn Toán thì thường có 7 câu 10 ý, chính vì thế thời gian làm mỗi câu là từ 15-17 phút. Để có thể còn quỹ thời gian làm các câu khó hơn thì thí sinh nên chọn câu nào có khoảng thời gian làm bài dưới 10 phút làm trước. Thí sinh cũng nên dành khoảng 20-30 phút để kiểm tra toàn bộ bài làm của mình.
Trong đề thi các câu được coi là dễ đó chính là câu tích phân, hình học giải tích - không gian. Câu khó bao gồm câu số 5 và câu 2 ý 2.
Sau khi nhận định được câu khó, dễ thí sinh nên kẻ trên giấy nháp thành hai cột. Cột bên trái là câu hỏi, cột bên phải là thời gian dự kiến làm bài theo trình tự từ dễ đến khó. Nếu trong quá trình làm bài hết thời gian dự kiến thì thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác.
Khi bỏ qua như vậy thì không nên bỏ trống khoảng trống trên giấy làm bài để tránh những rắc rối như nghi đánh dấu bài... Khi chấm thi, các thầy sẽ đọc bài làm và khi đọc sang trang khác thấy câu hỏi đó tiếp tục được thí sinh trình bày thì các thầy sẽ vẫn chấm bình thường.
Thầy Danh cũng cho biết, đối với môn Toán thì nên dùng các kiến thức trong chương trình sách giáo khoa để giải, nếu dùng kiến thức ngoài thì cần phải chứng minh lại trước khi sử dụng.
Kinh nghiệm luyện thi đại học khối D
Bám sát nội dung quan trọng của từng môn.
* Ở môn ngữ văn, khi ôn tập nhiều bạn vẫn sử dụng văn mẫu để bổ sung kiến thức ngoài sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc sử dụng văn mẫu như thế nào trong bài thi để nó không là "con dao hai lưỡi"?
* Bạn đã phân chia thời gian ôn tập như thế nào để đạt hiệu quả cao?
- Năm trước, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, mình dành hai ngày nghỉ ngơi để chuẩn bị tinh thần cho “cuộc chiến” mới. Sau đó, mình đã phân chia thời gian ôn tập như thế này: Ngoài những buổi luyện thi trên lớp thì quãng thời gian còn lại phân chia: Sáng học toán, chiều học ngữ văn và tối học Anh văn.
Cứ thế đều đều cho đến những ngày giáp thi. Trong thời gian ôn tập nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Khi luyện đề một môn nào đó nếu thấy mệt thì nên nghỉ một tì để lấy lại tinh thần. Không nên học liên tục cho đến ngày thi, Trước kỳ thi nên nghỉ ngơi vài ngày vì lúc đó học thêm sẽ làm kiến thức rối thêm.
Có ba từ mình muốn nhắn gửi đến các bạn sắp vượt vũ môn kỳ thi tuyển sinh ĐH sắp tới: Cẩn thận, bình tĩnh và tự tin.
- Mình nghĩ các bạn không nên lạm dụng quá nhiều sách văn mẫu. Đúng là nếu không cẩn thận, văn mẫu sẽ biến thành "con dao hai lưỡi": một mặt nó bổ sung nhiều kiến thức bên ngoài sách giáo khoa cho bài văn phong phú, nhưng bên cạnh đó nó cũng làm cho ta dễ bị phụ thuộc vào chính nó.
Văn là sáng tạo và chỉ nên sử dụng các sách văn mẫu để tìm hiểu thêm về tác phẩm, nhưng khi làm bài phải triển khai theo ý của mình chứ đừng nên chép nguyên văn.
Ở môn học này, mình đã hệ thống bài học theo từng giai đoạn văn học cụ thể. Nắm rõ hoàn cảnh sáng tác, tác giả, tác phẩm, ý nghĩa nhan đề, nội dung cốt truyện... Mỗi bài, mình soạn ra những vấn đề cần nắm bắt như nội dung, nghệ thuật. Cần chú ý dẫn chứng văn học là một trong những yếu tố làm cho bài viết trở nên sinh động nên phải nhớ các dẫn chứng, lời thoại nhân vật, lời bình của các nhà văn khác về tác phẩm càng nhiều càng tốt và vận dụng trong các trường hợp cụ thể.
Kinh nghiệm của mình khi làm bài thi môn ngữ văn là làm hai câu nghị luận văn học trước, sau đó mới làm câu nghị luận xã hội. Bởi với dạng câu hỏi nghị luận văn học thì kiến thức gói gọn trong tác phẩm, còn nghị luận xã hội kiến thức rất đa dạng nên sẽ dễ sa đà vào đề tài quá nhiều mà quên đi các câu hỏi khác trong đề thi.
* Nhiều bạn cho rằng môn toán khối D nhẹ hơn toán khối A,B. Bạn có dành nhiều thời gian cho môn này?
- Đề thi toán khối D nhìn thì có vẻ nhẹ hơn đề thi toán của những khối khác. Tuy nhiên đừng vì thế mà chủ quan. Phải tăng cường giải đề thi để tạo ra cho mình các kỹ năng trong việc đưa ra hướng giải quyết nhanh nhất cho bài toán.
Giải càng nhiều đề thi sẽ giúp bạn thích nghi hơn với cách ra đề cũng như các kỹ năng làm bài, phân chia thời gian một cách hợp lý để không lúng túng trước đề thi thật. Việc giải đề thi cũng là một cách để ôn tập kiến thức môn toán, khi đó mình sẽ hiểu được phần nào mình còn chưa vững để củng cố thêm.
Việc ôn luyện môn toán cần có một quá trình dài, sĩ tử nên "lập trình" cho mình cách ôn tập toán ngay từ đầu. Nếu chỉ chờ đến thi mới học sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn. Nên hệ thống lại các kiến thức đã học trải dài từ chương trình lớp 10 đến lớp 12. Trong mỗi chương nên vạch ra và phân loại các dạng bài, cách giải. Khi đã nắm vững các kiến thức cơ bản thì hãy tiến hành làm một số bài tập nâng cao để có nhiều kinh nghiệm làm bài. Vào phòng thi, khi đọc xong đề cần xác định câu nào dễ và chắc chắn nhất thì sẽ ưu tiên làm trước. Không nên làm các câu khó ngay từ đầu vì nếu làm không được sẽ ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
* Học cấp III ở Trường THPT An Nhơn (Bình Định), nơi bạn cho rằng "học tiếng Anh còn nhiều hạn chế". Bạn chia sẻ gì với những thí sinh gặp nhiều khó khăn trong điều kiện học tiếng Anh ở kỳ thi sắp tới?
- Cần phải chăm, đó là cách chủ yếu trong việc luyện thi môn tiếng Anh của mình. Đặc thù của tiếng Anh là môn thi tổng quát, kiến thức trải rộng trong đời sống nên cần phải có một cách học thật hợp lý. Đối với từ vựng tiếng Anh, mình phải học liên tục. Ngoài những vốn từ cơ bản trong sách giáo khoa, mình trau dồi thêm các vốn từ bên ngoài.
Môn học này cần chăm chỉ và siêng năng, phải kiên trì làm nhiều bài tập và các dạng đề thi thì mới nâng cao được kỹ năng làm bài. Đặc biệt, các kỹ năng đọc hiểu, ngữ pháp, từ vựng phải đầu tư nhiều thời gian để nâng cao. Nói chung, môn tiếng Anh càng làm bài tập nhiều càng tốt vì kiến thức văn phạm hay từ vựng đều rất đa dạng.
Mình có kinh nghiệm thế này ở việc làm bài thi môn tiếng Anh: Sau khi đọc đề xong thì nên chọn các câu thuộc phần phát âm, ngữ pháp, từ vựng làm trước. Phần đọc hiểu là phần khó nhất trong đề thi, mất nhiều thời gian nhất để làm bài vì thế nên chọn phần này để giải quyết sau cùng.
Thi khối D bạn có nhiều cơ hội hơn trong việc chọn ngành nghề, cũng như một số lợi thế so với các khối khác. Nhưng cũng có một số suy nghĩ sai lầm mà teens khối D thường mắc phải.Một số kinh nghiệm nhỏ nhỏ dành cho dân khối D dưới đây hi vọng giúp ích cho teens khối D trong kì thi sắp tới. Toán là một “trợ thủ” đắc lực! Không như một số teens vẫn nghĩ thi khối D chỉ cần tập trung ôn luyện nhiều cho Ngoại ngữ và Văn mà lơ là Toán vì tin rằng Toán khối D không quá khó.Hơn nữa với những teens thi D mà yếu Toán thì việc ngó ngàng đến môn này dường như là một “gánh nặng” và rất dễ nản. Thật ra thì đúng là Toán khối D không lắc léo và phức tạp như khối A,B nhưng dạo qua những đề Toán những năm gần đây thì đề Toán khối D vẫn khiến cho sĩ tử lao đao như thường nếu như không dành nhiều thời gian luyện tập.Đòi hỏi của đề thi Đại Học là sự cẩn thận,nhanh nhẹn và nắm được vần đề của dạng toán được đưa ra. Và bạn chỉ thật sự có được điều này khi làm bài tập nhiều và tự hệ thống kiến thức cho mình. Nếu như Ngoại ngữ là ăn thua từng câu trắc nghiệm,Văn là tùy thuộc vào cảm nhận và khả năng thâu tóm kiến thức và diễn đạt của mỗi người thì Toán chính là trợ thủ đắc lực cho hai môn kia trong việc “kéo” điểm của bạn lên cao. Vì thế đừng lơ là “trợ thủ” này nhé ! Có nên học thêm Văn ? T.Vy(THPT.LTV) đã đặt ra câu hỏi như thế khi cô nàng đang phân vân vì đã vào HK2 rồi và bạn bè đang lũ lượt kéo nhau đi học thêm Văn để chuẩn bị cho kì thi sắp tới. Đây không chỉ là câu hỏi của riêng Vy mà của nhiều teens khác nữa.Lời khuyên của một số nhân đi trước cho thấy nếu cảm thấy việc học thêm là không “quá” cần thiết đối với bản thân thì bạn hoàn toàn có thể tự học Văn ở nhà. Như kinh nghiệm của L.H (ĐH KHXHNV) thì cô bạn hoàn toàn không mất một giờ nào ở lớp học thêm Văn nào mà vẫn đạt được 8 điểm Văn khối D ngon lành trong kì thi 2008 vừa rồi.Bí quyết của H. là tự hệ thống lại kiến thức mình đã học và tham khảo qua bạn bè, thầy cô.Trong thời gian ôn thi,H. luôn giữ liên lạc với bạn bè đi học thêm Văn mượn tập vở,theo dõi các nội dung ôn tập đăng tải trên các báo và liên lạc với cô giáo dạy Văn trên lớp của mình khi thắc mắc điều gì đó.Thêm một cách nữa là cô bạn cũng hay theo dõi các chương trình ôn thi ĐH môn Văn trên VTV2 và chăm chú để ý các ý hay để bổ sung vào dàn ý của riêng mình.Dành nhiều thời gian ở trong thư viện để nghiên cứu các sách ôn tập cũng là một đề xuất của H. cho những bạn ôn thi Văn. Nếu cảm thấy không an tâm thì teens có thể đến lớp học thêm Văn.Nhưng hãy sử dụng thời gian đó một cách hiệu quả và chủ động.Đừng để rơi vào trạng thái “đọc-chép” rồi ỷ y vào những dàn ý được thầy cô cung cấp sẵn,teens nhé ! Tự tin thi một khối D duy nhất, liệu có ổn ? Có những teens thi D và lực học ở khối A không khá lắm nên chỉ muốn chuyên tâm thi một khối.Nhưng thường các bạn lại gặp phải một lực cản tâm lý là :”Thi hai khối cho an toàn.Lỡ rớt khối D thì còn khối A!”. Nhưng nếu đã chọn khối D và khối A của bạn chỉ nằm ở tầm trung bình thì chọn tập trung ôn thi cho một khối D duy nhất cũng không có gì đáng bàn cãi.Trên thực tế với tâm lý vớt vát,một số teens D cũng hồ hởi đi thi khối A cho có nhưng kết quả thường thấp không đủ yêu cầu.Tập trung cho một khối D duy nhất có thể giúp bạn giảm được gánh nặng phải vác trọng trách cả hai khối và chuyên tâm tập trung vào khối phù hợp với mình. Hơn nữa,khối A thi trước.Nếu chẳng may kết quả không được như ý thì cũng ảnh hưởng phần nào tới tâm lý của teens trước khi bước vào trận chiến chính thức của mình ở mặt trận khối D. Teens hoàn toàn có thể tạo thêm một cơ hội cho mình ở kì thi cao đẳng.Còn nếu cảm thấy muốn thử sức và tin vào khả năng của mình ,bạn hoàn toàn có thể đăng ki thi 2 khối mà không phải lăn tăn gì cả ! Kết lại… Những kinh nghiệm này được đúc kết từ những nhân thi khối D ở những kì thi trước và giờ đây họ đang tiếp tục chặng đường Đại Học của mình sau khi vượt qua được kì thi Đại học một cách suôn sẻ.Và gửi lời chúc đến teens 12 chuẩn bị thi D nói riêng và teens 12 sắp thi Đại học nói chung nhiều may mắn và tự tin trong những kì thi sắp tới nhé !
Kinh nghiệm của các thủ khoa Khối D
Kinh nghiệm của bạn Nguyễn Đức Minh Tâm
Bạn Nguyễn Đức Minh Tâm - thủ khoa khối D ĐH Ngoại thương cơ sở 2 năm 2011 - chia sẻ kinh nghiệm học và ôn thi của mình.
|
Thủ khoa Nguyễn Đức Minh Tâm (bìa trái) với bạn bè cùng Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - Ảnh: Hà Bình |
Với 3 môn toán, văn, tiếng Anh, mình luôn có một cuốn sổ tay nhỏ cho mỗi môn để tóm tắt những vấn đề quan trọng, tiện mang theo người và thỉnh thoảng đem ra đọc. Đặc biệt với 2 môn xã hội như văn, tiếng Anh, việc học thuộc lòng rất khó và hay quên, đọc đi đọc lại khiến mình nhớ kiến thức lâu hơn, hiểu sâu hơn mà không phải học bài nhiều, tâm lý học thoải mái.
Môn toán: cố gắng làm thật chắc các dạng căn bản, nâng cao một chút, nắm kỹ các bước và đặc biệt là cách trình bày. Mình có học và làm một số dạng bài khó nhưng chỉ ở mức vừa phải chứ không đặt nặng. Ngoài ra mình cũng hay tham gia các kỳ thi thử đại học môn toán, đi thi thử để xem tâm lý làm bài của mình, rèn luyện để không bị rối trong khi làm bài và luôn nhớ “Dễ trước khó sau, không thấy khó mà ham, không phải giỏi là điểm cao, làm đến đâu chắc đến đó”.
Môn văn: Câu hỏi lý thuyết 2đ: ghi các lý thuyết định nghĩa cần nhớ vào sổ và đọc hằng ngày, tự đặt một số câu hỏi lý thuyết, học kỹ tác phẩm, các đặc điểm đặc biệt của tác phẩm.
+ Văn nghị luận xã hội: sưu tầm các câu chuyện, danh ngôn rồi ghi vào sổ để thêm phần đa dạng cho bài viết và nên đọc khi rảnh rỗi, tập lập dàn ý dạng văn này và cố gắng viết đủ trong độ dài cho phép.
+ Nghị luận văn học: với số lượng các tác phẩm của cả năm 11 và 12, không thể học thuộc lòng bài giảng hay văn mẫu được. Mình đọc là chính, đọc bài giảng, bình giảng, tham khảo, cũng đọc thêm bài báo và tác giả nữa. Càng hiểu nhiều về tác phẩm, càng có thể viết bài sâu sắc hơn và dễ ứng phó với nhiều dạng đề hơn nhưng cũng cần cẩn thận, đừng ham thể hiện sự hiểu biết của mình quá.
- Tiếng Anh: Đừng chủ quan, bởi môn trắc nghiệm rất dễ sai lặt vặt và kiến thức từ vựng thì vô cùng rộng. Cố gắng nắm thật chắc ngữ pháp, học nhiều từ vựng, làm bài tập liên tục và cứ 1 tháng ôn lại từ vựng đã học 1 lần là bí quyết của mình.
1-2 tuần trước ngày thi, mình thấy các bạn mình học nhiều lắm và ai cũng lo sợ nên nhiều khi mình cũng lo theo và muốn học theo. Mình cũng rất lo có những bài văn mình không thích lắm nên học không kỹ chẳng hạn, hay toán nhỡ ra mình không biết làm, từ tiếng Anh không biết. Nhưng mình quyết tâm không học nữa, thỉnh thoảng lật sách ra xem một chút thôi chứ không học, cũng không nói nhiều đến chuyện thi cử. Thay vào đó, mình đọc truyện/báo để tăng vốn hiểu biết, nghe nhạc tiếng Anh, xem phim nước ngoài để tăng vốn từ, chơi game cho đầu óc thư thái, đây cũng là cách thư giãn của mình trong suốt năm học.
Trước ngày thi tuyệt đối không nói gì tới việc đi thi, không đoán đề, không tìm hiểu thông tin về đề thi mà mọi người đồn đại; chuẩn bị kỹ càng trước khi đi thi và bước vào phòng thi với tâm lý thoải mái nhất, và cũng không để ý tới các thí sinh xung quanh. Thi xong ngày thứ nhất, không dò bài với bạn cũng không xem đáp án, để tâm lý vững vàng cho ngày thi thứ hai được tốt.
Thủ khoa khối D chia sẻ kinh nghiệm học, thi
Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội Nguyễn Thùy Dung chia sẻ phương pháp ôn tập và làm bài thi giúp bạn trở thành thủ khoa khối D của trường trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.
Với môn tiếng Anh, để làm tốt đề thi ĐH trước hết cần nắm chắc ngữ pháp. Khi làm đề, mình thường lưu ý các cấu trúc, cụm từ mới, hay các dạng bài viết lại câu, đọc hiểu …; ghi nhớ những phần tự học chưa thực sự hiểu để trao đổi với các bạn trên lớp. Khi làm bài thi, thường làm các bài tìm lỗi sai, câu mang nghĩa tương tự…, nói chung là chọn những câu dễ để làm trước. Bài đọc hiểu mình chọn làm sau cùng vì dạng bài này cần nhiều thời gian, cần phải suy nghĩ thật kĩ.
Môn Toán, ngoài việc tập trung nghe giảng bài, chỗ nào chưa hiểu hỏi ngay thầy cô hoặc bạn bè; nên tạo thói quen ghi chú hoặc đánh dấu những điểm dễ sai hoặc gây nhầm lẫn để lần sau không lặp lại. Khi ôn tập tại nhà, mình có thói quen tự tổng hợp kiến thức lý thuyết thành từng chuyên đề riêng, kèm theo cuốn sổ ghi chép những mục cần chú ý. Sau đó, sưu tầm các đề thi của các năm trước để làm. Đầu tiên, mình làm đề thi ĐH của những năm trước, sau đó là đề thi thử ĐH của các trường THPT khác trong và ngoài tỉnh sưu tầm được ở trên mạng, hoặc các đề mượn từ các bạn hay được thầy cô cung cấp.
Một đề thi ĐH thường bao gồm 10 phần (7 phần chung và 3 phần riêng tự chọn), khi làm đề xong, nên tra lại đáp án thật kĩ, soi xem chỗ ấy tại sao sai, mình đã bị lừa ở chỗ nào rồi rút ra kinh ngiệm cho bản thân. Những câu khó nên đánh dấu hoặc ghi ra một cuốn sổ riêng có thể đến lớp hỏi bạn bè hoặc thầy cô, nhưng chỉ hỏi hướng thôi rồi về nhà tự làm lại. Nếu có điều kiện nên nhờ một bạn học sinh giỏi trong lớp chấm bài hộ, khi bạn giúp mình sửa sai sẽ nhớ lâu hơn. Ngoài ra, mình còn tham gia các cuộc thi thử ĐH do trường tổ chức để lấy kinh nghiệm cũng như rèn luyện tâm lí phòng thi, cách căn chỉnh thời gian làm bài, kĩ năng trình bày bài…
Thủ khoa khối D Trường ĐHSP Hà Nội 2012 Nguyễn Thùy Dung. Ảnh: NN
Khi vào phòng thi, phải ăn chắc các bước làm của từng dạng bài, câu dễ làm trước ví dụ như: khảo sát hàm số, lượng giác, tích phân… làm câu nào phải chắc ăn câu đấy, đặc biệt là những câu dễ. Do là môn tự luận nên đòi hỏi trình bày tốt nên sau khi làm xong bài nên kiểm tra lại thật kỹ những đã làm trước để ăn điểm, sau đó mới bắt tay vào làm câu điểm 10.
Với môn Văn, từ cấp 2 mình đã có thói quen mua sách giáo khoa trước năm học một thời gian để đọc hết các tác phẩm, nên khi vào học chính thức việc nắm được nội dung của tác phẩm sẽ dễ dàng hơn. Theo kinh nghiệm bản thân, khi học Văn quan việc nắm rõ nội dung của mỗi tác phẩm rất quan trọng (phần đóng khung cuối mỗi tác phẩm trong sách giáo khoa), cùng với đó là thông tin về tác giả, hoàn cảnh sáng tác và đôi nét về nghệ thuật nữa.
Khi ôn tập tại nhà, ngoài việc đọc thêm các sách tham khảo, mình thường tự hệ thống các tác phẩm gồm các mục như tác giả, tác phẩm, nội dung chính của tác phẩm và nghệ thuật đặc sắc của chúng.Về văn nghị luận, trước hết cần nắm rõ các bước làm bài. Kinh nghiệm của mình với dạng bài này là nên tham khảo nhiều tác phẩm trên internet để có nguồn luận chứng, luận cứ phong phú, đồng thời học được những cách viết văn hay.
Trước khi vào phòng thi nên để tâm lý thoải mái, không nên có nhồi nhét kiến thức, với môn Văn cũng vậy, đặc biệt đây thường là môn thi đầu tiên, ảnh hưởng đến tâm lý những bài thi sau. Thêm một kinh nghiệm nữa, không phải cứ văn dài là hay, quan trọng là đủ ý và trình bày mạch lạc, rõ ràng. Bài văn của mình chỉ trọn vẹn trong 2 tờ giấy nhưng vẫn được 8 điểm.
Kinh nghiệm lấy điểm tối đa khối D của Á khoa Ngoại Thương
Thi ĐH khối D với tổng điểm 3 môn 27,25, trong đó: Toán:10; Văn: 8; Anh:9,25, Trần Thị Hiền Giang xuất sắc trở thành Á khoa của ĐH Ngoại Thương danh giá.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, ĐH Ngoại Thương vinh dự là nơi "đầu quân" của thủ khoa khối A Lê Cao Nguyên và Á khoa khối D Trần Thị Hiền Giang. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Á khoa Trần Thị Hiền Giang. Trong cuộc trò chuyện, Giang chia sẻ nhiều về kinh nghiệm sắp xếp thời gian ôn thi, cách ôn luyện hiệu quả… và việc làm thế nào để làm chủ được đề thi và chiếm điểm tối đa với đề thi khối D.
PV: Có rất nhiều trường ĐH danh giá, có chất lượng cũng như uy tín đào tạo tốt, lâu năm. Lý do gì khiến Hiền Giang chọn thi vào trường ĐH Ngoại Thương?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Em đăng kí thi vào trường ĐH Ngoại thương vì em muốn được làm việc trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là hoạt động kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại quốc tế.
Qua tìm hiểu, em được biết chuyên ngành Kinh tế đối ngoại là chuyên ngành đào tạo truyền thống, thế mạnh của trường Ngoại Thương. Thêm nữa, em bị cuốn hút bởi môi trường năng động, cởi mở, tích cực cũng như khuyến khích sự sáng tạo, độc lập của sinh viên.
Các hoạt động của nhà trường, đặc biệt những chương trình câu lạc bộ, tọa đàm chuyên ngành… thực sự bổ ích và em tin tưởng sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng để bước vào thị trường tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
PV: Khi đăng ký thi vào trường ĐH Ngoại Thương, Hiền Giang có chút băn khoăn, trăn trở nào về quyết định thi của mình không?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Cũng như bao các bạn lớp 12 trước kì thi tốt nghiệp và đặc biệt là ĐH, vấn đề chọn trường, chọn ngành, chọn khối bao giờ cũng được xem xét, cân nhắc khá kĩ lưỡng.
Ban đầu em cũng khá băn khoăn về lựa chọn của mình: Liệu ngành mình chọn đã phù hợp? Điểm thi liệu có là trở ngại? Thế mạnh và điểm yếu là gì?...
Nhưng vì đây là ngành học em yêu thích và Ngoại thương là trường ĐH mơ ước của em từ cấp 3 nên cuối cùng em đã chọn Ngoại thương và Ngôi nhà Ngoại thương đã chọn em!
PV: Sau 1 năm chung sống trong ngôi nhà Ngoại Thương, Hiền Giang đánh giá như thế nào về môi trường học tập ở ĐH Ngoại Thương như thế nào?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Môi trường học tập ĐH nói chung và môi trường học tập của ĐH Ngoại thương nói riêng rất rộng mở và khuyến khích sự nghiên cứu độc lập và tích cực của sinh viên. Nó đòi hỏi ở sinh viên phải chủ động nắm bắt kiến thức, kết hợp các phương pháp học tập khác nhau, không gò bó. Sinh viên và giảng viên cùng tìm hiểu, trao đổi các vấn đề học tập. Đó là những cám nhận rõ nhất của em khi vẫn đang là sinh viên năm nhất.
PV: Hiền Giang có thể chia sẻ một chút về điểm số của kỳ thi ĐH năm 2011 của mình?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Em dự thi vào trường Ngoại thương bằng khối D, tống điểm 3 môn là 27,25. Trong đó: Toán:10; Văn: 8; Anh: 9,25
PV: Để có được điểm số cao như vậy, Hiền Giang đã sắp xếp thời khóa biểu ôn thi như thế nào?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Chương trình thi ĐH chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 11 và 12. Vì vậy, ngay khi chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp thì kiến thức cũng hòm hòm…(cười)
Và sau khi thi tốt nghiệp, chúng em chỉ còn một tháng để ôn tập, bổ sung và chuyên sâu. Thời khóa biểu của em là thật tập trung học vào những khoảng thời gian nhất định. Em không bao giờ thức khuya. Bố mẹ luôn bắt em đi ngủ trước 23h để tránh mệt mỏi, mất tập trung và quan trọng hơn ngủ muộn sẽ ảnh hưởng đến ngày hôm sau.
Thời gian học bài tốt nhất là sáng sớm, chiều và một phần buổi tối. Tuy nhiên không nhất thiết ngày nào cũng giống nhau. Có thể sáng học Văn, đặc biệt là văn bản, dẫn chứng rất nhanh và dễ vào, chiều làm đề toán và tối học tiếng Anh và tài liệu tham khảo bổ trợ. Với thời gian học như vật, em vẫn có thời gian giải trí mỗi ngày và cuối tuần. Những lúc như thế, em thường nghe nhạc, xem phim hoạt hình hoặc phim hài nhẹ nhàng để thư giãn tinh thần.
PV: Khối D là 1 khối học được đánh giá là khó và cần đến năng khiếu nhiều với môn ngoại ngữ. Hiền Giang có thể chia sẻ kinh nghiệm ôn tập khối D của mình? Cụ thể với từng môn Toán, Văn và ngoại ngữ?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Môn Toán khối D không khó và lắt léo bằng khối A nhưng đòi hỏi sự cẩn thận và chính xác trong từng bước vì có thể số liệu lẻ và tính khá phức tạp. Hình thức và mẫu đề đã được cập nhật, vì vậy mà em tập trung ôn kĩ các dạng bài điển hình, làm các bài tập bổ sung.
Môn Văn: điều đầu tiên cần lưu ý là không học tủ học lệch. Câu 1 đòi hỏi phải tái hiện kiến thức nền tảng đã học. Thông thường đó là những kiến thức văn học khái quát trong suốt các giai đoạn. Câu 2 là nghị luận xã hội, đòi hiểu phải có kiến thức bao quát về các vấn đề xã hội, tin tức thời sự để bổ sung vốn tư liệu, dẫn chứng cho phong phú, sắc sảo, thuyết phục. Câu 3 phải nắm chắc văn bản: thơ nên học thuộc hay phải nắm ý những đoạn văn bản tiêu biểu. Chăm chỉ, chịu khó đọc và tìm hiểu thì sẽ hiểu được tường tận văn bản và giảng văn
Môn Tiếng Anh: nắm chắc ngữ pháp, ngữ âm, từ vựng, các câu hỏi tình huống, ứng xử. Có thể mọi người thấy phần đọc khá khó, trúc trắc và dài nên phải có kĩ năng và tư duy mạch lạc. Làm thử đề và tự kiểm tra đáp án chữa là cách ôn tập hiệu quả nhất vì hiện nay nguồn đề rất phong phú.
PV: Trong khoảng thời gian nước rút, Hiền Giang có đi học ở các trung tâm luyện thi hay không? Theo Giang, việc tập trung học ở nhà và việc chạy sô ở các lò luyện thi đâu hiệu quả hơn?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Em không học thêm nhiều mà chỉ học thêm toán để được rèn luyện nhiều bài tập và có kĩ năng trình bày chính xác, chắc chắn. Theo em, nếu đã nắm vững kiến thức nền tảng thì nên tập trung ở nhà tự luyện đề để vừa tiết kiệm thời gian và tạo được không gian tập trung.
PV: Điều quan trọng nhất khi bước vào phòng thi là gì?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Điều quan trọng nhất là phải thật bình tĩnh, đọc kĩ đề bài và phân phối thời gian hợp lí. Khi làm bài phải cẩn thận, chắc chắn từng bước, đặc biệt là với môn Toán
PV: Với đề thi dài thì cần cân đối thời gian làm bài như thế nào?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Ngay khi nhận đề thi cần đọc lướt 1 lần để có cái nhìn và phân phối thời gian cụ thể. Để có thể bao quát thì phải cân nhắc phần nào cần làm kĩ, phân tích sâu, phần nào cần lướt, điểm nội dung…
PV: Trong quá trình ôn và thi ĐH, Hiền Giang có gặp phải sức ép tâm lý nào từ phía gia đình hay không?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Trong thời gian ôn thi, em không chịu sức ép nhiều từ bố mẹ, gia đình hay họ hàng. Bố mẹ em chỉ động viên khuyến khích em cố gắng, tạo tâm lí thoải mái, bồi dưỡng về mặt dinh dưỡng mà hoàn toàn không hề bắt ép phải cố gắng đạt điểm bao nhiêu, hay phải thi trường này, khoa này…
PV: Hiền Giang muốn chia sẻ thêm và có lời khuyên gì cho các bạn học sinh lớp 12 đang chuẩn bị thi ĐH?
Á khoa Trần Thị Hiền Giang: Kì thi ĐH là một kì thi quan trọng, đánh dấu sự chuyển tiếp, kết thúc 12 năm trung học chuyển tới môi trường đào tạo, hướng nghiệp chuyên nghiệp, chuẩn bị kiến thức và kĩ năng cho công việc tương lai. Vì thế mà em muốn chúc các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kì thi ĐH năm nay có được sự chọn lựa đúng đắn, phù hợp với bản thân! Các bạn hãy nỗ lực hết mình để vượt qua thành công kì thi ĐH, bước vào và trở thành tân sinh viên của ngôi trường ĐH mình mơ ước.
Tuyệt chiêu làm bài thi khối D của hoa khôi báo chí
“Khi thi Đại học, mỗi môn thi chỉ diễn ra trong một buổi, không có cơ hội sửa sai nên bản thân mình phải dốc toàn lực và chuẩn bị thật kỹ cả thể chất, tinh thần và kiến thức cho cuộc chiến này”, đó là lời chia sẻ rất thú vị của cô nàng Miss Báo chí với biệt danh Thanh “siêu nhân” dành cho các sĩ tử trong kì thi Đại học sắp tới.
Cô nàng Miss Báo chí với biệt danh Thanh “siêu nhân” Nguyễn Phương Thanh được bạn bè yêu quý gọi với cái tên Thanh “siêu nhân” bởi bảng thành tích đáng nể phục: Hoa khôi báo chí năm 2010 - Giải nhất cuộc thi “Tài sắc nữ sinh Báo chí 2010”; Giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng anh dành cho các trường Đại học: English speaking contest 2009; Top 6 Én vàng- cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình 2010”… Để gặt hái được nhiều thành công như vậy, ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, Phương Thanh đã có những phương pháp học tập rất sáng tạo và hiệu quả. Nhớ lại những ngày tháng ôn thi Đại học 3 năm về trước, Thanh tâm sự: “Suốt thời gian 1, 2 năm trước khi thi Đại học, mọi mối quan tâm của mình đều xoay quanh việc học tập và thi cử, kể cả những câu chuyện phiếm với bạn bè. Là lớp trưởng, được mọi người khá kỳ vọng nên đôi khi tớ cũng cảm thấy có chút áp lực. Những áp lực này đều là tích cực, giúp mình chăm chỉ hơn, cố gắng học tập hiệu quả hơn để đạt được những thành tích như mong muốn”. “Bật mí” kinh nghiệm ôn thi cho các sĩ tử trong những ngày nước rút này, Thanh chia sẻ: “Trong mấy ngày cuối cùng này, tớ chỉ làm đề ở nhà thôi, làm thật nhiều, theo đúng thời gian quy định, làm trên giấy thi chuẩn, tập căn đồng hồ, tập sử dụng giấy nháp sao cho hợp lý, điều chỉnh tốc độ viết, độ to nhỏ của chữ sao cho phù hợp với giấy thi. Cho dù có những bài đơn giản đã làm đi làm lại hàng trăm lần, tớ vẫn không làm tắt hay bỏ qua nó”. Thi khối D vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền với điểm số rất cao, Thanh “siêu nhân” có những kinh nghiệm làm bài rất hiệu quả đối với cả 3 môn: Toán, Văn, Anh. Trong quá trình học, cô bạn này học thật kỹ lý thuyết, chính xác đến từng câu chữ, thuộc lòng cả những điều chú ý. Song song với đó là làm thật nhiều bài tập, qua những bài tập này thì lý thuyết sẽ nhớ kỹ hơn. “Đối với môn Toán, khi chưa nghĩ ra cách giải, không nên ngay lập tức hỏi cách làm mà hãy dành thời gian suy nghĩ, như thế mới nhớ lâu được. Môn Văn, không chỉ đọc kỹ tác phẩm, học kỹ bài cô giảng trên lớp mà tớ thường sưu tầm rất nhiều các loại sách tham khảo, photo bài học của các bạn trường khác để tham khảo nhiều giọng văn, nhiều lối tư duy và góp nhặt thêm được nhiều chi tiết thú vị của tác phẩm. Những dẫn chứng chính xác thì đặt trong ngoặc kép sẽ làm bài viết đắt giá hơn rất nhiều”. Còn đối với môn tiếng Anh, cô bạn cho biết, bên cạnh năng khiếu cần chăm chỉ làm bài tập, luyện các dạng đề, nắm chắc ngữ pháp, từ mới, ngữ nghĩa và cách phát âm. Sau khi làm bài và chữa bài đọc, Thanh thường quay lại tra nghĩa, cách sử dụng, các biến thể của những từ mới và học thuộc. Thanh còn luôn mang theo người một quyển vở để ghi từ mới, các dạng khác của từ đó, cách sử dụng, một số câu đặc biệt có chứa từ đó và một quyển ghi ngữ pháp kèm ví dụ cụ thể. Thi đầu vào với số điểm rất cao, cô bạn đáng yêu này nhớ lại: “Mình nhớ là khi biết điểm môn Văn, ngay lập tức gọi cho cô giáo và khóc tức tưởi vì điểm văn chỉ được có 8, không như dự tính”. Bản thân cô bạn cũng tự đặt áp lực để càng cố gắng hơn nữa. Phương Thanh bật mí, tâm trạng trước ngày thi cũng hết sức quan trọng, nó quyết định rất lớn đến kết quả làm bài thi. Các sĩ tử phải tạo không khí vui vẻ để mình cảm thấy thoải mái để ôn thi, đầu óc cần thư giãn, không nên áp lực hay lo lắng quá. Lúc này, gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho các sĩ tử. “Điều quan trọng khi bước vào phòng thi là hãy bình tĩnh, tự tin để nhớ lại và vận dụng hết sức các kiến thức đã học vào bài làm. Đặc biệt, các bạn nên ăn uống đầy đủ, không nên ăn kiêng quá đà như: kiêng ăn chuối, ăn bí, ăn lạc, thậm chí còn tin tưởng vào những điều vô lý, không khoa học. Chúc các bạn bình tĩnh, tự tin để làm thật tốt bài làm của mình”, đó là những kinh nghiệm ôn thi rất hiệu quả của cô bạn học rất giỏi Thanh “siêu nhân”. Một số thành tích của cô bạn Phương Thanh - Thanh “siêu nhân”: - Giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng anh dành cho các trường Đại học: English speaking contest 2009. - Tốt nghiệp thủ khoa lớp MC khóa 2 – trung tâm MC Connect. - Top 6 Én vàng- cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình 2010”. - Hoa khôi báo chí năm 2010 - Giải nhất cuộc thi “Tài sắc nữ sinh Báo chí 2010” - Giải nhất đồng đội khiêu vũ thể thao Thành phố Hà Nội 2006 và một số giải thưởng khác như: giải nhì kể truyện sách ( quận Đống Đa) , giải nhì vẽ tranh thiếu nhi ( Thành phố Hà Nội) , giải nhì bơi lội (trường thể thao 10-10)… - Dẫn các chương trình: Thế giới nhạc phim (Real Tv), Hành trình xanh ( Go green – VTV1), Ngon và Lành (VTC14), trao giải thưởng tình nguyện “Chim én”, …
|
Kinh nghiệm học giỏi môn Toán
Kinh nghiệm học giỏi môn văn
Kinh nghiệm học giỏi môn hóa
Kinh nghiệm học giỏi môn Tiếng Anh
Kinh nghiệm học tốt môn Vật lý
Kinh nghiệm học tốt tiếng pháp
(st)