Mướp đắng có tác dụng giải độc, sáng mắt, giải nhiệt, hơn nữa còn có rất nhiều tác dụng. Chúng ta cùng tìm hiểu những tác dụng của việc ăn mướp đắng nhé!
TÁC DỤNG KHÔNG NGỜ CỦA QUẢ MƯỚP ĐẮNG
Mướp đắng (tiếng Hán gọi là khổ qua), thuộc họ bầu bí. Quả có hàm lượng vitamin C đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí; gấp 5 – 20 lần dưa chuột, có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, kháng ung thư, nâng cao sức đề kháng, phòng cảm mạo, bảo vệ tim. Chất glycoside của mướp đắng có tác dụng giảm đường trong máu nên có tác dụng trị liệu bổ trợ đối với bệnh đái tháo đường. Protein của mướp đắng có thể xúc tiến hệ thống miễn dịch của cơ thể kháng tế bào ung thư. Thường xuyên ăn mướp đắng có thể tăng cường công năng miễn dịch của cơ thể, ức chế HIV.
Theo Đông y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc. Thích hợp với các chứng nhiệt sinh ra nóng, khát, làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, hạt bổ thận tráng dương.
Liệt dương, di tinh, mộng tinh: hạt mướp đắng (lượng vừa phải) rang chín, tán bột. Mỗi lần uống với rượu (khoảng 10g) ngày 2 – 3 lần.
Trúng nóng phát sốt, đau mắt sưng đỏ: mướp đắng tươi 1 quả, cắt đôi bỏ ruột, cho lá chè vào rồi khâu lại, phơi ở chỗ thoáng gió râm mát cho khô rồi sắc nước uống hoặc pha uống thay chè, mỗi lần 10g.
Lở loét chảy nước, đau: mướp đắng (vừa đủ) giã nát đắp vào vết thương.
Chữa viêm họng: hạt mướp đắng 30g, lá rẻ quạt 15g, cam thảo 10g. Các vị tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước nguội.
Quá nóng sinh khát: mướp đắng 1 quả bổ ra bỏ ruột, cắt nhỏ, đun nước uống hoặc mướp đắng cũng làm như trên rồi giã nát, cho 50g đường trộn đều, để 2 giờ sau vắt lấy nước uống.
Chữa chốc đầu: mướp đắng 100g, mật lợn 100ml. Mướp đắng rửa sạch giã nhỏ trộn đều với mật lợn. Trước khi đắp thuốc cần dùng nước chè tươi đặc rửa sạch chỗ chốc rồi đắp thuốc lên. Ngày đắp một lần.
Chữa đái tháo đường: mướp đắng 100g, tươi thì hấp chín ăn, khô hãm nước sôi uống, dùng dài ngày.
Chữa lỵ: mướp đắng (vừa đủ) giã nát vắt lấy nước, mỗi lần 150ml, uống với nước sôi để nguội, ngày uống 2 lần.
Trị chứng rôm sảy: mướp đắng thái miếng xoa lên da. Nấu nước uống có thể tán nhiệt giải thử. Mướp đắng thái ra phơi khô là vị thuốc trị liệu phát sốt có hiệu quả.
Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, tính mát, hơi hàn. Mướp đắng đun làm nước tắm cho trẻ trong mùa hè để trừ rôm sảy, làm thuốc chữa ho, chữa cảm mùa hè, thanh nhiệt ở phế và vị, chữa dị ứng, đau váng đầu, đau thắt ngực, lở ngứa ngoài da, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, bí kết đại tràng. Ngoài ra còn có tác dụng an thần, kết hợp với những vị khác để điều trị tăng huyết áp. Mướp đắng chế biến làm thuốc bằng cách thái lát, phơi khô, sao vàng rồi bảo quản để dùng dần. Lá mướp đắng có thể dùng tươi, giã đắp, nấu nước tắm hoặc sắc uống.
THAM KHẢO: Mướp đắng được dùng làm thuốc trong các trường hợp sau:
Nhiệt kết ở đại trường gây táo bón, bụng đầy khó chịu: mướp đắng 20g, sinh địa 12g, hoàng cầm 10g, trần bì 10g, chỉ xác 10g, cam thảo 12g, đương quy 12g, đại táo 10g, mạch môn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ngứa nhiều, gãi nhiều, da bị trầy xước từng mảng: mướp đắng 20g, sài hồ 12g, ngân hoa 10g, liên kiều 12g, nam hoàng bá 16g, cỏ mực 16g, hoa hòe (sao) 12g, huyền sâm 10g, cam thảo đất 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Trị gan nhiễm mỡ: mướp đắng 20g, ngũ gia bì 12g, nhân trần 12g, cây chó đẻ 6g, cam thảo đất 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục nhiều ngày. Công dụng: thanh can hóa ứ, trừ thấp, thông lạc…
Bệnh zona: mướp đắng 20g, thổ linh 20g, cam thảo đất 16g, nam bạch chỉ 16g, kinh giới 12g, sài hồ 12g, thủ ô (chế) 10g, đương quy 12g, phòng sâm 12g, hoài sơn 12g, mã đề thảo 16g, bồ công anh 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Ho, đau rát họng, sổ mũi, hắt hơi: mướp đắng 20g, tía tô 16g, trần bì 12g, cát cánh 12g, mạch môn 16g, sâm hành 12g, sinh khương 6g, kinh giới 12g, cam thảo 12g, lá xương sông 16g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Chữa đái tháo đường: mướp đắng 20 – 25g sắc nước uống hằng ngày.
Trị sỏi đường tiết niệu: mướp đắng dùng cả cây và lá, thái ngắn phơi khô, cất giữ cẩn thận, mỗi ngày lấy 1 nắm nấu nước uống, uống liên tục nhiều ngày. Tác dụng: bào mòn và tống sỏi ra ngoài. Đây là bài thuốc kinh nghiệm của đồng bào ở Ninh Thuận, Bình Thuận thấy có kết quả cao.
Mùa hè bị cảm thử: ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, thở nông hụt hơi, buồn nôn, người chao đảo, mệt lả: mướp đắng 20g, biển đậu 16g, tang diệp 16g, hoàng kỳ 12g, mẫu lệ (chế) 12g, đương quy 12g, sa sâm 12g, quế 8g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Trà dược trị tăng huyết áp: mướp đắng, hoa hòe, cam thảo đất, dừa cạn, rau má, lá đắng, mã đề, lá đinh lăng mỗi vị 100g (dược liệu ở dạng khô). Các vị sao giòn, tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 35 – 40g, cho thuốc vào ấm, hãm nước sôi khoảng 15 phút là được. Uống dần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, lợi tiểu, an thần, chống đau đầu, chao đảo, ổn định huyết áp, phòng ngừa tai biến.
DA ĐẸP DÁNG THON VỚI TRÁI MƯỚP ĐẮNG
Các bạn sẽ phải trầm trồ trước công dụng làm đẹp tuyệt vời của trái mướp đắng cho mà xem...
Trợ thủ đắc lực của vòng eo
Teen biết không, ở Mỹ và Nhật Bản, giảm cân bằng cách tích cực măm măm mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) đang dần trở nên rất phổ biến. Lý do vì "trái đắng" này có tác dụng ức chế các cơ quan ppar (tác nhân chủ yếu gây bệnh tiểu đường và làm tăng cholesterol) nên được đánh giá là tuyệt đối an toàn và khoa học đó nha! Với phương pháp này, các ấy sẽ không cần khổ tâm nhịn ăn, nhịn ngủ hay ra sức vận động quá nhiều nhưng vẫn gặt hái được hiệu quả nhanh chóng đấy!
Lượng mướp đắng tối thiểu mà teen cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày là từ 2-3 quả. Nhưng teen nhớ rửa sạch, bỏ hạt rồi măm măm sống bạn ấy như các loại hoa quả khác để đạt hiệu quả tốt nhất nha!
Bồi bổ nhan sắc
Nhiều ấy cứ thắc mắc vì sao mình rất dễ mẩn ngứa và mụn nhọt. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do da bị kích ứng, tắc nghẽn bởi những thành phần hóa học trong không khí ô nhiễm hay các chất tiết ra trong tuyến mồ hôi. Bên cạnh đó, da bị khô do không được cung cấp đủ nước cũng là lý do khiến teen mắc phải căn bệnh khó chịu này nữa.
Để giải quyết vấn đề, teen cần làm mát da từ bên trong bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau, trái cây và đặc biệt là tắm thường xuyên với dung dịch chế từ trái mướp đắng để hạ nhiệt độ, làm thông thoáng lỗ chân lông và giúp tái tạo làn da chúng mình.Ngoài ra, vitamin C trong mướp đắng còn có thể phòng chống lão hoá da, giúp giảm cholesterol trong máu nữa cơ. Tuy nhiên, anh bạn này không chịu được nhiệt độ cao nên sau khi được chế biến qua lửa, giá trị dinh dưỡng cơ bản của khổ qua sẽ bị giảm đi đôi chút.
Bên cạnh đó, khi chúng mình măm măm mướp đắng sẽ có cảm giác mát mẻ, sảng khoái và đặc biệt là kích thích vị giác rất hiệu quả. Không những thế, bạn ấy còn được bào chế thành trà thanh nhiệt nữa cơ. Uống nó sẽ giúp teen ngủ ngon và có tinh thần thoải mái hơn.
Bonus thêm cho teen cách tận dụng triệt để mướp đắng nè!
- Các ấy hãy rửa sạch, thái nhỏ, xay nhuyễn rồi dùng lưới hoặc vải lọc để lấy nước cốt. Tiếp đó, thêm vào lượng nước phù hợp tùy theo ý thích là teen đã hoàn thành dung dịch mướp đắng rồi.
- Nghiền nát trái mướp đắng, vắt lấy nước rồi thoa lên mặt. Việc này sẽ giúp da mặt chúng mình tránh được mụn cám và không bị ngứa do mồ hôi.
- Rửa sạch và giữ trong tủ lạnh. Sau 2 tiếng, chúng mình có thể lấy ra, rửa lại, cắt thành lát và đắp đều lên mặt và mắt. Để trong 20 phút rồi rửa lại là các ấy đã giúp giữ được độ ẩm cần thiết cho làn da để đối phó với thời tiết se lạnh, hanh khô đó nha!
* Chú ý nhá! Nếu các ấy thấy chán ngắt cái vị đắng đắng của anh bạn này thì teen có thể chế biến nó thành món mướp đắng nhồi trứng, vừa ngon lại tăng thêm hàm lượng canxi cho chúng mình đấy!
NHỮNG MÓN NGON DỄ LÀM TỪ MƯỚP ĐẮNG
Mướp đắng có tác dụng giải độc, sáng mắt, giải nhiệt, hơn nữa còn có tác dụng giảm đường trong máu, chống sưng phù, điều trị độc tố, thúc đẩy khả năng miễn dịch. Những món ngon từ mướp đắng ăn lần đầu tuy khó ăn nhưng lần sau bạn sẽ dễ dàng bị nghiền nó lúc nào không hay.
Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng. Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư; hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ. Dưới đây là một số món ngon từ mướp đắng.
Mướp đắng ướp đá: Không chỉ ngon mát mà mướp đắng ướp đá còn có tác dụng giải nhiệt ngày hè cực tốt. Bạn có thể ăn kèm mướp đắng với ruốc thật tuyệt.
Đổi món với Canh mướp đắng cá viên: Canh mướp đắng cá viên không những ngon, mát mà còn bổ dưỡng rất thích hợp cho bữa cơm ngày hè.
Mướp đắng nhồi thịt rưới xì dầu: Mướp đắng được biết đến làm món ăn ngon, có vị đắng, thanh, mát. Bạn có thể chế biến mướp đắng thành những món ăn cực ngon như: mướp đắng xào trứng, canh mướp đắng, mướp đắng nhồi thịt...
Món canh mướp đắng vải thiều: Món canh ngon, lạ của mùa hè bạn đã thử chưa? Vào bếp cùng chế biến món canh mướp đắng vải thiều thơm ngon.
Mướp đắng chiên giòn: Mướp đắng là món ăn thanh nhiệt, giải độc rất tốt. Amthuc365.vn xin chia sẻ với bạn món mướp đắng chiên giòn để bổ sung cho bữa cơm gia đình thêm phong phú.
Thanh mát canh gà mướp đắng, dứa: Mướp đắng cùng dứa sẽ tạo nên một hương vị mới cho món canh gà.
Thanh nhiệt với món trứng chiên mướp đắng: Mướp đắng là món ăn có tác dụng thanh nhiệt giải độc rất tốt. Tuy nhiên vị đắng của mướp khiến nhiều người không ăn được, bạn hãy làm món mướp đắng chiên trứng, trứng sẽ làm giảm vị đắng của mướp đấy!
Đầu xuân thưởng thức món mướp đắng nhồi thịt: Thanh mát, ngon miệng và cực tốt cho sức khỏe. Bạn biết đó là món gì rồi phải không? Xin nhắc lại đó là món mướp đắng nhồi thịt.
(ST)