Buồng trứng khỏe mạnh sẽ giúp bạn có tâm lý yên tâm hơn về khả năng sinh sản của mình. Chúng ta cùng chọn thức ăn bổ dưỡng cho buồng trứng nhé!
BÍ QUYẾT GIÚP TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE CHO BUỒNG TRỨNG
Khi "đèn đỏ" hãy bổ sung nhiều sắt
Trong những ngày "đèn đỏ", cơ thể có thể mất đi một lượng lớn nguyên tố sắt mà sắt lại bổ sung dinh dưỡng cho buồng trứng. Do đó, trong thời gian này, chị em nên ăn nhiều rau bina và những thực phẩm giàu sắt như nội tạng động vật để giúp buồng trứng khỏe mạnh hơn.
Uống rượu vang có ích hơn bia
Theo phát hiện của Cơ quan nghiên cứu sức khỏe phụ nữ Hà Lan, mỗi ngày uống một cốc rượu vang sẽ giúp sự phát triển của trứng có thể tăng lên 20%. Chất polyphenol trong rượu vang đỏ có thể làm cho trứng khỏe mạnh, còn nấm men trong bia lại “thôi miên” trứng, giảm sự hoạt tính của trứng.
Ăn đậu phụ luộc tốt hơn đậu phụ rán
Protein thực vật có trong đậu phụ và sữa đậu nành giúp buồng trứng khỏe mạnh hơn. Nhưng ăn đậu phụ luộc sẽ tốt hơn rất nhiều so với đậu phụ rán, bởi vì trong dầu ăn dùng để rán đậu có chứa các axit béo không bão hòa, sẽ phá hủy hoạt tính của protein thực vật, làm giảm tác dụng của protein.
Mỗi ngày ăn một miếng đậu phụ nhỏ là đủ vì nạp quá nhiều protein thực phẩm sẽ gia tăng gánh nặng cho thận.
Thuốc tránh thai có hiệu quả nhưng vẫn có thể làm rối loạn nồng độ hormone trong cơ thể, ảnh hưởng tới chất lượng trứng. Ảnh minh họa
Tránh thai hiệu quả để tránh phải phá thai ngoài ý muốn
Nghiên cứu y học cho rằng, mỗi lẫn phá thai, chất lượng trứng sẽ giảm 6%. Đừng tưởng rằng phá thai chỉ là một cuộc tiểu phẫu, nhưng hành động này sẽ khiến các thành trong buồng trứng mỏng đi.
Cách tránh thai tốt nhất là dùng bao cao su chứ không phải là thuốc tránh thai. Cho dù thuốc tránh thai có hiệu quả nhưng vẫn có thể làm rối loạn nồng độ hormone trong cơ thể, ảnh hưởng tới chất lượng trứng.
Hạn chế dùng thuốc giảm đau
Một cuộc điều tra phổ biến với hơn 4000 phụ nữ châu Âu cho thấy, trong độ tuổi 25-35, bình quân mỗi người uống 77 viên thuốc giảm đau/năm, điều này sẽ khiến hoạt tính của trứng trong cơ thể thấp hơn 7% so với người không dùng thuốc giảm đau.
Theo các chuyên gia sức khỏe, thuốc giảm đau gây ức chế thần kinh não, uống trong thời gian dài sẽ làm “mê hoặc” trung khu não, tốc độ “ra chỉ thị” của não tới buồng trứng chậm, hoạt tính của buồng trứng cũng suy giảm theo.
Tránh bức xạ máy tính càng xa càng tốt
Nghiên cứu cho thấy, bức xạ máy tính sẽ ảnh hưởng tới chất lượng buồng trứng, nhất là khi bạn sử dụng gần vùng bụng. Nhưng việc tránh bức xạ máy tính một cách hoàn toàn là không thể.
Đa số mọi người đều tưởng rằng, đổi sang màn hình tinh thể lỏng là có thể tránh được bức xạ máy tính, nhưng thực ra có bức xạ lớn nhất không phải là màn hình mà là nguồn điện. Theo các chuyên gia sức khỏe Mỹ, bức xạ máy tính bảng ít hơn rất nhiều so với máy tính để bàn, muốn tránh tối đa bức xạ máy tính, cách tốt nhất là nạp điện tốt cho máy tính bảng, rút nguồn điện, dùng pin để làm việc.
CÁC LOẠI THỰC PHẨM ĐẶC BIỆT CÓ LỢI CHO BUỒNG TRỨNG KHỎE MẠNH
Việc cải thiện, chăm lo cho buồng trứng khỏe mạnh là điều hết sức quan trọng. Các nhóm thực phẩm dưới đây có thể làm tốt "nhiệm vụ" đó.
Buồng trứng khỏe mạnh là điều cần thiết để có sức khỏe sinh sản tốt. Ảnh minh họa
Thực phẩm giàu crom
Những thực phẩm này giúp chống lại sự đề kháng insulin và kiểm soát cảm giác thèm ăn đường nên cũng có tác dụng ổn định sự cân bằng hormone trong cơ thể, đảm bảo sự rụng trứng diễn ra đều đặn. Thực phẩm giàu crom bao gồm khoai lang, ngô (loại còn nguyên cám), hải sản, táo, cam, chuối và rau quả như cà chua, rau bina, bông cải xanh, hành tây, tỏi, húng quế, rau diếp, ớt, ớt xanh, củ cải đường và nấm.
Rau lá xanh đậm
Loại rau này rất giàu canxi, vitamin C và magiê, đặc biệt là folate... nên có lợi cho sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Rau xanh lá đậm đặc biệt tốt cho sức khỏe phụ nữ
Hạt lanh
Chúng chứa hormone cân bằng lignans và kích thích tố nữ (nguồn thực vật của estrogen) giúp ổn định tỷ lệ estrogen -progesterone trong cơ thể người phụ nữ, giúp điều chỉnh sự rụng trứng. Ngoài ra, hạt lanh cũng có thể chống viêm, giúp giảm cân và hoạt động như một chất chống trầm cảm.
Cải xoăn
Đây được coi là loại rau chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn bất kỳ loại rau nào khác. Nó còn chứa nhiều canxi nên có vai trò quan trọng trong sự trưởng thành và phát triển nang trứng trong buồng trứng.
Hạt vừng, hướng dương
Đây là những nguồn tuyệt vời của vitamin B6, canxi, magiê và các axit béo và kẽm - các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe buồng trứng cũng như sức khỏe sinh sản rất hiệu quả.
Rễ cam thảo
Rễ cam thảo được chứng minh là làm giảm testosterone, để ổn định chức năng buồng trứng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tránh dùng cam thảo nếu bạn đang uống thuốc làm loãng máu hoặc các loại thuốc chứa bệnh tim, huyết áp cao.
Các loại đậu
Đây là nhóm thực phẩm chứa đầy đủ chất đạm, chất xơ và vitamin nhóm B. Chúng cũng là một nguồn tuyệt vời của các carbohydrate tổng hợp giúp giữ ổn định lượng đường trong máu, giảm cảm giác thèm ăn để cân bằng lượng hormone trong cơ thể, góp phần giữ cho buồng trứng khỏe mạnh.
ĂN GÌ ĐỂ DỄ THỤ THAI
CHUẨN BỊ CHO VIỆC MANG THAI
Chuẩn bị cho việc mang thai chưa trở thành một khái niệm thường quy và phổ biến cho các phụ nữ và các cặp vợ chồng ở Việt nam. Hiểu biết của các cặp vợ chồng phần nhiều dựa trên kinh nghiệm của bố mẹ, hoặc từ những trải nghiệm của những người thân quen hay bạn bè hơn là một kế hoạch với những quy định cụ thể. Hãy lưu ý rằng thai nghén là một quá trình nhiều thách thức và khó khăn, vì thế sự chuẩn bị kỹ lưỡng mang lại cho các cặp vợ chồng sự thoải mái và hạnh phúc trong thời gian mang thai. Nhiều sự thay đổi trong khi mang thai là khó kiểm soát, tuy nhiên bạn có thể làm được nhiều thứ trước và trong quá trình mang thai, để kết thúc 40 tuần lễ thai nghén bằng 1 em bé khỏe mạnh trong vòng tay.
Nhiều phụ nữ không biết rằng mình có thai cho đến khi nhiều tuần lễ sau chậm kinh. Lúc đó, họ đã qua đi khoảng thời gian vô cùng quan trọng bởi những tuần lễ đầu của thai kỳ là thời điểm thành lập cấu trúc của cơ thể thai nhi cùng hầu hết các cơ quan nội tạng chính. Sức khỏe yếu, các bệnh nhiễm khuẩn đột nhiên mắc, sử dụng một số thuốc, hút thuốc lá hay uống r*** có thể gây nguy hại đến thai nhi. Ngược lại, một cơ thể khỏe, phong cách sống lành mạnh, tinh thần vững vàng có thể giúp thai nhi khỏe mạnh, giảm nguy cơ biến chứng trong thai nghén cho cả mẹ và con. Chính vì thế, có được sự chuẩn bị và chăm sóc đúng đắn trước khi có thai là quan trọng. Đó là sự đầu tư thông minh. Đừng thụ động để đến khi mình mang thai muộn mới bắt đầu chuẩn bị.
Kiểm tra trước khi mang thai
Khi bạn chuẩn bị mang thai, rất nên kiểm tra sức khỏe và phụ khoa trước. Đây là điều không thường được làm tại hầu hết các cơ sở y tế về sản phụ khoa Việt nam hiện tại bởi nhiều lý do, tuy nhiên bạn vẫn có thể tìm được các cơ sở có thể đáp ứng yêu cầu của bạn. Và chúng ta cũng có lý do để tin rằng dịch vụ này là cần thiết và sẽ phát triển mạnh trong tương lai rất gần. Ở các nước phát triển, loại hình này đã có từ rất lâu và có tầm quan trọng còn hơn cả những lần khám khi bạn đã mang thai. Bác sĩ chuyên khoa sản sẽ thăm khám sức khỏe toàn thân và phụ khoa của bạn, chỉ định một số xét nghiệm nếu cần thiết, hỏi về tiền sử gia đình và bệnh tật, tiền sử phụ khoa hay những lần mang thai trước nếu có, chế độ dinh dưỡng, làm việc, và các thói quen sống, các thuốc bạn sử dụng. Việc trả lời thoải mái và trung thực giúp cho bác sĩ sẽ có những lời khuyên cụ thể. Đây cũng là lúc bạn có thể đặt ra những câu hỏi cho bác sĩ hay tìm kiếm lời khuyên. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ hay người nữ hộ sinh tư vấn những gì bạn băn khoăn, không rõ, hoặc những định kiến truyền thống lạc hậu. Một bác sĩ chuyên khoa tốt có thể giúp bạn tất cả những điều này. Cuộc kiểm tra này có thể mất thời gian khoảng nửa giờ hay một giờ, nhưng thực sự đáng giá cho cả quá trình mang thai của bạn.
Tiền sử bệnh lý của mẹ
Một số bệnh lý sẵn có của mẹ có thể nặng lên hay biến chứng trong thời kỳ mang thai, ví dụ đái tháo đường, bệnh tim, viêm gan, cao huyết áp hay động kinh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những phụ nữ mang bệnh lý này hoàn toàn không nên có con. Tùy thuộc mức độ nặng, tiên lượng của bệnh mà các bác sĩ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau, để bảo đảm rằng tình trạng bệnh có thể kiểm soát được khi mang thai, và cho bạn biết thòi điểm nào bạn có thể mang thai. Có nhiều phụ nữ khi khám thai mới biết mình có bệnh, và một khi điều trị ở thời điểm đó là không phù hợp, bắt buộc phải phá thai một cách đáng tiếc. Người bác sĩ chuyên khoa phụ sản có thể phối hợp với bác sĩ chuyên khoa của bệnh lý đó để đưa ra chế độ điều trị, dinh dưỡng, sinh hoạt tối ưu, cùng với lịch thăm khám riêng biệt.
Tiền sử gia đình
Một số bệnh lý có liên quan tới tiền sử gia đình hay đặc trưng dân tộc. Khi những người thân trong gia đình có những bệnh lý này, thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh. Một số bệnh lý liên quan tới tiền sử gia đình là huyết áp cao, đái tháo đường, động kinh hay chậm phát triển trí tuệ. Một số bệnh lý mang tính chất di truyền điển hình như bệnh nhày nhớt, loạn dưỡng cơ Duchelle, hay haemophilia. Bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bạn, và một khi bạn có khả năng mang gen của những bệnh lý này, bạn sẽ được yêu cầu làm xét nghiệm tầm soát và tư vấn với chuyên gia di truyền.
Tiền sử thai nghén và sinh sản
Tiền sử mang thai và kết quả thai nghén có tầm quan trọng, bởi một số biến chứng như sảy thai, cao huyết áp, rau tiền đạo, khuyết tật bẩm sinh hay thai chết lưu có thể xuất hiện lặp lại khi mang thai. Biết tiền sử này cho phép bác sĩ đưa ra những xét nghiệm cần thiết, các điều trị hỗ trợ, hay đơn giản là những tư vấn cho lần mang thai này. Một khi có những chăm sóc và điều trị đúng đắn, khả năng mang thai khỏe mạnh cho lần này sẽ cao hơn nhiều.
Các thuốc sử dụng khi mang thai
Nhiều loại thuốc sử dụng khi mang thai hoặc ngay trước khi có thai có thể có các tác dụng phụ nguy hại đến thai nhi. Ví dụ một số loại kháng sinh có thể gây điếc hay liệt cơ của thai nhi, một số thuốc điều trị trứng cá, sốt rét hay động kinh có thể gây ra sảy thai hoặc khuyết tật bẩm sinh hay chậm phát triển trí tuệ. Đặc biệt khi bạn sử dụng các thuốc điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ, mà tình trạng này khá phổ biến ở Việt nam, nguy cơ còn cao hơn nhiều. Ngay cả những thuốc đông y thảo dược cũng mang nhiều nguy cơ nhất định và đừng hiểu ngây thơ rằng những cây cỏ tự nhiên là an toàn. Ngay cả những thuốc đa vitamin, khi chứa hàm lượng vitamin A quá cao có thể gây ra dị tật ống thần kinh. Nếu bạn dùng bất kỳ loại thuốc gì ngay trước và trong khi mang thai, hãy thảo luận với bác sĩ chuyên khoa. Hãy mang theo loại thuốc bạn dùng đến phòng khám bệnh.
Nếu bạn đang sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó, có thể bạn sẽ phải dừng biện pháp tránh thai và chuyển sang một loại tránh thai tạm thời vài tháng trước khi mang thai. Ví dụ như bạn đang sử dụng thuốc tránh thai uống, bạn cần phải dừng thuốc khoảng 3-4 tháng trước khi định thụ thai. Khoảng thời gian này giúp cho kinh nguyệt và khả năng rung trứng bình ổn trở lại. Đồng thời bạn cũng sẽ dễ dàng hơn xác định chính xác thời điểm thụ thai và sau này là tuổi thai hay dự kiến sinh. Khi bạn dừng thuốc tránh thai và có ý định có thai sau đó vài tháng, chồng bạn cần sử dụng bao cao su như 1 biện pháp tránh thai tạm thời. Một số biện pháp như thuốc tiêm hay cấy tránh thai đòi hỏi thời gian dài hơn để kinh nguyệt và rụng trứng bình ổn trở lại. Nếu bạn sử dụng vòng tránh thai (dụng cụ tử cung), dụng cụ này cần phải được tháo ra trước khi bạn có ý định thụ thai. Nếu bạn đang mang thai cùng dụng cụ tử cung, vẫn nên tháo dụng cụ tử cung ra vì nguy cơ nhiễm khuẩn và sảy thai.
Chế độ ăn uống, tập luyện, làm việc và môi trường
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về chế độ dinh dưỡng bạn nên theo khi mang thai. Chế độ dinh dưỡng sẽ tùy theo từng sản phụ nhưng phải bảo đảm năng lượng đầy đủ cho bà mẹ và nhu cầu phát triển của thai. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về mức tăng cân hợp lý khi mang thai. Ban tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ huyết áp cao, đái tháo đường và tăng sức nặng làm việc cho tim. Bạn gày yếu hoặc tăng cân quá ít sẽ có nguy cơ thai kém phát triển trong tử cung hay nhẹ cân khi sinh, đồng thời có nguy cơ sinh khó hay biến chứng khi sinh như chảy máu và nhiễm khuẩn. Nếu như bạn gày yếu thì chế độ dinh dưỡng, ăn thêm và tập luyện hợp lý có thể làm tăng cân đến mức cần thiết. Khi bạn quá nhiều cân, lại không nên áp dụng chế độ ăn kiêng nào trong khi mang thai bởi nguy cơ ảnh hưởng đến phát triển thai nhi. Vì thế, cách tốt nhất là đạt được cân nặng khỏe mạnh hợp lý trước khi mang thai.
Nếu bạn có những tập luyện thể thao từ trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục khi mang thai, bởi luyện tập thể thao như đi bộ, bơi, đi xe đạp hay thể dục (aerobic) có thể giúp giảm một số biến chứng như cao huyết áp, đái tháo đường khi mang thai, đồng thời giảm bớt căng thẳng và nguy cơ trầm cảm sau đẻ. Những luyện tập này cũng không mang nguy cơ thực sự nào đối với thai nghén, không tăng nguy cơ sảy thai hay đẻ non hay các bệnh lý khác. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ về cường độ luyện tập và Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ khuyên các sản phụ duy trì luyện tập ở mức 30 phút ở cường độ vừa phải trở lên mỗi ngày, và ít nhất 5 ngày 1 tuần. Chỉ có những sản phụ có tiền sử nặng về sản khoa trước, hay các dấu hiệu bất thường như chảy máu ở lần mang thai này mới được khuyên không tập.
Tại một số bệnh viện sản phụ khoa lớn hiện nay, cũng có các chương trình luyện tập dành cho các sản phụ theo các lớp cụ thể. Hãy dành thời gian tham gia những khóa huấn luyện này. Nó rất có ích cho sự phát triển của thai và quá trình đẻ.
Ngoại trừ các bệnh lý và bất thường thai nghén được phát hiện, bạn vẫn được khuyến khích làm việc khi mang thai. Không có giới hạn nào cho việc ngừng làm việc, kể cả bạn có thể làm tới khi đẻ. Hãy tránh tiếp xúc với các hóa chất như chì, thủy ngân, các dung môi hóa học, thuốc trừ sâu, hay nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, có thể lưu ý rằng, khi bạn chỉ tiếp xúc với phóng xạ 1 lần như chụp X-quang ngực thì nồng độ phóng xạ đó không đủ nguy cơ cho thai nhi. Nhưng với phóng xạ điều trị ung thư, nồng độ đó là nguy hiểm. Ngoài ra, bạn cần tuyệt đối không sử dụng đồ uống có cồn, không hút thuốc lá, hay sử dụng chất gây nghiện.
Nhiễm khuẩn và vắcxin phòng ngừa
Mắc một số nhiễm khuẩn và virus vào thời điểm sớm của thai nghén có thể gây ra khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi. Một số nhiễm khuẩn khác làm tăng nguy cơ biến chứng của thai nghén và khi đẻ. Chính vì thế điều nên làm là bạn cần bảo đảm mình có thể miễn dịch bằng cách tiêm vắcxin. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là hầu như người Việt nam không giữ lại những giấy tờ ghi nhận về vắcxin đã được tiêm từ nhỏ bởi chúng ta đã coi thường những việc này. Nếu bạn không thể nhớ mình đã dùng những vắcxin nào, bạn có thể tiêm hay uống lại để tái tạo miễn dịch. Các vắcxin quan trọng nhất bao gồm sởi, sởi Đức (Rubella), quai bị, uốn ván, bạch hầu, thủy đậu và viêm gan. Đến nay, hầu hết các cơ sở chăm sóc sản phụ khoa toàn quốc chỉ cung cấp và tiêm vắcxin uốn ván, như vậy là không đủ và bạn nên tới các trung tâm y tế dụ phòng và dịch tễ để tiêm hay uống. Hầu hết các vắcxin là an toàn khi mang thai, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên sử dụng trước khi có thai. Dưới đây là những khuyến cáo an toàn cho sử dụng vắcxin:
- Sởi, sởi Đức (Rubella), quai bị: nên tiêm trước khi có thai 3 tháng (nếu chưa tiêm bao giờ)
- Thủy đậu: trước khi có thai 1 tháng là đủ an toàn
- Bạch hầu-uốn ván nhắc lại (mỗi 10 năm một lần), viêm gan A và B, cúm và viêm phổi có thể tiêm khi có thai
Một hiểu lầm rất phổ biến hiện tại cho cả các y bác sĩ chuyên nghành và các sản phụ ở Việt nam là nhiễm cúm khi mang thai có thể gây ra khuyết tật thai nhi. Hiểu lầm này đã gây ra nhiều phá thai đáng tiếc kể cả khi thai lớn. Trên thực tế, nhiễm cúm hầu như không làm tăng nguy cơ khuyết tật thai nhi, vô cùng thấp so với nhiễm Rubella, không cao đáng kể hơn so với người không nhiễm. Nguy hiểm nhất của nhiễm cúm là có thể gây ra biến chứng viêm phổi nặng. Nếu bạn nhiễm cúm, và không trải qua điều trị đặc biệt, thai nhi vẫn an toàn.
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng rất đáng lưu ý bởi có thể nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Các bệnh chính bao gồm: giang mai, lậu, herpes, Chlamydia, trùng roi, và HIV. Nên ghi nhớ rằng rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có triệu chứng lặng lẽ. Nếu bạn nghĩ mình có nguy cơ cao, ví dụ do có nhiều bạn tình cùng lúc hoặc quan hệ với người nghi nhiễm, hoặc bạn có những triệu chứng nghi ngờ, hãy hỏi bác sĩ cho xét nghiệm chẩn đoán. Cần xét nghiệm cả bạn lẫn bạn tình. Khi xét nghiệm cho biết bạn hoặc bạn tình có bệnh, cần phải điều trị cả hai cho tới lúc ổn định rồi hãy có thai. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không có điều trị hiện tại bao gồm herpes, viêm gan B, hay HIV. Khi bạn mang thai, cần có bác sĩ chuyên khoa theo dõi đặc biệt để giảm nguy cơ cho thai nhi và mẹ khi sinh. Riêng với nhiễm HIV, việc có thai cần được tư vấn kỹ càng, chế độ chăm sóc càng đặc biệt hơn và nhiều thuốc có thể dùng để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Riêng cho sản phụ nhiều tuổi
Nhiều sản phụ có thai khi tuổi đã cao, và đối với họ kiểm tra trước khi mang thai càng quan trọng. Những sản phụ nhiều tuổi thường có các mối lo ngại rằng tuổi tác sẽ có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và thai nhi. Tuy nhiên, đến hiện tại, mốc tuổi được coi là cao là 35, dặc biệt với con so, thực chất cũng mang tính tương đối. Các nguy cơ có thể kèm theo với bà mẹ lớn tuổi là:
- Khả năng thụ thai: khả năng thụ thai của phụ nữ bắt đầu giảm thấp một cách từ từ hơn từ khi 30 tuổi. Có 2 lý do: thứ nhất là quá trình rụng trứng trở nên thưa hơn, thứ hai là trứng trên những người phụ nữ nhiều tuổi cũng khó thụ thai hơn so với người phụ nữ trẻ. Bên cạnh đó nguy cơ của tắc vòi trứng và lạc nội mạc tử cung cũng tăng lên cung tuổi tác khiến cho khả năng thụ thai giảm đi.
- Khuyết tật bẩm sinh cho thai: Phụ nữ dưới 30 tuổi có nguy cơ khuyết tật bẩm sinh cho thai nhi thấp hơn so với trên 30 tuổi. Ví dụ nguy cơ thai nhi mắc khuyết tật nhiễm sắc thể bẩm sinh ở người phụ nữ 20 tuổi là 1,9 trên 1000 thai nhi, ở người phụ nữ 35 tuổi là 5,2, và ở người 40 tuổi là 15,2 trên 1000 thai nhi. Trong hầu hết các trường hợp, những phụ nữ trên 35 tuổi khi mang thai nên được xét nghiệm các rối loạn gen và tầm soát sớm về khuyết tật bẩm sinh
- Các nguy cơ sức khỏe và thai nghén: Sản phụ càng lớn tuổi, nguy cơ của các bệnh lý như đái tháo đường hay cao huyết áp khi mang thai càng tăng. Nguy cơ của những biến chứng từ các bệnh lý này cũng nhiều hơn so với các sản phụ trẻ tuổi hơn có cùng bệnh lý. Quá trình theo dõi, chăm sóc cũng kỹ lưỡng hơn kể cả quá trình mang thai cũng như khi đẻ.
Cách điều trị bệnh đa nang buồng trứng
Chuẩn bị cho mang thai lần đầu
Chuẩn bị mang thai không nên ăn gì?
Tiêm phòng trước khi có bầu nên hay không?
Đàn ông cũng cần chuẩn bị mang thai
Dấu hiệu mang thai sớm
(ST)