Làm sao để hết lo âu hồi hộp, tìm được cân bằng trong cuộc sống

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Làm sao để hết lo âu hồi hộp, tìm được cân bằng trong cuộc sống

19/04/2015 06:01 AM
1,203

Lo âu là một phần tất yếu, là gia vị của cuộc sống. Cả bạn và tôi, không ai sống mà không lo cả. Tuy nhiên, nếu loại gia vị này chiếm tỉ lệ quá nhiều thì lo âu sẽ trở thành bệnh lý và ảnh hưởng đến chức năng xã hội và nghề nghiệp của chính bạn. Vậy làm sao để hết lo âu hồi hộp tìm được cân bằng trong cuộc sống




Vì thế, chúng ta cần phải giảm lo âu. Làm thế nào để giảm lo âu? Sau đây là 25 cách mà bạn có thể dùng để giảm lo âu và vui sống.

1.    1.  Tư duy/suy nghĩ tích cực

Cảm xúc, tư duy và hành vi trong mỗi con người chúng ta là một vòng tròn khép kín, chúng có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau. Một trong 3 yếu tố trên thay đổi sẽ tạo ra những biến đổi ở các thành tố còn lại. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, bạn hãy lấy 1 tờ giấy kẻ làm đôi, 1 bên là tích cực, 1 bên là tiêu cực. Sau đó bạn hãy liệt kê tất cả các suy nghĩ trong ngày theo 2 cột trên. Các bạn sẽ thấy một kết quả đáng kinh ngạc, chúng ta tư duy tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Đây chính là nguyên nhân gây ra lo âu. Vì thế, tư duy tích cực sẽ làm cho chúng ta giảm được lo âu.

Vậy thì một câu hỏi đặt ra là “làm thế nào để tư duy tích cực?”. Đây là một câu hỏi không nhỏ và thực hiện không dễ dàng đối với một số người. Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này, cách thứ nhất là bạn hãy đăng ký tham dự một khóa học về tư duy tích cực hoặc tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý (có thể là nhà tham vấn hay nhà trị liệu tâm lý) để thay đổi bản thân nếu như cảm thấy mình không thể tự thay đổi bản thân mình. Nếu bạn cảm thấy tự mình có thể giải quyết được thì hãy làm như sau: (1) trong mọi tình huống, mọi từ ngữ, mọi suy nghĩ hãy tập thói quen tìm khía cạnh tích cực của vấn đề dù hoàn cảnh có tiêu cực đến cỡ nào; (2) Gieo hành vi sẽ gặt thói quen, vì thế muốn hình thành thói quen chúng ta phải luyện tập thường xuyên cách thứ nhất; (3) Và cuối cùng là hãy nói với bản thân mình (self-talk) những điều tích cực, đây là quá trình chúng ta đang tự ám thị mình. Vì thế, hãy nói với bản thân mình những điều tích cực thay vì tiêu cực.

2.Định hướng công việc

Cảm thấy tốt về những nỗ lực của bản thân trong công việc và hoàn thành công việc. Bạn không nên quá cầu toàn trong công việc, hãy làm việc với phương châm là làm hết mình trong khả năng có thể còn kết quả như thế nào thì hãy suy nghĩ theo hướng “mình đã cố gắng hết sức, mình hài lòng với kết quả đó, đó là thành quả của sự cố gắng của bản thân, mình phải quý trọng nó”. Nghĩ và làm được như thế, bạn sẽ cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn.

3.Chấp nhận bản thân

Một điều khá thú vị và đôi khi các bạn cho là vô lý hoặc không để ý đến đó là chúng ta không chấp nhận chính bản thân mình. Có người nói rằng “tôi mập quá”, “tôi ốm quá”, “da tôi không đẹp”, “mặt tôi có quá nhiều mụn”… Hãy nhớ một điều, ngay cả bản thân mình mà các bạn còn không hài lòng, không chấp nhận chính mình thì bạn đừng trách người khác tại sao không hài lòng hay chấp nhận bạn. Các bạn muốn những mối quan hệ của mình tốt hơn thì bước đầu tiên là các bạn phải làm sao để bạn tốt hơn trước.

Bạn phải biết nhận diện những giá trị của bản thân mình và tự tin với những giá trị đó. Chỉ khi nào bạn biết thật sự giá trị con người bạn ở đâu, bạn ý thức được rằng mình có những giá trị đó mà trong cuộc sống không có nhiều người có. Hãy hài lòng với những gì mình có và hãy tự nhủ rằng “còn nhiều người còn không được như mình”.

4.Linh hoạt

Linh hoạt và uyển chuyển trong cách nghĩ sẽ giúp bạn không phải tốn nhiều năng lượng. Bạn không cần phải cay cú hay ấm ức về kết quả của cuộc tranh luận là ai đúng, ai sai và ai thắng ai thua. Vì đúng sai hay thắng thua chẳng có ý nghĩa gì cả. Cuộc sống này, vốn chẳng có gì đúng sai cả mà tất cả là do chúng ta quy định ra đúng sai mà thôi. Ở Việt Nam các bạn phải đi bên phải khi tham gia giao thông nhưng khi bạn qua Anh hay Ấn Độ nếu bạn không linh hoạt, không thay đổi thì chắc chắc bạn sẽ thường xuyên bị đụng xe, bởi vì ở những nước này khi tham gia giao thông bạn phải đi bên trái. Vậy thì luật giao thông của nước nào là đúng? Chả có ai đúng và cũng chẳng có ai sai mà tự ta quy định đúng sai mà thôi. Vì thế, linh hoạt sẽ giúp bạn giảm được lo âu.

5.Phát triển những mục tiêu thực tế

Trong cuộc sống, nhiều người tự làm khổ mình bằng cách đưa ra những mục tiêu phi thực tế như “trở thành tỉ phú khi 21 tuổi”, “học lực giỏi trong khi đang học trung bình”… Những mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong cuộc sống phải thực tế và vừa sức. Bạn cần phải thực hiện nhiều mục tiêu ngắn hạn, và một vài mục tiêu dài hạn để đạt được mục tiêu chính. Bà loại mục tiêu này có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu cảm thấy mục tiêu đó là quá sức vì mình đã thất bại thì bạn phải giảm mục tiêu thấp hơn, vừa sức với mình.

6.Có cái nhìn tích cực về cuộc sống

Mọi sự vật trong đời sống đều tồn tại những mặt đối lập nhau, đỉnh cao của hạnh phúc sẽ là đau khổ, đau khổ tột cùng thì sắp tới sẽ là hạnh phúc bởi vì hết khổ là vui vốn lẽ đời. Ai cũng có cái tốt lẫn cái xấu, không ai hoàn thiện cả. Cuộc sống có lúc “hồng”, có lúc “đen”. Hãy vui vẻ đón nhận những hạnh phúc và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn vì hạnh phúc luôn đi kèm với nó là đau khổ. Không có gì phải lo cả, đó là qui luật của tạo hóa rồi.

7.Khuyến khích tinh thần của bạn: Luôn động viên, khuyến khích tinh thần của bạn thay vì chỉ trích hay phán xét.

8.Lãng quên những tác nhân gây căng thẳng cho bản thân

Thỉnh thoảng bạn phải dẹp mọi thứ sang một bên để thư giãn và vui vẻ. Bạn hãy nhớ những gì cần nhớ, bỏ qua những gì không cần thiết để giảm tải cho não của bạn.

Làm thế nào để lãng quên? Theo nguyên tắc củng cố trí nhớ thì mỗi một lần chúng ta cố quên đi một vấn đề gì thì chúng ta lại một lần nữa đang củng cố trí nhớ của mình về việc đó mà mình không hay biết. Vì thế mà “càng cố quên thì lại càng nhớ” và càng muốn quên thì lại càng nhớ.

Để giải quyết vấn đề này ngoài việc chấp nhận vấn đề, chấp nhận sự thật bạn phải dùng thêm phương pháp “lấy đá đè cỏ”. Hãy tìm một việc khác để làm thay vì ngồi đó mà suy nghĩ về tác nhân đang găng căng thẳng cho bạn. Cách “lấy đá đè cỏ” tốt nhất là tập trung vào hơi thở của chính bạn, theo dõi hơi thở ra vào và bạn sẽ cắt đứt mọi vấn đề bằng cách theo dõi hơi thở này. Tôi sẽ giới thiệu cụ thể hơn về kỹ thuật theo dõi hơi thở trong một bài viết khác gần đây.

9.Hít thở sâu, thư giãn, thiền định hay mường tượng

 Bạn có thể tìm cho mình cách thư giãn phù hợp nhằm giảm bớt stress trong cuộc sống. Bạn cũng có thể tham dự một khóa thiền định hay yoga, tuy nhiên trước khi làm việc này bạn phải tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý bởi vì những người có rối loạn về tâm lý thì không nên tập thiền định và yoga. Bạn phải giải quyết bất ổn về tâm lý trước khi tham dự một khóa thiền hay yoga.

Hãy nhắm mắt lại, mường tượng rằng bạn đang đi ra biển, tiếng sóng vỗ rì rào, làn gió thổi mát rượi và bãi cát thật êm đềm. Hãy đám mình trong khung cảnh ấy.

10.Tìm sự hài hước trong công việc

Hài hước là liều thuốc xóa tan mọi căng thẳng, lo âu và khoảng cách. Vì thế, bạn phải học cách hài hước trong công việc và trong cuộc sống để giảm lo âu.

11.Dành thời gian cho những người mà bạn yêu thích

Đi uống cà phê cùng những người bạn mà bạn thật sự yêu thích, tám chuyện sau một tuần làm việc, cùng nhau đi du lịch hay đi picnic với những người thân thiết sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống thú vị và yêu đời hơn.

12.Duy trì việc viết nhật ký

Viết nhật ký là một cách rất hay để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Bạn giận dữ, buồn, khó chịu… mà không bày tỏ được, hay viết chúng ra. Bạn không cần phải cầu kỳ cho thành câu, thành chữ, thành đoạn hay thật ướt át. Hãy viết những gì đang xuất hiện trong đầu bạn. Một lúc nào đó trong đời, bạn đọc lại những dòng này sẽ thấy mình thật buồn cười và thông qua đó bạn sẽ hiểu mình hơn. Ngày nay, giới trẻ có khuynh hướng chuộng facebook,viết blog, đây cũng là một hình thức viết nhật ký, bạn cũng có thể thực hiện được.

13.Phân chia thời gian hợp lý

Bạn có nhiều việc bắt buộc phải làm, nhiều việc không thể không làm và nhiều việc cần phải làm… nhưng bạn cũng cần phải làm một số việc mà bạn yêu thích. Phân chia thời gian hợp lý sẽ giúp bạn làm việc một cách chủ động và làm được những việc mà bạn yêu thích.

14.Sử dụng hệ thống hỗ trợ của bạn

Hệ thống hỗ trợ là tập hợp những bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình, anh em, thầy cô giáo… những người có thể hỗ trợ, chia sẻ với bạn trong lúc khó khăn hoạn nạn. Một người có hệ thống hỗ trợ sẽ nhanh vượt qua sang chấn tâm lý hơn so với những người đơn độc một mình. Hãy xây dựng hệ thống hỗ trợ cho bạn ngay từ bây giời nếu bạn chưa có vì đó là cách bảo vệ và phát triển chính bạn.

15.Quyết đoán trong giao tiếp

Bạn phải tập tính quyết đoán trong giao tiếp. Phải biết nói “KHÔNG” trong những trường hợp cần thiết để cảm thấy thoải mái.

16.Giao tiếp tốt

Giao tiếp sẽ giúp bạn học hỏi nhiều điều hay lẽ phải từ người khác, giải tỏa cảm xúc tiêu cực… Vì thế, nếu bạn cảm thấy mình không giao tiếp tốt hãy đăng ký một khóa học về giao tiếp.

17.Có những giờ giải lao ngắn trong suốt cả ngày làm việc

Bạn cần khoảng 15 phút giải lao trong ngày chia làm vài lần để thư giãn và đưa bản thân bạn ra khỏi những căng thẳng và những đòi hỏi của cuộc sống.

18.Tập thể dục một cách hợp lý

Đi bộ rất có ích cho việc giảm những căng thẳng của cơ thể và giảm bớt Stress. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn một môn thể thao hay nghệ thuật vừa sức mà mình yêu thích để luyện tập thường xuyên như: Arobic, bơi lội, cầu lông, tenis, nhảy, ca hát, hội họa, ... Vận động thân thể sẽ giúp tinh thần bạn phấn chấn hơn. Tuy nhiên, không nên vận động quá nhiều trước giờ đi ngủ sẽ làm bạn khó đi vào giấc ngủ.

19.Ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ

Giấc ngủ sẽ giúp bạn tái lập trạng thái cân bằng của cơ thể và tâm lý. Vì thế, bạn cần phải ngủ đủ giấc. Nếu bạn khó ngủ hãy tìm sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý hay bác sĩ y khoa để cải thiện giấc ngủ của mình. Bạn ngủ không đủ bạn không thể đương đầu với những khó khăn được.

20.Chú ý đến yếu tố dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn thoải mái về tinh thần lẫn thể xác. Vì thế, bạn hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có khẩu phần ăn hợp lý.

21. Đi massage

Massage là cách tốt nhất để giảm căng cơ và thư giãn. Một tuần từ 1-2 lần đi massage sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe và thoải mái hơn. Tuy nhiên, bạn phải tìm chỗ massasge đúng nghĩa nếu không bạn sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức sau khi thoải mái.

22.Chọn những môi trường mà bạn cảm thấy thoải mái

Ông bà ta nói không sai “Đất lành thì chim đậu”, con người cũng thế, bạn cần tìm và đến những nơi đem lại sự thoải mái và hạn chế đến những nơi gây cảm giác khó chịu cũng là một cách hữu hiệu.

23.Làm việc để đảm bảo tài chính

An toàn là một ngu cầu và an toàn về tài chính là yếu tố căn bản để tạo sự yên tâm và bớt lo lắng. Vì thế, bạn phải làm việc kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống thay vì ngồi không rầu rĩ hay “long ba long bong” hết quán cà phê này đến quán cà phê khác.

24.Thực hành việc quản lý thời gian

Muốn quản lý được thời gian thì trước hết bạn phải tìm cho ra “những kẻ cắp thời gian” của bạn là ai và triệt tiêu chúng đồng thời phân chia thời gian hợp lý và khoa học.

25.Chăm sóc tốt bản thân

Yêu thương bản thân và chăm sóc tốt cho bản thân mình là nguyên tắc hàng đầu để đảm bảo cuộc sống được hạnh phúc. Bạn có chăm sóc tốt bản thân mình hay không? Hay bạn đang lo chăm sóc người khác mà quên đi bản thân mình? Hãy suy nghĩ về điều đó.

Nếu bạn đang bị lo âu làm khó khăn thì 25 cách trên là 25 viên thuốc tinh thần mà tôi dành tặng cho các bạn. Bây giờ, việc của bạn là phải “uống” 25 viên thuốc tinh thần này để giảm đi lo âu. Có nghĩa là sau khi đọc bài viết này, chính bạn phải hành động để làm giảm lo âu hoặc bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để giúp bạn giảm lo âu của chính mình.



Thêm một vài cách để giảm bớt sự lo âu


9 cach de giam bot su lo au
Có bạn bè - sẽ giúp bạn sẻ chia những lo âu
Cuộc sống không thiếu những mối lo, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Để giảm bớt những lo âu, bạn có thể làm theo những cách sau đây:

1. Ăn một chế độ ăn kiêng khỏe mạnh: Nuôi dưỡng cơ thể bạn với những thức ăn tốt và đầy đủ dinh dưỡng sẽ hạn chế chuyện stress. Bạn hãy có một kế hoạch ăn uống khỏe mạnh thông qua những hướng dẫn trên sách báo.

2. Tập thể dục: Cố gắng tập thể dục vừa phải trong thời gian biểu của bạn, tối thiểu từ 3 đến 4 lần/1 tuần với khoảng 30 - 45 phút mỗi lần tập. Không chỉ giữ cho dáng vóc, mà tập thể dục còn giúp bạn yêu đời hơn.

3. Thư giãn: Nếu có thể, bạn hãy cố định một giờ ngủ như nhau vào mỗi buổi tối. Lên "lịch" ngủ là một chuyện không kém quan trọng và bạn hãy cố gắng duy trì điều này.

4. Tổ chức: Bạn đang cố gắng làm việc có tổ chức? Bạn thường xuyên thức trắng đêm để giải quyết những việc "nước đến chân mới nhảy"? Tình trạng này sẽ rất dễ dẫn đến stress, nhưng cũng có thể tránh được. Hãy lên kế hoạch và tổ chức thời gian của bạn. Lúc đầu có thể sẽ tạo thêm cho bạn những áp lực nhưng về sau sẽ làm cuộc sống và công việc của bạn dễ dàng hơn.

5. Thở sâu: Hít vào, thở ra. Thở sâu bất cứ khi nào có thể sẽ là "vũ khí" rất tốt để chống lại stress. Bạn có thể nhắm mắt lại và thở sâu trong một vài phút để giúp bạn giảm bớt sức ép.

6. Sự suy ngẫm: Đã có bằng chứng khoa học chứng minh rằng sự suy ngẫm là một cách hiệu quả để giới hạn sự lo âu và giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh nội lực. Nếu bắt mới bắt đầu suy ngẫm, bạn có thể làm việc với một nhóm. Bạn hãy có thể tự tìm ra đề tài hoặc suy ngẫm những vấn đề theo ý tưởng do trong nhóm đưa ra.

7. Phát triển một hệ thống công việc nâng đỡ lẫn nhau: Đừng cố gắng mang nặng cả thế giới trên vai bạn. Hãy đề nghị bạn bè, người thân và đồng nghiệp chia sẻ trách nhiệm cuộc sống và công việc với bạn. Cách tốt nhất là bạn nên có những người bạn thân để cùng đối mặt với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống...

8. Có thời gian cho chính mình: Một thời gian biểu thú vị, đừng cố gắng kìm hãm những sở thích riêng của mình nhé!

9. Hài hước: Hãy luôn giữ ý thức hài hước về mọi thứ và không làm chính mình quá nghiêm trọng mọi vấn đề là "kế hoạch sống" hiệu quả nhất. Nên nhớ rằng, bất cứ nơi đâu có nụ cười, ở đó có niềm hy vọng.


Lo âu, hồi hộp nên đi khám chuyên khoa tâm thần

Nhiều người khi có biểu hiện lo âu, hồi hộp... thường đi khám thần kinh, tim mạch thay vì đến chuyên khoa tâm thần, dẫn đến bệnh kéo dài.

Hiểu và nhận diện đúng triệu chứng bệnh để điều trị đúng chuyên khoa là rất cần thiết.

Suy nhược thần kinh là một tên gọi chung được chẩn đoán sau khi không đủ những triệu chứng chủ yếu để xác định các bệnh rối loạn thần kinh khác như lo âu, ám ảnh sợ, xung động ám ảnh (cơn ám ảnh sợ quá mức), các phản ứng với tình trạng stress … Như vậy suy nhược thần kinh là một tên gọi chung cho các bệnh loạn thần kinh khi các bệnh này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán và có trong Bảng phân loại bệnh tâm thần của Tổ chức Sức khỏe Thế giới lần thứ 10 với mã số là F48.

Suy nhược thần kinh cần được phát hiện kịp thời và đi khám đúng chuyên khoa.
Suy nhược thần kinh cần được phát hiện kịp thời và đi khám đúng chuyên khoa. Ảnh minh họa

Một số loại bệnh suy nhược thần kinh

Stress

Stress có từ mức độ nhẹ đến nặng, kéo dài sau sang chấn. Khi bị stress nhẹ, kể cả nặng, mà chúng ta vượt qua được, thì chúng ta đã được “trui rèn” trở nên cứng cáp, can đảm trong cuộc sống. Trường hợp này, stress có lợi. Khi stress nặng hoặc xảy ra nhiều lần mà chúng ta không vượt qua được thì rất dễ dẫn đến các phản ứng trầm cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trầm cảm kéo dài hay vừa lo âu vừa trầm cảm…

Rối loạn lo âu

Đây là dạng bệnh gặp nhiều nhất trong nhóm bệnh suy nhược thần kinh. Bệnh nhân tự nhiên có cảm giác lo sợ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Thực thế là số người đi khám bác sĩ vì lo âu ngày một gia tăng. Tuy nhiên không phải ai cũng đi đúng chuyên khoa tâm thần. Vì một số bệnh nhân cho là bệnh thần kinh nên thường khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh trước. Chúng ta nên nhớ thần kinh và tâm thần là hai chuyên khoa hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra, vì triệu chứng dễ thấy và thấy sớm nhất là hồi hộp đánh trống ngực (lo vô cớ) nên số lượng bệnh nhân đi khám bác sĩ tim mạch cũng nhiều và đôi khi được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim hoặc rối loạn chức năng thần kinh tim. Chỉ đến đến khi các triệu chứng trên kéo dài và chưa được dùng đúng thuốc chuyên khoa nên bệnh không giảm, thì lúc này mới đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Các rối loạn lo âu gồm nhiều loại khác nhau như lo âu lan tỏa, cơn hoảng loạn, lo âu và trầm cảm hỗn hợp… Nếu các triệu chứng lo âu hiện diện cùng lúc với các triệu chứng trầm cảm thì các bác sĩ chuyên khoa tâm thần có khuynh hướng chẩn đoán là trầm cảm. Như vậy, có thể hiểu suy nhược thần kinh còn có cả trầm cảm.

Trầm cảm

Trầm cảm được biểu hiện bằng các triệu chứng: buồn chán, không còn quan tâm hứng thú, mất ngủ, bứt rứt hoặc chậm rề rà, thiếu hụt năng lượng để làm việc, cảm thấy vô dụng, có lỗi và hay nghĩ tới cái chết… Trầm cảm có thể biểu hiện triệu chứng ở từng lúc hay thời gian khác nhau, hoặc sau một giai đoạn rối loạn tâm thần khác. Có người chỉ xuất hiện một cơn trầm cảm, mức độ có cả nặng và trung bình. Cơn trầm cảm nặng có tiêu chuẩn chẩn đoán rất rõ ràng và có cả nguy cơ tự tử.

Bệnh rối loạn thực thể hóa

Khi bị lo âu kéo dài, chữa không hết, xuất hiện các triệu chứng đau “không cụ thể ” ở các cơ quan trong cơ thể, nhiều nhất là đau tim vùng trước ngực, đau dạ dày vùng thượng vị, thậm chí “đau giả như có bệnh như thiệt”. Lúc này bác sĩ cho làm các xét nghiệm như chụp X-quang, CT-Scanner, MRI, nội soi (kể cả nội soi hiện đại) cũng không phát hiện tổn thương đặc hiệu. Đây là bệnh “rối loạn thực thể hóa”, cũng là một bệnh thuộc lĩnh vực suy nhược thần kinh.

Tóm lại, tên gọi suy nhược cơ thể ngày nay không còn phù hợp vì không nêu được bệnh lý cụ thể. Trong khi đó, suy nhược thần kinh là tên gọi chung cho các rối loạn lo âu, trầm cảm, ám ảnh sợ và cơn xung động hành vi do lo sợ quá mức, các phản ứng liên quan đến stress, các rối loạn giả bệnh…

Suy nhược thần kinh nếu không điều trị đúng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Stress nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến sức khỏe kém thậm chí kiệt sức, tình thần bất an, lo lắng cho cuộc sống bản thân và gia đình. Nói cách khác là dẫn đến trầm cảm lo âu. Trạng thái trầm cảm không chữa trị, các triệu chứng sẽ nặng thêm, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý nghĩ chết chóc tăng lên rất dễ dẫn đến tự tử. Các rối loạn ám ảnh khác dễ dẫn đến nghiện rượu và nghiện các thuốc an thần do tự điều trị… Cuối cùng bệnh nhân có nguy cơ mất khả năng lao động và tình trạng này lại làm nặng thêm các diễn tiến trên.

Điều cần làm khi bị suy nhược thần kinh

Khi nghi ngờ có hiểu hiện của suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đến khám bệnh ở các bệnh viện tâm thần, khoa tâm thần trong các bệnh viện, các phòng khám tâm thần quận huyện. Trước kia Bệnh viện Tâm thần TP.HCM và các bệnh viện tâm thần khác là những nơi chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần phân liệt mà chúng ta hay gọi là bệnh “điên” là chính. Nhưng hiện nay, các bệnh viện này đều chữa trị cho tất cả các dạng bệnh tâm thần khác.

Một điều được ghi nhận là số lượng bệnh nhân bị các rối loạn thuộc suy nhược thần kinh nhiều hơn loạn thần. Bên cạnh đó, kinh nghiệm phát hiện bệnh của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần ngày càng nhiều và các loại thuốc chuyên trị cũng đủ đáp ứng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể đến tư vấn tại các bệnh viện tâm thần.

Khi dùng thuốc bệnh nhân cần theo đúng toa bác sĩ. Không tự uống thuốc, không nghe theo bệnh nhân khác, vì một số thuốc chữa suy nhược thần kinh có khả năng gây nghiện. Bệnh nhân nên chú ý lời dặn của bác sĩ và báo ngay bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường do tác dụng phụ của thuốc hay do không “hợp thuốc”.

Một số cách phòng ngừa suy nhược thần kinh

- Thực hiện lối sống lành mạnh như dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc, tập thể dục, tránh lạm dụng rượu bia, tránh sử dụng thuốc kích thích…

- Biết lượng sức mình, không nên đặt tham vọng thử thách quá cao mà bản thân không thể thực hiện được.

- Học hỏi bạn bè, quan hệ cởi mở

- Tránh ích kỷ, thù hằn

- Nên nói ra tình trạng buồn phiền, lo lắng hay tình trạng suy nhược (cơ thể và thần kinh) với người thân cận hoặc ai đó mà chúng ta tin tưởng.

Tóm lại suy nhược thần kinh là tên gọi chung của các bệnh thuộc nhóm loạn thần kinh. Nếu có những biểu hiện suy nhược thần kinh, bệnh nhân nên đi khám và tư vấn tại các bệnh viện tâm thần. Khi điều trị cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhân hồi phục lại trạng thái bình thường, tránh để suy nhược thần kinh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và khiến bệnh nhân mất khả năng lao động




Làm sao để hết căng thẳng đầu óc nhanh
Làm sao để hết bị rụng tóc -
Làm sao để hết bạc tóc nhanh và hiệu quả
Làm sao để hết đau khi quan hệ lần đầu
Làm sao để hết chảy nước mũi,
Làm sao để hết bệnh trầm cảm
Làm sao để hết bọng mắt không còn là nỗi lo




(st)
Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý