Bài thuốc chữa bệnh táo bón đơn giản hiệu quả cao

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Bài thuốc chữa bệnh táo bón đơn giản hiệu quả cao

19/04/2015 06:03 AM
1,150

Bài thuốc chữa bệnh táo bón đơn giản hiệu quả cao. Các bài thuốc bằng tự nhiên đơn giản an toàn được nhiều người ưa chuộng Hãy tham khảo để tìm ra cách chữa trị thích hợp bạn nhé!







BÀI THUỐC CHỮA BỆNH TÁO BÓN ĐƠN GIẢN BẰNG DÂN GIAN

Có thể phòng táo bón bằng cách ăn nhiều rau, uống nhiều nước, xoa bụng hoặc dùng bài thuốc sau.


1.  Mật ong 25 ml, vừng đen 20 g. Vừng đen giã dập cùng mật ong, thêm 150 ml nước quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi chín chia 2 lần ăn trong ngày vào lúc đói, cần ăn liền 7 ngày.

2. Đậu xanh 40 g, đường đỏ 30 g. Đậu xanh để cả vỏ giã dập, cùng đường đỏ cho vào nồi thêm 350 ml nước đun sôi kỹ, khi nhừ chia 2 lần ăn trong ngày, ăn liền 7 ngày.

3. Hoa kim ngân 30 g, mật ong 20 ml. Hoa kim ngân cho vào nồi, thêm 250 ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 150 ml, cho mật ong vào quấy đều chia 3 lần uống trong ngày, cần uống liền 7-10 ngày.


4. Cà rốt 50 g, mật ong 25 ml. Cà rốt rửa sạch, xay nhỏ, cho vào mật ong, thêm 150 ml nước quấy đều, đun nhỏ lửa, khi chín chia 2 lần, ăn lúc đói, ăn liền 7 ngày.

5. Đậu đen 50 g, mật ong 25 ml. Đậu đen ninh nhừ, cho mật ong vào quấy đều cho bệnh nhân ăn như bài trên.

6. Hà thủ ô 150 g, táo tàu 13 quả. Hà thủ ô sấy khô, tán bột, táo tàu bóc lấy cùi, bỏ hạt, giã nhỏ, cho bột hà thủ ô vào, thêm nước cháo để luyện viên bằng hạt đậu xanh, phơi khô. Ngày uống 30-50 viên chia 2 lần, uống với nước sôi để nguội.

7. Khoai lang 50 g, mía đỏ 60 g. Khoai lang tươi để cả vỏ, rửa sạch, xay nhỏ; mía ép lấy nước, hai thứ trộn đều với nhau, đun nhỏ lửa, quấy đều tay cho chín, chia 2 lần ăn trong ngày; ăn 5-7 ngày.


Trị táo bón do lo lắng buồn rầu làm hại phế khí, hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng:

- Trần bì (bỏ xơ trắng) 10g, tía tô (lấy cành lá non) 10g, chỉ xác (bỏ ruột sao qua) 10g, mộc thông (bỏ mắt) 10g. Tất cả  cho vào nồi, đổ nước  vừa đủ sắc cho uống.

- Hoặc dùng hạt tía tô, hạt vừng đen lượng bằng nhau, giã nhỏ cho vào nước, lọc bỏ bã, cho gạo đã đãi sạch nấu cháo ăn.

Trị táo bón, bí kết, bụng trướng đầy: nghệ vàng sao khô, tán nhỏ cùng mủ cây vú bò giã nhỏ làm viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 3 viên.

Trị đại tiện táo kết không thông lâu ngày: củ rẻ quạt giã sống 12g hòa với 1.200ml nước lọc  bỏ bã cho uống.

Bài thuốc của

Hải Thượng Lãn Ông

Trị táo bón đại tiện không thông:

phèn chua 4g, ba đậu sương 2 hột nghiền chung cho đều rồi bọc giấy ướt nướng ăn. Hoặc đương quy 10g, bạch chỉ 10g, tán nhỏ uống với nước cơm. Hoặc vừng đen nấu cháo với gạo trắng, gia vị vừa đủ, ăn nóng ngày 2 lần vào sáng, tối.

Trị táo bón bí đại tiện ở người cao tuổi: hoàng kỳ 20g, trần bì (bỏ xơ) 20g tán nhỏ, lấy vừng đen 1 vốc nghiền nát, đổ nước nấu sôi, thêm 1 thìa mật ong, đun lại cho sôi rồi hòa với nước trên cho uống khi đói.

Trị táo bón, đại tiện quặn đau, mót rặn: đào nhân 12g, ngô thù du 8g, muối 4g, nấu chung đến chín thì bỏ hết, chỉ dùng đào nhân. Mỗi lần ăn 5-7 hột. Hoặc bồ kết (sao với cám) 100g, chỉ xác (sao) 100g, tán nhỏ, quết với cơm nát làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 30 viên với nước cơm.

Chữa đại tiện táo, không trung tiện được: ô mai 10 quả, bỏ hột, quết nhuyễn viên bằng quả táo, nhét vào hậu môn.            



Chữa táo bón bằng thuốc Nam

Dùng vừng đen 40-50g sao qua trộn với 30g mật ong chữa táo bón

Táo bón làm trở ngại việc tống các chất cặn bã gây ra bí trướng, đau đớn làm người bệnh khó chịu. Chữa trị táo bón ngoài việc điều chỉnh một chế độ ăn uống hợp lý, tăng khẩu phần rau xanh và các chất xơ để tăng nhu nhuận, có thể dùng thuốc hoạt tràng, thông tiện. Có rất nhiều vị thuốc điều trị bệnh táo bón. Xin giới thiệu một số vị thuốc nam thông dụng mà hiệu quả.

Vừng đen: Tên thuốc gọi là hắc chi ma, là một thực phẩm khá quen thuộc, chứa nhiều chất dầu, protein, các chất cholin, phytin, methionin… Hạt vừng vị ngọt, tính bình vào 4 kinh phế, vị, can, thận. Dùng chữa các chứng can thận suy yếu, ù tai, váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, đại tiện bí táo, râu tóc bạc sớm. Trường hợp Táo bón, dùng vừng đen 40-50g sao qua trộn với 30g mật ong ăn vài lần trong ngày. Có thể dùng vài ngày.

Táo bón do cơ địa âm hư, huyết nhiệt: táo bón lâu ngày, thường xuyên họng khô, miệng khát, hay lở loét miệng, tính tình cáu gắt. Dùng bài thuốc sau: Lá dâu 100g, vừng đen 100g, mạch môn 100g, sa sâm 200g. Tất cả các vị này rửa sạch, để khô rồi xay thành bột mịn, mỗi ngày trộn 10 - 20 g với mật ong uống. Ngày uống 2 lần.

vung2.jpg

Vừng đen có tính mát chữa táo bón rất tốt

Táo bón do thiếu máu ở phụ nữ sau đẻ, người mới ốm dậy: Khó đại tiện, người gầy còm, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt. Dùng bài thuốc: Thục địa 12g, đương quy 8g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, bá tử nhân 8g, vừng đen 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang.

Táo bón do khí hư thường gặp ở người già, phụ nữ sau đẻ nhiều lần trường lực cơ giảm với các triệu chứng cơ nhão, táo bón, hay đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, ợ hơi. Dùng bài thuốc: Bạch truật 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn 12g, sài hồ 12g, kỷ tử 12g, vừng đen 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Táo bón do khí trệ, thường gặp ở những người ngồi lâu, ít hoạt động hoặc do viêm đại tràng mạn tính. Dùng bài thuốc: Đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, chỉ xác 12g, chỉ thực 12g, hậu phác 10g, vừng đen 10g, chút chít 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thầu dầu: Dùng dầu của hạt cây thầu dầu, tên thuốc là tỳ ma du. Thuốc có vị ngọt cay, tính bình, quy vào hai kinh vị và đại tràng. Tác dụng nhuận hạ, tích trệ, tiêu sưng. Dùng dầu thầu dầu làm trơn nhuận, phù hợp với người già bị bệnh táo bón. Dùng ngày 2 lần, mỗi lần 5ml.

Quả mướp: Quả tươi chứa các chất cholin, phytin, các acid amin tự do. Tác dụng làm lưu thông máu, thông sữa, làm dịu, chữa táo bón, đau nhức gân xương. Dùng mướp nấu ăn hoặc sắc cô đặc lấy nước uống có tác dụng làm hoạt tràng, thông tiện.

Bồ kết: Dùng quả già, chín đem phơi hoặc sấy khô. Thuốc có vị cay, mặn, tính ấm hơi độc, quy vào hai kinh phế, đại trường. Bồ kết chứa chất saponin, một số flavonoid và hợp chất triterpen. Có tác dụng trừ đờm, khai khiếu, điều trị bệnh táo bón, làm thông sữa. Dùng bồ kết quả to, sao tồn tính, tán thành bột mịn, uống ngày 1 lần 2g với nước cơm để điều trị bệnh táo bón.

Đào nhân: Vị thuốc là nhân của hạt đào trong có chứa phần lớn các chất dầu, ngoài ra có amygdalin, men elmusin, một ít tinh dầu. Đào nhân vị đắng, ngọt, tính bình, quy vào hai kinh tâm, can. Có tác dụng hoạt huyết, trừ ứ, nhuận tràng. Liều dùng 4-8g sắc uống. Có thể dùng hoa đào 5-8g có cùng tác dụng.

Lô hội: là nhựa đã chế biến khô của cây lô hội còn gọi là cây lưỡi hổ. Thuốc có vị đắng, tính hàn, quy vào hai kinh tâm, can. Có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, thanh can, hoạt tràng, thông tiện. Dùng chữa các chứng táo bón, ruột dạ dày, can đởm thực nhiệt. Có thể dùng 6g lô hội nghiền nát, trộn với đường rồi ngậm và nuốt dần hoặc dùng lô hội 20g, chu sa 15g, tán nhỏ hòa với rượu làm viên, uống mỗi lần 4g với rượu hoặc nước cơm, ngày 2 lần.

Đại hoàng: Dùng rễ cây đại hoàng. Đại hoàng vị đắng, tính lạnh quy vào 5 kinh: tỳ, vị, can, tâm bào, đại trường. Có tác dụng thông rửa tràng vị, phá tích, hành ứ. Dùng chữa táo bón do nhiệt kết. Liều thường dùng 6-12g. Có thể dùng đại hoàng 9g, đào nhân 9g, hạt bí đao 9g, mang tiêu 9g, đan bì 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần chữa bệnh viêm ruột, đau bụng, táo bón.

Thảo quyết minh : Là hạt của cây muồng. Dùng hạt già đã chế biến khô, chứa chất antraglucosid, ngoài ra có protid, chất nhớt, chất béo và sắc tố. Quyết minh tử vị mặn, tính bình, vào hai kinh can, thận, có tác dụng thanh can, ích thận, thanh can hỏa, trừ phong nhiệt, làm sáng mắt, hoạt tràng, thông tiện. Liều dùng 6-10g, dùng sống hay sao, có thể tán bột hay sắc uống để điều trị bệnh táo bón.

Mạch môn: Vị thuốc là rễ (củ) cây mạch môn đông, thành phần chứa chất nhày, saponin, chất đắng. Vị ngọt hơi đắng, tính hơi lạnh, vào 3 kinh tâm, phế, vị. Tác dụng nhuận mát phổi, thanh tâm, tả nhiệt, sinh tân dịch, lợi sữa, nhuận tràng, tiêu đàm, chữa ho. Để điều trị bệnh táo bón dùng mạch môn 15g, sinh địa 15g, huyền sâm 9g, sắc uống.

Mật ong: Vị ngọt, tính bình, quy vào 5 kinh: tâm, phế, tỳ, vị, đại trường. Tác dụng nhuận, trơn, hoạt tràng, bổ trung, giảm đau, giải độc. Dùng chữa đại tràng táo kết, chỉ thống, thích hợp với người bị chứng tân dịch ở vị tràng thiếu, hư nhược, không phải chứng thực, phù hợp với người già, trẻ em, phụ nữ sau đẻ bị táo bón. Liều dùng 20-40g mỗi ngày.

Phan tả diệp: Dùng dưới dạng lá, vị cay, đắng, tính rất lạnh, quy kinh đại tràng. Thường được dùng phối hợp phan tả diệp 8g, hậu phác 12g, sắc uống chữa chứng đại tràng bí kết gây táo bón. Tuy nhiên không nên dùng cho những người thể hư nhược, phụ nữ mang thai.


MÓN ĂN BÀI THUỐC CHỮ BỆNH TÁO BÓN

Khi bị táo bón, người ta hay mách nhau trọng dụng các đồ ăn, thức uống có tính “mát” và “nhuận” như: Khoai lang, Đu đủ, Chuối tiêu, Thanh long… nhưng không phải ai cũng biết rằng: theo quan điểm của Y học cổ truyền, táo bón có nhiều thể bệnh khác nhau và việc trị liệu theo đó cũng có nhiều điểm khác biệt. Bởi vậy, muốn phòng chống táo bón một cách hữu hiệu, cần phải tuân thủ triệt để nguyên tắc “biện chứng luận trị” của Y học cổ truyền, nghĩa là phải căn cứ vào chứng trạng cụ thể mà lựa chọn và sử dụng các món ăn – bài thuốc (dược thiện) cho phù hợp. Xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình để bạn đọc tham khảo, vận dụng khi cần thiết.

VỚI THỂ BỆNH THỰC NHIỆT

Triệu chứng: Đại tiện phân khô táo, toàn thân có cảm giác nóng bức, hay cáu giận, mặt đỏ, bụng trướng đau, tiểu tiện sẻn đỏ, môi khô miệng khát, thích uống nước mát, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch hoạt sác.

Món ăn – bài thuốc

Củ cải trắng 100g, Mật ong lượng vừa đủ; Củ cải rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt rồi hoà với Mật ong uống trong ngày (nếu có máy ép thì càng tốt).

Công dụng: thanh nhiệt, thông tiện.

Quyết minh tử 10g, cà Dái dê tím 2 quả; Quyết minh tử sắc lấy nước; cà Dái dê tím rửa sạch, thái miếng, đem rán qua với Dầu thực vật rồi nấu với dịch chiết Quyết minh tử cho thật chín, chế thêm gia vị, ăn trong ngày.

Công dụng: thanh nhiệt, thông tiện.

Măng non tươi 100g, rau Cần tây 100g; Măng rửa sạch, luộc qua, thái miếng; rau Cần rửa sạch, cắt đoạn, chần qua nước sôi; xào hai thứ với Dầu thực vật và gia vị vừa đủ, dùng làm rau ăn hàng ngày.

Công dụng: thanh nhiệt, thông tiện.

VỚI THỂ BỆNH KHÍ TRỆ

Triệu chứng: Đại tiện khó khăn, ợ hơi liên tục, ngực bụng đầy chướng, ấm ách khó chịu, ăn kém chậm tiêu, có lúc đau bụng, miệng khô họng khát, chất lưỡi hồng, rêu trắng mỏng, mạch huyền.

Món ăn – bài thuốc

Mộc hương 5g, Binh lang 5g, Gạo tẻ 100g, Đường phèn vừa đủ. Sắc kỹ Mộc hương và Binh lang sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi cho Gạo tẻ vào ninh thành cháo, chế thêm Đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: thuận khí hành trệ, thông tiện.

Mộc hương 10g, Giáng hương 5g, Hải sâm 10g, Đại tràng lợn 1 đoạn; Hải sâm rửa sạch, thái miếng; Đại tràng lợn rửa sạch, thái nhỏ; cho Mộc hương và Giáng hương vào túi vải, buộc kín miệng, cho tất cả vào nồi hầm nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: hành khí, dưỡng huyết, thông trệ.

Chỉ thực 10g, Củ cải trắng và Tôm nõn vừa đủ. Chỉ thực sắc kỹ, lấy nước bỏ bã; Củ cải trắng thái miếng và Tôm nõn cho vào dịch chiết Chỉ thực nấu nhừ, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn hàng ngày.

Công dụng: thuận khí, thông tiện.

VỚI THỂ BỆNH KHÍ HƯ

Triệu chứng: Đại tiện khó khăn mặc dù phân không khô cứng, toàn trạng mệt mỏi, hay có cảm giác khó thở, dễ vã mồ hôi, ăn kém, chậm tiêu, sắc mặt trắng nhợt, đại tiện lỏng hoặc nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch hư nhược.

Món ăn - bài thuốc

Hoả ma nhân 10g, Vừng 5g, bột Hạt dẻ 50g, bột Ngô 50g; Hoả ma nhân và Vừng sao thơm, tán bột, đem nấu với bột Hạt dẻ và bột Ngô thành cháo loãng, chế thêm một chút Đường đỏ, dùng làm đồ điểm tâm.

Công dụng: bổ khí, nhuận tràng, thông tiện.

Hoàng kỳ 300g, Mộc hương 45g, Mật ong lượng vừa đủ. Hoàng kỳ và mộc hương sắc 2 lần lấy nước cốt, cô thật đặc rồi cho thêm Mật ong vào cô tiếp một lát là được; để nguội, đựng trong lọ thuỷ tinh để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.

Công dụng: bổ khí hành khí, nhuận tràng thông tiện.

Hoàng kỳ 10g, Tô tử 50g, Hỏa ma nhân 50g, Gạo tẻ 250g; Hoàng kỳ, Tô tử và Hoả ma nhân sắc kỹ, lấy nước nấu với Gạo tẻ thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: ích khí nhuận tràng.

Nhân sâm 5 – 10g, Vừng đen 15g, Đường trắng lượng vừa đủ; Vừng đen sao thơm tán bột; Nhân sâm sắc kỹ lấy nước, bỏ bã rồi cho Vừng và Đường trắng vào nấu thành cháo loãng, ăn trong ngày.

Công dụng: ích khí nhuận tràng, tư dưỡng can thận.

Hạnh nhân 60g, Vừng đen 500g, Đường trắng 250g, Mật ong 250g; Hạnh nhân giã nát, Vừng đen sao thơm tán bột, trộn hai thứ  với Mật ong và Đường trắng, hấp cách thuỷ cho chín, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.

Công dụng: ích khí nhuận tràng.

VỚI THỂ BỆNH HUYẾT HƯ

Triệu chứng: Đại tiện táo, sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, trí nhớ giảm sút, dễ hồi hộp trống ngực, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược, thường trong tình trạng thiếu máu.

Món ăn - bài thuốc:

Chuối tiêu chín 500g, Vừng đen 25g; Vừng đen rang thơm, giã vụn, ăn cùng Chuối, chia ăn 3 lần trong ngày.

Công dụng: dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận tràng thông tiện.

Quả Dâu chín (Tang thầm) 500g, Sinh địa 200g, Mật ong lượng vừa đủ. Tang thầm và sinh địa sắc 2 lần, lấy hai nước hợp lại, cô nhỏ lửa cho thành dạng cao đặc, chế thêm Mật ong, đun sôi một lát là được, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.

Công dụng: dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận tràng thông tiện.

Tùng tử nhân 50g, Hạnh đào nhân 50g, Mật ong 500ml. Tùng tử nhân, Hạch đào nhân bỏ vỏ, sao khô, tán bột rồi hoà với Mật ong; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 thìa canh.

Công dụng: dưỡng âm nhuận tràng.

Tùng tử nhân 20g, Gạo tẻ 60g; Tùng tử nhân tán vụn, ninh với Gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày.

Công dụng: dưỡng âm nhuận tràng.

VỚI THỂ BỆNH DƯƠNG HƯ

Triệu chứng: Đại tiện khó khăn, sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, sợ lạnh thích ấm, hay đau bụng và lưng do lạnh, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, có thể có liệt dương di tinh, tiểu tiện trong dài, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng ướt, mạch trầm trì.

Món ăn – bài thuốc

Nhục thung dung 30g, Thận dê 1 cặp; Thận dê làm sạch, thái mỏng; Nhục thung dung sắc lấy nước, bỏ bã rồi cho Thận dê vào đun sôi một lát là được; chế Hành, Gừng tươi thái chỉ và gia vị vừa đủ, ăn nóng.

Công dụng: ôn dương thông tiện.

Toả dương 15g, Đường đỏ lượng vừa đủ. Tỏa dương sắc lấy nước bỏ bã, chế thêm Đường đỏ, chia uống 2 lần trong ngày.

Công dụng: ôn dương, nhuận tràng, thông tiện.

Toả dương 5g, Nhục thung dung 5g, thịt Dê 50g, Bột mì 200g. Toả dương và Nhục thung dung sắc kỹ, lấy nước bỏ bã rồi nhào với Bột mì cho thật nhuyễn, cán mỏng, cắt thành sợi, nấu với thịt Dê, chế đủ gia vị, dùng làm đồ điểm tâm hàng ngày.

Công dụng: ôn dương thông tiện.

Hạnh nhân 15g, Đương quy 15g, Phổi lợn 250g; Phổi lợn rửa sạch, thái miếng, chần qua nước sôi rồi đem nấu với Hạnh nhân và Đương quy, chế đủ gia vị, ăn nóng.



LỜI KHUYÊN KHI BỊ BỆNH TÁO BÓN

Táo bón là trạng thái đi tiêu phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường.

Cách chữa điều trị bệnh táo bón

Nguyên nhân có thể do bệnh của đại tràng (co thắt, nhu động giảm, phình đại trường… Bệnh ngoài đường ruột như ung thư gây chèn ép… hoặc bệnh toàn thân như chức năng tuyến giáp giảm, nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể (hư lao), thần kinh tâm thần bị ức chế như lo nghĩ, tức giận, buồn phiền… tập quán sinh hoạt thiếu điều độ..

Bệnh này không lạ lùng gì với bất cứ ai. Tuy nó không được liệt kê vào một trong những bệnh nguy hiểm nhưng việc đi đại tiện, hậu môn rách và chảy máu… thường làm người bệnh cảm thấy đau đớn. Nghiêm trọng hơn, những động tác rặn của hậu môn để cố sức tống phân ra còn có thể dẫn đến các chứng bệnh đau đớn hơn, khó trị liệu hơn như trĩ và cao huyết áp.

Thật ra, muốn tránh bệnh này không có gì khó khăn cả. Thông thường, căn nguyên của nó không ngoài những yếu tố sau: ăn quá ít chất xơ (fiber), uống quá ít nước, ảnh hưởng tình cảm như buồn, lo lắng…, thiếu vận động, có ảnh hưởng phụ của một số thuốc trị bệnh khác.

Qua những nguyên nhân trên, hẳn bạn đã thấy được phần nào cách chữa trị căn bệnh tuy thông thường nhưng quái ác này.

Uống nhiều nước

Trung bình một người lớn cần uống từ một lít rưỡi đến hai lít rưỡi mỗi ngày. Nếu bạn uống ít nước và đang bị táo bón, đây là vấn đề chính của bạn. Hãy uống nhiều nước hoặc các chất như trà, nước trái cây, nước ngọt…

Ăn nhiều chất xơ

Thiếu chất xơ (fiber) là nguyên nhân thông thường của bệnh này. Người bị táo bón thường là những người có thói quen ăn nhiều thịt, ăn ít đậu, trái cây, rau cải… Những chất này là nguồn cung cấp chất xơ cần thiết trong cơ thể. Chẳng hạn như một trái táo sẽ cung cấp khoảng một phần mười tổng số chất xơ cần dùng mỗi ngày. Một chén đậu cung cấp một phần ba nhu cầu chất xơ. Trong các loại đậu nấu chín, bắp rang, lạc, hạt điều… cũng có rất nhiều chất xơ.

Ăn bớt dầu lại

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Grady, chuyên khoa về trị liệu dinh dưỡng, thì mọi thứ dầu ăn như dầu salad, dầu đậu nành… đều không tốt cho việc tiêu hóa. Chúng có khuynh hướng tạo thành một lớp màng bọc chung quanh thành dạ dày, làm cho sự tiêu hóa và hấp thụ chất bổ dưỡng tại dạ dày và ruột non trở nên khó khăn hơn, đồng thời cũng làm tiến trình tiêu hóa bị đình trệ (có khi đến hai mươi giờ đồng hồ). Sự đình trệ này làm các thực phẩm bị lên men thối, tạo chứng sình bụng, và có thể sinh ra một số chất độc có hại cho cơ thể.

Bác sĩ này cũng nới thêm rằng các loại dầu ăn này chỉ không tốt cho bộ máy tiêu hóa nếu tiêu thụ dưới dạng dầu ăn. Với dạng nguyên thủy của nó như salad, đậu nành… thì hoàn toàn không có hại vì chất dầu tiết ra rất ít, không đủ tạo thành lớp màng che dạ dày và thành ruột.

Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày

Chúng ta nhiều lúc chạy theo thời giờ đến nỗi ăn uống không đều, không đúng bữa. Việc bài tiết cũng vì thế mà trở nên thất thường. Nhiều lúc bạn có nhu cầu đi đại tiện, nhưng vì không phải lúc, hoặc vì bận rộn, đành nhịn lại chờ khi khác. Đó là một trong những nguyên nhân chính tạo ra bệnh táo bón.

Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn nên tự do tập cho mình một thói quen đi toilet vào một giờ giấc nhất định trong ngày, lúc mà bạn có đủ thì giờ. Thường sau một bữa ăn là tốt nhất. Chẳng hạn, bạn hãy tập vào ngồi trong toilet chừng mười phút sau bữa ăn tối. Sau vài ba ngày, bạn sẽ có thói quen đại tiện vào buổi tối, và sẽ không cảm thấy có nhu cầu cũng như phải “nán lại” trong những lúc bận rộn nữa. Nhận định này được bác sĩ Marvin, Trưởng khoa Trị liệu dạ dày tại Bệnh viện Baltimore, đưa ra.

Thuốc trị táo bón loại uống

- Thuốc tân dược: Có hai loại thuốc trị táo bón được bán trên thị trường, đều gọi chung là laxative. Loại hóa học có công hiệu nhanh nhưng không nên dùng nhiều, vì thuốc này dễ gây lệ thuộc thuốc, bệnh nhân phải dùng nó mỗi lần muốn đi đại tiện, nếu bỏ thuốc sẽ bị táo bón.

Loại thứ hai cũng gọi là laxative, nhưng thường có thêm chữ “natural” (thiên nhiên) hoặc “vegetable” (làm từ thực vật). Những thuốc này thường được bào chế từ những loại thực vật có nhiều chất xơ. Khi dùng thuốc này, bệnh nhân phải uống với nhiều nước để làm cho chất xơ này nở ra, như vậy mới có công hiệu. Nhìn chung, loại này tốt hơn loại hóa học nhiều và không gây lệ thuộc thuốc. Tuy nhiên, bệnh nhân cần nhớ là nếu không uống nhiều nước theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc, chất xơ có thể tích tụ lại trong dạ dày hoặc đường ruột, gây đầy bụng, khó tiêu.





Những thực phẩm chữa bệnh táo bón hiệu quả
Cách chữa táo bón đơn giản mà hiệu quả
Bài thuốc dân gian trị bệnh trĩ hiệu quả -
Bài thuốc dân gian chữa viêm loét dạ dày hiệu quả .
Ăn gì chữa táo bón
Bệnh táo bón ở phụ nữ mang thai
Bệnh táo bón ở trẻ em
Những món ăn chữa bệnh đường ruột hiệu quả







(ST)



Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
đăng bài mà không cho copy thì làm sao bạn đọc có thể lưu lại để tham khảo, áp dụng?
hơn 1 tháng trước - Thích (7) - Trả lời
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý