Khi đi ngoài phân khô rắn, cứng, thậm chí vài ngày đi một lần gọi là táo bón. Làm sao để hết táo bón nhanh mà không cần dùng thuốc? Cùng tham khảo những thông tin dưới đây
Nói qua về táo bón
Chứng táo bón là biểu hiện của nhiều thứ bệnh, chứ không phải là một căn bệnh. Đối với bệnh nhân khác nhau, triệu chứng táo bón cũng khác nhau. Triệu chứng thường thấy là giảm số lần đại tiện, nói chung hai ba ngày hoặc càng nhiều ngày mới đại tiện một lần, không có quy luật, phân cứng, khó rặn.
Do thói quen đại tiện của người bình thường có sự chênh lệch rất nhiều, đồ ăn, sinh hoạt, môi trường, trạng thái tinh thần đều có thể ảnh hưởng tới tập quán đại tiện, Do vậy, mãi cho đến nay người ta vẫn khó mà đưa ra định nghĩa xác thực cho chứng táo bón.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón rất nhiều, cũng hết sức phức tạp, vì vậy, một khi xuất hiện chứng táo bón, nhất là chứng táo bón khá nghiêm trọng và kéo dài, cần phải đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân dẫn đến táo bón, tránh bỏ lỡ thời gian điều trị. Nói chung chứng táo bón sẽ gây khó chịu và buồn phiền cho người bệnh.
Bác sĩ Lý Bác nhắc nhở chúng ta phải coi trọng bất cứ chứng táo bón xảy ra thường xuyên hay là tạm thời, phải bồi dưỡng thói quen ăn uống khoa học, ăn thực phẩm thanh đạm chất nhuận như: Rau xanh, chuối, táo, lê, sữa đậu, dầu vừng, mật ong, đại táo, hạch đào nhân, hạt thông, nam hạnh nhân, vừng, lương thực thô, các loại đỗ, khoai tây, củ cải v.v, ít ăn các món cay, rán, ngọt và ngấy.
Ngoài ra, phải uống nhiều nước, trung bình mỗi ngày uống từ 2000-3000 ml nước, chia làm 3-4 lần uống hết, khi uống nước đun sôi có thể cho thêm chút ít muối tinh. Tốt nhất là sáng sớm thức dậy uống một cốc nước đun sôi ấm để làm chất nhuận cho đường ruột, hai là luôn giữ tâm trạng vui vẻ, tập luyện sức khỏe một cách vừa phải, tránh ngồi lâu và nằm lâu, thường xuyên tập thể dục ngoài trời để thúc đẩy sự hoạt động của đường ruột.
Sữa bò có công hiệu làm dịu chứng táo bón, trước khi đi đủ uống từ 50-200 ml sữa bò sẽ có thể tăng thêm ý muốn đại tiện trong sáng hôm sau.
Ngoài nhân tố tâm lý tiêu cực có thể dẫn đến chứng táo bón ra, đồng thời cũng liên quan tới một số nhận thức sai lầm. Ví dụ như nhiều người có quan niệm cũ là ăn hoa quả sau bữa cơm, thực ra hoa quả tráng miệng sẽ bị thực phẩm ăn trước chặn giữ trong dạ dày, không thể tiêu hóa bình thường và sẽ dừng trong dạ dày với thời gian tương đối dài, dẫn đến các triệu chứng trướng bụng và táo bón.
Bác sĩ Lý Bác đã tổng kết sáu thói quen xấu dẫn đến chứng táo bón gồm: Một là đến giờ đại tiện không đi cố nhịn; hai là đọc sách và đọc báo trong nhà vệ sinh; ba là thường xuyên mặc quần áo bó sát; bốn là uống nước ít; năm là cho rằng ngày nào cũng phải đại tiện, bằng không thì uống thuốc dẫn đến thói quen phải luôn luôn dựa vào thuốc. Cho nên, nếu muốn tránh xa chứng táo bón nhất định phải từ bỏ sáu thói quen xấu kể trên.
Cách chung trị táo bón
Quá trình bài phân bình thường là thông qua 2 khâu kết tràng vận động và phản xạ bài phân để hoàn thành, bất kể các nhân tố nào ảnh hưởng tới 2 khâu nêu trên đều có thể dẫn tới táo bón.
Đông y cho rằng bí đi ngoài phần nhiều do đại tràng tích nhiệt, hoặc khí trệ, hoặc lạnh ngưng lại, hoặc âm dương khí huyết suy hư, khiến cho chức năng truyền dẫn của ruột già mất điều khiển. Ngoài ra, bế tắc của phế khí cũng có thể ảnh hưởng chức năng bài phân của đại tràng, cho nên Đông y lại có phương pháp thông qua tuyên thông phế khí để chữa trị bí đi ngoài.
Nguyên tắc ăn uống
- Nên ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ (xenlulose), như các loại rau và hoa quả tươi, các loại măng...
- Nên uống đủ nước 2 lít/ngày, giúp cho làm mềm phân.
- Ăn một số loại thức ăn có tác dụng nhuận tràng như mật ong, vừng, hạch đào, bơ, sữa trâu bò...
- Khi đun nấu món ăn, có thể cho tăng một chút dầu ăn, như dầu đậu, dầu hạt cải, dầu vừng, dầu lạc...
- Ăn một số thức ăn chứa vitamin nhóm B một cách thích hợp, như các loại đậu, lương thực thô, khoai lang, khoai tây..., để thúc đẩy nhu động ruột.
- Cấm kỵ các thức ăn loại kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê, hẹ, tỏi, ớt, ít ăn các thức ăn tanh mặn vị đậm.
Bài thuốc chọn lựa chữa trị bằng món ăn
- Nước sôi ấm một cốc, mỗi ngày vào buổi sáng sớm khi tỉnh dậy, uống lúc bụng đói, dùng cho người táo bón.
- Bắp cải 100g, dầu vừng vừa đủ, bắp cải dùng nước sôi chần chín, thêm dầu vừng trộn đều, dùng ăn cho người táo bón.
- Hạch đào nhân, vừng, mật ong, mỗi thứ 50g, hạch đào nhân đập vỡ, rang chín với vừng, sau cho vào mật ong, trộn đều dùng ăn, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 thìa, dùng cho người già khí huyết không đầy đủ dẫn tới đi ngoài bí, váng đầu.
- Sinh thủ ô 30g, gạo tẻ 100g, thủ ô sắc nước đậu, bỏ bã, thêm gạo tẻ vào, lượng nước vừa đủ, nấu cháo, thêm gia vị dùng ăn, ngày 2 lần, dùng cho người táo bón, mất ngủ.
- Khoai tây 250g, giã nát ép lấy nước, mỗi ngày sớm dậy uống một thìa khi bụng đói, dùng cho người phân khô kết.
- Sữa trâu bò 250g, trứng gà 1 quả, mật ong vừa đủ, đập trứng gà vào sữa, đun sôi, để ấm, cho vào mật ong vừa đủ, uống hết, mỗi ngày buổi sớm uống một lần, dùng cho người táo bón.
- Măng trúc 250g, dầu đậu, hành, gừng, mì chính vừa đủ. Măng thái lát mỏng, xào với hành, gừng, dầu có thể cho nhiều một chút, sau khi chín thêm mì chính, muối, dùng cho người thường táo bón.
- Nhục thung dung 30g, hồ đào nhục 10g, gạo tẻ 100g. Nhục thung dung sắc nước, bỏ bã, thêm vào gạo tẻ và hồ đào nhục đã đập vụn, nấu thành cháo, ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 bát con, dùng cho người thận hư táo bón, đau lưng mỏi gối.
- Củ cải trắng 250g, rửa sạch gọt vỏ thái miếng, thêm nước nấu nhừ dùng ăn. Dùng cho người bị táo bón dạng thói quen.
- Mật ong 50g, dầu vừng 25g, dầu vừng đổ vào mật ong quấy đều, vừa khuấy vừa cho thêm nước sôi ấm khiến nó loãng thành dịch thể đều, thì có thể uống. Dùng cho người ruột khô táo bón, phân khô kết.
- Hạnh nhân 10g, gạo nếp 50g, hạnh nhân sắc đặc bỏ bã, cho gạo nếp vào nấu cháo dùng ăn, ngày 2 lần. Dùng cho người ho suyễn lâu ngày, táo bón.
- Ruột già lợn 1 đoạn, thăng ma 15g, vừng 100g, rửa sạch ruột già, nhồi thăng ma và vừng vào, hai đầu buộc chặt, cho vào trong nồi, thêm gừng tươi, rượu, muối vừa đủ, dùng nước ninh chín để ăn. Dùng cho người táo bón, lòi dom.
- Chuối tiêu 1 quả mỗi ngày ăn một lần.
- Quyết minh tử 30g, sắc uống thay trà, uống nhiều lần, dùng cho người mắt kém có táo bón.
Trị táo bón ở người cao tuổi
Táo bón là một trong những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý hệ thống tiêu hoá và cũng là triệu chứng xuất hiện trong rất nhiều bệnh lý ở các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng hay gặp ở người cao tuổi
Tuy chỉ là triệu chứng nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nhưng gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân và thiệt hại lớn về mặt kinh tế.
Khi nào được gọi là táo bón?
Ở nhiều người, táo bón chỉ đơn thuần có nghĩa là ít đi đại tiện. Tuy nhiên, đối với một số người khác táo bón có nghĩa là phân cứng, phân khô đi đại tiện phải gắng sức rặn, hay là cảm giác còn phân trong ruột sau khi đi đại tiện. Số lần đi đại tiện thường giảm dần theo tuổi. Trong thực tế có thể hiểu được gọi là bị táo bón khi quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần trong một tuần, có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn, mỗi khi đi ngoài phải rặn mạnh.
Nguyên nhân gây táo bón
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón như: do dùng thuốc, do thói quen, do chế độ ăn, bệnh lý toàn thân hoặc tổn thương thực thể tại ống tiêu hóa. Tuy nhiên, với người cao tuổi, thường gặp ở một số nguyên nhân sau:
Ít vận động: Hầu hết người cao tuổi đã nhận thức được vận động làm cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động đều đặn, nhưng có những trường hợp vì lý do nào đó ít vận động, ví dụ như: đau khớp gối mạn tính, đau lưng, chân yếu khó đi lại thì rất dễ xảy ra táo bón.
Do uống ít nước: Hiện tượng này thường gặp ở hầu hết người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý ở hệ thống thận tiết niệu hoặc các cụ ông có u xơ tiền liệt tuyến càng làm nảy sinh tâm lý không muốn uống nước.
Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Đặc biệt là chế độ ăn ít rau xanh và hoa quả tươi, một số khác là do yêu cầu trong điều trị một bệnh nào đó nhưng người bệnh lại kiêng khem quá mức; ăn ít hoặc chán không muốn ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng; một số người cao tuổi khác lại ăn những loại thức ăn có nhiều chất béo như: bơ, sữa, đường tinh chế và thức ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất cay, nóng.
Do tác dụng phụ của thuốc: Như thuốc có chất tannin, thuốc chống trầm cảm, thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày có chứa nhôm, lạm dụng một số thuốc có tác dụng nhuận tràng, do dùng nhiều quá không có tác dụng nhuận tràng như mong muốn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân cần hết sức lưu tâm ở người cao tuổi, đó là các tổn thương thực thể ở ống tiêu hóa hoặc cơ quan lân cận nhất là bệnh lý ung thư đại trực tràng hoặc các tổn thương khác làm chít hẹp lòng đại tràng.
Chẩn đoán thế nào?
Ngoài một số nguyên nhân gây táo bón do ăn uống, lối sống..., người cao tuổi bị táo bón cần đến bác sỹ để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Ngày nay, người ta có thể sử dụng một số biện pháp sau để chẩn đoán nguyên nhân như:
Chụp X quang đại tràng động bằng viên Sitzmarks.
Chụp X-quang trực tràng hoạt động.
Siêu âm nội soi lòng hậu môn trực tràng.
Đo áp lực cơ vòng hậu môn.
Ðiều trị và dự phòng
Phải tìm ra nguyên nhân gây táo bón để điều trị theo nguyên nhân. Ngoài việc điều trị căn nguyên, nếu táo bón do các nguyên nhân khác thì có thể điều trị bằng cách:
Nếu do phản ứng phụ của thuốc thì có thể đề nghị bác sỹ cho dừng thuốc hoặc đổi thuốc khác.
Ăn thức ăn có nhiều chất xơ và uống đủ nước: Chất xơ có nhiều trong rau, quả, củ và ngũ cốc thô. Chất xơ không những tạo thành chất bã mà còn kết dính những chất độc hại để đào thải ra ngoài, thu hút nước để tăng lượng phân, kích thích hoạt động của tế bào dịch nhầy ở thành ruột và tăng nhu động ruột. Rau quả và ngũ cốc toàn phần không chỉ cung cấp nhiều chất xơ mà còn có hàm lượng cao những chất sinh tố, khoáng chất, chất chống oxy hoá có tác dụng bảo vệ tim mạch, phòng chống ung thư và nâng cao hệ miễn dịch.
Rau củ và ngũ cốc có nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt. |
Đặc biệt nên chú ý đến sữa chua và các sản phẩm từ rong biển là những món ăn được khuyến khích cho mọi trường hợp táo bón. Thông thường, chỉ cần cải thiện chế độ ăn là có thể chống táo bón. Bên cạnh đó cần chú ý uống đủ nước, thông thường với người cao tuổi lượng nước cần thiết vào khoảng 2 lít/ ngày.
Thể dục, vận động: Hoạt động đi đại tiện cần sự phối hợp của nhiều nhóm cơ ở vùng bụng. Do đó, năng vận động thân thể để gia tăng nhu động ruột và gia tăng trương lực cơ sẽ giúp cải thiện hoạt động ở ruột già. Cách vận động đơn giản nhất là đi bộ, đi khoảng 30 phút mỗi ngày. Đi từ chậm đến nhanh dần tuỳ theo điều kiện sức khoẻ của mỗi người. Ngoài ra, người già nên thường xuyên xoa bóp. Có thể áp 2 bàn tay vào nhau xoa chậm xoay tròn chung quanh vùng rốn để vừa có tác dụng kích thích tiêu hoá ở dạ dày vừa gia tăng nhu động ruột ở vùng ruột già. Mỗi ngày nên thực hành 2 lần, mỗi lần xoa từ 5 đến 10 phút.
Tạo thói quen đi đại tiện: Hoạt động đi đại tiện là một hoạt động sinh lý có tính phản xạ thần kinh. Do đó, cần bồi dưỡng thói quen bằng cách đi đại tiện theo một giờ nhất định trong ngày. Cũng vì lý do này, mỗi khi có cảm giác cần đi đại tiện, không nên nín nhịn.
Cuối cùng là việc sử dụng thuốc nhuận tràng, có rất nhiều thuốc nhuận tràng khác nhau tuỳ theo cơ chế tác dụng khi sử dụng các thuốc này nên có chỉ định của bác sỹ.
Chất xơ và chất nhầy: Loại này bao gồm sợi thức ăn hoặc chất nhầy lấy từ tảo biển trong đó thạch agar agar hay được dùng. Các thuốc này có tác dụng làm tăng thể tích phân và ngấm nước, được dùng để trị các chứng táo bón vô căn. Chống chỉ định trong các trường hợp nghi tắc ruột cơ học, loét hành tá tràng, cắt đoạn dạ dày.
Thuốc nhuận tràng và làm mềm phân: Dầu vaselin hoặc paraphin có tác dụng xổ cơ học bằng cách ngăn chặn sự hấp thu nước. Trong trường hợp trào ngược dạ dày thực quản, không dùng thuốc này trước khi đi ngủ để phòng dịch trào ngược vào đường hô hấp.
Các thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Mục đích làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo theo nước vào trong lòng ruột từ đó làm tăng lượng nước trong phân giúp bài tiết và tống xuất phân ra ngoài. Đại diện của nhóm thuốc này là macrogol (biệt dược forlax, fortrans), thường dùng để chuẩn bị soi đại tràng bằng cách cho uống với 2 - 3 lít nước, ngoài ra cũng được sử dụng trong điều trị táo bón mạn tính. Thuốc chống chỉ định ở các bệnh nhân viêm loét đại trực tràng, tắc ruột, ung thư trực tràng, mất nước, suy tim.
Các thuốc nhuận tràng kích thích nhu động: Đó là các acid ricinoleic, acid mật, dẫn xuất diphenylmethan, tác dụng qua nhiều cơ chế khác nhau. Đáng ý trong nhóm thuốc này có anthraquinolic gồm các sản phẩm tự nhiên là các aglycol của cây cascara, Rhubarbe... những thuốc xổ thực vật này không hấp thu ở ruột non, chúng chỉ hoạt động khi đến đại tràng, gia tăng sự tống phân bằng cách kích thích tiết prostaglandin nội sinh, tuy nhiên thuốc bị phân huỷ bởi các vi khuẩn ở đại tràng nên các thuốc này mất tác dụng khi dùng kháng sinh diệt vi khuẩn chí ở ruột.
Thuốc nhuận tràng tác dụng tại chỗ: Các thuốc này làm phóng thích khoảng 50 – 100ml dịch trong lòng trực tràng và gây kích thích phản xạ đại tiện. Ngoài ra có thể sử dụng thụt tháo với các chất nhày hoặc thụt tháo vi lượng, thường hay dùng để chuẩn bị nội soi đại trực tràng, hoặc cho táo bón khi nằm lâu để làm mềm phân, tuy nhiên không được dùng kéo dài.
Táo bón ở trẻ nhỏ
Táo bón là một trong những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý hệ thống tiêu hoá và cũng là triệu chứng xuất hiện trong rất nhiều bệnh lý ở các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể. Tuy chỉ là triệu chứng nhỏ nhưng gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Đặc biệt, táo bón xảy ra kéo dài ở trẻ em rất dễ dẫn tới các tổn thương thực thể của đại trực tràng nếu không được điều trị kịp thời.
Nhận biết trẻ bị táo bón thế nào?
Ở nhiều người, táo bón chỉ đơn thuần có nghĩa là ít đi đại tiện. Tuy nhiên, đối với một số người khác, táo bón có nghĩa là phân cứng, phân khô, đi đại tiện phải gắng sức rặn hay là cảm giác còn phân trong ruột sau khi đi đại tiện. Hiện nay, thống nhất định nghĩa táo bón theo tiêu chuẩn ROME II: Với trẻ em: đó là tình trạng phân cứng như đá cuội trong hầu hết các lần đi đại tiện trong tối thiểu hai tuần; không có các bệnh về nội tiết, biến dưỡng, cấu trúc...
Chỉ thiếu nước và chất xơ mới gây táo bón ở trẻ?
Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón như sau: sốt cao, do dùng thuốc; do thói quen đi đại tiện không đều; do chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, do căng thẳng thần kinh, do tổn thương trong ống tiêu hóa... Tuy nhiên, táo bón ở trẻ thường do một vài nguyên nhân sau:
Chứng táo bón ở trẻ trong độ tuổi đi học thường do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh - giàu chất béo (thịt rán, sữa trứng khuấy sẵn) và đường (kẹo, nước ngọt nhiều đường) có thể bị táo bón thường xuyên hơn
Nứt hậu môn là một nguyên nhân phổ biến khác. Thường thì chứng táo bón xuất hiện sau khi trẻ trải qua một thời gian viêm nhiễm, không khỏe. Trong khi bị ốm, bé thường không uống đủ lượng nước cần thiết khiến chất thải trở nên rắn và rất khó di chuyển. Những chất thải này sẽ gây xước hậu môn và là nguyên nhân gây ra bệnh nứt hậu môn.
Ở trẻ nhỏ, táo bón có thể xảy ra khi chuyển từ sữa mẹ sang dùng sữa bò hoặc từ thức ăn cho trẻ nhỏ sang thức ăn đặc.
Stress cũng có thể dẫn tới táo bón. Trẻ có thể bị táo bón khi chúng lo lắng về điều gì đó, chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi học ở trường mới hoặc khi trẻ gặp vấn đề gì đó ở nhà
Trẻ lười đi vệ sinh, thậm chí ngay cả khi trẻ có nhu cầu. Tuy nhiên, đây lại là một nguyên nhân ít được để ý đến.
Một số trẻ bị táo bón do mắc phải hội chứng ruột kích thích (IBS), có thể xảy ra khi trẻ bị stress hoặc khi trẻ ăn phải thức ăn nào đó, thường là thức ăn quá nhiều béo hoặc gia vị. Tuy nhiên, cũng cần chú ý trong một số trường hợp, táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thực thể nào đó như dài đại tràng, trĩ… Vì vậy, cần đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám nếu táo bón kéo dài.
Cha mẹ có thể chữa táo bón cho trẻ?
Đa số người cho rằng táo bón không phức tạp và đã coi nhẹ triệu chứng, tự mua thuốc nhuận tràng điều trị vì nghĩ rằng như thế là đủ. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như bị trĩ, sa niêm mạc trực tràng... Thói quen tốt nhất là nên đi khám bệnh để được tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị đúng tránh tình trạng lạm dụng thuốc nhuận tràng cũng như các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cha mẹ trẻ cũng có thể tham khảo các biện pháp sau để hỗ trợ điều trị táo bón cho trẻ tại nhà.
Tập cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ, những ngày đầu chưa quen, trẻ không đại tiện được cũng không sao, cứ kiên trì, đúng giờ cho trẻ ngồi vào bô như vậy (khoảng 10-15 phút), nói chung khoảng vài tuần sau là có thể tạo thành thói quen phản xạ đi ngoài.
Tăng cường rau xanh trong bữa ăn của trẻ như rau cần, rau hẹ... kết hợp hoa quả như cam, bưởi, đặc biệt là chuối, cho trẻ ăn 1 - 2 quả chuối/ngày có thể đạt được hiệu quả của việc nhuận tràng, uống nước đun sôi để ấm. Ngoài ra có thể cho trẻ uống một chút nước mật ong vào sáng sớm, mỗi lần uống không ít hơn 60ml và pha bằng nước sôi
Xoa bụng cho trẻ để giúp nhuận tràng: Cho trẻ nằm ngửa trên giường, người thao tác dùng phần gốc bàn tay phải của mình áp sát vào phần cơ bụng trẻ, từ bụng trên bên phải xoa sang bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải, cứ xoa xoay day đẩy như vậy. Sau lại tiến hành xoa xoay day đẩy theo chiều tuần tự ngược trở lại. Động tác xoa không nên làm nặng tay quá, mỗi lần xoa trong 10 phút, mỗi ngày xoa 2-3 lần cho đến khi nào trẻ thông đại tiện được, cũng nên tiếp tục xoa như thế trong vòng 1 - 2 tuần nữa để củng cố hiệu quả chữa trị.
Táo bón ở bà bầu
Táo bón là triệu chứng khá phổ biến khi mang bầu và sau sinh nở. Vì vậy, bạn đừng nên quá lo lắng. Hiện tượng này xuất phát từ những nguyên nhân như sau:
- Do hoormon: Lượng hoormon trong cơ thể người phụ nữ khi mang thai sẽ có những chuyển biến lớn, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới đường ruột, gây cản trở trong việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài qua hậu môn.
- Do chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bị táo bón khi bầu bí. Việc ‘nạp’ quá nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng vào cơ thể cũng ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa gây chứng táo bón ở bà bầu.
- Do sự phát triển của thai nhi: Sự phát triển của thai nhi sẽ khiến cho phụ nữ mang thai phải chịu đựng cảm giác bị chèn ép vùng xương chậu và bàng quang. Cộng thêm với việc tăng cân nhanh, cảm giác mệt mỏi, thiếu luyện tập là những nguyên nhân rất dễ dẫn đến táo bón.
Cách khắc phục
Bây giờ bạn đã hiểu vì sao chứng táo bón lại phổ biến ở phụ nữ mang thai như vậy. Tuy nó làm hầu hết thai phụ khó chịu nhưng lại không có loại thuốc nào có thể chữa trị hoàn toàn. Dù vậy, tình trạng bệnh vẫn có thể thuyên giảm nếu bạn thực hiện một lối sống khoa học và lành mạnh. Chúng tôi xin mách bạn một số cách giúp làm giảm chứng táo bón khi mang bầu:
- Tập luyện thể thao đều đặn
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, nước hoa quả
- Uống nhiều nước
- Massage bụng
- Cắt giảm những thức ăn nhiều chất béo, đường trong khi chế biến thực phẩm
- Áp dụng liệu pháp chữa vi lượng đồng cân (cần tham khảo ý kiến bác sĩ)
(st)