Thời thơ ấu của Albert Einstein- nhà bác học vĩ đại của thế kỷ 20

seminoon seminoon @seminoon

Thời thơ ấu của Albert Einstein- nhà bác học vĩ đại của thế kỷ 20

19/04/2015 06:23 AM
1,855


Chúng ta đọc cuộc đời và sự nghiệp của Einstein bắt gặp rất nhiều câu chuyện liên quan đến thuở ấu thơ, thời Einstein đi học và chủ yếu là tự học. Chúng ta cùng nhìn lại chặng đường thời ấu thơ của Albert Einstein nhé!



Albert_Einstein

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, có một nhà đại bác học được toàn thế giới ca ngợi về một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học, đó là phương trình cho biết năng lượng của vật chất: E=mc2. Trong hàng chục năm trời, E = mc2 vẫn chỉ là đề tài của các cuộc tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng sự san bằng thành phố Hiroshima vào năm 1945 do quả bon nguyên tử đã chứng minh sự thật của phương trình đó.

Trước lời ca tụng, trước vinh quang rực rỡ, Albert Einstein, tác giả của phương trình lừng danh kể trên lại, giữ một bộ mặt thẹn thùng, xa lạ. Sự quảng cáo thanh danh đã quấy nhiễu ông suốt đời nhưng tất cả đều bị ông coi thường, lãnh đạm. Einstein chỉ khao khát độc nhất sự trầm lặng để có thể suy nghĩ và làm việc.

1- Thời niên thiếu.

Albert Einstein sinh ngày 14-3-1879 tại Ulm, miền Wurtemberg, nước Đức. Cái tỉnh nhỏ bé này không mang lại cho Albert một kỷ niệm nào cả vì năm sau, gia đình Einstein đã di chuyển tới Munich. Sống tại nơi đây được một năm, một người em gái của Einstein ra chào đời và từ đó không có thêm tiếng trẻ thơ nữa. Chủ gia đình, ông Hermann Einstein là người lạc quan, tính tình vui vẻ. Còn bà mẹ, bà Pauline Koch, đã tỏ ra có óc thẩm mỹ ngoài bản tính cần cù, tế nhị. Bà hay khôi hài và yêu thích âm nhạc.

Albert_Einstein3

Em gái Maja.

Vốn dòng dõi Do Thái nhưng gia đình Einstein lại sinh sống như người Đức vì tổ tiên của họ đã sinh cơ lập nghiệp tại nước Đức lâu đời. Các phong tục Do Thái cũ đều còn lại rất ít, trong khi tôn giáo bao giờ cũng là thứ mà họ giữ gìn. Vào các ngày lễ riêng của đạo Do Thái, nhóm dân này thường cử hành các buổi lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngoài ra, cứ vào ngày thứ năm, gia đình Einstein thường mời một sinh viên Do Thái nghèo túng đến dùng cơm rồi cùng nhau nhắc nhở lại các điều răn trong Thánh Kinh.

Munich, thành phố mà Albert Einstein đã sống trong thời thơ ấu, là trung tâm chính trị và văn hóa của nước Đức tại miền nam. Ông Hermann đã mở tại thành phố này một cái xưởng nhỏ về điện cơ. Ông có một người em là kỹ sư điện nhiều kinh nghiệm, hai anh em cùng góp sức vào việc khai thác nguồn lợi: anh trông nom về mặt giao dịch buôn bán còn em cai quản phần kỹ thuật chuyên môn.

Albert_Einstein4Albert_Einstein6

Ông Hermann và Bà Pauline - Cha mẹ của Einstein.

Từ ngày lọt lòng mẹ, cậu Albert chẳng có gì khác hơn những đứa trẻ thông thường. Cậu chậm biết nói đến nỗi lên 3 tuổi mà còn bập bẹ tiếng một khiến cho cha mẹ tưởng cậu bị câm. Hai ba năm sau, Albert vẫn còn là đứa trẻ ít nói, nhút nhát, thường lánh xa mọi đứa trẻ cùng phố. Cậu ít bạn và không ưa thích đồ chơi. Đoàn lính bằng chì của cha tặng cho cũng không làm cậu vui thích, điều này quả là khác thường bởi vì xứ sở này phải gọi là quê hương của những đoàn quân thiện chiến, của các tướng lãnh lừng danh như Bismarck, như Von Moltke. Cách giải trí mà cậu ưa thích là hát khe khẽ các bài thánh ca khi dạo mát một mình ngoài cánh đồng. Einstein đã sống trong tình thương của cha mẹ và bên cạnh người chú tài ba. Chính nhờ ông này mà Einstein có được các khái niệm đầu tiên về Toán Học.

Thời bấy giờ tại nước Đức, các trường tiểu học không phải do chính phủ mở ra mà được các giáo hội phụ trách. Tuy theo đạo Do Thái nhưng ông Hermann lại cho con theo học một trường tiểu học Thiên Chúa giáo, có lẽ ông muốn con mình về sau này sinh sống như một đứa trẻ Đức. Einstein đã theo dần các lớp tiểu học mà không hề cảm thấy mình là một đứa trẻ khác đạo. Tại trường học, Albert Einstein không tỏ ra xuất sắc. Bản tính rút rát và ưa tư lự của cậu khiến cho các bạn thường chế riễu cậu là người mơ mộng.

Năm lên 10 tuổi, Albert Einstein rời trường tiểu học vào Gymnasium tức là trường trung học Đức. Việc học của các thiếu niên Đức từ 10 tới 18 tuổi đều do Gymnasium quyết định và cho phép lên Đại Học hay bước sang các ngành kỹ thuật. Tại bậc trung học, học sinh phải học rất nhiều về tiếng La-Tinh và Hy Lạp. Kỷ luật nhà trường rất nghiêm khắc, các giáo sư thường độc đoán và xa cách học sinh. Sống tại một nơi có nhiều điều bó buộc như vậy, Albert Einstein cảm thấy khó chịu. Có lần cậu nói: “tại bậc tiểu học, các thầy giáo đối với tôi như các ông Thượng Sĩ, còn tại bậc trung học, giáo sư là các ông Thiếu Úy”. Sự so sánh này làm nhiều người liên tưởng tới đội quân của Vua Wilhelm II, với các ông Thượng Sĩ là những người thô tục và tàn bạo còn sĩ quan thường ưa thích uy quyền, lại tỏ ra bí mật và quan trọng.

Từ thuở nhỏ, Albert Einstein đã yêu thích học hỏi về Vật Lý. Cậu còn nhớ khi lên 5 tuổi, cha cậu cho cậu một chiếc địa bàn. Chiếc kim lúc nào cũng chỉ về một hướng làm cho cậu bé này thắc mắc, suy nghĩ. Lớn lên, Einstein ưa thích đọc các loại sách Khoa Học. Chàng sinh viên Do Thái tới ăn cơm vào ngày thứ năm đã khuyên Einstein đọc bộ sách “Khoa Học Phổ Thông” của Aaron Bernstein. Nhờ cuốn này mà Einstein hiểu biết thêm về Sinh Vật, Thực Vật, Vũ Trụ, Thời Tiết, Động Đất, Núi Lửa cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

Về Toán Học, không phải nhà trường cho cậu các khái niệm đầu tiên mà là gia đình và ông chú ruột đã chỉ dạy cho cậu rõ ràng hơn các giáo sư tại Gymnasium. Nhà trường đã dùng phương pháp cổ điển, cứng rắn và khó hiểu bao nhiêu thì tại nhà, chú của cậu lại làm cho cách giải các bài toán trở nên vui thích, dễ dàng, nhờ cách dùng các thí dụ đơn giản và các ý tưởng mới lạ.

Năm 12 tuổi, Albert Einstein được tặng một cuốn sách về Hình Học. Cậu nghiền ngẫm cuốn sách đó và lấy làm thích thú về sự rõ ràng cùng các thí dụ cụ thể trong sách. Nhờ cuốn này, cậu học được cách lý luận phân minh và cách trình bày thứ tự của một bài tính. Do đó, cậu hơn hẳn các bạn về môn Toán. Vì được cha mẹ cho học đàn vĩ cầm từ khi lên 6 tuổi nên càng về sau, Einstein càng yêu thích âm nhạc và cảm thông được vẻ trong sáng và bay bướm trong các nhạc phẩm của Mozart. Năm 14 tuổi, Albert Einstein đã được dự vào các buổi trình diễn âm nhạc và nhờ vậy, cậu thấy mình còn kém về kỹ thuật vĩ cầm.

Albert_Einstein9

Đời sống tại nước Đức càng ngày càng khó khăn. Vào năm 1894, ông Hermann đành phải bán cửa hàng của mình rồi sang Milan, nước Ý, mở một cơ xưởng tương tự. Ông để con trai ở lại nước Đức theo nốt bậc trung học, vì chính nơi đây sẽ cho phép con ông bước lên bậc Đại Học. Vốn bản tính ưa thích Tự Do, Albert Einstein cảm thấy ngạt thở khi phải sống tại Gymnasium. Rồi quang cảnh ngoài đường phố nữa: vào mỗi buổi chiều, khi đoàn lính đi qua, tiếng trống quân hành đã kéo theo hàng trăm đứa trẻ. Các bà mẹ Đức thường bế con đứng xem đoàn thanh niên trong bộ quân phục diễn qua, và ước mơ của các thiếu nhi Đức là một ngày kia, chúng sẽ được đi đứng hiên ngang như các bậc đàn anh của chúng. Trái với sở thích chung kể trên, Albert Einstein lại rất ghét Quân Đội, rất ghét Chiến Tranh. Về sau này, có lần Einstein đã nói: “Tôi hết sức kinh rẻ kẻ nào có thể vui sướng mà đi theo nhịp quân hành, nếu họ có một khối óc thì quả là nhầm lẫn rồi, một cái tủy xương sống là đủ cho họ”.

Nền kỹ nghệ phát triển rất nhanh tại nước Đức đã khiến cho con người hầu như quên lãng thiên nhiên. Trái lại tại nước Ý, cảnh thiên nhiên rực rỡ và bầu trời trong sáng của miền Địa Trung Hải đã khiến cho Einstein tin tưởng đó là thiên đường nơi hạ giới. Vì sống trong cảnh cô đơn quá đau khổ nên nhiều lần Albert Einstein đã định bỏ trường học mà sang nước Ý sống với cha mẹ. Cuối cùng cậu tìm đến một y sĩ và xin giấy chứng nhận mình bị suy yếu thần kinh, cần phải tĩnh dưỡng tại nước Ý trong 6 tháng. Ông Hermann rất bực mình khi biết con bỏ dở việc học mà theo sang Milan. Albert lại cho cha biết ý định từ bỏ quốc tịch Đức bởi vì cậu đã chán ghét sự bó buộc của xứ sở đó. Nhưng cuộc sống tại Milan không phải dễ dàng. Ông Hermann cũng không quyết định cư ngụ tại nơi đây và việc xin cho Albert nhập quốc tịch Ý chưa chắc đã thành công trong một thời gian ngắn, như vậy Albert sẽ là một người không có tổ quốc. Ông Hermann khuyên con trai nên chờ đợi.

Albert_Einstein10

Thời gian sống tại nước Ý đối với Einstein thật là sung sướng. Cậu lang thang khắp các đường phố, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát của người dân yêu thích âm nhạc. Cậu đi thăm rất nhiều viện bảo tàng, và các lâu đài tráng lệ với các tác phẩm nghệ thuật đã làm cho mọi người phải say sưa, lưu luyến. Phong cảnh của nước Ý thực là hữu tình nên đã khiến cho con người yêu mến thiên nhiên. Người dân tại nơi đây không làm việc như một cái máy, không sợ quyền hành, không bị ràng buộc vào các điều lệ nhân tạo gò bó mà trái lại, tất cả mọi người đều cởi mở, vui vẻ và hồn nhiên.

Tại Milan, nghề điện đã không giúp được cho gia đình Einstein sung túc. Ông Hermann phải bảo con trai đi kiếm một việc làm nuôi thân. Albert tính rằng để có thể tiếp tục sự học, điều hay nhất là cậu xin vào một trường nào cấp học bổng. Vì không tốt nghiệp từ Gymnasium, Albert không thể nào xin lên đại học được, vả lại cậu khá về toán học nên một trường kỹ thuật sẽ hợp với cậu hơn.



NHỮNG BÍ MẬT THÚ VỊ CỦA ALBERT EINSTEIN


1. Khi mới sinh ra, Albert Einstein quá mập mạp so với cân nặng ổn định của trẻ sơ sinh, đầu của cậu bé cũng có kích thước lớn một cách bất thường. Gia đình đã rất lo lắng về điều này nhưng rồi thời gian và các bác sĩ đã giúp Einstein có được diện mạo bình thường của một đứa trẻ.

2. Suốt thời thơ ấu, Einstein rất ít nói, tuy nhiên, phát ngôn câu nào cũng gãy gọn và chính xác. Thậm chí, có lúc, cha mẹ Einstein đã lo ngại rằng có thể vấn đề trí não tác động đến sự chậm chạp trong lời ăn tiếng nói của cậu bé.

3. Einstein từng có xu hướng xa rời những luận điểm khoa học và thậm chí còn có trình độ tiếng Anh không tốt. Điều này giải thích vì sao ông bị đánh trượt trong kỳ thi đại học năm 17 tuổi. Ngoài ra, trí nhớ của Einstein rất kém, ông thường quên ngày sinh nhật của vợ và con trai.

Những bí mật của Albert Einstein 1
Trí nhớ của Einstein rất kém, ông thường quên ngày sinh nhật của vợ và con trai

4. Mặc dù có quan điểm chống chiến tranh nhưng Einstein vẫn không phản đối việc tạo ra bom nguyên tử. 

5. Einstein từng được đề nghị làm Tổng thống Israel nhưng ông đã từ chối.

6. Giữa Einstein và vợ có những thỏa hiệp riêng và chính ông là người vạch ra các điều khoản. Họ đã duy trì chúng suốt quãng thời gian chung sống.

7. Sau khi Einstein qua đời, người ta đã tách bộ não của ông ra khỏi cơ thể để phục vụ quá trình nghiên cứu.

Những bí mật của Albert Einstein 2
Trong ngày được trao giải thưởng Nobel danh giá, Einstein không có mặt,
 lúc đó ông đang thực hiện một tour du lịch Nhật Bản

8. Einstein không tán đồng các khái niệm về khoa học viễn tưởng và cho rằng tiểu thuyết thể loại này góp phần bóp méo sự thật khoa học.

9. Trong ngày được trao giải thưởng Nobel danh giá, Einstein đã không có mặt. Lúc đó, ông đang thực hiện một tour du lịch Nhật Bản.

10. Chúng ta đã không thể biết những lời trăng trối cuối cùng của Einstein trên giường bệnh, đơn giản vì các y tá túc trực lúc ấy không hiểu những câu tiếng Đức mà ông nói.


BÍ ẤN VỀ BỘ NÃO THIÊN TÀI CỦA EINSTEIN



Dù đã mất từ năm 1955, ngày nay Albert Einstein vẫn còn cái để dạy cho chúng ta. Lần này là một bài học về khoa học thần kinh, và có lẽ là cả bài học về nuôi dạy trẻ. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng chất xám trong bộ não đã sản sinh ra một loạt đột phá khoa học, bao gồm cả Thuyết Tương Đối, các nhà nghiên cứu Canada đã đi đến kết luận: Bộ não của Einstein thật sự khác lạ. Đặc biệt là họ đã phát hiện thấy phần não liên quan đến việc lập luận toán học rộng hơn 15% so với bình thường, và không bị phân chia bằng một nếp gấp như vẫn thường thấy trong não của tất cả chúng ta.

Bộ não của Einstein là một mẫu vật có giá trị vì những lý do vượt ra ngoài việc Einstein có năng lực suy nghĩ siêu phàm. Trước hết là, não của ông có hình dạng cực tốt khi ông không còn dùng đến nó. Định mệnh đã can thiệp vào chuyện này bằng cách đã cho ông cái chết đột ngột, ông bị phình tắc động mạch chủ bụng. Einstein đã biết trước và đã sắp xếp để lại bộ não của mình cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chính vì vậy, trong vòng 7 giờ sau khi Einstein mất, não của ông đã được lấy ra khỏi hộp sọ. Để tránh bị hư hỏng, nó đã được tiêm, và rồi được treo lơ lửng trong Formalin. Sau đó, bộ não của ông được đo đạc, chụp ảnh và cắt nhỏ thành 240 khối nhỏ, mỗi khối có kích thước như một thỏi đường. Các khối này được ngâm trong celloidin và một số đã được cắt thành những phần nhỏ hơn để xét nghiệm bằng kính hiển vi.

Những gì mà Einstein cho phép những người khác làm với chính bộ não của mình trong khi ông vẫn còn dùng đến nó đã khiến cho mẫu vật não mà ông để lại hữu ích hơn nhiều. Tự đánh giá có cái gì đó đặc biệt trong cách mà não của chính mình làm việc, Einstein đã cố gắng hết sức để giúp cho các nhà khoa học đồng nghiệp làm sáng tỏ bí ẩn này, bằng cách đồng ý xét nghiệm điện não để ghi lại hoạt động sóng não của mình. Ông cũng chấp nhận các cuộc phỏng vấn, trong đó ông giải thích là ông đã giải quyết các vấn đề như thế nào. Cách giải thích của ông nghe hết sức lạ thường. Có lần Einstein nói: "Chữ dường như chẳng có vai trò gì, mà là có ít hay nhiều các hình ảnh rõ ràng". Quan sát này đã cung cấp manh mối lâm sàng cho Sandra F.Witelson, trưởng nhóm nghiên cứu đại học McMaster, nhóm này xem ra đã khám phá ra bí ẩn bộ não của thiên tài Einstein.

BỘ BẢN ĐỒ NÃO

Các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại thường hồ nghi: Các chức năng khác nhau có mối liên hệ với các phần khác nhau của não? Đặc biệt, họ chú ý thấy những cú đấm vào đằng sau sọ có thể gây mù lòa. Điều này càng được khẳng định một cách khoa học hơn trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ I bởi các bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Đức, những người đã phẫu thuật binh lính bị thương ở đầu. Ngày nay, đã có một "bộ bản đồ" chi tiết định vị các phần của não điều khiển các hoạt động khác nhau của cơ thể.

Vì chức năng khác nhau cư trú ở các vị trí khác nhau, nên các nhận xét của Einstein về sự hình dung - mường tượng có ý nghĩa quan trọng đối với Witelson. Ở mức độ mà ở đó Einstein khám phá thiên nhiên, thì các vấn đề vật lý mà ông giải quyết là các bài toán. Nhìn vào phần não của Einstein liên quan đến việc lập luận toán học và so sánh nó với cùng khu vực đó ở các bộ não bình thường hơn, có thể sẽ cung cấp cho chúng ta chìa khóa giải đáp được bí ẩn thiên tài của Einstein.

Bà Witelson hiểu biết nhiều về các bộ não thông thường: Bà đã sưu tập chúng. Witelson đã nghiên cứu bộ sưu tập của mình và khôi phục lại não của những người đóng góp vào đây. Bộ sưu tập này gồm não của những người khỏe mạnh về mặt cơ thể lẫn tinh thần, có chỉ số thông minh từ 107 đến 125. Không có não của những người đần độn, nhưng cũng không có não của các nhà khoa học tên lửa.

Lần so sánh đầu tiên làm mọi người thấy ngượng vì bộ não của vị thiên tài tột đỉnh này rõ ràng là không có gì khác thường. Bà Witelson nói: "Giải phẫu thể đại não của Einstein nằm trong các giới hạn bình thường, trừ các thùy đỉnh. Sự nhận thức về thị giác và không gian, sự hình thành lập luận toán học và sự tưởng tượng về chuyển động đều được thực hiện chủ yếu thông qua trung gian là vùng đỉnh sau bên phải và bên trái". Nếu như bạn đã có lần tát vào bên đầu mình sau khi nói cái gì đó ngu ngốc, thì bạn đã đánh đúng chỗ đó rồi đấy. Trong não Einstein, các vùng này rộng hơn 15% so với bình thường và đang có khuynh hướng mất dần đi một cấu trúc gấp được tìm thấy trong não của tất cả những người bình thường như chúng ta.

Phát hiện này hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu trước đây cũng đã nhìn thấy những vùng não lớn ra tương tự như vậy. Bà Witelson cho biết: "Trong não của nhà toán học Gauss và nhà vật lý học Siljestrom, cũng thấy có sự phát triển rộng ra của các vùng đỉnh dưới".

DÙNG ĐẾN HAY ĐỂ MẦT?

Xét nghiệm của nhóm nghiên cứu Witelson không trả lời câu hỏi sâu hơn về việc liệu sự phát triển của các phần đặc biệt trong não có thể có liên quan đến sự thông minh hay không. Xét nghiệm này cũng không giải thích vùng não này đã lớn ra như thế nào. Bước kế tiếp các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành là xét nghiệm các nhà toán học tình nguyện, những người này sẽ làm toán trong khi được chụp PET(positron emission tomography: chụp tia X cắt lớp phát positron). Được dùng chủ yếu trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu, các máy chụp cắt lớp PET tạo ra các hình ảnh cho thấy phần nào của não làm việc khi đối tượng thí nghiệm đang làm các công việc khác nhau. Kỹ thuật này đã từng được dùng đến để xác định các phần nào của não có liên quan khi chúng ta nhìn, nói hay suy nghĩ. Nếu như vùng đỉnh sau phát triển cực mạnh hơn bình thường ở những người có tài năng toán học, thì hình hiển thị của máy chụp PET sẽ sáng rực lên như cây thông Nô-en.

Nếu điều này xảy ra, các nhà khoa học sẽ đối mặt với một vấn đề thậm chí lớn hơn: Có phải một số người mới sinh ra đã có bộ não được điều chỉnh tự nhiên cho việc lập luận toán học? Hay là, sự khác biệt về mặt vật chất này là sản phẩm của sự trải nghiệm? Ý kiến cho rằng những gì mà một đứa bé nhìn, nghe và cảm nhận ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ từ lâu đã không còn là xa lạ. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy: Các trải nghiệm thời thơ ấu có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của não bộ. Chẳng hạn như những đứa bé bị bệnh đục nhân mắt bẩm sinh sẽ bị mù lòa nếu như bệnh không được chữa ngay. Các tế bào liên quan đến việc phân giải hình ảnh nhìn thấy, ở một mức độ nào đó, đơn giản là bị chết dần đi. Não của trẻ em xem ra cũng được "cài đặt" để học cách hiểu nhiều ngôn ngữ, miễn là chúng được dạy khi chúng còn rất nhỏ. Khi chúng đến tuổi trung học, các mối liên hệ thần kinh cho phép học nhanh các ngôn ngữ đã mất đi lâu rồi. Vì trường hợp trên là đã được xác nhận, nên có lẽ người ta sẽ tìm thấy được chìa khóa để trở thành thiên tài trong thời thơ ấu, và các trải nghiệm và kích thích mà trẻ trải qua.

Nếu như dòng lý luận khoa học ngày nay đi khám phá hoạt động của não trở nên mệt lử (như nhiều người hoài nghi là nó sẽ như vậy), thì bài học cuối cùng mà Einstein phải dạy có lẽ là: Sự phát triển của não bộ tuân thủ theo cùng quy luật tự nhiên như mọi phần khác của cơ thể. Nói cách khác, các bậc cha mẹ, nếu không khiến cho trẻ nhỏ dùng não bộ của mình, chúng sẽ mất nó. Và một trong những hậu quả có thể là: trẻ sẽ chẳng còn cảm giác khó chịu khi bị người lớn cấm xem ti vi!

@ Chú thích: Bộ não của Einstein đã được cắt ra thành những khối nhỏ và được nghiên cứu bởi các đồng nghiệp của ông, những người mà giờ đây khẳng định rằng bộ não của Einstein thực sự khác lạ



Thời thơ ấu của Hoàng Thùy Linh
Thời thơ ấu của ca sĩ Mỹ Tâm thủa nhỏ cực đáng yêu
Thời thơ ấu của Big Bang siêu đáng yêu và cute
Thời thơ ấu của sao Hollywood cực đáng yêu
Thời thơ ấu của Công Vinh và tuổi thơ đầy khó khăn
Thời thơ ấu của sao bóng đá cực đáng yêu


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý