Thai phụ có chỉ số đường huyết càng cao trong thai kỳ thì đứa con sinh ra càng có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. Kết quả này dựa trên việc theo dõi 23.000 thai phụ ở 9 quốc gia.
Thai phụ có chỉ số đường huyết càng cao thì đứa con sinh ra càng có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường và cao huyết áp. |
Nghiên cứu này, với sự tham gia của hơn 23.000 thai phụ ở 9 quốc gia, đã mang lại một kết quả đáng ngạc nhiên về mối quan hệ giữa chỉ số đường huyết của phụ nữ mang thai với nguy cơ về sức khỏe của trẻ sơ sinh. Mối quan hệ này không bị ảnh hưởng bởi việc người mẹ có đang là bệnh nhân tiểu đường hay không.
Kết quả nghiên cứu cho thấy người mẹ có đường huyết cao trong thai kỳ thì đứa trẻ sinh ra thường có hàm lượng đường trong máu thấp và hàm lượng insulin cao. Những yếu tố này có thể làm cho trẻ có nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường và cao huyết áp.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Boyd Metzger của trường Đại học Northwestern University, cho biết: “Chúng tôi đã xác định rất rõ rằng chỉ số đường huyết gắn liền với các nguy cơ nói trên thấp hơn mức tiêu biểu mà bệnh nhân tiểu đường thường có”.
Đồng thời, ở phụ nữ có đường huyết cao trong thai kỳ, bào thai có nguy cơ phát triển quá lớn, dẫn đến khả năng thai phụ phải trải qua thủ thuật mở tử cung lần đầu tiên để sinh con.
Theo nhóm nghiên cứu, thai quá to làm cho trẻ dễ bị thương tổn ở vai và các bộ phận khác nếu được sinh ra bình thường theo đường âm đạo. Do đó, các bác sĩ phải can thiệp bằng thủ thuật mở tử cung cho sản phụ.
Trong nghiên cứu này, thai to chiếm tỉ lệ 5% trong trường hợp phụ nữ có chỉ số đường huyết trong lúc đói thấp hơn 75 mg/dl, và tỉ lệ này tăng lên đến 27% khi chỉ số đường huyết lớn hơn 100 mg/dl.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những nguy cơ nói trên được ghi nhận ở trẻ sơ sinh ở 9 nước: Mỹ, Canada, Barbados, Anh, Israel, Thái Lan, Úc, Singapore và Hồng Kông.
Sau khi đã loại trừ các yếu tố ảnh hưởng như bệnh béo phì, tuổi tác và tiền sử gia đình về bệnh tiểu đường của thai phụ, các chuyên gia vẫn nhận thấy tình trạng đường huyết của người mẹ có ảnh hưởng độc lập đến kích thước của bào thai và các nguy cơ về sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Theo ông, chỉ số đường huyết mà phụ nữ mang thai nên có trong lúc đói là thấp hơn 95 mg/dl trong vài tháng cuối của thai kỳ. Nhưng ông cho rằng mức 90 mg/dl có thể là tốt hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, bệnh tiểu đường trong thai kỳ đã được biết từ lâu là không tốt cho cả mẹ lẫn con. Tuy nhiên, đường huyết của người mẹ sẽ trở lại bình thường sau khi sinh.
Những kết quả xét nghiệm khác đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ, như độ dung nạp glucose, cũng có liên quan đến nguy cơ về sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Chỉ số đường huyết cao trong thai kỳ cũng có thể làm cho thai quá lớn, khiến người phụ nữ phải trải qua thủ thuật mở tử cung để sinh con. |
Hiện nay, bệnh tiểu đường trong thai kỳ chiếm tỉ lệ 4% trong tổng số phụ nữ mang thai. Riêng ở Mỹ, hàng năm có khoảng 135.000 phụ nữ mắc bệnh này.
Theo nhóm nghiên cứu, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ cần được điều trị bằng một chế độ ăn uống đặc biệt có ít chất carbohydrate nhưng có nhiều chất xơ. Họ cần được bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ và trong một số trường hợp, cần được tiêm insulin.
Theo hãng tin AP, đây là nghiên cứu lớn nhất về mối quan hệ giữa nguy cơ sức khỏe của trẻ sơ sinh với chỉ số đường huyết của người mẹ trong lúc mang thai, và cũng là nghiên cứu đầu tiên xác định rằng những chỉ số đường huyết được chấp nhận hiện nay ở phụ nữ mang thai vẫn có thể gây ra nguy cơ bệnh tật cho trẻ sơ sinh.
Nhóm nghiên cứu hiện chưa đưa ra khuyến cáo gì trong lúc này. Theo giáo sư Metzger, những hướng dẫn mới về vấn đề này có thể được đưa ra trong năm tới, sau khi các chuyên gia quốc tế họp để phân tích và đánh giá những phát hiện này.
Nghiên cứu của giáo sư Metzger và các cộng sự vừa được công bố ngày 22/06/2007 tại hội nghị khoa học thường niên của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.