Uống thuốc chống say tàu xe có hại không?

Nhanluu1294 Nhanluu1294 @Nhanluu1294

Uống thuốc chống say tàu xe có hại không?

19/04/2015 08:20 AM
9,713

Uống thuốc chống say tàu xe có hại không?Những người dễ bị nôn, say tàu xe thường tự ý mua dùng thuốc chống nôn để uống khi cần sử dụng các phương tiện giao thông này. Đã có không ít trường hợp tai biến xảy ra, nhất là với trẻ em và người vốn có kèm bệnh khác.




UỐNG THUỐC CHỐNG SAY TÀU XE CÓ HẠI KHÔNG?


Thuốc chống say tàu xe có thể gây tai biến

Các nhóm thuốc thường dùng gồm:

Nhóm kháng cholinergic, kháng histamin

Phân nhóm kháng cholinergic: Khi bị cường phó giao cảm, cơ trơn sẽ co thắt, nhu động và vận động tiêu hóa mạnh lên, dịch tiết tiêu hóa tăng gây nôn, say. Thuốc kháng cholinergic chống lại hiện tượng này; thường dùng scopolamin (biệt dược uống là Aeron, biệt dược dán trên da là Transderms scop).

Tác dụng phụ hay gặp: khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng (không dùng khi điều khiển máy móc); ít gặp hơn là lú lẫn, khó tiểu, hội chứng cai thuốc (nếu dùng miếng dán trên 3 ngày). Không nên dùng miếng dán cho trẻ em.

Phân nhóm kháng histamin: Histamin tiết ra quá mức sẽ gây say, nôn. Có thể dùng các kháng histamin để chống lại. Thuộc nhóm này có:

- Meclizine (biệt dược: Antivert, Dramamine less drowsy): Dùng chống say tàu xe. Tác dụng phụ: buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, trầm dịu, rối loạn tâm thần. Không dùng cho trẻ em.

- Diphenylhydramin (biệt dược tiêm: Benadrylinjection, biệt dược uống: Nautamine). Loại biệt dược tiêm dùng chống nôn, say tàu xe, phụ trị các rối loạn dị ứng không thể dùng được bằng đường uống và một số bệnh khác. Loại biệt dược uống giúp dự phòng, điều trị nôn mửa. Cả hai loại đều không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng.

Cả 2 phân nhóm kể trên đều làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glaucome góc hẹp), làm tăng tác dụng các thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, dùng chung với các loại thuốc trên). Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già). Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú, người bị nghẽn đường dạ dày niệu. Thận trọng: khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, nghẽn dạ dày ruột, đường niệu.

Các thuốc trên muốn có hiệu quả chống nôn, say thì phải uống trước khi lên tàu xe khoảng 30-60 phút. Nếu cuộc hành trình kéo dài, phải uống nhắc lại.

Nhóm điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa

Thuốc ngăn chặn dopamin ngoại biên, làm thay đổi chức năng dạ dày ruột nên có tính chống nôn. Thường dùng:

Domperidone: Biệt dược là Motilium, Peridys, dưới dạng viên nén, thuốc cốm sủi bọt (dành cho người lớn), hỗn dịch uống (dành cho trẻ em, trẻ còn bú). Dùng trị chứng buồn nôn và nôn, đặc biệt là sau phẫu thuật, các chứng gan - tiêu hóa sau khi dùng thuốc chống ung thư, dự phòng buồn nôn và nôn sau khi thẩm phân lọc máu, nôn do liên hệ tới rối loạn vận động tiêu hóa. Chống chỉ định: Có tiền sử vận động muộn sau dùng thuốc hoặc khi có nguy cơ kích thích vận động dạ dày ruột sẽ gây nguy hiểm (xuất huyết dạ dày ruột, nghẽn cơ học, thủng tiêu hóa).

Thuốc không đi qua hàng rào máu não nên không gây tác dụng phụ ở trung tâm. Vì thuốc chuyển hóa qua gan thận nên phải hết sức thận trọng khi dùng cho người suy gan, thận. Dùng cho người suy thận thì phải giảm liều 30-50%, chia liều dùng mỗi ngày hai lần. Gần đây, người ta phát hiện thấy domperidon gây hiện tượng xoắn đỉnh (có thể gây đột tử) nhất là khi dùng chung với một số thuốc (như erythromycin, clarithromycin).

Metoclopramide: Chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn (như biệt dược: Gastrobid 15 mg), có loại thuốc giọt (dành cho trẻ sơ sinh), có loại thuốc đạn (dành cho trẻ em).

Nhóm thuốc chống nôn mạnh có tính gây nghiện

Thuốc chống nôn mạnh dẫn chất từ canabinoid của cần sa. Thường dùng là Dronabinol (còn có biệt dược Marinol); dùng trong buồn nôn và nôn mửa do thuốc trị ung thư. Thận trọng với người có tiền sử nghiện, bệnh tim, rối loạn tâm thần, trẻ em, người già, người có thai, cho con bú. Khi dùng không uống rượu. Thuốc có nhiều phản ứng phụ: gây ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, ưu tư, dị cảm, mất điều hòa vận động, nhịp tim nhanh, giãn mạch, hạ huyết áp thế đứng.

Dược thảo có tính chống nôn, chống say tàu xe

1.000 mg gừng khô có tác dụng chống nôn như 10 mg metoclopramide. 940 mg bột gừng khô có tác dụng chống say tàu xe tốt hơn 100 mg dramamine nhưng không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Các thí nghiệm này do các nhà khoa học Anh, Mỹ công bố trên các tạp chí khoa học.


Một vài điểm lưu ý khi dùng thuốc

Người không có bệnh gì có thể dùng thuốc uống nhóm thuốc thứ nhất. Nhưng với người có tiền sử bệnh tật (ví dụ như bị glaucome góc đóng) thì ngay với nhóm thuốc này cũng phải rất cẩn thận, đặc biệt là thuốc dạng tiêm hay cao dán, bắt buộc phải có sự chỉ dẫn giám sát của thầy thuốc (tuy các thuốc này không phải thuốc diện cần mua bán theo đơn).

Với nhóm thuốc thứ hai, nhất thiết phải có chỉ dẫn của thầy thuốc vì cơ chế tác dụng của thuốc có liên quan đến việc ngăn chặn việc sản xuất chất dopamin.

Nên dùng gừng trong chống nôn, say tàu xe vì có tác dụng không kém so với thuốc hóa dược, không có tác dụng phụ, dùng được cho người có thai.

Hạn chế dùng nhóm thuốc chống nôn gây nghiện.

Lưu ý không dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mới sinh những thuốc đã cấm, ngay với những thuốc không cấm như domperidone cũng phải rất cẩn thận.
Thận trọng với miếng dán chống say tàu xe

Một bé gái bảy tuổi theo mẹ từ Đồng Tháp lên TP.HCM thăm bà con. Sợ con say xe, người mẹ đã dán hai miếng dán chống ói ở sau tai của con. Trong suốt hành trình, bé ngủ li bì. Khi đến TP.HCM, bé kêu nhức đầu, có biểu hiện rối loạn hành vi, không nhận ra người thân, nói nhảm, la hét, đập phá, nôn mửa, hoa mắt... nên gia đình vội chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cấp cứu.

Không dùng miếng dán chống ói cho trẻ em dưới tám tuổi và phụ nữ có thai. Ảnh: Hồng Thái


Kết quả chẩn đoán của bác sĩ nhận định bệnh nhi đã bị tác dụng phụ của dược chất scopolamin trong miếng dán chống ói. Đây không phải là trường hợp hy hữu, trước đó cũng đã có một số người gặp những tác dụng tương tự do sử dụng miếng dán chống ói không đúng cách.

Miếng dán cũng là thuốc

Dạng thuốc là miếng băng dán (cao dán) dùng để dán lên da hiện nay không chỉ cho tác dụng tại chỗ (như cao dán Salonpas, chỉ cho tác dụng giảm đau khu trú ở vùng dán) mà còn có loại mới cho tác dụng toàn thân (dán nhưng cho tác dụng không khác uống thuốc). Dạng thuốc cho tác dụng toàn thân này còn được gọi là băng dán xuyên da.

Để chống nôn ói khi đi tàu xe, thay vì uống thuốc, ta có thể dán dạng thuốc băng dán xuyên da chứa dược chất scopolamin. Khi dán lên da khô sau tai (dán ít nhất bốn giờ trước khi lên tàu xe để có đủ thời gian cho thuốc thấm qua da vào máu), thuốc sẽ thấm dần xuyên da qua máu với lượng đủ scopolamin có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hoá giải buồn nôn và nôn do say tàu xe. Dạng băng dán xuyên da này khá tiện lợi, vì duy trì được sự cung cấp liên tục thuốc trong thời gian dài, nếu cần có thể ngưng sự điều trị bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da.

Không phải ai cũng dùng được

Vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Cụ thể, băng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là “liệt đối giao cảm” (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)…

Do vậy, khi dùng băng dán xuyên da chống nôn, ta cần lưu ý: không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới tám tuổi. Trẻ em trên 8 – 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. Khi đang dán băng dán xuyên da và cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay, bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da. Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám ở bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc cho bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ miếng băng dán nên rửa tay cho kỹ, để thuốc không dính vào thức ăn, thức uống.




Dùng thuốc chống say tàu xe

Thuốc chống say tàu xe thường dùng là dimenhydrinat với khoảng 80 tên biệt dược. Khi dùng thuốc không uống bia rượu. Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bú không nên dùng.

Dimenhydrinat có các tên biệt dược (tên thương mại) như: antivomit, bonaling, contramareo, dimenest, emedyl... Thuốc dạng viên nén 50mg dùng uống (còn có dạng thuốc đạn 25mg và 100mg), có tác dụng kháng histamin, chống nôn và chóng mặt. Với người lớn, 30 phút trước khi đi xe uống 1-2 viên (hoặc nạp thuốc đạn 100mg), sau đó nếu cần cứ 4 giờ uống 1 viên. Thuốc có thể gây quánh dịch nhầy đường hô hấp. Nếu đã dùng dimenhydrinat thấy đường hô hấp tiết nhiều chất nhầy quánh dính khó thở, khó khạc ra thì nên thay bằng các thuốc sau đây:

Aeron: Thuốc dạng viên nén chứa 0,1mg scopolamin camphorat và 0,4mg hyoscyamin camphorat, với người lớn uống 1-2 viên 1 giờ trước lúc khởi hành; tối đa 4 viên/24 giờ.

Scopoderm TTS: Thuốc dạng dán vào da với bề mặt tiếp xúc 25cm2. Dán 1 miếng phía sau tai ở chỗ da khô không có tóc từ 6-12 giờ trước khi khởi hành. Khi đến nơi gỡ bỏ miếng thuốc dán đi. Một miếng dán đủ để phòng cho một chuyến đi trong 72 giờ. Nếu đi lâu hơn, sau 72 giờ bỏ miếng cũ đi và dán 1 miếng mới ở phía sau tai bên kia. Kiêng rượu bia trong thời gian dùng thuốc, và không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi.

Muốn chống say tàu xe có hiệu quả, ngoài việc dùng thuốc, bạn cần lưu ý mấy điều sau: trước ngày khởi hành cần thư giãn, tránh mệt mỏi bởi thần kinh căng thẳng thường dễ gây say tàu xe. Trước khi đi nên ăn nhẹ, không để cơ thể quá đói hoặc quá no vì dễ kích thích niêm mạc dạ dày. Không dùng đồ uống có ga, không uống rượu trước và trong khi đi. Đi xe ô tô thì ngồi phía đầu xe để đỡ xóc, nếu đi tàu thì ngồi ở cuối đoàn tàu. Ngồi cạnh cửa thoáng gió, tránh khói thuốc lào, thuốc lá. Khi xe chạy, chỉ nên nhìn ra phía xa trước mặt, không nhìn ra phía sau và không nhìn gần hai bên đường để tránh cảm giác các vật đang di động ngược chiều với hướng đi của mình. Thỉnh thoảng nên vận động nhẹ nhàng cho khí huyết lưu thông.

Ba cách hiệu quả chống say xe


Trước đây tôi cũng hay say nên rất hiểu và thông cảm với những ai phải đi lại nhiều. Tuy nhiên, tôi đã hoàn toàn hết say sau khi áp dụng thành công 3 cách là sử dụng thuốc chống say máy bay, tự cầm lái (thực tế là chẳng tài xế nào say), tập luyện và tuân theo các quy tắc khi ngồi trên ôtô.

1. Sử dụng thuốc chống say máy bay: Áp dụng cách này nếu bạn muốn đơn giản và hiệu quả, mỗi một lượt đi xe dùng 2 viên. Bạn ra hiệu thuốc mua 2 viên thuốc chống say máy bay (viên trắng nhỏ, loại của Pháp). Ăn no, không nhịn đói, uống đủ nước và 2 viên thuốc 30 phút trước khi bước lên xe.

Đặc biệt chú ý là bạn phải uống thuốc ít nhất 30 phút trước khi lên xe, không được uống kèm với bất kỳ thuốc chống say nào khác. Nếu không thuốc không có tác dụng. Hiệu quả rất cao, gần như không gây buồn ngủ hay say thuốc. Nhiều người say lên say xuống nhưng khi uống thấy cực kỳ hiệu nghiệm, đi hàng trăm km không cảm thấy gì.

Đọc sách báo là một trong những nguyên nhân gây say xe.

Đọc sách báo là một trong những nguyên nhân gây say xe. Ảnh: MSN.

2. Tự cầm lái: Nếu bạn có điều kiện, hãy đi học lái xe và tự cầm lái. Vợ của một người bạn tôi cũng rất say xe. Chồng cô ấy chữa bằng cách bắt tự lái. Một thời gian sau chẳng thấy say nữa.

3. Luyện tập và tuân thủ các quy tắc: Ngồi cùng hướng với xe (mặt cùng hướng xe di chuyển, tuyệt đối không ngồi quay ngược lại), không nằm. Mắt nhìn đường qua kính chắn gió, quan sát tình huống giao thông trên đường, tưởng tượng như mình đang lái xe vậy. Bạn hạn chế nhìn qua cửa kính, không nhìn các vật quá gần di chuyển lướt qua liên tục sẽ chóng mặt.

Không ngồi ở cuối xe. Nên ngồi ghế nằm trên trục/cầu sau xe bởi vị trí này ít bị lạng nhất khi xe rẽ. Dùng bông gòn nhét vào hai tai, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều khi không nghe tiếng động cơ gầm rú.

Đừng xuống kính và nên đi xe có điều hòa. Vì xuống kính sẽ có khói xăng vào xe. Nếu điều hòa hôi, có thể dùng quả quít, quả dứa để khử mùi. Bạn không được đọc bất cứ thứ gì trên tay (sách báo/điện thoại di động/laptop...), hạn chế tối đa việc nhắn tin vì các hành động này làm cho tiền đình phải hoạt động mạnh hơn bình thường, gọi điện thoại thì có thể được.

Khi xe phanh, hít thở từ từ, hít thật sâu dần dần cho đến khi thật căng hai lá phổi, giữ lấy hơi, không được thở ra vội vàng, giữ hơi đến khi xe giảm tốc hoàn toàn và bắt đầu chuyển động đều thì thở nhẹ ra nhưng thật từ từ, tiếp theo là hít thở sâu khoảng 2, 3 lần nữa.

Động tác này rất quan trọng, rất nhiều người say đã bị nôn khi xe phanh gấp hoặc đang đi dừng hẳn lại để bắt khách. Việc hít thở sâu và thở ra thật từ từ giúp cho cơ thể có nhiều ôxy, giữ hơi, đồng thời đây là một "tiểu xảo" để làm giảm sự nhạy cảm của tiền đình.

So với cách đầu tiên dùng thuốc thì cách này hơi phức tạp, đòi hỏi bạn phải tuân thủ đúng mới có hiệu quả. Tuy nhiên nếu áp dụng thành công bạn sẽ thấy rất vui, vì từ nay có thể đi du lịch, công tác xa thoải mái bằng ôtô mà không phải lo say nữa. Tôi đã chia sẻ phương pháp này với nhiều người, và phần lớn họ thấy hiệu quả.

Tôi và em trai đều là những người to khỏe nhưng trước đây đi tàu xe rất khổ, chỉ 15-20 km đã bị. Mỗi lần say thì như một trận ốm nặng, chẳng còn thiết tha đi tham quan du lịch gì nữa. Vốn là người cứng đầu, tôi không cam chịu việc say xe "lãng xẹt" như vậy.

Tôi đã suy nghĩ và tìm hiểu rất nhiều. Điều gì làm người ta bị say. Tại sao có người bị có người không? Sao đi xe máy không say, ngồi ôtô lại say dù vẫn là chuyện ngồi trên một vật khác di chuyển đưa cơ thể ta di chuyển theo. Câu trả lời nằm ở tiền đình của con người. Sở dĩ con người có thể đứng, đi bộ, leo cầu thang, đi thăng bằng (diễn viên nhào lộn), di chuyển linh hoạt trên đôi chân của mình mà không bị ngã là nhờ có tiền đình.

Tiền đình giúp cơ thể cảm nhận không gian, kiểm soát trạng thái thăng bằng. Bạn nhắm mắt cũng biết đang đứng thẳng/đứng nghiêng hay dốc ngược đầu, hay như khi bạn đi trong bóng đêm, không cần mắt để giữ thăng bằng. Tiền đình hữu ích như vậy, nhưng với những người say xe - những người có tiền đình quá nhạy cảm - nó lại là vấn đề.

Khi người bị say đi xe ôtô, tiền đình họ hoạt động mạnh hơn lúc bình thường. Nó cố gắng cảm nhận không gian và vị trí tương đối của cơ thể. Tuy nhiên, cùng lúc đó, 2 giác quan khác là mắt và tai cũng hoạt động tích cực. Thông tin thu nhận từ 3 cơ quan này không thống nhất, dẫn đến cơ thể mất kiểm soát thăng bằng và bắt đầu nôn nao.

Ví như xe ôtô phanh gấp, hoặc tăng tốc, tiền đình cảm nhận gia tốc thay đổi, tuy nhiên mắt người nhìn nội thất/một số vật nằm trong xe không chuyển động so với cơ thể, nên hai thông tin từ thị giác và tiền đình là không thống nhất.

Tai nghe tiếng máy rú to gây cảm giác xe chạy nhanh, nhưng có thể thực sự lúc đó xe không chạy nhanh và tiền đình cảm nhận xe chạy không nhanh (do tài xế chạy ép số thấp, khi lên dốc chẳng hạn). Sự không nhất quán giữa tiền đình, mắt và tai gây ra cảm giác say cho cơ thể. Vậy mọi phương pháp tập luyện hay quy tắc đi xe đều phải xoay quanh vấn đề giảm bớt sự nhạy cảm của tiền đình (tạm thời "tắt" nó đi).

Bạn sẽ để ý những điều khuyên không nên làm khi đi ôtô ở trên cũng đều từ nguyên lý này: ngồi ngược, nằm, đọc sách, nhìn vào nhà cửa xe cộ lướt qua liên tục... là những hành động làm cho tiền đình phải hoạt động mạnh hơn.







Cách chữa say nắng hiệu quả -
Mẹo chữa uống rượu say trong ngày Tết Nguyên Đán
Chữa bệnh táo bón bằng mướp đắng rất tốt
Em bé bị rôm sảy và cách điều trị, phòng tránh
Tác dụng chữa bệnh của cây dứa dại
Mẹo chữa say tàu xe hiệu quả
Tác dụng chữa bệnh của khổ qua rừng
Tác dụng chữa bệnh của củ khoai tây
Khổ qua chữa bệnh tiểu đường rất hiệu quả




(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý