Chữa bệnh sỏi thận như thế nào để bệnh mau khỏi?.Các biểu hiện của sỏi thận rất dễ nhầm lẫn bệnh khác. Viên sỏi có thể gây đau ở vùng xườn bụng, giữa xương sườn và hông, đau ở hông cảm giác đau lan tỏa tới tận háng.
CHỮA BỆNH SỎI THẬN NHƯ THẾ NÀO?
Các phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh sỏi thận
Sỏi thận là một trong những bệnh thường gặp nhất cuả nhân loại, có lẽ nó đã xuất hiện cùng lúc với sự có mặt của loài người trên trái đất. Mỗi năm, người ta ước tính có khoảng 1/5.000 dân số thế giới được phát hiện có sỏi và được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Riêng ở Việt nam, tỷ lệ này có lẽ cao hơn. Chỉ lấy riêng con số thống kê cuả bệnh viện Bình Dân TP.HCM, số người được nhập viện để mổ lấy sỏi tại đây là khoảng 6.000 người một năm. Số bệnh nhân bị sỏi được điều trị bằng các phương pháp khác hoặc từ chối điều trị bằng Tây Y có lẽ còn nhiều hơn nữa.
Sỏi thận cũng là một trong những bệnh có nhiều phương pháp điều trị nhất. Mỗi người trong chúng ta, nếu không bị sỏi thì trong đời cũng đã được biết đến một người thân hoặc người quen bị sỏi. Một người bị sỏi cũng được nghe nói đến ít nhất hai, ba phương pháp điều trị khác nhau, từ mổ sỏi, tán sỏi cho đến các phương pháp dân gian khác như: phèn chua chưng với khóm, hạt lười ươi, hạt trâm bầu, hoặc là ly kỳ hơn như ngắt một đọt tre cao bằng tầm tay với rồi để xuống đất lấy chậu úp lại... Nhưng muốn điều trị dứt điểm bệnh sỏi thận không gì hơn là hiểu rõ nó và phòng ngừa đúng phương pháp.
1.Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận là gì?
Nguyên nhân gây ra sỏi thận chưa được biết chính xác, trong đa số các trường hợp là do nhiều nguyên nhân phối hợp. Hơn 90% sỏi được cấu tạo bởi chất vôi Can-xi (Calcium) hoặc ma-nhê (Magnesium) phối hợp với Phosphate hoặc Oxalate. Số còn lại là sỏi hữu cơ như: Cystine, acide Uric. Những nguyên nhân sau đây được biết là có ảnh hưởng lên sự hình thành sỏi:
-Sự hiện diện quá nhiều những chất tương đối kém hòa tan trong nước tiểu như: Calcium, Oxalat, Cystine, acide Uric.
-Sự biến đổi của nước tiểu về mặt lý tính (số lượng nước tiểu, độ kiềm toan của nước tiểu)
-Sự bế tắc đường tiểu
Sự hiện diện quá nhiều những chất tương đối kém hòa tan trong nước tiểu
Can-xi
Một người bình thường nếu không dùng sữa và pho-mát trong bốn ngày liên tiếp sẽ thải ra khoảng 100-175 mg can-xi qua đường tiểu trong 24 giờ. Thức ăn chủ yếu có nhiều can-xi là sữa và pho-mát. Chất đường Lactose trong sữa là tác nhân chính làm tăng hấp thụ chất can-xi qua ruột. Do đó mà trẻ em rất cần sữa để có can-xi cho hệ xương phát triển. Đối với người lớn, nhu cầu phát triển xương không có, do đó nếu dùng nhiều sữa quá thì can-xi sẽ thải ra trong nước tiểu với số lượng lớn dễ gây ra sỏi. Tại nước ta, lượng sữa dùng trong dân số có lẽ không quá nhiều như tại các quốc gia Âu Mỹ, cho nên nguyên nhân chủ yếu là do dùng nước chưa được xử lý. Tại một số nơi, nguồn nước giếng, nước sông, suối, ao hồ chứa rất nhiều Can-xi cũng là một nguyên nhân làm cho lượng Can-xi trong nước tiểu tăng cao gây sỏi.
Những bệnh nhân phải bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa chấn thương, hoặc một số bệnh lý về xương như ung thư di căn xương, bướu tuỷ xương, bệnh Paget cũng làm cho tăng can-xi trong nước tiểu. Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến tăng lượng can-xi trong nước tiểu như: dư Vitamine do dùng quá nhiều hoặc phơi nắng nhiều, bệnh toan hóa tiểu quản thận, bệnh cường tuyến phó giáp (hơn 2/3 số bệnh nhân bị bệnh này mắc sỏi thận và thường là sỏi lớn dạng san hô ở cả hai bên thận).
Cuối cùng là những người có sự tăng can-xi niệu và tăng hấp thu can-xi không rõ lý do. Bệnh chỉ xảy ra ở đàn ông và lượng can-xi trong nước tiểu nhiều khi lên đến 500mg/ngày.
Oxalate
Ở Âu Mỹ, tỷ lệ sỏi có chứa Oxalate Calcium là 50%, tại việt nam con số đó lên đến 64% (theo tài liệu của bệnh viện Bình Dân). Có rất nhiều thực vật chứa Oxalate trong đó có gạo, nhưng việc hạn chế dùng các thức ăn đó ít có giá trị phòng ngừa vì 90% Oxalate trong cơ thể được sinh ra trong quá trình biến dưỡng. Nếu người Việt Nam bị sỏi mà ngừa sỏi bằng cách kiêng ăn cơm gạo thì không được. Oxalate tự sinh ra trong cơ thể, thải ra trong nước tiểu và kết hợp với Cacium mới tạo thành các tinh thể muối Oxalate Calcium. Ngoài ra còn có bệnh tăng tiết Oxalate. Bệnh có tính di truyền gây ra tiểu rất nhiều Oxalate dẫn đến sỏi thận hoặc vôi hóa thận ở trẻ em.
Cystine
Là loại sỏi hình thành do rối loạn biến dưỡng. Bệnh nhân sẽ tiểu ra một lượng cystein nhiều hơn bình thường. Đây là loại bệnh hay gây ra sỏi ở trẻ em, thường có tính di truyền. Các em bị loại sỏi này từ bé thường khó nuôi đến tuổi lớn.
Acide Uric
Đây là một chất thải ra trong quá trình biến dưỡng cuả chất đạm trong cơ thể. Sỏi này được hình thành trong môi trường a-xít. Acide Uric trong máu và nước tiểu tăng trong trường hợp sau :
-Bất thường trong sản xuất acide Uric: bệnh bẩm sinh thiếu men HGPRT (Hypoxanthine-Guanine PhosphoRibosylTransferas), bệnh mắc phải như: rối loạn sinh tuỷ xương, béo phì, nghiện rượu.
-Bất thường trong bài tiết acide Uric: ăn nhiều thức ăn giàu đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, nghêu, sò), dùng thuốc thải acide Uric để điều trị bệnh thống phong.
Sự biến đổi của nước tiểu về mặt lý tính
Giảm lưu lượng nước tiểu
Trong trường hợp này, lượng chất thải ra trong ngày không nhiều hơn nhưng vì tiểu ít nên nồng độ các chất trong nước tiểu gia tăng nên khả năng tạo sỏi sẽ gấp bội. Các thói quen dẫn đến tình trạng này là:
-Uống nước ít, nhâm nhi trà đặc
-Không dám uống nước vì lý do nghề nghiệp: tài xế , giáo viên , công nhân làm ca... hay do bệnh lý: nằm liệt giường, bị thương...
-Thường xuyên mất nước qua mồ hôi hoặc hơi thở vì làm việc trong môi trường nóng nực: vận động viên, công nhân...
Nói chung, lượng nước tiểu trong ngày của người lớn phải trên 1,5 lít. Nếu lượng này giảm còn phân nửa, nguy cơ gây sỏi sẽ tăng lên gấp đôi.
Rối loạn độ kiềm toan (pH) của nước tiểu
Mỗi loại sỏi được hình thành trong một mội trường pH khác nhau. Nếu môi trường nước tiểu bị kiềm hoá quá độ (như trong trường hợp người bị loét bao tử dùng kéo dài các loại thuốc chống a-xít) thì sẽ dễ bị sỏi Calcium Phosphate. Nếu trường hợp bị nhiễm trùng đường tiểu kéo dài bởi vi trùng Proteus, E.coli, chúng sẽ tiết ra một loại enzyme phân giải urê thành ammoniac và CO2 . Hiện tượng này kéo theo sự gia tăng ammoniac trong nước tiểu và hiện tượng kiềm hoá do CO2 tạo điều kiện hình thành một loại sỏi kết hợp gọi là sỏi nhiễm trùng, sỏi Urease hay sỏi triphosphate.
Sự bế tắc đường tiểu
Khi có bế tắc đường tiểu bán phần hoặc mạn tính, nước tiểu thường xuyên tồn đọng trong đường tiểu tạo điều kiện cho các chất có thời gian kết tủa và gây sỏi. Sự bế tắc đường tiểu thường do nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân thường gặp là:
-Các cụ ông trên 60 tuổi bị bướu lành tiền liệt tuyến
-Bệnh nhân bị di chứng hẹp niệu đạo sau một chấn thương
-Bệnh nhân bị di chứng hẹp đường tiểu sau một phẫu thuật hoặc nong, đặt thông tiểu kéo dài. Như vậy, mổ lấy sỏi tuy là một động tác điều trị bệnh nhưng nếu thực hiện không đúng quy cách lại có thể gây ra những vết sẹo chít hẹp và làm nguyên nhân gây sỏi tiếp tục cho bệnh nhân
-Bệnh nhân bị bế tắc đường tiểu do bệnh bẩm sinh, đặc biệt là bệnh thận nước bẩm sinh
-Bệnh nhân bị bệnh bọng đái hỗn loạn thần kinh gây khó tiểu.
2.Sỏi thận có thể gây ra những biến chứng gì?
Không phải sỏi thận nào cũng phải điều trị. Chỉ có những hòn sỏi có khả năng gây ra những biến chứng cho cơ thể thì mới cần phải loại nó mà thôi. Những biến chứng do sỏi đem lại gồm: bế tắc đường tiểu, nhiễm trùng, suy thận cấp, suy thận mạn tính, vỡ thận.
Bế tắc đường tiểu
Những hòn sỏi nằm trong lòng đường tiểu như đài thận, bể thận, bọng đái đều có khả năng rơi vào niệu quản hoặc niệu đạo gây ra bế tắc. Khi có hiện tượng này, hệ niệu sẽ phản ứng để cố gắng tống hòn sỏi ra khỏi chỗ tắc nghẽn bằng cách tăng cường co bóp điều này dẫn đến ba hậu quả trực tiếp. Thứ nhất gây ra các cơn đau bão thận. Thứ hai gây ra sự trướng nở hệ niệu mà chuyên môn gọi là thận ứ nước hoặc niệu quản ứ nước (hiện tượng này sẽ mất đi sau khi hòn sỏi được lấy ra một cách kịp thời. Nhưng nếu sau một thời gian ứ nước kéo dài, đôi khi thận không còn khả năng hồi phục nữa. Vì vậy dù đã khỏi bệnh rồi mà thận vẫn còn ứ nước. Muốn tránh điều tai hại này chỉ có cách là phải điều trị dứt điểm, kịp thời). Thứ ba là gây bí tiểu.
Nhiễm trùng
Sỏi nằm lâu ngày trong hệ niệu là nơi vi trùng tụ tập và phát triển. Nhiễm trùng nhẹ thì chỉ có các triệu chứng như tiểu gắt, đau lưng. Nhiểm trùng nặng hơn có thể gây ra tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu phối hợp với bế tắc đường tiểu thì có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hoá mủ. Để đến lúc này thì khả năng điều trị có giới hạn, bác sĩ thường chỉ có thể đặt một ống vào thận để dẫn lưu mủ ra ngoài rồi chờ cho tình trạng nhiễm trùng giảm đi, bệnh nhân khá hơn lên mới điều trị triệt để. Tuy nhiên trong giai đoạn đó, khả năng tốt nhất cho bệnh nhân chỉ là cắt bỏ quả thận bị hư để tránh bị mủ tái phát. Nếu trong trường hợp thận bên kia không có hoặc không còn hoặc cũng bị sỏi thì vấn đề sẽ hết sức khó khăn. Bác sĩ phải cân nhắc nhiều và tận lực mới có thể đem lại cho bệnh nhân một cuộc sống bình thường được.
Suy thận cấp tính
Xảy ra khi cả hai quả thận đều bị bế tắc cùng một lúc. Khi đó bệnh nhân sẽ không có một giọt nước tiểu nào cả và có thể dẫn đến tử vong nếu không kịp điều trị trong vòng vài ngày.
Suy thận mạn tính
Khi thận bị sỏi, quá trình nhiễm trùng, ứ nước lâu ngày sẽ hủy hoại dần dần thận. Lúc đó, người bệnh sẽ phải cần đến các biện pháp rất tốn kém để duy trì sinh mạng như thận nhân tạo hay ghép thận. Ghép thận thì nước ta chưa có điều kiện để phát triển nhân rộng. Thận nhân tạo thì chỉ có một vài trung tâm có mà chi phí để chạy thận nhân tạo định kỳ suốt đời thì chỉ có một số hiếm hoi các gia đình có đủ khả năng tài chính mới có thể chịu được.
Vỡ thận
Bình thường thận nằm trong vùng hốc lưng, được che chở rất kỹ do xương sườn, thành bụng nên phải chấn thương rất nặng mới có thể vỡ. Nhưng khi bị ứ nước to, vách lại mỏng đi nên đôi khi, chỉ một chấn thương nhẹ cũng có thể làm cho thận bị vỡ.
3. Hiện nay bệnh sỏi thận được điều trị như thế nào?
Sỏi ở bàng quang
-Nhỏ hơn 5mm: nong niệu đạo để tự đi tiểu ra
-5 - 15 mm: gắp sỏi bằng ống mềm
-15 - 30 mm: nghiền sỏi qua nội soi
-Trên 30 mm, hoặc có thêm các bệnh lý tắc nghẽn đường tiểu dưới: mổ hở.
Sỏi ở niệu quản
-Nhỏ hơn 5mm: trị thuốc, uống nhiều nước, nong niệu quản để tự đi tiểu ra
-5 - 10 mm: tán sỏi nội soi
-10 - 20 mm: mổ lấy sỏi qua nội soi
-Trên 20 mm, hoặc có thêm các bệnh lý tắc nghẽn đường tiểu: mổ hở
-Với mọi kích thước có kèm nhiễm trùng nặng: mổ hở.
Sỏi ở thận
-Nhỏ hơn 5mm: trị thuốc, uống nhiều nước.
-5 - 20 mm: tán sỏi ngoài cơ thể
-20 - 30 mm: lấy sỏi qua da
-Trên 30 mm, hoặc có thêm các bệnh lý tắc nghẽn đường tiểu: mổ hở
-Với mọi kích thước có kèm nhiễm trùng nặng: mổ hở.
Ngoài kích cỡ và vị trí của sỏi, việc chọn lựa phương pháp điều trị còn phải tùy thuộc nhiều yếu tố khác như: bệnh lý chung, bệnh lý đi kèm của bệnh nhân, tình trạng chức năng thận bị sỏi và thận bên kia, sỏi một bên hay cả hai bên, khả năng của cơ sở điều trị, tình hình trang thiết bị, khả năng của phẫu thuật viên, tình hình kinh tế của bệnh nhân. Bác sĩ và bệnh nhân sẽ cùng nhau thảo luận và quyết định phương pháp phù hợp nhất.
4.Hiệu quả của điều trị bệnh ra sao?
Không có một phương pháp nào là hoàn hảo, không có bàn tay của bác sĩ nào là thánh thủ danh y. Phương pháp nào cũng có thể có biến chứng và việc sót sỏi đôi khi là không tránh khỏi do những điều kiện khách quan. Tại các nước có trình độ y khoa tiên tiến, tỷ lệ điều trị sỏi bằng các phương pháp ít sang chấn thường cao hơn các nước đang phát triển. Ngoài ra, do việc chẩn đoán và săn sóc sức khoẻ ban đầu tốt hơn, bệnh nhân thường được điều trị ngay từ lúc sỏi còn rất nhỏ nên tỷ lệ tán sỏi ngoài cơ thể cao hơn nhiều.
5.Phòng ngừa sỏi thận bằng cách nào?
Những bệnh nhân đã từng bị sỏi thận cần được theo dõi phòng ngừa tái phát. Phương thức phòng ngừa dựa trên cấu tạo hoá học cuả sỏi. Do đó, khi tiểu ra sỏi hoặc được điều trị bằng phẫu thuật, nội soi hoặc tán sỏi, hòn sỏi cần được gửi phòng xét nghiệm để phân chất. Có khoảng 30% số người đã bị tái phát sỏi vì không nắm được các thức ăn chủ yếu cần phòng ngừa cho thích hợp. Vì vậy, bệnh nhân nên biết loại sỏi mình đã bị để có cách phòng thích hợp nhất.
Nếu không có phân chất sỏi, người bác sĩ niệu khoa có thể dựa trên các yếu tố sau để quyết định cách phòng ngừa cho bệnh nhân: tính chất sỏi trên phim X-quang, loại tinh thể tìm thấy trong nước tiểu, trắc nghiệm tìm Cystine và alpha Nitrogen trong nước tiểu, bất thường trong phân chất máu. Phòng ngừa bằng các biện pháp chung và riêng cho từng loại sỏi.
Các biện pháp chung
Uống thật nhiều nước để tiểu nhiều, như vậy sỏi sẽ ít có nguy cơ tái phát. Nếu có thói quen nhâm nhi trà đặc thì nên chuyển qua “hệ trà đá ly cối”. Dùng nhiều canh trong bữa ăn.
Điều trị các bệnh niệu như nhiễm trùng, bế tắc một cách đúng quy cách do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Một số bệnh nhân có thói quen dùng thuốc bổ nên biết rằng trong một số thuốc có chứa nhiều sinh tố D và can-xi là những tác nhân tán trợ cho sự thành lập sỏi.
Các biện pháp theo từng loại sỏi
Sỏi Phostphat Calcium và Magnesium
Nếu có bệnh cường tuyến phó giáp thì nên mổ cắt tuyến này. Không dùng sữa và các sản phẩm từ sữa. Sỏi này được tạo trong môi trường a-xít hoặc trung tính (pH bằng hoặc lớn hơn 7) nên cần phải duy trì nước tiểu có tính a-xít (pH nhỏ hơn 6). Có thể dùng các thuốc làm tăng độ a-xít nước tiểu như: sinh tố C, nước quả chua (chanh, cam, dâu)...
Nếu nguyên nhân bệnh lại là toan hoá tiểu quản thận thì lại phải làm kiềm hoá nước tiểu bằng citrate Sodium (Natri) hoặc Potassium (Kali). Một số thuốc có thể làm trung hòa khả năng tạo sỏi có chứa Potassium hoặc Sodium nên việc sử dụng lại hết sức phức tạp và nguy hiểm vì lượng Kali trong máu tăng cao do dùng thuốc có thể gây các rối loạm tim mạch đôi khi dẫn đến chết người. Thuốc lợi tiểu dạng Thiazid có thể làm giảm lượng can-xi trong nước tiểu còn phân nửa cuả người bị chứng tăng tiết can-xi vô căn.
Sỏi Oxalate
Vì không có phương pháp cụ thể nào có thể làm giảm lượng Oxlate Calcium trong nước tiểu nên chúng ta chỉ có thể phòng ngừa loại sỏi này theo các phương thức làm giảm lượng can-xi trong nước tiểu như đã nói trên. Có một số thức ăn giàu Oxalate, nhưng sự giảm ăn các món ấy không đem lại hiệu quả rõ rệt.
Sỏi Urate và Cystein
Đây là hai loại sỏi do biến dưỡng cuả cơ thể. Vì đặc tính cuả chúng là hình thành trong môi trrường a-xít nên việc phòng ngừa phải ngược lại các loại sỏi nói trên. Chúng ta phải làm cho độ pH cuả nước tiểu bằng hoặc cao hơn 7 bằng thực đơn giàu kiềm: ít thịt, nhiều rau cải, trái cây.
Chỉ nên dùng thịt cá 1 lần/tuần kèm theo là các loại thuốc làm kiềm hoá nước tiểu. Một trong các loại thuốc làm giảm sự tổng hợp acide uric trong cơ thể hay được dùng là allopurinol tỏ ra rất hữu hiệu trong việc phòng ngừa sỏi Urate.
Lưu ý:
Có rất nhiều loại sỏi được hình thành với nhiều cơ chế đối nghịch nhau. Vậy thì việc phòng ngừa sỏi tái phát là một công việc hết sức tế nhị và phức tạp. Nếu dùng lầm một loại thuốc phòng ngừa sỏi khác không đúng quy cách thì hậu quả có thể là sỏi không những không tránh được mà lại còn có thể nhanh chóng hình thành hoặc to nhanh thêm nữa. Đã có nhiều bệnh nhân tự sử dụng các loại thuốc không đúng mà hậu quả là chỉ trong vòng 6 tháng, sỏi được tái lập với kích thước không thua gì hòn sỏi trước. Vả lại, đa số các hòn sỏi thuộc loại phối hợp nhiều thành phần với nhau mà đôi khi các công thức phòng ngừa cho từng loại lại đối nghịch nhau. Lúc đó, người bác sĩ chuyên khoa bắt buộc phải chọn thành phần sỏi nào là chủ yếu để chọn chiến thuật thích hợp nhất. Có hai điều chúng ta cần lưu ý:
-Hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, không nên dùng thuốc theo sự mách bảo cuả người khác.
-Sau khi được mổ lấy sỏi, xin đừng hỏi phẫu thuật viên: "Thưa bác sĩ, cục sỏi cuả tôi đâu cho tôi xin " mà hãy hỏi " Xin cho tôi biết kết quả phân chất hòn sỏi của tôi".
6. Những thức ăn nào có khả năng gây sỏi?
Tại các khoa niệu, người ta thường thấy treo một bảng phong thần các món ăn có thể gây sỏi để cho bệnh nhân theo đó mà tránh. Đó là mộ danh sách đủ dài để gây khó khăn cho các nhà nội trợ tài ba nhất vì nếu theo đó thì gần như không ăn gì cả thì mới không bị sỏi.
Can-xi có nhiều trong: xà lách soong, hạt dẻ, quả ô-liu, trái vải, mận, hạnh nhân, sữa (các loại), pho-mát, sô-cô-la, đậu trắng, đậu tương, đậu Hoà lan, rau dấp cá, trứng, tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến. Urate có nhiều trong: cật heo, cá chày, cá đối, thịt bò,bê, tôm hùm, gan (các loại), tôm, cua ngao, sò, ốc, hến. Phosphat có trong: cacao, đậu nành, đậu tương, đậu Hòa lan, cá mòi, bơ (các loại), gan (các loại). Oxalate có nhiều trong: dưa chuột, củ cải đỏ, măng tây, dâu tây, trà đặc, me chua, hạt tiêu.
Không những chỉ có các thức ăn cao cấp như tôm hùm, pho-mát, quả ô-liu… mà cả những món hết sức bình dân như rau dấp cá, me chua cũng không thoát khỏi. Rất nhiều bệnh nhân không thể theo nổi chế độ tiết thực khắc nghiệt như vậy nên đành bỏ. Một số người khác trở lại tái khám trong tình trạng “thon thả quá độ” vì chỉ dám ăn cơm với rau muống, cà pháo.
Thực ra, đa số các món ăn trong danh sách “thần chết” nói trên tuy mang hàm lượng chất gây sỏi cao, nhưng việc giảm ăn chúng có kết quả hết sức hạn chế, nhất là đối với loại thức ăn có oxalate. Việc giảm ăn sau khi điều trị chỉ cần nghiêm nhặt đối với các món như: sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, kem, pho-mát, yaourt) vì chúng làm tăng sự hấp thu can-xi qua ruột. Khi dùng 100 mg can-xi trong thức ăn, chỉ có vài gram số đó qua được niêm mạc ruột. Nhưng nếu có sữa kèm theo thì mức hấp thụ đó tăng lên khoảng 20 lần. Nên nhớ là can-xi trong thuốc (thuốc bổ, can-xi viên..) thì đã được điều chế thành các muối để sự hấp thu gần như 100%. Các loại tôm, cua, ngao, sò, ốc, hến thì thỉnh thoảng dùng cũng không sao.
Tóm lại, sỏi thận là một bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân dẫn đến. Bệnh có nhiều biến chứng với mức độ nguy hiểm rất cao. Việc phòng ngừa các biến chứng rất quan trọng bằng cách cố gắng phát hiện và điều trị thật sớm. Để phòng tái phát sỏi thận, bệnh nhân nên biết tính chất loại sỏi của mình và tuân theo lời hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
Xử lý bệnh sỏi thận như thế nào
Cho đa số loại sỏi, bác sĩ sẽ đề nghị bạn uống đủ nước và giữ cho nước tiểu trong, hay khoảng 8-10 ly nước/ngày, để tống viên sỏi ra. Bạn cũng có thể cần uống thuốc giảm đau. Bạn có thể làm việc này tại nhà. Bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc để loại bỏ viên sỏi. |
||||||||||
|