Món ăn ngon ở Sa Đéc cho thực khách tha hồ lựa chọn. Sa Đéc có gì ngon?” - nhiều người bạn phương xa lần đầu đến thăm quê Phước đã hỏi như thế. Và với một con người có tâm hồn ăn uống như Phước thì Phước rất sẵn lòng giới thiệu đến các bạn những đặc sản quê mình.
Đầu tiên, phải kể đến đó là món hủ tiếu Sa Đéc. Thị xã Sa Đéc có rất nhiều tiệm hủ tiếu ngon như hủ tiếu Văn Vĩ đường Trần Phú, hủ tiếu Phú Thành gần ngã tư Lãnh Nam, hủ tiếu bò viên cạnh chợ thực phẩm, hủ tiếu mực gần Cầu Đốt… Thực khách có thể chọn lựa nhiều món hủ tiếu khác nhau như hủ tiếu khô, hủ tiếu nước, hủ tiếu xào, hủ tiếu bò viên, hủ tiếu mực… Nói chung món hủ tiếu nào cũng ngon, cũng đặc trưng hết á!
Hủ tiếu Sa Đéc
Cùng với Nam Vang, Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc đã góp phần làm nên tên tuổi ba thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng của miền Nam.
Từ rất lâu, địa danh Sa Đéc không chỉ được biết đến như là vùng trồng hoa lớn nhất ở khu vực miền Tây, mà còn rất nổi tiếng với món hủ tiếu đã làm nên thương hiệu và có một vị trí đặc biệt trong ẩm thực Việt Nam.
Cũng có đầy đủ các nguyên liệu quen thuộc như tôm, thịt, gan... nhưng hủ tiếu Sa Đéc có những nét khác biệt tạo nên sức hấp dẫn riêng so với hai thương hiệu còn lại.
Chúng ta thường biết đến hủ tiếu có màu trắng, sợi nhỏ, mềm và không dai thì hủ tiếu Sa Đéc có sợi to, màu trắng đục, được chế biến từ loại bột gạo mịn màng, dẻo thơm của xứ Đồng Tháp Mười. Khi ăn, bạn cảm nhận được cái dai mềm, hơi giòn của sợi hủ tiếu cùng vị ngọt đọng lại trong miệng.
Bát hủ tiếu đặc trưng với nước dùng trong vắt được điểm xuyết thêm hành lá và rau mùi.
Bên cạnh đó, nước dùng cũng tạo nên hương vị riêng cho bát hủ tiếu. Được nấu bằng nước hầm xương lợn, nên có vị ngọt thanh rất đặc biệt. Thành phần trong bát hủ tiếu Sa Đéc không có gì khác so với Nam Vang hay Mỹ Tho, cũng là tim, gan, mực, tôm, thịt nạc…
Bát hủ tiếu với nước dùng trong vắt, ngọt thanh của xương heo kết hợp với các nguyên liệu ăn kèm một cách hài hòa cùng bánh hủ tiếu tươi ngon, được điểm xuyết thêm hành lá và rau mùi làm cho bạn không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn từ món ăn. Rau ăn kèm cũng đơn giản với giá tươi, hẹ, xà lách, cần tay và không thể thiếu tỏi, ớt hiểm ngâm giấm.
Ở Sài Gòn bây giờ, hủ tiếu Sa Đéc đã trở thành món ăn nổi tiếng, tuy nhiên muốn tìm một quán ăn đúng chất Sa Đéc thì không phải dễ. Bạn có thể đến thưởng thức món ăn nổi tiếng này tại số 292 Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh), hay số 4 lô 1 khu nhà Phú Thọ, đường Lữ Gia (quận 11) hay 391 Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)... Mỗi bát hủ tiếu có giá từ 25.000 đồng đến 35.00 đồng.
Ở ngã tư Lãnh Nam đoạn chợ trái cây cũ bây giờ mọc lên rất nhiều cửa hàng phục vụ ăn uống với đầy đủ các món như bún riêu, bún cá, miến gà,hoành thánh, bánh canh,… Khu này thường bán vào lúc chiều và tối.
Đối diện chợ thực phẩm là khu ăn uống với rất nhiều món ngon như cơm tấm sườn bì chả, gỏi cuốn, hột gà nướng, cánh gà nướng, ruột nướng, súp cua, các loại ốc và hải sản, bò nướng lá lốt… Khu này cũng chỉ hoạt động vào lúc chiều tối
Còn nếu nói về các quán hải sản tươi sống phải kể đến những quán nhậu nổi tiếng như Lộc Huệ ở gần cầu Sắt Quay, Hải Sản Hè Phố, quán 333… Có rất nhiều món ăn tươi sống chế biến từ cua, ghẹ, ốc lác, ốc bươu, sò huyết, tôm, mực,…
Nếu muốn ăn lẩu thì có quán lẩu gà nòi Tấn Lộc ở gần khu A khu công nghiệp Sa Đéc, quán lẩu Tư Lâm ở cuối đường Thống Nhất với lẩu cá hồi, lẩu chua, lẩu ngọt, lẩu thập cẩm… Ngoài ra còn có lẩu bò Hai Hiển (Quán này của thầy dạy môn thể dục hồi Phước học cấp 3), lẩu thái Ngọc Lan ở bờ kè Sa Đéc…
Lẩu gà nòi
Còn muốn ăn tráng miệng thì có quán của dì Dung trên đường Trần Phú với bánh flan, trái cây dĩa, rau câu, kem sim… Quán sinh tố Mạnh Dung ở gần cầu Cái Sơn 2 với rất nhiều loại sinh tố bổ dưỡng (Phước thích nhất là sinh tố bơ).
Nếu muốn vừa được ăn vừa được uống vừa ngồi tám chuyện trên trời dưới đất thì có quán nước mía, hột vịt lộn và các loại khô của chú Sơn ở gần bờ hồ công viên Sa Đéc. Nơi đây là một nơi lý tưởng để chúng ta vừa có thể ngồi ngắm cảnh vừa tận hưởng không gian mát mẻ của công viên vừa có thể tám chuyện với bạn bè. Chính vì thế mà nơi đây thường là điểm hẹn của nhóm Phước mỗi lần họp nhóm.
Bạn muốn mua đặc sản Đồng Tháp về làm quà cho người thân thì Phước sẽ dẫn bạn đi mua nem Lai Vung của tiệm Giáo Quỳ (một nơi bán nem chả nổi tiếng ở Sa Đéc). Ngoài ra còn có bánh phồng tôm Sa Giang cũng là một thương hiệu nổi tiếng khắp nơi.
Dạo một vòng các quán ăn ở Sa Đéc bạn thấy thế nào? Hehe. Thôi thì trăm nghe không bằng một thấy. Mời bạn về thăm Sa Đéc quê tôi để kiểm chứng những gì tôi nói nhé!
Tham khảo thêm địa chỉ ăn chơi ở Sa Đéc
Sa Đéc - một miền quê dân dã
Trong những ngày cuối tuần vừa qua, tôi cùng những người bạn ở Sài Gòn đã làm một chuyến dã ngoại về miền Tây, điểm đến mà cả bọn ghé thăm đó chính là thị xã Sa Đéc.
Theo như lời hẹn, đúng 5h chiều, những người bạn Sa Đéc ra đón chúng tôi ở bến xe. Trông họ rất vui, trên khuôn mặt mỗi bạn đều không giấu được nụ cười mừng ngày gặp lại. Tranh thủ thời gian lúc trời chưa tối, cả bọn cùng phóng lên xe máy chạy tham quan một vòng thị xã Sa Đéc và điểm dừng chân đầu tiên đó chính là công viên trung tâm thị xã.Sau hơn 3 tiếng ngồi trên xe máy, chúng tôi cũng tới nơi. Theo tôi nhận thấy, Sa Đéc ngày nay có nhiều thay đổi hơn so với lúc tôi ghé thăm lần đầu tiên nhưng có một vài điều mà không hề thay đổi đó là những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử cùng những nụ cười thân thiện của người dân địa phương.
Địa điểm tiếp theo chúng tôi ghé thăm đó là Chùa Kim Huê, một ngôi chùa khá nổi tiếng ở thị xã Sa Đéc. Ngôi chùa này có kiến trúc rất đẹp và ấn tượng, một vẻ đẹp cung đình uy nghiêm giữa lòng thị xã. Bên cạnh là dòng rạch Cái Sơn với những chiếc cầu hình vòng cung tuyệt đẹp cùng hàng liễu rũ thướt tha hai bên bờ rạch tạo nên một vẻ đẹp đầy thơ mộng. Chúng tôi tha hồ tạo dáng từ mọi góc, cố gắng ghi lại những bức ảnh đẹp nhất, sống động nhất ở nơi ngôi chùa có một không hai này.Không giống như những công viên bình thường khác, công viên trung tâm thị xã Sa Đéc có nhiều nét rất riêng từ những chiếc ghế đá, cây cảnh, tượng đài cho đến không gian mặt hồ, tất cả được bài trí một cách hài hòa tạo cảm giác thích thú cho khách tham quan. Buổi chiều, nắng trời dịu mát, một số gia đình đã đến đây tản bộ, chúng tôi lại có cơ hội chụp ảnh cùng nhau, ngồi nghỉ chân trên những chiếc ghế đá, ngắm cảnh vật xung quanh và cảm thấy tinh thần thoải mái hơn sau chuyến xe mệt nhoài.
Trời tối hẳn, sau một vòng tham quan thị xã Sa Đéc, bụng chúng tôi đã bắt đầu thấy đói. Mọi người cùng nhau tấp vào một quán ăn để thưởng thức món lẩu cua đồng. Ăn no xong chúng tôi về khách sạn tắm rửa, nghỉ ngơi và chuẩn bị lịch trình cho ngày mai, hứa hẹn sẽ có nhiều điều lý thú.Ánh nắng hầu như đã không còn, buổi chiều yên bình lại thả xuống dòng sông Se Đéc nhộn nhịp thuyền bè. Chúng tôi tiếp tục chạy trên con đường dọc bờ kè nơi hàng quán sắp sửa mọc lên cho những hoạt động về đêm. Ngang qua đây, cảm giác trong tôi thật là thoải mái khi hít thở không khí trong lành và đón ngọn gió dịu mát từ phía bờ sông thổi vào. Thật đúng như những gì mà bạn bè tôi đã kể lại, chỉ có về Sa Đéc ta mới cảm nhận được hết những điều thú vị mà thị xã này mang lại, kể cả những điều bình dị nhất.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã hẹn nhau ăn sáng tại con đường dọc bờ rạch Cái Sơn. Đó là một quán hủ tiếu nhỏ nép mình bên góc vỉa hè nhưng lúc nào cũng đông khách. Chỉ khi ngồi ở đây tôi mới có cơ hội thưởng thức tô hủ tiếu Sa Đéc vừa thơm ngon vừa đậm đà hương vị miền Tây. Nó ngon đến độ ai cũng phải gọi thêm một phần bánh để ăn cho đã miệng. Chắc có lẽ tôi sẽ luôn nhớ mãi món hủ tiếu này không chỉ vì sợi bánh dai, nước dùng vừa miệng mà còn cảm thấy hài lòng vì bà chủ quán thân thiện và không gian ngồi thưởng thức món ăn cũng thật yên bình.
Nắng sớm dần dần ló dạng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê lại càng đẹp hơn dưới nền trời trong xanh. Cũng vì ngôi nhà này đã từng gắn liền với một câu chuyện tình thời Pháp nên người dân địa phương còn gọi nó bằng một cái tên khác đó là nhà cổ “Người tình”. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách bởi câu chuyện tình đầy bí ẩn của ông Huỳnh Thủy Lê với một nữ văn sĩ nổi tiếng thời Pháp.Ăn sáng xong xuôi, cả nhóm lại tiếp tục cuộc hành trình. Trước khi ra khỏi vùng nội ô thị xã, chúng tôi có viếng thăm ngôi nhà cổ mang tên Huỳnh Thủy Lê. Ngôi nhà cổ này nằm trên con đường dọc bờ kè sông Sa Đéc, nó mang một vẻ đẹp cổ kính với lớp tường vôi trắng đã bị bám rêu theo thời gian. Chủ nhân trước đây của ngôi nhà là ông Huỳnh Thủy Lê, từng là người tình của nữ văn sĩ Marguerite Duras thời trẻ, khi bà sống tại Việt Nam. Mặt ngoài ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa. Nhiều loại vật liệu xây nhà như gạch, kính được nhập từ Pháp. Sau chiến tranh, ngôi nhà đã được nhà nước Việt Nam tiếp quản, sử dụng là trụ sở cảnh sát. Năm 2009, nơi này mới được mở cửa phục vụ khách du lịch.
Tôi cùng những người bạn lại tiếp tục cưỡi xe máy ra vùng ngoại ô thị xã. Phải mất một đoạn đường khá xa chúng tôi mới đến được ao sen đúng như lịch trình. Một cánh đồng sen rộng mênh mông hiện lên ngay trước mặt. Tôi thật sự thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó. Góc nhìn xa đã thấy đẹp, góc nhìn gần nó lại càng đẹp hơn. Và không để bỏ lỡ đi những khoảnh khắc tuyệt vời này, tôi cùng những người bạn đã có một buổi chụp hình thú vị bên sen, loài hoa biểu trưng cho bản chất con người Việt Nam mộc mạc, giản dị nhưng thanh quý.
Có lẽ không kỷ niệm nào vui bằng kỷ niệm này, được ngồi cùng những người bạn Đồng Tháp thưởng thức những món ăn Đồng Tháp, điều ấy thật là thú vị. Tôi tìm thấy ở đó sự gần gũi, thân quen, yêu quê hương miền Tây, yêu cảnh đẹp vùng sông nước, yêu những con người thân thiện, chân chất luôn tiếp đãi những người bạn phương xa bằng sự nhiệt tình và nồng hậu hết mực.11h trưa, cả bọn đã thấm mệt sau chuyến đại náo cánh đồng sen, quyết định rủ nhau kéo vào nhà một người bạn ở gần đó tổ chức tiệc nướng ngoài trời. Rất vui vì bạn nào cũng hào hứng nướng chuột, nướng cá, luộc ốc… Dưới táng cây rợp bóng mát trước sân nhà, mọi người cùng nhau hì hục đốt than, thổi lửa, hương vị thịt chuột đồng cháy vàng ươm tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng làm nức lòng những người dân sống bên cạnh. Thành quả cho cả bọn là một bữa trưa hả hê, no nê cùng với những món ăn đặc sản của Đồng Tháp. Cá cuộn lá sen, chuột đồng nướng sả ớt, ốc bươu hấp sả đều đậm đà hương vị miền quê dân dã, ăn một lần sẽ thấy nhớ mãi.
Thị xã Sa Đéc đã xa dần, nhưng kỷ niệm về nó vẫn còn đọng lại mãi. Những cái vẫy tay, những nụ cười lưu luyến lúc chia tay sẽ làm chúng tôi nhớ lắm và hẹn ngày gặp lại. Chuyến đi kết thúc thật có hậu theo đúng nghĩa một chuyến dã ngoại cuối tuần. Nó mang đến cho tôi cùng những người bạn cảm giác thoải mái và thư giãn. Đặc biệt là qua chuyến đi lần này, tôi đã có dịp mở mang tầm mắt, được khám phá những nét đẹp rất riêng của vùng quê hương Đồng Tháp. Nơi mà những đóa sen thơm ngát vươn lên từ bùn đen vẫn luôn đẹp mãi trong lòng người dân địa phương và cả bạn bè trên khắp thế giới.
(ST)