Khắc phục tình trạng chậm kinh không khó như bạn nghĩ. Không có gì làm người phụ nữ sợ bằng việc trễ kinh, trừ phi người đó muốn có thai.
Nguyên nhân gây chậm kinh
Có thai là việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến khi trễ kinh. Nhưng có thai không phải là nguyên nhân duy nhất làm bạn trễ kinh. Có 10 nguyên nhân phổ biến làm bạn trễ kinh.
Căng thẳng (stress)
Stress có thể tác động đến nhiều chuyện trong cuộc sống, trong đó có sự trễ kinh. Thỉnh thoảng chúng ta bị căng thẳng đến mức cơ thể chúng ta giảm đi lượng hóc môn (GnRH), là hóc môn làm cho chúng ta không rụng trứng hay hành kinh. Đi khám bệnh hoặc tham vấn các chuyên gia tâm lý trị liệu có thể giúp bạn tìm ra những gì cần làm để giải tỏa căng thẳng, nhẹ nhõm và trở lại chu kỳ kinh bình thường. Thỉnh thoảng có khi mất vài tháng hay nhiều hơn mới có hiệu quả.
Bệnh
Một cơn bệnh đột ngột, ngắn ngày hay thậm chí một cơn bệnh dài ngày cũng có thể làm kỳ kinh của bạn bị trễ. Thông thường việc trễ kinh này là tạm thời.
Thay đổi lịch làm việc, sinh hoạt
Thay đổi lịch làm việc, sinh hoạt có thể phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể bạn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn chuyển cơ chế làm việc từ ngày sang đêm hay ngược lại. Nếu bạn thường xuyên thay đổi ca làm việc và thấy có vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt, thì nên tính đến khả năng làm một ca không thay đổi hay chỉ đổi ca sau một thời gian lâu dài hơn.
Thay đổi các thuốc sử dụng
Có thể bạn sử dụng một loại thuốc mới và hậu quả là bạn bị trễ hay mất một kỳ kinh. Hãy báo với bác sĩ về tác dụng phụ này của thuốc. Sự trễ kinh rất thường xảy ra với một số phương pháp ngừa thai. Nếu bạn đổi thuốc, cần hỏi về những tác dụng phụ có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Tác dụng phụ của thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây trễ kinh
Tăng thể trọng quá mức
Sự tăng thể trọng quá nhiều có thể làm các hóc môn tác động đến chu kỳ kinh và thậm chí làm ngừng kinh. Hầu hết phụ nữ thấy sẽ trở lại chu kỳ bình thường sau khi giảm một số cân thể trọng, kể cả sau khi giảm vẫn còn tình trạng thể trọng quá mức bình thường.
Thể trọng dưới mức bình thường (thiếu cân)
Nếu bạn không đủ mỡ cho cơ thể bạn sẽ không có được các chu kỳ kinh đều đặn, thỉnh thoảng bạn còn bị mất kinh. Việc tăng cân đến mức bình thường sẽ giúp kỳ kinh của bạn trở lại. Đây là nguyên nhân thường gây ra trễ kinh nơi những phụ nữ tập thể dục quá mức hay nơi những vận động viên chuyên nghiệp.
Tính nhầm
Chu kỳ kinh của phụ nữ không phải ai cũng như nhau mà khác biệt tùy người. Chúng ta thường nói chu kỳ kinh trung bình là 28 ngày, nhưng không phải ai cũng như vậy. Thỉnh thoảng chu kỳ của chúng ta bị cho là trễ nhưng thực sự là do tính nhầm. Nếu bạn có chu kỳ kinh thất thường, nhưng biết ngày rụng trứng, thì sẽ thấy kỳ kinh của bạn xãy ra khoảng hai tuần sau khi trứng rụng.
Thời kỳ trước khi mãn kinh
Thời kỳ trước khi mãn kinh là giai đoạn bạn đang chuyển từ thời kỳ có khả năng sinh nở sang thời kỳ hết khả năng sinh nở. Các kỳ kinh của bạn có thể ít hơn, hay nhiều hơn, thường hơn hay thưa hơn – nhưng phần lớn là không bình thường. Nếu bạn không mong muốn có thai, cần tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai vì bạn vẫn dễ bị thụ thai ít nhất trong một thời gian.
Mãn kinh
Mãn kinh là lúc bạn không còn rụng trứng hay thấy kinh nữa. Mãn kinh có thể là một sự kiện sinh học tự nhiên hay xãy ra do phẫu thuật cắt bỏ tử cung hay do các hình thức hóa học trị liệu.
Có thai
Cuối cùng, bạn trễ và mất kinh là vì có thai. Một test thử thai đơn giản thường giúp bạn xác định bạn có trễ kinh vì có thai hay không. Bạn chỉ cần dùng que thử thai qua nước tiểu và khi thấy một vạch trên que tức bạn trễ kinh mà không có thai, nếu thấy hai vạch trên que thì bạn đã trễ kinh vì có thai. Các test thử thai bằng nước tiểu hoặc bằng máu là để tìm hóc môn
Nên làm gì khi có biểu hiện kinh nguyệt không đều?
Khi thấy có những biểu hiện như: chu kỳ kinh nguyệt ngắn, dài thất thường hoặc lượng máu kinh khi ít khi nhiều, số ngày hành kinh không đều đặn qua mỗi tháng, trong thời gian hành kinh bị đau bụng, khó chịu, mệt mỏi…
Lúc này, bạn nên đến khám bác sĩ phụ khoa để tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng kinh nguyệt không đều và có cách khắc phục kịp thời.
Không nên e ngại, dè dặt, để tình trạng này quá lâu rồi mới đi khám. Sau khi thăm khám, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó bạn cần có một chế độ làm việc, ăn uống, và nghỉ ngơi hợp lý. Không nên làm việc quá sức, hạn chế áp lực, tránh căng thẳng…
Cách phòng ngừa
Để phòng ngừa không bị rơi vào tình trạng kinh nguyệt không đều đặn và bảo vệ sức khoẻ nói chung, bạn gái cần lưu ý những điều sau đây:
- Cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ và thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách (vệ sinh mỗi ngày, vệ sinh trong quan hệ tình dục, vệ sinh khi thai nghén) tránh tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục – một trong những nguyên nhân gây nên kinh nguyệt không đều.
- Bạn nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng mỗi ngày để cung cấp đủ chất cho cơ thể. Các loại thực phẩm nên dùng trong thực đơn hàng ngày như: rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin B có trong thịt bò, cá, trứng, sữa… Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo và các đồ uống như: cà phê, rượu, bia…
- Sử dụng thuốc giúp điều hoà kinh nguyệt, giảm bớt mệt mỏi: phương thuốc Đông y có tác dụng bồi bổ cơ thể hoặc bạn có thể sử dụng thuốc ngừa thai hàng ngày giúp chu kỳ kinh trở nên đều đặn hơn.
Đừng vội lo lắng khi mất kinh
Phần lớn các phụ nữ đều lo lắng khi bỗng nhiên mất kinh hàng tháng. Đây là chứng vô kinh thứ phát, thường do có thai. Một số trường hợp là căng thẳng tâm lý, do dùng thuốc hoặc là biểu hiện một bệnh lý cần điều trị. Hãn hữu lắm, vô kinh mới do có vấn đề ở tuyến yên.
Hằng tháng, ở buồng trứng có nhiều nang noãn bắt đầu phát triển. Đó là những túi nước nhỏ bên trong có một noãn chưa trưởng thành. Cuối cùng, chỉ một nang noãn phát triển to nhất với một noãn đã trưởng thành bên trong. Nó tiết ra hormone chủ yếu là oestrogen để làm phát triển lớp nội mạc tử cung, chuẩn bị cho trứng làm tổ nếu noãn được thụ tinh.
Khi nang noãn vỡ, noãn rơi vào loa vòi trứng rồi di chuyển vào tử cung. Trên đoạn đường di chuyển đó, nếu gặp tinh trùng, nó sẽ được thụ tinh và trở thành trứng. Trứng di chuyển tiếp về tử cung để làm tổ và phát triển thành phôi thai rồi thành thai. Nếu noãn không được thụ tinh thì hiện tượng hành kinh sẽ xảy ra.
Chu kỳ kinh nguyệt bị chi phối bởi một phức hợp các hormone (hormone của các tuyến nhỏ trong não như tuyến dưới đồi, tuyến yên, oestrogen và progesterone của buồng trứng). Chỉ một trục trặc nào đó trong quá trình này cũng có thể làm mất kinh. Phụ nữ có thể mất kinh do:
- Có thai: Trứng đã làm tổ trong lớp nội mạc tử cung và được nội mạc tử cung nuôi dưỡng nên không rụng để tạo thành kinh nguyệt.
- Dùng thuốc tránh thai: Một số phụ nữ có thể mất kinh khi dùng thuốc tránh thai. Nếu ngừng uống thuốc thì sau 3-6 tháng, hiện tượng phóng noãn và hành kinh lại xảy ra.
- Cho con bú: Thường không thấy kinh mặc dù vẫn có thể phóng noãn, do đó có thể thụ thai. Phụ nữ không cho con bú hoàn toàn cần đề phòng có thai.
- Stress: Những căng thẳng tâm trí ảnh hưởng tạm thời đến tuyến dưới đồi có thể làm mất quá trình phóng noãn và mất kinh. Chỉ khi sự căng thẳng tinh thần giảm đi mới có kinh trở lại.
- Dùng một số thuốc: Như thuốc tránh thai các loại, corticoid, thuốc chống trầm cảm, chống rối nhiễu tâm trí, thuốc chữa bệnh tuyến giáp, hóa liệu pháp.
- Bệnh tật: Một số bệnh mạn tính; chỉ khi khỏi bệnh thì kinh nguyệt mới trở lại.
- Mất cân bằng về hormone: Chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang. Hội chứng này hay đi kèm với béo phì, vô kinh hoặc chảy máu tử cung bất thường.
- Suy dinh dưỡng: Cơ thể quá gầy sẽ ngừng bài tiết oestrogen và phóng noãn. Phụ nữ bị chứng chán ăn hoặc ăn quá nhiều do nguyên nhân thần kinh - tâm lý thường bị thiếu hụt oestrogen và mất kinh.
- Vận động quá nhiều: Hay gặpở những phụ nữ luyện tập thể thao căng thẳng. Hormone leptin báo cho não biết tỷ lệ mỡ của cơ thể và tỷ lệ này ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
- Hoạt động kém của tuyến giáp: Bệnh ở tuyến giáp có thể làm tăng hay giảm bài tiết prolactin - một hormone sinh sản do tuyến yên bài tiết ra. Thay đổi về nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến tuyến dưới đồi và làm mất kinh.
- U tuyến yên: U lành của tuyến yên có thể làm cho prolactin được sản xuất quá nhiều, ảnh hưởng đến sự điều hòa kinh nguyệt. Loại u này hiếm gặp và thường có thể điều trị bằng thuốc.
Sau khi loại trừ mất kinh do có thai, nếu có một trong những dấu hiệu và triệu chứng sau thì cần đến khám bác sĩ vì những thay đổi về kinh nguyệt có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm về một vấn đề sức khỏe:
- Mất kinh 3-6 tháng hay lâu hơn.
- Nhức đầu, rụng tóc hay thay đổi về thị lực.
- Vú tiết ra sữa hay dịch.
- Sau khi có phẫu thuật liên quan đến thai nghén 3-6 tháng mà kinh nguyệt không trở lại.
Việc điều trị mất kinh phải dựa trên nguyên nhân. Cần thay đổi lối sống nếu nghi ngờ bị stress, vận động quá nhiều, gầy sút hay tăng cân quá mức. Nếu là thiếu estrogen do chơi thể thao, có thể điều trị bằng liệu pháp oestrogen thay thế dưới dạng thuốc tránh thai. Mất kinh do tuyến giáp trạng hay tuyến yên có thể điều trị bằng thuốc.
(st)