Cách bảo quản máy chụp hình luôn mới. Những người yêu thích nhiếp ảnh, ai cũng sở hữu máy ảnh và một vài ống kính, và chắc ai cũng đều dành mọi ưu ái cưng chiều cho những thiết bị của mình, những phương tiện giúp chúng ta bắt lấy những khoảnh khắc đẹp.
Cách bảo quản máy chụp hình tốt nhất
|
Bảo quản máy ảnh và ống kính như thế nào cho tốt là một trong những điều mà ai cũng rất quan tâm.
Hiểu thêm về nấm mốc
Như chúng ta đã biết, bệnh thường gặp của máy ảnh và ống kính là bị mốc do khí hậu ẩm và bảo quản chưa đúng hoặc sơ sài. Nấm mốc là một lọai vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm từ 60% trở lên. Nếu nấm phát triển trên thân máy thì sẽ làm cho các mạch điện do bị ẩm sẽ bị ăn mòn dẫn đến họat động chập chờn, lâu ngày có thể hư hỏng. Nếu nấm phát triển trên ống kính thì ống kính sẽ bị loang lổ như rễ tre làm cho ảnh bị giảm chất lượng, bị halo hoặc rất mờ.
Do là một lọai vi khuẩn nên ở môi trường thuận lợi chúng sẽ lan ra và có thể lây nhiễm cho các thiết bị khác nếu chúng ta để gần nhau. Khi tồn tại trên bề mặt thấu kính các dung dịch mà chúng tiết ra sẽ ăn mòn lớp hóa chất phủ ống kính, nếu lâu ngày thì dù có lau cũng không thể hết được vì lớp hóa chất này đã bị ăn mòn.
Khi thiết bị bị nấm mốc
Khi mới phát hiện máy ảnh hoặc ống kính bị nấm mốc chúng ta nên đem bảo hành hoặc bảo dưỡng càng sớm càng tốt, điều này sẽ tránh cho thiết bị của chúng ta bị hư hỏng nặng hơn hoặc lây cho các thiết bị khác. Chúng ta sẽ tháo ống kính ra và vệ sinh sạch sẽ, nếu nấm mốc nhẹ thì chỉ cần lau sơ là sạch ngay, còn nếu bị nặng thì sẽ lau bằng hóa chất nặng hơn, khi bị nấm ăn mòn lớp phủ thì dù lau sạch nhưng bề mặt thấu kính sẽ vẫn bị tỳ vết như vết sẹo trên mặt người đẹp vậy.
Giải thích về thắc mắc là khi lau như vậy có thể gây mòn lớp phủ? Chúng tôi xin khẳng định đó là nhận định sai lầm vì lớp này được phủ trên bề mặt rất chắc chắn và nếu để lâu sẽ bị tác hại như phần trên đã trình bày. Tuy nhiên các ống kính đời mới có lớp phủ tuy chất lượng cao hơn nhưng rất mỏng.
Có những thông tin cho rằng sau khi lau, ống kính sẽ dễ bị mốc lại. Điều này đúng vì khi lắp các thấu kính, nhà sản xuất có tráng một lớp keo mỏng ngoài viền ống kính để cố định và ngăn không cho bụi lọt vào, khi lau ống kính thì các kỹ thuật viên chỉ gắn thấu kính vào vị trí cũ mà không có lớp keo nên không khí sẽ lưu thông dễ dàng và vi khuẩn mốc sẽ len lỏi vào theo dễ dàng hơn. Điều này cho thấy tác dụng của việc bảo quản để thiết bị đừng bị nhiễm nấm mốc là việc làm rất quan trọng.
Một vài cách bảo quản
Theo nhiều thông tin thì máy ảnh và ống kính phải được bảo quản trong môi trường có độ ẩm từ 45% đến 50%. Ở môi trường thông thường tại Tp HCM có độ ẩm từ 65% trở lên.
- Bảo quản bằng cách cho thiết bị vào thùng kín có gạo rang bên trong, gạo rang lên sẽ khô và háo nước nên sẽ hút hết hơi ẩm trong thiết bị, phương pháp này cũng tương tự phương pháp dùng hạt hút ẩm.
Ưu điểm của phương pháp này là rẻ tiền.
Hạn chế là không biết được độ ẩm là bao nhiêu, độ ẩm có đạt ở mức cần thiết hay chưa? Điều này có thể khắc phục bằng cách mua thêm một đồng hồ đo độ ẩm để theo dõi, khi độ ẩm vượt ngưỡng thì ta có thể thay mới hoặc rang lại.
- Bảo quản bằng cách sưởi bằng đèn trái ớt là cách mà nhiều người cũng hay sử dụng, bằng cách bỏ thiết bị vào tủ có một hoặc hai đèn trái ớt và sưởi ấm liên tục.
- Bảo quản bằng cách sưởi bằng tivi, phương pháp rất hiệu quả có thể tiêu diệt cả nấm mốc do khi tivi hoạt động thì CRT phát ra một lượng từ trường nhất định. Người ta làm một cái tủ nhỏ có đáy bằng lưới và để sát trên tivi, mỗi ngày tivi họat động sẽ có tác dụng sưởi ấm thiết bị.
- Bảo quản bằng cách để thiết bị trong tủ chống ẩm, đây là phương pháp có vẻ khoa học nhất, vì có đồng hồ đo và nguyên lý họat động rõ ràng, và cũng tốn tiền nhất vì giá thành của tủ từ 100USD đến vài trăm USD. Khi cài đặt độ ẩm phù hợp thì tủ sẽ tự động duy trì ở độ ẩm đó nên chúng ta không bận tâm lắm cho việc theo dõi.
Sử dụng và bảo quản máy ánh kỹ thuật số
Máy ảnh kĩ thuật số (KTS) ngày càng rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng. Đây là một sản phẩm số nên việc sử dụng và bảo quản đúng cách sẽ giúp máy ảnh KTS bền hơn.
Hầu hết máy chụp hình KTS phải sửa chữa là do lỗi va chạm, làm rơi dẫn đến hư ống kính hoặc màn hình LCD. Ngoài ra, máy có thể bị nhiễm ẩm và hư bo mạch bên trong. Tuy nhiên, để bảo quản máy ảnh tốt không phải là điều quá khó
Lưu ý khi sử dụng
Khi mua máy về, hãy tìm hiểu cách sử dụng cơ bản thường có trong sách hướng dẫn sử dụng kèm theo máy, cách lắp và sạc pin lúc ban đầu.
Tuyệt đối tránh để máy phải chịu những va chạm.
Khi lấy thẻ nhớ, pin ra khỏi máy nhớ tắt máy để máy không bị sốc.
Trong quá trình sử dụng, hạn chế để lâu trong môi trường bất lợi, có thể chỉ chụp 1 tấm nếu muốn sau đó tắt máy và cất đi ngay.
Tránh để trên nóc ti vi, đầu máy vì ở đó sự tỏa nhiệt sẽ gây ảnh hưởng đến vi mạch của máy chụp ảnh.
Khi sử dụng, hãy học cách điều chỉnh chế độ chụp phù hợp. Một bức ảnh đẹp được tạo nên một phần vì bản thân công nghệ của máy và chế độ chụp ảnh do người sử dụng chọn lựa phù hợp. Anh Khoan Minh Huy, giám đốc phát triển kinh doanh ngành KTS của Thế giới di động cho biết: "Nếu biết sử dụng thành thạo các chế độ chụp, bạn có thể tạo ra tấm ảnh có độ nét và đẹp giống như chụp bằng chiếc máy có giá cao gấp 2 - 3 lần máy của bạn".
Tránh hư hỏng pin
Với pin Lithium, người dùng có thể sạc "nhồi" (sạc pin khi chưa dùng hết năng lượng) nhưng sử dụng hết rồi sạc vẫn là cách tối ưu. Với pin tiểu dạng sạc, tuyệt đối chỉ sạc điện khi đã dùng hết năng lượng dự trữ. Pin tiểu dạng sạc giúp bạn tiết kiệm hơn nhiều so với mua những loại pin dùng 1 lần rất đắt đỏ cho máy KTS.
Thời gian bạn không sử dụng máy khoảng một tuần trở lên thì nên tháo pin cất đi. "Nếu bạn để pin trong máy quá lâu, mặt lithium sẽ bị tổn hại, pin nhanh chai hơn", anh Lương giải thích lý do vì sao một số người phải thay pin mới chỉ sau vài tháng, đơn giản vì họ đã không sử dụng pin đúng cách.
Không để máy ảnh chung với quần áo vì đó là vật dụng có đặc tính hút ẩm, trong môi trường ẩm ướt, độ ẩm cao sẽ tác động không tốt đến tuổi thọ máy.
Mỗi cuốn sách hướng dẫn sử dụng đều ghi rõ giới hạn nhiệt độ máy có thể chịu đựng được, người dùng nên tuân thủ. Ngoài ra cũng không nên để máy tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, gần từ trường (chẳng hạn ở phía trước ti vi CRT) vì sẽ gây xáo trộn các chương trình cài đặt sẵn trong máy, dẫn đến hư máy.
Bảo quản máy ảnh số
"Của bền tại người". Để bảo quản máy ảnh số quan trọng nhất là cách sử dụng và nhiệt độ nơi cất giữ máy. Bạn muốn những chiếc camera của mình được tốt và bền nhất thì hãy tham khảo những mẹo nhỏ sau đây.
BenQ DC S40. Bất kỳ là một đồ vật điện tử gì trong đó có máy ảnh người sử dụng không nên bật lên, tắt đi liên tục. Với máy ảnh số làm như vậy dễ bị hỏng bộ cảm biến hoặc cháy màn hình. Không nên bấm liên tục nhiều lần dễ gây hại cho máy, màn hình cũng bị ảnh hưởng và có thể "xịt" bất cứ lúc nào.
Trong máy có nhiều thiết bị điện tử cho nên phải có chế độ bảo bảo trì, bảo quản chu đáo. Những nơi có độ ẩm cao không nên dùng máy ảnh kỹ thuật số, hoặc dùng xong thì phải đem sấy ngay và cho vào hộp chống ẩm.
Khi đi đâu về bạn không nên cất máy ở những nơi có độ ẩm cao, hoặc không có ánh sáng mặt trời. Trường hợp khi máy ảnh của bạn vừa dính nước mưa, bạn có thể sấy chiếc camera yêu quý của mình bằng cách đặt lên nóc màn hình máy vi tính đang dùng, hoặc dùng máy sấy tóc với khoảng cách xa trên 40 cm vì để gần sẽ quá nóng không tốt cho ống kính.
Bạn cũng có thể dễ dàng mua hộp đựng máy ở các hiệu bán máy ảnh. Các hộp này thường làm bằng nhựa trong và kín, bên trong có sẵn các gói thuốc chống ẩm. 'Xịn' hơn bạn có thể mua tủ chứa máy ảnh có cắm điện sấy. Giá cho loại nhỏ nhất 1,2 lít vào khoảng 1,1 triệu đồng một chiếc. Các tủ này do Trung Quốc sản xuất, có hiển thị độ ẩm nhiệt độ phòng và có nút chỉnh các chức năng. Theo kinh nghiệm của một số nhiếp ảnh gia thì tủ để máy bằng gang này có thể chỉnh độ ẩm bên trong, nơi cất giữ máy cho phù hợp. Họ thường để chừng 50 đến 55% cho mùa hè, 40 đến 45% với mùa đông.
Nếu không có điều kiện mua tủ hoặc hộp trên, bạn có thể tự làm lấy bằng cách rang gạo cho vào hộp sắt hoặc thùng xốp. Gạo rang có tác dụng hút ẩm rất tốt. Đây là cách mà nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định thường làm từ xa xưa.
Dù có chủ quan đến mấy bạn cũng không nên cho camera vào tủ quần áo vì đây là nơi nhả hơi nước sẽ làm ẩm máy ảnh.
Để đọc ảnh số trên máy tính thường có hai cách :
Cách 1: Truyền qua dây dẫn từ máy ảnh đến máy tính.
Cách 2: Rút thẻ nhớ ra cắm vào ổ đọc đã kết nối với máy tính.
Với thẻ nhớ Compact Flash ( CF) phổ biến, khi load ảnh ra máy tính bạn nên dùng dây cáp, hạn chế dùng ổ đọc card đối với loại này. Card CF có các lỗ cắm tiếp xúc các chân đồng cực nhỏ trong máy, rút ra cắm vào nhiều lần dẫn đến các "que" này nhanh cong vênh và có thể gẫy. Hoặc lắp không đúng dễ làm cho nó bị xước dẫn đến giảm độ bền.
Các loại thẻ khác như MS, SD, xD, MMC... load ra máy tính bằng cả hai cách trên đều tốt. Tuy nhiên, các thẻ này mỏng, dễ gãy bạn nên nhẹ tay khi sử dụng. Lưu ý đàn ông không nên để trong ví giắt túi quần sau vì nó rất dễ gãy trong khi bạn đứng lên, ngồi xuống.
Ống kính của bạn hay bị mờ, có vết vân tay hoặc bụi. Đừng lo lắng, bạn cứ chụp bình thường, bởi không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hình ảnh. Khi rảnh tay bạn hãy lau. Cách tốt nhất bạn nên mua bộ giấy lau ống kính chuyên dụng tại các cửa hàng ảnh, gồm nước rửa, giấy lau, bình xịt bụi.
Để quá trình lau ống kính không bị xước, trước hết bạn hãy bơm bụi thật mạnh bằng quả xịt. Sau đó nhỏ dầu lau, thoa đều trên mặt ống kính rồi từ từ xe vài tờ giấy lau di theo đường tròn từ trong ra ngoài nhiều lần cho đến khi khô. Thao tác cuối cùng là xịt bụi lần nữa để các mẩu vụn của giấy bay đi. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng việc lau rửa ống kính này vì làm nhiều lần sẽ không tốt cho chất lượng ảnh.
Làm cách nào để lau sạch và bảo quản máy chụp ảnh và thấu kính của bạn?
Vấn đề mà các thợ ảnh thường gặp phải là bụi và đốm bẩn trên bộ cảm biến của máy chụp ảnh hoặc trên thấu kính. Bụi và đốm bẩn này có thể ảnh hưởng xấu đến các hình ảnh mà bạn chụp.
Đôi khi chúng ta hiểu nhầm rằng các đốm xuất hiện trên hình ảnh là do gương, kính ngắm quang hoặc thấu kính, nhưng nguyên nhân không phải do các bộ phận này. Bụi trên gương hoặc kính ngắm không có ảnh hưởng gì đối với việc tạo ảnh cuối cùng. Còn khi bụi xuất hiện trên thấu kính, nó còn quá xa tiêu điểm để có thể được hội tụ rõ nét. Sự cố nói trên đôi khi xảy ra với thấu kính mắt cá, nhưng rất ít khi xảy ra với thấu kính tiêu chuẩn.
Thông thường, bụi thâm nhập vào trong thân máy chụp ảnh rồi bám vào bộ cảm biến và gây ra sự cố nói trên..
Khuyến nghị bạn chỉ thay đổi thấu kính khi cần thiết và đặt thân máy chụp ảnh hướng xuống dưới khi bạn thay thấu kính. Nên thay đổi các thấu kính trong một môi trường không bụi hoặc có cát.
Ngoài ra, phải giữ gìn cho thấu kính luôn được sạch: bất cứ khi nào bạn thay đổi thấu kính, lau mặt sau của thấu kính bằng vải sợi micrô và thay thế nắp thấu kinh khi bạn không sử dụng. Tương tự, không tháo nắp thấu kính cho đến khi bạn sẵn sàng chuẩn bị chụp ảnh.
Kiểm tra bộ cảm biến
Để kiểm tra xem có bụi trên thấu kính của bạn hay không, hãy theo dõi các bước dưới đây:
-
Lắp một thấu kính vào máy chụp ảnh.
-
Chọn điều tiêu bằng tay (M) thông qua đĩa số điều chỉnh và thiết lập tiêu điểm về vô cực, bù độ phơi sáng về +1 và chọn khẩu độ nhỏ nhất (số cao nhất) là f/22 hoặc trên một số thấu kính là f/32.
-
Hướng thấu kính của bạn về nguồn ánh sáng đồng nhất choán toàn bộ hình ảnh (chẳng hạn như một cửa sổ hoặc bầu trời) và chụp ảnh. Đừng lo lắng nếu thời gian phơi sáng chỉ mất vài giây. Bạn không cần sử dụng giá đỡ khi tiêu điểm được thiết lập tới vô cực.
-
Kiểm tra hình ảnh. Nếu các điểm tối xuất hiện, bạn cần phải lau sạch bộ cảm biến.
Nhớ rắng các khẩu độ lớn hơn sẽ làm cho bụi ít có khả năng dễ thấy hơn. Từ f/8 ta sẽ không thấy bụi được hiển thị trên ảnh nữa. Nếu các vết vẫn xuất hiện trên hình ảnh khi sử dụng khẩu độ lớn, bộ cảm biến của bạn có lẽ đã bị hỏng và cần sửa chữa.
Lau sạch bộ cảm biến
1. Hệ thống lau sạch bên trong máy chụp ảnh
Máy quay phim SLR kỹ thuật số Sony của bạn được lắp một hệ thống lau sạch bộ cảm biến tự động, bộ cảm biến này được kích hoạt mỗi lần máy chụp ảnh được tắt đi. Ngoài ra, vỏ bọc bề mặt của bộ cảm biến được làm bằng vật liệu chống tĩnh điện có chức năng ngăn chặn hạt bụi bám vào bộ cảm biến. Tuy nhiên không thể ngăn chặn bụi thâm nhập được 100%, đặc biệt là trong các môi trường bụi bặm. Nếu các vết tối xuất hiện trên hình ảnh, bạn có thể kích hoạt chức năng lau kỹ hơn bằng cách chọn chức năng lau từ menu của máy chụp ảnh.
2. Lau sạch bằng tay
Nếu sử dụng phương pháp trên không hiệu quả trong việc lau sạch các hạt dính hoặc có dầu (chẳng hạn, phấn hoa), bạn cần phải lau sạch bằng tay. Chú ý: Sony không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại do việc xử lý không đúng cách trong khi lau bộ cảm biến. Hãy chọn chức năng lau từ menu máy chụp ảnh. Tắt máy chụp ảnh, và khi tháo thấu kính thì bạn sẽ thấy bộ cảm biến. Đặt thân máy chụp ảnh hướng xuống dưới và sử dụng ống thổi để thổi khí lên bộ cảm biến.
Mang bộ cảm biến ra một nơi nào đó sạch và không bụi.
Không để ống thổi tiếp xúc với bộ cảm biến. Tiếp xúc này có thể gây tổn hại cho bộ cảm biến.
Không thổi bằng miệng. Thổi bằng miệng không chỉ mang hơi nước thâm nhập vào thân máy mà các hạt nước bọt có thể làm tổn hại đến bộ cảm biến.
Đề nghị bạn không sử dụng dụng cụ phun khí được thiết kế để làm sạch thiết bị máy tính (bàn phím,...). Lực thổi có thể gây tổn hại cho bộ cảm biến, làm cho hơi ẩm và chất cặn bã thâm nhập vào thân máy chụp ảnh.
Đề nghị bạn không sử dụng bàn chải hoặc bất kỳ dung dịch làm sạch có bán trên thị trường. Việc sử dụng dụng cụ và những chất này có thể gây tổn hại cho bộ cảm biến và bộ lọc thông thấp.
Nếu có gì thắc mắc, xin hãy liên hệ với Sony để biết thêm thông tin.
Lau sạch và bảo quản thân máy chụp ảnh và các thấu kính
Lau thân máy chụp ảnh và các thấu kính là công việc cần thiết để giữ thiết bị trong tình trạng tốt, nhưng đây là việc làm đòi hỏi sự tinh tế và cẩn thận. Do vậy cách tốt nhất để giữ gìn thiết bị trong tình trạng tốt là hãy giữ gìn thiết bị một cách cẩn thận:
-
Thay thế lắp thấu kính định kỳ.
-
Giữ thấu kính của bạn trong một hộp bảo vệ.
-
Mang thiết bị máy chụp ảnh trong một túi thích hợp.
Hơi nước ngưng tụ có thể xuất hiện nếu bạn ở nơi ẩm ướt hoặc nếu bạn di chuyển từ nơi lạnh đến nơi ấm. Hơi nước ngưng tụ này có thể gây ô xi hóa một số bộ phận kim loại bên trong thân máy, dẫn đến hỏng hóc. Ngoài ra, hơi ẩm làm nấm và mốc phát triển và làm hỏng thiết bị của bạn. Để tránh được rủi ro này, cần để gói chất hút ẩm trong hộp đựng. Chất hút ẩm sẽ hấp thụ một phần hơi ẩm.
Khi sử dụng thiết bị, các hạt bụi hoặc hạt rắn có thể thâm nhập vào thân máy và thấu kính của bạn; các dấu vân tay cũng có thể xuất hiện. Dưới đây là cách để khử những hạt này mà không gây tổn hại đến thiết bị.
1. Thân máy chụp ảnh
Chẳng hạn, sau một ngày ở bãi biển, những hạt cát có thể thâm nhập vào kẽ hở của thân máy chụp ảnh. Nếu không được lau sạch ngay tức khắc, những hạt này sẽ thâm nhập vào đĩa số điều chỉnh, làm ăn mòn sớm dẫn đến sự cố không sử dụng được máy chụp ảnh. Các hạt cát cũng tác động đến vòng tiêu điểm của thấu kính và gây tổn hại nghiêm trọng cho thấu kính.
Cách thức đơn giản nhất là lau phần bên ngoài của thân bằng cách sử dụng bàn chải mềm để làm sạch những hạt cát này. Không ấn mạnh khi chải vì có thể làm xước thân máy hoặc màn hình LCD.
Có thể sử dụng giẻ lau bằng bông nếu không thể làm sạch được hạt bụi bám dính bằng bàn chải. Sử dụng ống thổi sẽ có hiệu quả đối với các vị trí khó tiếp cận.
Cuối cùng, nếu thân máy chụp ảnh dính các chất khó lau sạch (bùn,...), trong trường hợp này tốt nhất nên sử dụng giẻ lau sợi micrô (có thể mua từ người bán mắt kính) được tẩm nước hơi ẩm. Sợi micrô được đề nghị sử dụng vì sợi này không làm xước màn hình LCD.
Không sử dụng bất kỳ sản phẩm hóa chất như là các chất để pha loãng, xăng, rượu, ống lau sạch dùng một lần,...
2. Thấu kính
Cần xử lý các thấu kính một cách hết sức cẩn thận. Kính bổ sung rất dễ vỡ và có thể bị xước rất dễ dàng. Chỉ lau sạch thấu kính khi cần thiết. Bề mặt quang học bị ảnh hưởng mỗi lần được lau. Các đốm vết luôn được để lại ngay cả khi ta không thấy rõ những đốm vết đó bằng mắt thường. Do vậy sử dụng thấu kính hơi bụi tốt hơn là sử dụng một thấu kính bị xước.
Theo quan điểm của chúng tôi, cần lau sạch thấu kính khi bạn thấy các dấu vân tay; những dấu vân tay này có tính chất dầu hoặc axít và có thể gây tổn hại cho lớp chống phản xạ. Những giọt nước khô hoặc nước biển có chứa các tinh thể muối gây tổn hại cho kính và phải được lau sạch.
Lau sạch bụi và các hạt micrô
Trước tiên, hãy sử dụng một ống thổi để làm sạch hết phần lớn bụi. Không được thổi bằng miệng. Thổi bằng miệng có thể tạo ra các hạt nước bọt lên thấu kính và để lại các đốm khó tẩy.
Tiếp theo, hãy sử dụng một bàn chải mềm để lau sạch bụi trên thấu kính. Không để sợi bàn chải tiếp xúc với các ngón tay vì tiếp xúc này có thể làm cho các sợi bàn chải có dầu và tạo thành các vết ố. Không được ấn bàn chải quá mạnh. Chẳng hạn, sau một ngày ở bãi biển, các hạt nhỏ thạch anh hoặc cát trắng có thể bám vào kính của thấu kính và nếu bạn lau sạch không đúng cách có thể làm xước bề mặt quang học.
Lau sạch các vết ố dầu và dấu vân tay
Theo quy tắc thông thường, tránh để kính tiếp xúc với ngón tay. Nếu có dấu vân tay trên kính, không được lau bằng tay hoặc quần áo của bạn. Sợi của quần áo rất thô và có thể làm xước kính.
Sử dụng vải sợi micrô và để thấu kính trong một túi hoặc hộp đựng để tránh bị bẩn
Nếu bạn cần sử dụng một chất lỏng để khử các vết đốm dầu, không sử dụng nước vòi vì muối trong nước có thể làm xước kính
Thay vào đó, hãy tẩm ướt giẻ sợi micrô trong nước đã khử iôn và không chà xát, xoa lên bề mặt của kính.
Cách chọn mua máy quay phim tốt
Cách chọn máy quay phim kĩ thuật số ưng ý
Cách chọn máy ảnh chuyên nghiệp
Cách chọn máy ảnh kĩ thuật số Sony sắc nét nhất
Cách chọn mua máy ảnh kts thông minh
Cách chọn mua máy ảnh gia dình đơn giản
Cách chọn mua máy Scan tốt nhất
(ST)