Nguyên nhận chậm có con ở phụ nữ và nam giới. Các bác sĩ hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, cho biết, rối loạn phóng noãn, bất thường ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung là những lý do chính khiến phụ nữ chậm hoặc thậm chí không thể có con.
Nguyên nhân ở phụ nữ
Theo Thạc sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và vô sinh, hiếm muộn không phải là cá biệt và không phải là lỗi của riêng ai. Thống kê cho thấy cứ 10 cặp vợ chồng lại có một cặp khó khăn trong việc có con do nhiều lý do khác nhau.
|
Hình thái phẫu thuật cơ quan sinh sản phụ nữ. |
Rối loạn phóng noãn
Đây là bệnh lý rất thường gặp. Nguyên nhân do chu kỳ buồng trứng phức tạp đến mức một thay đổi nhỏ cũng có thể làm phá vỡ chu kỳ và cản trở quá trình phóng noãn. Trong hầu hết trường hợp chậm có con do rối loạn phóng noãn, nguyên nhân chủ yếu là mất cân bằng nội tiết tố, tức cơ thể sản xuất nội tiết tố không đủ hoặc không đúng lúc. Việc tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn.
Bất thường ống dẫn trứng
Tổn thương ống dẫn trứng có thể ngăn cản tinh trùng tiếp cận với noãn. Các nguyên nhân thường thấy là do viêm ống dẫn trứng, trước đó thai phụ từng bị có thai ngoài tử cung, sẹo hình thành sau khi phẫu thuật ống dẫn trứng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ sự phát triển bất thường của các tế bào nội mạc tử cung.
Chứng lạc nội mạc tử cung
Nội mạc tử cung là lớp tế bào bên trong bề mặt tử cung, lớp này thường bong ra khi hành kinh và hình thành trở lại khi sạch kinh. Khi có thai, lớp này như chiếc đệm lót cho thai nhi nằm ở đó. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc bình thường lót bên trong buồng tử cung lại phát triển tại các khu vực ngoài tử cung như ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc thậm chí là bàng quang, ruột và gây ảnh hưởng đến các cơ quan này. Hiện chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến chứng lạc nội mạc tử cung, chỉ biết rằng bệnh này khiến phụ nữ khó thụ thai.
Thay đổi ở tử cung hoặc cổ tử cung
Tinh trùng có thể không gặp được noãn nếu người phụ nữ có sẹo ống dẫn trứng sau phẫu thuật, hoặc viêm nhiễm hoặc khối tắc nghẽn làm hẹp cổ tử cung. Ngoài ra, một nhân xơ tử cung (khối u lành tính trong tử cung) cũng có thể dẫn đến hiếm muộn hoặc gây sẩy thai liên tiếp.
Dị tật cơ quan sinh sản
Trong một số ít trường hợp, vô sinh xảy ra do bất thường bẩm sinh cơ quan sinh sản, thường thấy là dị dạng hoặc bất thường về kích thước tử cung, ống dẫn trứng, âm đạo hoặc nhiều bất thường kết hợp với nhau. Những bất thường này không khó nhận biết nếu đến thăm khám tại khoa phụ sản.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Bệnh do bên trong buồng trứng có nhiều nang nhỏ. Trong hầu hết trường hợp, những người mắc hội chứng này thường có nồng độ nội tiết nam khá cao, đồng thời cũng bị rối loạn phóng noãn.
Chứng rối loạn hệ thống miễn dịch
Dù khá hiếm nhưng trong một số trường hợp, tự bản thân cơ thể có thể tấn công noãn hoặc tinh trùng như thể chúng là kẻ ngoại lai xâm nhập. Điều này khiến người mắc bệnh không thể có thai.
Theo bác sĩ Tường, để xác định các cản trở nêu trên, khi thấy chậm thụ thai, chị em nên mạnh dạn đến đến bệnh viện chuyên khoa phụ sản, trung tâm hỗ trợ sinh sản để được thăm khám chẩn đoán và tư vấn các điều trị.
Nguyên nhân khiến đàn ông chậm có con
Theo các bác sĩ hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, bệnh quai bị, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn ẩn... khiến đàn ông chậm có con.
Ths.BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM giải thích, trục trặc về phía người đàn ông chiếm 25% nguyên nhân khiến cả hai vợ chồng chậm con hoặc không có con. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.
Bệnh quai bị
Nếu sau tuổi dậy thì, bệnh có thể gây hại cho các tế bào sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Trong hầu hết trường hợp, chỉ một bên tinh hoàn của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Một số người bệnh ảnh hưởng cả hai tinh hoàn khiến việc sinh tinh không còn nữa. Chính vì vậy cần thiết phải tiêm ngừa quai bị và chẩn đoán bệnh sớm để điều trị.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Đây là tình trạng tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn bị giãn do máu không lưu thông bình thường. Thay vì máu đến có thể thoát ra thì ùn ứ lại khiến tĩnh mạch bị giãn. Tình trạng máu ứ cũng làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn, từ đó biến đổi bất thường nồng độ testosteron (nội tiết nam) gây cản trở việc sản sinh tinh trùng.
Tinh hoàn ẩn
Khi bé trai phát triển trong tử cung người mẹ, tinh hoàn được hình thành ở ổ bụng và di chuyển xuống bìu một thời gian ngắn trước khi sinh. Nếu việc di chuyển này không xảy ra, bé trai sẽ có tinh hoàn ẩn. Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Nếu không điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Ung thư tinh hoàn
Bệnh đôi khi được phát hiện khi vợ chồng đi khám hiếm muộn. Nguyên nhân do khối u ác tính phát triển trong tinh hoàn, phá hủy các mô tinh hoàn
gây ảnh hưởng đến việc sinh tinh. Nếu không phát hiện sớm, không chỉ gây vô sinh mà ung thư tinh hoàn còn có thể di căn đến các bộ phận khác gây nguy hiểm tính mạng.
Phẫu thuật hoặc chấn thương
Chấn thương tinh hoàn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng dẫn đến vô sinh. Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn có thể làm máu không lưu thông đến tinh hoàn. Ngoài ra, phẫu thuật chữa trị tinh hoàn ẩn, thoát vị cũng có thể ảnh hưởng đến việc sinh tinh.
Bất thường mào tinh
Ở một số nam giới, tinh dịch xuất vào âm đạo người phụ nữ trong khi giao hợp chứ không phải tinh trùng. Điều này có thể do tắc nghẽn hoặc dị tật mào tinh, ngăn cản tinh trùng kết hợp với dịch lỏng tạo thành tinh dịch. Cần thăm khám và điều trị sớm.
Nhiệt độ cao
Không phổ biến và thường chỉ mang tính tạm thời bởi không ai có thể ngâm mình trong nước nóng cả đời, đây cũng là yếu tố bất lợi cho việc sản xuất tinh trùng. Ngâm mình trong nước nóng quá lâu có thể làm tăng nhiệt độ tinh hoàn và làm suy yếu tạm thời khả năng sản xuất tinh trùng.
Tiểu đường - Căng thẳng mệt mỏi hoặc uống rượu
Tiểu đường được chứng minh ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, làm việc quá sức, lo lắng, stress, sử dụng thức uống có cồn đều ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục. Hầu hết trường hợp bất lực được thăm khám đều có liên quan đến yếu tố tâm lý, ảnh hưởng đến chuyện chậm có con ở đàn ông.
Đổ lỗi nguyên nhân vô sinh càng khiến vợ chồng chậm có con
Đàn ông xuất tinh là có thể có con, nguyên nhân chậm con là do vợ, đã có một con chắc chắn có con thứ hai, là 3 trong số những suy nghĩ sai lầm khiến cho vợ chồng hiếm muộn càng chậm con hơn.
Theo Thạc sĩ – bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, không ít người nghe lời đồn hoặc tự đưa ra suy luận về chuyện sinh sản, trong đó có các nguyên nhân gây chậm con. Tuy nhiên không phải bao giờ suy luận cũng đúng
Đổ lỗi cho nhau càng khiến các cặp vợ chồng chậm có con
Đàn ông có thể xuất tinh chứng tỏ họ có thể sinh con bình thường
Thực tế: Đàn ông có thể có tinh trùng ít, di động yếu hoặc chất lượng kém nhưng vẫn có thể xuất tinh. Trong một số ít trường hợp, tinh dịch có thể hoàn toàn không chứa tinh trùng. Cách duy nhất để biết trong tinh dịch có chứa tinh trùng hay không, chất lượng ra sao, là đến các bệnh viện có khoa nam học, khoa hiếm muộn hoặc trung tâm điều trị hiếm muộn để kiểm tra tinh dịch đồ.
Nguyên nhân hiếm muộn chủ yếu do vợ
Thực tế: Nguyên nhân hiếm muộn do chồng và vợ là tương đương nhau. Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân hiếm muộn hoàn toàn do chồng chiếm đến khoảng 25% và là nguyên nhân phụ của 15-25% trường hợp hiếm muộn còn lại.
Có thể cố gắng có thai cho đến 40 tuổi
Thực tế: Tuổi tác ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh cũng như những khả năng có thai tự nhiên. Khả năng sinh sản sẽ giảm nhanh sau 35 tuổi, ở độ tuổi 40 xác suất mang thai mỗi chu kỳ ở phụ nữ khỏe mạnh chỉ khoảng 5%. Một điều khác, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bất kể người vợ có sức khỏe tốt hay không, khả năng có thai sẽ giảm nếu người chồng trên 40 tuổi. Chính vì vậy, để có được kết quả tốt, không nên trì hoãn quyết định sinh con hoặc điều trì hiếm muộn.
Khi đã có một con, chắc chắn sẽ có con thứ hai
Thực tế: Đúng là nếu đã từng sinh con, bạn có thể lạc quan hơn, nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi. Một số cặp vợ chồng được chẩn đoán hiếm muộn thứ phát, tức hiếm muộn mặc dù đã một lần mang thai thành công.
Điều trị hiếm muộn bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể gây đa thai và sinh nhiều con
Đa số các cặp vợ chồng thành công với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ sinh đơn thai. Tỷ lệ đa thai khi điều trị hỗ trợ sinh sản cao hơn trung bình, nhưng có thể giảm thiểu được. Hiện nay, chỉ có khoảng 21% các trường hợp sinh đôi và chỉ khoảng 1% sinh ba. Điều này chủ yếu do bệnh nhân được chuyển nhiều phôi vào buồng tử cung để tăng cơ hội có thai. Nếu lo lắng về chuyện này, người bệnh vẫn có thể mạnh dạn trình bày với bác sĩ nhằm đưa ra biện pháp làm giảm tỷ lệ đa thai.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đi ngược với tự nhiên
Thực tế: Khả năng thụ thai để hình thành một đứa trẻ là điều tự nhiên nhất của loài người. Điều trị hỗ trợ sinh sản là cố gắng loại bỏ hoặc vượt qua tất cả các rào cản gây khó khăn cho việc thụ thai và để tự nhiên làm phần còn lại.
Chậm thụ thai - Đừng quá lo lắng
"Nếu các cặp đôi tìm thấy sự khó khăn trong việc thụ thai, đừng quá lo lắng vì rất có thể đây lại là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng."
Đây lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa sản dành cho các cặp đôi hiếm muộn.
Chị Nguyễn Thanh Lan (Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi rằng hai vợ chồng đã kết hôn đến 3 năm nay, cũng đã nỗ lực nhiều lắm mà vẫn không thể mang thai dù rằng hai vợ chồng khỏe mạnh bình thường và cũng chưa sử dụng bất cứ phương pháp tránh thai nào từ ngày lấy nhau. Thế mà chuyện nhỏ ấy mãi vẫn không thể thực hiện được trong khi xung quanh bạn bè đồng nghiệp cứ có ‘tin vui’ rầm rầm.
Tôi lại đem cậu chuyện của một chị bạn làm cùng kể với chị biết đâu việc chậm trễ mang thai của chị Lan cũng giống như chị bạn tôi. Hai anh chị bạn tôi sau 1 năm trời cố gắng thụ thai không thành đã vô cùng tuyệt vọng và chuẩn bị tâm lý đi điều trị vô sinh. Thời gian đó, họ không còn quá lo lắng đến việc thụ thai nữa vì xác định có thể sẽ không mang thai được. Ấy vậy mà chính lúc không lo lắng, phiền muộn gì cả, hai người lại bất ngờ đón nhận ‘tin vui’. Khi đến phòng khám, họ được các bác sĩ tư vấn rằng nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ mang thai suốt năm qua có một phần do tâm lý của cả hai người. Sự lo lắng thái quá khiến sự việc trở lên trầm trọng và làm giảm khả năng mang thai.
Theo các chuyên gia khoa sản, mỗi tháng chị em chỉ có cơ hội thụ thai khoảng 20-30% vì vậy, việc thụ thai trong một sớm một chiều không hề dễ. Rất nhiều cặp đôi phải mất đến 1 năm cố gắng mới có thể mang thai. Tâm lý lo lắng sau 6 tháng cố gắng thụ thai mà chưa có tín hiệu gì khiến nhiều cặp vợ chồng sinh ra lo lắng và đây được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến họ mãi không có ‘tin vui’.
Không nên quá cố gắng trong quá trình thụ thai. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, nhiều người vẫn phân vân liệu đây có phải là sự thật và có phải càng cố gắng thụ thai càng làm giảm khả năng mang thai?
Từ trước đến nay, đã có rất nhiều tranh luận về tác động của căng thẳng (stress) đến khả năng sinh sản. Một số nhà nghiên cứu cho rằng căng thẳng trong thời gian quan hệ sẽ ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và là nguyên nhân gây vô sinh nhưng giả thuyết này chưa thuyết phục được tất cả mọi người. Tuy vậy, ảnh hưởng của nó thì không thể phủ nhận. Đối với các cặp vợ chồng, thời gian đầu cố gắng thụ thai thường xuất phát với tâm lý nhiệt tình, lạc quan nhưng sau quãng thời gian dài không có kết quả sẽ khiến tâm lý họ thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng.
Dù vậy, các nhà khoa học cũng cho biết thêm đây không phải là nguyên nhân chính đối với những cặp đôi đã cố gắng thụ thai từ 2-3 năm mà vẫn chưa có kết quả. Thông thường, các cặp đôi sẽ có kết quả sau 1 năm cố gắng còn nếu bạn đã cố gắng thụ thai sau 2-3 năm thì thường do vấn đề sinh lý. Trên thực tế, 90% các cặp vô sinh có nguyên nhân do vấn đề sinh lý trong cơ thể. Vì vậy, nếu trên 1 năm cố gắng mà vẫn không có thai thì bạn nên đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân.
Sự thật về tỷ lệ những người mang thai sau khi ngừng cố gắng thụ thai?
Dù chưa đưa ra được những bằng chứng khoa học chứng tỏ stress ảnh hưởng đến khả năng thụ thai nhưng có rất nhiều câu chuyện về việc mang thai sau thời gian dài đợi chờ trong vô vọng như câu chuyện của chị bạn mà tôi nói ở trên. Theo thống kê có khoảng 5% chị em có thai sau khi thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan và thoải mái khi quan hệ tình dục sau 1 năm cố gắng trong vô vọng.
Chậm có thai không nên quá lo lắng
Giadinh.net - Không ít cặp vợ chồng lo lắng khi đến nửa năm trời, không dùng biện pháp tránh thai nào vẫn chưa có tin vui. Nhiều trường hợp sau khi ái ân xong, vợ lại ra quá nhiều dịch. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa: Không nên quá hoang mang vì sau 1 năm không thấy có thai mới coi là hiếm muộn.
Dịch ra nhiều sau khi “ân ái” không phải là nguyên nhân gây chậm có thai vì đó là hiện tượng bình thường. Không phải tất cả các “chiến binh” đều trôi vào tử cung mà chỉ có một lượng nhỏ “tinh binh” mạnh khỏe nhất sẽ di chuyển đi lên và thụ tinh cho trứng.
Hơn nữa, sự di chuyển của “tinh binh” lên vòi trứng rất nhanh, có người tưởng rằng sau khi “gần gũi”, chạy ngay vào buồng tắm, vệ sinh thật kỹ là có thể tránh thai. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ để “tinh binh” đi lên gặp trứng. Trong trường hợp nghi ngờ có bệnh phụ khoa thì cần được bác sĩ chuyên khoa khám vì viêm nhiễm đường sinh dục cũng là nguyên nhân gây khó thụ thai. Do vi khuẩn làm thay đổi môi trường khiến “tinh binh” khó di chuyển hoặc bị tắc vòi trứng.
Do đó, sau một năm mà không có thai thì cặp vợ chồng hãy đi làm nhiều xét nghiệm để tìm nguyên nhân, trước hết khám sơ bộ về phụ khoa ở người vợ xem có gì bất thường, làm tinh dịch đồ của người chồng để biết số lượng và chất lượng tinh trùng có đủ tiêu chuẩn để thụ thai.
|
Trong thời gian chờ đợi thụ thai tự nhiên, có thể tăng cơ may có thai bằng những biện pháp sau:
Thời gian giao hợp: Đo nhiệt độ thân thể một cách đều đặn, người phụ nữ có thể xác định được thời điểm phóng noãn, nên giao hợp vào 1-2 ngày trước vì “tinh binh” có thể sống được tới 72 giờ sau khi vào âm đạo.
Tần số giao hợp: Cần thay đổi, nếu trước đây giao hợp thưa thớt, một tháng một lần thì nên tăng lên. Ngược lại, giao hợp mỗi ngày một lần thì lại giảm chất lượng tinh dịch. Số lượng tinh trùng cao trong mỗi lần “xuất binh” đem lại nhiều khả năng thụ thai hơn. Cần ít nhất là 24 giờ để lượng “tinh binh” phục hồi trở lại. Vì vậy nếu ngày giao hợp trùng hợp với ngày phóng noãn thì nên tránh “xuất binh” từ 2 ngày trước.
Tư thế giao hợp: Tư thế truyền thống là thuận lợi cho thụ thai nhất. Trước khi “xuất binh”, người vợ nên co gối lên phía trước ngực và giữ ở tư thế này khoảng 20 phút sau khi người nam đã về đích hoặc kê một gối dưới hông. Khi đã về đích, người nam nên nằm im giữ nguyên tư thế vài phút.
Hỏi đáp liên quan
Cưới được gần 2 năm, có quan hệ tình dục bình thường, không sử dụng biện pháp ngừa thai nào mà vẫn chưa có thai thì có thể nói là các bạn đang bị hiếm muộn.
Vợ chồng em kết hôn được gần 2 năm, mọi chuyện sinh hoạt vợ chồng diễn ra đều đặn và thuận lợi. Vợ chồng em không kế hoạch vì muốn có con ngay. Nhưng từ sau khi cưới đến giờ vẫn chưa có thai. Cả hai vợ chồng em đều khỏe mạnh, ít ốm đau, công việc cũng không vất vả hay stress gì cả. Em không biết nguyên nhân chậm có con là do em hay chồng em. Mong bác sĩ tư vấn giúp em để làm sao vợ chồng em sớm có em bé. Em xin cảm ơn! (Mai Mai)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Mai Mai thân mến,
Vợ chồng bạn đã cưới được gần 2 năm, có quan hệ tình dục bình thường và không sử dụng biện pháp ngừa thai nào nhưng chưa có thai thì có thể nói là các bạn đang bị hiếm muộn.
Việc bạn không cảm nhận được khi chồng xuất tinh cũng là hết sức bình thường vì rất nhiều chị em cũng có chung cảm giác như bạn nhưng họ vẫn có con. Nam giới khi xuất tinh, các cơ quanh vùng háng sẽ co bóp mạnh và đẩy tinh dịch bắn ra ngoài. Tuy nói là "bắn" nhưng cũng không đến nỗi quá mạnh. Đa phần phụ nữ đều không cảm nhận được mà chỉ biết khi người đàn ông lên đỉnh qua các hành vi của họ. Điều này chứng tỏ đây không phải là nguyên nhân khiến bạn chưa có thai.
Tâm lý căng thẳng, stress cũng là nguyên nhân khiến vợ chồng bạn khó thụ thai. Ảnh minh họa
Để biết chính xác nguyên nhân hiếm muộn là do ai thì tốt nhất cả hai nên đi khám bạn ạ.
Nói chung, khoảng 30% trường hợp nguyên nhân hiếm muộn là hoàn toàn do chồng, 30% nguyên nhân do vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng.
Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở phụ nữ gồm: tắc vòi trứng, không rụng trứng hay rụng trứng không đều, bệnh lạc nội mạc tử cung, bệnh u xơ tử cung...
Các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở nam giới có thể bao gồm: không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu, tinh trùng bị dị dạng. Các vấn đề này có thể được chẩn đoán khi làm xét nghiệm về tinh dịch (thường gọi là tinh dịch đồ hoặc phân tích tinh dịch). Ngoài ra, nam giới có thể hiếm muộn do bị bất lực, xuất tinh sớm hay xuất tinh ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài).
Trong một số trường hợp, cả hai vợ chồng đều bình thường về sức khỏe sinh sản nhưng môi trường âm đạo lại không "thân thiện " với tinh dịch nên sau khi xuất tinh, tinh trùng không sống được lâu trong âm đạo mà bị chết trước khi kịp thụ tinh. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao hợp: bác sĩ sẽ lấy chất nhầy ở cổ tử cung người vợ vài giờ sau giao hợp để xem sự di động và khả năng sống của tinh trùng như thế nào.
Ngoài ra, cũng có trường hợp môi trường âm đạo của người phụ nữ có tính axit hoặc tính kiềm quá cao khiến tinh trùng không thích nghi được. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ hướng dẫn người phụ nữ những cách đơn giản để làm giảm tính kiềm hoặc tính axit, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng sống và di chuyển vào đường sinh dục nữ để thụ tinh.
Vì vậy, bạn đừng chần chừ nữa mà nên đi khám sớm nhé.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
Nên sinh con trai hay con gái
Chuẩn bị trước khi mang thai
Có nên tiêm phòng trước khi mang thai hay không?
Chuẩn bị kiến thức trước khi mang bầu
Đàn ông cũng cần chuẩn bị mang thai -
Chuẩn bị kiến thức làm mẹ -
(st)