Nguyên nhân của bệnh đau bao tử và chế độ ăn uống hợp lý cho người đau bao tử.Khi thức ăn theo thực quản đi dần xuống bao tử, chúng sẽ được trộn đều với chất acid và một số hóa chất tiết ra từ tuyến nước bọt (salivary glands), bao tử (stomach), tụy tạng (pancreas), gan (liver) v.v. Những chất hóa học này sẽ đóng một hoặc nhiều vai trò khác nhau trong việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.
Nhờ vào sự co thắt tuần tự của những cơ vòng chạy dọc theo đường tiêu hóa, thức ăn sẽ đi dần xuống ruột non và ruột già, rồi được hấp thụ thẳng vào máu, nuôi nấng từng tế bào trong cơ thể. Để sự hấp thụ và tiêu hóa thức ăn được xẩy ra một cách tốt đẹp, các cơ quan này PHẢI hoạt động một cách rất chính xác và nhịp nhàng.
Nguyên nhân đau bao tử
Bao tử và ruột non được bảo vệ bởi một cơ chế cực kỳ tinh vi. Cơ chế này chịu ảnh hưởng của nhiều dữ kiện khác nhau. Để tránh sự tàn phá mãnh liệt của các chất acid và hóa học do chính mình bài tiết, bao tử và ruột non tạo ra một màng nhầy đặc biệt. Tuy nhiên, nếu bao tử bào chế quá nhiều chất acid hoặc/và quá nhiều chất Pepsin, cũng như nếu màng nhầy che chở bao tử quá “mỏng”, lớp da non của bao tử và ruột non có thể bị ăn mòn đưa đến viêm và loét.
Nói một cách dễ hiểu, sau mỗi bữa cơm bao tử bài tiết một số chất acid, vừa đủ để tiêu hóa thức ăn, không hơn không kém. Khả năng điều hòa sự bài tiết chất acid này có thể bị thay đổi vì một hoặc nhiều lý do khác nhau, đưa đến quá nhiều chất acid hoặc quá ít màng nhầy. Ban đầu bao tử hoặc/và ruột non có thể chỉ bị viêm sơ sài (gastritis/duodenitis), lâu dần bệnh trở nặng hơn đưa đến trầy trụa (erosion), nặng hơn nữa sẽ thành loét lở (ulcer), và nếu không chữa đúng cách vết loét có thể bị chảy máu (xuất huyết bao tử) hoặc lủng (perforation).
Hai nguyên nhân chính đưa đến đau bao tử là 1) vi trùng xoắn Helicobacter Pylori và 2) các loại thuốc chống đau nhức như Advil, Ibuprofen, Indocin v.v. Những nguyên nhân khác như lo lắng sợ sệt, bị nhiều “stress”, ăn uống không đúng giờ giấc, hoặc ăn quá cay, quá chua, quá mặn v.v. thường chỉ đóng một vài trò phụ mà thôi.
Điều đáng chú ý là thuốc lá và rượu. Thuốc lá làm bao tử và ruột non dễ bị loét lở hơn. Những vết loét lở của người hút thuốc lá có khuynh hướng lớn hơn, xâu hơn và khó chữa hơn.
Rượu hoặc bia nếu uống thái quá có thể tàn phá màng nhầy bảo vệ bao tử và ruột non. Thêm vào đó rượu và bia còn kích thích bao tử chế tạo nhiều chất chua hơn.
Helicobacter Pylori:
Trong những năm gần đây, người ta nhận thấy mối liên quan mật thiết giữa bệnh loét lở bao tử và ruột non và một loại vi trùng có khả năng sinh sôi nẩy nở trong một môi trường có nồng độ acid rất cao như trong bao tử. Đó là vi trùng Helicobacter Pylori (tạm dịch là vi trùng xoắn) và. Tuy nguồn gốc nguyên thủy của H. Pylori chưa được rõ, vi trùng có thể lây từ người này sang người khác một cách tương đối dễ dàng, nhất là ở các nước kém mở mang hoặc những nơi đông dân cư. Tại Hoa Kỳ, khoảng 20 đến 30% người Mỹ trắng ở lứa tuổi 30 đến 4O đã và đang bị nhiễm trùng bởi vi trùng H. Pylori. Người da đen và người Mỹ gốc Mễ bị nhiều hơn. Tuy tỷ số nhiễm trùng tăng theo số tuổi của bệnh nhân, khoảng 1% cho mỗi tuổi đời, bệnh dễ lây nhất trong những năm ấu thơ. Hiện nay, chưa có thống kê chính xác của người Việt Nam bị nhiễm trùng bởi H.pylori.
Ngoài ra, vi trùng H. pylori cũng có thể thay đổi chất nhiễm thể của tế bào bao tử đưa đến ung thư bao tử.
Triệu chứng của đau bao tử.
Triệu chứng chính của đau bao tử là đau bụng. Tuy nhiên, cảm giác, cường độ và thời gian của sự đau đớn có phần thay đổi theo mỗi cá nhân.Triệu chứng có thể chỉ xẩy ra một lần rồi tự nhiên biến mất hoặc tái phát nhiều lần từ ngày này qua tháng nọ. Những cơn đau có thể thay đổi từ rất nhẹ nhàng và mơ hồ đến rất đau đớn và rõ rệt, hoặc có thể lên từng cơn, đau “rêm rỉ” nhiều tiếng đồng hồ phần bụng trên, chung quanh lỗ rốn hoặc/và ở chấn thủy, trước hoặc sau bữa ăn. Khi nhẹ bệnh có thể gây ra những cảm giác như đau “lâm râm”, cồn cào, xon xót, ran rát khó chịu, xình bụng, đầy hơi, khó tiêu.Bệnh nhân còn có thể cảm thấy buồn nôn, nặng nề khó thở sau bữa ăn hoặc không ăn được nhiều vì chóng no.
Một số bệnh nhân loét lở ruột non cũng còn gọi là loét lở tá tràng ( uodenal ulcer) có những triệu chứng đau bụng rất rõ rệt, tiêu biểu và dễ chẩn đoán. Họ thường đau sau khi ăn xong và hiếm khi đau lúc đói. Họ cũng có thể bị đánh thức giữa đêm khuya vì những cơn đau bụng rất khó chịu, thôâng thường khoảng 2 – 3 giờ sáng. Những bệnh nhân này hiếm khi bị đau trước bữa ăn sáng. Bệnh nhân loét ruột non thường ăn nhiều lần trong ngày, vì thức ăn hoặc các loại thuốc chống acid như Mylanta, Maalox, Gasviscon v.v. có thể sẽ thuyên giảm những cơn đau trong một thời gian ngắn.
Mặt khác, người bị loét bao tử (gastric ulcer), thường đau lúc no nhiều hơn lúc đói. Bệnh nhân thường có khuynh hướng lớn tuổi hơn và các triệu chứng có phần nặng hơn so với các bệnh nhân loét ruột non. Họ thường cảm thấy đau đớn khó chịu ngay sau bữa ăn. Ăn càng nhiều càng đau. Nên họ có thể sẽ ăn ít đi và mỗi ngày một ốm đi.
Một số người không may, bị loét cả bao tử lẫn ruột non, nên bụng đau liên tục, khó chịu ngày đêm.No cũng đau, đói cũng đau. Nếu vết loét nằm gần ranh giới giữa bao tử và ruột non, bệnh nhân có thể bị nôn ói sau mỗi bữa ăn.
Nếu họ còn bị thêm bệnh ợ chua (Gastro-Esophageal Reflux Disease), họ có thể cảm thấy nặng ngực, khó thở sau bữa ăn, kèm theo ợ chua, đắng miệng, nước miếng cứ tuông trào hoặc miệng bị khô nhạt. Thức ăn trở nên nhạt nhẽo kém ngon.
Như viết ở trên, nếu bệnh để lâu không chữa, nhất là khi bệnh nhân tiếp tục hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều rượu bia, vết loét càng trở nên xâu hơn đưa đến xuất huyết bao tử, lủng bao tử. Đây là những trường hợp cực kỳ nguy hiểm và khẩn trương. Khi xuất huyết bao tử, bệnh nhân có thể trở nên rất mệt, buồn nôn khó chịu và ói mửa.Họ có thể ói ra máu tươi, hoặc máu có mầu gạch cua hoặc mầu nâu đen như bã café. Bệnh nhân có thể mất một số lượng máu quá lớn trong một thời gian rất ngắn, hoặc quá đau đớn một cách rất đột ngột đưa đến ngất xiểu, hôn mê, bất tỉnh và chết. Người ta nhận thấy những người hút thuốc lá có khuynh hướng đau nặng hơn, với nhiều biến chứng trầm trọng hơn, dễ bị lủng bao tử hoặc xuất huyết bao tử hơn, và các vết thương sau khi giải phẫu cũng khó lành hơn. Vì thế số tử vong của người hút thuốc lá với bệnh loét bao tử và ruột non cao hơn bình thường gấp nhiều lần. Đây nói lên tính cách quan trọng của việc bỏ thuốc lá trong công cuộc chữa trị bệnh đau bao tử.
Ngoài ra một số nguyên nhân khác không nhất thiết liên quan đến bao tử và ruột non cũng có thể đưa đến đau bụng giống như những triệu chứng của đau bao tử.
Làm thế nào để tránh bị đau bao tử?
Như trình bày ở trên, đau bao tử có thể được xem là bệnh truyền nhiễm. Trong những môi trường thiếu vệ xinh, hoặc nơi đông dân cư, vi trùng H. pylori có thể truyền từ người này sang người khác một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, không phải ai có vi trùng H. pylori cũng sẽ bị loét bao tử. Hơn nữa, không phải ai sinh sống nơi đông gia cư cũng có thể bị lây bệnh, nên qúy vị không phải lo lắng làm gì khi đi ăn cơm tiệm. Hiện nay hội đồng y-khoa Hoa Kỳ chưa có lời khuyên rõ rệt về vấn đề có nên kiêng ăn chung với người có vi trùng H. pylori hay không. Nhất là với nhận xét gần đây là đa số bệnh chỉ lây qua khi chúng ta còn bé. Hiếm khi nào bệnh lây qua cho người lớn tuổi.
Mặc dù đa số các khoa học gia cho rằng thay đổi cách thức ăn uống không nhất thiết ảnh hưởng đến bệnh đau bao tử, một số bệnh nhân cảm thấy bao tử dễ chịu hơn khi họ ăn uống đều đặn đúng giờ, tránh ăn quá cay, quá chua hoặc quá mặn.
Người có khuynh hướng bị đau bao tử nên tránh uống cà phê, trà hoặc các thức uống có chứa chất caffeine như Coke, Pepsi, Mountain Dew v.v. Ngay cả các loại cà phê đã được loại bỏ chất caffeine (Decaffeinated coffee) cũng có thể kích thích sự bào tiết chất acid từ bao tử.
Tránh uống rượu và bia. Nếu uống nên uống lúc bụng no.
Tránh hút thuốc lá.
Một số các loại thuốc chống đau nhức khác nhau như Aspirin, Motrin, Advil, Voltaren, Indocin, Alleve v.v. nếu uống quá nhiều, nhất là nếu uống lúc bụng đói, sẽ dễ bị đau bao tử. Nếu bắt buộc phải uống thuốc chống đau nhức, những người bị đau bao tử nên uống thuốc có chất acetaminophen như Tylenol. Vioxx, Celebrex và là những loại thuốc chống đau mới có thể không gây ra đau bao tử như thuốc Ibuprofen.
Những phương pháp định bệnh đau bao tử:
Trong quá trình thăm hỏi và khám bệnh, người y-sĩ thường tạo cho mình một khái niệm về nguyên nhân cũng như cách thức chữa trị những bệnh tật khác nhau của bệnh nhân. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp đặc biệt, người y-sĩ phải thử thêm một vài cuộc thử nghiệm khác nhau đệ việc định bệnh và chữa bệnh trở nên chính xác hơn. Có 2 phương pháp chính để định bệnh đau bao tử: 1) chụp hình quang tuyến (X-ray). 2) Nội soi bao tử (Endoscopy).
Nội soi bao tử là gì?
Nội soi bao tử là phương pháp hiện đại để định và trị bệnh. Nhật là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đưa phương pháp này vào công việc định bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa. Hiện nay, ở một số thành phố lớn tại Nhật Bản, phương pháp soi bao tử và ruột đã hoàn toàn thay thế lối định bệnh cổ xưa như chụp hình quang tuyến.
Khi soi bao tử, các bác sĩ sẽ dùng một ống soi mềm nhỏ hơn ngón tay út, gắn liền với một hệ thống truyền hình điện tử, để từ đó phóng đại hình ảnh của thực quản, bao tử cũng như tá tràng lên thẳng màn ảnh TV. Trước khi soi bao tử, bệnh nhân thường được truyền một ít nước biển, và dựa vào đó, các bác sĩ sẽ tiêm một ít thuốc ngủ và chống đau nhức. Thông thường là các loại thuốc như Demerol, Versed, Propafol, Fentanyl v.v. Bệnh nhân sẽ “thiu thiu” ngủ, chứ không hoàn toàn mê man, bất tỉnh.
Tuy nhiên cũng nhờ vào những thuốc ngủ này, bệnh nhân sẽ không cảm thấy quá khó chịu trong lúc soi. Thời gian soi bao tử thường chỉ kéo dài khoảng năm phút mà thôi, nên đa số bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy đau đớn gì cả, trong lúc cũng như sau khi soi bao tử. Trong lúc soi, một số tế bào bao tử sẽ được gắp ra (biopsy), để gởi đi thử nghiệm, nên Quý vị có thể sẽ cảm thấy hơi xót bao tử hoặc hơi đau cổ họng trong vòng một hai ngày. Vì bệnh nhân có thể vẫn còn buồn ngủ trong một thời gian 3 đến 4 tiếng sau khi được soi bao tử, tự lái xe về nhà có thể gây ra tai nạn khó lường. Vì thế, một lần nữa, bệnh nhân cần phải có người đưa đi và đón về.
Soi bao tử và chụp hình quang tuyến khác nhau như thế nào?
Chụp hình quang tuyến hay gọi là X-ray chỉ thấy bóng của những cơ quan muốn khám nghiệm. Thường bệnh nhân phải uống một chất thuốc tương đối dễ uống, và sau đó sẽ được chụp bằng quang tuyến X. Bức hình sẽ hiện ra mầu trắng đen, và hình thù của các cơ quan sẽ được nhận diện như những bóng đen trắng. Phương pháp này tương đối rẻ tiền và nhanh chóng, nhưng không được chính xác bằng phương pháp nội soi bao tử.
Khi soi bao tử, hình thù của các cơ quan thử nghiệm được phóng đại lên màn ảnh truyền hình, nên ngay cả một vài thay đổi li ti cũng có thể được khám phá một cách dễ dàng. Song song vào đó, trong lúc soi bao tử, người y sĩ cũng có thể gắp một ít tế bào để gởi đi phòng thí nghiệm tìm kiếm vi trùng H. pylori, hoặc tế bào ung thư. Ngoài ra, nếu có những vết loét lở đang bị chảy máu, bác sĩ cũng có thể đốt hoặc tiêm thuốc thẳng vào vết thương để cầm máu. Vì thế, soi bao tử hoặc upper endoscopy được xem là phương pháp tối tân nhất và chính xác nhất hiện nay trong việc định và trị bệnh liên quan đến phần trên của hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên phương pháp này mất công hơn, mắc tiền hơn và cũng có phần khó chịu hơn đối với bệnh nhân. Bệnh nhân cần nghỉ việc hôm đi soi bao tử.
Lợi & Hại của Nội Soi Bao Tử |
|
Lợi Điểm |
Sự Nguy Hiểm |
- Soi bao tử là phương pháp rõ ràng nhất |
Cũng như nội soi đường ruột, soi bao tử có thể đưa đến những biến chứng và nguy hiểm như: |
Capsule Endoscopy
Trong những năm gần đây, người ta khám phá ra một phương pháp tối tân hơn để chụp hình hệ thống tiêu hóa tương tự như khi đi soi bao tử, gọi là Capsule Endoscopy. Đây là một tiến bộ đáng kể trong y khoa. Trong phương pháp này, bệnh nhân chỉ cần “nuốt” một “máy quay phim” dưới dạng của một viên thuốc với kích thước là 26 mm chiều dài và 11 mm chiều ngang. Đi dọc theo hệ thống tiêu hóa, “viên thuốc quay phim” này sẽ thâu thập những dữ kiện của màng ruột non và gởi những tín hiệu này đến một máy “thâu băng” đeo trên người bệnh nhân.
Sau đó, với sự trợ giúp của máy điện tử đặc biệt, người bác sĩ có thể biến đổi những tín hiệu phát xuất từ viên thuốc quay phim thành những hình mầu hiện trên màn ảnh TV. Điểm son của phương pháp này là bệnh nhân không cần phải nhập viện, không cần phải nghỉ việc và chỉ phải nhịn ăn trong vòng 8 tiếng mà thôi. Tuy nhiên, cho tới nay, FDA chỉ cho phép ứng dụng phương pháp này trong việc định bệnh của ruột non mà thôi. Tiếc thay, phương pháp “Capsule Endoscopy” này không chụp được hình bao tử và ruột già.
Phương pháp chữa bệnh đau bao tử:
Đau bụng là một trong những triệu chứng thường xuyên mà có lẽ chúng ta ai ai cũng có thể bị, không ít thì nhiều. Nếu bị đau thường xuyên hơn, quý vị có thể dùng một số thuốc khác nhau bầy bán trên thị trường mà không cần toa bác sĩ. Sau đây là một số thuốc điển hình:
Thuốc chống acid gọi chung là antacids. Chúng có khã năng hóa giải chất acid trong bao tử. Một khi độ chua trong bao tử giảm đi, các vết loét lở sẽ chóng lành. Trên thị trường nhiều loại thuốc khác nhau được bầy bán với những tên sau đây: Maalox, Mylanta, Riopan, Amphogel, Gaviscon, Camalox v.v. Thuốc này tuy có hiệu lực, nhưng cần phải uống nhất nhiều lần. Thuốc có thể làm buồn nôn khó chịu, hoặc táo bón hoặc tiêu chảy. Thông thường thuốc nước có công hiệu hơn thuốc viên. Theo một số tài liệu, để đạt được công hiệu của 2 thìa cà phê Mylanta, quý vị phải nhai khoảng 20 viên Rolaid. Các loại thuốc này có công hiệu nhất nếu quý vị uống lúc đói. Một số bác sĩ và dược sĩ khuyên quý vị không nên dùng Tums. Tums tuy cũng là một chất hóa giải acid, nhưng vì chứa đựng rất nhiều chất calcium, nên có thể kích thích bao tử chế nhiều chất chua hơn.
Gần đây một số thuốc mạnh hơn thuốc antacids được bán trên thị trường mà không cần toa bác sĩ. Các loại thuốc này có khả năng làm giảm đi sự bào tiết chất chua từ bao tử. Chúng thuộc gia đình Histamine 2 blocker với những tên như Tagamet, Pepcid, Zantac, Axid. Các loại thuốc này uống lúc no hay đói cũng được, nhưng không nên uống cùng một lúc với thuốc antacids.
Tuy các loại thuốc bày bán trên thị trường không cần toa bác sĩ, quý vị không nên lạm dụng chúng. Nếu các triệu chứng vẫn không thuyên giảm sau khi đã uống thuốc trong một thời gian từ 2 đến 3 tuần, quý vị nên đi bác sĩ.
Xin Quý vị thận trọng trong lúc uống thuốc Alka-Seltzer. Alka-Seltzer có thể chứa đựng chất aspirin nên có thể làm bao tử và ruột non dễ loét lở hơn. Chất aspirin cũng làm cho máu loãng hơn nên người bị viêm, loét bao tử có thể bị chảy máu dễ dàng.
Ngoài những thuốc kể trên, còn có một số thuốc khác nhau có những công dụng khác nhau, hoặc có thể mạnh hơn hoặc tốt hơn. Thí dụ điển hình như những thuốc với tên như Prilosec, Prevacid, Aciphex, Protonix, Nexium, Zergerid v.v. Những loại thuốc trong gia đình này, phải uống nửa tiếng trước bữa ăn đầu tiên trong ngày. Thuốc phải có toa bác sĩ mới mua được.
Khi nào cần đi bác sĩ hoặc đi nhà thương?
Sau đây là những trường hợp quý vị nên liên lạc với bác sĩ của quý vị càng sớm càng tốt:
- |
Nếu quý vị có triệu chứng xuất huyết bao tử như ói ra máu (có thể máu đỏ tươi hoặc máu “bầm” như bã cà phê), hoặc đi phân ra máu. Phân có thể mầu đen như mực hoặc mầu gạch cua. Đây là những trường hợp tối ư khẩn cấp. Quý vị nên vào nhà thương ngay lập tức. |
- |
Nếu bụng càng ngày càng đau, nhất khi chỗ đau lan dần xuống bụng dưới bên phải (Đây có thể là triệu chứng của bệnh đau ruột dư (appendicitis). Đây cũng là một trường hợp khẩn cấp, cần vào phòng cấp cứu (emergency room) càng sớm càng tốt. |
- |
Nếu quý vị bị nôn ói liên tục. |
- |
Nếu quý vị không ăn uống được, nhất là nếu quý vị bị xuống cân. |
- |
Nếu quý vị càng ngày càng thấy mệt và vấn đề ăn uóng trở nên khó khăn. |
- |
Nếu nuốt thức ăn trở nên đau đớn hoặc hay bị nghẹn cổ. |
- |
Nếu bệnh trở nên mỗi ngày một trầm trọng hơn hoặc uống thuốc mà vẫn không hết. |
- |
Nếu trong gia đình quý vị có người thân bị ung thư bao tử. |
Vi trùng xoắn Helicobacter Pylori và Bệnh loét bao tử và ruột non.
Từ trước đến nay, người ta vốn cho rằng đời sống với nhiều ưu phiền, lo lắng, sợ sệt, giận tức (stress), sẽ dễ gây ra loét bao tử. Nhưng gần đây hơn, khi so sánh xác xuất bệnh nhân loét bao tử với nghề nghiệp của họ, người ta rất ngạc nhiên khi nhận thấy không một nghề nghiệp nào rõ rệt có thể gây ra loét bao tử một cách thường xuyên và chắc chắn. Ngay cả khi công ăn việc làm của chúng ta dẫu có trắc trở, khó khăn, phiền phức hoặc cách thức ăn uống, dẫu có “ẩu tả”, “không giờ giấc” đến đâu cũng không phải là một trong những điều kiện quan trọng đưa đến loét bao tử và ruột non. Ngược lại, nhiều bệnh nhân, tuy không hút thuốc lá, không rượu chè, không uống thuốc đau nhức và đang sống một cuộc sống rất “thánh thiện” mà vẫn bị đau bao tử từ năm này qua tháng nọ.
Với sự khám phá về mối liên quan giữa vi trùng Helicobacter pylori với những bệnh nhân loét báo tử, người ta đã có thể giải thích những trường hợp khó hiểu kể trên.
Helicobacter pylori là gì?
Vi trùng xoắn Helicobacter pylori đã được tìm thấy trong bao tử nhiều năm về trước, nhưng mãi sau này, người ta mới nhận ra đây là một trong những nguyên nhân chính đưa đến loét bao tử hay ruột non.
Vi trùng này có thân hình dài và xoắn tròn với những cái “đuôi” để di chuyển. Chúng có khả năng hóa giải chất acid, nên tiếp tục tăng trưởng một cách nhanh chóng trong một môi trường với cường độ acid rất cao (như trong bao tử). Khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng Helicobacter pylori tấn công các tế bào bao tử và ruột non, gây tổn thương nhiều cách thức khác nhau. Đặc biệt hơn cả là tác dụng nguy hại của chất protein bài tiết từ những vi trùng xoắn này. Khi lớp nhày bảo vệ bao tử bị ăn mòn bởi vi trùng H. pylori, tế bào bao tử dễ bị tổn thương hơn. Chất acid có thể tàn phá bào tử một cách dễ dàng. Nếu bệnh nhân còn uống thêm thuốc đau nhức nhu Ibuprofen, Indocin, Aspirin v.v. họ sẽ dễ bị loét bao tử hơn.
Một trong những đặc điểm chính của vi trùng Helicobacter pylori là khả năng hóa giải chất Urea bằng enzyme Urease. Sự hiện diện của enzyme đặc biệt này trong có trong cơ thể là một trong những dấu hiệu cho biết bệnh nhân đang bị nhiễm trùng H. pylori.
Bệnh lây như thế nào?
Bệnh lây từ người này sang người khác bằng thức ăn và nước uống nhiễm trùng, nhất là những nới đông dân cư. Đa số các bệnh nhân bị nhiễm trùng trong những năm thơ ấu, thông thường trước khi lên 5 hoặc lên 6. Vì một lý do chưa được rõ, người lớn ít bị lây hơn, ngay cả trong những liên quan mật thiết trong đời sống vợ chồng. Một khi chữa lành bệnh, bệnh rất hiếm khi tái phát trở lại.
Một khi xâm nhập vào cơ thể, vi trùng Helicobacter pylori sẽ gây ra viêm bao tử mãn tính (chronic gastritis). May mắn thay, chỉ một ít bị bệnh nhân với vi trùng H. pylori mới có một vài triệu chứng điển hình của đau bao tử. Phần còn lại vẫn tiếp tục sống bình thường không bình thường.
Khi bị viêm kinh niên, bệnh có thể gây ra loét lở (ulcer) hoặc/và ung thu (cancer) bao tử. Người ta ước đoán, gần 1% những bệnh nhân nhiễm trùng Helicobacter pylori từ năm này qua tháng nọ, sẽ bị ung thư bao tử, nhất là nếu nhiễm trùng bởi loại H. pylori biến dạng với nhiễm thể (DNA) bất bình thường (mutation). Ngày nay, H. pylori đã trở thành vi trùng đầu tiên được công nhận một cách chính thức là có thể gây ra bệnh ung thư bao tử. Điều này rất đúng cho những bệnh nhân mang đặc tính di truyền Interleukin-1B và IL-1 receptor antagonist. Nói một cách khác, bệnh nhân với 2 đặc tính di truyền kể trên sẽ dễ bị ung thư bao tử hơn khi bị nhiễm trùng H. pylori. Hy vọng trong một tương lai gần đây, người ta có thể dựa vào đó để truy tầm ung thư bao tử cho những ai có đặc tính di truyền này.
Cách định bệnh và chữa trị
Không phải ai đau bụng cũng bị loét lở bao tử. Và không phải ai loét lở bao tử cũng bị nhiễm trùng Helicobacter pylori. Tuy nhiên, người bị loét bao tử, cần biết mình có bị nhiễm Helicobacter pylori hay không.
Nhiều phương thức khác nhau để định bệnh:
1) Thử máu: Đây là phương pháp dễ dàng nhất và cũng rẻ tiền nhất. Trong phương phá này, một ít máu sẽ được gởi đi phòng thí nghiệm để xem cơ thể của bệnh nhân có kháng thể chống lại vi trùng Helicobacter pylori hay không. Khuyết điểm của phương pháp này là, test chỉ cho biết là bệnh nhân đã tiếp xúc với vi trùng trong quá khứ hay không, chứ không cho biết vi trùng Helicobacter pylori có còn “sống” hay đã bị tiêu diệt bởi hệ thống miễn nhiễm. Vì thế một khi dương tính, test này sẽ tiếp tục dương tính trong một thời gian lâu dài, ngay cả khi vi trùng H. pylori đã biến mất ra khỏi cơ thể.
2) Sinh thiết (biopsy) màng bao tử: Trong lúc soi bao tử, một ít tế bào được gắp ra để thử nghiệm trực tiếp dưới kính hiển vi hoặc dùng để cấy vào một môi trường đặc biệt để khám phá sự hiện diện của chất enzyme urease (Clo Test). Nếu bao tử bị nhiễm trùng, vi trùng sẽ được nhận diện một cách rõ ràng dưới kính hiển vi. Cho đến nay, đây là hai phương pháp chính xác nhất và cũng mắc tiền nhất.
3) Thử hơi thở (breath test): Trong phuong pháp này, bệnh nhân sẽ uống một ít chất 14C-urea. Chất urea này sẽ bị vi trùng Helicobacter pylori phân tách thành tháng khí 14CO2. Phương pháp này rất chính xác nhưng chưa được ứng dụng một cách rộng rãi.
4) Thử phân: Đây cũng là một phương pháp tương đối mới để truy tìm kháng nguyên Helicobacter pylori Stool Antigen (HpSA). Test này chưa được phổ biến rộng rãi.
Cách chữa bệnh Helicobacter pylori:
Vi trùng có thể được chữa trị bằng một ít thuốc trụ sinh trong vòng một đến 2 tuần. Tùy theo điều kiện và hoàng cản củ mỗi bệnh nhân cũng như tùy theo sở thích của mỗi bác sỹ, bệnh nhân sẽ phải uống nhiều loại thuốc khác nhau từ 5 đến 14 ngày. Các loại thuốc thường dùng như Amoxicillin (hoặc Flagyl), Biaxin, và Prevacid (hoặc Prilosec, Nexium, Aciphex, Protonix) v.v. 95% bệnh nhân chữa trị bằng những thuốc trụ sinh kể trên sẽ hoàn toàn hết bệnh. Một khi hết bệnh, bệnh hiếm khi tái phát.
Tóm lại, đau bao tử là một căn bệnh rất thông thường mà chúng ta ai ai cũng có thể bị, càng lớn tuổi càng dễ bị. Với sự hiểu biết rõ ràng hơn về những lý do đưa đến loét lở bao tử và ruột non, nhất là với sự khám phá mối liên quan giữa vi trùng H. pylori và bệnh đau bao tử, song song với những phương pháp định bệnh tối tân hơn và chính xác hơn, cũng như những loại thuốc mới hơn, tốt hơn và an toàn hơn, bệnh đau bao tử ngày nay có thể chữa trị một cách dễ dàng và dứt khoát. Chữa trị đúng cách có thể giảm đi những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết bao tử, lủng bao tử và ung thư bao tử. Ngoài ra, người đau bao tử cũng có thể bị thêm bệnh ợ chua, khi chất acid và Pepsin từ bao tử thường xuyên trào ngược lên thực quản và miệng. Bệnh này tuy ít đưa đến xuất huyết, nhưng khó chữa hơn và có thể đưa đến ung thư thực quản.
Chế độ ăn uống cho người bị đau bao tử
Những cơn đau đến bất ngờ khi bị bệnh đau bao tử. Ảnh: T.LÊ |
Theo BS. Trần Thiện Trung (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM), chính chế độ ăn uống không hợp lý, không đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đau bao tử. Vì vậy, việc điều chỉnh thói quen ăn uống đối với người mắc bệnh này đóng vai trò rất quan trọng.
Tỷ lệ bệnh đau bao tử cao
Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh đau bao tử cao, hơn 70% người lớn và 55% trẻ nhỏ. Anh Đức Minh (28 tuổi, kế toán trưởng của một công ty may mặc) gần đây có triệu chứng khó tiêu, ăn bất cứ cái gì cũng có cảm giác đầy bụng và trào lên cổ. Ăn xong, anh có cảm giác thức ăn cứ chặn ngay ở cổ, muốn ói nhưng ói không được. Do yêu cầu của công việc nên việc ăn uống của anh một thời gian không điều độ. Anh rất lo lắng không biết có phải mình bị đau bao tử không? Còn chị Hải My (giáo viên Trường THPT Tân An - Long An), cho biết: “Tôi đã bị đau bao tử 4 năm nay, hàng năm phải mất khoảng 4-6 tháng uống thuốc, đỡ rồi lại đau. Có khi đang giảng bài thì cơn đau đến bất ngờ không thể chịu nổi. Tôi đi khám rất nhiều nơi, nội soi bao tử, điều trị bằng nhiều cách nhưng cũng không hết hẳn”.
Theo BS. Trần Thiện Trung thì chứng đau bao tử là một bệnh kinh niên. Nó cứ đau rồi khỏi, khỏi rồi đau trở lại. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau bao tử, trước tiên là do ăn uống thiếu điều độ, hút nhiều thuốc lá, uống rượu bia, tâm trạng lo âu, sử dụng dài hạn các loại thuốc kháng viêm giảm đau, hoặc khi bị mất ngủ, chịu áp lực công việc căng thẳng, stress… có khuynh hướng làm cho bao tử tiết nhiều axít hơn. Trước đây, để chẩn đoán đau bao tử, các BS thường dựa vào triệu chứng mà bệnh nhân mô tả và chụp X quang. Hiện nay, nội soi bao tử là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất. Tuy nhiên, phương pháp này thường làm bệnh nhân khó chịu và đau nên nhiều người rất ngại khi đi nội soi bao tử. Bệnh này rất dễ gây biến chứng nguy hiểm, cụ thể là xuất huyết bao tử, nếu có triệu chứng đi tiêu ra máu hoặc phân màu đen, ra máu thì nên lập tức đi khám BS. Đây là một triệu chứng nghiêm trọng của xuất huyết tiêu hóa, có thể gây tử vong.
Nên điều chỉnh thói quen ăn uống
Điều chỉnh lại thói quen ăn uống có thể giúp cho bệnh nhân giảm bớt sự khó chịu khi bị bệnh đau bao tử hoành hành trong cơ thể. Lưu ý ăn uống đều đặn, không ăn quá no, nên nhai kỹ, nuốt chậm. Ăn quá no sẽ làm dạ dày phồng căng, sinh ra nhiều axít có hại, dễ gây đau. Khi ăn nên nhai kỹ, nuốt chậm, vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, nước bọt có tác dụng giảm axít và bão hòa axít có trong dạ dày. Chế biến mềm, nhừ thức ăn đồng thời ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày. Bệnh nhân cần tránh trà, cà phê đậm, rượu và thuốc lá, các gia vị như tiêu, ớt, giấm, mù tạt, sữa chua, hoa quả chua, dưa chua, cà muối, thức ăn lên men như tương, chao, mắm; không nên ăn những thức ăn cứng, thô ráp như các loại quả khô, lương thực cứng, rau cần, hẹ, dưa, măng… vì rất khó tiêu hóa. Không nên ăn những thức ăn sống, lạnh, thức ăn đã biến chất. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể uống thuốc xoa dịu tạm thời. Tất cả các loại antacidbán trên thị trường đều có thể xoa dịu chứng đau bao tử. Điển hình như các hiệu Mylantavà Maalox. Không nên dùng Aspirin bởi thuốc này chỉ có thể trị các chứng đau nhức thông thường, và thường làm bệnh bao tử tệ hơn. Nên bớt tiêu thụ chất sắt bởi nó có khả năng ăn mòn bao tử. Một trong những nguyên nhân gây bệnh đau bao tử còn bắt nguồn từ đời sống nội tâm của con người. Căn bệnh thường trở nặng hơn khi bệnh nhân phải lo nghĩ nhiều. Nếu bạn sống lạc quan sẽ giúp đẩy lùi căn bệnh này.
Đau bao tử không nên ăn gì?
Người bị đau bao tử trong chế độ ăn hàng ngày không nên ăn những thực phẩm có độ axit cao, thực phẩm lạnh và đồ chưa được nấu chín.
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Giám đốc trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, có thể nhịn ăn trong vòng 24 - 48 giờ đối với trường hợp viêm bao tử cấp tính vì cần có thời gian cho bao tử lành vết thương.
Người đau bao tử không nên để đói, đồng thời không được ăn quá no. Cần ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 2 – 3 giờ. Khi chế biến thức ăn cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ, tăng cường luộc, hấp và hạn chế chiên, xào.
Khoai sọ hầm nhừ rất tốt cho người đau bao tử
Những thực phẩm mà người bị đau bao tử nên ăn như: cháo, cơm nát, bánh mì, bánh quy, cơm nếp, bánh chưng, khoai tây, khoai sọ (luộc chín hoặc hầm nhừ dưới dạng xúp); thịt cá nghiền nát, hấp hoặc om; sữa bò hộp, sữa bò tươi, sữa bột, bơ, pho mát; đường, bánh, mứt, mật ong, kem, thạch, chè, nước lọc, nước khoáng...
Những thực phẩm mà người bị đau bao tử nên tránh bao gồm:
Thức ăn nhiều chất béo
Những người bị đau bao tử nên hạn chế các loại thực phẩm chiên. Các loại thực phẩm này luôn chứa nhiều chất béo. Nếu bạn đang gặp rắc rối bởi tình trạng viêm đường ruột, đau bao tử, thực phẩm chiên có thể gây tiêu chảy.
Người đau bao tử không nên ăn nhiều socola
Kem cũng là thực phẩm bạn nên tránh vào mùa hè nếu đau bao tử. Hàm lượng chất béo trong kem rất cao. Điều này rất nguy hiểm cho những người bị bệnh bao tử và đường ruột. Đau bụng có thể dễ dàng gây ra.
Socola cũng được xếp vào danh sách thực phẩm nhiều chất béo. Đối với những người đau bao tử nên kiểm soát lượng sô cô la vì nếu ăn quá nhiều sô cô la có thể thể gây ra hiện tượng chảy ngược của dịch vị trong bao tử.
Thực phẩm cay nóng
Các gia vị và thực phẩm cay nóng không tốt cho người đau bao tử ví dụ như ớt. Ớt tốt cho tiêu hóa đối với người bình thường, nhưng trong ớt có chứa một alcaloit có vị rất cay và nóng, nó sẽ khiến bệnh đau bao tử nặng thêm. Vì vậy người đau bao tử không nên ăn ớt.
Thực phẩm có tính axit
Nước cam, chanh có thể gây tiêu chảy đối với người bị đau bao tử
Những thức ăn có độ axit cao như các loại hoa quả chua, cà muối, dưa muối, giấm, mẻ đều không tốt cho bao tử. Hai thực phẩm rất tốt cho người bình thường nhưng lại không tốt cho người bị đau bao tử là nước cam và quả đào. Nước cam ép có tính axit có thể làm nhiễu loạn đường tiêu hóa và kích thích các dây thần kinh nhạy cảm. Nếu người đau bao tử uống nước cam, đường tiêu hóa có chứa nhiều axit, có thể gây đau bụng. Bên cạnh đó, nước chanh cũng có thể gây tiêu chảy ở các bệnh nhân bị bệnh đường ruột, đau bao tử.
Thực phẩm có tính kích thích như trà và cà phê
Trong cà phê có chứa nhiều cafein là một chất kích thích, người đau bao tử không nên dùng. Đối với người bình thường, trà xanh rất tốt cho sức khỏe, nhưng lại có hại đối với người bị đau bao tử, làm cho cơn đau bao tử tăng lên. Đặc biệt không nên uống chè xanh đặc vào lúc đói.
Thực phẩm chiên
Các loại thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ không tốt cho người bị đau bao tử
Những người bị đau bao tử nên hạn chế các loại thực phẩm chiên. Các loại thực phẩm này luôn chứa nhiều chất béo. Nếu bạn đang gặp rắc rối bởi tình trạng viêm đường ruột, đau bao tử, thực phẩm chiên có thể gây tiêu chảy.
Hành tây chưa nấu chín
Hành tây có chứa các chất dinh dưỡng phong phú, giúp bảo vệ tim cho cơ thể con người. Tuy nhiên, lượng hành tây sống cũng có thể gây đau bụng. Bạn nên nấu chín hành tây để loại bỏ một số chất độc hại.
Súp lơ xanh và cải bắp sống
Súp lơ xanh và bắp cải là những loại rau có chứa nhiều chất xơ, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó lại dễ sinh ra nhiều khí gây đầy bụng khi bạn ăn sống hai loại rau này. Vì vậy, cách tốt nhất đối với người đau bao tử là phải nấu chín súp lơ xanh và bắp cải trước khi ăn.
Cách làm giảm đau bao tử nhanh bằng những mẹo
Đau dạ dày nên ăn như thế nào để tốt cho sức khỏe
Chữa đau dạ dày bằng nghệ và mật ong
Món ăn cho người bị đau dạ dày
Thực phẩm chữa bệnh đau bao tử hiệu quả -
Chữa bệnh đau dạ dày bằng phương pháp dân gian
(st)