Văn hoá giao tiếp phụ thuộc, đồng thời cũng phản ánh và thậm chí tác động trở lại với rất nhiều điều kiện và hoàn cảnh xã hội, kinh tế, tự nhiên cũng như từng cá nhân và năm tháng nữa. Do đó mới có văn hoá vùng, miền, địa phương, cá nhân, cũng như có văn hoá nông thôn, đô thị, có văn hoá quý tộc và bình dân...
Dù chỉ là một khía cạnh của văn hoá nói chung song văn hoá giao tiếp cũng là cả một lĩnh vực tổ hợp của nhiều yếu tố: ăn, mặc, nói năng, ứng xử...
Nói về văn hoá giao tiếp của mình người Hà Nội chỉ gói gọn trong hai chữ Thanh và Lịch: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An Chỉ bằng một câu nói ví von ngắn gọn, nhã nhặn, nhún nhường vậy thôi cũng đã cho ta thấy cái lịch lãm, tế nhị, tự tin của người Hà Nội. Những con người sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hoá, để rồi thẩm thấu, chắt lọc và toả sáng.
Đây cũng đồng thời là nơi tập hợp các danh nhân văn hoá, các tao nhân mặc khách ở mọi thời đại và mọi thế hệ. Chính những yếu tố đó làm nên văn hoá Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, thì thử hỏi làm sao người Hà Nội không thanh lịch cho được. Sự thanh lịch ấy thể hiện trước hết ở lời nói: Người thanh tiếng nói cũng thanh Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.
Cái thanh, cái đẹp của tiếng nói Hà Nội là ở chỗ chuẩn xác, phát âm đúng, mẫu mực cho cả nước. Kẻ Chợ là nơi hội tụ người tứ xứ, do đó cũng là nơi chung đúc tiếng nói của bốn phương, rồi qua sàng lọc tự nhiên đã lắng đọng những gì tinh tuý nhất, tiêu biểu nhất, hợp lý nhất.
Cái thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện trong giao tiếp xã hội. Người Hà Nội với vốn từ giàu có, lại biết sử dụng đúng nơi đúng chỗ, hợp cảnh, hợp tình, tạo nên một phong cách riêng không pha trộn vừa hào hoa, nhã nhặn, vừa lịch lãm nhún nhường.
Trong quan hệ với bạn bè, khách khứa, người Hà Nội bao giờ cũng có một thái độ hiếu khách truyền thống, nồng nhiệt mà không thô bạo, niềm nở mà không suồng sã. Khi khách đến nhà, người chủ dù bận việc cũng phải đứng dậy mời chào. Nếu đang mặc quần áo ngắn, quần cộc, áo cánh thì phải “xin lỗi” khách, mà mặc quần áo dài nghiêm chỉnh rồi mới tiếp khách.
Trong cách pha trà đãi khách của người Hà Nội cũng thể hiện trình độ và sự tinh tế riêng. Chè để đãi khách bao giờ cũng là chè ngon, có nhà cẩn thận còn đem ướp sen, nhài hay hoa ngâu để tăng thêm hương vị.
Trong ăn uống của người Hà Nội cũng có những nét khác biệt và thể hiện một trình độ thẩm mỹ hay nói đúng hơn là năng khiếu trong việc chế biến món ăn. Chỉ cần quan sát mâm cơm ngày tết hay mâm cơm khách của người Hà Nội là thấy ngay được tính lịch sự và chu đáo trong đó. Trong một mâm bao giờ cũng có rất nhiều món, mỗi món một chút, mỗi món cho một khẩu vị riêng.
Đặc biệt, cách bài trí các món ăn đều được trình bày rất đẹp và hấp dẫn. Khi ăn uống, người Hà Nội bao giờ cũng giữ nền nếp “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” và luôn luôn thận trọng, ý tứ khi trong mâm có người già cao tuổi hay khách khứa. Khi đi ăn tiệm thì cũng rất sành điệu để tìm nơi, tìm vị, chọn thời, chọn cơ, mà đã hợp với nơi nào thì thuỷ chung với nơi đó.
Chính chất sành điệu trong ăn uống ấy mà người Hà Nội đã làm ra biết bao món ăn nổi tiếng và trở thành đặc sản chốn Thượng Kinh: phở, bún thang, chả cá, cốm vòng, rươi... Tóm lại, đó chính là nếp sống thuần hậu, khiêm nhường, thanh lịch của người Thăng Long - Hà Nội mà xưa kia Phạm Đình Hổ từng ca ngợi trong Vũ Trung tuỳ bút. Ông cho biết vào thời ông còn nhỏ, tức thời Lê Cảnh Hưng:
"Phong tục chuộng thói trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau có ý khoan dung, bình dị, giữ thói khiêm nhường. Nếu ai có điều gì sằng bậy, thì chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến như những kẻ thân quan, quốc thích và những kẻ con em vô lại rong chơi, cũng không dám công nhiên làm càn. Nếu có kẻ nào không theo lễ phép mà làm sằng, thì những bậc phụ lão nhà lương gia lại ngầm đem chuyện ấy để răn bảo con cháu".
Từ ngàn xưa, người Thăng Long - Hà Nội đã có nếp sống “có lịch có lề”. Đó chính là truyền thống văn minh - văn hiến ngàn năm trong thế ứng xử của người Hà Nội.
Phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử của người dân phố cổ Hà Nội
Đất Kinh kỳ, Hà Nội xưa thường được biết tới với 36 phố phường, đứng trước mỗi phố có tên "Hàng", buôn bán sầm uất cùng những phường hội, phường nghề ngày đêm tấp nập.
Những thói quen, tập quán cũ, gia phong của người dân không bị bào mòn bởi dòng chảy thời gian và sự xô bồ của cuộc sống. Tại mỗi nếp nhà hay ngoài đời thường, ẩn trong cách sống, trong lối đối nhân xử thế của người dân là sự lịch lãm, hào hoa; mang hơi hướng của truyền thống văn hóa lâu đời. Vậy nhưng, cuộc sống mưu sinh và lối sống hiện đại du nhập ngày nay đang dần thay đổi nếp nghĩ, thói quen sinh hoạt của người dân phố cổ Hà Nội khiến nét thanh lịch, hào hoa bị nhạt dần.
Trước thực trạng đó, để tìm lại nét hào hoa, lịch lãm của người dân đất Kinh kỳ, phát huy những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội xưa và nay; quận Hoàn Kiếm đã xây dựng đề án "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ", triển khai từ năm 2009. Ông Đinh Hồng Phong, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin quận khẳng định: "Khơi dậy nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ chính là khơi dậy cốt cách, "cái hồn" của phố cổ Hà Nội với nét văn hóa ứng xử thanh lịch đặc trưng trong giao tiếp, sinh hoạt". Trong 5 tiêu chí đề án đưa ra, quận Hoàn Kiếm tập trung vào 2 tiêu chí cốt yếu: Giao tiếp, ứng xử có văn hóa và tiêu chí có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.
Qua 4 năm thực hiện, đề án nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân trong khu phố cổ, bởi nó đã đi đúng hướng, khơi dậy những giá trị quý đang bị mờ dần. Đề án đã tạo ra phong trào sâu rộng, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trong quận tham gia, từng bước xác lập những nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ. 36 phố phường xưa vẫn buôn bán tấp nập, đặc biệt là phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân, Hàng Gai, chợ Đồng Xuân... nhưng cách ứng xử trong gia đình và xã hội đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực. Giữa ông bà, con cháu ngày càng mẫu mực; giữa người kinh doanh và khách hàng ít còn hiện tượng cãi vã; giữa bà con lối phố ít xích mích, mâu thuẫn ...
Khách đến mua hàng được đón tiếp niềm nở hơn, được tư vấn cụ thể và không hề có lời "mắng mỏ" khi họ chỉ đến xem mà không mua hàng. Người dân phố cổ ngày càng tích cực tham gia tổng vệ sinh vào sáng thứ 7 hàng tuần, bóc quảng cáo, tờ rơi dán trên tường nhà cũng như khu vực công cộng, không vứt rác bừa bãi ra đường. Trong bình xét gia đình văn hóa, nếu gia đình nào không thực hiện một trong ba điều kiện: Không tham gia họp tổ dân phố, không tham gia tổng vệ sinh hàng tuần, không treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết, sẽ không đủ điều kiện xét chọn danh hiệu.
Bác Phạm Văn Đức, hiện trú tại số nhà 39 Hàng Chiếu tâm huyết thổ lộ: "Quy luật cuộc sống phát triển không ngừng, nét văn hóa xưa có thể không phù hợp với lớp trẻ, nét văn hóa mới nảy sinh nhưng người dân phố cổ vẫn phải giữ văn hóa truyền thống". Không những làm gương và vận động những người trong gia đình thực hiện theo khuôn phép trong văn hóa ứng xử, bác Đức với vai trò là tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Đồng Xuân còn tích cực vận động bà con lối phố thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn lòng đường, hè phố thông thoáng, cam kết với các hộ kinh doanh không bày bán ngoài vỉa hè, lập các tổ tự quản để giữ gìn trật tự. Bác cùng mọi người trong tổ thường xuyên nhắc nhở các gia đình bán hàng, khi xưng hô thể hiện đúng văn minh xã hội, có thưa gửi với người lớn tuổi, nói năng có chủ ngữ, nhẹ nhàng, không to tiếng. Các quán nước không để thanh niên ngồi nói bậy, đánh lô đề và nghiêm khắc nhắc nhở nếu để hiện tượng này xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân Nguyễn Thị Bích Nga cho rằng: "Mặc dù phường Đồng Xuân là trung tâm thương mại trong khu phố cổ, đa phần người dân gắn với kinh doanh buôn bán nhưng khi vận động bà con thực hiện văn hóa ứng xử văn minh thanh lịch đều nhận được sự ủng hộ cao". Những năm gần đây, văn hóa ứng xử và văn hóa kinh doanh của người dân được nâng lên rõ rệt. Điển hình như dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, dịp Trung thu hay các ngày lễ Tết khác, khi được phường vận động treo đèn lồng đối với các nhà mặt phố, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng. 10 ngày cao điểm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, chị em tại các công sở đều mặc áo dài truyền thống đi làm và nhiều bà con kinh doanh trong chợ Đồng Xuân cùng thực hiện.
Sinh ra tại phố cổ Hà Nội và đến nay đã lên tới chức bà, nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết vẫn gắn bó với những con phố xưa, với ngôi nhà cổ mái ngói nhuộm màu thời gian. Nhà bà ở phố Mã Mây, một căn nhà mang kiến trúc thường thấy vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và được xem là hiếm hoi ở phố cổ Hà Nội thời nay. Không gian sống mang đậm dấu ấn đất Kinh kỳ nên phong cách sống của nghệ nhân Ánh Tuyết cũng luôn hoài cổ.
Theo nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết: "Người Hà Nội gốc cần phải giữ lấy văn hóa truyền thống, không nên bị cuốn theo lối sống thực dụng của xã hội hiện đại. Nhưng thực tế, những người còn giữ lại nét thanh lịch như xưa còn ít, nhất là với giới trẻ". Nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, lối sống của người Hà Nội xưa vô cùng tinh tế, lịch lãm; từ chiếc áo thiếu nữ cũng phải chọn màu nhã nhặn, hoa văn nhỏ; nói năng nhỏ nhẹ, có thưa gửi; sắp bát đũa cũng phải đặt ra sao cho hợp lý; mời khách uống nước phải đặt chén vào tách... đặc biệt phải chú tâm vào nữ công gia chánh và phải giữ bốn chữ "công, dung, ngôn, hạnh". Cảm kích trước cách sống của bà, nhiều người đã gửi con gái đến nhà nghệ nhân, nhờ bà rèn giũa để chúng giữ lấy văn hóa người Hà Nội trước khi đi du học nước ngoài hay đơn giản là trước khi trưởng thành, phải va chạm với lối sống hiện đại. Nơi bà ở cũng là nhà hàng dậy các món ăn truyền thống Hà Nội cho du khách nước ngoài để người ta hiểu về văn hóa ẩm thực Hà Nội.
Nhiều người cho rằng, những người lấy chợ và mặt phố làm nơi kiếm kế sinh nhai thường ít quan tâm đến các phong trào xã hội, nhất là phong trào xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch. Nhưng với người dân phố cổ Hà Nội lại khác. Văn hóa truyền thống ngàn năm vẫn ngấm sâu trong tiềm thức mỗi người dân ở đây và khi được khơi dậy, nó vẫn tỏa sáng, bất kể đó là ai, làm công việc gì.
Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại
Hơn một nghìn năm qua kể từ cuộc dời đô lịch sử của Lý Công Uẩn, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị đặc sắc, vừa có nét riêng vừa mang tính dân tộc. Trong chiều dài lịch sử ấy, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội thể hiện qua nếp sống, lề lối ứng xử với môi trường xã hội và tự nhiên, qua những phẩm chất nổi bật đã được định hình, đã được thừa nhận rộng rãi, đặc biệt là phẩm chất thanh lịch.
Nhưng hai, ba thập niên trở lại đây, thực tế phát triển và quá trình đô thị hóa với những dòng chuyển cư tấp nập, sự biến chuyển nội tại, trong đó có hệ quả từ mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như sự tiếp nhận văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa một cách dễ dãi đã tạo ảnh hưởng nhất định đến nếp sống, lối sống, lề lối ứng xử của người Hà Nội. Trong loạt bài "Tiếp cận văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện đại", Hànôịmới cố gắng phản ánh thực trạng, tìm nguyên nhân của những "được" và "chưa được" nhằm hướng đến giải pháp cho một vấn đề vừa quan trọng vừa cấp bách.
Bài 1: Khơi trong dòng chảy văn hóa
Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, xây dựng nền nếp ứng xử văn hóa, rõ trách nhiệm với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở một thành phố có quy mô dân số lớn như Hà Nội không dễ dù thành phố nghìn tuổi mang trong nó di sản đáng tự hào mà cha ông để lại, dù Thủ đô có nhiều điều kiện thuận lợi cho phần việc này.
|
Nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội cần được giữ gìn và phát huy từ thế hệ trẻ. Ảnh: Bá Hoạt
|
"Người Thủ đô ta…"
Hà Nội, từ thuở định tên Thăng Long đến nay đã qua nghìn năm. Dặm dài lịch sử chung những thăng trầm với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc chứa đựng trong nó những gạn đục khơi trong dòng chảy văn hóa, liên tục dung nạp và thải loại giữa những biến đổi, chuyển tiếp để có một Hà Nội hôm nay.
Hoa thơm quả ngọt con người, đến mức như đã có lời khẳng định "có một tính cách Hà Nội" thì không dễ mà có ngay được, phải nhờ tích tụ, kết tinh qua nhiều đời, từ những bài học tam cương, ngũ thường tạo nền tảng luân lý, nền nếp gia phong, lề lối ứng xử đến tiếp nhận tri thức nhân loại, tinh hoa từ các vùng miền khác theo người tứ xứ đổ về Thăng Long - Hà Nội học hành, buôn bán, mở nghề. Quá trình đón nhận, chọn lọc và dung nạp, lan tỏa ấy diễn ra trong môi trường văn hóa giàu nội lực với bao danh nhân đa tài, đa nghệ. Đất ấy, môi trường ấy trao cơ hội cho những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Chu Văn An… phát triển tài năng. Đất thiêng, người giỏi, môi trường tốt, "người Thủ đô ta" không biết từ bao giờ nức tiếng thơm tho nhờ phẩm chất thanh lịch, văn minh.
Giờ đây, từ trong di sản và hành trang hiện đại, các học giả Việt Nam đã khái quát những điều tốt đẹp của người Hà Nội, những điều cơ bản hợp thành đặc trưng "thanh lịch, văn minh". Người ta dẫn giải, quy nạp từ nét ăn ở khuôn thước đến lề thói ứng xử văn hóa, lối giao tiếp lịch duyệt, từ đó định danh phẩm chất mà tựu trung lại, "người Hà Nội ta" có thể tự hào vì được công nhận là có lời ăn tiếng nói chuẩn mực, tài hoa, có lối ứng xử tự trọng, tinh tế, nhân ái…
Người thanh tiếng có còn thanh?
Quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế, ngoài cơ hội còn tiềm ẩn thách thức. Như với người Hà Nội kể từ gần ba thập niên qua đã rõ nét hiện đại hơn, nhưng trong sự chuyển biến ấy lấp ló sự suy giảm về văn hóa ứng xử, nét thanh lịch dường như không còn dễ thấy như trước nữa. Đã xuất hiện sự cảnh báo về lối sống "trên tiền", cách ứng xử xô bồ và sự xem nhẹ giá trị đạo đức của một bộ phận người dân, coi đó là hiểm họa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Sự thực thì ngay cả trong lúc khó khăn như hiện nay, người ta không dễ phủ nhận một thực tế là cư dân Hà Nội đã có bước chuyển mạnh theo hướng tiến bộ. Những cải cách về mặt chính sách vĩ mô đã tạo nền móng ngày một vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, nâng cao dân trí, quyền thụ hưởng văn hóa. Người Hà Nội giờ rõ phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học công nghệ vào việc học, nghiên cứu, kinh doanh, sản xuất, biết cách làm giàu chính đáng. Với đa số cư dân Hà Nội hiện đại, "nếp cũ" còn đó nhưng hủ tục giảm đi, người ta không còn chứng kiến nhiều những lễ mừng thọ hay tang lễ rườm rà tốn kém như trước.
Tuy vậy, không thể bỏ qua những biểu hiện lệch lạc về mặt lối sống, về nhận thức và cách thức ứng xử trong mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ - trách nhiệm, giữa hưởng thụ và cống hiến, trong mối quan hệ thầy - trò, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa đại diện chính quyền cơ sở và nhân dân, về lề lối ứng xử ngày càng xuất hiện biểu hiện xa rời chuẩn mực đạo đức, xa rời truyền thống của một Thủ đô văn hiến. Những thiếu sót nhất định trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý văn hóa và quản lý giáo dục đã góp phần làm gia tăng những biểu hiện nói trên.
Thời hiện đại, tính cách Hà Nội có sự thay đổi so với trước kia, không thể nói là dễ đưa ra kết luận. Nhìn vào hiện tượng, những gì đang được truyền thông chuyển tải, rất dễ có một cái nhìn ảm đạm về phẩm chất, thói quen, lề lối ứng xử của người Hà Nội hiện nay. Nhưng dù cách nhìn nhận ấy là có cơ sở nhất định thì ở một chiều cạnh khác, từ cơ tầng văn hóa - lịch sử, có thể tạo dựng niềm tin rằng phẩm chất "thanh lịch, văn minh" không dễ dàng mất đi, vẫn còn đó trong tiềm thức của rất nhiều người Hà Nội, ở những gia đình sống tại Thủ đô lâu đời hay những người mới theo dòng chuyển cư về đất kinh kỳ hàng chục năm nay. Sự chỉ trích và cách thức giải thích vội vàng thay vì đưa ra kiến giải mang tính xây dựng và tỏ thái độ làm gương đôi khi đem lại hệ lụy không đáng có. Đã có ý kiến cho rằng nguyên nhân chính của sự xuống cấp là do dòng chuyển cư ồ ạt trong những năm qua, hoặc giả tuyệt đối hóa vai trò tác động từ "mặt trái kinh tế thị trường" nhìn chung đều không đem lại cái nhìn đầy đủ về một vấn đề quan trọng. Những phẩm chất đã có cần một sự khích lệ đầy đủ, một chính sách văn hóa hoàn chỉnh hơn để khẳng định sức mạnh dẫn dắt của cái đẹp, cái đúng, cái tốt.
THAM KHẢO THÊM:
Cách cư xử của người có văn hoá
Trong cuộc sống, chẳng ai là không có lúc sơ ý: Khuy áo cài lệch, tóc quên không chải, vết mực dính trên mặt, áo tuột, váy hở...
Đọc cái tít một nữ diễn viên bị lộ miếng dán ngực, tôi thấy chán đến nỗi không buồn đọc tiếp. Chả lẽ không còn cái gì tử tế để mà quan tâm nữa hay sao? Chả lẽ có thể dung tục, tầm thường cái sự đọc đến thế sao? Tại sao con người ta có thể nhỏ mọn đến cái độ lấy làm thích thú khi thấy những điều sơ ý bất cẩn của người khác đến như vậy?
|
Ảnh minh họa. |
Trong cuộc sống, chẳng ai là không có lúc sơ ý: Khuy áo cài lệch, tóc quên không chải, vết mực dính trên mặt, áo tuột, váy hở... Mỗi khi gặp sự cố không mong muốn như thế bạn chỉ mong đừng ai nhận thấy. Bạn sẽ ngượng ngùng, lúng túng thậm chí khổ sở khi thấy người khác chỉ trỏ, thì thầm hay cười phá lên vì mình...
Hơn nữa, thời đại thông tin này nhiều khi khiến cho những sự bất cẩn kia càng thêm nguy hiểm. Truyền hình trực tiếp, đưa ảnh lên mạng... nên chỉ một cái lỗi nhỏ lập tức được truyền đi với tốc độ chóng mặt. Và khi đã đưa ra công luận nó thành ra chuyện to, có thể ảnh hưởng đến hình ảnh, đến tư cách một con người. Người ta có thể thản nhiên bình luận, phê phán về hành động của người khác vì đó không phải là mình. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ nếu mình lâm vào tình thế đó mà bị đưa lên mạng thì sẽ thế nào?
Có thể bạn sẽ nghĩ, thời nay người ta sống đơn giản, thấy sao nói vậy. Nhìn thấy hở váy thì bảo là hở, chả lẽ còn phải nói thế nào nữa? Nhưng dù là thời đại nào đi nữa thì cái quan trọng nhất vẫn là văn hoá, đạo đức, lối sống. Khiến người đối diện phải lúng túng, khó xử liệu có phải là cách cư xử của người có văn hoá? Trong truyện ngắn Ngôi nhà có căn gác nhỏ, Sekhốp đã rất sâu sắc khi chỉ ra: Người có giáo dục tốt không phải là người không bao giờ đánh đổ giấm mà là người không nhìn thấy người khác làm đổ giấm.
Cái sự không nhìn thấy không phải ở cái mắt mà là ở cái đầu, là ở văn hoá của con người. Không thấy không phải là không nhìn thấy mà là vờ như không thấy gì để người khác khỏi phải lúng túng, khó xử. Chỉ tiếc là người ta cứ thích khoe cái sự nhìn thấy chứ có mấy ai quan tâm đến sự không thấy.
Nghệ thuật thưởng thức trà của người Hà Nội
Món ăn truyền thống của người Hà Nội
Phong tục cưới hỏi của người Hà Nội
Ứng xử với người cao tuổi
Đặc trưng của văn hóa giao tiếp -
Cách ứng xử nơi công sở khôn ngoan nhất
Nghệ thuật ứng xử với cấp trên
(ST)
|