Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến không ít người bị mệt mỏi và mắc một số căn bệnh thường gặp, trong đó có bệnh viêm họng. Viêm họng có nên uống nước đá không và điều trị như thế nào, chúng ta cùng tham khảo nhé!
ĂN KEM, UỐNG NƯỚC LẠNH TRỊ VIÊM HỌNG???
Gần đây, trên nhiều diễn đàn các mẹ chia sẻ quan điểm của một bác sĩ nói rằng: người bị viêm họng ăn kem, uống nước lạnh sẽ nhanh khỏi bệnh. Lời khuyên "ngược đời" được chia sẻ trên mạng ngay lập tức thu hút được sự quam tâm chú ý của hơn 1.000 người. Có rất nhiều người đồng tình với lời khuyên của bác sĩ nhưng cũng có nhiều người nghi ngờ, thậm chí phản đối kịch liệt.
Nước lạnh, kem có tác dụng chống viêm?
Để bảo vệ cho quan điểm của mình, vị bác sĩ này lập luận: Nếu ai đã từng học y khoa thì đều biết rằng hiện tượng viêm bao gồm những triệu chứng "sưng, nóng, đỏ và đau". Còn nếu ai chưa học y khoa thì cứ nhìn cái nhọt trên người sẽ biết ngay hiện tượng viêm là như thế nào. Cái nhọt đó bị sưng lên, sờ thấy nóng hơn da xung quanh, nhìn đỏ hơn và chắc chắn là đau rồi. Những biểu hiện đó là do máu đổ dồn đến chỗ viêm (mạch máu đến đổ nở to ra để đưa máu đến), làm cho "sưng lên, nóng lên, đỏ lên và đau".
Để làm giảm những triệu chứng đó, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc kháng viêm để làm giảm sưng và giảm đau. Vậy có bao giờ bạn thử nhúng bàn tay mình vào nước lạnh 1 lúc rồi lấy tay ra xem nó ra sao không? Khi đó bạn sẽ thấy bàn tay mình...trắng bệt, sờ vào thì gần như không còn cảm giác nữa, vì nó...tê tê rồi. Bàn tay nhúng vào nước lạnh sẽ làm cho mạch máu nuôi bàn tay co lại, bớt máu đến đó và làm cho nó trắng bệt như vậy. Vậy thì đến đây bạn có thể suy luận tiếp rồi đó: nếu đắp nước lạnh (hay túi nước đá) lên chỗ bị viêm (bị sưng lên hay đỏ lên do máu dồn đến nhiều) thì sẽ làm mạch máu nuôi nơi đó bị co lại, có nghĩa là sẽ làm bớt máu dồn đến đó, có nghĩa là làm cho chỗ đó bớt sưng, bớt đỏ, bớt nóng và bớt đau (do bị tê), có nghĩa là ... bớt viêm.
Có bạn nào từng xem đá banh chưa? Có bạn nào để ý khi cầu thủ bị chấn thương sưng chân thì người chăm sóc đắp cái gì lên đó không? Họ đắp lên 1 túi đá lạnh để làm giảm đau và giảm sưng. Vậy thì khi bị viêm họng (họng bị sưng, đỏ, đau và có thể loét) thì mình sẽ "đắp" cái gì lên? Chắc là phải đắp nước (đá) lạnh lên rồi, tức là uống nước lạnh đó. Ăn kem càng tốt nữa, vì mấy đứa bé khoái món này. Hoặc là khi bé bị ho, cho bé uống nước lạnh sẽ làm cho cổ họng bớt đau rát, làm tê cổ họng hay nói cách khác là làm giảm cảm giác kích thích ở cổ họng, tức là sẽ làm bớt ho (dù chỉ là tạm thời).
Vị bác sĩ này còn cho rằng "viêm họng không bị gây ra do nằm máy lạnh hay gió lùa, viêm phổi không bị gây ra do tắm nước lạnh hay mồ hôi thấm ngược vào người như nhiều bạn đang tưởng".
Để khẳng định quan điểm của mình là đúng, vị bác sĩ còn đưa ra viện dẫn rằng: Cứ mỗi lần tư vấn về một trường hợp bị cảm ho hay viêm họng hay đau họng gì đó mà tôi khuyên các ba mẹ bệnh nhi cho bé uống nước lạnh (hay ăn kem) là gần như hơn 99% sẽ tròn xoe con mắt nghi ngờ rằng cái ông BS này đang nói đùa, và hỏi lại rằng "BS nói thiệt không? Uống nước lạnh bị viêm họng sao BS?". Khi đó, tôi phải nói thêm 1 câu "tôi nói hoàn toàn thật tình và không có 1 ý nghĩ đùa nào trong lời khuyên này hết". Có 1 điều lạ (hay không lạ ta?) là khi tôi nói câu này với 1 bà mẹ hay ông bố VN nào từ nước ngoài về thì hầu như họ hiểu ngay tức khắc (họ tự suy luận được ngay). Điều đó chứng tỏ rằng khi bạn đã quá quen nghe 1 điều nào đó rồi thì mặc nhiên bạn đã có thể xem điều đó là đúng mà gần như hiếm bao giờ bạn thắc mắc "tại sao" hay "như thế nào".
Ăn kem, uống nước lạnh: bệnh càng nặng
Đó là lời khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, Nguyên Giám đốc BV Tai Mũi Họng Trung ương.
Phản biện lại quan điểm trên, PGS.TS Dinh lập luận: các cơ quan trong cơ thể người luôn giữ ổn định ở nhiệt độ 37 độ C. Tất cả các loại thực phẩm hay ngay cả không khí bên ngoài dù nóng, lạnh bao nhiêu nhưng khi vào các cơ quan chức năng trong cơ thể sẽ điều tiết về mức nhiệt ổn định. Khi trời nóng, khát nước mọi người cứ tưởng ăn kem vào cơ thể sẽ được làm mát, hết khát.Tuy nhiên, đấy chỉ là cảm giác "ảo" bởi khi miếng kem lạnh vào trong cơ thể, cơ thể con người sẽ tự điều chỉnh, huy động năng lượng để làm nóng miếng kem, "đốt cháy" nó về 37 độ C. Quá trình này con người sẽ bị mất đi một ít năng lượng. Nếu như bị viêm họng, sức đề kháng bị giảm nếu ăn kem, uống nước lạnh, cơ thể người sẽ phải huy động năng lượng, sức đề kháng càng yếu đi, bệnh vì thế càng nặng thêm.
Các chuyên gia tại Việt Nam khuyên không nên ăn kem, uống nước lạnh khi viêm họng
"Số trẻ em, người lớn bị viêm họng nặng, thậm chí dẫn tới biến chứng viêm phổi do ăn kem, uống nước lạnh tôi đã từng khám và điều trị nhiều lắm, không thể đếm xuể. Do đó, theo tôi quan điểm này cần phải nghiên cứu và xem xét thêm, không nên áp dụng bừa bãi. Vị bác sĩ đưa ra quan điểm này nói rằng ở nước ngoài nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên này nhưng bản thân tôi từng có nhiều năm học ở nước ngoài và trong thời gian làm lãnh đạo của BV tuyến trung ương, được đi nhiều nước nhưng cũng chưa thấy một tài liệu y học chính thống nào hoặc các bác sĩ khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng nên ăn kem, uống nước lạnh. Tôi chia sẻ thêm rằng, đứa cháu của tôi đang học tại trường mầm non quốc tế tại Việt Nam người ta khuyên không nên ăn kem, uống nước lạnh", PGS.TS Dinh kể.
PGS.TS Dinh cũng chia sẻ thêm: "Trong lĩnh vực tai, mũi họng bác sĩ chỉ khuyên bệnh nhân sau khi cắt amidan nếu có chảy máu có thể ngậm viên đá hoặc ngậm nước lạnh để chống phù nề, giảm đau. Tuy nhiên, chỉ định này cũng chỉ áp dụng với bệnh nhân sau khi cắt amidan hoàn toàn khỏe mạnh, không có nhiễm trùng tại vùng khoang miệng"
Theo PGS.TS Dinh, sử dụng nước lạnh không phải là cách bảo vệ sức khỏe khôn ngoan. Trước đây, người ta khuyên chườm nước lạnh, đá khi muốn hạ sốt. Tuy nhiên, đến giờ Tổ chức Y tế thế giới đã chứng minh dùng nước lạnh hạ sốt là sai, không hạ được nhiệt thậm chí còn có thể gây bỏng lạnh. Lời khuyên đưa ra là dùng nước ấm. Trong trường hợp viêm họng, theo tôi thay vì uống nước lạnh, bệnh nhân nên uống cốc nước ấm, để giảm phù nề, giảm đau hoặc có thể dùng cốc trà hoa cúc ấm.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng cho biết: "Quan điểm nên uống nước lạnh, ăn kem khi bị viêm họng tôi chưa bao giờ nghe nói và cũng không bao giờ khuyên bệnh nhân khi bị viêm họng thì ăn kem, uống nước lạnh. Người bệnh bị viêm họng, nếu cơ thể có sức đề kháng tốt thì uống nước hơi lạnh không ảnh hưởng gì đến bệnh nhưng nếu uống nước quá lạnh đương nhiên là không nên, sẽ bị ho nhiều hơn. Riêng về ăn kem, tôi cho rằng trong mọi trường hợp viêm họng do vi khuẩn hay virus đều không nên. Bởi trong khoang miệng của con người có hàng ngàn vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn cần đường trú ngụ. Khi người bị viêm họng ăn kem, vi khuẩn gặp đường có cơ hội sinh sôi nảy nở, phát triển khiến tình trạng bội nhiễm càng gia tăng, bệnh vì thế mà càng nặng hơn”.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cũng phủ nhận quan điểm khi cho rằng “viêm họng không bị gây ra do nằm máy lạnh hay gió lùa, viêm phổi không bị gây ra do tắm nước lạnh hay mồ hôi thấm ngược vào người”.
“Lời khuyên ăn kem, uống nước lạnh khi viêm họng có thể được đưa ra dựa vào kinh nghiệm bản thân trong quá trình thăm khám của bác sĩ đó. Tuy nhiên, nếu muốn đưa ra khuyến cáo, "kê đơn" cho người bệnh cần phải có nghiên cứu so sánh đối chiếu giữa một nhóm người bệnh uống nước lạnh, ăn kem và nhóm không uống nước lạnh, ăn kem. Chỉ khi được kiểm chứng rõ ràng, nếu kết quả chứng minh kem, nước lạnh giúp bệnh nhân viêm họng nhanh khỏi bệnh thì mới nên áp dụng cho người bệnh. Hiện nay khoa học y học vẫn chưa chứng minh được, người bệnh cần thận trọng”, BS Đỗ Tuấn Anh đánh giá.
UỐNG ĐỒ LẠNH: COI CHỪNG VIÊM HỌNG CẤP TÍNH
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến không ít người đam mê nước đá lạnh, đồ uống lạnh, tắm nước lạnh hay ngồi trong phòng điều hòa lạnh. Tuy nhiên, nếu để bị lạnh đột ngột rất dễ dẫn đến viêm họng đỏ cấp tính, một loại bệnh chiếm tới 90% số trường hợp trong các loại bệnh viêm họng.
Lạnh đột ngột và virut là thủ phạm gây viêm họng đỏ cấp tính
Nguyên nhân thường gặp nhất là lạnh đột ngột và có vai trò tham gia tích cực của vi sinh vật, nhất là các loại virut. Virut thường chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng từ 60 – 80%) trong đó cần lưu ý các virut cúm và á cúm, virut đường ruột (Coxsackie). Vi khuẩn chiếm tỷ lệ thấp hơn (khoảng 40%) trong đó gặp nhiều nhất là các loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội (vi khuẩn gây bệnh cơ hội là vi khuẩn bình thường có thể có ở một số người lành, chúng không bệnh, sống ký sinh trên cơ thể người nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh), ví dụ như xoắn khuẩn Vencent, H. influenzae, S.pneumoniae, M.catarrhalis, liên cầu… Trong cơ chế gây bệnh, người ta thấy xuất phát điểm là do virut sau đó bị bội nhiễm vi khuẩn (có thể một loại vi khuẩn nhưng cũng có thể là các vi khuẩn phối hợp).
Viêm họng đỏ cấp tính xảy ra trong trường hợp nào?
Bệnh viêm họng đỏ cấp tính thường xảy ra đột ngột sau lạnh như tắm nước lạnh, tắm nơi không kín gió, có gió lùa, tắm xong không lau khô người mà mặc áo quần ngay. Bệnh cũng có thể xảy ra đột ngột khi đang ở ngoài phòng nóng vào ngồi ngay trước máy lạnh hoặc gặp thời tiết chuyển mùa đột ngột… Triệu chứng đầu tiên là sốt cao kèm theo rét run, có khi đắp chăn dày vẫn không hết rét; Đau, rát họng. Đau họng như nuốt đau, uống nước, ăn cơm, thức ăn cũng bị đau. Một số người bệnh ngoài các triệu chứng trên còn thấy đau đầu và nhức mỏi các cơ, khớp. Người bệnh có thể có ho, lúc đầu là ho khan, sau một thời gian vài ba giờ là ho có đờm. Đờm có thể là đờm đặc hoặc đờm lỏng. Có một số trường hợp khi khạc đờm có thể thấy một ít máu đỏ kèm theo làm cho người bệnh rất lo lắng. Nhiều trường hợp người bệnh thấy ngứa họng rất khó chịu; Có thể chảy nước mũi loãng hay nước mũi đặc. Đối với trẻ nhỏ, nếu bị viêm họng đỏ trên một cơ thể có viêm VA mạn tính mà do trực khuẩn mủ xanh gây nên thì có thể thấy nước mũi có màu xanh mà người ta thường gọi là “thò lò mũi xanh”. Khám thực thể thấy họng đỏ, 2 amiđan sưng to, có nhiều hốc trong đó có mủ hoặc không. Niêm mạc họng, trụ trước, trụ sau đều đỏ và có nhiều tia máu. Nếu là đợt cấp của viêm họng mạn tính thì hơi thở thường hôi, nhất là trong trường hợp có kèm theo viêm mũi, xoang mạn tính. Sờ nắn kiểm tra hạch góc hàm 2 bên có thể thấy hạch sưng to và đau. Nếu có điều kiện, lấy chất nhày họng, đặc biệt là lấy mủ trong các hốc của amiđan bị viêm làm xét nghiệm vi sinh sẽ thấy rất nhiều tế bào bạch cầu, có nhiều loại vi khuẩn khác nhau, nhưng đặc biệt lưu ý là nếu thấy sự có mặt của vi khuẩn liên cầu hoặc tụ cầu hoặc trực khuẩn mủ xanh thì nên tiến hành cho nuôi cấy, phân lập vi khuẩn và làm thử nghiệm kháng sinh đồ. Khi nuôi cấy thấy xác định là liên cầu nhóm A (S. pyogens) thì cần xác định kháng thể kháng liên cầu nhóm A trong máu bằng phản ứng ASLO (antisteptolisin 0) bởi vì đây là vi khuẩn có khả năng gây nên bệnh thấp tim tiến triển, đặc biệt là ở trẻ. Nếu chỉ số của phản ứng này vượt quá mức cho phép thì cần được tiêm phòng thấp (nếu là trẻ em) để đề phòng bệnh thấp tim. Đồng thời các bác sĩ lâm sàng cũng sẽ dựa vào kết quả kháng sinh đồ để tham khảo chọn kháng sinh cho phù hợp nhằm tiêu diệt mầm bệnh triệt để.
“Chìa khóa” phòng ngừa viêm họng đỏ cấp tính
Cần vệ sinh răng miệng, họng, mũi thường xuyên và hàng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn và trước, sau khi ngủ dậy làm sao tạo thành một thói quen, nhất là đối với trẻ em. Nên tắm bằng nước ấm, nhất là những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Tắm xong cần lau người khô trước khi mặc quần áo sạch bất kể là mùa nào. Sau tắm không nên ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hoà lạnh (bất kể là mùa lạnh hay mùa nóng). Khi bị viêm họng cần đi khám ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc phòng khám đa khoa để nhanh chóng xác định bệnh và điều trị ngay từ những ngày đầu, không nên để bệnh xảy ra vài ba ngày mới đi khám bệnh. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc tự mua thuốc để điều trị vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà còn làm cho bệnh trầm trọng thêm, nhất là trẻ em bị viêm họng bởi vi khuẩn liên cầu nhóm A. Khi trẻ bị viêm họng và xác định hoặc nghi ngờ bị bệnh do liên cầu nhóm A (test nhanh phản ứng ASLO thấy dương tính) cần cho trẻ được khám bệnh ở chuyên khoa nhi để được điều trị và tư vấn tiêm phòng thấp đúng theo quy định nhằm ngăn ngừa bệnh thấp tim xảy ra.
NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM KHÔNG NÊN ĂN KHI BỊ VIÊM HỌNG
Các loại thực phẩm cứng như khoai tây chiên, bánh mì sandwich bơ nướng không nên ăn khi bị viêm họng..
Viêm họng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Có thể do bị nhiễm virus, trầy xước, ung thư hoặc đơn giản chỉ là bước hồi phục sau phẫu thuật. Dù do nguyên nhân nào thì nó cũng làm bạn đau cổ họng khi nuốt bất cứ thứ gì.
Khi viêm họng, chuối là loại trái cây bạn nên ăn |
Tránh ăn loại thực phẩm cứng như khoai tây chiên, bánh mì sandwich bơ nướng. Cũng không nên ăn các loại thực phẩm khô có góc cạnh như bánh quy. Một số loại mềm nên ăn như phô mai, chuối, dưa gang, yến mạch, mì ống, thịt xay hoặc sữa lắc. Cần nhớ các sản phẩm từ sữa cũng có thể gây trầy xước nếu không được lọc sạch và chỉ nên ăn giới hạn nếu ho nhiều sau khi dùng, dù nó mềm, nhiều dinh dưỡng.
Thức uống
Nên uống những loại nước ở nhiệt độ mát. Tránh uống những loại có nhiệt độ nóng và những thức uống có axit như nước ép cà chua, bưởi, chanh, cam vì sẽ gây rát cổ. Uống nước canh thịt hoặc loại có vị mặn của muối sẽ giúp giảm bớt cơn đau họng. Chọn loại nước ép có chất dinh dưỡng như nước ép rau củ quả, không nên uống nước ngọt hoặc cà phê. Ngậm một vài viên đá nhỏ sẽ giúp giữ cổ họng được mát.
Chuẩn bị bữa ăn
Khi bị đau họng, không nên ăn rau sống mà hãy dùng sau khi nấu chín rau. Chia nhỏ bữa ăn, nên ăn từng miếng nhỏ. Nên xay hoặc cắt mỏng thịt khi chế biến. Nấu thức ăn cho thật mềm, để nguội rồi mới ăn./.
MỘT SỐ LƯU Ý KHI TRẺ BỊ VIÊM HỌNG
Bé bị đau họng có thể do virus (thường xảy ra khi cảm cúm hoặc cảm lạnh) hoặc do vi khuẩn (như nhiễm khuẩn liên cầu).
Làm dịu cơn đau họng cho bé
Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm thì đồ uống ấm, trà (loại dành riêng cho bé) hoặc nước luộc rau có thể làm dịu ổ họng bị đau. Không nên thêm mật ong vào trà cho đến khi bé được khoảng một tuổi, vì mật ong chứa bào tử gây độc có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của bé. Cũng có thể cho bé uống nước lọc hoặc nước táo ép mát.
Ảnh minh họa: Babybirthbasics.com. |
Dấu hiệu nên đưa bé đi khám
Bé bị viêm họng thường kèm theo quấy khóc, kém bú, chán ăn nên cha mẹ dễ nhầm tưởng đó là những dấu hiệu khó chịu khi bé mọc răng. Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, đưa đi khám ngay khi bé xuất hiện dấu hiệu bị sốt. Bé khoảng 3-6 tháng tuổi, sốt đến khoảng 38,3 độ C là nghiêm trọng. Bé trên 6 tháng tuổi sốt ở mức 39 độ C thì cần cảnh báo.
Nếu bé bị đau cả ở khoang miệng, bạn nên đưa đi kiểm tra. Đưa đi khám nếu bé dưới 3 tháng tuổi sốt đến 38 độ C hoặc hơn. Cũng nên đưa bé đi khám sớm nếu cổ họng có dấu hiệu bất thường như sưng (tấy) đỏ; nghi ngờ bé nuốt phải dị vật (bé không thể mở to miệng vì đau); hơi thở trở nên khó nhọc; kém bú (ăn) và quấy khóc liên tục.
Trường hợp nhập viện khẩn cấp thường khá hiếm. Đó là tình huống bé bị nhiễm khuẩn cổ họng tới mức không thể ăn, uống được bất kỳ thứ gì; bé khó thở, sốt cao và chảy dãi liên tục. Không nên cố ép bé ngồi xuống, mở to miệng để kiểm tra; cũng tránh ép bé phải ăn, uống vì chỉ khiến bé khó thở hơn. Tốt nhất, nên đưa bé đi khám sớm.
Trường hợp đau họng nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc; nếu không dùng thuốc, hệ miễn dịch của bé sẽ tự “chiến đấu” với virús gây bệnh và chiến thắng chúng trong vòng vài ngày đến một tuần. Trong khoảng thời gian này, bé cần được nghỉ ngơi, chăm sóc bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Nếu nghi ngờ bé bị nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh cho bé. Tùy từng loại bệnh, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc cụ thể. Cha mẹ nên tuân thủ nghiêm ngặt việc dùng thuốc cho con vì nếu tự ngưng thuốc giữa chừng, vi khuẩn có khả năng tấn công trở lại và khiến họng của bé bị đau trầm trọng hơn.
Cách phòng tránh
Vi khuẩn và virus có thể là thủ phạm gây đau họng cho bé. Bạn nên vệ sinh bàn tay của bé thường xuyên (vì các bé có thói quen mút tay - mầm bệnh sẽ theo đó vào khoang miệng).
Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm, cha mẹ nên sắm dụng cụ nấu ăn riêng cho bé (không chung đụng với người thân trong nhà). Vệ sinh bàn tay người lớn thường xuyên, nhất là mỗi lần thay tã cho bé.
Có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ trong phòng bé nhưng nên lưu ý cách sử dụng để không khiến bé bị viêm họng:
- Không nên đặt bé nằm ở nơi có luồng gió trực tiếp. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng của bé nên được duy trì ở mức 24-26oC.
- Khi không sử dụng điều hòa, nên mở phòng của bé cho thoáng khí. Nên thường xuyên vệ sinh điều hòa để tránh nhiễm bẩn.
Sử dụng quạt hợp lý. Tương tự như điều hòa, không nên để quạt thốc trực tiếp vào vùng mặt của bé. Có thể bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của bé khi bé ngủ. Ở vị trí này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng và khiến bé ngủ ngon.
Nếu bé ngủ chung giường với bố mẹ, có thể bật và cho quạt quay nhẹ bên ngoài màn. Tốt nhất, người lớn nên nằm ngoài (tiếp xúc trực diện với hướng gió) và để bé ngủ ở vị trí bên trong. Nhiều người mẹ chọn cách quạt tay cho bé trong những ngày nhiệt độ không quá cao.
Không nên để bé quá nóng. Nhiều người mẹ lo con bị lạnh, dễ viêm họng nên tìm cách ấp ủ bé quá nóng như mặc áo dài tay hoặc đắp chăn cho bé trong thời tiết mùa hè. Khi ấy, bé có khả năng dễ bị toát mồ hôi. Lượng mồ hôi này không được thoát ra bên ngoài, dễ hấp thu ngược lại cơ thể bé nên càng khiến bé có khả năng bị viêm họng.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đưa bé từ môi trường nóng sang môi trường lạnh một cách đột ngột có thể khiến bé bị đau họng. Do đó, trước khi đưa bé từ trong phòng có điều hòa nhiệt độ ra bên ngoài, bạn nên chuyển bé sang một phòng khác có quạt mát khoảng 10-15 phút; cuối cùng, bạn mới nên đưa bé ra ngoài trời.
Không tắm sau khi bé vận động hoặc đổ nhiều mồ hôi. Nếu tắm ngay sau khi bé ra nhiều mồ hôi thì trẻ dễ bị viêm họng hoặc mắc chứng cảm lạnh, do sự thay đổi thân nhiệt đột ngột.
Nên lưu ý đến việc sử dụng bàn chải và cách vệ sinh răng, miệng cho bé. Những loại vi khuẩn cư trú trên bề mặt bàn chải có khả năng gây các chứng bệnh trong khoang miệng của bé. Trước mỗi lần đánh răng, bạn nên nhúng bàn chải của bé vào một cốc nước ấm, có pha muối nhạt. Cách này cũng giúp loại bỏ phần nào vi khuẩn gây bệnh có trong bàn chải. Sau khi bé đánh răng, bạn nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm, pha nhạt.
Hạn chế cho bé dùng đá lạnh, ăn kem hoặc uống nước lạnh. Đây được coi là một trong những món ăn khoái khẩu của các bé. Các loại nước uống và đồ ăn lạnh nếu được dùng thường xuyên sẽ gây chứng viêm họng cho bé.
Chú ý những kỳ nghỉ mát dành cho bé. Nếu ngâm mình trong bể bơi hoặc khu vực nước biển liên tục (nhiều giờ liền) có thể khiến các bé mắc bệnh về hô hấp.
Những tác nhân từ môi trường xung quanh như khói thuốc lá, khói than tổ ong, bụi bẩn, lông chó (mèo), phấn hoa… cũng khiến tình trạng viêm họng của bé trầm trọng hơn.
Mẹo chữa viêm họng cho bà bầu
Viêm họng khi mang thai có nguy hiểm?
Chữa viêm họng sổ mũi cho bà bầu an toàn nhất
Các bài thuốc dân gian chữa viêm họng
Món ăn trị bệnh viêm họng
Tìm hiểu về bệnh viêm họng
(ST)