Thuốc dân gian chữa bệnh gan hiệu quả

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Thuốc dân gian chữa bệnh gan hiệu quả

19/04/2015 11:14 AM
201


Trong Đông y có nhiều bài thuốc chữa bệnh gan virut nói chung, viêm gan vàng da nói riêng rất có hiệu quả. Chúng ta cùng tìm hiểu những bài thuốc dân gian chữa bệnh gan hiệu quả nhé!



BÀI THUỐC DÂN GIAN TRỊ BỆNH VIÊM GAN


Đây là những bài thuốc tăng cường chức năng gan, lập lại sự cân bằng, giúp chức năng gan trở lại trạng thái bình thường. Có hai cách điều trị: điều trị theo chứng bệnh và điều trị theo thể bệnh.

Điều trị theo chứng bệnh

Đông y không phân các chứng bệnh viêm gan mà gọi chung là hoàng đản (chứng vàng da). Về phân loại, Đông y phân ra hai chứng hoàng đản: dương hoàng và âm hoàng.

Dương hoàng: biểu hiện mặt, mắt vàng tươi sáng như màu quả quít, da vàng nhuận, bệnh nhân cảm giác lợm giọng, nôn ọe, vùng thượng vị đau tức, nước tiểu đỏ, có sốt, thân thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, ăn kém, rêu lưỡi vàng nhờn, hoặc trắng mỏng, chất lưỡi đỏ. Phép chữa là thanh nhiệt, lợi thấp.

Bài thuốc: nhân trần 30g, vọng cách 20g, chi tử 10g, vỏ đại (sao vàng) 10g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g, nghệ vàng 20g, mã đề 12g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g. Tất cả cho vào ấm đất với 500ml nước, sắc còn 150ml, chắt ra, cho nước sắc tiếp, lấy thêm 100ml, trộn chung cả hai lần, chia đều uống trong ngày, uống trước các bữa ăn. Uống liền 7 - 10 ngày.

Âm hoàng: có triệu chứng mặt, mắt và da vàng hãm tối, bụng đầy, rối loạn tiêu hóa, vùng thượng vị, trung vị, hạ vị đều đau tức, không sốt, thân thể mệt mỏi, rêu lưỡi trắng mỏng, hoặc hơi vàng trơn, chất lưỡi nhợt nhạt. Phép chữa là ôn hóa hàn thấp.

Bài thuốc: nhân trần 30g, vọng cách 20g, gừng khô 8g, quế thông 4g, ý dĩ 30g, thần khúc 10g, actisô 20g, cuống rơm nếp 10g (sao), nghệ vàng 20g, củ sả 8g, mạch nha 16g, cam thảo nam 8g (sao). Sắc uống như bài trên.

Điều trị theo thể bệnh

Tuỳ theo thể bệnh mà áp dụng bài thuốc chữa bệnh phù hợp

Thể can nhiệt tỳ thấp: viêm gan có vàng da kéo dài. Người bệnh thường thấy đắng miệng không muốn ăn, bụng đầy trướng, ngực sườn đầy tức, miệng khô nhợt, đau nóng ở vùng gan, da sạm tối. Tiểu tiện ít, vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. Phép chữa là thanh nhiệt lợi thấp, thoái hoàng, kiện tỳ trừ thấp. Dùng một trong các bài thuốc:

- Nhân trần 20g, chi tử 12g, uất kim 8g, ngưu tất 8g, đinh lăng 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 16g, biển đậu 12g, rễ cỏ tranh 12g, sa tiền tử 12g, ngũ gia bì 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nhân trần ngũ linh tán gia giảm: nhân trần 20g, bạch truật 12g, sa tiền12g, đẳng sâm 16g, phục linh 12g, trư linh 8g, trạch tả 12g, ý dĩ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm: hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, đại phúc bì 12g, phục linh 8g, trư linh 8g, bạch đậu khấu 8g, kim ngân 16g, mộc thông 12g, nhân trần 20g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể can uất tỳ hư, khí trệ: hay gặp ở viêm gan mạn do viêm gan siêu vi. Người bệnh có biểu hiện mạn sườn phải đau, ngực sườn đau tức, miệng đắng, ăn kém, người mệt mỏi, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền. Phép chữa là sơ can kiện tỳ lý khí. Dùng một trong các bài thuốc:

Rau má 12g, mướp đắng 12g, thanh bì 8g, chỉ thực 8g, uất kim 8g, hậu phác 8g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, biển đậu 12g, đinh lăng 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Sài hồ sơ can thang gia giảm: sài hồ 12g, bạch thược 8g, chỉ thực 6g, xuyên khung 8g, hậu phác 6g, cam thảo 6g, đương quy 6g, đại táo 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Sài thược lục quân thang: bạch truật 12g, đẳng sâm 12g, phục linh 8g, cam thảo 6g, trần bì 6g, bán hạ 6g, sài hồ 12g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

-  Tiêu dao tán gia giảm: sài hồ 12g, bạch thược 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, gừng sống 2g, uất kim 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể can âm bị thương tổn: người bệnh có biểu hiện đầu choáng, hồi hộp, ngủ ít, hay mê, lòng bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, táo bón, nước tiểu vàng, mạch huyền sác. Phép chữa là tư âm dưỡng can. Dùng một trong các bài thuốc:

-  Sa sâm 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, thiên môn 8g, kỷ tử 12g, huyết dụ 16g, hoài sơn 16g, ý dĩ 16g, hà thủ ô 12g, tang thầm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

-  Nhất quán tiễn gia giảm: sa sâm 12g, sinh địa 12g, nữ trinh tử 12g, mạch môn 12g, bạch thược 12g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

 Nếu mất ngủ, gia toan táo nhân 10g; sốt hâm hấp gia địa cốt bì 12g, thanh hao 8g. Mạch môn là vị thuốc trị viêm gan mạn thể can âm bị thương tổn rất hiệu quả.

 Thể khí trệ huyết ứ: hay gặp ở thể viêm gan mạn có kèm theo hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ. Người bệnh có biểu hiện sắc mặt tối sạm, môi thâm, lưỡi tím, lách to, người gầy, ăn kém, đại tiện phân nát, nước tiểu vàng ít, chất lưỡi đỏ hoặc có điểm ứ huyết, rêu lưỡi vàng dính, mạch huyền sác. Dùng một trong các bài thuốc:

- Kê huyết đằng 12g, cỏ nhọ nồi 12g, uất kim 8g, tam lăng 8g, nga truật 8g, chỉ xác 8g, sinh địa 12g, mẫu lệ 16g, quy bản 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Tứ vật đào hồng gia giảm: bạch thược 12g, đương quy 8g, xuyên khung 12g, đan sâm 12g, hồng hoa 8g, đào nhân 8g, diên hồ sách 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu lách to gia tam lăng 12g, nga truật 12g, mẫu lệ 20g, mai ba ba 20g.  



CHỮA BỆNH GAN NHIỄM MỠ BẰNG BÀI THUỐC DÂN GIAN

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gan bị nhiễm mỡ, có thể do chế độ ăn uống nghỉ ngơi không phù hợp nên bị bệnh béo phì dẫn đến gan bị nhiễm mỡ, cũng có thể bị bệnh gan do rượu, nếu dủng rượu bia và chất cồn quá nhiều cũng có thể dẫn đến tình trạng gan bị nhiễm mỡ. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc và rất nhiều phương pháp để điều trị căn bệnh này. Bệnh gan nhiễm mỡ không thể trị dứt điểm bằng các bài thuốc dân gian nhưng có thể thuyên giảm đáng kể.

Thể đàm thấp trở trệ
- Triệu chứng: vùng hạ sườn phải đầy chướng, da sạm da tối, cơ thể nặng nề chậm chạp, đau nhói vùng gan, người mệt mỏi, sờ gan ở bờ sườn phải có thể phát hiện gan to, làm cả vùng bụng căng đầy.
- Nguyên tắc điều trị: hóa đàm, hoạt huyết, thông kinh lạc
- Phương dược:
Bài 1: Bán hạ 10g, hậu phác 10g, hồng hoa 10g, tô mộc 20g, đương quy 12g, sơn trà 12g, nhân trần 12g, cây chó đẻ 12g, mẫu lệ (chế) 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
Bài 2: Bạch linh 10g, ích mẫu 16g, kê huyết đằng 12g, xuyên khung 12g, thạch xương bồ 16g, đinh lăng 16g, chỉ xác 10g, bán hạ chế 10g, xa tiền 12g, đương quy 12g, trần bì 10g, sơn trà 12g. Ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần. Xuyên khung, ích mẫu: hoạt huyết; Bạch linh, bán hạ: trừ đàm thấp; Xương bồ, đương quy: thông kinh hoạt lạc; Trần bì, xa tiền có tính thông hoạt trừ ứ... Nếu gan to có thể gia thêm xuyên sơn giáp 8g, mẫu lệ chế 10g.


BÀI THUỐC DÂN GIAN TRỊ CHỨNG XƠ GAN CỔ CHƯỚNG


Ở nông thôn miền núi, do tiếp xúc với di chứng bệnh sốt rét, nghiện rượu, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm hạn chế, cộng với lâm sơn chướng khí, nên có một số người bị chứng xơ gan cổ trướng, một trong tứ chứng nan y. Xin sưu tầm bài thuốc dân gian trị bệnh này như sau:

Dược liệu:

- Cây chó đẻ răng cưa còn gọi diệp hạ châu. Cả cây dược liệu khô 100g (tươi 300g).

- Quả dứa dại tách ra từng múi dùng khô 100g, dùng tươi 300g.

- Cây mã đề, dùng tươi 50g.

- Củ tam thất, xay thành bột mịn 6g/ngày chia làm 3 lần.

Cách dùng: Sắc 3 vị thuốc đầu với 2 lít nước còn 1/2 lít. Chia làm 3 lần hòa với bột tam thất 2g mỗi lần - ban ngày uống 2 lần, ban đêm uống 1 lần. Uống liên tục một ngày một thang trong vòng 30 ngày.

Ngày thứ 31 có thể bỏ vị mã đề nếu bụng mềm, đi tiểu bình thường, và giảm vị tam thất còn 3g/ngày chia 3 lần hòa thuốc uống.

Liệu trình điều trị 6 tháng (theo kinh nghiệm).

- Điều trị 15 ngày: Bệnh nhân thấy người nhẹ nhõm, ăn ngủ được, đi lại trong nhà.

- Điều trị 30 ngày: Bụng mềm, nhỏ lại, bệnh nhân khỏe, tự giải quyết mọi sinh hoạt cá nhân.

- Điều trị 3 tháng: Bệnh nhân hoàn toàn khỏe, gan, lách mềm, nhỏ nhưng siêu âm thấy gan còn thô (còn xơ gan).

Tháng thứ 4 vẫn uống 3 vị trên (dứa dại, diệp hạ châu và tam thất).

Tháng thứ 5 và 6 uống 1 tuần 2 thang gồm 2 vị (dứa dại, diệp hạ châu).

Sau 6 tháng điều trị bệnh nhân khỏe đạt 80-90%, lao động bình thường.

Ghi chú: Nếu bụng trướng nước, gan cứng to gây khó thở thì trục nước ra bằng một trong các cách sau:

Bài 1: Rễ cỏ tranh khô 70g (tươi 210g), vỏ quả cau (đại phúc bì) 3 vỏ, hạt mã đề (xa tiền tử) 30g, đậu đen sao vàng 50g. Cho nước 1.000ml sắc còn 300ml chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 2: Nếu đã uống bài 1 từ 1-2 thang bệnh nhân vẫn khó thở, bụng vẫn trướng nước thì uống bài 2.

- Vị thuốc: Lá nhót tươi 100g + lá cây cà phê, chè tươi 100g. Nước 600ml sắc còn 200ml uống hết một lần khi nước còn ấm.

- Sau khi uống từ 1-2 giờ bệnh nhân đi tiểu 7-8 lần/ngày (lượng nước tiểu từ 8-9 lít).

- Cầm đi tiểu: Cho uống nước sắc hạt đậu xanh còn nguyên vỏ. Đậu xanh 150g nước 400ml sắc còn 150ml để thật nguội. Khi bệnh nhân đi tiểu được 7-8 lít thì cho bệnh nhân uống.

- Khi cần đến bài trục nước thứ 2 này thì dừng uống thuốc trị bệnh một ngày.

Các dược thảo trị bệnh gan, mật

Trong các loại dược thảo có tác dụng lợi mật, trị viêm gan, ác-ti-sô chiếm một vị trí quan trọng. Nó làm tăng mạnh lượng mật bài tiết, tăng lượng nước tiểu và nồng độ urê trong nước tiểu, giảm lượng urê và cholesterol trong máu.

Ác-ti-sô được dùng làm thuốc thông mật, điều trị hỗ trợ trong các bệnh viêm gan, suy gan. Dạng dùng là lá tươi hoặc khô (liều tương đương 2-10 g lá khô một ngày), sắc uống hoặc nấu cao rồi bào chế thành viên, hay chiết xuất thành dạng cao lỏng tinh chế, dùng dưới hình thức giọt.

Viên cynaraphytol chứa 200 mg cao tinh chế từ lá tươi ác-ti-sô. Ngày dùng 2-4 viên. Trà túi lọc ác-ti-sô được bào chế từ các bộ phận của cây với tỷ lệ: thân 40%, rễ 40%, hoa 20%. Mỗi túi chứa 2 g, liều dùng không hạn chế.

Một số loại thảo dược trị bệnh gan mật khác:

Dành dành: Cao chiết từ quả dành dành làm tăng sự tiết mật. Trong thử nghiệm trên thỏ đã thắt ống dẫn mật chủ, cao nước và hoạt chất trừ dành dành ức chế sự gia tăng bilirubin trong máu. Dành dành còn có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm. Trong y học cổ truyền, nó là một vị thuốc được dùng từ lâu đời chữa bệnh vàng da. Ngày dùng 6-12 g quả dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán.

Đại hoàng: Có tác dụng làm tăng tiết mật, kháng khuẩn, lợi niệu. Với liều vừa phải (0,5-2 g), nó chữa các chứng vàng da, kém ăn, ăn không tiêu. Ở liều cao, nó là thuốc tẩy nhẹ dùng cho người bị vàng da nặng, đầy bụng, đại tiện bí. Ngày dùng 3-10 g sắc uống. Phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc người bị sỏi niệu calci oxalat không dùng đại hoàng.

Hoàng cầm: Có tác dụng ức chế kháng nguyên bề mặt của virus gây bệnh viêm gan B. Trong y học cổ truyền, hoàng cầm được dùng điều trị bệnh vàng da. Ngày uống 6-15 g dạng thuốc sắc hoặc bột.

Nghệ: Tinh dầu nghệ có tác dụng làm tăng tiết mật nhờ thành phần p-tolylmethyl carbinol. Nghệ còn có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn. Một bài thuốc có nghệ đã được áp dụng điều trị viêm gan do virus và hầu hết bệnh nhân thử nghiệm đều khỏi. Trong y học cổ truyền, nghệ được dùng chữa bệnh vàng da. Ngày uống 2-6 g dưới dạng bột hoặc thuốc sắc, chia làm 2-3 lần.

Nhân trần: Cao chiết từ nhân trần có tác dụng làm tăng tiết mật, tăng chức năng thải trừ của gan, kháng khuẩn và chống viêm. Nhân trần đã được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm gan do virus cấp tính, bệnh vàng da.Trong y học cổ truyền, nhân trần được dùng chữa vàng da, sốt nóng, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 8-20 g, dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc thuốc viên.

Các bài thuốc cụ thể

- Vàng da, vàng mắt, sốt: Dành dành 5 g, hoàng bá 5 g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc: Nhân trần 20 g, dành dành 12 g, đại hoàng 4 g. Sắc uống ngày một thang.

- Viêm gan, vàng da, vàng mắt: Nhân trần 30 g, dành dành 12 g, vỏ đại 10 g (hoặc chút chít 8 g). Sắc uống ngày một thang.

- Viêm gan, tắc mật: Đại hoàng tẩm rượu sao, tán bột. Ngày uống 2-4 lần, mỗi lần 2 g.

- Viêm gan do virus cấp tính: Hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, dành dành mỗi vị 12 g, nhân sâm, thạch xương bồ, đại hoàng sống mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày một thang.

- Viêm gan do virus mạn tính: Nhân trần 20 g, kim ngân 16 g, hoàng cầm, hoạt thạch đại phúc bì, mộc thông mỗi vị 12 g, phục linh, trư linh, bạch đậu khấu mỗi vị 8 g, cam thảo 4 g. Sắc uống ngày một thang.

- Viêm gan, suy gan, vàng da: Bồ bồ 10 g, nghệ, dành dành, râu ngô mỗi vị 5 g. Mỗi ngày uống một thang dưới dạng thuốc sắc, siro hoặc cốm. Hoặc: Rau má 4 g, núc nác 3 g, nhân trần 3 g, nghệ, sài hồ nam, dành dành, nhọ nồi, hậu phác nam (vối rừng) mỗi vị 2 g.
Nghệ, dành dành, hậu phác nam được tán bột mịn, các vị khác nấu cao đặc với nước. Làm viên hoàn, ngày uống 10 g, chia làm 2 lần.



Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh viêm gan B
Hiểu biết về bệnh viêm gan B
Thức ăn cho người bị bệnh gan
Món ăn bổ dưỡng cho người bệnh gan
Phương pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ tốt nhất
Nguyên nhân và cách phòng ngừa tăng men cao


(ST)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý