Hướng dẫn trồng cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao

seminoon seminoon @seminoon

Hướng dẫn trồng cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao

19/04/2015 11:22 AM
862

Cùng tham khảo những hướng dẫn trồng cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao. Sầu riêng là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng khí hậu nóng ẩm, có hai mùa mưa nắng rõ rệt, lượng mưa trung bình hằng năm 2000 mm. Ơ Việt Nam thích hợp trồng ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên ……và một số vùng có khả năng cung cấp nước tốt trong mùa khô.





HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY SẦU RIÊNG DONA


I. ĐIỀU KIỆN TRƯỚC KHI TRỒNG

1. Yêu cầu về đất đai
Sầu riêng DONA sinh trưởng tốt trên loại đất thoát nước tốt, tầng canh tác đủ dày trên 2 mét, có độ pH từ 5 - 7. Do đó, đất đỏ bazan, đất phù sa, thịt pha cát, đất sỏi pha sét, đất đồi núi... đều thích hợp với nó. Đất thoát nước kém làm cây rất dễ bị thối gốc. Đất trơ sỏi đá cũng không thích hợp vì thoát nước quá nhanh và thường bị chua.
2. Khoảng cách trồng sầu riêng DONA
Có thể trồng xen canh với các cây dài ngày khác, nhưng tốt nhất là trồng độc canh cây sầu riêng nhằm dễ dàng chăm sóc. Tùy theo loại đất cũng như phương pháp trồng mà khoảng cách có thể thay đổi như sau : 7m x 7m, 8m x 8m, 9m x 9m hoặc 10m x 10m.

II. TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY TRONG GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT

1. Chuẩn bị hố trồng
Đất càng tơi xốp thì hố trồng có kích thước càng nhỏ. Tuy nhiên, tối thiểu hố trồng cũng phải được 40cm x 40cm x 40cm để lót phân hữu cơ.
Rải đều 0,1 - 0,2kg vôi trong hố trồng. Trộn đều hỗn hợp gồm: 5 - 10 kg phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai mục + 0,2 kg phân lân + 50g Vibasu hoặc Basudin phòng ngừa mối. Cho tất cả xuống hố trồng rồi nén chặt. Cào đất xung quanh lấp lên tạo thành mô cao hơn mặt đất từ 10 - 20cm. Sau đó tưới đẫm nước cho hỗn hợp được phân hủy nhanh.
Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi trồng ít nhất là 15 ngày.
* Đối với đất phù sa ngập nước như đồng bằng Sông Cửu Long, tùy theo độ cao của thủy cấp mà đắp ụ và lên liếp tối thiểu cao hơn mặt nước từ 80 - 100 cm.
2. Trồng cây

a. Đào lỗ: sau ít nhất 15 ngày khi chuẩn bị hố trồng, cần đảm bảo rằng mô đất vẫn còn cao hơn so với mặt đất khoảng 10 cm. Đào một lỗ giữa mô đất có độ sâu 20 cm.
b. Xử lý cây giống: dùng dao cắt bỏ đáy bầu đất. Dùng kéo cắt đứt phần rễ lớn bị cong. Đặt cây xuống lỗ, rọc một đường dọc bầu đất, từ từ rút nhẹ bầu đất ra ngoài.
Chú ý: xoay chiều phát triển của tán cây theo hướng Nam để cây hứng ánh sáng tốt nhất.
Dùng tay lấp và nén nhẹ đất đến 2/3 chiều cao của bầu thì rải đều 5 - 10g Inronite xung quanh bầu nhằm kích thích cây con ra rễ. Sau đó, lấp đất cho đầy lỗ rồi nén nhẹ sao cho đất vừa lấp ngang mặt bầu. Làm bồn xung quanh để giữ nước tưới khi cần thiết.
c. Chắn gió: Dùng cọc cắm xiên xuống đất rồi cột vào thân cây để tránh gió lay gốc. Nếu trời quá nắng thì có thể dùng cành lá cây khác để che sơ hướng nắng trưa chiếu vào.
3. Chăm sóc cây con
a. Tưới nước: Nếu đất khô thì phải tưới nước cho cây, mỗi cây khoảng 20-30 lít.
b. Bón phân:
- Phân bón lá: Sau khi trồng xong, dùng phân bón lá Bayfolan hoặc HVP 801, NPK 30-10-10... phun ướt đều tán lá để cung cấp đủ dưỡng chất và vi lượng cần thiết cho cây. Phun luân phiên các loại phân kể trên mỗi khi cây ra đọt non.
- Phân vô cơ: Dưới gốc ta bón 1 muỗng cà phê phân D.A.P. Sau đó, bón phân mỗi khi bộ lá mới của cây già đều. Nếu đường kính tán cây tăng gấp 2 lần thì lượng bón cũng tăng gấp 2 lần.
- Phân hữu cơ: Mỗi năm, vào đầu mùa mưa ta bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Lượng bón từ 5 - 10 kg/cây cho cây 1 năm tuổi. Sau một năm thì ta tăng lượng bón lên 10 kg.
c. Tỉa cành tạo tán: Khi cây còn nhỏ, ta tỉa bỏ các cành mọc sát đất, chỉ để 1 thân chính phát triển. Khi cây đạt chiều cao 4 mét thì tiến hành tỉa bỏ các cành còi cọc sao cho các cành còn lại nhận ánh sáng và phát triển một cách tốt nhất.
Đối với các cành mọc vươn lên cao, ta có thể níu để chúng nằm ngã ra, hơi xiên lên trên. Nếu cành đã quá cứng thì có thể bấm ngọn cành để phát triển các cành thứ cấp.
d. Phòng trừ sâu hại: Mỗi đợt cây ra đọt non thì ta kết hợp phân bón lá và thuốc sâu để phòng trị Rầy Bông chích hút làm lá quăn queo, kém phát triển.
Thuốc AGRI-FOS 400 phòng trị bệnh xì mủ thân, khô cành chết ngọn trên cây sầu riêng
e. Phòng trừ bệnh hại:

Bệnh thối gốc - xì mủ thân: do nấm Phytophthora palmivora gây nên. Bệnh phát triển mạnh nhất từ tháng 12 - tháng 3 dương lịch ở các vườn trồng cây sâu trong đất, đất thoát nước kém, bón phân không hợp lí (ít sử dụng phân hữu cơ, lạm dụng phân đạm, lạm dụng phân vô cơ gây chua đất).
Biểu hiện bên ngoài của bệnh là cây bị héo, vàng lá, khô cành, chết ngọn. Trên thân cây thường có các vết thâm màu nâu đen ẩm nước, đặc biệt là vào lúc sáng sớm.
Việc phát hiện sớm và phòng trị là hết sức quan trọng. Một trong những loại thuốc hữu hiệu đặc trị bệnh này là AGRI-FOS 400.

* Phương pháp 1: pha 40ml AGRI-FOS trong 8 lít nước để tưới vào mỗi gốc. Phòng ngừa 5 lần/năm: gồm 2 lần trong mùa khô và 3 lần trong mùa mưa.
Nếu cây bị bệnh thì xử lí 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Nếu cây bị xì mủ thì cạo sạch phần da bị tổn thương rồi bôi hỗn hợp AGRI-FOS + Mancozeb.
* Phương pháp 2: phun AGRI-FOS nồng độ 1% lúc trời mát.
Bệnh thán thư: Bệnh do nấm Colletotrichum zibethinum gây ra. Bệnh làm viền mép lá bị cháy. Vết bệnh có màu nâu xám hoặc màu trắng như tro bếp, có các vân song song nhau. Dùng Topsin, Score hoặc Tilt-supper để phòng trị.





 


QUI TRÌNH KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY SẦU RIÊNG
SAU THU HOẠCH VÀ XỬ LÝ  RA HOA – ĐẬU TRÁI

I. CHĂM SÓC SAU THU HOẠCH:
Cây sầu riêng sau một mùa cho trái thường mất nhiều dinh dưỡng, nên để cho cây phục hồi , có khả năng ra hoa kết trái ở vụ sau thì biện pháp chăm sóc là hết sức cần thiết. Nó quyết định đến chất lượng cũng như sản lượng của cây.
1. Tỉa cành vệ sinh vườn:
Sau thu hoạch tiến hành vệ sinh vườn.

Làm bồn: mở rộng bồn sao cho đường kính của bồn lớn hơn đường kính tán từ 30-50 cm, nếu đất có độ nghiêng lớn thì ta nên ngăn bồn theo  độ nghiêng của mặt bồn (phần bồn phía trên chia làm một ngăn, phần bồn thấp hơn chia làm một ngăn nhằm tạo độ bằng cân đối, với mặt đất)
Tỉa các cành bị sâu bệnh, cành bị suy kiệt do mang nhiều trái, cành vô hiệu.
2. Bón phân:
Trong mùa ra hoa kết trái cây  tập trung dinh dưỡng nuôi trái nên cây thiếu dinh dưỡng lớn, do đó  việc cung cấp dinh dưỡng giúp cây phục hồi, tích lũy, phát triển bộ tán nhằm chuẩn bị cho vụ sau là hết sức cần thiết. Đa số vùng trồng sầu riêng ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đất có độ chua (PH thấp) làm cho cây hấp thụ dinh dưỡng kém, đây chính là nguyên nhân gây sượng trái hoặc trái chín không đều.
Nên sau thu hoạch nhất thiết phải bón vôi, lượng bón từ 2-3kg/gốc đồng thời bón thêm 30-50 kg phân hữu cơ, hoặc phân chuồng ( bò, dê, gà..) đã ủ hoai mục nhằm tạo mùn cho đất.
Đợt I: bón NPK(20.20.10) lượng bón đối với cây dưới 10 năm tuổi từ 1,5-3kg nhằm tạo bộ tán mới cho cây. Đối với cây suy yếu trong quá trình phát triển đọt non cần chủ động phòng trừ các loại sâu rầy phá hoại bộ la, phun các loại thuốc trừ sâu như Sherbush … + phân bón lá FETRILON-COMBI nhằm bổ sung vi lượng cho cây.
Đợt II: Quan sát thấy bộ đọt đợt I già hẳn (khoảng 45-60 ngày) nếu cây không khoẻ ta tiến hành bón phân như đợt 1 nhằm cho cây tiếp tục phát triển bộ tán (nếu cây tốt thì ta không bón đợt 2).
Chú ý: Sau khi bón phân đợt II quan sát thấy cây có tán lá thưa lá nhỏ thì tiếp tục bón phân như đợt I,  cho đến khi có bộ tán khoẻ mạnh mới bón phân đợt III, Tức là cây có từ 2-3 đợt đọt mới xử lý ra hoa.
Cây có bộ tán khoẻ mạnh là cây  có lá dài, dày xanh mượt để chống chịu tốt trong thời gian cắt nước. Khi lá non phát triển số lá già không bị rụng ta bắt đầu bón phân để xử lý ra hoa.
Đợt III: Vùng Đông Nam Bộ từ tháng 8-10 âm lịch, đối với các tỉnh Tây Nguyên từ tháng 10-12 âm lịch, ta bón NPK(10.26.26) từ 1-3kg tùy theo cây lớn hay nhỏ, nhằm cây đối tỷ lệ C/N cao giúp cây phân hóa mầm hoa.

II. LÀM BÔNG:
Trong quá trình xiết nuớc đất là yếu tố quan trọng nên cần biết đất mình là loại đất gì, khả năng giữ ẩm tốt hay kém mà ta áp dụng cho phù hợp.
Đối với loại đất giữ ẩm tốt như đất đỏ, đất mỡ gà ta làm vệ sinh bồn cho thông thóang.
Đối với đất giữ  ẫm kém như đất sạn sỏi, đất cát pha dùng các vật liệu như rơm rạ ủ gốc vừa phải, nhằm giảm quá trình bốc hơi nước khi làm bông.
Cần lưu ý quan sát nếu thấy cây héo mà chưa nhú bông ta cung cấp nước vừa phải giúp cây có đủ thời gian phân hoá mầm hoa.
Đối với sầu riêng DONA: khoảng 70% lượng bông ra ở phần trên, 30% lượng bông ra ở phần dưới của thân cây, do đó việc quan sát ở phần trên thấy các mầm hoa ra đều là hết sức quan trọng để tiến hành tưới nước lượng nước vừa phải, sau khi thấy hoa đã rõ (khoảng 2-4cm) ta tiến hành tỉa hoa khoảng cách 25cm ta để một chùm hoa (trên tất cả các cành có khả năng mang trái), tỉa bỏ tất cả hoa ở ngoài đầu cành (việc tỉa hoa càng sớm càng tốt).
Sau khi tỉa hoa nếu thấy cây chưa nhú đọt non bón 0,5kg DAP hỗ trợ nhằm kích thích ra đọt non, đồng thời tưới đều nước và luôn giữ mặt bồn có độ ẩm ổn định.
Theo quan điểm canh tác trước đây trong quá trình ra hoa đậu trái chúng ta luôn giữ cho cây có bộ lá già (khống chế không cho ra đọt non) từ khi cây bắt đầu ra hoa, đối với sầu riêng DONA từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch kéo dài từ 180-210 ngày. Cho nên việc khống chế không cho ra đọt non sẽ làm cho cây bị suy kiệt vì đi ngược với quá trình sinh trưởng của cây, do đó chúng tôi đưa ra qui trình chăm sóc, đảm bảo cây phát triển theo qui luật mà không gây tổn hại đến hoa và trái.
Từ khi ra hoa đến lúc xã nhị từ 45-60 ngày, trong khi một chu kì lá cũng kéo dài từ 45-60 ngày vì vậy làm sao cho lá già trước khi xã nhị là điều quan trọng. Khi thấy lá non vừa nở phun phân bón lá và thuốc trừ sâu nhằm hỗ trợ bộ lá nhanh gia cũng như bảo vệ bộ lá này. Trong thời gian này ta thường xuyên quan sát hoa sầu riêng, nếu lúc hoa gần xã nhị (trước xã nhị khoảng 10-15 ngày) mà lá chưa gần già phun Grow-more(20.20.20) từ 2-3 lần mỗi lần cách nhau 3-5 ngày, đồng thời bón hỗ trợ NPK(15.15.15) lượng bón từ 1-1,5kg/gốc đối với cây trên 5 năm tuổi, việc làm này có tác dụng thúc đẩy giúp bông mập, già lá và tăng khả năng đậu trái.

Các đặc điểm gây tổn hại sầu riêng DONA như sau:

Hiện trạng cây sầu riêng

Tổn hại

Xử lý

+ Sau khi xã nhị từ 3-5 tuần mà cây phát đọt
+ Từ 5-8 tuần mà cây ra đọt non
+ Từ 8-12 tuần mà cây ra đọt non

+ Trái sẽ rụng
+ Trái sẽ méo và rụng
+ Trái sẽ sượng

+ Khi thấy xuất hiện đọt non phun Agrow(10.60.10), quan sát sau 1 tuần thấy lá chưa già hẳn thì phun lại lần 2.
+ Phun MKP (0.52.34) + KNO3 .
+ Phun MKP (0.52.34) + KNO3 nồng dộ vừa phải.

* Trong quá trình xử lí hoa có thể xảy ra các trường hợp sau.
- Hoa ra nhiều nhưng không đậu trái là do một trong các nguyên nhân sau:
+ Nếu trong quá trình ra hoa cây thiếu nước thì khi quan sát các cuống hoa cũng như nồi đồng của hoa thường không tròn đầy, nhìn kĩ ta thấy xuất hiện các đường gân nên thường rụng khi chưa nở, hoa nở ít không đậu trái. Nên cần phải tưới nước đều đặn cho cây
+ Nếu cây ra hoa quá nhiều mà ta không tỉa hoa, thì hoa sẽ nhỏ có màu nhũ đồng, rụng dần sau khi xã nhị cuống nhỏ và trái chậm lớn.
+ Hoa sẽ rụng khi bị bất thường về nuớc (sốc nước)
- Trường hợp hoa đã đậu trái nhưng trái bị rụng nhiều là do:
+ Khi xã nhị để cây ra đọt non mà không kịp thời xử lýAgrow(10.60.10).
+ Không  tưới đủ nước thường xuyên và đều đặn (sốc nước)
+ Sau xã nhị nếu lượng nước không đảm bảo thường xuyên sẽ làm nứt cuống trái, gây tổn hại khi trái đã lớn.
III. CHĂM SÓC ĐẬU TRÁI:
1. Tưới nước:
Sau khi cây xã nhị nhất thiết phải luôn theo dõi độ ẩm của đất để cung cấp nước kịp thời, ngoài ra ta còn có thể dùng các vật liệu ủ gốc để giữ ẩm cho cây. Khi trái bằng quả trứng gà là lúc phát triển mạnh về mặt thể tích do đó nhu cầu về nước là rất lớn nên phải tưới cho cây đủ lượng nước cần thiết.
Nước là yếu tố quan trọng nhất giúp cho cây ra hoa kết quả tốt, nên nếu trong thời gian dài không tưới thì cây thiếu nước làm cho hoa, trái thiếu nước nên rụng hoa và trái, khi cây đang thiếu nước mà ta lại tưới nhiều nước làm cho cây bị sốc nước nên hoa và trái sẽ rụng. Do đó làm sao cho đất luôn đủ ẩm trong giai đoạn ra hoa kết trái là hết sức cần thiết.
2. Bón phân:
Khi trái sầu riêng bằng qủa cam (từ 30-40 ngày sau xã nhị) bón NPK(15.15.15) từ 1-3kg  (lượng bón bằng ½ lượng bón thông thường) việc phân giúp tăng độ phì của trái sầu riêng. Sau 20 ngày tiếp tục bón lượng phân còn lại.
Khoảng 50-60 ngày sau xã nhị bón NPK(10.12.17) từ 1-3kg (lượng bón bằng ½ lượng bón thông thường) nhằm tạo bộ khung và màu xanh đặc trưng cho trái, Sau 15 ngày tiếp tục bón lượng phân còn lại (việc chia nhỏ số lần bón phân giúp cây hấp thụ phân  tốt hơn). Đây là lần bón NPK cuối cùng của trái sầu riêng.
Khi trái sầu riêng khoảng 1,5-2kg (90 ngày sau xã nhị), ta bón kali trắng và cũng chia làm 2 lần bón tuỳ theo lượng trái trên cây mà lượng phân bón có thể thay đổi từ  0.5-1kg/cây. Sau khi tan phân ta thoát nước cho khô bồn. Bón kali giúp trái sầu riêng chuyển hoá nhanh lượng tinh bột làm tăng phẩm chất của trái cũng như làm màu sắc vỏ quả bóng đẹp.
Lưu ý: Nếu quá trình chín của trái kéo dài ta có thể tăng thêm một lần bón Kali nữa.
3. Một số biện pháp chống sượng trái:
+ Giai đoạn trái chuyển từ non sang già là giai đoạn  tích luỹ tinh bột nên cây rất cần các vi lượng như  Mg2+, Zn2+, Cu2+ ……. giúp cho cây quang hợp tốt, trái không bị sượng.
+ Khi trái sầu riêng chuyển hoá tinh bột thì việc bổ sung Kali là rất cần thiết.
+ Khi mưa nhiều bồn sâu chứa nước, làm cho cây thừa nước nên qúa trình chín cũng diễn ra kém làm cho trái sượng nước, do đó khi vào mưa cần thiết phải làm cho bồn thoát nước tốt.
+ Sầu riêng trước khi chín rụng 15 –20 ngày ta phải cắt nước hoàn toàn, nếu trời mưa thì phải khai thông bồn cho thoát nước tốt thì chất lượng trái sẽ tốt.

IV. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH:
+ Bệnh thối trái, gốc, rễ do nấm Phytophthora palmivora gây ra
phòng bệnh đối với cây nhỏ ( dươí 4 năm tuổi): phun 3 lần trong năm theo tài liệu hướng dẫn.
Phòng bệnh thối thân, xì mu, thối trái dối với cây lớn trên 4 năm tuổi: Tiêm 2-4 mũi (10cc) thuốc Agrifos 400+ 10cc nước, tiêm 4 lần/ năm.
Lần I: Sau thu hoạch.
Lần II: đầu mùa mưa .
Lần III: khi trái bằng quả cam ( khoảng 60 ngày sau xã nhị).
Lần IV: khi trái đạt từ 1,5-2kg ( khoảng 90 ngày sau xã nhị).
Bênh cạnh đó cần hỗ trợ bôi lên vết bệnh bằng hỗn hợp Agrifos 400+ vimancoz đậm đặc, ở vùng cổ rễ hoặc trên thân cây.
Trị bệnh: Tiêm cây bằng thuốc Agri - Fos 400 từ 2-4 mũi đối với cây từ 4-8 năm tuổi, tiêm 3 lần mỗi lần cách nhau 1 tháng, hoặc bôi lên vết bệnh bằng hỗn hợp Agrifos 400+ vimancoz đậm đặc.
+ Bệnh cháy láBệnh thường bắt đầu từ những lá già, từ mép lá trở vào có màu nâu đỏ bên trong có những viền gợn sóng màu nâu sậm xếp gần đồng tâm, bệnh nặng làm cây rụng lá suy kiệt, có thể dùng các lọai thuốc như Topsin M, Tilvil phun phòng trị. Hoặc dùng Agri – fos 400 + Tilvil, hoặc Vinamcoz + Monceren + Agri – fos 400( liều dùng bằng ½ liều trên chai).
+ Rệp sáp: Trong thời gian cho hoa kết trái thường xuất hiện Rệp sáp chích hút dinh dưỡng của hoa, làm cho hoa biến dạng, phát triển không bình thường, cong queo.., làm trái eo, trái bị sượng cục bộ làm giảm chất lượng, gây ra muội đen làm giảm giá trị thương phẩm cũa trái do đó cần phải phòng trừ bằng Supracide ( chỉ phun trực tiếp vào hoa khi hoa chưa nở, và phun trực tiếp vào trái)
Phun 3 lần : lúc gần xã nhị phun Supracide +  Sherbush phòng  rệp xáp và sâu tơ đục bông làm cho chúng không có môi trường phát triển để gây tổn hại cho trái sau này.    Lần tiếp theo khi trái bằng qủa cam. Sau đó theo dõi nếu thấy xuất rệp xáp xuất hiện thì tiếp tục phun.
+ Rầy chổn cánh: Phát triển vào đầu mùa mưa chích hút trái làm cho trái sượng nơi có vết chích mà ta không biết do vậy cần phải dùng các loại thuốc như Bassa, sherbush phun phòng trừ khi trái lớn.
+ Sâu tơ đục bông: Làm cho chùm bông khô, quan sát ta thấy có sâu tơ màu hồng, hoặc trắng làm ổ trong cuốn bông, ta dùng thuốc chứa ít nhũ dầu như Sherbush, Decis, hoặc Sherbush+ Supracide nhưng nồng độ pha mỗi thứ  chỉ bằng ½ trên nhãn thuốc phun trực tiếp vào bông.
+ Bọ rùa ăn bông: (thường xuất hiện ở vùng Lâm đồng) cắn phá các chùm hoa làm cho hoa rụng hàng loạt, nên dùng các loại thuốc vị độc, lưu dẫn như Karate, Confidor... pha chung với chất bám dính phun vào khoảng 6-8 giờ tối.
+ Rầy bông: Khi cây ra đọt non thường xuất hiện rầy bông chích hút đọt non làm cho đọt non kém phát triển, lá teo lại, hoặc rụng hết lá non trên ngọn làm cho cây chết ngọn, cây quang hợp kém, nên thiếu hụt dinh dưỡng do vậy cần phải phun phòng , có thể dùng các loại thuốc như: Decis, Vidici, Sherbush, Bassa, Bian..phun phòng trị, tốt nhất nên phun khi cây vừa ra đọt non.( nên kết hợp với phân bón lá khi phun)


 

CÁCH SỬ DỤNG THUỐC AGRI-FOS 400 PHÒNG TRỊ BỆNH

XÌ MỦ THÂN, THỐI QUả TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Sầu Riêng là cây ăn quả lâu năm có hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, cây hiện đang gặp phải bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây nên các triệu chứng thối gốc, xì mủ thân, khô ngọn, chết cành, vàng lá, thối quả, v.v.
Nấm Phytophthora là vi sinh vật lây lan nhanh trong môi trường ẩm. Do đó, chúng phát triển mạnh trong mùa mưa và tấn công chủ yếu vào bộ rễ cây, đặc biệt là phần gốc cây (cổ rễ) hoặc vùng mô bị tổn thương do côn trùng phá hại.
Sự tổn thương ở rễ dẫn đến các biểu hiện khô cành, chết ngọn ở phần trên của cây.,/p>

I. BỆNH DO NẤM PHYTOPHTHORA TRÊN CÂY SẦU RIÊNG

Bệnh xì mũ thân

Bệnh thối cổ rể

Bệnh toàn thân

1. Bệnh thối gốc, thối rễ, xì mủ thân
a. Triệu chứng:
Cây sinh trưởng chậm hoặc ủ rũ. Bề mặt lá kém sáng bóng, chuyển sang vàng nhạt sau đó rụng đi. Ngọn non phát triển rất chậm.
Các triệu chứng trên đều liên quan đến sự tổn thương ở phần gốc cây. Nếu kiểm tra thì ta thấy phần vỏ nằm trong đất bị thối, vết bệnh ăn lan vào trong gỗ. Vào lúc sáng sớm, trên thân, cành còn có những đốm nâu đen hoặc vỏ cây bị nứt, chảy mủ.
* Nếu kịp thời phát hiện bệnh để phòng trị thì cây sẽ hồi phục sau 2 - 3 tháng.
* Nếu để cây có lá chuyển sang vàng, rụng dần, cây khô ngọn. Lúc này trị bệnh thì khả năng phục hồi có thể kéo dài từ 4 - 6 tháng. * Nếu để đến lúc cây có biểu hiện rụng lá hàng loạt mới trị bệnh thì khả năng phục hồi rất chậm (có thể kéo dài từ 9-18 tháng).
* Nếu Phytophthora tấn công vào vùng cổ rễ mà không phòng trị thì cây sẽ bị chết trong thời gian ngắn.
b. Điều kiện phát triển bệnh
Nấm phát triển mạnh khi độ ẩm cao, nhất là trong mùa mưa. Bệnh chủ yếu xuất hiện trong các vườn cây bị úng nước, trồng sâu, mật độ dày, không có bờ mương ngăn nước tràn từ vườn cây khác sang. Nấm còn lây lan qua môi trường nước, gió, tàn dư thực vật, v.v.

Bệnh thối trái

Bệnh thối trái

2. Bệnh thối quả
a. Triệu chứng:
Triệu chứng đầu tiên xuất hiện là những đốm nâu ở quả, sau đó lan rộng ra. Ở quả già, phần rốn (đít) bị nhiễm bệnh sẽ bị nứt và dễ bị rụng trước khi thu hoạch. Trên vết bệnh có thể hình thành các sợi tơ nấm màu trắng.
b. Điều kiện phát triển bệnh
Nấm phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm không khí trong vườn cao, hoặc cây đã bị nhiễm nấm Phytophthora nhưng không phòng trị bệnh triệt để.
Bệnh lây lan rất nhanh gây thiệt hại trầm trọng. Vườn cây bị nhiễm bệnh có thể ảnh hưởng gần hết đến số quả chỉ trong vòng một vài ngày nếu trời mưa dầm.

II. PHƯƠNG PHÁP PHÒNG TRỊ (cho cả 2 bệnh trên)

1. Cách sử dụng thuốc AGRI-FOS 400
a. Phương pháp phun thuốc: phun trực tiếp vào lá hoặc quả. Nồng độ sử dụng là 1 – 1,5% (1 - 1,5cc trong 1 lít nước). Thuốc có thể pha chung với các hoạt chất hỗ trợ khác nhưng cho vào sau cùng. Phun thuốc khi trời mát.
b. Phương pháp tưới gốc: dùng ở nồng độ 0,5% (5cc trong 1 lít nước). Có thể pha chung với các hoạt chất khác. Cần tưới tập trung vào gốc cây (phần cổ rễ) để tránh lãng phí thuốc. Tùy theo độ lớn nhỏ của cây mà tưới từ 4 – 8 lít/cây.
c. Phương pháp quét thuốc: gọt bỏ vùng mô bị thối rồi quét thuốc nguyên chất lên. Nên pha thêm thuốc Mancozeb 80WP để tạo độ bám dính và tăng hiệu quả của thuốc.
d. Phương pháp tiêm thuốc: áp dụng cho cây có đường kính thân lớn hơn 15 cm. Pha loãng thuốc với nước sạch theo tỉ lệ 1 : 1 rồi tiêm 20 - 40cc/cây.
Dùng mũi khoan 4,5 mm khoan vào thân cây như hình bên, mũi khoan hơi hướng lên để nước mưa không đọng lại trong lỗ. Độ sâu của lỗ khoan từ 3 - 4 cm. Xoay nhẹ mũi tiêm vào lỗ khoan cho thật chặt rồi gài dây cao su nén pit-tông bơm thuốc vào cây.
Chú ý: không khoan vào vùng có vết bệnh, nơi có cành hoặc lỗ cũ.

2. Phòng bệnh
a. Đối với cây chưa cho quả: xử lý 2 lần trong mùa khô và 3 lần trong mùa mưa.
b. Đối với cây đang cho quả: xử lý 3 lần trong mùa khô và 6 lần trong mùa mưa.
3. Trị bệnh: xử lí thuốc theo các cách trên làm 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 15 ngày.
Bên cạnh các cách trên, nếu cây bị xì mủ thân thì ta kết hợp thêm biện pháp quét thuốc vào vết bệnh. Dùng dao sắc gọt sạch vùng vỏ cây bị loét cho thật gọn nhẹ, để riêng và tiêu hủy. Sau đó, đổ Agri-fos 400 vào Mancozeb hòa thành dịch sệt rồi quét lên vết bệnh.
Chú ý: quan sát cho đến khi cây phục hồi bộ rễ, ra ngọn non thì mới phun phân bón lá, hoàn toàn không bón gốc cho đến khi cây phát triển mạnh.


MỘT SỐ ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CANH TÁC SẦU RIÊNG

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ

1. Đặt mã số cho cây sầu riêng
Mục đích: Đánh mã số nhằm tiện cho việc theo dõi sự phát triển và cách chăm sóc trên từng cây sầu riêng một.
Cách làm: Dùng sơn ghi số trên thân cây theo 1 hướng nhất định cho dễ quan sát.
Nguyên tắc ghi số: Ghi theo số thứ tự, bắt đầu từ số 1.

2. Sổ canh tác
Hình thức: Sổ canh tác được phát hành theo mẫu của công ty DONA-TECHNO.
Nội dung: Gồm có sơ đồ và các công việc cần thiết trong canh tác cây sầu riêng.
Cách sử dụng: ghi ngày tháng vào ô tương ứng cho từng công việc.

II. CÁC BƯỚC QUAN TRỌNG TRONG CHĂM SÓC RA HOA ĐẬU QUẢ

1. Nuôi cây trước khi ra hoa
Mục đích: Cây có 1 - 2 bộ lá mới, mạnh khỏe đủ sức nuôi quả.
Cách làm:
1) Rải vôi xử lí quanh gốc cây sau khi thu hoạch xong.
2) Bón phân hữu cơ hoai mục từ 30 - 50 kg/cây
3) Bón phân D.A.P mỗi khi bộ lá già hoàn toàn, lượng bón từ 1,5 - 3 kg/cây.
4) Tiêm 2 lần AGRI-FOS 400 cách nhau 1 tháng để phòng bệnh xì mủ thân.
5) Phun thuốc trừ sâu để bảo vệ bộ lá non nếu bị sâu rầy phá hại.

2. Kích thích cây ra hoa - Nuôi hoa - Chọn duy nhất 1 đợt hoa
Mục đích: Hoa ra đều, ra đồng loạt trên cây. Nuôi hoa để hoa phát triển khỏe mạnh, đồng đều. Chọn duy nhất 1 đợt hoa để có duy nhất 1 loại quả trên cây, vì nếu để nhiều loại quả thì chúng cạnh tranh làm quả dị dạng.
Cách kích thích cây ra hoa: 1) Bón phân kích hoa theo công thức: 1 kg D.A.P + 0,7 kg Kali đỏ cho mỗi cây đủ tiêu chuẩn ra hoa: lá dày, xanh đậm, mạnh khỏe.
2) Cắt nước tạo điều kiện khô hạn cho cây sau khi phân vừa tan xong. Cây sẽ ra hoa sau thời gian 15 - 30 ngày.
Cách nuôi hoa - chọn duy nhất 1 đợt hoa:
1) Tưới nước theo nguyên tắc: "Tưới Ít Nước, Tưới Nhiều Lần" trong mùa khô.
2) Bón 0,2 - 0,5 kg/cây phân NPK 15-15-15, sau khi ra hoa 7 và 20 ngày.
3) Phun phân bón lá NPK 20-20-20 sau khi ra hoa 30 và 45 ngày.
4) Tưới 1 lần AGRI-FOS 400 để phòng bệnh xì mủ thân.
5) Chỉ chọn duy nhất 1 đợt hoa để cho quả. Tỉa bỏ hết những đợt hoa còn lại.

3. Ghi nhận ngày hoa nở (xả nhị)
Mục đích: Để tính được ngày thu hoạch quả, đảm bảo chúng có độ tuổi như nhau.
Cách làm: Quan sát khi thấy hoa nở rộ trên cây thì ghi chép ngày tháng vào ô tương ứng trong sổ canh tác.

4. Khống chế ngọn non
Hiện tượng: Trong khi nuôi quả, nếu cây ra lá non thì gây tổn hại nghiêm trọng. Quả sẽ rụng hàng loạt nếu còn nhỏ. Quả sẽ bị sượng nếu đã lớn.
Cách làm:
1) Phun định kì 15 ngày phân M.K.P nồng độ 1% kể từ khi quả được 5 ngày tuổi.
2) Nếu thấy ngọn non vẫn phát triển thì ta phun phân bón lá NPK 20-20-20 liên tục 3 lần, cách nhau 5 ngày để lá phát triển bình thường.

5. Chống vỏ dày, sượng, hạt to, khối lượng lớn
Tiêu chuẩn quả sầu riêng DONA: Không sượng, khối lượng 2 - 3 kg/quả, vỏ mỏng, hạt lép, thơm ngọt.
Cách làm:
1) Không được bón phân qua gốc cho đến khi quả được 90 ngày tuổi.
2) Bón 0,2 - 0,3 kg/cây phân K2SO4 khi quả được 90 và 105 ngày tuổi.
3) Không được bón Kali đỏ (Kali clorua) trong suốt quá trình nuôi quả.

6. Phòng bệnh thối quả
Hiện tượng: Bệnh thối quả do nấm Phytophthora lây lan rất mạnh và gây tổn hại nghiêm trọng trong thời gian rất nhanh.
Cách làm:
1) Tiêm thuốc AGRI-FOS khi quả được 60 và 90 ngày tuổi.
2) Phun AGRI-FOS nồng độ 1,5% trên quả ở độ tuổi 60, 90, 105 và 130 ngày.
3) Nhanh chóng thu nhặt và tiêu hủy quả bị rụng do nấm bệnh.

7. Thu hoạch - Đánh giá năng suất, chất lượng
Mục đích: Quả được thu hoạch đảm bảo về thẩm mỹ và đúng độ tuổi quy định.
Tùy vùng trồng mà ta thu hoạch quả ở độ tuổi từ 130 - 155 ngày tuổi.
Cách làm:
1) Ghi nhận số lượng quả trên mỗi cây vào sổ canh tác khi được 120 ngày tuổi.
2) Liên hệ với công ty hoặc cán bộ phụ trách để thông báo về sản lượng và được hướng dẫn thời điểm thu hoạch.
3) Quả được cắt trên cây, không rơi dập, không dính bùn đất, không sâu bệnh.





Hướng dẫn trồng cây xương rồng
Hướng dẫn trồng hoa cúc đúng cách
Hướng dẫn trồng cây khổ qua
Hướng dẫn trồng cây đu đủ cho hiệu quả kinh tế cao
Hướng dẫn trồng cây xoài đúng kĩ thuật cho quả to
Hướng dẫn trồng quất cảnh chơi Tết
Cách chăm sóc cây trồng trong nước
Kỹ thuật trồng cây cảnh trong nước


(St)


Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý