Triệu chứng khi bị sỏi mật cần lưu ý

Hoaibui2395 Hoaibui2395 @Hoaibui2395

Triệu chứng khi bị sỏi mật cần lưu ý

19/04/2015 11:53 AM
256

Sỏi mật là sự hiện diện của sỏi trong hệ thống đường mật bao gồm đường mật trong gan, túi mật và đường mật ngoài gan tận bóng vanter. Chúng ta cùng điểm lại những triệu chứng của bệnh sỏi mật để đề phòng nhé!



Ở các nước phương Tây, phần lớn là sỏi cholesterol được thành lập trong túi mật, các nước nhiệt đới và châu Á phần lớn là sỏi sắc tố mật được hình thành trong ống gan và đường dẫn mật do giun và nhiễm khuẩn. Sỏi mật là một trong các bệnh dễ gây nên các biến chứng nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời sẽ đưa đến tình trạng nguy hiểm.

Thành phần của sỏi mật gồm những gì?

Sỏi mật gồm nước muối mật, sắc tố mật, canxi..., chúng cô đặc dần và thành sỏi. Đây là loại sỏi tổng hợp, hay gặp và có thể phát hiện khi chụp Xquang. Ngoài sỏi mật tổng hợp còn có nhiều loại sỏi khác như:

Sỏi cholesterol: Cấu tạo chủ yếu bằng cholesterol – là một thành phần chuyển hóa của gan, là một thành phần của mỡ máu. Loại này có màu vàng sẫm, không cản quang. Loại sỏi này hình thành khi có sự rối loạn về nồng độ cholesterol, acid mật và lecithin.

Có một số yếu tố thúc đẩy sự hình thành sỏi cholesterol đó là: tuổi, giới (nữ/ nam = 3/1), chủng tộc, yếu tố gia đình, béo phì, phụ nữ đẻ nhiều con, uống một số thuốc như thuốc hạ mỡ máu, thuốc ngừa thai, ăn uống quá nhiều năng lượng...

Sỏi sắc tố mật: Thường gặp ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, có hai loại đen và nâu.

- Sỏi sắc tố đen: Màu đen hình dạng không đều, nó được thành lập khi nồng độ bilirubin không liên hợp trong mật gia tăng, đây là trường hợp của huyết tán và trong xơ gan.

- Sỏi sắc tố nâu: Màu nâu hoặc vàng nhạt, đây là hậu quả của giun chui ống mật và nhiễm khuẩn đường mật.

Sỏi muối mật: Thường có màu đỏ, cũng dễ kết hợp với canci.

Khi bị sỏi mật sẽ biểu hiện như thế nào?

Sỏi túi mật: Đây là loại sỏi có thể có một thời gian dài yên lặng. Khi có biểu hiện lâm sàng, triệu chứng chủ yếu là cơn đau quặn gan, đau dữ dội vùng hạ sườn phải, lan ra sau lưng và lên vai phải, đôi khi đau lan sang cả vùng thượng vị làm dễ nhầm tưởng là đau dạ dày. Cơn đau quặn gan kéo dài trên 15 phút đến 3 - 4 giờ, nếu trên 6 giờ phải nghĩ đến có biến chứng.

Nếu có hiện tượng tắc nghẽn thì túi mật ngày càng to dần lên, khi sờ vào có thể thấy túi mật căng phồng, ấn vào bệnh nhân rất đau, nếu không xử trí kịp thời có thể đưa đến viêm túi mật cấp tính, sẽ sốt cao 39 – 40o C.

Sỏi đường mật: Đây là loại sỏi có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, đau thường là do sự di chuyển của sỏi túi mật và sỏi đường mật trong gan. Thông thường có 3 triệu chứng rất điển hình (gọi là tam chứng Charco) tuần tự xuất hiện: đầu tiên là cơn đau quặn gan với biểu hiện như trên, sau đó xuất hiện sốt nóng và rét run. Cuối cùng là vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, đi tiểu nước tiểu sẫm màu.

Ngoài những biểu hiện lâm sàng thì các xét nghiệm cận lâm sàng đặc biệt là siêu âm xét nghiệm cơ bản không xâm nhập giúp phát hiện sỏi 70 – 80%, ngoài ra còn giúp phát hiện tổn thương đường mật, túi mật, tụy.

Những biến chứng gì có thể xảy ra?

Viêm và nhiễm khuẩn đường mật, túi mật cấp; hoại tử túi mật và thấm mật phúc mạc là biến chứng rất nguy hiểm phải can thiệp ngoại khoa và có thể để lại hậu quả nặng nề.

Rò túi mật đường mật vào ống tiêu hóa và ứ nước túi mật.

Xơ gan: biến chứng này xảy ra do ứ mật lâu ngày kèm viêm nhiễm làm tổn thương nhu mô gan và thay thế bằng tổ chức xơ.

Cần làm gì khi nghi ngờ bị sỏi mật?

Phải đi khám ở cơ sở y tế có đủ điều kiện để xác định xem có bị sỏi mật hay không, từ kết quả này bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị và lời khuyên hợp lý.

Khi đã có chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn không được chủ quan.

Điều trị sỏi mật bao gồm điều trị nguyên nhân là loại bỏ sỏi đồng thời điều trị triệu chứng và biến chứng nếu có. Khi điều trị nội khoa có thể sử dụng các thuốc chống co thắt cơ trơn như atropin, papaverin, nospa, visceralgin...; các thuốc chống nhiễm khuẩn như nhóm aminoglycosid, nhóm quinolon...; nhóm thuốc làm tan sỏi như chenodex, ursolvan..., tuy nhiên khi dùng các thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Khi điều trị nội khoa không có kết quả nên chuyển sang điều trị ngoại khoa với các kỹ thuật mới như tán sỏi qua da, lấy sỏi qua nội soi ngược dòng... đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

Vậy dự phòng bệnh sỏi mật như thế nào?

Hạn chế ăn mỡ động vật, phủ tạng động vật, cẩn trọng khi dùng thuốc tránh thai... Ăn uống hợp vệ sinh, định kỳ 6 tháng tẩy giun một lần. Tập thể dục liệu pháp, xoa nắn cơ thành bụng vùng túi mật, có thể sử dụng thuốc nhuận mật như chophytol, sorbitol.


NHỮNG BIẾN CHỨNG KHÔNG THỂ COI THƯỜNG CỦA SỎI MẬT

Hiện nay nhờ những tiến bộ của  y học nên chẩn đoán và điều trị  có nhiều thuận lợi. Sỏi mật có  hai loại chính: sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật, trong sỏi sắc tố  bao gồm sỏi màu đen và sỏi màu nâu. Ở châu âu và Mỹ, phần lớn là sỏi cholesterol, sỏi chủ yếu nằm trong túi mật.

Ở Việt Nam trước kia chủ yếu là sỏi sắc tố mật, sỏi chủ yếu nằm ở trong gan và ống mật chủ gây nhiễm khuẩn đường mật, còn sỏi túi mật chỉ chiếm 5-10%, ngày nay sỏi túi mật tăng cao  chiếm tới 50% trường hợp sỏi mật, đồng thời tỷ lệ sỏi cholesterol cũng tăng cao. Sự phân bố loại sỏi mật trên thế giới phụ thuộc vào chủng tộc và chế độ ăn.

Vì sao có sỏi trong mật?

Bệnh sỏi mật phát triển ở tuổi 20-50, càng nhiều tuổi  càng dễ bị sỏi mật.  Bệnh thường gặp ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao hơn từ 4-6 lần so với nam giới.

Các yếu tố thuận lợi tạo sỏi cholesterol là chế độ ăn nhiều chất béo và cholesterrol; dùng thuốc: estrogen, thuốc clofibrate để tăng đào thải  cholesterol; bệnh ở đoạn cuối của ruột non; xơ gan; cắt dạ dày; giảm co bóp của túi mật: như dùng thuốc octretide kéo dài, nuôi dưỡng  lâu dài bằng đường tĩnh mạch.

Các yếu tố thuận lợi cho hình thành sỏi sắc tố mật như nhiễm khuẩn đường mật, ở Việt Nam hay gặp  nhiễm khuẩn đường mật do giun chui từ ruột lên đường mật.

Biểu hiện lâm sàng

Đau: Trong trường hợp điển hình xuất hiện đau đột ngột, đau thành cơn dữ dội,  đau vùng hạ sườn phải lan lên vai phải hoặc sau lưng, đau làm người bệnh lăn lộn trên giường, cũng có thể đau làm người bệnh không dám thở mạnh. Trong trường hợp không điển hình, đau chỉ âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải, đau đôi khi ở vùng thượng vị và lan lên ngực.

Sốt: là do nhiễm trùng đường mật, nếu không có nhiễm trùng thì không sốt, có thể sốt cao kèm rét run nhưng cũng có khi sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau, có khi sốt kéo dài.

 Vàng da: Da và củng mạc mắt vàng do tắc mật, xuất hiện khi sỏi ở ống mật chủ, ống gan hoặc trong gan, tùy theo mức độ tắc mật mà vàng nhẹ hay vàng đậm. Trong trường hợp chỉ có sỏi túi mật đơn thuần thì không gây vàng da.

Thăm khám lâm sàng: Gan to là triệu chứng thường gặp của sỏi mật, mức độ gan to phụ thuộc vào mức độ tắc mật, sỏi  túi mật  không gây gan to. Tắc mật do sỏi trong ống mật chủ có thể  xuất hiện túi mật to.

Để chẩn đoán đúng bệnh, dựa vào triệu chứng điển hình kinh điển là: đau, sốt và vàng da. Xét nghiệm có thể thấy tăng bạch cầu trong máu, bilirubin máu tăng khi có tắc mật. Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ rất có giá trị giúp chẩn đoán sỏi mật. Đối với sỏi túi mật, siêu âm là phương pháp rẻ tiền mà có giá  trị cao trong chẩn đoán.

Các biến chứng của sỏi mật

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi mật gây nhiều biến chứng nặng có thể  dẫn tới tử vong như: áp-xe gan - đường mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, viêm phúc mạc do mật, viêm tụy cấp, chảy máu đường mật, viêm túi mật cấp tính, viêm túi mật mạn tính... Nếu ứ mật kéo dài sẽ dẫn tới xơ gan mật thứ phát.

Các biện pháp điều trị

 Điều trị hỗ trợ bằng giảm đau và kháng sinh, nhưng chủ yếu vẫn phải  lấy sỏi mật.

Đối với sỏi túi mật

 - Dùng thuốc giúp tan sỏi, áp dụng đối với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5 mm, thời gian dùng kéo dài 6-24 tháng.

-  Tán sỏi bằng  bằng sóng  (shock-wave therapy), làm tan sỏi trực tiếp bằng hóa chất (direct solvent dissolution).

- Cắt túi mật qua nội soi: Dùng với sỏi to, gây đau nhiều hoặc gây viêm túi mật, đây là phương pháp  được dùng phổ biến hiện nay, rút ngắn thời gian nằm viện và  hồi phục sức khỏe nhanh.

-  Cắt túi mật  bằng mổ  phanh: Áp dụng  trong trường hợp mổ nội soi thất bại hoặc viêm mủ túi mật.

Đối với sỏi trong gan và  ống mật chủ

- Lấy sỏi qua nội soi ngược dòng cắt cơ oddi: áp dụng với sỏi ở ống mật chủ sỏi nhỏ dưới 1,5 cm, phương pháp này giúp tránh được phẫu thuật.

- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng.

-  Phẫu thuật để lấy sỏi.

Làm cách nào để phòng bệnh và biến chứng?

Ở  nước ta, nhiễm khuẩn đường mật vẫn còn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành sỏi mật, đặc biệt là nhiễm ký sinh trùng đường mật.

Chính vì vậy cần  ăn uống vệ sinh như ăn uống thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không nên ăn thức ăn đường phố, trẻ em hạn chế ăn quà vặt cổng trường. Đối với người có tiền sử giun chui ống mật cần tẩy giun định kỳ 2-3 lần trong  một năm.

 Đối với người đã có sỏi mật cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật gây ra.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG VỚI NGƯỜI BỊ SỎI MẬT

Nếu ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể khống chế được nhân tố gây bệnh

Những người bị viêm túi mật và sỏi mật thường có triệu chứng: Cảm giác tức, nặng, ấn đau ở hạ sườn phải hoặc những cơn quặn đau lan lên vai, kéo dài vài giờ đến vài ngày, vàng da, đôi khi phát sốt, đại tiện táo bón, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày.
 
Thường sau khi ăn thức ăn nhiều chất béo, đột nhiên thấy đau nhiều ở bụng bên phải, đau lan về phía vai phải, đau rất dữ dội làm bệnh nhân vật vã, toát mồ hôi, kèm theo lợm giọng, nôn mửa, sốt cao, rét run.
 
Dùng dầu thực vật, ăn ít chất béo ngọt
 
Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân viêm túi mật là phải đầy đủ các chất đạm, đường bảo đảm đủ lượng calo cần thiết và một lượng lớn thức uống; mỗi ngày uống ít nhất 2 lít nước, để làm loãng nước mật.
 
Bất luận là viêm túi mật hay sỏi mật, hoặc cả hai cùng xuất hiện một lúc, mỗi khi thu nạp chất béo đều dẫn đến việc co rút để phân tiết chất trong túi mật khiến người bệnh đau đớn, phần bụng căng trướng. Tuy có lúc phát lúc không nhưng nếu chữa trị không triệt để, bệnh có thể trở thành mãn tính. Vì vậy, lúc bình thường cần chú ý ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý, có thể khống chế được nhân tố gây bệnh.

Ăn nhiều cải xanh, các loại đậu... có thể hạn chế, ngăn ngừa sỏi mật, viêm túi mật


Ăn uống chủ yếu nên thanh đạm, ăn ít chất béo ngọt, nấu nướng hoàn toàn dùng dầu thực vật. Các loại rau cải nên dùng dưới dạng luộc, hấp, nấu canh, hầm cho mềm để dễ tiêu hóa.  Ăn lượng ít nhưng nhiều bữa, không ăn quá no, để làm giảm nhẹ gánh nặng cho túi mật, hạn chế chứng viêm và sỏi túi mật phát triển.
 
Những thực phẩm nên ăn là gạo, bột mì và các chế phẩm của gạo; dùng một lượng ít dầu thực vật và ít bơ, dùng thịt nạc của các loại gia súc; nên ăn nhiều củ cải, cải xanh, các loại đậu, đậu nành, các loại trái cây không cứng quá, dùng lượng đường vừa phải, sữa không có chất béo, nước ép trái cây, canh thịt nạc, nước trà, dùng ít muối ăn.

Kiêng kỵ
 
Cơ chế tạo ra sỏi ở mật có liên quan đến hàm lượng cholesterol trong cơ thể quá cao, do đó cần hạn chế các thức ăn có chứa cholesterol như lòng đỏ trứng, trứng cá, tủy não, gan, thịt mỡ... Hạn chế chất béo, mỗi ngày chỉ dùng giới hạn từ 20 – 40 g; giảm lượng cholesterol, mỗi ngày dùng dưới 300 mg.
 
Mỗi khi bệnh phát tác cấp tính, nên tạm thời kiêng ăn 1 - 2 ngày hoặc chỉ dùng thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như cháo loãng, cháo thịt nạc heo, thịt bò băm nhỏ, xúp rau củ... Sau khi bệnh giảm bớt cũng chỉ ăn những thực phẩm được nấu loãng nhừ, rồi dần dần dùng đến các thực phẩm hầm nhừ, ít dầu mỡ.

Các loại rượu và thực phẩm có chất kích thích, các loại gia vị cay, nóng, nồng mạnh đều có thể sinh ra các chất làm tăng co bóp của túi mật khiến các cơ ở cổ túi mật không kịp dãn cho nước mật chảy ra, có thể dẫn đến kết sỏi mật và viêm túi mật cấp tính.
 
Các loại thực phẩm hạn chế hoặc nên kiêng dùng là các loại bánh có dầu mỡ, các thực phẩm chiên xào, mỡ heo, sữa bột béo, tương đậu phộng, bơ, thịt mỡ, thịt hộp, thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng, nội tạng động vật, hành tây, củ cải, dừa, các loại đậu khô, táo chưa chín, mận, các loại quả cứng, giấm chua, hạt cải, nước có gas, phô-mai, trà đậm, cà phê, kem lạnh, thuốc lá, rượu.

 

Thực phẩm của người sỏi mật

Sỏi mật là một bệnh lý túi mật thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến rối loạn chuyển hóa cholesterol và nhiễm khuẩn. Bởi vậy, trong ăn uống chú ý lựa chọn và kiêng kỵ thực phẩm một cách hợp lý.


Nguyên tắc chung là tránh đồ ăn thức uống có nhiều mỡ động vật, giàu cholesterol và chất kích thích. Trọng dụng những loại rau quả tươi giàu sinh tố (đặc biệt là vitamin A), những thực phẩm chứa nhiều acid béo không no. Dưới đây xin được giới thiệu một số thực phẩm:

Cà rốt: đây là loại rau rất giàu caroten, khi vào cơ thể sẽ được gan chuyển hóa thành vitamin A, có tác dụng làm giảm thiểu sự hình thành sỏi đường mật.

Giao bạch (củ non của cây niễng): có công dụng lợi niệu, giải khát trừ phiền, thanh nhiệt giải độc, thông sữa. Trong thành phần có chứa nhiều chất đạm, sinh tố và khoáng chất, là thực phẩm lý tưởng cho người bị cao huyết áp, sỏi mật và sản phụ ít sữa. Có thể dùng dạng tươi sắc uống vài lần trong ngày.

Dưa hấu: có công dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi tiểu, rất thích hợp với người bị sỏi mật, viêm túi mật. Có thể ăn mỗi ngày 1kg hoặc ép nước uống. Vỏ dưa hấu nên thái vụn, phơi khô, dùng để hãm uống thay trà hằng ngày.

Củ cải: là một trong những thực phẩm lý tưởng cho người bị sỏi mật, sỏi tiết niệu. Dùng tốt nhất dưới dạng củ tươi rửa sạch, ép lấy nước uống.

Mã thầy: có thể ăn sống, ép lấy nước uống hoặc rửa sạch, thái vụn rồi hãm lấy nước uống.

Râu ngô: có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, lợi mật và hạ đường huyết, rất thích hợp với những người bị cao huyết áp, viêm thận, viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm túi mật, sỏi đường mật, viêm gan vàng da, tiểu đường. Mỗi ngày dùng 30-50 gam sắc uống thay trà trong ngày.

Rau diếp cá: rất thích hợp với những người bị các chứng viêm nhiễm, viêm túi mật và sỏi đường mật. Có thể ăn sống hoặc sắc uống thay trà hằng ngày với lượng 150-180 gam.

Bí đao: có công dụng thanh nhiệt tiêu đàm, lợi tiểu tiện, giảm độc và giảm béo, rất thích hợp với người bị viêm túi mật và sỏi đường mật. Dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn hoặc ép lấy nước uống. Vỏ bí đao cũng có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, lợi mật và tiêu thũng, dùng vỏ tươi 100-150 gam sắc uống thay trà trong ngày.

Cần tây: là thực phẩm lý tưởng cho người bị cao huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, viêm đường tiết niệu, viêm đường mật, sỏi mật. Có thể xào nấu trong các món ăn, ăn sống hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống.

Rau thìa là: có công dụng thanh nhiệt giải độc. Những người bị sỏi mật mỗi ngày nên ăn một mớ rau thìa là (chừng 20 gam), ăn sống hoặc rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống, dùng liên tục trong vài tháng.

Ngoài ra, người bị sỏi mật cũng trọng dụng các thực phẩm khác như đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương, cà chua, cải xanh, cải bắp, rau chân vịt, nấm hương, sơn tra, ô mai, cam, quít, lê, táo, nước ép ngó sen…

Ăn dầu thực vật. Thường xuyên uống các loại trà như trà kim ngân hoa, trà hoa cúc, trà nhân trần, trà hoa nhài, trà hoa hòe, trà lá sen, trà thảo quyết minh, trà actiso…

Đồng thời kiêng hoặc hạn chế những thực phẩm như lòng đỏ các loại trứng, mỡ động vật, gan, não và tủy động vật, sữa chưa tách bơ, lươn, tôm hùm, tôm càng xanh, hến, tôm khô, cua…; không dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu trắng…



Bài thuốc chữa bệnh sỏi mật hiệu quả nhất
Món ăn chữa bệnh sỏi mật giúp bệnh mau hết.
Chữa bệnh sỏi mật bằng thuốc nam rất công hiệu
Chữa bệnh sỏi mật bằng quả sung
Làm thế nào để chữa bệnh sỏi mật khỏi hẳn?


(ST)

Hỏi đáp, bình luận, trả bài:
*địa chỉ email của bạn được bảo mật

Hot nhất
Top xink
Bộ sưu tập
Chợ xink
Thanh lý