Triệu chứng của bệnh đột quỵ nào là gì và cách điều trị bệnh ra sao, chúng ta cùng tham khảo nhé!
Dấu hiệu tiền chứng đột quỵ não
Theo phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 (năm 1992), cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời (CTMCBTT), có đặc điểm xuất hiện đột ngột, có triệu chứng thần kinh khu trú, tồn tại trong thời gian ngắn không quá 24 giờ, phục hồi triệu chứng hoàn toàn và có xu hướng lặp lại nhiều lần (tái phát). CTMNCBTT có ý nghĩa rất quan trọng vì nó là tiền đề báo trước một đột qụy nhồi máu não sẽ xảy ra.
Trên cơ sở những đặc điểm trên lâm sàng CTMNCBTT, người ta phân ra hai loại CTMNCBTT: CTMNCBTT hệ động mạch cảnh và CTMNCBTT hệ động mạch sống – nền.
Cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời của hệ động mạch cảnh
Mạch máu bị chít hẹp gây nhồi máu não.
Trong cơn thiếu máu não này chủ yếu là do bít tắc ở động mạch cảnh chung và động mạch cảnh trong bởi vữa xơ động mạch tạo nên cục nghẽn tiểu cầu, fibrin hay cholesterol tích tụ lớp nội mạch thành động mạch tách ra các mảnh nhỏ gây vi nghẽn tắc mạch tại các nhánh động mạch nhỏ hoặc do cục tắc canxi từ van tim. Bình thường, đường kính của lòng động mạch cảnh trong có kích thước trung bình là 7,0mm. Khi đường kính này giảm do cục nghẽn tắc xuống từ 1-2mm sẽ dẫn tới sự biến đổi huyết động trong võng mạc và tuần hoàn não. Từ các khu vực thiếu máu nuôi dưỡng đó phát sinh ra các triệu chứng của cơn TMNTT, phần lớn ở vỏ não của bán cầu đại não trái và ở võng mạc. Do đó trên lâm sàng chủ yếu là các rối loạn chức năng về mắt (võng mạc) và những triệu chứng do tổn thương của bán cầu đại não.
Những triệu chứng về võng mạc mắt của bệnh đột quỵ não
Mù một mắt thoảng qua là triệu chứng đặc hiệu, phổ biến nhất. Thường gặp là đột ngột bệnh nhân thấy mắt nhìn mờ, như qua lớp sương mù, rồi mất thị lực một mắt hay một phần của thị trường, kéo dài từ vài giây đến vài phút, sau cơn mắt lại nhìn được bình thường. Mù thoảng qua thường xuất hiện trước, hiếm thấy xảy ra đồng thời với triệu chứng khu trú thần kinh.
Những triệu chứng về não
Tùy theo động mạch não nuôi dưỡng từng vùng bán cầu đại não bị thiếu máu mà có những biểu hiện lâm sàng đặc trưng khác nhau: nếu thiếu máu ở bán cầu não trái sẽ xuất hiện: rối loạn ngôn ngữ hoặc mất ngôn ngữ vận động (phát âm), loạn phối hợp từ ngữ hoặc mất ngôn ngữ một phần. Thời gian rối loạn ngôn ngữ thường kéo dài 1 – 6 giờ. Hiếm gặp mất ý thức; rối loạn tâm thần thường có biểu hiện trạng thái lo âu khi cơn TMNTT tái phát nhiều lần; liệt nửa người đối bên, không đồng đều giữa tay và chân, bàn tay, mặt thường nặng hơn chân. Có thể thấy tê ngón tay, tê mặt và môi. Đó là do thiếu máu ở khu vực não do động mạch não giữa nuôi dưỡng. Các triệu chứng trên có thể được hồi phục trở lại trong vài giờ, có khi tới 24 giờ sau mới hồi phục hoàn toàn; rối loạn cảm giác thường gặp là dị cảm nửa người kéo dài từ 1 – 6 giờ. Trường hợp liệt nửa người nặng thường kèm theo rối loạn cảm giác kết hợp cùng bên.
Cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời ở hệ động mạch sống – nền
Biểu hiện lâm sàng của cơn TMNTT rất phức tạp, đa dạng, các biểu hiện lâm sàng của các vùng não bị thiếu máu sẽ xuất hiện, có khi đơn phương trước, lại có lúc xảy ra đồng thời, kết hợp hay xen kẽ nhau của các rối loạn huyết động, rối loạn thần kinh trung ương và cả hệ thần kinh thực vật.
Các triệu chứng chủ yếu của bệnh đột quỵ não
Rối loạn tiền đình và rối loạn thăng bằng.
- Chóng mặt: Bệnh nhân có cảm giác quay như bị đẩy sang một bên, bồng bềnh như ngồi thuyền. Các cơn này xuất hiện khi thay đổi tư thế đầu đột ngột, gập cổ, nghiêng đầu cổ về một bên, nhất là ngửa cổ quá mức. Đây là triệu chứng đặc hiệu quan trọng, thường gặp tới 80% trường hợp TMNTT.
- Đau đầu: Thường bệnh nhân có cảm giác căng, kéo, nảy như nhịp của mạch, khu trú ở vùng chẩm, hoặc chẩm – gáy. Trên 80% trường hợp TMNTT đau đầu xuất hiện sớm nhất.
- Rối loạn vận nhãn cầu và thị lực: Đây cũng là triệu chứng tương đối phổ biến, thường gặp tới khoảng 50% trường hợp. Bệnh nhân thấy nhìn mờ, như bóng tối, có khi mất thị lực hoàn toàn (mù vỏ não) trong một vài giờ. Nhìn đôi, lác mắt do tổn thương các dây thần kinh sọ não III, IV, VI. Trường hợp nặng có thể xuất hiện liệt nhìn sang một bên, liệt hội tụ nhãn cầu (hội chứng Parinaud). Còn có trường hợp bán manh, khuyết 1/4 thị trường.
- Rối loạn thính giác: Thường gặp là cảm giác có tiếng như ve kêu, ù ù như xay lúa, hay eng eng trong đầu. Có khi đột ngột ù cả hai tai, nghe tiếng động xa xăm, điếc hẳn một bên hay cả hai tai trong thời gian từ vài phút đến vài giờ.
- Cơn sụp đổ: Trong khi đứng hay đang đi, đột ngột thấy choáng váng hay chóng mặt, rồi rất nhanh sụp khuỵu gối xuống nhưng vẫn tỉnh táo nhận biết được những gì đã xảy ra. Sau đó lại vận động đi lại bình thường.
- Rối loạn vận động: Liệt nửa người ở các mức độ khác nhau, có kèm theo tổn thương dây thần kinh sọ não bên đối diện (hội chứng giao bên). Có thể liệt mặt (dây thần kinh sọ não số VII) trung ương và liệt nhẹ hai chân, có khi liệt tứ chi trong trường hợp tổn thương ở cầu não…
- Rối loạn cảm giác: Phần lớn là rối loạn cảm giác nông (đau, nóng, lạnh): giảm hoặc mất cảm giác nửa người (do tổn thương bó gai – thị). Rối loạn cảm giác chủ quan, biểu hiện cảm giác kim châm, kiến bò, nóng rát (dị cảm) ở một hay hai bên mặt (thiếu máu ở cầu não).
- Các triệu chứng hỗn hợp khác: Có một số trường hợp liệt họng – hầu, thanh quản kiểu trung ương, giảm sức co tứ chi (hội chứng giả hành não); giảm trí nhớ hiện tại, nhầm lẫn tạm thời, trầm cảm; giảm hoặc mất khả năng hoạt động sinh dục tạm thời, rối loạn nhịp tim do rối loạn thần kinh thực vật kiểu kết hợp; một số triệu chứng của rối loạn chức năng của tiểu não thường do cuống tiểu não dưới bị xâm phạm, như thiếu phối hợp vận động ở tay hoặc chân.
Nguyên nhân và cách điều trị tiền chứng đột quỵ não
Vì sao xảy ra tiền chứng đột quỵ não?
Mạch máu não.
Hẹp hay bít tắc lòng động mạch do cục huyết khối fibrin hoặc mảng cholesterol tích tụ được tạo thành do vữa xơ động mạch (VXĐM) hay mảnh canxi tách ra từ các van tim bị bệnh. VXĐM chính là do nguồn gốc rối loạn lipid máu. Nếu đường kính động mạch bị giảm sẽ dẫn tới sự thay đổi huyết động, giảm lưu lượng tuần hoàn não cục bộ tại các vùng do mạch máu đó nuôi dưỡng. Ở hệ động mạch cảnh, VXĐM khu trú ở đầu trung tâm của động mạch này sẽ gây hẹp đường kính động mạch từ 1-2mm gây thiếu máu ở võng mạc mắt và khu vực não của phần trước bán cầu đại não. Ở hệ động mạch sống – nền, các chồi xương và gai xương do thoái hóa cột sống lấn vào các lỗ ngang đốt sống gây chèn ép động mạch sống, cản trở dòng máu từ tim lên phần sau (thùy chẩm), bán cầu não và cả tiểu não, thân não.
Tăng huyết áp, nhất là bệnh não – tăng huyết áp gây co thắt mạch não, dẫn đến phá vỡ hàng rào máu não với suy giảm trương lực thành mạch gây thiếu máu cục bộ tại khu vực não do động mạch đó nuôi dưỡng. Riêng trường hợp huyết áp động mạch bị giảm thấp (huyết áp tâm thu giảm tới mức từ 80mmHg trở xuống) do các bệnh tim mạch, bệnh lý toàn thân hay do giảm huyết áp tư thế (từ nằm ngang đột ngột đứng dậy) cũng gây cơn thiếu máu não tạm thời toàn bộ não (cả hai hệ động mạch cảnh và hệ sống – nền). Rất ít trường hợp gây thiếu máu não cục bộ. Người ta cho rằng đó là do cơ chế co mạch não, nhất là người bệnh đã sẵn bị VXĐM, bệnh tăng hồng cầu, bệnh lý về máu, giảm đường huyết, đái tháo đường.
Các yếu tố thuận lợi khởi phát cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời (TMNCBTT): Thay đổi thời tiết đột ngột, nhất là thời điểm giao mùa và mùa đông dễ xảy ra hơn mùa hè. Trạng thái căng thẳng thần kinh trong đời sống nghề nghiệp hoặc môi trường xã hội và trong quan hệ sinh hoạt gia đình.
Chẩn đoán phân biệt bệnh đột quỵ não
Trên lâm sàng cơn TMNCBTT có nhiều triệu chứng của các rối loạn về tuần hoàn, mạch máu não, về thần kinh trung ương và thực vật và liên quan nhiều đến các bệnh toàn thân (tim mạch, thoái hóa cột sống cổ…) nên phải chẩn đoán phân biệt với nhiều chứng bệnh. Điều đó đòi hỏi phải có chọn lọc, cân nhắc toàn diện, nhất là đối với những trường hợp có những triệu chứng báo hiệu sớm ban đầu của một số bệnh cấp tính đe dọa sinh mạng người bệnh. Cần phân biệt TMNCBTT với cơn đột quỵ mạch máu não (chảy máu não, nhồi máu não), chảy máu dưới màng nhện, hội chứng tăng áp nội sọ; cơn thiếu máu cơ tim; ngất; bệnh não – tăng huyết áp; cơn giảm huyết áp do hạ đường huyết, do tư thế đứng đột ngột; hội chứng Menière; một số thể của bệnh đau nửa đầu, cơn động kinh nhỏ, vắng ý thức và cơn động kinh cục bộ; bệnh VXĐM (ngoài sọ, trong sọ, động mạch chủ); suy nhược thần kinh, suy não tuổi già. Ngoài ra còn nhiều loại bệnh toàn thân khác cần nghĩ tới sau đợt điều trị nghẽn cách cơn thiếu máu não mà diễn biến bệnh không mấy thuyên giảm như các bệnh rối loạn thành phần máu (hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu), dị dạng động mạch não, máu tụ dưới màng cứng, u não…
Điều trị cơn thiếu máu não cục bộ tạm thời
Sau khi đã có chẩn đoán xác định là thiếu máu não do khu trú ở hệ động mạch cảnh hay hệ động mạch sống – nền cần phải điều trị theo nguyên nhân gây bệnh; điều trị hội chứng cấp tính càng sớm càng tốt để bổ sung kịp thời cung lượng máu cho vùng bán cầu, quanh ổ thiếu máu; xử trí nhanh các yếu tố nguy cơ chủ yếu có thể đe dọa diễn biến bệnh thành đột quỵ nhồi máu não. Đây là thời cơ tranh chấp thời gian tính từng giây, từng phút để khôi phục tuần hoàn vi mạch tại mô não vùng thiếu máu; điều trị dự phòng ngăn chặn tái phát bằng các biện pháp chống ngưng kết tiểu cầu và chống đông máu tạo cục huyết khối, tắc nghẽn lòng động mạch. Sau cơn thiếu máu não, điều quan trọng nhất là điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu dựa trên kết quả xét nghiệm cholesterol, triglycerid, LDL – C và HDL – C. Niacin có tác dụng lớn làm tăng mức LDL (giảm tổng hợp LDL) và đặc hiệu dùng cho tăng glycerid với liều 5-12mg/ngày. Lovastin có tác dụng ngăn chặn tổng hợp cholesterol, làm giảm lượng LDL và tăng HDL, thường dùng với liều 20-40mg/ngày. Lipanthyl, fenbrat được dùng trong trường hợp tăng triglycerid, thường dùng từ liều thấp 100mg/ngày, 200mg/ngày và tối đa là 300mg/ngày. Thuốc điều trị phục hồi chức năng nhằm điều trị rối loạn thị giác và thính giác, căn nguyên bệnh lý mạch máu và rối loạn chức năng vỏ não (trí nhớ, trí tuệ…).
Các biện pháp dự phòng bệnh đột quỵ não
Fibrin gây bít tắc động mạch.
Phát hiện sớm và theo dõi điều trị các bệnh tăng huyết áp, tăng lipid máu, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Chú trọng phát hiện tiếng thổi tâm thu của động mạch cảnh ở cổ, một triệu chứng đặc hiệu của hẹp động mạch cảnh là nguy cơ đe dọa nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.
Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý: Giảm các yếu tố gây béo phì, chế độ ăn uống hợp lý, tránh tăng mỡ máu; bệnh thiếu vận động sẽ gây nhiều hậu quả có hại, nhất là ở người cao tuổi. Cần duy trì các hoạt động thể lực thích hợp với lứa tuổi và bệnh tật vốn có. Tránh các chấn động thần kinh, lo âu, buồn rầu và đời sống cô đơn. Có chế độ vui chơi, giải trí thích hợp và điều độ. Duy trì chu trình sinh học thức – ngủ là yếu tố rất quan trọng, tránh các tác nhân gây mất ngủ.
Các yếu tố gây giảm huyết áp quá mức cần được xử trí tích cực, kịp thời: Bệnh giảm huyết áp hệ thống, bệnh thiếu máu, bệnh đa hồng cầu; giảm huyết áp tư thế đứng do dùng thuốc hay do hạ đường huyết. Không hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hít thở không khí có khói thuốc. Sinh hoạt trong môi trường lành mạnh, tránh các kích thích quá mức của âm thanh và ánh sáng. Sự thay đổi khí hậu và thời tiết có tác động rất nhạy cảm, khởi phát cơn thiếu máu não nhất là khoảng thời điểm giao mùa, thay đổi đột ngột từ môi trường không khí giữa lạnh và nóng với khoảng cách quá cao cũng là yếu tố thuận lợi gây tái phát cơn thiếu máu não.
Cách chăm sóc người bị bệnh đột quỵ não
Đột quỵ có thể gây những hậu quả khác nhau và thường nặng nề đối với người bệnh cả về thể chất, tình cảm và nhận thức. Người chăm sóc bệnh nhân đột quỵ phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn để giúp cho người bệnh phụ hồi và an toàn.
Đi lại
Người đột quỵ có thể dẫn tới nguy cơ phải nằm liệt giường hoặc bị liệt không đi lại được. Những lý do bao gồm: liệt bán thân, giảm thăng bằng, suy giảm thị giác, mất thị lực ở một mắt. Người bệnh mất khả năng di chuyển đè nặng lên tâm lý của người bệnh và cả người chăm sóc.
Người bệnh sau đột quỵ cần sự cảm thông và chia sẻ
Lời khuyên:
- Người chăm sóc nên khuyến khích người bệnh tự chăm sóc bản thân nếu có thể an toàn. Người chăm sóc cố gắng tạo cơ hội cho người bệnh tự làm những việc theo khả năng của họ.
- Hướng dẫn người bệnh tham gia các bài tập vật lý trị liệu tăng cường sự linh hoạt có sự hỗ trợ của các thiết bị vật lý như gậy, khung tập đi, xe lăn,..
- Khám mắt thường xuyên để đánh giá thị lực và điều trị kịp thời.
- Người chăm sóc phải khuyến khích người bệnh tập luyện các bài tập di chuyển để duy trì tính linh hoạt và sức khoẻ một cách thường xuyên.
- Người bệnh có thể cố gắng tự chăm sóc bản thân như đi vệ sinh nhưng phải đảm bảo an toàn. Người chăm sóc có thể sắp xếp nội thất gọn gàng, thiết lập lịch trình hàng ngày cho người bệnh bao gồm cả thời gian đi vệ sinh, …
Người bệnh có thể tham gia tập vật lý trị liệu duy trì khả năng vận động
- Nếu người bệnh mất khả năng di chuyển, người chăm sóc phải nhận thức được sự mất mát này của người bệnh và cảm thông với họ. Tham khảo lời khuyên của bác sĩ hay chuyên gia tâm ký là cần thiết.
- Đối với người bệnh vẫn còn khả năng vận động nhưng giảm khả năng nhận thức thì vấn đề chính là an toàn. Lắp hệ thống báo động cửa cần thiết, sử dụng các thiết bị cảnh báo an toàn cho bếp, điện,….
Ăn uống
Đột quỵ có thể làm thay đổi khả năng nuốt của một số người. Đường hô hấp cũng có thể bị tổn thương do đó cần phòng tránh viêm họng. Người chăm sóc cần tìm hiểu kỹ thuật để chăm sóc an toàn thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Người bệnh sau đột quỵ thường ăn thức ăn loãng hơn
Lời khuyên:
- Nếu người bệnh trước đây dùng răng giả, hiện tại có thể không còn phù hợp. Tham khảo ý kiến nha sĩ để thay thế răng mới.
- Vấn đề chảy nước miếng và nước dãi khi ăn khiến cho người bệnh khó giữ được thức ăn ở trong miệng. Điều này gây bực bội cho cả người bệnh và người chăm sóc. Nóng vội không phải là cách giải quyết vấn đề này.
- Nhu cầu calo của người bệnh thấp hơn.
- Chăm sóc răng miệng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ sẽ góp phần duy trì khả năng nhai và nuốt.
- Thưởng thức nên là một phần của bữa ăn. Nên chuẩn bị các bữa ăn truyền thống tạo không khí ấm cúng.
- Nếu khó khăn trong việc nhai nuốt, cần khám bác sĩ để được điều trị.
Hồi phục sau xuất huyết não
Thực phẩm tốt cho người bị đột quỵ
Nguyên nhân của bệnh nhồi máu não
Nguyên nhân của bệnh nhũn não
Tai biến mạch máu não
Nguyên nhân của bệnh thiếu máu não
(st)