Con đã háo hức mong chờ ngày này biết bao! Nằm trong bụng mẹ chín tháng mười ngày, con nghe tất cả những âm thanh của cuộc sống bên ngoài thật hấp dẫn và lôi cuốn. Con cố gắng mau lớn và mạnh khỏe mà ra ngoài để được ba mẹ yêu thương nâng niu trong vòng tay. Nhưng cả tháng nay, từ khi lọt lòng mẹ con rất sợ hãi, mẹ ơi!
Sợ hãi là đặc điểm tâm lý chính của trẻ sơ sinh ở tháng tuổi đầu tiên. Ngay từ giây phút đầu tiên ra khỏi bụng mẹ, trẻ đã phải chịu những con sốc bắt buộc, một sự đảo lộn hoàn toàn với trạng thái cân bằng trong bụng mẹ. Những khủng hoảng này bất kì một đứa trẻ nào khi chào đời đều phải trải qua bằng cả ý chí sinh tồn.
Những ngày đầu tiên sống ở môi trường bên ngoài, trẻ chưa thể phân biệt được lúc thức với lúc ngủ và chưa thể “quên” môi trường êm ái trong bụng mẹ nên 80% của trẻ dành để ngủ. Những lúc trẻ thức để đòi hỏi đáp ứng các nhu cầu cơ bản khác của cơ thể là khoảnh khắc tích cực. Ngay thời gian này, đức tính kỷ luật, nghiêm túc dễ dàng hình thành ở trẻ nhờ việc mẹ tập cho trẻ một số phản xạ có điều kiện theo thời khóa biểu như ăn, ngủ đúng giờ. Nhu cầu về ấn tượng ở trẻ lúc này phát triển rất mạnh mẽ nhờ thu nhận các kích thích từ môi trường bên ngoài, nhất là ấn tượng về âm thanh, giọng nói của bố mẹ.
Những cơn co thắt của tử cung mà người mẹ đã dùng hết sức bình sinh để cố gắng cho đứa bé ra ngoài tạo nên một sức ép gấp 6 lần trọng lượng cơ thể của đứa bé là một áp lực trọng lượng rất khủng khiếp thai nhi phải chịu đựng trước khi ra đời. Ngay sau khi chịu các sức ép từ tất cả mọi phía để ra ngoài trẻ đã vấp phải một trạng thái nặng nề, đột ngột từ môi trường chất lỏng sang môi trường chất khí và sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn từ trong cơ thể mẹ ra môi trường bên ngoài. Môi trường tự nhiên trong bụng mẹ chính là môi trường an toàn nhất từ khi sự sống được hình thành cho đến khi chết một con người được trải qua.
Trong thai kì mẹ cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ, mẹ thở dùm cho trẻ, cả việc bài tiết cơ thể trẻ cũng được thực hiện qua cơ thể người mẹ. Nhu cầu sinh tồn bây giờ bắt buộc cơ thể trẻ phải tự làm tất cả những hoạt động trên. Nhu cầu oxy làm cho hệ hô hấp, hệ tuần hoàn máu bắt đầu hoạt động mà không còn bất kì một sự hỗ trợ nào từ cơ thể người mẹ. Ngay cả hơi thở đầu tiên của mỗi đứa trẻ đều phải bắt đầu từ một tiếng khóc. Chất dinh dưỡng không còn tự động truyền từ cơ thể người mẹ sang trẻ mà trẻ phải tự mút, bú và nuốt để hệ thống tiêu hoá nhận được dưỡng chất.
Tất cả những quá trình này là một bản năng sinh tồn mà tạo hoá đã tạo nên cho mỗi cơ thể sống. Nhưng trên thực tế, trẻ đã bắt đầu sống trong một môi trường mang tính chất xã hội, một khuôn khổ có sẵn mà người lớn đã thiết lập nên mà trẻ phải thích nghi, học tập hoặc phản ứng lại để thích nghi. Để phản ứng và thích nghi với tất cả những khó khăn trẻ tự bảo vệ bằng cách chìm vào trong giấc ngủ để tìm lại những cảm giác êm dịu như môi trường trong bào thai.
Nhu cầu về ấn tượng của trẻ lúc này chính là nhu cầu tinh thần, nó là tiền đề cho sự phát triển tâm lý vững vàng sau này. Nếu nhu cầu được thỏa mãn một cách đầy đủ sẽ tạo nên cho trẻ một bản tính tích cực và lanh lợi. Cũng chính vì vậy, ta giải thích được một câu nói đã có từ xa xưa: “Dạy con từ thuở còn thơ…”